Nguyễn Thị Hải
liễu
Xuân lai không đấu họa mi trường
Tiên trần một thuở vùi thân thế,
Nước Sở mơ màng mộng núi Vu.
Mưa tạnh mây tan, đài quạnh quẽ,
Liễu sầu, xuân đến vẫn tranh đua.
Hà huống soi mình trên bến Cẩm,
Đan thanh tình tứ cõi trời Xuyên.
Khói mưa thâm xứ buồng hương ngát,
Đối mảnh hồng tiên tạ chút duyên.
Chú thích:
“Xuân lai không đấu họa mi trường” là câu thơ trong bài “Yết Vu sơn miếu” của nữ thi sĩ Tiết Đào, thời Trung Đường.
Tiết Đào 薛涛 (khoảng 768-831), tự Hồng Độ 洪度, sinh ở Trường An, theo cha chuyển đến đất Thục. Cha Tiết Đào làm chức quan nhỏ, nhưng mất sớm, hai mẹ con Tiết Đào lưu lại Thành Đô sống nương tựa nhau. Tiết Đào từ nhỏ được cha dạy cho chữ nghĩa, văn chương, lên tám tuổi đã ứng khẩu đọc ra hai câu thơ vịnh cây ngô đồng: “Chi nghênh nam bắc điểu/Diệp tống vãng lai phong” (Cành đón chim nam bắc/Lá tiễn gió lại qua). Năm 16 tuổi, Tiết Đào trở thành ca kĩ, nổi danh tài sắc không chỉ ở vùng Tây Xuyên mà tiếng tăm còn vang đến tận kinh thành. Học vấn uyên bác, tài thơ hơn cả các bậc mày râu, nên bà được Vi Cao, Tiết độ sứ Kiếm Nam, Tây Xuyên có ý đề cử với triều đình, để phong cho bà chức “Hiệu thư lang” (chức quan trông coi về công văn, hàm cửu phẩm, thường do các tiến sĩ đảm nhận) trong soái phủ. Tuy ý định này bị gác lại, song danh hiệu “Nữ hiệu thư” từ đó đã gắn với tên tuổi của Tiết Đào. Khi bà qua đời, đích thân Tiết độ sứ Kiếm Nam khi ấy là Đoàn Văn Xương viết trên bia mộ “Tây Xuyên Nữ Hiệu thư Tiết Đào Hồng Độ chi mộ”. Các nhà thơ nổi tiếng đương thời từng có giao du với Tiết Đào, phải kể đến Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Trương Tịch, Vương Kiến, Lưu Vũ Tích, Đỗ Mục, Trương Hỗ... Trong số đó, Nguyên Chẩn (779-831) và Tiết Đào từng có một thời gian luyến ái sâu đậm, dù Nguyên Chẩn nhỏ hơn 10 tuổi, mới ngoài 30, người vợ kết tóc là Vi Tùng vừa mới qua đời, còn Tiết Đào tài sắc khi ấy cũng đã ngoài 40.
Bài thơ “Yết Vu sơn miếu” được cho là Tiết Đào viết ngay trên chiếu tiệc trong soái phủ Tiết độ sứ Vi Cao. Theo lời tựa “Cao Đường phú” của Tống Ngọc, thuật chuyện vua Sở và Tống Ngọc đi chơi ở đầm Vân Mộng, vọng ngắm Cao Đường (một cái đài trên núi cao dùng để tế tự) thấy mây bay mù mịt. Tống Ngọc bảo vua đó là “triêu vân” (tức mây buổi sáng), nhân đó kể lại sự tích tiên vương xưa đi săn ở Cao Đường, mỏi mệt nằm ngủ trưa, mộng thấy một người nữ, tự xưng là con gái ở Vu Sơn, nghe tin vua đến, nguyện được hầu chăn gối. Khi từ biệt nàng nói, nàng ở phía nam núi Vu, gò cao hiểm trở, sáng là mây, chiều là mưa. Sáng sớm hôm sau vua nhìn lên thấy quả như lời, cho lập miếu, đặt tên là “Triêu Vân”. Vua Sở Tương Vương nghe kể chuyện, đêm đó nằm mộng thấy Thần Nữ, chiêm ngưỡng dung nhan, phục sức, tư thái của nàng, đem lòng luyến ái song bị nàng từ chối. Vua lệnh cho Tống Ngọc viết bài “Thần Nữ phú”. Đời sau, Lý Thương Ẩn có bài thơ “Hữu cảm” bàn luận về chuyện này như sau: “Đâu phải vì Tống Ngọc có lời lẽ sâu xa/ Mà chỉ tại vua Sở chậm tỉnh mộng/ Từ khi bài phú Cao Đường làm xong/ Cả chuyện mây mưa nước Sở cũng ngờ là có ý khác.” (dịch nghĩa, nguồn thivien.net). Bài thơ của Tiết Đào cảm khái đài miếu tuy còn nhưng người xưa đã mất. Nước Sở suy vong há chẳng phải vì vua đắm đuối vẻ diễm lệ, yêu mị. Vua Sở hoang đường, li kỳ thật chẳng ích lợi gì cho nước Sở. Giờ đây, miếu đài quạnh quẽ, liễu biếc tranh xuân, nào khác gì giai nhân tranh sủng, đua vẽ mày liễu cho dài. Rốt cuộc cũng là suông.
*Bến Cẩm, tức Cẩm giang, sông chảy qua Thành Đô (Tứ Xuyên).
*Đan thanh, tức màu đỏ và màu xanh, từ chỉ hội họa, ngoài ra còn chỉ lông mày của người đẹp. (Ở đây muốn chỉ Tiết Đào.)
*Khói mưa thâm xứ, thành ngữ Hán ngữ có câu “Thục khuyển phệ nhật” (Chó đất Thục sủa mặt trời), ý nói bồn địa Tứ Xuyên bốn bề là núi cao, quanh năm không khí ẩm ướt, hơi nước tích tụ, trời nhiều mây mù, ít khi thấy mặt trời, đến nỗi chó thấy cảnh mặt trời thì liền sủa vì cảm thấy quái lạ, hàm ý “thiểu kiến đa quái”, trào phúng người thiển lậu, thiếu từng trải.
*Hồng tiên, tức Tiết Đào tiên, là một loại giấy có pha màu hồng, khổ nhỏ do Tiết Đào sáng chế dùng để chép thơ. Nguyên Chẩn tại chức Giám sát ngự sử, đi sứ Tây Xuyên, kết thân với Tiết Đào vỏn vẹn mấy tháng trời ngắn ngủi, sau đó ông về kinh, trải qua nhiều thăng giáng trên hoạn lộ. Nhưng từ lúc gặp gỡ nàng Lưu Thái Xuân, Nguyên Chẩn đã phụ bạc Tiết Đào. Trái lại, Tiết Đào thì khắc cốt ghi tâm mối tình này, bà ở vậy suốt đời. Khi có tuổi, bà lui về sống ẩn dật. Trong bài “Ký cựu thi dữ Nguyên Vi Chi” (Gửi cho Nguyên Vi Chi những bài thơ cũ), Vi Chi là tên chữ của Nguyên Chẩn, cựu thi là những bài thơ cũ của bà, nhận thấy bà vẫn coi Nguyên Chẩn là tri kỷ, lời thơ điềm đạm ân cần, ẩn chứa tấm tình tha thiết. Trích bốn câu cuối: “Trường giao bích ngọc tàng thâm xứ/ Tổng hướng hồng tiên tả tự tùy/ Lão đại bất năng thu thập đắc/Dữ quân khai tự hảo nam nhi” (Những tâm sự kín đáo sâu xa, gửi gắm hết trên trang giấy đỏ. Tuổi già không thể thu thập chỉnh lý chu toàn, gửi gắm ông nhận lấy, thay tôi chỉnh lý mà lưu truyền trong các bạn thơ).
谒巫山庙
乱猿啼处访高唐,
路入烟霞草木香。
山色未能忘宋玉,
水声犹是哭襄王。
朝朝夜夜阳台下,
为雨为云楚国亡。
惆怅庙前多少柳,
春来空斗画眉长。
Yết Vu sơn miếu
Loạn viên đề xứ phỏng Cao Đường,
Lộ nhập yên hà thảo mộc hương.
Sơn sắc vị năng vong Tống Ngọc,
Thủy thanh do thị khốc Tương Vương.
Triêu triêu dạ dã Dương Đài hạ,
Vi vũ vi vân Sở quốc vong.
Trù trướng miếu tiền da thiểu liễu,
Xuân lai không đấu họa mi trường.
Dịch thơ: (nth dịch)
Thăm miếu Vu Sơn
Non vang tiếng vượn hỏi Cao Đường,
Lối mịt khói sương, rừng dậy hương.
Sắc núi chưa quên tình Tống Ngọc,
Tiếng khe như tợ khóc Tương Vương.
Khuya khuya sớm sớm Dương Đài giáng,
Mây sớm mưa khuya nước Sở khuynh.
Âu sầu trước miếu dăm vòm liễu,
Xuân suông đua vẽ nét mi trường.
Nguyễn Thị Hải
2021