Nguyễn Thị Hải

 

cổ thi tư cảm

 

Đường Về

Mã tiền sơ kiến mễ nang hoa

 

Hiểm đạo gian nan lần cuối

Bao Tà mặc khách ngược xuôi

Bình xuyên quê nhà ngóng đợi

Tới nơi, hồn tạnh mù khơi

 

Thiên lý ngựa nào cũng mỏi

Vạn dặm ai chẳng bạc đầu

Giữa làn bụi trần lắng đọng

Bồi hồi thấy lại mễ nang

 

“Mã tiền sơ kiến mễ nang hoa” là câu thơ trong bài “Tây quy xuất Tà Cốc” của Ung Đào, thi nhân đời Vãn Đường.

Ung Đào 雍陶 (801 hoặc 805?-?), tự Quốc Quân , người Thành Đô, Tứ Xuyên. Năm thứ 8 niên hiệu Đại Hoà (834) thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Thị ngự sử, Quốc tử “Mao thi” bác sĩ, Giản Châu thứ sử, nên còn được người đời gọi là Ung Giản Châu. Vãn niên, ông từ quan, nhàn cư tại Lô Sơn, Nhã Châu, Tứ Xuyên.

Ung Đào xuất thân bần hàn, có tài văn chương thi phú nên thường tự ví mình với Tạ Tuyên Thành (Tạ Diễu, thi nhân đời Nam Bắc Triều), Liễu Ngô Hưng (Liễu Uẩn, thi nhân, đại thần nhà Lương). Thơ của ông được đánh giá là uyển chuyển, thanh lệ, có tên tuổi và cống hiến nhất định trên thi đàn đương thời.

*Sạn đạo Bao Tà 褒斜栈: Là một sơn đạo xuyên qua dãy Tần Lĩnh, liên thông giữa Tần Xuyên và Ba Thục (tức Thiểm Tây và Tứ Xuyên). Sử sách cho rằng sạn đạo này được làm từ thời Chiến quốc, có vị trí trọng yếu trong lịch sử Trung Quốc cổ và trung đại. Thời Tam quốc, quân Thục và Nguỵ thường tiến đánh nhau thông qua ngả này.

*Bình xuyên, tức vùng đồng bằng rộng lớn.

*Lộ trình hồi hương của Ung Đào là từ kinh đô Trường An, đi qua sạn đạo Bao Tà, vượt Kiếm Các, đi vào bình nguyên Thành Đô.

*Hoa Mễ nang, tức hoa Anh túc.

 

西归出斜

雍陶

过险栈出褒斜,出尽平川似到家

無限客愁今日散,马前初见米囊花

Tây quy xuất Tà Cốc

Hành quá hiểm sạn xuất Bao Tà,

Xuất tận bình xuyên tự đáo gia.

Vô hạn khách sầu kim nhật tán,

Mã tiền sơ kiến mễ nang hoa.

 

Về Tây qua ngả Tà Cốc

Vượt qua sạn đạo nguy hiểm ra khỏi khe núi Bao Tà,

Đến vùng bình xuyên giống như về được đến nhà.

Bao nhiêu buồn khổ nơi đất khách hôm nay đều tan biến,

Phía trước mình ngựa thoạt nhìn thấy hoa mễ nang.

 

Nguyễn Thị Hải

12/2020