Nguyễn Thị Hải

 

dịch xá

Chỉ hoa minh dịch tường

 

Tường đất kề chanh dại

Thơm đắng trộn buồn rầu

Dịch xá giờ lưu biệt

Sáng màu hoa xuân đầu

1 Chỉ hoa minh dịch tường 枳花明驿墙 (hoa chỉ nở trắng vách tường nhà trạm), trích trong “Thương Sơn tảo hành” của Ôn Đình Quân (812-870), thi nhân thời Vãn Đường. Ôn Đình Quân giỏi về thơ từ, âm nhạc, nhưng đi thi không đậu, vì sinh kế phải ra làm chức quan nhỏ, cuối đời từ quan sống phiêu lãng. “Thương Sơn tảo hành” có thể được viết vào quãng năm ông 48 tuổi (năm 859), rời kinh đô Trường An, đi qua Thương Sơn đến huyện Tùy nhận chức úy.

 

Chỉ hoa: hoa cây chỉ, cây thuộc họ chanh quýt, còn gọi là chỉ thực, quýt hôi, cành mọc nhiều gai, ra hoa trắng vào mùa xuân, quả chín vàng vào mùa thu. Thường mọc chỗ đất hoang, bên đường, hoặc trồng làm hàng rào.

 

2 Thương Sơn tảo hành

Mờ sớm chuông khua rộn
Người đi thương cố hương
Điếm tranh gà gáy nguyệt
Cầu ván khách in sương
Lá hộc rụng rơi lối
Hoa gai rực rỡ tường
Đỗ Lăng hoài giấc mộng
Le nhạn đầy đê đường

(Đông A dịch)

 

 

 

rau hẹ
Dạ vũ tiễn xuân cửu

 

Rau hẹ xuân mới mọc
Bạn xa chợt đến nhà
Mâm cơm thời tao loạn
Thời trân trẻ bày ra

 

Rau từng dâng thánh thượng
Thuở nước non thái hoà
Nay theo người đào thế
Chút điền viên gọi là...

 

1. Dạ vũ tiễn xuân cửu, (mưa xuân hái rau tối, Trần Trọng San dịch). Câu thơ trong bài “Tặng Vệ Bát xử sĩ” của thi hào Đỗ Phủ. Vệ Bát là người con thứ Tám nhà họ Vệ, ở ẩn không ra làm quan, thời trẻ từng kết giao với Đỗ Phủ, Lý Bạch, Cao Thích.                                                                                   

Bài thơ được viết vào khoảng mùa xuân năm 759, lúc này Đỗ Phủ đang giữ chức Tư công tham quân ở Hoa Châu. Trên đường từ Đồng Quan về Hoa Châu, đi qua huyện Phụng Tiên, ghé thăm nhà Vệ Bát. Thời loạn, nhân sinh ly đa tụ thiểu, thoắt trùng phùng thoắt ly biệt, lời thơ cảm khái bi thương.

 

2.Kinh Thi, Bân phong, chương 8, có câu “Tứ chi nhật kỳ tao, hiến cao tế cửu” (Tháng hai trong buổi sớm chầu, Tế dâng dê nhỏ và rau cửu này. Tạ Quang Phát dịch). Rau cửu tức là rau hẹ, thời Chu dùng làm lễ vật mùa Xuân dâng Thiên Tử.  

Đỗ Phủ từng viết :

“Trí quân Nghiêu Thuấn thượng

Tái sử phong tục thuần”

(Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn

Lại cho phong tục thuần)

(Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận, Nhượng Tống dịch)

 

3.Thời trân, sản vật theo mùa; Đào thế, tức là trốn đời, ý nói người ẩn dật. Bài này mượn lời Vệ Bát đáp thơ Đỗ Phủ.

 

 

 

qua sông
Hướng dư đông chỉ hải vân sinh

 

Hoành Giang đầu ngón trỏ
Sóng gió khó độ thuyền
Đồng lưu bờ đá hiểm
Mây nước che bờ sang

 

Thấm thoát cơn phiêu bạc
Lại trở về Giang Nam 
Hoành Giang còn sóng dữ
Người sang thôi vội vàng

 

1.Hướng dư đông chỉ hải vân sinh 向余东指海云生 (phía đông tay trỏ biển mây nhòa), câu thơ trong bài thơ thứ 5 trong tổng 6 bài “Hoành Giang từ” của Lý Bạch. Sáu bài “Hoành Giang từ” tả cảnh Hoành Giang khí hậu biến động, sóng gió bạo liệt, địa thế hiểm yếu, nhất thời không thể xuống thuyền.

Đến nay vẫn chưa rõ Lý Bạch viết “Hoành Giang từ” vào thời gian nào, có thuyết cho rằng ông viết năm 726, tức khi ông 25 tuổi, mới rời đất Thục, chống kiếm lãng du, ngao du sơn thủy.  Có thuyết cho rằng, ông viết vào năm 742 (tức năm Thiên Bảo nguyên niên), phụng chiếu vào kinh ra mắt Đường Huyền Tông, nhưng “sóng bạc tày non” trên sông Hoành Giang đã ngăn trở đường đến “Tây Tần” (tức kinh đô Trường An). Có thuyết lại cho rằng, chùm thơ Hoành Giang viết năm 755, đêm trước loạn An Sử, mà quang cảnh sóng gió hung hiểm của Hoành Giang tượng trưng cho tình thế nguy cấp khi đó…

Tuy chưa rõ bước đường sau khi Lý Bạch sang sông, nhưng chúng ta biết cuối đời ông lưu lạc ở vùng sông nước núi non Hoành Giang, Thái Thạch. Gành Thái Thạch nằm ở bờ Đông Nam sông Trường Giang, đối diện với bến Hoành Giang dạo nọ ở bên bờ Tây Bắc. “Thái Thạch giang biên Lý Bạch phần” (Mộ Lý Bạch nằm bên bờ sông Thái Thạch, thơ Bạch Cư Dị), và có “Tróc nguyệt đài” (Đài bắt trăng), huyền thoại về cái chết của nhà thơ.

 

2.  Hoành Giang từ, bài 5

Trước quán Hoành Giang lính đón ta
Phía đông tay trỏ biển mây nhoà
Sang sông nay bác làm chi đó
Sóng gió dường này khó nỗi qua!

(Lê Nguyễn Lưu dịch, theo thivien.net)

 

Nguyễn Thị Hải

 

http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html

 

 

© gio-o.com 2019