Nguyễn Thị Hải
đêm xuân
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Chim núi kinh trăng mọc
Khe xuân vẳng tiếng kêu
Vườn riêng hoa quế rụng
Nhàn nhân cũng bạc đầu
1. Nguyệt xuất kinh sơn điểu 月出惊山鸟,câu thơ trong bài “Điểu minh giản” của Vương Duy (699-759), thi nhân đời Thịnh Đường. Đây là bài thứ nhất trong chùm bài “Hoàng Phủ Nhạc Vân Khê tạp đề”. Vân Khê được cho là Nhược Da khê, ở Thiệu Hưng, Chiết Giang. Năm 723, Vương Duy thôi giữ chức Đại Nhạc Thừa, bị đưa khỏi kinh đô Trường An, làm Tư Thương Tham Quân ở Tế Châu (Sơn Đông). Ông có thời gian từ quan để du lịch danh lam thắng cảnh rộng về phía Đông, trước khi trở về Trường An làm Hữu Thập Di.
Vương Duy được người đời gọi là “Thi Phật”, vì tinh thần Phật giáo Thiền tông thể hiện trong phần lớn thơ ca của ông. (Ông vốn là Phật tử, tên chữ là Ma Cật, lấy theo tên quyển kinh Đại thừa Duy Ma Cật). Tự xưng là “nhàn nhân” và tự nhận “Vãn niên duy hiếu tĩnh/ Vạn sự bất quan tâm” nhưng sao tránh khỏi có những khi “Độc tọa bi song mẫn” (Ngồi thương hai mớ tóc mai, Trần Trọng Kim dịch), "Thanh kính lãm suy nhan" ( Trong gương già đến rồi) với những tâm sự uẩn súc khó tỏ bày, giữa một thời đại có nhiều biến cố kinh tâm.
2. Hoa quế còn gọi là mộc tê, hay hoa mộc, nở vào mùa xuân, mùa hạ hay mùa thu, tùy từng loài.
3. Vườn riêng, chỉ trang viên của Hoàng Phủ Nhạc, mà khi này Vương Duy đang là lưu khách.
4. Điểu minh giản
Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh xuân giản trung
Chim hót trong khe
Người nhàn hoa quế rụng
Đêm vắng núi xuân không
Trăng tỏ động chim núi
Khe xuân chợt hót vang
(Vũ Thế Ngọc dịch thơ)
hương đỗ
Phong khởi dao văn đỗ nhược hương
Đỗ nhược miền sơn dã
Bất ly hồn sơn nhân
Một phen hoài khó nhọc
Mới hay hương hoa bền
Gió lộng bờ Anh Vũ
Lâm hành tôi tiễn anh
Dòng lưu ly chảy mãi
Còn vương đỗ nhược tình
Phong khởi dao văn đỗ nhược hương (Xa nghe trong gió có mùi thơm đỗ nhược), câu thơ trong bài “Anh Vũ châu tống Vương Cửu chi Giang Tả”, của Mạnh Hạo Nhiên (689-740), thi nhân đời Đường. Mạnh Hạo Nhiên người Tương Dương, Hồ Bắc. Bãi Anh Vũ, Hoàng Hạc lâu, hồ Động Đình, Hiện sơn... cũng là những danh thắng trong địa bàn tỉnh này. Mạnh Hạo Nhiên tiễn bạn là Vương Cửu đi Giang Tả (tức Dương Châu, tên cũ là Quảng Lăng), trong thơ tả hết vẻ đẹp của bãi Anh Vũ lúc chiều xuống trăng lên. Khi khác, ông lại được người bạn vong niên là Lý Bạch tiễn hành, bài thơ ấy cũng trở thành bất hủ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”.
Mạnh Hạo Nhiên cả đời ẩn cư núi Lộc Môn, chưa từng ra làm quan, nên ngoài tên hiệu Mạnh Tương Dương, người đời còn gọi ông là Mạnh Sơn Nhân.
Tuy vậy, Mạnh Hạo Nhiên từng bộc lộ ý hướng xuất sĩ, nguyện vọng làm quan, nhưng không thành. Trong bài “Lâm Động Đình” tặng thừa tướng Trương Cửu Linh có câu:
“Dục tế vô chu tiếp
Đoan cư sỉ thánh minh”
(Qua bến thuyền đâu có
Đời lành thẹn ở không) - Lê Nguyễn Lưu dịch.
Năm 40 tuổi, tới Trường An thi tiến sĩ không đậu, làm thơ từ biệt Vương Duy, có câu:
“Đương lộ thuỳ tương giả
Tri âm thế sở hy
Chỉ ứng thủ tịch mịch
Hoàn yểm cố viên phi”
(Những người đương lộ ai dung
Tri âm mấy kẻ ở trong đời này
Chỉ nên im lặng qua ngày
Trở về vườn cũ cửa cài ở yên)- Trần Trọng Kim dịch.
Nguyễn Thị Hải
http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html
© gio-o.com 2019