cổng thành Hercules ở thủ đô Amman, Jordan (photo: Ngô Bắc)
Nguyễn Thị Hải
cửa thành
Xuất môn hà sở kiến
Đất Tống ngày tháng rộng
Cửa thành nhiều bận qua
Sắc xuân trên đồng ruộng
Men cay say la đà
Tri âm chưa gặp mặt
Thư kiếm vắng người trao
Mỗi ngày ra cửa lớn
Ý mang nhiên dâng trào
Xuất môn hà sở kiến 出门何所见 là câu thơ trong bài “Điền gia xuân vọng” của Cao Thích, thi nhân đời Thịnh Đường.
Cao Thích (704-765), tự Đạt Phu, quê quán Bột Hải, tỉnh Hà Bắc. 20 tuổi từng đến kinh đô Trường An, cầu công danh không đạt, chuyển đến sống ở đất Tống (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), cày cấy, câu cá, đốn củi mưu sinh. 40 tuổi mới ra làm chức huyện úy, song vì “Đón lạy quan trên lòng tan nát/ Đánh đòn dân chúng dạ thêm thương” (Phong Khâu tác) nên đã từ quan. Về sau, Cao Thích làm môn hạ dưới trướng tướng quân Ca Thư Hàn, được Ca Thư Hàn tiến cử với vua Đường Huyền Tông. Đến đời Đường Túc Tông, có công đánh bại Vĩnh Vương Lý Lân, được thăng chức Hình bộ thị lang, Tán kị thường thị, phong tước Bột Hải huyện hầu. Vãn sinh phú quý.
Cao Thích là một trong bốn nhà thơ viết về chủ đề biên tái xuất sắc thời Đường, ba người khác là Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán. Cùng với Sầm Tham tề danh, hậu thế gọi là “Cao Sầm”.
Cao Thích viết bài thơ “Điền gia xuân vọng” năm 734, cho mãi đến mùa thu năm 744 ở Tống Châu, mới gặp gỡ và kết giao bằng hữu thân thiết với Lý Bạch, Đỗ Phủ. Năm đó, Lý Bạch 43, Cao Thích 40, Đỗ Phủ 32, ba thi hào cùng nhau du ngoạn, cuồng tửu phú thi, vô cùng tương đắc. Sau kỳ tương hội, mỗi người một con đường, thăng trầm khó lường. Cao Thích hiển đạt công danh, Lý Bạch trái lại lâm cảnh tù ngục, khi được phóng thích sống đời lưu lãng, còn Đỗ Phủ lận đận cơ hàn, qua đời trên chiếc thuyền rách nát.
Bài thơ “Điền gia xuân vọng” cho thấy rõ tâm trạng của Cao Thích lúc tuổi trẻ vị ngộ. Trong bài thơ gửi Đỗ Phủ, “Nhân nhật ký Đỗ Thập di” (Ngày nhân nhật gửi ông thập di họ Đỗ) của Cao Thích có câu: “Nhất ngọa Đông Sơn tam thập xuân/Khởi tri thư kiếm lão phong trần” (Đông Sơn ba chục xuân chầy/Biết đâu thư kiếm không dây phong trần) (Trần Trọng Kim dịch thơ), mượn tích danh sĩ Tạ An đời Đông Tấn, ẩn dật ở Đông Sơn, gần 40 tuổi mới trở lại triều đình làm quan. Nhưng Tạ An chủ động ẩn dật vì chưa hợp thời, còn Cao Thích thế cô, không người tiến dẫn, trong khi ông là một người rất nhiệt tình về mặt công danh, ôm hoài bão lập thân báo quốc.
Bài thơ Điền gia xuân vọng
Xuất môn hà sở kiến,
Xuân sắc mãn bình vu.
Khả thán vô tri kỷ,
Cao Dương nhất tửu đồ.
Dịch nghĩa:
Ra cửa thành nhìn thấy cảnh gì,
Thấy màu xuân tràn đầy trên đồng ruộng.
Buồn vì không có người tri âm tri kỷ,
Một mình ta, say sưa như gã cuồng sĩ Cao Dương thuở trước.
Cao Dương tửu đồ: Tức Lịch Tự Cơ, còn gọi là Lịch Sinh. Sử Ký, Tư Mã Thiên thuật lại trong thiên “Lịch Sinh, Lục Giả liệt truyện”. Lịch Sinh quê ở làng Cao Dương, huyện Trần Lưu, khi Lưu Bang đưa binh đến Trần Lưu, tìm hỏi hào kiệt địa phương, Lịch Sinh bèn xin vào yết kiến. Nghe sứ giả nói, Lưu Bang không thích nho sinh, Lịch Sinh trợn mắt chống kiếm quát sứ giả: “Đi! Vào bẩm Bái công, ta là tửu đồ ở Cao Dương, không phải là nho sinh.” Về sau Lịch Sinh rất được Lưu Bang trọng dụng.
Mang nhiên, 茫然. Lý Bạch có câu thơ, “Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên” (Rút kiếm nhìn quanh lòng mênh mang). Mờ mịt, mênh mang, tiền đồ vô định, tiến thoái lưỡng nan...
Nguyễn Thị Hải
http://www.gio-o.com/NguyenThiHai.html
12/2019