nhà thơ Giang Hà

 

THƠ TRUNG QUỐC HIỆN ĐẠI 

Nguyễn Thị Hải dịch thơ

 

6.

GIANG HÀ

 

Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời vào ngày 8.1.1976, sự kiện này đã dẫn đến việc quần chúng tập trung về quảng trường Thiên An Môn để đặt vòng hoa, dán câu đối viếng và thơ ai điếu để tưởng niệm cố thủ tướng. Đây cũng là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến phong trào kháng nghị phi bạo lực còn gọi là “vận động Tứ Ngũ” diễn ra từ đầu tháng 4 năm 1976, thu hút hàng triệu người tham gia. Nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố đây là phong trào phản cách mạng nên điều lực lượng trấn áp, giải tán dân chúng, dọn sạch vòng hoa, thực thi giới nghiêm. Đến tháng 11 năm 1978, Trung Quốc sửa sai, thừa nhận đây là phong trào của quần chúng cách mạng. Song song với việc sửa sai, “Thiên An Môn thi sao” (tuyển tập thơ Thiên An Môn) cũng được xuất bản, tập hợp các sáng tác nhân sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn.

 

Cũng trong thời gian này, nhà thơ Giang Hà đã sáng tác một loạt thơ trữ tình chính trị như “Bia kỉ niệm”, “Tổ quốc ơi, Tổ quốc”, “Bài thơ chưa viết xong”… được công bố lần lượt trên tạp chí “Kim Thiên” trong năm 1979.

 

“Bia kỉ niệm” tức tấm bia kỉ niệm các anh hùng nhân dân đặt ở quảng trường Thiên An Môn, được xây dựng hoàn thành năm 1958. Hình ảnh bia kỉ niệm đứng giữa, hai bên là “Viện bảo tàng lịch sử và toà nhà đại hội nhân dân” giống như một chiếc cân lớn, đã gợi ra trong nhà thơ những suy tư về lịch sử và thời đại với một ý thức công dân mạnh mẽ. Ý thức này là sản phẩm của thời đại, đánh dấu sự thức tỉnh từ trong quá khứ mịt mờ, từ sau một giấc ngủ triền miên. Hồi ức lại những thảm nạn, những vinh nhục tiền kiếp, đối diện thực tại và tương lai, sẵn sàng tuyên bố:

“Vậy thì

Đấu tranh chính là chủ đề của tôi

Tôi đem thơ và sinh mệnh của tôi

Dâng hiến bia kỉ niệm”

Bài thơ tiêu biểu cho lối thơ tượng trưng của trường phái thơ Mông lung. Ngoài ra, bài thơ còn đồng nhất chủ thể và khách thể, “tôi chính là bia kỉ niệm”, hợp nhất chủ quan và khách quan, hợp nhất cá nhân và nhân dân, tạo ra ý tượng thơ có tính lập thể và đa nguyên,  cũng tạo ra đa dạng hướng tiếp nhận từ phía độc giả.

 

*Nhà thơ Giang Hà 江河, tên thật là Vu Hữu Trạch 于友泽, sinh năm 1949 tại Bắc Kinh. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Phổ thông đã vào làm công nhân ở Bắc Kinh. Năm 1971, bắt đầu sáng tác. Trước đó Giang Hà đã có giao lưu với thi xã Bạch Dương Điến. Ông là một trong năm nhà thơ hàng đầu của thi phái Mông Lung gồm Bắc Đảo, Cố Thành, Dương Luyện, Thư Đình, Giang Hà. Sáng tác của ông đa dạng thể loại, gồm thơ trữ tình chính trị trầm hùng, bi khái, thơ sử thi hiện đại, sử dụng các nguyên mẫu trong thần thoại Trung Hoa, ngoài ra còn có loại thơ ngắn trữ tình… Sau biến cố gia đình, ông sang Mỹ năm 1988 và không còn liên lạc với bạn bè cũ trên thi đàn.

 

*****

 

Bia KNiệm

 

Tôi thường nghĩ

Cuộc sống cần có một điểm tựa

Điểm tựa này

Là một tấm bia kỉ niệm

 

Quảng trường Thiên An Môn

Trên chiếc bệ bê tông kiên cố

Dựng lên sự tôn nghiêm của dân tộc Trung Hoa

Bia kỉ niệm

Viện bảo tàng lịch sử và toà nhà đại hội nhân dân

Giống một cái cân lớn

Một bên

Là lịch sử, là lời giáo huấn của ngày hôm qua

Còn một bên

Là hôm nay, là nghị lực và tương lai

 

Bia kỉ niệm lặng lẽ đứng ở đó

Giống tư thế của người chiến thắng

Giống anh hùng trải qua nhiều lần thất bại

Đang trầm tư

Toàn bộ cốt cách dân tộc là kết cấu của nó

Sự hi sinh vĩ đại của nhân dân đã ban cho nó sinh mạng

Nó thức dậy từ đêm tối cổ xưa phương Đông

Khắc ghi trên thân thể những điều không thể lãng quên

Từ đây

Ánh mắt nó chăm chú nhìn thế giới và cách mạng

Tên gọi của nó là Nhân dân

 

Tôi nghĩ

Tôi chính là bia kỉ niệm

Thân thể tôi chất đầy những đá

Lịch sử dân tộc Trung Hoa có bao nhiêu gánh nặng

Thì tôi có bấy nhiêu trọng lượng

Dân tộc Trung Hoa có bao nhiêu vết thương

Thì tôi chảy bấy nhiêu máu huyết

 

Tôi đang đứng

Đối diện hoàng cung đời trước

Nền văn minh đó như thể vàng ròng

Có trí tuệ của tôi, lao động của tôi

Châu báu bị cướp đoạt của tôi

Cho đến khi Mặt trời lên

Ngói lưu ly đổ bóng màu tím

 ⁃ Tôi trong giấc mơ khổ nạn

Tại nơi này

Tôi bị đem bán vô số lần

Đầu tôi bị chặt đứt

Trên người vẫn còn dấu tích xiềng xích

Để nguyên trạng đem tôi mai táng

Một sinh mạng chết đi trở thành bí mật phương Đông

 

Nhưng

Tội ác cuối cùng sẽ bị thanh toán

Tội ác cuối cùng sẽ bị công khai

Khi cái chết không thể né tránh

Máu tuôn chảy không bao giờ đông lại

Khi trên đất đai của tổ quốc chỉ toàn rên xiết

Tiếng nói của chân lí sẽ càng vang vọng

Đã như hi vọng không bị tuyệt diệt

Đã như Mặt trời mỗi ngày mọc ở phía Đông

Chân lí sẽ đem những gì tổ tiên chưa kịp hoàn thành

Gửi lại thanh súng

Cách mạng lấy máu thấm đẫm lá cờ

Gửi lại gió, gửi lại không khí tự do

Vậy thì

Đấu tranh chính là chủ đề của tôi

Tôi đem thơ và sinh mệnh của tôi

Dâng hiến bia kỉ niệm

1977

 

Nguyên tác:

纪念碑

作者:江河

 

我常常想

生活应该有一个支点

这支点

是一座纪念碑

 

天安门广场

在用混凝土筑成的坚固底座上

建筑起中华民族的尊严

纪念碑

历史博物馆和人民大会堂

像一台巨大的天平

一边

是历史,是昨天的教训

另一边

是今天,是魄力和未来

 

纪念碑默默地站在那里

像胜利者那样站着

像经历过许多次失败的英雄

在沉思

整个民族的骨骼是他的结构

人民巨大的牺牲给了他生命

他从东方古老的黑暗中醒来

把不能忘记的一切都刻在身上

从此

他的眼睛关注着世界和革命

他的名字叫人民

 

我想

我就是纪念碑

我的身体里垒满了石头

中华民族的历史有多么沉重

我就有多少重量

中华民族有多少伤口

我就流出过多少血液

 

我就站在

昔日皇宫的对面

那金子一样的文明

有我的智慧,我的劳动

我的被掠夺的珠宝

以及太阳升起的时候

琉璃瓦下紫色的影子

——我苦难中的梦境

在这里

我无数次地被出卖

我的头颅被砍去

身上还留着锁链的痕迹

我就这样地被埋葬

生命在死亡中成为东方的秘密

 

但是

罪恶终究会被清算

罪行终将会被公开

当死亡不可避免的时候

流出的血液也不会凝固

当祖国的土地上只有呻吟

真理的声音才更响亮

既然希望不会灭绝

既然太阳每天从东方升起

真理就把祖先没有完成的

留给了枪

革命把用血浸透的旗帜

留给风,留给自由的空气

那么

斗争就是我的主题

我把我的诗和我的生命

献给了纪念碑

 

GIANG HÀ

Nguyễn thị Hải dịch

2021