NGUYỄN THẢO: VUI VỚI JAZZ, BUỒN VỚI BLUES




TRƯỜNG KỲ

Nhiều người đưa ra nhận xét  nhạc Jazz không khác gì một món ăn lạ miệng. Đối với phần đông những người Việt yêu nhạc, đó còn là một món ăn...khó nuốt, mặc dù đã hiện diện trên bàn tiệc âm nhạc từ rất lâu. Những nghệ sĩ đang có chủ trương mang nhạc Jazz, nhạc Blues vào dòng nhạc Việt đều công nhận như vậy. Nhưng vốn mang nặng tinh thần cải cách, hoặc đúng hơn là muốn có những thay đổi trong dòng nhạc Việt Nam, họ cho đó là một sự cần thiết hầu đóng góp vào sự phong phú trong vấn đề thưởng thức nơi phiá khán thính giả. Trong số rất ít những nghệ sĩ đó có hai anh em Ngu Yên và Nguyễn Thảo. Người anh Ngu Yên là một thi sĩ nổi tiếng với những tư tưởng lạ với cách sử dụng ngôn từ được đánh giá là “bạo” và “ngông”trong thi ca. “Ngông” nhưng thực tế, “bạo” nhưng đi sát cuộc sống hàng ngày mà ít người mạnh dạn trình bầy. Trong âm nhạc cũng vậy, Ngu Yên nhiều khi không cần tôn trọng nguyên tắc để đi đến một sự nổi loạn trong âm điệu. Tất cả được anh đưa vào những âm thanh được gọi là Jazz, Blues hoặc đôi khi là nhạc Rock hay Flamenco. Người em Nguyễn Thảo cùng chủ trương với người anh lớn hơn mình 6 tuổi, là người chuyên chở một cách thích hợp và trung thực những gì Ngu Yên muốn gửi tới người nghe. Khởi đầu với CD “Bóng Nắng Khuya”, phát hành cách đây 2 năm. Và bây giờ với CD “Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai”, mới được phát hành vào đầu tháng 12 năm 2004.

Tên Nguyễn Thảo tuy còn xa lạ với nhiều người, nhưng anh là một giọng ca rất quen thuộc ở thành phố Houston trong những chương trình văn nghệ, đặc biệt trong những chương trình do nhóm Viet Art thực hiện từ nhiều năm nay. Cách đây trên 10 năm, giọng hát của Nguyễn Thảo đã được trung tâm Thuý Nga để ý và mời cộng tác. Nhưng thời gian này việc học vấn đã không cho phép Nguyễn Thảo nhận lời một cách lâu dài. Đó là thời kỳ anh chuyển qua học ngành nha khoa. Do đó, Nguyễn Thảo chỉ xuất hiện trong một chương trình “Paris By Night” duy nhất vào năm 1993 với nhạc phẩm Tình Yêu Gần Gũi do anh sáng tác vào năm 1990 cùng với người bạn tên Hoàng Quý Lâm, con trai cố đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.

Với những nhạc phẩm của Ngu Yên trong CD “Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai”, Nguyễn Thảo đã dựng thành một vở nhạc kịch một màn, mang cùng tên để trình diễn trên sân khấu. Về nội dung của vở nhạc kịch, phối hợp từ những nhạc phẩm rời của Ngu Yên do Lý Giai Niên hoà âm trong CD  “Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai”, Nguyễn Thảo trình bầy, là “tư duy của con người đối với Thượng Đế, trong đó có nhữngsự phẫn nộ”, nên anh đã đưa nhạc Rock vào một số nhạc phẩm để đạt được sự phẫn nộ đó nhiêu hơn....

Riêng về phần lời ca, anh cho biết rất thích sự diễn tả ngôn từ của ngu Yên “ vì nó có một tính chất manh, tính chất mới lạ  cũng như những điểm mà  không phải chỉ về chuyện tình yêu không . Đa số nhạc của anh ấy đôi lúc  nói về đời sống , nói về những triết lý nên  em cảm thấy thích hơn, hiểu được hơn . Thành thử ra trong những bài nhạc của anh ấy,  em chọn ra những bài nào mà  em thích về nhạc cũng như  về lời.  Sau đó em mới  bắt đầu thâu

Nguyễn Thảo cũng phải công nhận là nhạc của Ngu Yên “bắt bẻ “ người hát rất nhiều , thành ra có những đoạn khó xử lý.   Theo anh cảm thấy vấn đề này sẽ rất có thể gây ra sự khó chịu cho người nghe nên sợ sau khi CD phát hành sẽ không đáp ứng được sự thưởng thức của những người yêu nhạc vì “đi hơi quá trớn”, như lời Nguyễn Thảo nhận xét. Từ đó anh nẩy ra ý tưởng phối hợp thành một nhạc cảnh để khán giả có thể đón nhận dòng nhạc đó một cách dễ dàng hơn...

Nguyễn Thảo tên thật là Nguyễn Hiền Thảo, sinh năm 1959 ở Qui Nhơn. Thân mẫu anh qua đời từ khi anh còn nhỏ, nên Nguyễn Thảo cùng một số anh chị em vào Nha Trang theo học tiểu và trung học tại đây, cho đến lớp 10 khi biến cố tháng 4 năm 75 xẩy ra. Cùng với vợ chồng Ngu Yên và một người chị, Nguyễn Thảo đã vượt biển ngay từ ngày 29 tháng 4 năm 75 tại Vũng Tầu trong lần đến thăm gia đình người bạn có tầu ở đây...Khi còn ở Việt Nam anh em Ngu Yên và Nguyễn Thảo ít có dịp gần gũi nhau vì Ngu Yên đi học ở xa. Cho đến khi sang Mỹ, họ ở chung với nhau nên trở nên gần gũi hơn. Và cũng từ đó, Nguyễn Thảo bắt đầu để ý đến khả năng văn chương và ca nhạc của người anh mình và nhận ra được sự phù hợp về cách suy nghĩ.

Thời kỳ này, hai anh em cư ngụ ở tiểu bang Arkansas. Qua đầu thập niên 80, Nguyễn Thảo dời qua Houston, và mấy năm sau vợ chồng Ngu Yên cũng chọn thành phố này làm nơi lập nghiệp. Với tên thật là Nguyễn Hiền Thảo, trong những năm 82 đến 84, anh cũng bước vào lãnh vực văn chương với nhiều truyện ngắn đăng trên một số tạp chí về văn học nghệ thuật, trước khi qua lãnh vực thi ca với những bài thơ theo anh có vẻ hơi “nặng nề” về đề tài, xoay quanh vấn đề nhân sinh quan và cuộc sống hàng ngày. Hiện Nguyễn Thảo đang thực hiện một tập thơ với tựa đề “Chuyện Tình : Tôi Và Thượng Đế” với những suy nghĩ về Thượng Đế, khi đọc có cảm tưởng như đang nói chuyện với một người tình nào đó. Nhưng nếu coi người tình đó như Thượng Đế thì đó là mối liên hệ sâu đậm giữa Thượng Đế và con người.

Về lãnh vực nhạc, Nguyễn Thảo đã chịu nhiều ảnh hưởng của gia đình từ nhỏ, nhưng khi qua đến Mỹ, anh mới thật sự bước đến với những âm thanh và tiết tấu qua những lớp học nhạc tư cùng những chuyến lưu diễn với một nhóm nhạc kịch người Mỹ. Đó là thời gian Nguyễn Thảo học hỏi được nhiều nhất, nhờ có cơ hội làm việc chung với những nghệ sĩ tên tuổi trong cộng đồng người bản xứ.

Trước khi đến với những sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng người Việt ở Houston, Nguyễn Thảo thường sinh hoạt trong cộng đồng Mỹ ở đây, cũng là nơi anh tốt nghiệp kỹ sư điện vào năm 82, trước khi chuyển sang ngành nha khoa một thời gian sau đó. Thời kỳ đầu tiên ở Mỹ, Nguyễn Thảo theo học về vũ Ballet và là thành viên trong đoàn vũ của trường trong những năm đại học ở Arkansas. Qua đến Houston anh được thu nhận vào một đoàn vũ của Mỹ và đảm nhiệm phần vũ và hát trong những vở nhạc kịch. Đặc biệt, anh từng góp mặt trong vở nhạc kịch nổi tiếng The Rocky Horror Show. Từ năm 84, Nguyễn Thảo đến với những sinh hoạt trong cộng đồng người Việt, khởi đầu là một thành viên trong Hội Sinh Viên Việt Nam tại Houston sau khi ghi danh theo học nha khoa. Thời kỳ này anh thường hát những nhạc phẩm Pháp soạn lời Việt cùng một số nhạc phẩm tình cảm của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Từ năm 90 cho đến nay anh hướng nhiều về  phần trình bày nhạc Jazz và Blues cùng với những sáng tác của Ngu Yên.  Đó là những loại nhạc hiệïn nay còn rất hạn chế trong giới yêu nhạc người Việt. Nói đúng hơn là đang ở trong thời kỳ thử thách trong vấn đề hoà nhập vào dòng nhạc Việt hiện nay. Bởi lý do này, Nguyễn Thảo nhiều lần được mời hát, đã phải lựa chọn thành phần khán giả tham dự trong mỗi chương trình. Thành phần khán giả mà theo anh có thể tạo được sự hứng thú cho phần trình diễn của mình...

Một cách dễ hiểu hơn, loại nhạc do Nguyễn Thảo trình bày rất thích hợp với không khí của một buổi nghe nhạc thính phòng, trong khi không thể nào thích hợp với những chương trình tổ chức tại các sòng bài, tại các hội chợ Tết hay những tiệc cưới như anh cho biết. Thiếu sự thưởng thức và trân trọng trong những không khí ồn ào đó sẽ khiến cho người nghệ sĩ trình diễn khó lòng có được cảm hứng...

Từ khi CD Bóng Nắng Khuya phần lớn gồm những nhạc phẩm Jazz Blues của Ngu Yên được gửi đến người nghe, tiếng hát của Nguyễn Thảo cùng với sự hoà nhập tâm hồn của mình với từng nhạc phẩm đã gây được rất nhiều chú ý. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận một điều là một số những nhạc phẩm trong CD đó dễ gây “shock” nơi người nghe. Một phần do âm điệu lạ tai đối với những người đã quen thuộc với dòng nhạc Việt trước đây. Phhần khác, ca từ của những ca khúc đó được dùng một cách hơi “trần tục” như nhận xét của anh. Theo Nguyễn Thảo, có lẽ  người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung đã quen nghe những ca từ nhẹ nhàng, thanh tao. Thành ra những gì không còn thuộc loại mỹ từ, người nghe không hiểu tại sao có thể lọt vào dòng nhạc được. Nhưng đối với Nguyễn Thảo, anh đã quen thuộc với những từ dễ gây “shock” này vì từng đọc thơ của những thi sĩ có lối dùng từ rất trần tục. Trong số có  Nguyễn Đức Sơn và Ngu Yên  với những câu thơ không cần sự hiện diện của những mỹ từ. Điều đó Nguyễn thảo cảm nhận được, nhất là anh đã trưởng thành trong xã hội Hoà Kỳ, một xã hội có lối sống nhanh và gấp rút. Cho nên “mình phải đi nhanh hơn, mình phải thẳng hơn để không còn có sự ủy mị”, như anh  đã nói. Cụ thể hơn, Nguyễn Thảo đưa ra một thí dụ “ thời trước, hai người con trai, con gái yêu nhau  nắm tay nhau là đã vui lắm rồi. Thời buổi này  thì em nghĩ nắm tay cũng chưa đến đâu hết !”.

Khi trình bày một nhạc phẩm Jazz, Blues hay Rock lời Việt, Nguyễn Thảo cho biết anh hoàn toàn tùy thuộc vào cảm hứng của mình cùng với sự đón nhận của khán giả. Anh quan niệm một ca sĩ nhạc Jazz là một người nắm bắt tình cảm ngay trong lúc trình diễn trên sân khầu để hát với tất cả tâm hồn và tấm lòng của mình. Bởi vậy anh ít tập dượt với ban nhạc trước khi trình diễn. Anh chỉ bàn bạc sơ với ban nhạc về hợp âm cuả nhạc phẩm trình bày cùng với phần khởi đầu hay kết thúc và cách thức xử lý từng đoạn theo ý mình. Đối với Nguyễn Thảo, nhạc Jazz đòi hỏi sự kết hợp bất ngờ trong khi trình diễn, tùy theo cảm xúc. Trên sân khấu, chỉ cần một tiếng kèn hay một câu guitar ngẫu hứng cũng khiến anh rất “phê” trong phần trình diễn của mình.

Dù biết trước những khó khăn sẽ gặp khi đưa âm điệu Jazz váo dòng nhạc Việt, nhưng Nguyễn Thảo cũng như một số nghệ sĩ khác cùng chủ trương, luôn tỏ ra tin tưởng ở sự đào xới về mặt nghệ thuật để có được những mới lạ. Vì theo anh, “có một số người  người vẫn thèm muốn  nghe được những gì  mới lạ hơn, đả phá hơn.  Nó  dẫn mình đi ra một  hướng khác, một sự đào xới về một nghệ thuật mới lạ hơn.  Thì em nghĩ nhạc Jazz  mặc dù nó là nhạc cũ của Mỹ, nhưng đối với người Á Đông mình , nhất là người Việt Nam, em nghĩ nó vẫn  có một tính chất rất lạ trong đó. Em nghĩ nếu  có đủ sự trình diễn cũng như  đủ  những người ca sĩ về loại nhạc này để  tạo dựng nên một  trường phái  thì em nghĩ nhạc Jazz cũng có thể là một cái  dòng nhạc  thịnh hành trong dòng nhạc Việt

Lý do khiến Nguyễn Thảo tin tưởng đến từ sự kiện anh cho là ngưng trệ trong dòng nhạc Việt là “ em thấy dòng nhạc của  Việt Nam hơi bị ngừng . Rõ ràng là đến bây giờ  những bản nhạc của những bậc tiền bối như  Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh , Văn Cao, vv... vẫn lưu hành một cách mạnh mẽ . Bởi vì em cảm thấy những dòng nhạc mới nó chưa có đủ cá tánh, chưa vượt qua khỏi  mức độ hay và đẹp của những bài nhạc đó để những người ca sĩ ở Mỹ hoặc ở Việt Nam người ta trình diễn. Thành thử  em nghĩ  cái tình trạng đó  có vẻ như  dòng nhạc của Việt Nam  mình  hơi bị bế tắc ...ù”

Đặt mình vào hoàn cảnh một người trẻ tuổi trưởng thành tại hải ngoại, lối suy nghĩ chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hoá Aâu Mỹ, Nguyễn Thảo phân tách thêm:” một phần nào đó em vẫn là một người Việt Nam  trẻ tuổi ở hải ngoại.  Em nghĩ những người ViệtNam trẻ khác người ta cũng có  một cái suy tư là  đến một lúc nào đó cái tình cảm của Đoàn Chuẩn – Từ Linh không thể nào hiểu được. Nhưng em nghĩ cái sự trần tục, cái sự lố lăng trong nhạc anh Ngu Yên  là những tình cảm mà  những người trẻ ở đây, người ta sẽ  thấu đáo được, người ta  hiểu được những chuyện đó là truyện gì

Từ sự tin tưởng đó, Nguyễn Thảo mong sẽ có nhiều nhạc phẩm theo thể loại Jazz hay Blues sẽ được những nhạc sĩ sáng tác khác bổ sung thêm. Và nếu dòng nhạc này có nhiều dịp được phổ biến đến người nghe, thì trước sau gì cũng sẽ được đón nhận với nhiều nồng nhiệt.

TRƯỜNG KỲ

( kyvu@hotmail.com )

 


 bấm vào đây nghe Nguyễn Thảo hát Bóng Nắng Khuya