tranh: Hà Cẩm Tâm

TRẦN MẠNH HẢO

PHÊ BÌNH VĂN HỌC: MỘT NIỀM VUI,
MỘT NỖI BUỒN VÀ MỘT NỬA NIỀM HY VỌNG

(Tham luận đọc tại Hội Nghị Lý Luận Phê Bình Văn Học Lần Thứ 1 tại Tam Đ ảo tháng 8-2003)

Kim Thánh Thán mượn lục tài tử để phê bình văn, lại mượn văn để phê bình người, lại mượn người để phê bình thời thế, lại mượn thời thế để phê bình giời! Ngòi bút phê bình đệ nhất kỳ tài này dám liều mạng mày mò cả lên giời để bình văn, tìm văn, xem trong giời có văn không, vì trong văn luôn luôn phải có đủ cả tam vị nhất thể: giời, đất, người (thiên địa nhân). Thiên tài Thánh Thán đã vì văn mà cả gan đụng tới bố vua tức là giời, nên thiên tử (con giời) giận, ngầm ra lệnh cho quan văn hóa văn nghệ xử tội chết ông bằng cách cắt lưỡi để xuống âm phủ không còn nói lý được, phê bình được nữa, đoạn mới mang ra chém.

Gương tày liếp Kim Thánh Thán hình như làm kẻ hậu thế trước khi bình văn phải đắn đo, cân nhắc xem mình có cần giữ cái lưỡi trong miệng, cái đầu trên cổ hay không, nên văn phê bình đời sau của Trung Hoa hầu hết nhạt vì trong văn không còn có giời, không có giời thì không có không khí, thiếu không gian sống, chỉ còn là mặt phẳng giấy lặng tờ phơi chữ nghĩa ra như rơm rạ.

May mắn thay cho chúng ta những nhà phê bình văn học Việt Nam ngồi đây hôm nay, được Nhà nước cho “tự do viết lách”, chỉ cấm viết đồi trụy và chống cộng thôi, không ai còn phải học lối thò bút lên giời để phê bình văn như Thánh Thán, nên sự an toàn tính mạng thông qua “lưỡi” và “đầu” đã được bảo hiểm tối đa. Đấy há chẳng là một nỗi vui mừng lớn đó hay sao?

Xưa Kim Thánh Thán dù có tài phảy một nét bút đã lên tới giời, có nằm mơ cũng không tưởng tượng được cảnh các nhà phê bình quốc doanh trong một quốc gia được Hội Nhà văn mời lên khu nghỉ mát đẹp nhất nước Việt Nam để họp Hội nghị Phê bình văn học. Đó há chẳng là một niềm vui mừng lớn hay sao?

Nhìn cảnh sầm uất do quý vị phê bình gia tạo ra cho không khí Tam Đảo hôm nay, hẳn người ta phải nghĩ rằng nền phê bình văn học nước nhà đã qua cơn bĩ cực mà tới thời thái lai, phồn thịnh, rực rỡ. Nhưng trên văn đàn nước nhà hiện nay, buồn thay, giá ngành phê bình cũng được một phần ba sự đông vui với nhiều tên tuổi lừng lẫy này thì phúc đức cho nền văn học Việt Nam lắm lắm ! Vui mừng ba lần xong, xin cho phép chúng tôi được bày tỏ một nỗi buồn, một tiếng chuông báo động: trong 10 năm qua, hầu như trên văn đàn, số người còn dám cả gan mon men theo Thánh Thán làm cái việc mua dây buộc mình là phê bình, nhiều lắm cũng không qua khỏi cơ số đếm của hai ngón tay. Rất nhiều tên tuổi đáng kính ngồi đây ít nhiều có lúc, từng đóng góp cho phê bình văn học nay hoặc không viết nữa, hoặc làm quản lý, hoặc chuyển qua nghiên cứu, viết giáo trình, viết sách giáo khoa… Số bài dạy nhau cách viết phê bình đôi khi nhiều gấp hàng chục lần số bài phê bình thực thụ. Trong khi đó số lượng đầu sách sáng tác văn học bùng nổ đến chóng mặt mà buồn thay, hầu như không có mặt các nhà phê bình lên tiếng, ngoài những bài điểm sách hiếu hỷ, điểm sách cánh hẩu cùng phe tâng bốc nhau lên tận cõi thiên tài. Có thể nói, nền văn học chúng ta hôm nay là một nền văn học mồ côi phê bình! Đó há chẳng phải là một nỗi buồn lớn hay sao?

Có lẽ, cũng vì nguyên nhân này mà Hội Nhà văn mời chúng ta đến đây để tìm cách làm tan băng phê bình, vực dậy nền phê bình văn học nước nhà ngủ  quên ít nhất đã trên dưới 10 năm nay. Nói như thế là nói trên đại cục, nhưng trong cá biệt vẫn có một số nhà phê bình nồng nhiệt hành nghề, dốc hết tâm can cho văn học. Trên báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong, Tri thức Trẻ, Văn nghệ quân đội, tạp chí Nhà văn, Văn, Phụ nữ Việt Nam, Văn hóa Văn nghệ Công an, Công an Nhân dân, Công an Tp.HCM, Gia đình & Xã hội, Giáo dục & Thời đại, Người Đại biểu Nhân dân, Người Hà Nội, Nông nghiệp Việt Nam… đã dũng cảm, kiên trì cho in hàng trăm bài phê bình sách giáo khoa văn và một số giáo trình đại học khoa văn trong suốt 10 năm qua. Bộ GĐ&ĐT đã tiếp thu phê bình, chỉ thị cho các GS sửa chữa lại hàng trăm điều sai sót, viết lại SGK Văn Trung học chỉnh lý hợp nhất năm 2000 cho đúng hơn, chính là thắng lợi lớn của nền phê bình văn học Việt Nam vậy. Đây há không phải là niềm vui mừng của các nhà văn và các bậc phụ huynh trong cả nước hay sao?

Nhưng SGK Văn học, Ngữ Văn, Tiếng Việt, sách văn mẫu, sách văn tham khảo, rồi các giáo trình đại học được thể hiện qua nhiều chuyên luận của các GS đầu ngành vẫn còn trùng điệp sai sót, đã đang và sẽ là mảnh đất tốt nhất để nền phê bình văn học Việt Nam có cơ giúp ích cho đất nước. Nếu hàng triệu con em của các thế hệ học trò bị dạy sai môn văn mãi như thế này, chúng tôi đồ rằng ngay đến cả nền văn học nước nhà rồi cũng có cơ bị diệt vong, chứ đừng nói gì đến ngành phê bình văn học. Vì sao vậy? Vì khi các thế hệ nối tiếp nhau bị dạy sai môn văn, thì chúng không còn yêu văn học nữa. Chưa nói đến chuyện văn là người, dạy văn là dạy làm người mà lại dạy sai thì tai họa quá! Nếu cứ tiếp diễn đà này, trong tương lai, toàn xã hội có thể sẽ không còn ai yêu tiếng Việt, yêu môn văn, không còn đọc văn, đọc thơ nữa thì dù Nguyễn Du thiên tài mấy cũng chẳng còn, các nhà văn đương đại dù tài ba mấy cũng coi như chẳng có. Bởi vì các nhà văn nhà thơ, dù ngay cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du mà không còn ai đọc thì dẫu có cũng như không. Nên khi “Nền dạy” xuống cấp, sẽ dần dà mất đi “Nền đọc” (tức phân nửa nền văn học) thì “Nền văn” rồi cũng tiêu tan, mặc cho “Nền viết” dù có khởi sắc tới mức lặp lại thời hoàng kim văn học cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX đi chăng nữa…  Cho nên nguy cơ dạy sai môn văn trong nhà trường không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, “chất lượng người”, mà còn ảnh hưởng đến chính sự tồn vong của nền văn học nước nhà trong tương lai! Do đó, việc phê bình SGK vẫn là một việc không hề bé nhỏ như một số người quan niệm. Chúng tôi đánh giá cao tầm nhìn xa trông rộng của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, sự cố gắng hết mức của Ban lãnh đạo Hội Nhà văn nói chung và cá nhân nhà thơ Hữu Thỉnh – Tổng Thư ký Hội nói riêng, đã thấy trước nguy cơ trên mới dẫn đến Hội nghị Phê bình Văn học này. Như vậy, vai trò của phê bình quan trọng tới mức có thể sẽ ảnh hưởng đến chính sự mất còn của nền văn học, thậm chí sự tồn vong của Tiếng Việt – Nước Việt nữa.

Vừa qua, một vài vị giáo sư chuyên nghiệp dạy học, nghiên cứu, hầu như chưa hề viết phê bình, đã lên một tờ báo nọ kêu gọi muốn  phê bình phát triển phải có “đầu máy” và phải chuyên nghiệp hóa, tức là phải có các nhà chuyên nghiệp phê bình. Những đề xuất này có thể bắt nguồn từ động cơ tốt, sốt ruột thái quá, nhiệt tình thái quá dễ không tỉnh táo chăng ? Những đề xuất cực đoan này đã khiến một số tờ báo lên tiếng can ngăn hoặc phản đối. Năm 1941 chuyên nghiệp của Hoài Thanh là dạy học, phê bình  với cụ chỉ là nghiệp dư, là tay trái, nhưng cụ đã sinh ra cho dân tộc một kiệt tác phê bình: “Thi nhân Việt Nam”. Ngay cả các danh gia phê bình hàng đầu của thời đó như các tên tuổi lớn: Hải Triều, Đặng Thai Mai, Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan…rồi Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa… sau này đều chỉ là những nhà phê bình nghiệp dư đó sao?

Chúng tôi cũng chỉ là kẻ sống nghiệp dư, yêu nước nghiệp dư, lấy vợ nghiệp dư, đọc sách nghiệp dư, vui buồn nghiệp dư, nghĩ ngợi nghiệp dư… nên làm thơ, viết văn, viết phê bình thảy chỉ là nghiệp dư cả thôi, nên đến đây việc chính là để được nghe lời chỉ giáo của một số vị chuyên nghiệp phê bình. Chúng tôi rất tán đồng lời nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Quần Phương trả lời phóng viên báo Văn nghệ Trẻ như sau: “Nêu yếu tố chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thì e chưa trúng. Chưa trúng vì trước hết, quan niệm thế nào là chuyên nghiệp? Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn hành chính như bằng cấp hay biên chế ở ngạch phê bình thì hài hước quá…” (VNT – số 26, ngày 29 – 6 –2003). Trong bài: “Chuyên nghiệp và nghiệp dư” của tác giả Phan Văn trên báo Văn nghệ số 30, ngày 26 – 7 – 2003, có đoạn viết: “Trong lúc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có những vấn đề bức xúc đặt ra mà ngồi nói chuyên nghiệp và nghiệp dư, không kịp thời vào cuộc để hướng dẫn dư luận thì thật là vô tâm. Như đang có hỏa hoạn mà chỉ trông chờ vòi rồng và xe cứu hỏa thì có khi chỉ còn đống tro tàn…”

Tìm ra những nguyên nhân bản chất để lý giải tại sao hiện nay nền văn học nước nhà có sáng tác, sáng tác bùng nổ đủ các trường phải trăm hoa đua nở mà trên căn bản lại thiếu phê bình là một điều cực khó, hầu như không thể làm nổi. Bởi vì đằng sau hiện tượng này, còn có cơ man những nguyên nhân khác ví như cơ chế xã hội, luật không bằng lệ, coi thường phê bình, như tâm lý dĩ hòa vi quý, sợ va chạm ảnh hưởng đến ghế ngồi, ảnh hưởng đến phiếu bầu nên dễ ba phải, đôi khi không dám ra mặt bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái hay. Hầu hết các báo đều ngại đụng chạm vào những vấn đề quan yếu của văn học, ngại đấu tranh bởi vì đấu tranh thì tránh đâu nên dù bài phê bình có đúng mấy, hay mấy cũng có thể không được đăng. Các cơ quan chức năng chính ra chỉ lãnh đạo bằng định hướng, bằng luật ở tầm vĩ mô thì có khi lại can thiệp vào vụ việc xuống tầm vi mô, cầm tay chỉ việc, ưng thì để cho tranh luận, thấy tranh luận đi vào sôi nổi là sợ động đến thiên đình, liên luỵ trách nhiệm, bèn lệnh phải chấm dứt, khiến các nhà phê bình chưng hửng, nản chí có khi mất đà ngã quỵ, hoặc bẽ bàng thui thủi như mèo cắt tai vì mình đang nói chưa hết ý đã bị “cúp”, nên tốt nhất là rút lui vì chính sách không nhất quán, tùy hứng, thái độ không tuân thủ luật pháp của người cầm còi. Cách ứng xử với phê bình văn học nửa nạc nửa mỡ, đầu Ngô mình Sở của các cơ quan cầm còi văn hóa văn nghệ này ở một số cuộc tranh luận văn học, có thể là gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa phê bình vừa mới âm ỉ? Người viết phê bình muốn đăng một bài chống lại cái xấu, cái sai, cái dở để bảo vệ chân lý, lẽ phải văn học nhiều khi rất khổ cực, thậm chí tủi nhục nữa là khác, vì không có sự bảo hiểm và thường bị báo chí bỏ rơi lúc còi cấp trên huýt phạt việt vị. Làm thân phận anh phê bình khi bị  đem con bỏ chợ, đầu không phải phải tai nên tẽn tò lắm, thê thảm, tủi thân lắm. Tiền nhuận bút một bài phê bình không đủ chi cho tiền điện thoại gọi năn nỉ ỉ ôi với tòa soạn để người ta nghe lọt lỗ tai mà ký lệnh đăng bài. Ấy là chưa kể công sức bỏ ra không bồi hoàn được như việc một đời học và đọc, tra cứu tư liệu, hao tâm khổ trí, thức thâu đêm mài mòn nhiều màn hình vi tính, bị vợ con la rầy vì muốn yên thân, chiến tranh qua rồi sao còn bút chiến khiếp thế? Từ cuối những năm năm mươi đến nay, theo dõi báo chí, chúng tôi chưa hề thấy bài phê bình nào được đăng trên trang nhất các báo bao giờ. Nhìn vào thang nhuận bút các báo, số nhuận bút một bài lý luận phê bình khá dài và có giá trị cao về học thuật hầu như đều thấp hơn một cái ký, một truyện ngắn xoàng xĩnh… Sáng tác văn học đã không đủ sống, phê bình càng không thể nào nghĩ đến chuyện đủ sống hay không đủ sống. Người cầm bút viết phê bình với nhiệt huyết cao muốn đóng góp cho nền văn học có thể bỏ qua cái nghèo, cái thiếu thậm chí cái đói, nhưng than ôi, ngay cả đến niềm an ủi về tinh thần đôi khi cũng không nữa thì phê bình ơi, xin chào mi! Nhưng lương tâm nhà phê bình bảo: mi ơi đừng tuyệt vọng, còn bao cái hay trong văn học đang ẩn mình chờ chết cần mi phát hiện đưa ra ánh sáng của sự sống đời đời, còn bao nhiêu cái sai, thậm chí cái xấu, cái dở, cái dung tục, tầm phào đang đội lốt văn học, văn hóa làm ô nhiễm môi trường tâm hồn đất nước đang nằm tênh hênh ra đó mà phê bình ơi, sao mi lại vì chút sĩ diện nghề nghiệp, tên tuổi rồi quay đi ở ẩn trong cái nghề đi chơi chuyên nghiệp mà vợ con đã dành sẵn ở nhà?

Lâu nay trên báo chí người ta thường lu loa lên rằng thái độ phê bình không được tốt mà quên đi bản chất của phê bình là chuyện sai đúng, hay dở. Phê bình không tỏ thái độ thì còn tỏ ra nỗi gì nữa nào? Nhà phê bình phải tỏ thái độ trước cái hay, cái dở, cái sai cái đúng, cái tốt, cái xấu, phải gọi sự vật bằng tên của nó: sai thì bảo là sai, dở thì bảo dở, hay thì bảo là hay bởi phê bình luôn luôn phải tỏ thái độ. Người ta cũng thường kêu ầm lên anh này, anh kia không có văn hóa tranh luận mà không chỉ ra bằng chứng. Phê bình ơi, chân lý là cụ thể, không chỉ trong phê bình mà trong mọi hoạt động xã hội khi kết luận mà không có chứng minh đi kèm đều phi khoa học, đều phạm “văn hóa phê bình”. Người ta đã nhân danh văn hóa tranh luận để cho xuất bản cuốn “Về một hiện tượng phê bình” (Nxb Hải Phòng – 1998) dày gần 700 trang để thóa mạ, xỉ vả, chửi bới một cá nhân nhà phê bình bằng hàng nghìn lời lẽ như sau: “Ông phê bình X. này không nhà nên đi lang thang ra đường làm bậy, “đi bậy”. Người ta cũng nhân danh văn hóa phê bình để gọi ông X. kia là “… con dơi, con bò, con ma cà rồng, con lật đật, con thò lò sáu mặt, tuyệt đường hoàn lương, mặt nạ người, hộ pháp đeo băng đỏ, đáng ngờ về tài năng nhân cách, viết lung tung lăng nhăng, đáng thương hại, mặt nạ phê bình, dăm ba mớ kiến thức hổ lốn, trái luân thường đạo lý, kiến thức hổ lốn, ngạo ngược, xấp láo, hỗn xược, không mảnh giấy lận lưng…” và còn hàng ngàn ngôn từ mà nếu trích ra hết sẽ xúc phạm chính bạn đọc. Cuốn sách “Về một hiện tượng phê bình” này là điển hình nhất cho mọi thời đại về sự vi phạm tột cùng văn hóa phê bình. Tiếp diễn tinh thần phi văn hóa của cuốn sách này, một số tác giả trong cuốn sách vẫn thỉnh thoảng phô trương khả năng xúc phạm cá nhân người khác một cách vô bờ bến được mệnh danh là phê bình kinh viện, phê bình hàn lâm, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện làm ô nhiễm môi trường văn học.

Tam Đảo đẹp quá phê bình ơi, họp hành vui sướng và mát mẻ rười rượi thế này, lại được nghe nhiều cao kiến há chẳng phải là niềm vui mừng lớn khiến kẻ phê bình nghiệp dư này sẽ quyết mang một nửa niềm hy vọng về nhà, lao vào máy vi tính và chờ… kết quả vui tươi, phấn khởi hôm nay, xem cú hích này có làm phê bình tiến thêm được vài ba mi-li-mét? Tam Đảo đẹp và vui nhưng chúng ta sẽ còn vui hơn, đẹp hơn cả Tam Đảo nếu như Ban Tư tưởng – Văn hóa và Hội Nhà văn ngay sau Hội nghị này, cho ra một tờ bán nguyệt san chuyên dành cho phê bình văn học, nếu như những nguyên nhân tạo sức ỳ, lực cản phê bình trên ( ở chính cấp trên) được dỡ bỏ.

Kim Thánh Thán một lần đi thuyền suốt mấy ngày trên một con sông lớn, vừa đi vừa hỏi thăm đến núi Khuông Lư thì không thấy. Nhưng khi quên nó đi thì thấy một quả núi lớn hiện lên đẹp đến độ làm ngất cả chân trời. Hỏi thì người chèo thuyền bảo nó là Khuông Lư đấy. Nhưng càng đi, càng sốt ruột đến núi thì núi lại biến mất vào sương khói như núi ma. Quên béng núi Khuông Lư đi mà thưởng gió trăng sách vở thì đùng một cái tới một cái núi không to không bé chính là núi Khuông Lư. Tam Đảo với chúng tôi sau Hội nghị quan trọng này hôm nay, chừng như cũng là một thứ núi Khuông Lư của phê bình văn học chăng?

Sài Gòn 8 – 8 – 2003  (“ Văn Nghệ” Số 37, Thứ Bảy 13 – 9 – 2003)

HẦU  CHUYỆN VÍP :

“CHÚNG TA SỐNG ĐƯỢC BAO NHIÊU PHẦN NGƯỜI?”

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo tâm sự: “Điều tôi sợ nhất là không còn gì để sợ nữa. Sở dĩ tôi còn tồn tại được là vì còn quá nhiều điều phải sợ hãi.” Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

“Viết phê bình có giống như làm một cái máy bắt muỗi, hễ ai rơi vào vòng từ trường của nó y như rằng bị đánh “bép” một cái “thủng cả tim gan”?

- Tôi phê bình có phương pháp luận khoa học, không phê bình  cảm tính. Nhưng có thể nói thế này: Lý tưởng là tiệm cận. Nó là đường chân trời. Nếu lao tới thì phải lao từ từ, tới gần sẽ bị chết ngay. Lý tưởng cũng giống cái máy bắt muỗi. Người ta tuy vậy, cũng chỉ bé như “con Muỗi bé”, hình như đang  lao thẳng vào từ trường “ Máy bắt muỗi –Lý tưởng”, không thoát được nên vỡ tim mà chết như thiêu thân...

* Có người nói, chính ông là một gene biến dị trong phê bình văn học. Ông phản ứng thế nào?

- Ai bảo tôi là gene này gene kia thì đó là quyền của họ. Nhưng nói gì cũng phải chứng minh.

* Sau “Ly thân”, có ý kiến cho rằng Trần Mạnh Hảo đã về hưu non, hoặc đã hỏng hóc…?

- Tôi không  phủ nhận điều đó. Bị một cú chùy rất nặng, ra khỏi biên chế nhà nước, bị khai trừ Đảng. Nhưng dần dần tôi lấy lại hồn vía. Nếu tôi suy sụp thì không có ngày hôm nay.

* Như vậy, những cuộc tranh cãi thậm chí văng tục trên văn đàn của một nhóm người, theo ông, có phải vì khung cảnh quá tẻ nhạt mà ông cần phải khuấy cái “ao văn học” cho nó dậy bùn lên không?

- Tôi thấy cái sai của ai thì chỉ ra. Cũng sẵn sàng nghe người ta chỉ ra những cái sai của mình. Những gì tôi viết ra có nhiều người đọc. Tôi tin rằng họ hiểu tôi. Còn nếu các vị giáo sư bị tôi phê bình im lặng, thì là chuyện của họ. Hiệu quả của những cuộc tranh luận thì có đấy. Chẳng hạn, từ những phát hiện của tôi, Bộ Giáo dục phải cho sửa chữa, viết lại sách giáo khoa văn trung học năm 2000.

* Ông có cô đơn và lạc lõng khi các giáo sư đầu ngành hoàn toàn “khiếp sợ” và quay lưng lại với ông?

- Không. Nhờ những bài phê bình mà tôi có nhiều bạn đọc hơn. Thư từ gửi về cũng trên 20 ký. Chuyện đúng sai của Trần Mạnh Hảo là vấn đề văn bản, là nghiên cứu khoa học.

* Hình như ông không thích hai chữ “học thuật”?

- Tôi luôn coi việc phê bình là học thuật, “nói có sách mách có chứng”.

* Có vị giáo sư “được” ông “quật” đến 25 bài và thậm chí ông tuyên bố sẽ còn phê bình nữa… Phải đó là nguồn “cảm hứng” của ông?

- Ai không chịu tiếp thu, chịu nhận khuyết điểm, tôi sẽ tiếp tục phê bình. Có lần, giáo sư Trần Quốc Vượng nói qua người bạn của tôi , rằng có những chuyện ông Hảo chỉ ra đúng cái sai của ông ấy. Thế là tôi thôi không viết về ông Vượng nữa.

* Có hai luồng dư luận về ông khiến những độc giả đứng giữa hoàn toàn ngơ ngác không hiểu ông Hảo là người như thế nào? Một người “gác cổng” văn hóa cực đoan, kiêu ngạo hay một “kẻ ngoại đạo” có công phát hiện nhiều cái sai trong sách giáo khoa?

- Có người gọi tôi là con lật đật, con khỉ, con gà, con tắc kè… Tôi chỉ buồn cười. Tôi là người viết có tinh thần độc lập. Ở ta, anh phải có trong “nhóm” này, “nhóm” khác. Còn nếu nói tôi là tay sai phái này, phái nọ, thì khổ nỗi, cả đời tôi đã làm tay sai cho vợ tôi rồi, có còn đủ sức ký hợp đồng  với ai nữa đâu?

* Điều đáng sợ nhất đối với con người là gì?

- Là lòng kiêu ngạo, và không biết mình ở đâu. Hiện nay có nhiều kẻ dốt nát mà vênh mặt lên với đời, cho mình là đứng trên đồng loại. Dốt nát là nhà tù, từ mặc cảm tự ti mà đẩy quá lên thành tự tôn.

* Còn đối với Trần Mạnh Hảo, ông có khi nào sợ hãi chính mình?

- Tôi có nhìn thấy mình rõ đâu mà tôi sợ? Những lúc soi lại mình lại thấy có kẻ khác trong đó.

* Kẻ khác?

- Chúng ta luôn đóng vai một kẻ khác, vì thế mới là mình. Muốn hiểu đồng loại thì phải đặt mình vào hoàn cảnh của người ta, bản ngã ta có được là nhờ vào việc trao đổi bản ngã với kẻ khác.

* Một kẻ “đốt đền” trên văn đàn liệu có phải là hình ảnh thật của ông?

- Có đền đâu mà đốt? Có đền thì  vinh dự cho tôi quá. Bi kịch của tôi là không có đền.

* Nói như thế, ông có đa nhân cách không?

- Con người vẫn là mình, nhưng cũng vẫn phải nhập vai tha nhân. Còn sống nhiều mặt là khác.

* Thế ông sợ nhất là gì?

- Điều tôi sợ nhất là tôi không còn gì để sợ nữa. Sở dĩ tôi còn tồn tại được là vì còn quá nhiều điều sợ hãi.

* Điều xấu về một con người thì quá nhiều, nhưng có phải người ta bị sa đà vào việc nhìn cái xấu mà bám theo đó rỉa mãi, cho đến khi chính kẻ đi rỉa lại hóa thành nạn nhân của kẻ khác?

- Tôi đang viết cuốn “Đút lót để vào chỗ chết”. Tôi sinh ra với một lý lịch xấu không ai thừa nhận tôi là con người. Sống mà bị lưu đày ngay trên quê hương mình. Đi bộ đội cũng không được, phải “đút” 10 con gà. Đến giờ nghĩ lại, thực ra làm người khó biết bao! Chúng ta sống được bao nhiêu phần người?

AN NHIÊN (thực hiện)          

( Báo “Lao Động- cuối tuần” – chủ nhật 24-10-2004)

 

NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO NGỒI CÙNG MÂM VỚI BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT NGUYỄN MINH HIỂN

( Lưu Trọng Văn P/V Trần Mạnh Hảo)

-Có một tờ báo viết rằng ông không có giấy mời tới dự buổi làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm với các nhà giáo về giáo dục, nhưng ông vẫn đến và phát biểu. Nếu đó là sự thật thì tôi rất thích cái hành động rất công dân ấy!

Trần Mạnh Hảo:
Tôi là dân đen không phải cán bộ, không biên chế đến dự cuộc họp tầm cỡ quốc gia do Phó Thủ tướng chủ trì với tư cách nhà báo tự do, chuyên phê bình ngành giáo dục, nếu không có giấy mời, bảo vệ sức mấy cho tôi vào. Đây, giấy mời của tôi đây, do ông Trần Quốc Toản phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký mời đàng hoàng nhé!

Ông phát biểu gì trong cuộc họp đó?

Trần Mạnh Hảo:
Trong cuộc họp này có 2 người ở ngoài ngành giáo dục được mời đó là ông Trần Bạch Đẳng và tôi. Giáo sư Dương Thiệu Tống phát biểu xúc động quá bị ngã chính ông Trần Bạch Đẳng đã đỡ giáo sư dậy. Ông Trần Bạch Đẳng nói trước tôi. Ông vừa khen vừa chê ngành giáo dục.

Tôi muốn ý kiến của ông cơ mà!

Trần Mạnh Hảo:
Tôi nói đại ý cánh tay bị đau đừng chỉ tìm nguyên nhân căn bệnh ở chính cánh tay ấy để chữa, mà phải tìm nguyên nhân sâu xa ở chỗ khác ví dụ như ở hệ thần kinh. Giáo dục là một cánh tay của xã hội, tìm căn bệnh của giáo dục phải tìm ở xã hội.

Nghĩa là vấn đề không chỉ ở một ông bộ trưởng?

Trần Mạnh Hảo:

Đúng!

Vậy mà ở trên báo, có lần ông đã viết thư đòi cách chức ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển!

Trần Mạnh Hảo:

Tôi đã suy nghĩ lại. Tôi nói, chúng ta không được đánh tráo các khái niệm, bất cứ một lý luận, một triết lý nào, chủ nghĩa nào cũng chỉ là phương tiện của chúng ta chứ không phải là mục đích của chúng ta. Mục đích của chúng ta là con người được hạnh phúc. Những lý luận, chủ nghĩa, triết lý nào không phù hợp với việc đem lại hạnh phúc cho con người thì phải cải cách  nó cho phù hợp, thậm chí cần phải bỏ đi, thay bằng món khác. Không được đánh tráo mục đích với phương tiện. Trong giáo dục cũng vậy. Muốn chữa được bệnh phải gọi đúng bệnh. Nếu gọi đúng bệnh còn sợ thì làm sao chữa được bệnh?

Một tờ báo đã miêu tả sau hội thảo ông đã ngồi chung mâm tiệc với phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Nguyên Minh Hiển…

Trần Mạnh Hảo:

Phó Thủ tướng có đứng nói chuyện hỏi thăm tôi nhưng không dự tiệc. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển mời ông Trần Bạch Đằng và tôi, hai người “phê” gay gắt nhất ngồi cùng bàn ăn với ông. Chính bộ trưởng đã đi lấy thức ăn giúp chúng tôi.

Ông ăn hay tiếp tục… nói?

Trần Mạnh Hảo:

Tôi không ăn mà tiếp tục nói cho hết ý của mình về giáo dục.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển ăn hay… nói?
Trần Mạnh Hảo:

Bộ trưởng ăn rất ít mà cũng không nói. Ông chỉ lắng nghe.

Nghe nhưng, có tỏ thái độ gì không?

Trần Mạnh Hảo:

Không!

Còn ông biết thế nhưng vẫn cứ say sưa nói?

Trần Mạnh Hảo:

Khi tôi vừa xuất hiện mặc dù cả hai chưa một lần gặp nhau, ông Hiển đã nhận ra tôi, có lẽ qua những tấm hình trên báo, ông chủ động chào tôi: “Chào anh Hảo!”. Lúc ăn cơm ông Hiển có nói: “Các bài báo của anh Hảo viết về giáo dục tôi đều đọc hết, có nhiều cái phải rút kinh nghiệm chứ!”

Có thể đó là những gì rất xã giao? Theo tôi biết nhiều quan chức, giáo sư trong ngành giáo dục ghét cay ghét đắng ông, có người không thèm nhìn mặt ông, không muốn dây với ông, vậy ông có biết ai là người gây ảnh hưởng để mời ông đến dự cuộc họp quan trọng tầm cỡ quốc gia này?

Trần Mạnh Hảo:

Tôi không biết!

Ông thú thật đi, đêm trước khi đi họp ông có hồi hộp đến mất ngủ không?

Trần Mạnh Hảo:

Không! Thậm chí hôm sau tôi còn quên là có cuộc họp này, khi sực nhớ tôi đã đi xe ôm đến thì muộn mất một tiếng.

Ông thường phê phán nạn “giặc dối” trong ngành giáo dục, tại cuộc họp này “bóng ma” của “giặc dối trá” vẫn lờn vờn không?

Trần Mạnh Hảo:

Khi tôi phát biểu những vấn đề khá gay gắt, ít nhất 3 lần chủ tọa là ông Phó Thủ tướng có ý nhắc nhở tôi : “Thôi đi anh Hảo !” Tôi bảo : “Các ông nói suốt 60 năm vào tai tôi, có ai dám bảo các ông thôi đâu, mà tôi chỉ xin nói 30 phút, mới hé ra tí sự thật, tý đau xót đã bảo thôi là sao ?”. Không ai tỏ thái độ đồng tình với tôi ra mặt, thậm chí có một ông hiệu trưởng một trường đại học lên diễn đàn chửi tôi phản động; chỉ khi ra ngoài có một số vị giáo sư trong ngành giáo dục mới lén nói với tôi là: “Tôi đồng ý với phát biểu của anh!”. Không dám bày tỏ chính kiến của mình cũng là… dối.

( “Nhà báo và Công luận”- Số cuối tháng: Số 1  tháng 11/ 2004)


 
NGHĨ VỀ THƠ VÀ THƠ HÔM NAY

Trần Mạnh Hảo

Trong đạo Thiên chúa giáo có quan niệm này mà người vô thần cách mấy cũng phải công nhận là thoáng, đó là mọi người tin đạo đều có thể tìm cho mình một cách đến với Chúa, đến với thiêng đường. Cũng có thể lấy ví dụ này để nói về thơ. Bởi vì, mỗi người làm thơ đều có thể tìm ra một cách thơ hay. Và có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về thơ vậy.

Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại. Kinh thánh có câu: “Nếu ai không hóa thành con trẻ thì nước Trời không thuộc về kẻ đó”. Người Trung Quốc quan niệm trời đất bao giờ cũng hồn nhiên như trẻ thơ nên mới có chữ hóa nhi. Người Việt Nam nói về điều này một cách rất thật thà, cụ thể: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Xem ra như thế những gì rốt ráo nhất, chân như và thiêng liêng nhất, đều có chung bản chất với trẻ con. Và như thế, chúng ta vui mừng phát hiện ra rằng, vẫn còn một đứa trẻ con lon ton chạy qua sa mạc, bão tuyết, chạy qua bao nhiêu thiên niên kỷ của những trận đại hồng thủy đến với loài người chúng ta từ vườn Êđen xưa, nơi tổ tông chúng ta bị đuổi khỏi địa đàng. Phải chăng, đứa trẻ – con – muôn – thuở ấy chính là thơ ca?

Vậy mà đâu đây, trên hành tinh chúng ta, có ai đó trong văn học đã lạnh lùng tuyên bố: “Thưa quý vị, thơ ca đã hết đường tồn tại”. Rồi họ vạn tuế các phương tiện truyền thông, vạn tuế thời đại vi tính. Lẽ nào trái đất rộng mênh mông nhường này, lại không còn chỗ trú ẩn cho đứa trẻ thơ thiêng liêng kia? Lẽ nào con người lại đang tâm xua đuổi thời thơ ấu của mình, xua đuổi cái phần mơ mộng, huyền ảo của tâm hồn mình, xua đuổi cái phần “nhân chi sơ tính bản thiện” ra khỏi đời sống hiện nay?

Ngôn ngữ là tài sản quý giá nhất của một dân tộc. Nếu bộ óc con người phải tư duy bằng ngôn ngữ thì tâm hồn con người tư duy bằng thơ ca. Từ thời cổ Hy Lạp cho mãi đến nửa đầu thế kỷ thứ mười chín, người ta gọi tất cả các khoa học là thi ca. Thi ca là kết tinh của ngôn ngữ, là giấc mơ của tâm hồn con người. Thử hình dung ngày nào đó trái đất thiếu thơ ca, rồi văn xuôi, kịch nói cũng không còn, lẽ dĩ nhiên rồi đến lượt ngôn ngữ cũng sẽ biến mất. Hy vọng rằng cái ngày tận thế khủng khiếp kia, khủng khiếp còn hơn chiến tranh hạt nhân, khủng khiếp còn hơn ngày phán xét chung trên cánh đồng Araphát không có cơ hội xuất hiện. Bởi vì, may mắn thay, thi ca vẫn chưa bị con người cắt hộ khẩu khỏi những giấc mơ ô nhiễm của chính mình.

Có một thực tế mà những người làm thơ trên thế giới nói chung, ở nước ta nói riêng không thể không quan tâm, đó là những ấn phẩm thơ, hầu như rất khó bán. Điều này có thể được giải thích bởi nhiều lẽ. Nhưng không phải vì thế mà kết luận là thi ca không còn đất sống. Có thể bạn đọc tạm thời quay lưng lại với các nhà thơ hiện đại, nhưng lại không hề thờ ơ với thi ca đích thực. Vả lại, từ xưa đến nay, hầu như thi ca không có thói quen tự biến mình thành hàng hóa. Nguyễn Du viết Kiều không phải để bán mà hầu như để rước lấy tai họa.

So với các nghệ thuật khác, thi ca bao giờ cũng chỉ là thứ nghệ thuật dành cho số ít, cho một số đối tượng hết sức chọn lọc. Nó – tức thi ca – chưa hề và chưa từng là nghệ thuật của đám đông. Đến như Maiakốpxki, người từng đọc những bài thơ theo đơn đặt hàng thuần túy chính trị cho hàng vạn người nghe một cách bốc lửa cũng phải thú thực với lòng mình: “Bản chất của văn nghệ là không đại chúng. Nó chỉ trở thành đại chúng là do tuyên truyền”.

Nhưng ở nước ta mấy chục năm vừa qua, có người muốn đồng hóa thơ với các khẩu hiệu tuyên truyền. Người ta tính chất lên cái lưng vốn không lấy gì làm mạnh mẽ của thi ca đến tám mươi phần trăm nhiệm vụ của một nền văn nghệ phục vụ chính trị. Mỗi năm có bao nhiêu ngày lễ lạy, giỗ chạp là có bấy nhiêu lần các tòa báo đến gõ cửa nhà thơ để xin một thứ thơ mì ăn liền.  Nói như vậy, không có nghĩa là thơ chính trị thời sự không có bài hay, hoặc là không thể làm hay. Người ta cám ơn nhà thơ tạo ra mì ăn liệt thật chứ không phải những gói mì ăn liềm dỏm mà ta bắt gặp hàng ngày trên hầu như ba trăm tờ báo của cả nước vẫn siêng in thơ. Không chỉ ở các tỉnh, mà ngay ở một số cơ quan trung ương, có người muốn xếp các nhà thơ vào cái rọ thơ ca hò vè. Suốt một thời, người ta không muốn thơ được buồn, được đau, được cô đơn và được chết. Chúng ta thử hình dung ra một con người suốt một thời chỉ vỗ tay ca hát mà nhe răng cười hềnh hệch, con người đó có thực sự là một con người đúng nghĩa của nó không?

Một nhà thơ biết điều là một nhà thơ không nên lò dò tới nơi con người đang hạnh phúc, đang vui vẻ nhảy nhót hát hò. Một cặp tân hôn trong tuần trăng mật chắc chắn sẽ không muốn thấy sự xuất hiện của người thứ ba  dù người ấy có là thượng đế hoặc nhà thơ. Nhưng khi tình yêu kia tan vỡ thì nhà thơ ơi anh hãy xuất hiện. Vương quốc của anh chính là nỗi thống khổ và cô đơn đến tột cùng của con người. Một giọt nước cho kẻ khát, một mẩu bánh cho kẻ đói, một niềm an ủi cho kẻ tuyệt vọng, thi ca đích thực không xuất hiện như một vị thiên sứ hoặc một nhà tiên tri, càng không đóng vai nhà truyền giáo đi rao giảng tín ngưỡng cao siêu hay phàm tục. Nhà thơ là kẻ ăn mày lòng nhân ái của con người. Chúng ta xin được một phút kiêu hãnh vì qua nhiều tai nạn, thơ ca chân chính vẫn chưa thể học được cách đi nịnh nọt kẻ giàu sang, ton hót và thớ lợ với kẻ quyền thế.

May mắn thay, do những biến đổi lịch sử vừa qua, nền-thơ-lộ-thiên-ham-vui của chúng ta như chợt thức tỉnh để lần về ngôi nhà của mình là tâm hồn con người, nơi những giấc mơ về thời thơ ấu của nhân loại đang có nguy cơ bị nền văn minh vật chất này săn đuổi.

Vũ khí tự vệ của con nai, con hươu chính là sự chạy trốn bốn vó. Nhà thơ chẳng thể có thứ vũ khí tự vệ nào khác ngoài trái tim vốn hay run rẩy của mình.

Từ kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ đại đến Thi Thiên trong Kinh Thánh, từ Hôme đến Khuất Nguyên, từ Rimbô, Vẹclen đến Apôline hay Tago… hầu như mọi hình thức diễn đạt của thơ cho đến nay không thể có gì xuất hiện đựơc gọi là mới hoàn toàn nữa. Dù là thứ thơ bình phương, thơ lập phương, thơ khai căn, thơ phi thi, thơ lập thể, thơ đađa, thơ vô chiều, thơ thoát xác… đều chỉ là sự lặp lại những hình thức cũ. Vậy thì nhà thơ hôm nay lấy cái gì để tồn tại, để được gọi là mới, là sáng tạo đây? Xin thưa, đấy là sự rung động của trái tim con người. Con người đã nghe trái tim mình rung động, xúc động cả tỉ lần, nhưng không lần nào giống lần nào cả. Hãy làm cho trái tim con người rung động thêm một lần nữa đi vì đó là sự sáng tạo, sự mới mẻ đó nhà thơ ạ.

Rất tiếc đa số những sự cách tân của thơ ca chúng ta những năm gần đầy hầu như thiếu vắng cảm xúc. Các nhà thơ gân cổ, xoặc cẳng thi nhau ném lên nền thơ tất cả chai lọ của lý trí, tất cả cát đá của ngôn từ. Nhưng họ chỉ đạt được những lời nói chứ không phải những câu thơ. Bởi vì trong thơ có nói, nhưng chỉ có nói không thì không thể thành thơ.

Muốn nền thơ phát triển, dĩ nhiên mỗi nhà thơ cần phải tự biến đổi, tự cách tân bằng những thể nghiệm thơ cầm chắc sự thất bại hơn là thành công. Hiện đại hóa thơ để thơ vẫn cứ còn là thơ mới là điều hết sức khó khăn. Nhìn chung, thơ chúng ta còn thực quá, phải hư đi một tí nữa, phải siêu lên một chút nữa. Nhưng nếu chúng ta đi quá giới hạn của cái hư, thơ sẽ hỏng đấy. Thơ muốn siêu, trước hết nó phải thực đã, đi tới tận cùng của cái thực, thơ sẽ đạt được cái siêu. Từ một con chim bay đến cái phi cơ hoặc tàu vũ trụ con thoi kia cũng phải tuân thủ quy luật đó huống hồ là thi ca.

Có nhà thơ làm thơ với mục đích là không cần ai hiểu. Hỏi thì họ trả lời tớ làm thơ siêu thực, mà siêu thực là chỉ có cảm, chứ đem cái hiểu vào sẽ chết tươi thơ. Khi thơ chối bỏ ý thức, nó đã chối bỏ cái biểu hiện đầu tiên để phân biệt người với rong rêu. Thế nhưng, những nhà thơ tự gọi mình là siêu này, luôn luôn chê bai và coi rẻ ý thức lại phải nhờ đến những công cụ rất thực của ý thức là ngôn ngữ, là giấy mực, là nhà in, là hiệu sách để diễn đạt cái vô ngôn vô ngã, cái phi thân phi lý của mình.

Hiện nay, chúng ta đọc trên báo và trong các tập thơ một thứ thơ không chút vần điệu, trúc trắc và xộc xệch đến vô nguyên tắc. Nên nhớ rằng thơ không vần, thơ xuôi là những hình thức thơ đầu tiên của loài người đấy. Không vần, không nhịp điệu, trúc trắc và môđec đều tốt cả, đều có thể hay cả nếu nhà thơ có tài và có hồn. Đằng này, người ta đã hắt nước lạnh vào người đọc bằng những loại thơ còn dở hơn cả thơ dịch từ tiếng Tây. Tôi có cảm tưởng họ là những nhà thơ Việt Nam tự dịch thơ mình ra tiếng Việt. Nếu những bài thơ loại này được ví với người con gái đẹp thì đó là người con gái cốt vững và nhục ít. Nếu nó được ví với cây thì chỉ là loại cây không lá không hoa.

Có một thời, người ta đã phong cho nhà thơ bao nhiêu hàm, bao nhiêu tước như nhà thơ là tiếng loa của giai cấp, là lưỡi kiếm của nhân dân, là tiếng sấm của thời đại… đến nỗi những vinh dự quá lớn lao này khiến nhà thơ sung sướng đến phát ngơ ngẩn. Từ một nền thơ hướng ngoại, thơ chúng ta hôm nay đã trưởng thành vì nó đã tìm ra con đường hướng nội vối dĩ của mình. Thơ vẫn cứ tiếp tục làm sấm sét thời đại nếu có muốn. Nhưng đồng thời thơ đã biết cất lên một tiếng dế, một tiếng ve sầu và tiếng chim cuốc, chim từ quy. Thơ chúng ta đã, đang và sẽ có nhiều thành tựu. Con gấu ăn một thứ ngọt nhất đời là mật ong để sinh ra một thứ đắng nhất đời là mật gấu. Hành trình của nhà thơ, của thi ca khó khăn thay, lại ngược lại với quy trình mật của gấu.

Sài Gòn 21 – 12 – 1992
(Rút trong tập “THƠ PHẢN THƠ” của TMH- nxb Văn học tái bản 1997)

TRẦN MẠNH HẢO