Trần Khánh Liễm

 

Làng Tôi Tại Cửa Thần Phù

 

 

          Giòng nước phù sa từ thượng nguồn đổ về , trải dài trên cánh đồng lúa con gái mượt mà đang trổ bông. Giòng nuớc mang lại sức sống, bón thêm mầu mỡ,  không hẳn chỉ cho ruộng lúa mà cho các sinh vật đang sống trên những thuở ruộng này. Từ đây các loại tôm cá hảo hạng đã cung cấp cho dân làng những món ăn khoái khẩu.

 

          Những cánh đồng lúa tràn đầy nhựa sống này đã mang lại cho dòng tộc họ Trần trong hai thế kỷ lập nghiệp, sinh sống tại đây theo kế hoạch chiêu dân lập ấp tại cửa Thần Phù của cụ Trần Văn Kỳ. Không phải chỉ những thủy sản mà cả sinh vật sống trên dẫy núi Trường Sơn khởi đầu từ đây. Sau những trận mưa rào, dân làng lên núi bắt ốc, loại ốc nổi tiếng mà dân Âu Mỹ chọn là món ăn quý. Những mảng thạch nhĩ trong xanh cung cấp cho các bà nội trợ làm nộm gỏi, còn ngon hơn nộm gỏi sứa.

 

          Bốn mặt dân làng là núi non chung quanh như một bức tường thành kiên cố do thiên nhiên cấu tạo cung ứng cho con người. Chung quanh miền những danh lam thắng cảnh kèm theo những huyền thoại trong dân gian. Nơi đây cũng tạo nên những vị trí chiến thuật chiến lược trong nhiều thế kỷ, kể cả trong cận đại sau thế chiến thứ hai, mà  chúng ta tìm thấy trong sử sách.

 

           Trong nhiều năm, tôi muốn tìm kiếm trong sử liệu, văn chương những tài liệu nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi tìm những tài liệu đó, tôi chỉ muốn có một số kiến thức tạm đủ thỏa mãn mong ước. Việc trước tiên là tôi muốn tìm một cuốn sách của một tác giả nào viết về Cửa Thần Phù. Tôi đã không đạt ước nguyện. Cuối cùng một số anh em bạn bè đã khuyến khích tôi viết để ghi nhận những tin tức, sử liệu và văn thơ về cửa Thần Phù.

 

          Trong khuôn khổ nhỏ hẹp giới thiệu về danh giới Cửa Thần Phù trong nhiều thế kỷ: nơi hiểm yếu nhất là cửa Chính Đại và phần đất bồi mới tại đây. Kế tiếp là những huyền thoại, sử liệu, văn thơ liên quan đến Cửa Thần Phù. Tôi cũng không quên nói qua về công cuộc chiêu dân lập ấp của cụ Trần Văn Kỳ trong thế kỷ mười chín. Những truyện còn lại trong vùng tôi đã ghi lại phảng phất trong nhiều đề tài khác nhau bao gồm một số những biến chuyển của thời cuộc trong thế kỷ thứ hai mươi mà dòng tộc chúng tôi đã sống và chứng kiến. Có những chuyện giằng co trong văn bản là để trả lời cho một số vần đề cần phải được nhắc lại cho đúng.

 

         Trước hết tôi thành thực cảm ơn các anh em của tôi : Ông Trần Văn Dưỡng, Linh mục Trần Khắc Hỷ, ông Trần Hữu Ích, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng đã cung cấp nhiều tài liệu trong gia phả, nhiều hình ảnh và trực tiếp khuyến khích tôi viết cuốn sách này. Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng đã góp ý đặc tên cuốn sách và viết bài giới thiệu tác phẩm : nơi đây anh em chúng tôi đã được sinh ra đồng lứa tuổi, lớn lên và chứng kiến qua những thăng trầm trong vùng,  qua những biến chuyển của thời cuộc.

 

         Tôi cũng cám ơn các thân hữu : giáo sư Đặng Phùng Quân, người đã góp ý và theo dõi việc viết lách của tôi, giáo sư Trần Quang Tuấn, giáo sư Đàm Quang Hưng, ông Nguyễn Khắc Lai, ông bà Nguyễn Văn Đông và phu thê nhà văn Nguyên Nhung đã khuyến khích và cổ võ tôi trong việc làm này.

 

          Về công trình sắp xếp bài vở, tu bổ và ấn hành cuốn sách do anh Nguyễn Đức Việt, con rể cả của chúng tôi thực hiện. Không phải chỉ riêng việc ấn hành các sách của tôi mà anh còn giúp cho việc sắp xếp và ấn hành nhiều tác phẩm của các tác giả và thân hữu khác : anh đã dành rất nhiều thì giờ cho việc làm này.

 

          Tôi cũng không quên cảm ơn các bạn hữu đã hết lòng nâng đỡ và cổ võ : Linh Mục nhà văn Mai Đức Vinh, linh mục nhà văn Vũ Thành, giáo sư nhà văn Trần Văn Cảnh, giáo sư nhà văn Trà Lũ, giáo sư nhà văn Nguyễn văn Khyến, Bác Muối, chủ báo Việt Nam Mới ông Vũ Văn Hoa, Giáo sư Nguyễn văn Linh chủ nhà in Livico, Giáo sư Trần Đắc Thanh, Phó Tế Nguyễn Mạnh San, nhà văn Vũ Thụy Hoàng, nhà thơ Luân Hóan, nhà thơ Lê Hân, nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú, nhà thơ nhà văn Lê thị Huệ, ( chủ biên mạng Gió-o ), nhà thơ nhà văn Cao Mỵ Nhân, nhà thơ Xuân Bích, nhà thơ Vân Lan, nhà văn Mạc Giao, nhà văn Tiểu Thu, Linh Mục nhà văn Trần Cao Tường ( chủ biên mạng lưới Dũng Lạc, RIP ), Linh Mục nhà văn Nguyễn văn Tùng, nhạc sỹ Lê Dinh, nhạc sỹ Trường Sa, Ông bà Trần Bá Hỗ, ông bà Trần văn Hà, ông bà Trần Ngọc Vạn, ông bà Chu Bá Cao, ông bà Nguyễn văn Lộc và các bạn trong phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam, ông bà Dương Phục, đài Sài Gòn Radio 900AM, hội ái hữu đồng hương Thanh Hóa, hội ái hữu đồng hương Phát Diệm.

 

          Tới đây, tôi cũng xin thưa với một số tác giả có bài viết về cửa Thần Phù, một số tài liệu tham khảo trên các mạng lưới, trên sử sách và văn học, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì ngăn sông cách trở, chúng tôi không thể liên lạc để xin phép quí vị trong việc tham chiếu hay trích dịch. Kính xin quí vị rộng tình tha thứ.

 

          Với anh em, con cháu  trong dòng tộc họ Trần và thân hữu đã một thời sống tại cửa Thần Phù, thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Xin coi đầy là món quà kỷ niệm ghi dấu một thời chúng ta đã sống trên giải đất mầu mỡ này. Với đọc giả : đây là một chút tài liệu lượm lặt để giúp quý vị tìm hiểu vể miền đất này là phần đất có thực trên quê hương Việt Nam, chứ không phải là một huyền thoại.

 

Thành thực cảm ơn tất cả các quí vị.

 

 

Trần Khánh Liễm

 

Thư từ liên lạc :

Trần Khánh Liễm

PO Box 1873

Pearland, TX 77588-1873

 

Sách hòan tất và phát hành đầu tháng 9 năm 2017.

Giá $ 20.00 kể cả cước phí