Trần Khánh Liễm.

Quê Nhà Ở Lyon

Tùy bút

Tôi thức dậy thật sớm, khác hẳn với mọi ngày vì chưa quen với giờ giấc sai biệt giữa Lyon, Pháp với Houston, Texas. Hôm nay đúng tám giờ, tôi đã sẵn sàng trong bộ đồ đi làm.

Lúc đó vào đầu tháng năm, thời tiết ở Lyon hãy còn lạnh, ra đường ít nhất cũng phải có chiếc áo ấm, không kể những ngày bất bình thường ở đây dĩ nhiên phải măïc quần áo kỹ hơn. Trong khi đó từ cuối tháng ba ở Houston, chúng tôi đã thấy máy lạnh chạy đều trong lối xóm.

Chiếc xe của anh chị Vân vừa xịch trước cửa nhà của ‘Mợ’ đúng như đã hẹn. Tôi mau lẹ ra khỏi nhà để tới nơi chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc trong một ngày. Bình thường đi làm như vậy, tôi phải có đủ đồ nghề như dao, kéo là những dụng cụ tối thiểu của người làm vườn. Trái lại tôi tới đây với hai bàn tay trắng. Bởi lẽ những an ninh phi trường không cho phép chúng tôi mang những thứ bén nhạy, đồ vật nhọn và vũ khí.

Chiếc xe chạy nhanh trên những đường phố chưa mấy nhộn nhịp vào buổi sáng thứ bảy. Dân Pháp ở đây không giống như dân Mỹ, họ có lối sống lè phè vì có những bảo đảm của an sinh xã hội. Vào những ngày cuối tuần, với không khí của mùa xuân hãy còn nhiều hơi

lạnh : ngủ muộn là thú vị nhất trong khung cảnh lúc này. Tôi không quen đường phố ở đây, nên ai đưa đi đâu thì đi đó, không có ý kiến gì, chỉ ‘ù ù, cạc cạc’ là thượng sách !

Tới địa điểm không ngờ chúng tôi lại là những người sớm nhất trong công tác cắt cỏ tại nhà anh Bê

( Bez), một người bạn trong nhóm của các anh các chị vừa tạo mãi một căn nhà. Căn nhà không có ai chăm sóc trong ba năm trời cũng đủ cho những ai tưởng tượng có thể mất bao công lao mới dọn dẹp gọn ghẽ được.

Anh Bê ra mở cửa đón chúng tôi. Căn nhà hiện ra trước mặt trông thật đẹp : gọn ghẽ, có những cây tùng nhiều loại khác nhau, cành vươn dài rủ xuống trông tha thướt nhưng vững chãi. Tôi không để ý đến cỏ mọc ngổn ngang hay bất cứ những gì làm cho mình thấy khó chịu. Tôi tạm vẽ ra một hình thù của khuôn viên giống như từ hình ảnh của một ‘ cô bé lọ lem’, sẽ biến thành hình ảnh của ‘ cô công chúa kiều diễm’ vào buổi chiều nay.

Ngay sau đó anh chị Thắng tới, người đạo diễn cho cả nhóm trong ngày hôm nay. Xe hơi của anh kéo theo một rờ mọc đầy dụng cụ cần thiết cho cả nhóm. Chúng tôi chào hỏi nhau, rồi theo anh Thắng vào việc ngay để có thể hoàn tất công việc trước khi mặt trời xế bóng.

Tôi lấy ngay chiếc kéo lớn và một chiếc kéo nhỏ để dễ bề hoàn tất việc cắt tỉa những cây vừa tầm tay của mình. Anh Vân khiêng máy cắt cỏ, bên Tây kêu là tondeuse. Chiếc máy cắt cỏ ngày hôm qua anh Thắng thử máy , tự nhiên thấy chảy dầu. Anh phải ra tiệm mua một miếng nệm ( gasket ) để thay thế vào miếng nệm cũ. Máy chạy tốt không còn rỉ dầu. Chúng tôi là những người sống xa xứ quá lâu, khi lười mà không nhớ ra tiếng thì xổ ngay tiếng Tây, tiếng Anh ra. Ai cũng hiểu !

Chẳng nói chẳng rằng, anh Vân mở máy, vui vẻ đẩy máy cắt cỏ chạy từng đường dài. Chạy hết góc này tới góc kia. Mái tóc rườm rà của vườn sau cứ trụi dần, xanh mướt tới hàng rào, và cứ đếm theo những phút trôi đi là lại thấy cái đẹp hiện tới. Anh Vân thèm công việc lao động để thay thế cho những giờ phút cặm cụi trong viện bào chế. Anh thèm những không khí trong lành và ánh nắng ban mai chói chang bao trùm lên cơ thể của mình.

Cắt được nửa vườn, anh Vân trao máy lại cho bà xã. Tôi thán phục, bởi lẽ chỉ nhích tuổi hơn chị Vân một chút là các bà đã đầu hàng, các bà bên chúng tôi không ưa cắt cỏ, vì việc đó là của các ông. Nhìn lại thì tôi mới thấy đúng, vì hì hục mãi cho xong, chị Vân mới thấy cái việc này không thích hợp cho thân liễu yếu đào tơ của mình ! Chị ngồi tựa vào gốc cây khá lâu để lấy lại hơi thở. Chẳng có ai để ý tới việc chị ngồi ở đây. Bình thường thì ông xã của chị đi lấy đỡ một ly nước cho chi tỉnh người lại. Chị thì thầm : ‘ Tôi muốn cắt cỏ xem có thể chịu được để xem sức của chị Phương có kham nổi cái việc cắt cỏ trong tương lai hay không. Tôi thấy cách tốt nhất là thuê người nào cắt cỏ hàng tuần cho chị, nếu không thì lại cũng đành phải nhờ tới sự săn sóc của người đạo diễn và người bạn cố tri của anh đã từng lao động trong các trại giam từ thuở nào ! ’.

Sau khi tỉa cây mai ( forsythia) , thứ mai này mọc khắp nơi trong thành phồ vàng ối từ nhà nọ tới nhà kia. Tôi hoàn tất cắt tỉa cây dâm bụt để rồi nhập bọn với các bạn trong công tác khác.

Bây giờ là lúc chúng tôi đánh tỉa phía hông đằng trước được coi như là mặt tiền của căn nhà. Trước đó một chút, anh chị Phước & Nga nhập cuộc trong công tác lượm cành cây chuyển về phía hàng rào bên hông. Chúng tôi phải thảo luận về phong thủy để cho mặt tiền căn nhà được vững chãi, hỗ trợ cho cuộc sống của anh chị Bê & Phương. Thế là từ đâu, những kinh nghiệm nghiên cứu về phong thủy cứ được phát biểu thật phong phú. Những kiến thức ấy là nhờ sự đóng góp của nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, của nhiều sách vở từ Đông sang Tây.

Cái công tác lượm cỏ này không phải dễ, thế mà hai anh chị Phước & Nga cứ đủng đỉnh làm hoài để cho khuôn viên trở nên gọn ghẽ. Hình như cái tình bạn đậm đà với chủ nhà thúc đẩy mọi người làm việc không biết mệt. Cặp Ngưu Lang Chức Nữ lúc nào cũng làm việc với nhau, ý chừng để có thể lợi dụng những giây phút làm việc cho bõ cái cảnh xa vắng nhớ nhung. Chàng ở mãi Genève, Thụy Sĩ, còn nàng ở Lyon, hành nghề bác sĩ, cuối tuần họ mới được về ở với nhau !. Tôi đưa mắt nhìn những cọng tóc dài phía sau gáy củùa anh Phước, những cọng tóc của phòng thí nghiệm khoa học, của hình ảnh trước đám sinh viên của anh, bây giờ dành cho ánh sáng mùa xuân vờn lượn trên đôi bờ vai . Sự làm việc không biết mệt đó khiến cho đôi má ửng hồng của chị Nga điểm mấy giọt mồ hôi óng ánh. Bây giờ với những di động của chúng tôi đã khơi dậy sự sống động của căn nhà này từ lâu bị bỏ hoang vắng.

 

Rồi tiếp theo đó anh chị Quang tới nhập bọn. Cùng với anh chị Phước & Nga, chúng tôi có thêm tất cả bốn người lượm cành, ba người cắt tỉa. Tới gần trưa, chúng tôi cũng mất một chút nhân lực vào nhà bếp. Xem ý chị Thắng, chị Vân, chị Quang là những bếp chính cho từng món ăn. Cái việc này hợp với các chị. Cũng vì thế mà bọn nam nhi chúng tôi được bồi bổ xứng đáng : Chúng tôi ăn, tỏ vẻ thú vị, thì bao nhiêu những mệt nhọc trong bếp cũng vơi đi.

Phần còn lại của chúng tôi lại chuyển sang vấn đề phong thủy. Nếu nói về nghiên cứu phong thủy, thì phải thỉnh ý anh chị Thắng, cả hai anh chị là những người từng nghiên cứu kỹ lưỡng tới chân lông kẽ tóc. Điều đó rất dễ hiểu vì tính cách cẩn thận của anh chị, vì những công việc có liên hệ tới sinh mạng kẻ khác của nghề y khoa trong bao nhiêu năm cho tới lúc này vừa mới về hưu.

Tôi thấy cái tính cẩn thận như thế, nên có lần nói sau lưng anh Thắng : " Ông phải cẩn thận đó, uống thuốc hết toa nhé, đừng để dở kẻo không hết bệnh ! tuần sau nếu không đỡ cho tôi biết ngay !, mình phải cẩn thận săn sóc sức khỏe nhé".

Chúng tôi tìm chỗ đặt hồ sen. Hồ sen phải được đặt phía trước cửa nhà, chỗ có nắng chói chang, chỗ mọi người trong nhà và con cái cuối tuần trở về có dịp ngắm nghía những nụ hoa nở ra trong nắng ban mai. Chúng tôi chọn vị trí này với hình chiếc aobầu dục. Để tôn trọng dân chủ, chúng tôi bàn thảo, tính đi tính lại . Cái đẹp của hồ là bên phải có cây tùng bạc cao vút, bên trái có cây hoa mộc la đà.

Anh Thắng và anh Vân có nhiệm vụ cắt cây bên phải của cây tùng để có đủ ánh sáng chiếu vào cả hai bên cây, thứ ánh sáng có thể bao trùm toàn diện lùm cây ( người Mỹ thường gọi full sun). Còn tôi, tôi phải tỉa cây hoa mộc. Để cho có tính cách dân chủ, tôi tham khảo ý kiến các anh chị, mỗi người ngắm bên nọ, nhìn phía kia cho tới khi mọi người ưng ý rồi mới thôi. Cây mộc trông la đà, rồi mai này khi trời vào mùa hè, khỏi sao anh chi Bê không đưa chiếc võng ra để mắc, ngồi đu đưa cho phỉ chí. Thân cây hoa Mộc đã trở nên xám đen với tuổài đời già giặn của nó. Cành này thay phiên sang cành khác bị cắt tỉa. Cành nào rơi xuống đất là đều được anh chị Phước & Nga lượm hết. Sao anh chị làm việc siêng năng tới thế!

Tới lúc này vườn đã sáng sủa hơn, chúng tôi dứt điểm cắt những cành cây phía trái từ cổng vào. Bây giờ chúng tôi đã có một cái tàn vòng tròn như chiếc dù thật lớn. Bóng rợp che nắng đủ cho chúng tôi ngồi nghỉ để có thể nhấm nháp chút nước cho đỡ khát.

Tôi ra phía trái từ cổng đi vào, thấy cây cotton easter đang nở hoa đẹp. Hình như ai cách đây mấy hôm đã cắt một vài cành lớn. Tôi tỉa cây lại cho gọn ghẽ. Loại cây này ở vùng xứ nóng chúng tôi không dễ trồng, nhưng ở đây mọc nhan nhản, thân hình thật đẹp. Hơn nửa giờ sau, tôi thấy anh Vân cắt hết luôn cụm cây tôi vừa tỉa theo ý chủ nhà. Tôi đứng ngẩn người một lúc : bonsai là cho tôi, còn cụm cây này phải tỉa đi cho luống cây Forget-Me-Not đang nở hoa trắng toát, thứ hoa đang được bày bán từ trong tiệm đến vỉa hè. Hoa Forget-Me- Not ở đây cũng giống BlueBonnet của Texas trong mùa xuân.

Thế là vườn của căn nhà này đã gọn được ba phía, chỉ còn phía chót bên trái từ cổng đi vào. Có một cây phải được chặt đi. Chúng tôi có hai anh Thắng và anh Vân đã có kinh nghiệm trong việc chặt cả mấy trăm cây trong một tuần lễ, thời các anh ở trong trại cải tạo miền Bắc. Hôm nay với chiếc cưa điện cắt cây anh Thắng vừa mua, có dư khả năng hạ cây này.

Đang bàn soạn với nhau cái thế hạ cây, Cha Hải, một linh mục có liên hệ với anh em xuất hiện. Vị này đã tốt nghiệp từ trường canh nông tại Thụy sĩ để sau này về phát triển ruộng vườn của tu viện Châu Sơn, bây giờ cha Hải cũng nhập cuộc ngay. Đúng vào lúc chúng tôi cần cố vấn ! Ông đã nhập cuộc một cách hăng say. Ông không mấy hài lòng việc chiếc giây quá ngắn chỉ bằng nửa chiều dài cây được thắt vào thân kéo về phía hông nhà.

Chính lúc này anh Bê đi đón bà xã, nên thực tế là không có chủ nhà. Vị linh Mục không thấy thoải mái vì dù làm việc cho chủ nhà nhưng chủ nhà cũng phải được tham khảo ý kiến chứ ! Thế rồi giây được cột vào thân cây. Một nhát cắt về phía cây đổ, nhát cắt thứ hai phía sau. Cây lung lay, chúng tôi kéo ghì về phía đã tính trước. Kéo nhồi hai ba hiệp. Cây đổ đúng hướng. Cả bọn chạy tránh cây đè vì giây quá ngắn. Anh Vân chạy vấp vào chiếc máy cắt cỏ nhưng không sao.

Tôi vẫn nhớ cái câu nói đùa của anh Thắng : " chủ nhà đi vắng, nếu cây đổ vào nhà hay đổ sang hàng xóm, thì mình cứ từ từ đi về, có sao đâu !", nhưng nếu xẩy ra như thế thì cũng phải chịu thôi. Nói là nói cho vui vậy thôi, chứ người đạo diễn hôm ngay có đầy bụng kinh nghiệm ! Còn riêng cha Hải hiểu lầm, tưởng rằng chúng tôi làm việc mà không tham khảo ý kiến với chủ nhà. Thực ra trước đó chúng tôi đã bàn soạn rất kỹ công việc cắt tỉa cây với anh Bê.

Nắng đã xế trưa, chúng tôi tạm ngưng để chuẩn bị cho bữa ăn. Chúng tôi hành quân vào bếp kiếm nước uống, nhưng cũng đồng thời thám thính xem bữa nay có gì !

Quả nhiên nhiều thứ được khám phá. Thế ra ở bên này cũng như bên ‘nớ’ : các chị không bao giờ thay đổi được cái thói quen làm bếp của mình : có nghĩa phải cho thợ người ta làm ăn ngon một chút, phải bày ra những món khoái khẩu để cho bọn thợ cũng phải nể các bà : rằng những ngón nhà bếp lúc nào cũng diễn tả được nét văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt.

Cơm đã dọn sẵn, bà chủ nhà vừa về tới. Bà chạy lên chạy xuống, đưa cái này ra, đưa cái kia vào. Cái dáng dấp cho mọi người biết rằng mình luống cuống vì phải đi làm cả sáng nay. Còn ngược lại thì tâm tư của các bà khác tỏ ra bao bọc được mọi thứ cho bà chủ. "Chúng tôi đây ai cũng là những tay thiện nghệ nhà bếp, có gì mà phải lo !!".

Bọn đàn ông chúng tôi thì khác hẳn, có biết nấu đâu mà mong những món đặc biệt. Ở nơi xa quê hương, có được thức gì ngon hay không ngon thì có sao đâu. Mình không biết làm thì ít nhất cũng biết chịu đựng ăn những món cơm khê gạo khẩm.

Chúng tôi vào bàn ngỡ ngàng quá, chúng tôi mừng không phải vì được thỏa mãn khững đòi hỏi gì. Mà ! ôi sao quê hương đẹp quá, những món thịnh soạn có khi còn ngon hơn ở bên nhà đó !!

Mọi thứ sắp lên đầy bàn, chiếc bàn của phong thủy giúp cho anh em ngồi để rồi chén chú, chén bác với nhau. Tôi không lầm thì phe ta thích uống bia Đức, nó nặng hơn một chút. Những người ngồi đây uống bia rất thanh lịch, từ tốn chứ không dùng cái văn hóa ‘ giôû, giô ‘. Tôi không nhớ kỹ có mắm tôm hay không. Hình như có thì phải. Thứ mắm tôm khi xưa Tản đà tiên sinh thường dùng với món thịt chó, danh từ thực thà của các cụ đó, nếu muốn nói thanh lịch, người ta kêu là thịt cầy. Tản Đà tiên sinh thường vắt chanh vào mắm tôm, rồi đổ mấy muỗm rượu đế vào. Mắm tôm mà ăn với thịt cầy thì phải có húng quế, nhiều người gọi là húng chó, vì người ta dùng khi ăn thịt cầy !

Vào lúc này, trời Lyon hãy còn lạnh nên chưa cho phép cây húng quế mọc. Tôi thấy bên hông nhà một vài cây húng mới mọc có hai ba lá. Thấy thế tôi lại nhớ năm 1976, từ Louisville, Kentucky, tôi đi ra Virginia beach, tơi thăm một người bạn khi xưa từ lớp ba tiểu học, ngày còn học ở trường Alexandre de Rhodes Tại Tỉnh lỵ Thanh Hóa. Ông bạn tôi cấy được cây kinh giới năm lá, vì hiếu khách, ông bứt một lá cho vợ, một lá cho tôi và một lá cho ông. Cái tình bạn quí đến như thế đó.

Ở Lyon thiếu một thứ húng có tiêu chuẩn quốc hồn quốc túy. Người ta dùng húng bạc hà ở Lyon, cứ nói như thế đi, nhưng thực ra nó không đúng phẩm lượng của cây bạc hà. Chính ra thì phải là húng chũi, thứ húng thơm dậy mùi để ăn với những món thượng thặng. Ở một xứ nóng của chúng tôi có đủ mọi thứ húng. Nếu ăn xà lát thì có húng chũi, húng chó, kinh giới, tỉa tô, có khi còn có lá cóc, lá mơ. Nếu ăn gỏi tôm thì có thêm lá sung, lá đinh lăng, lá nghệ, lá chanh v.v.v….

Chúng tôi vào cuộc : nhiều món quá, bởi lẽ ai cũng mang đến một thứ, thứ nào cũng là những thứ khoái khẩu. Tôi thấy có món giồi. Món giồi ở Lyon lạ quá, chưa bao giờ tôi được nếm thử. Đó là ruột non nhồi tiết. Cái món lạ này cũng khoái khẩu đáo để. Thế nhưng nếu là lòng heo, người ta làm bằng ruột già. Công trình lắm ! Ruột phải làm thật sạch, rồi nhồi vào ruột những gia vị gồm thịt xay trộn với tiết, đậu xanh, thật nhiều lá mơ, các loại húng, tiêu. Làm như thế mới rậy mùi. Rồi giồi chấm với mắm tôm chanh. Nếu phải pha mắm tôm chanh, tôi làm như thế này : vắt chanh vào chén ăn cơm khoảng nửa chén, cho vào một muỗm mắm tôm, nửa muỗm cà phê đường, ớt băm, một nửa muỗm cà phê rượu cognac.

Bữa cơm thịnh soạn như tôi nói trên được các ông bà thợ làm vườn chiếu cố nhiệt tình lắm. Những câu chuyện bay lượn vừa rí rỏm vừa thân tình. Nếu chỉ nói tới cái cảnh cắt cỏ, cắt cây, thì chẳng nói được bao nhiêu. Tôi được nhập vào nhóm từ phương xa gần nửa trái đất. Cái nhóm bạn này đã trên thập niên gặp gỡ, thảo luận về khoa học, y khoa, văn hóa, ca nhạc. Họ cống hiến cho nhau những lối sống để bảo tồn văn hóa Việt, để sưởi ấm tình người nơi xa xứ lạ. Họ lo cho nhau những cần thiết, điển hình là buổi cắt cỏ hôm nay.

Bóng chiều đã ngả, chúng tôi từ biệt nhau về với khoảng vườn gọn ghẽ xinh tươi của một mùa xuân vừa chớm nở tại âu châu. Tôi cảm thấy thật thoải mái vì cả năm tuần lễ sống ở đây, xa hẳn cái nếp sống thường nhật của tôi, xa hẳn những chậu kiểng, những bạn bè, những thân thuộc hằng ngày của tôi. Tôi cũng nhờ thếâ mà khám phá ra cái văn hóa của mình : ở đâu có bạn hữu, có tiếng nói Việt Nam là ở đó mầu sắc quê hương vẫn còn phảng phất chung quanh chúng ta.

Houston, 10 June 2004.

Viết để nhớ về Lyon.

Trần Khánh Liễm.

bấm vào đây đọc những bài viết khác của Trần Khánh Liễm:
http://www.gio-o.com/TranKhanhLiem