Trần Khánh Liễm

       Hương vị mùa Giáng Sinh

     

Trời hôm nay ảm đạm như báo hiệu  thời tiết lạnh lẽo của mùa đông tại Texas. Năm nào cũng thế, mùa giáng sinh phải có chút tuyết rơi, trời giá lạnh, thì cái hương vị của ngày lễ mới có mùi vị của nó. Vào mùa giáng sinh năm 1999, tôi đã viết về mùa giáng sinh, trong khi lòng rộn ràng tưởng nhớ đến bạn hữu, thân bằng quyến thuộc và đọc giả của tôi trong thành phố, lúc chúng tôi còn nai lưng viết báo với bạn hữu. Trong tâm tư lẫn lộn phải lựa chọn giữa việc viết bài gửi cho bạn đọc hay viết những tấm thiệp gửi đi cho những người thân. Tâm tư của tôi bay bổng từ những ngày thơ ấu, mừng giáng sinh tại miền quê của mình : cửa Thần Phù, một cửa biển có tên trong lịch  sử mà nhiều sách vở đã nhắc tới. Khi gửi cuốn sách Thú Điền Viên của tôi cho nhà thơ Cao Mỵ Nhân, một tuần sau tôi nhận được đôi hàng của bạn gửi lại. Cao Mỵ Nhân đã viết thật nhiều bài gửi cho báo chúng tôi. Trong thư chị nói : khi viết cuốn Chốn Bụi Hồng, tôi có viết về huyền thoại cửa Thần Phù, đâu ngờ cái cửa đó có thật, nơi anh đã sinh ra ! . Rồi từ những kỷ niệm ấu thơ, tôi kể lại chuyện những bà chị của tôi chuẩn bị làm hang đá trong ngôi nhà thờ nhỏ phía bên kia ngọn núi An Tiêm. Những năm sau này thì gia đình chúng tôi tản mát khắp đó đây. Gần đây tôi được mừng lễ giáng sinh ở một căn nhà mười mẫu, nơi đây tôi có nói tới cặp vợ chồng sống hạnh phúc ở khu ven đô thành phố Houston.

Hình chụp trên đây khung cảnh  Houston, lúc chúng tôi đang sửa soạn đi lễ đêm Noel, tuyết rơi lã chã bên thềm. Đứa con gái của tôi, khi rời quê hương tỵ nạn, lúc đó mới có mười chín ngày. Cuộc đời trôi nổi, vừa hé mắt chào đời, đã đi một nửa trái đất tìm tới bến bờ tự do. Chưa bao giờ nó đặt chân trở lại nơi quê cha đất tổ, mặc dù vẫn thương nhớ và cầu cho quê hương có ngày tự do hạnh phúc, thoát khỏi kiếp sống  oan nghiệt.
 
Hôm nay cũng trong tâm tư hồi tưởng tới bạn đọc, thân hữu, tôi gửi tới tất cả lời chúc mừng an bình trên quê hương và hạnh phúc tới mọi người thân thuộc , bạn hữu, cầu chúc những gì đẹp nhất cho mọi người trong những ngày lễ lớn trong năm này.

Nhạc Giáng Sinh đã vang dội ngay từ ngày lễ Tạ Ơn, sau những bữa cơm đủ mùi vị, mầu sắc của các sắc dân sống trên Hiệp chủng Quốc này. Có người chê bai loại nhạc này nặng mùi thương mại, cốt cho người ta xao xuyến, vội vã đi mua quà tặng mà không để ý gì đến cái ý nghĩa cao đẹp của nó. Nói như thế cũng không sai, nhưng sai hay đúng là tùy tâm tư của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bản nhạc có nhắc nhở nhiều đến tâm tư của mỗi người tùy tôn giáo, tùy chủng tộc, tùy mỗi người chịu ảnh hưởng của những nền văn minh, giáo dục khác nhau mà có được những rung cảm đưa tâm hồn lên cao. Tôn giáo và văn hóa là những nét sống của nhân loại, cái đẹp không bị trói buộc và hạn chế trong nhẫn giới chật hẹp của mỗi cá nhân, của giới hạn tôn giáo hay văn hóa từ lục địa này tới lục địa khác.


         

 Người di dân Việt Nam ở thế hệ thứ nhất như tôi đã nhiều năm hòa nhập vào cái văn hóa ở đất nước này, mà không bỏ mất cái văn hóa của mình. Cái văn hóa vẫn còn được giáo dục và truyền tụng cho những thế hệ mai sau.

 Chúng tôi cũng nấu gà tây. Gà tây là biểu tượng sản phẩm của ngày mùa mà dân ở đây dùng nấu nó cùng với những sản phẩm khác  như cừu, dê, gà, vịt, ngỗng, bí ngô, bắp, khoai, trái đậu, trái dâu, cam, táo v.v.. Chúng tôi thay đổi cách nấu gà tây theo thể thức vịt tiềm. Gà tây có nhiều chất thịt béo ngậy, được tiềm ở trong bụng nó nhồi thịt heo xay trộn miến, mộc nhĩ, muối tiêu, hành nướng thái nhỏ, hành lá. Con gà sau khi được rắc muối tiêu, rồi đặt vào nồi, dưới đáy trải một lớp cần tây ( celery ). Chung quanh gà rải một lớp hạt dẻ khô đã ngâm qua một  đêm, rồi nấm đông cô, hồng táo khô, kim châm khô. Tất cả những gia vị khô này khi nấu, nước thịt sẽ ngấm vào làm cho nó mềm sũng nước, có mùi bùi ngậy! Sau đó đổ mấy lon nước gà ( chicken broth ) tùy theo gà lớn bé. Gà đút vào bake với nhiệt độ 425 trong 2 tiếng, sau đó vặn bếp xuống 350 độ trong 2 tiếng nữa. Trước khi lấy ra ăn, mở nắp nồi, rải miến chung quanh nồi, quét một lớp mỏng mật ong pha nước trên con gà, để bếp 175 độ trong 15 phút là lấy nồi ra. Muốn cho thịt gà không bị khô lúc ăn,  khi gà lấy ra khỏi bếp, đậy vung trong nửa tiếng, rồi đưa ra cắt dùng trong bữa tiệc.

Với cách nấu này đưa lại hương vị đặc biệt, chúng tôi đã cảm thấy mùi vị của ngày Lễ Tạ ơn của người di dân khác nhau như thế nào. Cũng một cách nấu như vừa trình bày, chúng tôi lại nấu gà tây vào dịp lễ Giáng Sinh, kèm theo những thức ăn khác rất việt Nam. Thửø nghiệm này thành công, nên năm nào cũng được lặp đi lặp lại để đem  lại vui tươi hạnh phúc của gia đình xum họp đông đủ trong ngày lễ .

Thành phố Houston trong thập niên vừa qua có rất nhiều thay đổi từ bộ mặät bên ngoài cho tới nếp sống bên trong. Tới đây gần ba mươi năm, tôi được chứng kiến khá nhiều thay đổi : từ đường xá tới nhà cửa. Houston trước đây được vòng đai 610 bao bọc chung thành phố để giải quyết bế tắc giao thông. Sau mấy thập niên beltway 8 đã mở rộng thành phố, với cư dân mỗi ngày một nhiều đổ ùn về đây. Beltway 8 vẫn chưa giải quyết bế tắc giao thông thì lại có Hwy 6 gần như sắp nối kết bao vòng quanh thành phố. Nhửng khu phố lụp xụp bên cạnh những tòa nhà lớn làm mất vẻ thẩm mỹ của thành phố nay cả trăm ngàn căn nhà mới, chung cư  được thay thế những túp nhà cũ kỹ xập xệ. Phố phường có nhiều sinh hoạt không phải trong những giờ hành chánh như trước kia. Trái lại, những buổi chiều, xe cộ đậu nhan nhản khắp phố phường, người đi bộ qua lại từ quán này tới quán khác đông nghẹt và tấp nập. Những khu Midtown đã thay đổi bộ mặt của thành phố. Houston đang phát triển với những kỹ thuật cao ( high tech ), phát triển  của dầu hỏa, những nhà máy lọc dầu khói bay khắp miền tân cảng, miền Freeport,  kỹ nghệ điện toán, kỹ nghệ không gian. Tất cả những phát triển đó đã có sức lôi cuốn những người cần công ăn việc làm về thành phố này. Ở downtown Houston có phố Việt từ ngày người mình  tới định cư tại đây, nhưng theo đà phát tiển ở vùng Southwest của người Á châu, khu phố cũ này ở downtown đã bị thu hẹp. Số tiệm và văn phòng thượng mại còn rất ít. Tiệm sách thưa thớt khách qua lại, cô hàng bán sách ngáp lên ngáp xuống. Bây giờ đa số người Việt rời cửa tiệm về khu SouthWest, nơi đây có đủ mọi cửa tiệm, mặt hàng, tiệm thuốc, văn phòng bác sỹ, nha sỹ và các dịch vụ  khác. Những khi cần biểu đương lực lượng về chính trị, sinh hoạt văn hóa, cổ động cứu trợ tất thảy đều về khu SouthWest cả.

Trong những ngày chuẩn bị lễ giáng sinh từ hai thập niên qua, dân chúng trong vùng thích đi xem cảnh trang trí mừng lễ. Ở Pearland, một thành phố nhỏ miền nam Houston, là khu nhiều thập niên lôi kéo được nhiều người tới đây vào những buổi tối để xem trang trí đèn chung quanh vườn hay nhà của cư dân. Chúng tôi thường phải đậu xe phía bên ngoài trong những ngày trước lễ giáng sinh đi bộ vào. Khu này quá rộng, có tới mấy trăm gia đình. Nhà cửa tương đối khá đắt, do đó dân ở đây cũng phải có tiền bạc mới mua được nhà ở. Đây là một rừng đèn với nhiều mầu sắc và trang trí rất mỹ thuật thật tốn kém. Thế nhưng bù lại, giá trị của khu gia cư lên cao, dân chúng có được sự hãnh diện mình là cư dân ở đây.

         

Bây giờ trong thành phố Pearland này có tới mấy chục khu gia cư được xây thật trang nhã và tốn kém. Trên đường 288 rẽ vào khu Shadow Creek, cả rừng nhà giá trị hơn khu Green Tea. Nhà một mẫu, nhà nửa mẫu, nhà hai tầøng nờm nợp sát nhau, đèn đuốc sáng choang, thì khu Green Tea của một thời, nay đã chìm lặn trước những khu sang trọng trong thành phố. Pearland cũng như bất cứ nơi nào ở Houston, chỗ nào có một chút đất là nhà cửa mọc lên.

Từ trên không nhìn xuống vào buổi đêm, người ta thấy cả một rừng ánh sáng bao la bát ngát. Cũng từ trên cao ấy, khách thập phương trong những ngày lễ giáng sinh, từ muôn phương đổ về thành phố nhìn thấy cảnh huy hoàng ánh sáng trước khi về xum họp với gia đình của mỗi người tại Houston.

Houston với dân số Việt khoảng hai trăm ngàn người đã mang lại sắc thái đặc biệt được dân chúng địa phương biết tới với những thành công về thương mại, học vấn và văn hóa. Houston có những hoạt động văn hóa khá khởi sắc, có bốn đài phát thanh, có nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san, có báo chợ, báo quảng cáo, báo văn hóa.

Cũng như mọi năm từ năm 1979, người dân Việt ở Houston đã tụ tập mừng lễ giáng sinh. Cả chục ngàn người quây quần trên những địa điểm thật lớn tại thành phố. Nhiều ca đoàn trình diễn nhạc thánh ca vào buổi tối vọng giáng sinh. Sau đó là thánh lễ. Nhạc giáng sinh vang lên giữa những ánh đèn sáng chói. Người ta lũ lượt tới đây để tìm lại hơi ấm của quê hương, của tình ngườiø nơi viễn xứ. Ai ai như một lòng lâng lâng dâng lên Thượng đế lời cầu kinh : cầu cho thế giới hòa bình, cầu cho quê hương được an bình tự do, cho dân gian khỏi cảnh nghèo túng khốn cùng.

            Trần Khánh Liễm

           Viết từ Houston, Texas ngày 15 Dember 2007.