Trần Khánh Liễm   

Du Xuân 

Tản mạn.
 
 Hai ngày vừa qua mưa giông tầm tã ở Houston. Trời u tối tới độ có nguyệt  thực mà không thấy được. Trong những ngày thời tiết xấu như thế, bố tôi chỉ ngồi uống trà hay coi tin tức cả ngày. Chiều qua đi làm về, bố nói : con  xin sở nghỉ một ngày vì ngày mai có khách. Bố tôi lẩm bẩm :                      

Chơi xuân kẻo hết xuân đi,                
Cái già xồng xộc nó thì theo sau !
 

Năm nào cũng thế : ngày tết dù ở xa quê nhà, bố mẹ tôi lúc nào cũng đón tết một cách trang trọng! Cái câu tháng giêng ăn tết ở nhà, bố tôi giữ kỹ lắm.  Ở nơi xa xứ lạ quê người này mà cứ giữ y hệt như khi ở quê nhà là điều thật khó. Bố nói : nhà nào giữ  được như thế thì nó có nề nếp, mãi rồi cũng quen. Bố nói : chúng con biết không : lớp người từ bỏ quê hương từ ngày miền Nam rớt vào tay cộng sản ấy, họ mang theo cả một văn hóa của miền Nam, cả tiếng nói, cả phong tục tập quán, tất cả những cái đẹp của một thời. Bố suy luận như thế này : khi cộng sản chiếm được đâu, thì chúng xóa hẳn những vết tích ở nơi đó : lấp ao để cấy rau cấy khoai. Con biết không cái văn hóa của miền Bắc là căn nhà hình chữ môn, đằng trước có sân phơi lúa, trước sân có ao nuôi cá, chung quanh bờ ao cấy rau muống. Lũy tre bao bọc chung quanh nhà. Phía sau nhà là vườn, có những hàng cau, có những cây chanh, cây cam, cây khế. Thế mà bây giờ những cách bày biện nhà cửa không còn nữa, không còn những lũy tre xanh, không còn ao cá me. Trở  về làng, những người Việt từ hải ngoại không nhận được quê hương của mình . Còn cái văn hóa, cái tiếng nói cũng thay đổi quá nhiều. Thay đổi tốt thì không nói làm gì mà thay đổi xấu thì  lại là một thụt lùi cả thế kỷ. Nếu con nghe đài BBC Luân Đôn, những giọng nói tiếng Hà nội pha nước mặn. Nói như thế thì dân Hà Nội chịu sao nổi? Đài BBC Luân Đôn là nơi tuyên truyền của các cán bộ đấy con ạ. Chúng dùng tiếng nói đó để tuyên truyền, phá sự liên đới của hàng ngũ quốc gia. Nó  úp úp mở mở, chứ không nói toạc móng heo ra như cái truyện của mấy thày tu ờ Làng Mai bên Pháp đấy : cái làng gọi đạo phật là Đạo Bụt . Ngụy biện như vậy để che đi đương đi nước bước cửa ni co . Con thấy khi thời chúng tổ chức đấu tố địa chủ, đấu tố những người có máu mặt trong làng, đấu tố cả người tu hành cũng là để xóa đi một cái xã hội cũ để đưa loài sâu bọ lên làm người!  Tôi ở nhà, hôm này là 16 sáu tháng giêng ta . Bố nói vợ chồng con kiếm gì làm món nhậu để bố tiếp bạn nhân dịp du xuân. Ở thành phố này, bố có dăm ba người bạn, nhưng bây giờ chỉ còn có một cặp này bố có thể liên lạc được thôi. Những người kia: người thì bị đau yếu, người thì gặp khó khăn, ở xa quá, mỗi lần đi lại phải nhờ con cái chở mới đi được. Ong bà này học với bố từ khi còn nhỏ. Vào trong Nam lại học với nhau cùng đại học. Khi bị động viên thì cùng khóa, cùng đại đôi, cùng trung đội. Lúc hoạt động văn hóa thì cùng làm việc với nhau. Bố nói cái khóa 13 Thủ Đức có nhiều bộ mặt khá lắm, nó có đều trình độ văn hóa với nhau, khác hẳn với khóa 12 và khóa 14. Tại sao thế ? khóa 12  chỉ có một phần nhỏ là những giáo chức bị động viên như Nguyễn Ngoc Linh. Khóa 14 thì lại có nhiều đại đội Bảo An, mặc dầu cũng có những khuôn mặt sáng giá như Duy Trác, Song Ngọc. Còn khoá 13 là khởi đầu cho quốc sách Ap chiến lược. Cái bộ ba có người bạn sắp tới thăm, với một người nữa đã qua đời là những người phụ trách hằng tuần phải đi thuyết trình về Ap Chiến Lược cho các đại đội sĩ quan, do đó được liệt vào sinh viên giới chức . Công việc này cũng miễn được nhiều các lớp học, nên bố và hai ông bạn chỉ tham dự những buổi học tập chiến thuật trên đồi 18, đồi 30 ở vùng Thủ Đức. Bố kể những lớp học chiến thuật phải đi bộ xa cả mấy tiếng dọc theo xa lộ, rồi vào trong rừng. Buổi trưa ăn cơm vội để có mấy phút ngả lưng. Bố thường gối đầu trên mả ngủ. Những buổi tập dượt chiến thuật là mồ hôi và nước mắt. Chạy rồi nấp, chạy rồi tấn công. Mồ hôi nhễ nhãi, rồi lại khô, rồi lại ướt. Khi mưa giông ào ạt,  nước chảy trên mặt hòa với mồ hôi mặn. Lúc khát quá thì cũng nuốt những hạt nước chảy vào miệng. Thế nhưng những lúc thư thả thì cũng rất vui. Cũng có những mục văn nghệ bỏ túi. Luật sư Đạt trong đai đội của bố  là vua diễn kịch về dã sử, về Thành Cát Tư  Hãn do kịch bản của GS Vũ Khắc Khoan. Anh là người có thân hình cao ráo, vui tính và khoan dung. Khi đi tập chiến lược rồi, lúc về tới cổng trường Bộ Binh Thủ Đức, mỗi đại đội phải tập họp, xếp hàng bốn và đi theo quân hành. LS Đạt cao nên đi trước. Chân dài bước rộng để mau về đi tắm. Báo hại cho những tay lùn đi sau cứ phải chạy cho tới khi về sân đại đối mới được tan hàng.   Cái văn hóa từ đó mà khi đến Houston, nhiều năm sau, mỗi khi hội họp, LS Đạt lại cũng trình diễn và nhớ nguyên bản như khi xưa. Khóa mười ba mà nói tên bộ ba của bố tôi và hai người bạn trong đó có khách hôm nay đến thăm bố. Bố cũng kể khi bố được giải ngũ thì cũng có một số anh em có máu mặt  như Nguyễn văn Ngân, cố vấn TT Thiệu, LS Đoàn Thanh Liêm . Mấy tháng trước đây ông đến thăm bố, bố nói vẫn như thế thôi. Bố hay nói tới anh Hùng Biệt Động Quân như  trung tá Thọ trong trận Đồng Xoài. Ong cũng thu sinh o trung đội 30, đại đội 8, thế mà khi về với Biệt Động quân đã trở thành một anh hùng, lên chức trung ta nhanh nhất. Tội một cái là mất một mảng đầu phải vá bàng một miếng plastic.Tôi chả biết cái gì về những chuyện bố kể. Bố nói : con cứ viết rồi những người trong cuộc sẽ vui mừng nhớ lại những ngày mồ hôi nước mắt đó, những người còn sót lại của một cuộc chiến mà 2/3 bạn đồng khóa của bố đã vĩnh viễn ra đi, hy sinh vì tổ quốc.   Đúng 12 giờ trưa thì bạn của bố đến. Hai bác khệ lệ đưa vào nhà : nào là những trái đu đủ, nào rau thơm chính tay cấy lấy ở trong làng Việt Nam,  nào hạt nứt ..đủ thứ. Bố vui vẻ ra đón khách. Bữa cơm đầu năm tiếp bạn có bia là món khách thích. Thường thì những cụ H.O. hay uống bia và hút thuốc, nên tôi đã chuẩn bị  sẵn. Bố tôi trịnh trọng đón bạn trong buổi đầu xuân. Cả hai bác và bố vui như tết. Hôm nay khách đưa rượu tới nên không uống bia. Món ăn thì thanh đạm : một đĩa xào con chem chép ( musles ) bố tôi chỉ cách khi học được trên food network, một đĩa mực chiên, một đĩa tôm rang, một đĩa rau. Các cụ ngồi nhâm nhi vui như tết, người ta thường diễn tả cái vui của ngày tết nên nói như thê. Hôm nay tôi mới tận mắt biết cái vui như tết như thế này! 

 Khách của bố tôi ngồi nhìn ra vườn. Ông thú vị khi thấy bụi tre vàng cao ngất cả chục thước tây sau cây đào hoa nở đỏ ối. Ông nói nếu lấy một cây tre mà làm cây nêu thì toán múa lân không có cách gì trèo lên mà lấy phong bì được! Bố nói sang năm bố tặng cho bạn một cây để làm cây nêu ở làng của bác. Cây nêu dựng lên hôm 30 tết rồi hạ xuống ngay mồng 7 tết khi đốt tết.  Bố kể : sau khi mất miền Nam, bạn bố bị đi tù nhiều năm. Khi được thả ra, bác vào rừng trồng tỉa cho tới ngày đi H.O. Ở Cali được mấy tháng, bác tới Houston ở nơi một làng Việt Nam do một tu sĩ già ở thành phố này lập nên. Bác được người bạn giới thiệu làm thơ ký làng, với số lương tối thiểu. Sau này bác làm chủ tịch làng không lương. Vì thế bác phải xin việc làm ca đêm cho có lương lậu hẳn hoi. Năm nay đã trọng tuổi, nhưng bác vẫn khỏe đi làm ban đêm.   Bác lại đưa truyệnn Thủ Đức ra nói. Bác nhắc tới những người bạn thân như Trịnh Như Kỳ, Mai tuấn Kiệt, Hồ văn Kỳ Tường. Bác cũng nhắc tới những giới chức sinh viên sĩ quan làm văn hóa. Vì có chức vụ nên tuần nào cũng có phép thứ bảy và chúa nhật. Nhiều vị đi phép cả ngày trong tuần để lo các dự án như xây đài tưởng niệm ở cổng trường bộ binh như GS N.N. Linh, GS Ngữ.  Các khóa 13, 14 chỉ đi cuối tuần: người đi nhiều nhất phải kể đến Mai Tuấn Kiệt với bài hát ‘Tôi đi giua hoàng hôn’, rồi  CS Duy Trác, NS Song Ngọc.  Bố kể cho bác những người từ phủ tổng thống được gửi đến theo dõi một số sinh viên sĩ quan làm văn hóa như : Thái Đen, Phẩm là hai người phụ trách đầu não vế  chiến thuyết Ap chiến lược, Hoàng Xuân Việt phụ trách về triết lý Nhân Vị. Họ ăn chực nằm chờ ở đại đội 8 để xem lũ sinh viên hoạt động văn hóa múa may làm sao. Khi bố và bác được đổi về BTL Hải Quân Việt Nam để làm sĩ quan CTCT. Bố cũng mừng và rất hân hanh. Có một lần đại tá H.T.Quyền đem sự vụ lệnh gọi bố và bác về Phủ TT, phụ trách thuyết trình về Ap Chiến Lược, nhưng cả hai đều xin ở lại phục vụ HQ. Cũng nhờ cái hơi hướng đó mà cả hai được trong dụng. Đã có lần bác đi thăm quần đảo Hoàng Sa. Khi về bác tặng bố mấy trái trứng chim nhạn thật đẹp. Bố cũng kể lần chót được nói chuyện với D.T Quyền. TL.HQ lúc hai giờ đêm trước khi ông bị hai người bạn mời đi ăn mừng sinh nhật ở Thủ Đức. Trên đường đi, Đ.T. Quyền bị người bạn giêt chết. Sau này tướng lãnh ai cũng sợ, nên đã cho ông này đi tùy viên quân sự bên Đại Hàn.  Nói đến đó rồi, bố mời khách vào tiệc. Buổi tiệc vào thứ sáu nên chỉ có đồ chay thôi! Bố lại khơi ra cái chuyện lập làng Việt Nam ở Houston. Bố đã đi xem đất, vẽ mẫu làng trên khoảng đất gần một trăm mẫu tây. Nơi đây sẽ có chính điện là bàn thờ tổ quốc, đài chiến sĩ trận vong. Hai phía cánh tả hữu là nơi hành lễ các tôn giáo. Rồi những sân chơi cho giơi trẻ, những khu rừng cho giới trẻ tới cắm trại, những hồ sen hồ súng. Bố cũng vẽ ra những ngày hội sẽ được tổ chức trong năm. Cuối cùng dự án không thành nên tất cả rơi vào trong quên lãng.  Bữa cơm đầu năm thết bạn của bố được chấm dứt bằng một tiệc trà. Tiệc trà cũng được tiếp một cách trịnh trọng giữa đôi bạn hiền, bạn cả một đời người mà tới nay vẫn còn cấu kết như răng với lợi. Sự thân tình được nối kết qua những kỷ niệm của cuộc đời, qua những sóng gió cho tới ngày hôm nay. Cả hai đều vui thú cho buổi du xuân như thế này.
 
 Bố tôi lại dẫn hai bác ra thăm vườn. Thăm cây đào hoa, cắt những trái quất vàng óng ả cho khách. Cuối cùng bố ra bụi mía, bố chặt tới 4 cây mía thật lớn . Bố chặt ngọn cho bác đưa về trồng, thân chặt từng gióng cho bác ăn. Lại còn thêm một chậu cây khởi tử đưa về lấy lá nấu canh. Tình bạn như thế thật tuyệt!  Buổi thăm viếng bố gọi là du xuân cho đượm tình bằng hữu kết thúc vào lúc bốn giờ chiều. Chủ và khách từ giã nhau trong tiếng cười nói vui vẻ. Bố vui với cái hương vị đầu xuân đầy ý nghĩa trong nếp sống  văn hóa Việt.

Trần Khánh Liễm                           
Viết từ Houston ngày 16 tháng giêng tết ta.