Đón Xuân.
trần khánh liễm
Tới lúc này, những chuyện hay dở với Ông Táo đã tạm ổn. Giờ phút linh thiêng của thềm năm mới đã gần kề. Người chủ nhà và bà vợ bất cứ gia đình nào cũng cố gắng lợi dụng những giây phút chót để dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất. Thậm chí những căn nhà trong chung cư cũng được các gia chủ lo lắng thấu đáo.
Cúc Đại Đóa trong ngày tết
Mặc dù phía trước nhà có tính cách công cộng, mọi người có thể dòm ngó. Thậm chí có những người không thấu hiểu được những văn hóa của các dân tộc khác nhiều khi có thái độ khó chịu. Nhưng không phải vì thế mà người mình không lo trang trí cho nó thích hợp với những ngày đại lễ. Cũng có những gia chủ đã chuẩn bị cả mấy năm mới có được một cây đào được cắt tỉa gọn ghẽ mong ngày xuân những nụ hoa nở đón chào một năm mới. Cũng có những người đã cẩn thận mua cho được một cây đào hoa lùn loại bonefire, có hoa dầy đặc nở bông trong ngày tết. Hoa đào nở mầu hồng tươi làm đẹp cả một khoảng vườn. Một vài bông đang chúm chím hứa hẹn nhiều triển vọng nở vào đúng ngày tết Nguyên Đán. Rồi đây mấy ngày sắp tới những bông hoa sẽ nở những cánh hồng bay theo cơn gió sẽ lần lượt rải trên vườn như những xác pháo nằm ngổn ngang đây đó. Nếu chúng ta muốn có một cây đào nở đúng vào ngày đầu năm không phân biệt thời tiết lạnh hay ấm, tốt nhất mua một cây đào Sam Houston về chưng ở nhà, rồi sau tết cấy ra vườn, các năm sau chúng ta sẽ có một cây đào thật đẹp chưng trong ngày tết.
Những chậu quất đỏ đang được bày bán trong các tiệm tạp hóa người Á Châu. Người ta thay phiên khuân kìn kìn về nhà, người hai cây, kẻ bốn cây. Theo phong thủy, những người Tàu đặt cặp quất trước cửa vào nhà. Cành quất nặng chĩu trái, người chủ nhà phải lấy một chiếc que tre chống cho những cành nặng chĩu trái có chỗ tựa. Mầu trái cây đỏ rực theo quan niệm người Tầu sẽ mang lại thịnh vượng và an khang cho gia đình trong cả năm. Cũng có người không thích quất , lại dùng cặp chanh yên trái lớn như trái cam sành. Cũng có người chưng một căp cam giấy nặng trĩu trái. Cam giấy có mầu đỏ tươi đẹp như quất, lại có trái lớn trông đẹp mắt hơn quất. Người ta có thói quen hay bắt chước nhau trong việc chưng cây kiểng. Nghệ nhân thường có tính phóng khoáng hơn, vả lại họ chưng những cây do chính tay họ làm nên mới có thú vịù. Người ta thường nói :’ của một đồng, công một nén”. Cả năm nghệ nhân vun trồng, thưởng thức cái cây của mình từ lúc nảy lộc, trổ lá, ra bông cho tới khi đậu quả, đổi mầu từ xanh ra đỏ tươi. Bao nhiêu công vun trồng, hằng ngày chờ đợi cho tới khi cây có trái chín, đưa ra phía trước cưả nhà trưng bầy. Cái thú vị là như thế. Cái thú của người có tiền là mua một cây thật đẹp, bày ra phía nhà trong một vài tuần rồi lại dẹp đi. Nếu so sánh chúng ta thấy có quá nhiều khác biệt về cách thưởng thức cây kiểng trong khuôn viên. Để có nhiều tài lộc, người ta thường treo ngay vào cửa nằm ở ngoài cửa ba cái chuông nhỏ vào cỡ chuông đeo vào cổ chó con. Phía bên trong cửa treo mấy đồng tiền bằng đồng cũng vào nắm cửa. Đó là những người tin vào phong thủy. Nhất là người Trung hoa, đa số làm như thế để cầu may cầu tài.
Ngay trước cửa đi vào, người ta thường chưng một cặp cúc đại đóa vàng cho tươi nhà. Người Việt nam chúng ta ưa dùng mầu vàng, còn người Trung Hoa lại ưa chưng mầu đỏ. Có thể tính người mình ưa hòa nhã, nên mầu vàng có vẻ thanh hơn mầu đỏ.
hoa đào khoe sắc bên khóm tre vàng
Trong phòng khách một bình bông gladolius mầu đỏ thẫm, loại hoa nhập cảng từ Hòa Lan, bông lớn, dò cao trông thật sang. Cái mầu sắc ấy mang lại một niềm tin tưởng vào vẻ đẹp tuyệt mỹ của mùa xuân mà đêm nay lúc giao thừa sẽ có nhiều hứa hẹn những nụ hoa này sẽ nở ra đón chào ngày đầu của một năm.
Người vợ trong gia đình đã bày sẵn trên bàn trong phòng khách một chai rượu, một bình trà thật ngon, một khay trà tách chén và ấm để sẵn, một hộp mứt thập cẩm để ngày đầu xuân khách khứa bạn bè tới còn có món nọ món kia chúc tuổi nhau.
Trên bàn thờ tổ tiên, một mâm quả đủ loại, hai bình bông nhỏ để cạnh lư hương đồng đánh bóng loáng. Phía chân bàn là cặp cúc đại đóa. Trên bàn thờ tổ tiên có chưng ảnh ông bà tổ tiên và những người thân đã mãn phần. Những năm tháng gần đây mặc dầu có những bài bác của một sồ nhỏ những cá nhân còn mang nặng mạc cảm, đa số quần chúng không phân biệt tôn giáo, với tín ngưỡng và lòng hiếu thảo thờ kính tổ tiên có từ trong văn hóa dân tộc từ ngàn xưa trước khi có những tôn giáo từ những vùng đất lạ tới xứ sở này.
hoa quả chưng đón xuân
Vợ chồng người chủ nhà, dĩ nhiên vào lúc cuối năm và để đón xuân, họ cố tâm đầu ý hiệp, tránh những bất đồng trong những giây phút đầu năm. Hai vợ chồng cùng đi bên nhau, rảo bước trong vườn để tìm một cành bông đêm nay họ sẽ hái vào gọi là lộc đầu năm lúc xông nhà. Bỗng người vợ hí hửng chỉ cho người chồng: cành đào này đẹp quá, vừa cân đối, vừa dầy đặc nụ, cao độ 3’. Người chồng chiều ý vợ, lấy một băng vải đỏ cột vào cành cây chỗ ông dự trù sẽ cắt đêm nay vào lúc giao thừa, đưa vào xông nhà và mang vào những vui tươi, sung mãn cho cả năm.
Như vậy là cả hai vợ chồng tâm đầu ý hợp. Họ vào nhà nghỉ ngơi trong buổi chiều thư thả cuối năm..Hai vợ chồng ngồi pha trà, tiếp cho nhau những hương thơm đầm đà, ấm trà được lấy ra từ bình quí của cô con gái lớn mua tết bố mẹ. Người vợ đưa cho chồng nếm thử mấy miếng mứt hạt sen vừa mới mở thử trong hộp để bày biện cho khách và cho các con cái lúc sớm mai tề tựu chúc tuổi bố mẹ .
Những làn khói đuổi nhau bay lên từ nồi xôi đặt trên bếp để ngày mai có một dĩa xôi vò vàng ánh phủ trên những hạt đậu xanh nhừ tơi. Một chiếc giò thủ đã được ép kỹ lưỡng hiện nằm trong tủ lạnh. Con gà trống đi bộ cũng vừa mới luộc do người bạn vườn gởi biếu có cặp chân co quắp diễn tả một sự hòa hợp của liên kết được đặt vào chiếc đĩa sứ có hoa xanh.
Bà xã lúc này cũng xúng xính trong đồ bộ mới nhẹ nhõm nhắm chừng đón giao thừa.
Đêm về khuya, mọi người căn cho tới lúc giao thừa. Vợ chồng lúc này ăn mặc chững chạc. Người chồng mở cửa sau ra vườn, người vợ theo sau như đã có những dự tính trước, cắt cành đào đã được đánh giấu chiều nay. Con giao cắt ngọt xớt, cành đào rời khỏi cây được trao cho người vợ trịnh trọng cầm trong tay đi từ cửa hàng rào sau ra phía trước nhà để vào cửa chính. Người chồng im lặng bước theo vợ. Đúng giao thừa, người chồng mở lách cửa cho vợ vào nhà. Người chồng đỡ cành đào từ tay vợ để vào chiếc bình sứ xanh đã đặt sẵn trên bàn tại phòng khách. Thế là lộc xuân đã vào nhà kèm theo những may mắn của cành hoa hàm tiếu. Họ bắt đầu thắp nến và hương trầm trên bàn thờ tổ cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho cả năm để gia đình có được những may mắn trong mọi công việc.
Bên cạnh hàng xóm, vợ chồng chú Tư cũng đang thắp nhang vái bốn phương trời cầu phước. Người hàng xóm cách mấy căn phố đã đưa con cái đi nhà thờ dự lễ nửa đêm để cầu cho tổ tiên trong buổi đầu xuân và cũng mong xin phúc lộc cho năm mới.
Mấy cô cậu trẻ bên hàng xóm rủ nhau đi chùa xin xâm và hái lộc cùng với những thiện nam tín nữ. Các cô các cậu bái lậy xin xâm, lượm một thẻ rớt ra rồi đọc xem có gì tốt cho hợp tuổi mình như thế nào. Nhiều cô cậu thiếu nghiêm chỉnh không hài lòng với thẻ trước, cố xóc lại một lần nữa cho chắc ăn. Có nhiều cô cậu đi chùa theo kiểu văn minh bây giờ. Nhìn lại nửa thế kỷ trước đây khi Nguyễn Nhược Pháp tả cảnh đi chùa Hương, lớp trẻ bấy giờ nghiêm trang như thế nào, mặc dầu tâm tư thời nào cũng thế thôi !.
Em đi chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu.
........................................
Đêm hôm ấy em mừng !
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiềng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.....
Hôm nay mồng một tết, ở đây không có đốt pháo như bên nhà. Nhà cửa đã được quét dọn từ hôm ba mươi. Gió xuân nhẹ phe phẩy cành đào đang chúm chím nở như chào đón chúa xuân. Sáng sớm không ai mở cửa. Vợ chồng ngồi pha trà chờ các con thức dậy. Tết năm nay nhằm ngày thứ bảy nên không ai đi làm, các cô cậu dậy sớm hơn mọi khi, mặc dầu đêm qua đã đi khuya hái lộc.
Các cô các cậu xúng xính trong bộ đồ trông chững chạc. Cô con gái cả thay mặt cho các em chúc tuổi bố mẹ vào buổi đầu năm với những lời tốt đẹp cầu chúc cho cha mẹ được mọi phúc lộc trong năm mới. Ông bố nhận lời chúc của các con, rồi chúc cho các con thành đạt, tiểu đăng khoa, đại đăng khoa cũng vừa lúc rồi. Bà mẹ rút trong túi những bao thư đỏ chói, lì xì cho mỗi cậu mỗi cô một chút tiền mới để lấy hên.
Một bữa ăn sáng thịnh soạn vì là ngày tết để mọi người trong gia đình có dịp thưởng thức những món đặc biệt của văn hóa Việt. Một đĩa giò thủ cắt vuông vít , một đĩa giò lụa, một đĩa thịt đông, một đĩa dưa hành, một đĩa thịt gà đi bộ luộc trên có rắc mấy lá chanh thái thật nho,û có rắc chút tiêu, một tô miến lòng gà, một đĩa bánh chưng đã cắt sẵn, một chén nhỏ mật mía để chấm bánh chưng.
Người chủ gia đình rót cho vợ một ly nhỏ rượu con mèo, còn các con mỗi đứa một ly nhỏ rượu cointreau. Mùi rượu thơm tỏa ra cả gian nhà. Vợ chồng con cái nâng ly chúc nhau : bữa cơm đầy vẻ dân tộc làm cho tình nghĩa gia đình thêm ấm cúng, bao bọc không khí linh thiêng của buổi đầu xuân. Các cô các cậu cũng có dịp để học những phong tục quí hóa ông cha để lại cho hậu lai.
Ba mẹ hí hửng hỏi chuyện các con về việc làm và những dự tính trong tương lai, quan trọng vẫn là tình duyên của các cô các cậu. Ráng lên nhé để ba mẹ sớm có tí cháu bồng bề trên tay.
Sáng nay ít ai dám xuất hành, chỉ trừ những người được mời đến xông nhà. Thường là những cặp vợ chồng trẻ đang gặp may mắn được mời tới hi vọng họ đem đến những may mắn cho gia đình. Cũng có khi những vợ chồng lớn tuổi, làm ăn khá giả, con cái đã thành đạt. Thường người ta phải canh để người xông nhà tới trước, nếu không chủ nhà có thể không được vui vì sợ giông. Những người có tang chế thường không dám đến thăm anh em bà con trong những ngày tết. Phải đợi mãn tang, nghĩa là sau khi giỗ người chết năm thứ ba. Ví dụ người chồng mất năm tý, tới năm dần là hết tang.
Sau khi xông nhà, người ta mới xuất hành. Khi xuất hành thường người ta xem hướng sẽ đi về đâu tùy theo hướng nào hợp với tuổi. Những người cẩn thận thường đọc lịch Tam Tòng Miếu sẽ thấy những chỉ dẫn cần thiết khi xuất gia.
Trong hoàn cảnh anh em bạn bè sống xa nhau cả ngàn dặm, người ta dùng điện thoại gọi chúc tuổi nhau. Hầu hết những người trưởng thành bắt đầu gọi điện thoại từ lúc giao thừa. Người dưới thường gọi điện thoại cho người trên. Khi gọi điện thoại, thường người dưới chúc tuổi người trên trước, rồi người trên mới đáp lễ và chúc tuổi lại. Cả hai bên đều rất nghiêm trang, chọn lựa những lời cầu chúc tốt đẹp và tề chỉnh nhất để nguyện ước một năm tốt đẹp và thịnh vượng.
Những cặp vợ chồng trẻ thường xuất hành sớm để kịp về chúc tuổi cha mẹ và dùng bữa cơm trưa với gia đình. Ngày đầu xuân ít ai qua lại nhà nhau, cho đến lúc này mà cũng có người giữ : mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mùng ba tết thày. Nhiều khi vì hoàn cành sinh sống không cho phép, nên cũng phải tha lỗi cho nhau, nếu không thể giữ được những tục lệ do hoàn cảnh cho phép.
Khi xuất hành đi xa, người ta thường chọn xuất hành vào ngày mồng bốn tết.
Nói về phong tụïc tết của chúng ta thật dài chẳng hiểu bao nhiêu giấy bút và thời giờ đâu viết cho hết được. Trong những trường hợp sống ở ngoại quốc, nhiều khi hoàn cảnh không cho phép, chúng ta cần chước giảm tùy theo hoàn cảnh. Những gia đình đã có công ăn việc làm vững chãi, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tổ chức một cái tết chu đáo. Trước là để cha mẹ con cái có hoàn cảnh xum vầy bên nhau trong những giờ phút linh thiêng buổi đầu năm, sau nữa cho con cái còn có cơ hội học hỏi và giữ tập tục tốt đẹp từ ngàn xưa cha ông để lại.
trần khánh liễm
Trích từ tác phẩm Thú Điền Viên của Trần Khánh Liễm
Mời đến tham dự buổi ra mắt sách của tác giả tại Houston, ngày 21/03/2004