Nguyễn Thị Minh Ngọc

Trái Bồ Quân

chuyện ngắn



"Thôi anh Hai, cái gì chớ cái thứ đó đệ xin hàng. Không có mồi thì nhậu suông chớ có chết chóc ai đâu. Bậy nà, đâu phải đệ không ăn bồ quân vì ngán trụy thai bại huyết như bọn phụ nữ, đệ có lý do riêng.

Sao? Anh cười đệ tái mặt khi chị bày ra cái thứ chát chát chua chua này à? Đừng có khích, thêm một xị nữa đi rồi đệ kể cho nghe. Chẳng là nó giống quá, màu nâu bóng của thứ trái này với màu da lì lợm của con bé. Con cái nhà ai chẳng biết. Bọn đệ xí được trong một trận càn quét. Pháo binh dập trước mở đường, Xe bánh sắt tiến theo. Tan hoang mọi thứ. Bọn đệ kéo vào khi những cây trính còn ngã xiên, cháy dở. Chỉ có những con heo giương từng cặp mắt ngu si đứng ngó trân. Gà vịt vài con chạy kêu tang hoác. Và những xác chết còn nóng hổi gục xuống trong những tư thế riêng như đang vót tre hay làm nhà, ngó bộ bình thản trước vẻ tức lộn tức lồng của thằng cố vấn Mỹ.

Trên một nền nhà còn ngún tro than của vách lá, bộ chỉ huy họp khẩn. Thằng Mỹ hầm hè:

- Có nội phản trong chúng ta. Lịnh hành quân chỉ có tôi và các ông biết. Thế mà bây giờ AK đâu, nón cối đâu để ghi vào chiến lợi phẩm? Hay là báo cáo sai? May là tôi đã cho bọn phóng viên thông tấn nằm nhà... Không thì lộ tẩy hết những tin tức chiến trường láo toét thổi phồng.

Cử chỉ đầu tiên của đệ sau buổi họp là ghé thăm lão hỏa đầu quân. Chi cũng “dĩ thực vi tiên”. Không bắt sống được người nhưng bắt sống được gà vịt là đệ khoái rồi. Trong những dịp “về quê” bọn đệ chẳng bao giờ sợ thiếu món này trong khi thằng Mỹ cứ thỉnh thoảng lại bị ăn mất ngon vì lắm hôm không bắt được người sống.

Lão bếp láo liên cặp mắt khi đệ bước vào. Lão lại xàng qua càng lại trước mớ củi đun khiến đệ sanh nghi ông này chộp được một con cầy mà xấu bụng “chơi riêng”.

Tay thộp cổ lão già, tay đệ vổ colt:

- Cây súng của tôi đánh hơi được mùi thịt rồi, nó cứ nhúc nhích muốn ra khỏi bao. Thế nào, ông Bảy có muốn tôi giúp cho món tiết canh không?
 
Lão Bảy ấp úng ngó xuống đất:

- Đại úy biết rồi thì em xin thưa thiệt. Em đi kiếm nước nấu cơm thì gặp nó ngồi thu lu cạnh giếng. Hỏi gì nó cũng không nói nhưng ngó bộ nó xăng xái giúp đỡ được mọi thứ nên em định xin với Đại úy...

Đệ cụt hứng, phủi tay:

- Ẩu, ảu, tía này ẩu! Lôi nó ra đây coi. Biết đâu Việt Công giả dạng.

Lão già giất nẩy mình:
 
- Không có đâu Đại úy. Nó nhỏ xíu hà. Con nít lẩm đẩm như ri mà mần chi nổi ai.

Miệng vừa nói, tay lão vừa kéo con nhỏ ra khỏi đống củi, ấn đầu con bé xuống đề chứng tỏ nó quá non nớt. Đệ hất ngược mớ tóc bù xù trước mũi nó, ngắm nghía, gật gù:

- Con nít thành phố cỡ này thì mới sáu, bảy tuổi, nhưng trẻ con nhà quê e cũng chín, mười tuổi rồi đây.

Rồi đệ quay đi kiếm thằng cận vệ giữ rượu, bụng nói lầm thầm: “Bậy, hết sức bậy, thay vì một con bé là một con cầy có phải hay hơn không? Đệ chỉ còn nhớ lờ mờ đôi mắt to như hai khu tô của nó lóe sáng trên một khuôn mặt cũng tròn xoay đen thui như một cái bánh bèo đổ đường đen.

Đệ làm ăn tắc trách, lơ đễnh như vậy nhưng mọi việc không qua nổi đôi mắt sắc lẽm của Tấn, tên phụ tá của đệ. Cơm nước xong xuôi nó mang con nhỏ ra “tráng miệng” ngay. - “Má em đâu?”. - “Ba em làm chi?”. - “Lúc pháo trúng làng em có thấy họ rút đi đâu?’. - “Em có thích súng không?”. - “Súng của anh với súng của họ, em thấy cái nào đẹp hơn?”... Xen kẻ những câu hỏi êm ái này là những “ngón nghề” được gả đem ra phổ biến trông chẳng êm ái chút nào. Lão Bảy thì nhảy quăn cả người như nước nóng đổ lưng, níu đệ cầu cứu:

- Đại úy cứu con nhỏ, Đại úy. Nó biết chi mà trả lời. Biết đâu bom đạn làm nó điếc tai không nghe được.
 
Không cần đệ can thiệp, thằng Tấn cũng ngưng. Chẳng phải nó chịu thua trước sự lì lợm của con nhỏ đâu. Tất cả chỉ vì tên Mỹ chưa hết cơn bực, nhìn một cách hờ hửng trò tâng công gỡ gạc của gã nọ. Lão Bảy được nước xin xỏ thêm:

- Nó được việc lắm, đại úy. Cho nó theo em phụ vặt. Em bảo đảm mà. Không răng mô. Kệ, Đại úy, giẻ rách đở nóng tay. Có bàn tay con gái, dầu là con nít, cũng đở nhiều.

Ừ, thì đệ cũng kệ. Giẻ rách đở nóng tay lão Bảy thì cũng sạch ngon hơn một chút mớ đồ nhậu của bọn đệ chớ sao?

Những ngày sau bọn đệ vẫn còn phải kéo dài cuộc hành quân về hướng chân núi hoang vắng đầy những bụi cây sơ rơ. Con nhỏ vẫn lặng lẽ đi theo, ngậm miệng như hai vỏ sò úp khít, như một cục than đen muồi lăn lóc theo đít nồi cơm. Nắng vẫn không làm nâu hơn được màu da của nó... Cho đến một hôm, lão Bảy tìm đệ, ấp úng ấp a:

- Đại úy tha lỗi thì em mới dám thưa. Cái con bé này... nó cứ như là ma, Đại úy! Ba đêm nay rồi, nửa đâm dậy làm em thấy mất nó. Đến sáng lại thấy nó nằm đó, ngủ vùi. Hai đêm nay, em có nhờ thằng Lang, thằng Đỏ theo rình xem nó đi đâu chơi thì cả hai thằng đều trở về lắc đầu kêu con nhỏ lách tài quá. Quẹo lối này, chui lùm nọ một lát đến hai thằng chóng mặt rồi thì... thụi nó không thấy con nhỏ nữa. Còn một chuyện này nữa. Em kiểm lại mỗi sáng thì thấy hao hớt gạo và lương khô. Không nhiều. Nhưng kỳ cụa quá. Ngoài nó ra không ai thèm ăn cắp ba thứ đó làm chi. Có điều chi nữa cũng đừng đánh đập nó nha, đại úy. Đại úy để từ từ, em hứa, em sẽ dò la.

Đệ thấy câu chuyện ngộ ngộ vui vui nhưng phải nạt lão Bảy kẻo mất oai:

- Giả thử con nhỏ tiếp tế lương thực cho địch. Giả thử con nhỏ bỏ thuốc độc cho anh em. Mang nó lên đây cho tôi.

Lúc thấy cái mặt tròn vo mà hiền khô của nó, đệ đổi ý ngay. Đệ truyền lệnh cho thằng Phụng, cái thằng nổi danh ca vọng cổ ngọt nhất đám ra tài chiêu dụ con nhỏ. Nhưng cũng như bao giờ, nó im lìm. Con bé trở thành trò chơi xem ai cạy miệng nó nổi. Nhưng ai rồi cũng thất bại. Nói ngọt thì nó chành miệng ra một chút, cười. Nói xẳng thì môi nó mím, còn mắt thì lóe lên, sáng quắc...

Đệ nháy nhó cho anh em rút lui. Thượng sách là trở lại chiến thuật đầu của lão Bảy: theo rình. Như thế mới hy vọng tóm trọn ổ. Chẳng ngờ đến cái trò chơi dễ èo này đám lính của đệ cũng thua con nhỏ. Huynh xem có dễ chém không chớ. Đường đường một đấng nam nhi như vậy mà đầu hàng một con nhỏ hỉ mũi chưa sạch.
 
Có hôm đệ ra lệnh nhổ trại đi trong đêm. Lúc đó con nhỏ đã biến mất và dĩ nhiên, hao thêm một mớ lương khô. Hai thằng theo rình cũng đã trở lui, chắc lưỡi tiếc rẻ không còn gặp lại con nhỏ nữa để bẹo má nó xem có phải là ma không mà biến tài dữ vậy. Ấy thế mà tờ mờ sáng, lão bếp lại kêu oái lên khi thấy nó về nằm ngủ ngon lành ở cạnh chỗ trú mới của bọn đệ.
 
Đệ thấy vấn đề trở nên trầm trọng rồi. Không thể để con bé này giỡn mặt hoài được. Hổm rày binh sĩ xôn xao. Phải “tính” con nhỏ này mới được. Cuộc hành quân chẳng biết sẽ kéo dài bao lâu. Cho nó là con kiến tha mồi mãi thế nào cũng hai cái tổ của bọn đệ để dày thêm cái tổ mờ ám nào đó của nó. Ngoài chuyện con nhỏ ra, chuyến đi chẳng có gì để nói. Nhạt phèo phèo. Bọn đệ chỉ gặp đá lổn nhổn cạnh bụi um tùm không một dấu vết chứng tỏ có chân người bước tới. Thằng Mỹ lâu lâu có ghé đến bằng trực thăng. Cái bản mặt của nó càng ngày càng hinh hỉnh. Tuồng như nó cho bọn đệ bất tài không săn ra người cho nó ăn cơm ngon miệng hơn.


Mãi đến cái đêm hôm đó. Cái đêm mà nếu đệ không có sự hổ trợ của ma men thì chắc kho6ng đến nỗi nào đâu. Mà nếu muốn đổ thừa thì có rất nhiều cái để đổ lắm. Tại lão trời nữa. Đêm đó lão trút nước xuống. Mưa nguồn mà. Huynh phải biết, lạnh tái lạnh tệ, có mười cái field-jacket thì cũng che bên ngoài chớ làm sao sưởi ruột sưởi gan. Lính cậu hành quân thì thiếu chi đế. Đệ thúc hai thằng khỉ đột của đệ dậy nhậu chung cho vui. Thằng Nam với thằng Phong. Rồi đệ nhớ ra còn mấy con mực nên kéo đầu lảo Bảy dậy để lão dọn lên.

Cái bộ lão hớt hải:

- Con nhỏ quỷ sứ thiệt. Mưa gió thế này mà nó cũng đi. Có cần phải ai đi theo không, Đại úy?
 
Đệ quẹt miệng, đứng dậy, hơi loạng choạng chút đỉnh:

- Để tôi, phen này tôi thân chinh đi.

Thằng Nam với thằng Phong cản:

- Đại úy để tụi em. Ngó bộ Đại úy hơi ngà ngà. Gió máy nguy hiểm.

Rồi không đợi tôi đồng ý, tụi nó phóc đi theo lối cũ con bé vẫn hướng về. Đệ cứ khề khà lai rai nhắm mực đợi hai thằng nhỏ. Càng trong càng bặt càng mờ. Mưa thì vẫn âm ỉ trắng xóa cho đến sáng luôn.

Trời sáng bừng thì con bé về mà hai thằng nhỏ không về. Khi trời ngớt mưa, lại cái thằng Mỹ càu nhàu như con khỉ ghé tới. Nhưng mà nói thiệt với huynh, có ông thần ve chai dòm lổ miệng, đệ không có cái tính chó chết như thằng Tấn ưa bày trò để kiếm điểm đâu, đệ xót hai thằng cận vệ của đệ thiệt tình. Mắt đệ cay cay, không nước mắt chảy nhưng mà nhức nhối. Đệ nghĩ hai đứa nó thế mạng mình. Tội nghiệp thằng Nam mới đi hỏi vợ, còn thằng Phong tính nó còn trẻ con lắm, hôm nào trong một lúc dừng quân đệ mới bày nó nhảy valse theo một điệu nhạc trong radio đây.
 
Trong lúc thằng Tấn gân cổ hoa tay cắt nghĩa cho thằng Mỹ thì đệ dùng dây quấn con nhỏ lại như bó bánh tét. Đệ vừa thắt nút vừa lẩm bẩm:

- Nói đi con ơi, không thì bố hứa sẽ cho con chết không toàn thây. mày không làm sao một mình giết nổi hai thằng kia. Chắc chắn phải có đồng đội  giúp sức. Khai ra một tiếng thì được sống.

Hai con mắt nó vẫn giương thẳng, trừng trừng. Xé toạt manh áo bẩn đen lòi cuốn ún lồi và vẫn màu da nâu bóng, thằng Tấn tấm tắc khen:

- Rún lồi lì số một. Nhưng ông ra tay thì đừng hòng con ngậm răng.

Cái biện pháp tra tấn mới này là một sáng kiến của thằng Tấn. Nó đẩy chùi một mớ chất nổ dưới sợi dây căng ngang bụng con nhỏ, nối vào đấy một sợi dây dài xong hò hét anh em dang ra, tay cầm đầu mối, tay bật cái Zippo, miệng đe con nhỏ rằng sẽ đếm từ một đến ba, con nhỏ không nói nó châm mồi ngay.

Con nhỏ vẫn một mực ngậm câm. Thằng Tấn nói là làm. Hơn nữa, nó không thể bỏ dở khi thằng Mỹ đã ghé mắt, gật gù, tỏ những cử chỉ vừa ý đầu tiên kể từ khi mở cuộc hành quân. Khi sợi dây cháy được phân nửa, những cặp mắt đổ dồn, những trái tim tưởng như nghe rõ tiếng đập, lão Bảy cũng đứng im, nước mắt chảy ròng ròng không thèm gạt.

Con bé vẫn nằm đó, không cục cựa nhếch môi như một thứ gì vô giác vô tri nếu không có đôi mắt sáng hơn, phát ra những tia không phải căm hờn mà là một điều gì khó tả. Tuồng như nó muốn nói. Chơi cái gì kỳ quá. Thả trói tôi ra đi.

Đệ bước tới, dẩm tắt lửa, bẹo má nó lần chót. Đệ vẫn nhớ, huynh ơi, như in, cái cảm giác đó. Đôi má nó săn chắc, tay đệ bấm không lõm vào và mồ hôi của nó nhờn nhờn dưới tay đệ. Đó, đó! In như một trái bồ quân. Và cái môi mím mỏng. Ánh mắt thì cũng vẫn vậy. Ngạc nhiên, đôi mày nhíu, khó chịu... Đồng thời, đệ thấy rõ hơn hai khuôn mặt thân cận của Nam và Phong. Đệ thấy cả con vợ của thằng Nam và cái bộ vụng về của thằng Phong trong nhịp Soul đầu tiên. Đệ lại châm lửa cho sợi dây cháy tiếp và hô mọi người tuông chạy ra xa.

Huynh ơi, thịt rơi từng cục, từng cục. Tròn trịa, bóng nâu, đỏ lòm, trắng phếu. Có hai tiếng rú lên của lão Bảy và thằng Phụng.

Bạc ác thì thôi, huynh có biết, chỉ năm phút sau thằng Phong lù lù về. Nó ung dung duổi tay duổi chân than mõi. Thằng nhỏ khoe khoang đã khám phá ra được chốn đến của con nhỏ. Chốn về thì đúng hơn. Đó là cái làng vừa bị tàn phá. Và một miệng hầm ngay chỗ lão bếp nhặt được con nhỏ đang được thằng Nam nấp gần đó canh chừng để Phong về kéo thêm vài tay súng. Đêm qua mưa to quá, hai thằng chờ ngớt mưa mới phân đứa ở đứa về. Ấy thế mà con bé đã băng băng vượt hết mà về, như một người lớn đúng giờ hò hẹn.

Ngay lúc thằng Phong mới về đệ đã nghe lạnh rợn xương sống. Oan thì chưa chắc con nhỏ oan nhưng thằng Phong con sống mà lại đi đối xử con bé như thế quả là có quá tay. Thằng Mỹ hất hàm về phía Phong ra dấu đệ nên kiếm cho nó một cái huy chương nào đó.

Đệ cũng thấy được những nét buồn bả cùa anh em khi xốc lên vai khẩu súng nặng nề đi ngược lại hướng cũ. càng đi càng thấy phục thêm đôi chân nhỏ dẻo dai của con bé. Đi một chập mới thấy lão Bảy và thằng Phụng lót tót chạy theo. Thằng tấn nói nhỏ với đệ: Phải đề phòng hai tên nàyKhi nãy chúng nán lại hốt thịt con nhỏ chôn vun thành mộ.

Cho đệ thêm một xị nữa, anh Hai. Ái chà, làm phiền chị quá, chưa đủ để say đâu chị. Tay bỗng run đến nỗi lòm hỏng ly quý của chị chắc vì ngọn gió ác nghiệt này. Mụ vợ đệ nhằn đệ vụ rượu chè này hoài. Nhiều mụ đàn bà, chẳng phải ai cũng như chị đây, thấu hiểu nỗi khổ tâm của người chồng.  Không có rượu làm sao quên và không có rượu làm sao đệ chịu nỗi cái giò cụt này hành mỗi khi trời trở gió. Bây giờ chắc huynh đã rõ lý do chính khiến đệ hủy hoại thân thể rồi. Đệ được giải ngủ là một phần. Nhưng nếu không có cái vụ con nhỏ chắc đệ chẳng bao giờ chơi cái trò này. Đệ đã từng tống giam biết bao nhiêu gã đàn em chơi dại bắn tay, đập chân bằng mìn cóc hay xà-beng, chặt ngón trỏ để thành thương phế binh.

Có chi mà hối hận hả? Đệ chưa kể xong à? Thì con nhỏ chết như vậy đó. Còn ở dưới hầm thì chẳng có con mẹ gì gọi là chiến công oanh liệt cả. Một phụ nữ mù và một bộ xương bọc giấy quyến. Huynh hiểu không? Một mụ già gần đất xa trời lạy như tế sao khi bò lên khỏi mặt đất: “Tui đã noái nó đừng tham đồ ăn, đồ uống chi của ai. Cả tháng ni nhịn được thì hà huống chi vài ngày không kham nổi mà lấy chi của người ta”. Chị phụ nữ kia thì mới nhú cái đầu lên đã giương cao đôi mắt trắng dã, nghe ngóng:

- Út Câm mô nà, tới đở mạ lên coi...
 
Một tên lính nhảy xuống cái hầm cạn vớt lên được mẩu lương khô của bọn đệ còn dấu răng gặm.

Như thế đó huynh, bọn đệ đã nhục nhả. hạ mũi súng sè sẹ rút lui trước hai “kẻ địch” ốm yếu tật nguyền run rẩy như hai con mèo ướt nhẹp chưa mở mắt bị bốc khỏi cái ổ đẻ của mẹ nó.

Trên hướng về, cả bọn tựa một đám âm công thất thểu. Những bước của đệ nghe nặng như đá đeo. Tiếng kêu chậm rãi, lạnh lẽo của người mẹ cứ vẳng theo, đeo dính lấy chân đệ suốt cả đường về.

Còn cái bóng đen nâu của con nhỏ thì cứ mãi đến bây giờ vẫn không khỏi đè lên ngực đệ. Rượu từ đó uống nghe nhàn nhạt, tanh tanh nhưng khôáá có nó càng không chịu nổi... Và cái thứ trái này nữa. Một lần hàng xóm tưởng đệ nổi điên chỉ vì đệ tần thằng con đầu một trận, thừa chết thiếu sống khi nó bóp chẹt nhẹt giữa ngón trái và ngón trỏ một trái bồ quân...”.

Trăng đã quá những hàng đèn bên công viên. Chân búp sen xi-măng cặm giữa như một người chôn sống còn thòi đôi chân nếu trông ngược và chắp đôi tay cầu cứu nếu trông xuôi... Thành phố im lìm. Cây si rũ rể, sựng đứng. Những chiếc lá thu thôi lao chao. Hương thị phảng phất, ngát nồng. Chiếc cốc lăn nghiêng trên nền xi-măng. Rượu thuốc nâu bạc sóng sánh dưới trăng. Tiếng người đàn bà nhỏ nhẻ, rõ ràng trong đêm thanh vắng:

- Xin lỗi anh, có phải làng ấy mang tên Thi Ức ở Tây Nguyên...

Nguyễn Thị Minh Ngọc