Nguyễn Thị Minh Ngọc
(thứ Ba, từ phải sang) đến sinh hoạt cùng Gió O nhân buổi tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền mất, tại San Jose, 2006.



Nguyễn Thị Minh Ngọc

Những người không có mặt
trong vở kịch
“Ba Chị Em”
của Thanh Tâm Tuyền.





Trong vở “Ba chị em” của Chekhov, người vắng mặt là cha mẹ đã mất của họ, là gã tình nhân của người chị dâu, được mụ rước vào nhà, hủy hoại cuộc sống của họ, ỳ để là một trong những nguyên nhân khiến giấc mơ được trở về Moskva yêu dấu của ba chị em cuối cùng bị tắt ngóm.

Trong “Ba chị em” của Thanh Tâm Tuyền có hai người luôn lởn vởn quanh họ thì lại là hai hồn ma: người mẹ đã mất cùng gã người yêu chung của cả ba chị em mà họ cùng gọi đó là “thằng khốn nạn”. Và chính hai bóng ma không xuất hiện trong vở này đã khiến xung đột của vở vận hành, chuyển động.

Thu, Nguyệt, Hương là ba chị em của ba ông chồng khác nhau của mẹ. Họ có lúc ghét nhau, khinh nhau và thậm chí thù nhau; thái độ của từng người đối với mẹ cũng khác hẳn nhau: Thu khinh mẹ, Hương thương mẹ còn Nguyệt chỉ mong được kề cận mẹ.

“Thằng khốn nạn” là chồng của Thu, tình nhân của Hương và là nguời quỳ dưới chân để van xin tình yêu của Nguyệt. Hắn vừa bị Thu giết thì ba chị em đều lần lượt trở về ngôi nhà xưa của mẹ.

Lớp cuối Hương châm lửa đốt cỏ khô vây chặt quanh nhà để trước khi về với mẹ họ còn có thể một lần cuối, soi tỏ mặt nhau.

Mẹ có như thế nào thì họ vẫn không thể xóa đi điều này: họ đã từng nằm trong một vòm quê nhà - tử cung và cùng chui ra từ chiếc cửa vào đời của chung một mẹ.

Nhưng còn “Thằng khốn nạn”? Liệu họ có thoát được sự lệ thuộc vào nó không khi mấy chị em phải rơi vào cảnh huống chia chồng? Nguyệt trở về đây những tưởng sẽ xử dụng “thằng khốn nạn” để báo thù thì khí giới ấy đã bị Thu bẻ gãy ngay đầu vở kịch: Thu giết chồng để được tiếng thuỷ chung. Sự báo thù ấy cũng rơi vào khoảng không khi chạm phải sự dững dưng bình thản của Hương, thà thiêu đốt tất cả để xoá luôn thù hận giữa ba chị em, đồng thời giữ được sự độc lập của riêng mình.

“Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”.

Anh em như thể tay chân,

Vợ chồng như thể áo quần cỡi ra.

Ở đây lại là loại “tay chân” chung máu mẹ nhưng khác máu cha - chung vỏ bọc thai nhi nhưng khác hạt giống gieo mầm - nếu họ yêu thương nhau nhau thắm thiết mới là chuyện lạ.

Tác gỉa không đi sâu vào “màu” của ba người cha và các loại hoàn cảnh đã đẩy người mẹ phải nhuộm hồng, vàng, xanh, xám hay tím, lục, chàm, nâu.

Và cũng không cho biết thêm người tình chung “khốn nạn” kia có gieo thêm hạt giống mới nào ố chưa biết sẽ “khốn nạn” hay không- vào vòm tử- cung ố quê-nhà của ba chị em.

Nếu có, chúng ta sẽ có thêm vài nhân vật nữa, không có mặt nhưng vẫn tác động đến hành động kịch của ba chị em trong vở này.

Hình bóng MẸ nơi đây có thể gợi người ta liên tưởng đến thịt da đất nước như thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn gợi nỗi nhức đau về những phần thân thể bị băm cắt trong truyện, thơ ông.

Vậy “thằng khốn nạn” gợi nhớ điều gì?

Hãy nghe ba chị em nói về hắn.

THU:
-“..Người đàn bà phải chung thủy với một người. Tôi đã chọn lầm người để chung thủy, lỗi ở tôi, tôi gánh chịu nhưng tôi không phản bội chân lý tôi tìm thấy
.” ( “Ba chị em”- cảnh thứ Hai- độc thoại của Thu)

NGUYỆT:
“ Thấy không mẹ, Thu, đứa dám khinh mẹ, đối với thằng khốn nạn chỉ là một con chó đói đáng tởm và thằng khốn nạn đối với con chỉ là bãi đờm thôi. Vậy mà con vẫn một mực kính yêu mẹ, con xứng đáng là con của mẹ chứ ?
” ( “Ba chị em”- cảnh thứ Ba- độc thoại của Nguyệt )

HƯƠNG:
- “Tôi muốn người ta không thể bắt tôi sống theo ý nghĩ cố định của người ta, dù phải trả giá đắt, cái chết, tôi vẫn làm...
.. Con phản bội chồng, tưởng tìm thấy mình, nhưng con lầm. Con chẳng tìm thấy gì cả. Người yêu cũ không còn. Con gian díu với một thằng khốn nạn. Cuộc đời không phải là nơi thí nghiệm để người ta gây lại những hiện tượng đã mất chỉ xảy ra một lần
.... ( “Ba chị em”- cảnh thứ Nhất - độc thoại của Hương )

Phải chăng loại “áo quần” như “thằng khốn nạn” là thứ Chân Lý (dù thật hay ảo) đã khằn sâu trong da thịt, khi gở ra có nghĩa phải cởi cả máu xương?

Nhúng tay vào việc điều động cuộc tử sinh của mình và những người liên quan, những người phụ nữ Việt Nam của Thanh Tâm Tuyền yếu đuối với nữ tính mong manh của họ nhưng cũng mạnh mẽ biết bao khi cần bày tỏ một thái độ sống, chấm dứt những hệ lụy khi không thể trút lỗi cho định mệnh hay nghiệp chướng được nữa. So ra với những chị em Angtigone thời Bi kịch Cổ đại giữa suy nghĩ cá nhân, tình gia tộc và các loại quy ước tập thể, những Nora bỏ chồng, lià con, những “Ba chị em” của Chekhov, sau khi vỡ tan ước mơ vẫn thụ động mơ tiếp một ngày mai tươi đẹp hơn, “Ba chị em” của Thanh Tâm Tuyền cho thấy ý thức độc lập gần như bẩm sinh của Tây phương hoà nhập chung sống với tình cảm nhân văn Ðông phương trong cách thức giải quyết vấn đề của những phụ nữ này.

Những người khao khát cái mới nhưng không sổ toẹt những nền tảng văn hoá của các thế hệ đi trước, những người đã yêu Thanh Tâm Tuyền với “Bài ngợi ca Tình Yêu”, “Lệ Ðá Xanh”, “Bao giờ” với “Bếp Lửa”, “Cát Lầy” sẽ vẫn tiếp tục yêu mến ông hơn khi chạm vào được những phụ nữ đầy niềm kiêu hãnh, tự trọng và yêu cuộc sống này tha thiết, cho cả khi họ quyết định cắt ngang sự sống của mình và cả những người thân để truyền lại ngọn lửa bùng cháy khát vọng độc lập - và cả tự do - của chính mình.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

www.gio-o.com/nguyenthiminhngoc.html

Kịch bản Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền được in lại trên Tạp chí Văn, California, tháng 5 & 6.2006 ( số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền). Bản "Những người không có mặt trong vở kịch “Ba Chị Em” của Thanh Tâm Tuyền" trên gio-o.com có sự đồng ý của tác giả và tạp chí Văn.

© 2006 gio-o