NGUYỄN KIM ANH


BA CÂY BÚT NỮ TIÊN PHONG

CỦA VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX

 

 

 

ĐẠM PHƯƠNG NỮ SỬ

(1881 – 1947)

 

Họ và tên khai sinh: Công Nữ Đồng Canh

Tự: Quý Lương

Bút danh: Đạm Phương nữ sử (1), Mme Nguyễn Khoa Tùng

Sinh năm: Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, Huế

Nguyên quán: thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên

Cộng tác với các báo Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh, Tiếng Dân, Lục Tỉnh Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn

Mất ngày 10 tháng 12 năm 1947 (Đinh Hợi), tại Thanh Hóa, thọ 66 tuổi.

 

Là con gái của Hoằng Hóa Quận vương Nguyễn Miên Triện (hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng), Đạm Phương nữ sử may mắn hơn nhiều cô gái cùng thời, từ nhỏ bà đã được học chữ Hán, chữ quốc ngữ, biết thông tiếng Pháp, tiếp nhận cả hai luồng văn hóa Đông Tây. Bên cạnh những kiến thức đạt được, Đạm Phương còn có điều kiện tiếp xúc với những trí thức, chí sĩ đương thời. Do vậy, không lạ khi bà là một trong rất hiếm hoi những người phụ nữ thời ấy đã sớm dấn bước vào làng báo, làng văn của đất nước, góp tiếng nói khai sáng giới nữ còn đang sống an phận, khép mình trong bức tường của lễ giáo phong kiến, nửa thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX.

Trước khi viết báo, viết văn, Đạm Phương nữ sử đã sáng tác rất nhiều thơ. Ba tập thơ viết bằng chữ Hán Đông quán thi tập, Tú dư xích độc, Hiệp bích thi cảo (viết chung với chồng) của bà đã bị thất lạc. Từ năm 1918 bà bắt đầu viết cho tạp chí Nam Phong, giữ chuyên mục Lời đàn bà cho báo Trung Bắc Tân Văn và chuyên mục Văn đàn bà cho tạp chí Hữu Thanh (năm 1922). Không chỉ có tên trên các báo miền Bắc mà bà còn viết cho các báo ở miền Trung như Tiếng Dân và miền Nam như Lục Tỉnh Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn... Đặc biệt trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn, tên bà đã có mặt thường xuyên từ năm 1922 đến 1929 với những bài xã thuyết, vịnh cảnh như Chức vụ người đàn bà (số 1142, 12- 5-1922), Có biết dại mới biết khôn (số 1144, 16- 5-1922), Đức hạnh (số 1217, 16- 8-1922), Vịnh cảnh chùa Non Nước ở núi Ngũ Hành Sơn (số 1135, 4- 5-1922), Phong cảnh chốn sơn trang (số 1219, 18- 8-1922), Thi hồi văn dịch quốc âm (số 1662, 23-3-1924), Tư tưởng của người đàn bà (số 2210, 24-12-1925), Nên có một cơ sở thơ xã của phụ nữ (số 2936, 9- 6-1928), Muốn tiến thủ phải có chí kiên nhẫn (số 3173, 3- 4-1929)... Trong khoảng chưa đầy mười năm (1918-1926), Đạm Phương đã viết hằng trăm bài viết cổ súy, giáo dục nữ giới về các vấn đề xã hội, gia đình theo tư tưởng mới. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở nước ta cộng tác viết báo cho những tờ báo nổi tiếng trên cả ba miền Nam, Trung, Bắc thuở ấy.

Bên cạnh những hoạt động xã hội đắc lực (Chánh hội trưởng Hội nữ công Huế từ tháng 7 năm 1926 đến tháng 10 năm 1929), bà đã bỏ công biên soạn những bộ sách như Phụ nữ dữ gia đình, Phụ nữ dữ xã hội, Nữ công thường thức... Và để hiện thực hóa những suy nghĩ ấy, bà đã đứng ra thành lập trường nữ công đầu tiên ở miền Trung là Nữ công học hội, chuyên dạy cho nữ sinh các nghề nữ công, gia chánh, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa... với mục đích hướng người phụ nữ vào con đường thực nghiệp.

Khi Phan Chu Trinh mất (cuối năm 1926), Đạm Phương là người thay mặt Phan Bội Châu đọc điếu văn trong buổi lễ truy điệu được tổ chức tại Đàn Nam Giao, Huế. Tư tưởng cấp tiến và hành động thực tiễn hữu hiệu của bà đã khiến thực dân Pháp chú ý. Năm 1929 bà bị bắt giam hai tháng, nhưng rồi do không tìm được bằng chứng cụ thể nên bà được phóng thích.

Sinh sống ở đất thần kinh, nhưng tên tuổi của Đạm Phương nữ sử đã trở nên quen thuộc ở Nam Bộ. Ngoài việc là cây bút nữ miền Trung đầu tiên cộng tác rất sớm với các tờ báo Nam Bộ thì hầu hết các tác phẩm của bà đều xuất bản tại đây. Khi Nữ Lưu Thư Quán Gò Công do Phan Thị Bạch Vân thành lập năm 1928, Đạm Phương nữ sử nhanh chóng là một trong bốn nữ sĩ có tên trong ban biên tập, bà phụ trách chi nhánh Trung Kỳ. Tác phẩm Kim Tú Cầu là một bi tình tiểu thuyết, cựu thời, nằm trong bộ Nhân tình ngẫu lục gồm mười cuốn mà bà định xuất bản theo kế hoạch của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công. Mười cuốn ấy theo như quảng cáo của Nữ Lưu Thư Quán là: Kim Tú Cầu, bi tình tiểu thuyết, cựu thời; Hồng phấn tương tri, ái tình tiểu thuyết, kim thời; Gia đình giáo dục, kim thời; Tự do hoa, truyện dịch Trung Hoa, kim thời; Trương Uyển Hương, truyện dịch Trung Hoa, cựu thời; Tạ Tiểu Nga, truyện dịch Trung Hoa, cựu thời; Nhà tranh sườn núi, tiểu thuyết, kim thời; Trần Minh Hà, xã hội tiểu thuyết, kim thời; Chung Kỳ Vinh, đoản thiên tiểu thuyết, cựu thời; Lân tài, cựu thời.

Do Nữ Lưu Thư Quán Gò Công hoạt động chỉ được một thời gian ngắn thì bị đóng cửa, nên những tác phẩm trong bộ Nhân tình ngẫu lục kể trên mới chỉ được xuất bản có ba cuốn là Kim Tú Cầu, Gia đình giáo dụcHồng phấn tương tri.

Xin dừng lại một chút ở hai tác phẩm Kim Tú CầuHồng phấn tương tri.

Kim Tú Cầu là tác phẩm được tác giả ghi là bi tình tiểu thuyết, cựu thời. Có thể nói đây là sáng tác sớm nhất của Đạm Phương nữ sử và cũng là sáng tác phẩm đầu tiên của một cây bút nữ của văn học hiện đại Việt Nam. Trước khi được Nữ Lưu Thư Quán Gò Công phối hợp với nhà in Bảo Tồn xuất bản năm 1928 thì nó đã được đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn (từ số 1460, 15-7-1922 rải rác đến số 1567, 22-10-1923) và Trung Bắc Tân Văn (từ số ngày 25-5-1923 đến số ngày 21-7-1923). Như vậy, tác phẩm đã được viết ra trước khi được in thành sách là sáu năm.

Ý thức rất rõ công việc viết lách của mình, Đạm Phương nữ sử còn là cây bút nữ đầu tiên nêu lên quan điểm sáng tác của mình: “Xưa nay người ta thường nói “tiểu thuyết là để cảm xúc lòng người”; nhưng về phần tôi, thì tôi nói rằng: vì có cảm xúc mới làm ra tiểu thuyết; bao nhiêu những điều mắt thấy tai nghe, dầu vui hay buồn, thương hay ghét, khen hay chê, có quan hệ đến nhơn tình phong tục há chẳng nên miêu tả những bức truyền thần, để lại làm chỗ ký ức cho mình, và cũng để giúp phần suy nghiệm cho người đời”(2).

 Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc nhưng khi đặt bút viết tác phẩm Kim Tú Cầu, Đạm Phương nữ sử đã đứng đối lập với hoàn cảnh sống của mình, nhận biết một cách sâu sắc “cái hoàn cảnh hắc ám” trong đó “phần thì bị gia đình chôn lấp, phần thời xã hội dày vò” nên “sinh thân người con gái, đàn bà hồi bấy giờ chẳng còn có công lý, tự chủ gì hết thảy”(3), khiến cho các lớp hậu bối phải kinh ngạc và nể phục.

Kim Tú Cầu là một câu chuyện không mới, đúng như lời bàn của tác giả ở cuối truyện, nhưng nó lại vẽ lên một cách tài tình và sắc nét một bức tranh xã hội suy tàn của chế độ vua quan nhà Nguyễn. Trong xã hội đang thoái trào ấy, phong hóa suy đồi, luật pháp bất minh đã khiến biết bao thân phận người phụ nữ phải lâm vào hoàn cảnh bi kịch, mà Kim Tú Cầu chỉ là một trong những dẫn chứng.

Đả phá kịch liệt hủ tục bói toán, tệ nạn ép duyên con, tác giả cho rằng: “Phong tục suy đồi, nhơn tình điên đảo chính do các gia đình trong xã hội tạo ra cả. Bởi vậy, nên phải kíp mau bỏ hết những tập quán xấu xa ấy đi thì mới mong vãn hồi vận mạng, mà tạo thành phúc quả cho nhơn loại vị lai vậy”(4). Điểm đáng chú ý của tác phẩm Kim Tú Cầu không phải là ý đồ khai hóa, giáo dục của nó mà là kết cấu truyện. Tuy văn phong chưa thoát lối văn biền ngẫu nhưng cách dựng truyện đã không còn theo đường mòn hội ngộ, lưu lạc, đoàn viên với thời gian tuyến tính. Kết thúc bi thảm của người con gái đức hạnh, hiền lành Kim Tú Cầu cùng giấc mơ ám ảnh chàng Ngọc Lan có thể coi như là một đột phá của cây bút Đạm Phương so với các nhà văn nữ cùng thời.

Lời phụ bản cuối truyện Hồng phấn tương tri: “Tiểu thuyết tuy có phần thuộc ái tình nhưng mô tả nhiều phần lịch duyệt thế thái nhân tình, và có ý ngụ sự bao biếm(5) ở trong, để cảnh tỉnh lòng người một cách kín đáo. So với các tiểu thuyết ái tình khác thì có lẽ biệt khai sinh diện(6) vậy, còn văn chương có non nớt, chắc độc giả cũng luợng tình mà dung thứ cho” cũng đủ cho một nhận xét cô đúc và chính xác về tác phẩm.

Nếu so với tác phẩm Kim Tú Cầu thì Hồng phấn tương tri có kết cấu và cốt truyện đơn giản hơn nhiều. Thông qua hai nhân vật Nam Châu và Quế Anh, tác giả muốn xây dựng nên một mẫu hình thanh niên thời đại, bằng những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống, cùng dắt tay nhau bước trên con đường mưu cầu sự tiến hóa cho xã hội.

Điểm đọng lại của tác phẩm Hồng phấn tương tri là tấm lòng của một người phụ nữ có xuất thân hoàng tộc nhưng lại luôn đau đáu với quần chúng nhân dân lam lũ: “Hôm rằm là ngày vạn thọ của vua An Nam, trong thành phố có treo đèn chúc mừng, những người thích ăn chơi, nhơn thế kẻ bày tiệc này, người làm trò khác để du thưởng với nhau.  Chỉ duy có một mình chàng Nam Châu, tang tảng sáng bước lên xe tay rảo về Nam thôn, tới nơi làm ruộng mà xem bọn cày, bọn bừa, bọn thì đem mạ xuống cắm, câu hát véo von, hòa lẫn với tiếng gió thổi pheo pheo, nghe rất não nùng. Đoạn hết đồng ruộng lại các thôn lạc, ven bên bờ sông, dân cư những nhà có cái sân rộng, đụn rơm cao thì rất hiếm, còn hai hàng lúp xúp, lều tranh vách đất sinh nhai thảm đạm rất nhiều. Trẻ con áo quần rách rưới, ông già bà lão lúm khúm làm việc không hở tay mà những tiếng kêu than không đủ đỗi no ấm nhan nhản khắp nơi. Trông thấy cái quang cảnh ấy, Nam Châu lại động lòng và căm tức cho những quân du thủ du thực ở các nơi thành thị, đàn ông đàn bà tranh thức ăn ngon, dành thức mặc khéo, túi bụi chiều chạy chỉ biết sung sướng lấy một thân, chớ không kể chi đồng bào xã hội đương lúc tài nguyên trong nước chật hẹp, cùng kiệt đến thế này mà dám đem đồng tiền mồ hôi nước mắt của quốc dân đổ vào bể dục, chôn mấy cho vừa. Lắm lúc chàng tức giận nói to lên rằng: Hỡi! Hỡi! anh em! chị em! ai diệt ta cũng không chết cho bằng ta tự diệt ta mới mau chết mà thôi”(7). Cho đến nay, đã qua gần một thế kỷ nhưng tâm tình này vẫn không hề cũ.

Theo báo Phụ Nữ Tân Văn số 63, ngày 31 tháng 7 năm 1930 và số 75, ngày 20 tháng 10 năm 1930 thì trong hai kỳ thi lấy bằng thành chung ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 6 năm 1930 và ngày 29 tháng 9 năm 1930 chỉ có 56 nữ thí sinh trúng tuyển. Do vậy việc một cây bút nữ như Đạm Phương trước đó gần mười năm, viết được những đoạn văn đặc tả hiện thực như trên đây quả cũng đã là một điều đáng được trân trọng và ghi nhớ.

Nặng mang trong lòng trái tim dành trọn tình yêu cho sự hưng thịnh của đất nước, Đạm Phương sớm “vượt qua khỏi đẳng cấp xuất thân, thoát ly khỏi ý thức hệ phong kiến lạc hậu”(8), để trở thành một phụ nữ trí thức tiên tiến, quyết liệt loại bỏ những hủ tục, góp phần đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ. Với Đạm Phương, vai trò của người phụ nữ trong xã hội là rất quan trọng. Muốn thể hiện được vai trò đó họ phải bình đẳng với nam giới. Và người phụ nữ muốn thực sự được bình đẳng thì phải biết tự đứng trên đôi chân của mình. Qua việc làm và những công trình để lại, có thể nói bà là một trong những nhà phụ nữ học đầu tiên của thế kỷ XX ở nước ta.

Tài hoa của Đạm Phương đã khiến người cùng thời cảm phục. Một số bạn văn đã làm thơ ca tụng bà và đề nghị Nam Triều thưởng huy chương vì sự ngiệp sáng tác thơ văn và giáo dục của bà (Tặng Đạm Phương phu nhơn mong thưởng Kim Tiền về việc trước thơ của Đoàn Ngọc Thọ, Lục Tỉnh Tân Văn số 2168, 3-11-1925; Tặng em gái Đạm Phương mong thưởng Kim Tiền của Huỳnh Hiên, Lục Tỉnh Tân Văn số 2169, 4-11-1925...)

Năm 1946, Đạm Phương nữ sử từ giả kinh thành Huế theo con trai là nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn ra ở Thanh Hóa, và năm sau thì mất tại đấy. Bà được an táng ở Lạc Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1958 hài cốt của bà được đưa về Rừng Thông (cũng thuộc Thanh Hóa), và đến ngày 3 tháng 8 năm 1984 lại được đưa về Huế cải táng tại nghĩa trang của chí sĩ Phan Bội Châu.

      Đạm Phương nữ sử rất xứng đáng với những lời thơ người đương thời cảm tác tặng bà:

Lấy sách làm gương ý lẫy lừng(9)

Lừa đem tâm lý dịch nên văn.

Rạng ngời bút chép chia ba phẩm,

Khen ngợi vàng ban thấu chín tầng.

Vịnh liễu có tài còn kẻ sánh,

Tụng tiêu chúc thánh dễ ai bằng.

Các thêu từ thấm ơn mưa móc,

Thỏa lúc xem hoa lúc đợi trăng.

 

Tác phẩm đã xuất bản

1.     Chung Kỳ Vinh. Đoản thiên tiểu thuyết. Đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn, kết thúc số 1773, 7- 7-1924.

2.     Hồng phấn tương tri. Ái tình tiểu thuyết. Nữ lưu thư quán Gò Công, Gò Công, 1929.

3.     Kim Tú Cầu. Bi tình tiểu thuyết. Khởi  đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn từ số 1460, 15-7-1922 rải rác đến số 1567, 22-10-1923. Đăng lại trên Trung Bắc Tân Văn, từ số ngày 25- 5-1923 đến số ngày 21- 7-1923.

Imp. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

4.      Gia đình giáo dục. Nữ lưu thư quán Gò Công, Gò Công, 1928.

5.      Giáo dục nhi đồng. Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1942.

6.     Nữ công thường thức. 3 tập, Huế, 1928, 1929, 1931.

7.     Phụ nữ dữ gia đình. Nữ lưu thư quán Gò Công, Gò Công, 1928.

8.     Phụ nữ dữ xã hội. Nữ lưu thư quán Gò Công, Gò Công, 1929.

Ngoài ra Đạm Phương nữ sử còn viết trên 155 bài báo(10) bao gồm các bài xã thuyết, khảo cứu và nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí như:     

● Bài trả lời của bà Đạm Phương. Mục Các danh nhơn trong nước đối với vấn đề phụ nữ, cuộc trưng cầu ý kiến của Phụ Nữ Tân Văn. Phụ Nữ Tân Văn số 5, ngày 30 -5-1929.

● Bàn về giáo dục con gái. Xã thuyết, Hữu Thanh, số 26, ngày 15-8-1923.

● Chị em ta đã biết ham mến thực nghiệm. Xã luận, Tiếng Dân, ngày 9-1-1929.

● Giáo dục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc tương lai. Xã thuyết, Trung Bắc Tân văn, ngày 4-7-1925.

● Lược khảo về tuồng hát An Nam. Khảo luận, Tạp Chí Nam Phong, số 76, tháng 10 năm 1923.

● Nữ lưu đối với ông Phan Bội Châu. Xã luận, Thực Nghiệm, ngày 3-2-1926.

● Tại sao đàn bà phải học rộng. Xã luận, Phụ Nữ Tân Văn, ngày 6-3-1929.

● Vấn đề nữ học. Xã luận, Tạp Chí Nam Phong, số 43, tháng 1 năm 1921.

 

trích tác phẩm của

Đạm Phương

KIM TÚ CẦU

 

Đạm Phương nữ sử. Bi tình tiểu thuyết. Đăng rải rác trên Lục Tỉnh Tân Văn từ số 1460, 15-6-1923 đến số 1567, 22-10-1923.

Ipm. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928, 45 trang.

 

I

Đêm Trung thu ở chốn đô thành, vừng trăng vằng vặc sáng quắc như ban ngày, gió đưa nhành quế ngào ngạt hương bay, trong một cảnh hoa viên kia; lầu, đài, trì, tạ, cây cối riềm rà, cảnh sang quý hình như bồng lai, lảng uyển, thấp thoáng lại có bóng hồng vào ra; khi vin hoa vít liễu, khi nhắm bóng soi hình, lúc lại dựa mình lên khúc lan can, bắt mặt trông lên chị hằng mà lâm nhâm khẩn niệm mấy điều tâm sự.      

Nói thế tuy chưa hiểu thấu nguồn cơn, song đã biết ngay là một người con gái có vương mối tơ tình quyến luyến, bi thu, sầu xuân chi đây, nên mới tả ra cái cảnh tượng như thế.

Người con gái ấy là ai? Tức là cô Kim Tú Cầu, người chủ động trong chuyện này vậy.

Hồi ba, bốn mươi năm về trước, ở xứ Kinh, thuộc về con đường Đông Ba, đi xuống miệt Ao Hồ, ngả Tả Duệ, thời phần nhiều phủ đệ các đức ông đức bà ở rất đông, nhà cửa, lầu đài chồng chập, nào rạp hát, trường gà, đua ngựa, đánh quần; cuộc chơi đầy tháng, thiên hạ nô nức đi xem, hồng đua tía nở, nơi nơi trải gấm phơi là, thiệt là một cảnh thái bình dật lạc biết bao?! Ngoài phương dân điền cư theo đó, thời cũng toàn là phú quí trâm anh hết thảy, chớ nhà tầm thường thôn dã, không bao giờ lẫn vào trong đám phồn hoa đô hội đó mà ở được.

Cô Tú Cầu là con gái một vị hưu quan, nên chi cái thái độ nhà cô cũng có phần đắc sắc trong hàng danh giá lắm; huống chi cái tư dung của cô Tú Cầu không nói nguyệt thẹn hoa nhường, nhạn sa cá nép, mà thành ra lời nói phỏng; chỉ xin độc giả nhận ngay câu chuyện đã kể; cảnh ấy người ấy, có lẽ cũng không khác gì một bức tranh họa nàng Thôi Oanh Oanh, đứng dưới mái tây sương đợi chờ trăng lên vậy. Thế đã rõ dáng con người yểu điệu tài tình, bất tất phải tả ra, vì tả ra thì chỉ sợ nét bút chưa tinh, làm mất cái phong vận của một người giai nhân thời e không đáng.

Tính cô Tú Cầu trầm mặc, ít cười, ít nói, mỗi khi trước gió, dưới trăng, hay ngậm ngùi, tơ tưởng, thường lại tỷ mình như một đóa hoa phù dung, muôn ngàn người thấy cũng yêu, nhưng không biết ai là kẻ chung tình, trăm năm dầu tính cuộc vuông tròn, thời cũng phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Người đến dạm hỏi cô thời đông, mà chưa nơi nào là xứng ý cả, chỉ có chàng Ngọc Lan là anh em cô cậu cùng Tú Cầu thời người đã phong nhã thanh tú, mà lại đa tình hơn hết.

Tú Cầu cùng Ngọc Lan từ bé cùng học với nhau một trường; hai cha mẹ đều lấy tình thân qua cát, không tỵ hiềm nghi, cho hai người qua lại chơi đùa với nhau, hơi tiếng quen nhau, ý tứ biết nhau; kịp đến khi khôn lớn, thì lại càng thân mật bội phần. Khi bài thơ, khi cung đàn, vận hòa tri kỷ, tỏ ý cầu thân, tuy chưa phượng chạ loan chung, song đã tất giao gắn bó; vì thế mà hai bên hôn sự cha mẹ ép nài, nơi nào cũng không chịu hết thảy, mà tự hai người nói ra, cũng không dám đường đột; vì hồi bấy giờ vẫn trong phạm vi bó buộc, gia pháp tối nghiêm, quyền sắp đặt ở cha mẹ, con cái chưa dễ bày lời kén chọn mong mỏi của mình đặng.

 Sự đâu sóng gió bất kỳ, dịp vừa tiết hạ khứ, thu lai, chàng Ngọc Lan bận việc nhà phải đi Quảng Nghĩa, thời nàng Tú Cầu lại có kẻ đến nói hôn sự, phụ thân cô rất bằng lòng, mà cô thời thối thác không chịu, bà mẹ cô phong văn chuyện kín của hai người ít nhiều, bèn mới thuật lại cho thân phụ cô biết, cái nguyên do vì thế mà thành ra ngăn trở, phụ thân cô là người cố chấp bình sinh hay tin thuật số, trước có bói quẻ tử vi cho con gái, sau này định lấy một người chồng vinh hoa hết sức. “Lập công khổn ngoại, phả hữu trọng quyền”, mà bây giờ người đến nói đây, lại là một vị tước quan, chắc ngôi mạng phụ đường đường không sai, vì vậy mà ông quyết định một lời, lấy câu nghiêm huấn dạy rằng:

“Thân con là của cha mẹ, giá kê tùy kê, giá khuyển tùy khuyển, huống hồ là ta đã kén lựa nhiều phen, mới chọn được chỗ xứng đáng, trao tơ phải lứa, gieo cầu vừa đôi; thời không được trái mệnh lệnh của ta, thành ra bất hiếu đó, con ạ!”

Tú Cầu cúi đầu khóc nức nở không nói năng gì, bà phu nhân biết ý, bèn liệu lời khuyên giải mà nói:

“Nhà ta đã mấy đời quan tước linh đình, con gái cũng lấy chồng nhất nhì phẩm hết thảy, đi võng điều từ trong trứng mà đi ra, cho nên cái nề nếp không thể thay đổi được, nay con muốn kết duyên cùng Ngọc Lan, hắn chẳng qua là một tên học trò danh tiếng, chớ đã làm chi nên nổi, vẻ vang cho nhà ta đặng, phụ thân con thời già rồi, em con còn dại, làm sao cũng cần người giúp đỡ, dìu dắt chúng nó lên vài cấp, mới mong kế nối quan chức về sau; lại chính con đào thơ liễu yếu, cha mẹ nâng niu như hòn ngọc báu trên tay, nay tuy gã cho người quyến thuộc, song cũng không khỏi làm dâu làm con người ta, nay tiếng này, mai tiếng nọ, con chịu làm sao cho nổi, ở nhà với cha mẹ thời không hề nhúng tay làm một việc gì, đến khi chịu khó, chịu nhọc, gánh vác lấy việc nhà người ta, nếu không kham, chi khỏi nặng nhẹ, làm thêm đau lòng cho cha mẹ”.

Tú Cầu nghe lời song thân tái tam cạn tiếng, đinh ninh thời ban đầu nàng nhất định không chịu, song sau cũng phải miễn cưỡng vâng lời, về đến phòng thêu của nàng, một mình khoảng vắng canh chầy, đàng xa nghĩ nỗi may rủi, rủi may sau này không biết thế nào? Mà đương sợ người đâu gặp gỡ làm chi, để cho tình duyên lăng líu, chưa thẳng đã dùn, mình không phụ bạc người ta, cũng như phụ bạc; thế nào cái tin này cũng lọt vào tai chàng Ngọc Lan, chàng biết cho ta là không thể nào trái lịnh cha mẹ được, mà dung thứ cho ta, chẳng nói làm chi, nếu chàng khăng khăng một niềm đau đớn thảm sầu, trách ta lỗi hẹn, thời ta cũng liều tính mạng cho cam với tình.

 

________________

 

1. Nữ sử: Chỉ người đàn bà làm quan sử chuyên ghi chép các việc xảy ra ở nội cung.

  Cách gọi tôn trọng đối với người phụ nữ có học thức. (Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh).

2. Lời tựa. Kim Tú Cầu. Đạm Phương nữ sử. Imp. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

3. Kim Tú Cầu. Tr. 46.

4.. Như trên. SĐD, tr. 46.

5. Bao biếm: chê bai (ghi chú của tác giả).

6. Biệt khai sinh diện: mở riêng một mặt mới (ghi chú của tác giả).

7. Hồng phấn tương tri. Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công xuất bản, Gò Công, 1929, tr. 31-32.

8. Đạm Phương nữ sử 1881-1947. Nguyễn Khoa Diệu Biên, Nguyễn Cửu Thọ. Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 180.

9. Tặng em gái Đạm Phương mong thưởng Kim Tiền. Huỳnh Hiên. Lục Tỉnh Tân Văn, số 2169, 4-11-1925.

10. Đạm Phương nữ sử 1881-1947. SĐD, tr. 334

 

 

***********************************************************

 

 

 

 

 

 

 

HUỲNH THỊ BẢO HÒA

(1896 – 1982)

 

Họ và tên khai sinh: Huỳnh Thị Thái

Bút danh: Huỳnh Thị Bảo Hòa

Sinh năm: Bính Thân (1896)

Quê quán: Hòa Minh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam

Phóng viên thường trực của Thực Nghiệp Dân Báo tại Đà Nẵng

Cộng tác với các tờ báo: Nam Phong, An Nam Tạp Chí, Thực Nghiệp Dân Báo, Tiếng Dân, Đông Pháp Thời Báo, Công Luận Báo, Phụ Nữ Tân Văn...

Ngày mất: 8 tháng 5 năm 1982 (Nhâm Tuất) tại thành phố Đà Nẵng, thọ 86 tuổi.

 

Sinh trưởng ở Đà Nẵng, có mặt trên văn đàn cùng thời với Đạm Phương và cũng như Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa là một cây bút năng nổ, tên bà xuất hiện trên làng báo, làng văn từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX. Tiếp thu tư tưởng yêu nước của thân sinh, nguyên là một võ quan triều Nguyễn từng tham gia phong trào Cần Vương ở Quảng Nam, ông Huỳnh Phước Lộc, cùng những chí sĩ duy tân đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Huỳnh Thị Bảo Hòa đã tìm cách hiện thực hóa chúng thành văn chương để chuyển tải đến bạn đọc. Không chỉ sáng tác các tác phẩm đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết, bà còn viết những bài xã luận sắc sảo đăng trên nhiều tờ báo từ Bắc chí Nam như Nam Phong, An Nam Tạp Chí, Thực Nghiệp Dân Báo, Tiếng Dân, Đông Pháp Thời Báo, Công Luận Báo, Phụ Nữ Tân Văn... Ngoài tên Huỳnh Thị Bảo Hòa, đôi khi bà còn ký theo tên chồng là Mme Vương Khả Lãm.

Sau Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng là một cây bút nữ gốc Trung Kỳ viết báo đồng thời có tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn đã được dư luận chú ý, gây tiếng vang lớn thời ấy.

Tác phẩm Tây phương mỹ nhơn như tên gọi ngoài bìa sách là luân lý tiểu thuyết, khi vừa ra đời, đã được công luận chú ý và được các cây bút cự phách thời ấy giới thiệu, phẩm bình một cách trang trọng như Huỳnh Thúc Kháng, Diệp Văn Kỳ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... Đây là một trong những tác phẩm viết bằng văn xuôi được xuất bản thành sách sớm nhất của một cây bút phụ nữ. Nói là “một trong những” bởi cùng thời điểm này ngoài Tây phương mỹ nhơn còn có Cổ Nguyệt Hương của Hồ Thị Quế (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1926, 50 trang), Ngọc chìm đáy biển của Mộng Hiệp nữ sĩ (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1927, 144 trang), Để tội cho hoa của Cẩm Vân nữ sĩ (2 cuốn, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1927). Các tác phẩm Cổ Nguyệt Hương, Ngọc chìm đáy biển, Để tội cho hoa... không được dư luận chú ý mấy, có lẽ do vậy mà các cây bút Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... đã cho rằng Tây phương mỹ nhơn là vở tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra”, “ Tiểu thuyết ở nước ta nay còn đương lúc nảy chồi mọc mộng, trong đám mày râu cũng mới xuất hiện một đôi bản như Quả dưa đỏ, Cảnh thu di hận… còn nữ giới thì thật chưa có. Nay bà đem cái thì giờ quý báu mà làm được bản này, lấy cái học thức sở đắc mà ra công thêu dệt, để tự tạo cho thành một nhà văn trong nữ giới; cái công vỡ núi phá đường, thật không những là ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử trong làng quần thoa, mà cũng là tiếng trống trên thành phu nhân làm một tay nữ tướng quân kình địch cho đám mày râu trong trường văn trận bút. Bạo dạn thật! Khó nhọc thật!...”(1)

Cũng như nhiều tác phẩm khác cùng thời, Tây phương mỹ nhơn có kết cấu chương hồi, được chia thành mười lăm hồi. Như đã ghi ở đầu sách, đó là một tác phẩm được gọi là luân lý tiểu thuyết, do vậy tác giả không ngại khi tỏ rõ mục đích giáo hóa người đọc từ ngay trong lời Tiểu dẫn ở đầu sách Đạo làm người phải lấy luân thường làm căn bản, từ thiên tử chí ư thứ dân ai ai cũng phải lấy luân lý làm trọng. Vì luân lý là gốc của gia đình, là trật tự của xã hội, một nước mà phong hóa suy thì nước kém, một nhà thiếu luân lý thì nhà hư, làm người mà không có luân lý thì không còn thể thống gì nữa. Cho nên trai thời trung hiếu, gái thời tiết hạnh là hai đức tốt đứng đầu trong muôn nết vậy”. Tuy chưa vượt thoát ra ngoài quan điểm văn dĩ tải đạo truyền thống, tác phẩm Tây phương mỹ nhơn đã trở thành tác phẩm đầu tiên tái hiện lại phần nào cuộc sống, số phận của những người dân bị áp bức trong chế độ thuộc địa; con đường cùng khiến những người thanh niên Việt Nam trở thành người lính mộ, tha hương trên đất Pháp.

Giá trị còn lại của Tây phương mỹ nhơn không phải là tấm gương kiên trung về tình yêu chung thủy, bất chấp màu da chủng tộc, bất chấp giai tầng xã hội của người con gái Pháp, hay cái nghệ thuật “còn chịu cái ảnh hưởng cựu học và hầu như không biết gì đến cái nghệ thuật của văn học phương Tây”(2), mà là tiềm ẩn dưới bài học luân lý, tác giả muốn phơi bày một thực trạng của xã hội loài người, đánh động về những ảo tưởng cho rằng xã hội văn minh thì ưu việt và nhân văn hơn xã hội còn lạc hậu. Tuy nhiên, do “cách phô diễn còn kém bề linh hoạt”(3), nên những điều dung chứa trong tác phẩm còn rời rạc, bị đóng khung trong những câu văn biền ngẫu không thể gói tròn ý. Tính phê phán và văn chương của tác phẩm vì vậy đã có phần bị khuất lấp.

Điều chắc chắn, Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ đầu tiên của đầu thế kỷ XX đem ý tưởng cách tân xã hội lồng vào tác phẩm với mục đích truyền bá cho thanh niên nam nữ trong nước. Bà đã phác họa được hình ảnh những nhân vật trí thức trẻ vì nước quên mình một cách khá thuyết phục. Đặc biệt, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã sớm nhận thấy vai trò trọng yếu của người phụ nữ trong xã hội, để từ đó biến họ thành một trong những tác nhân thúc đẩy cho công cuộc biến cải xã hội. Những đoản thiên tiểu thuyết của bà như Nhi nữ tạo anh hùng, Vì nghĩa quên mình... minh chứng rất rõ. Về kết cấu thể loại, những truyện gọi là đoản thiên tiểu thuyết của bà tuy được xây dựng một cách non nớt, chỉ mang bóng dáng của truyện ngắn hiện đại, văn phong chưa thoát lối biền ngẫu, nhưng lại dung chứa những nội dung cách mạng lớn ở nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Đó là cách mạng xã hội (kêu gọi thay đổi chế độ phong kiến, thuộc địa) và cách mạng về con người (tư tưởng giải phóng phụ nữ, ý thức bình đẳng nam nữ một cách triệt để). Đây chính là điều khiến người đọc hậu sinh lấy làm kính ngạc và thán phục về tri thức, tâm huyết và lòng dũng cảm của một bậc nữ lưu tiền bối.

Xác định vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ trong xã hội là mục đích đầu tiên của những đoản thiên Nhi nữ tạo anh hùng, Vì nước quên mình. Với mục đích ấy, Huỳnh Thị Bảo Hòa không phải làm văn chương mà dùng văn chương như một phương tiện tốt nhất để truyền bá suy nghĩ, mong muốn của mình. Bà muốn tạo ra những hình tượng phụ nữ anh hùng mới làm nhân tố để biến cải xã hội. Chính điều này là điểm cần được đề cao và ghi nhận ở cây bút Huỳnh Thị Bảo Hòa. Đây có lẽ cũng là mấu chốt quan trọng để tiếp cận với sự nghiệp văn chương của cây bút nữ này.

 

Tác phẩm đã xuất bản

1.     Nhi nữ tạo anh hùng. Đoản thiên tiểu thuyết. Khởi đăng trên Đông Pháp Thời Báo, từ số 710 ngày 21- 4-1928 đến số 713 ngày 28- 4-1928.

2. Tây phương mỹ nhơn. Tiểu thuyết. Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1927.

3. Vì nghĩa quên mình. Đoản thiên tiểu thuyết. Khởi đăng trên Đông Pháp Thời Báo, từ số 781 ngày 13-10-1928 đến số 785 ngày 23-10-1928.

4. Chiêm Thành lược khảo. 1941.

Ngoài ra Huỳnh Thị Bảo Hòa còn viết một số bài du ký, xã thuyết đăng trên các báo như:

·        Bà Nà du ký. Nam Phong, số 163, 6-1931.

·        Đi viếng Chiêm Thành bảo tàng viện. Đông Pháp Thời Báo, số 499, ngày 20-10-1926.

·        Làm người phải biết chọn đường chánh mà đi. Đông Pháp Thời Báo, số 536 ngày 21-1-1927.

·                      Một điều nên mừng. Đông Pháp Thời Báo, số 546 ngày 2-12-1927.

·        Người đàn bà nên học nghề nghiệp. Đông Pháp Thời Báo, số 556 ngày 16-3-1927.

·        Xem nam nữ cảm tưởng về Trưng Nữ Vương. Đông Pháp Thời Báo, số 579 ngày 13- 5-1927.

 

trích tác phẩm của

HUỲNH THỊ BẢO HÒA

TÂY PHƯƠNG MỸ NHƠN

           HỒI THỨ NHỨT
Cơn ngộ biến học đường lỡ bước,

 Lúc sa cơ phú hộ từ hôn.

Núi non quanh quất, gò đống ngổn ngang, bãi sắn xanh om, vườn dâu bát ngát. Trong một thôn kia, diện tích cũng rộng, dân trong thôn chuyên nghề canh nông, cày trưa cuốc sớm làm thú sinh nhai, lác đác có vài nhà nuôi tằm dệt lụa, song cũng nhỏ nhen, chưa lấy gì làm đại công nghệ. Còn nông vụ thì đầu mùa Đông cấy, cuối mùa Xuân gặt, mùa Hạ vãi, mùa Thu thâu, tiết tháng hai tháng ba gió Xuân mát mẻ, cảnh Xuân êm đềm, người hái dâu, kẻ gặt lúa, người bắt cá, người đốn củi, ung dung sinh hoạt, vui thú thiên nhiên. Ngoài phạm vi cổng làng, không còn biết có thế giới cạnh tranh, khoa học tiến bộ và công trình kỳ dị vĩ liệt phi thường của nhơn loại là gì nữa. Trong làng này có vài trăm nóc nhà đều là nhà tranh vách đất rời rạc, lẻ loi, mỗi gia đình như riêng một cõi, không có gì là liên lạc với nhau cả.

Trong xóm kia có một cái vườn cây cối rườm rà, hoa quả sầm uất, chung quanh trồng tre kín mít, đằng trước có cửa ngỏ đi vào, hai bên đường đi trồng đào liễu phất phơ, hoa nở đỏ ối, ngoài vườn xoài, mít, thơm, cây trái lúc lỉu, xem rất ngoạn mục. Bên trong có cái nhà gỗ ba gian, ngoài sân có cái chuồng chim bồ câu, có hòn non bộ, có chậu cúc, tường vi, song lâu ngày nét vẽ đã phai, bầy chim kéo nhau bỏ đi hết, còn kiểng vật thì cằn cỗi, hồ chậu thì sứt mẻ, mấy gốc mai già ủ rũ, đôi cành bông liễu phất phơ, xem có vẻ bi quan mà thanh đạm lắm. Còn trong nhà bày biện sơ sài, giường tre ghế gỗ, buồng hẹp phên đơn; bên chái đông có cái bàn sách vở chồng đống, chữ Nho chữ Tây đủ thứ, bên cạnh có ống viết bình mực, song ngòi bút bị sét ăn, mà bình mực lâu ngày cũng cạn; hai bên để hai chiếc giường nhỏ làm ghế. Trên ghế có một cậu thiếu niên ước chừng hai mươi tuổi, mặt mũi khôi ngô, hình dung nho nhã, đang ngồi xem sách, thỉnh thoảng đặt quyển sách xuống ra chiều nghĩ ngợi. Còn một người nữa thơ thẩn ngoài vườn, dáng người vạm vỡ tuổi ngoài hai mươi có lẽ. Nguyên hai người này là hai anh em ruột, anh là Nguyễn Minh Châu, em là Nguyễn Tuấn Ngọc, con một ông hương hộ giàu có trong làng, vốn không khoa cử, cũng dòng dõi thế gia, thuở ấu thơ anh em ra công đèn sách, cửa Khổng sân Trình, nhơn gặp lúc giao thời chữ Nho không đắc dụng với đời, nên ông hương mới cho theo Tây học; Minh Châu tuổi đã trọng nên ở nhà lo việc ruộng nương, còn Tuấn Ngọc thì lên tỉnh học chữ Tây. Tuấn Ngọc là người thông minh học hành lại chăm lắm, mà sự học thì phiền phức, bài học lại lan man, nào cách trí địa dư, thêm đạm khí với khinh khí, làm mờ cả mắt, những tra địa đồ Phi châu, Úc châu mà hết ngày giờ; cặm cụi ngót tám chín năm trời, thì giờ qua như chong chóng, mãi đến năm 17 tuổi mới đỗ bằng sơ học Pháp Việt. Tuấn Ngọc cố theo học cho thành tài mới nghe. Trong khi còn đang học hành dở dang, bỗng được tin nhà ông thân đau nặng, Tuấn Ngọc vội vã xin phép về thăm; về đến nhà chưa được mấy ngày, thì ông thân cậu từ trần. Tuấn Ngọc và Minh Châu xót thương khôn xiết, đoạn hai anh em lo tống táng ma chay xong, xem lại thì gia tài gần khánh kiệt. Tuấn Ngọc lấy làm lạ hỏi anh duyên cớ vì đâu.

Minh Châu nghe hỏi kể lể trước sau rằng: Số là em mắc lo kinh sử, cho nên cha mẹ không muốn cho em biết sợ buồn rầu mà trễ giờ học hành, nay sự thể như vầy anh còn giấu em chi nữa. Em ôi! Vì cha ta mắc tai bay vạ gió cho nên bán hết điền viên. Nguyên do vì một bữa kia, có người đi lỡ đường trời tối xin vào ngủ nhờ, cha mẹ thấy người đói rét thì thương xót cho ăn uống và ngủ lại đến sáng sẽ đi; ai dè người ấy mang bệnh đã lâu, phần đi đàng xa cảm lấy phong sương, nên đêm ngủ nhà ta rồi chết bao giờ không biết. Đến sáng ra người nhà thấy lâu không dậy, vào gọi thì mới hay chết rồi. Cha ta thấy vậy đi trình làng rồi làng họ phúc quan huyện về khám nghiệm. Một ngày lạ thói quan nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền, thôi thì quan về khám, lại về tra, nào tổng, nào làng, canh giờ rộn rực hàng năm, bảy ngày, những cung đốn rượu chè mà khổ; có thế mà thôi đâu! Quan huyện ngài thấy nhà ta dư ăn, ngài mới dở túi tham ra đòi ăn hối lộ, biểu cha ta chạy dưng ngài hai ngàn đồng, cha ta không chịu, ngài bèn buộc cho một tội sát nhơn đoạt tài, rồi đem giam chờ ngày làm án. Lời tục có câu: ở yên chẳng lành độc canh phải tội là vậy đó. Nói chi xiết sự cực khổ, cha ta chịu gông cùm trăng trói, nỗi oan khiên biết tỏ cùng ai! Anh cũng muốn minh oan cho cha, nhưng châu chấu chống sao nổi xe, phần thì sự khám nghiệm hàm hồ, quan họ muốn nói sao nên vậy, đi đâu họ cũng quan vị quan, ta phận hèn chống sao cho nổi! Mẹ và anh biết thế, ở đời phải lấy của che thân, nên cầm cố ruộng nương vườn đất được hai ngàn đem lễ quan và nha lại; lễ khắp mặt rồi cha ta mới bước chưn về nhà thì gia tài gần hết, còn lại cái nhà này là may, vì thế nên cha già nghĩ uất ức lâm bịnh mà bỏ mình. (Nói đến đây anh em đầm đầm châu lụy, kêu trời oán trách, xỉ mạ phường ô lại tham quan, vì muốn cho vinh thân phì gia mà nỡ hại người lương thiện). Cha ta vì làm phước nên nỗi hại mình, vậy thì ở đời này ai muốn làm phước nữa? Than ôi! Công lý ở đâu! Mà xã hội ta khốc hại vì những quân tham nhũng ấy đến thế! Suy ra một đời họ làm quan biết mấy mươi cô Kiều bán mạng, cụ Nguyễn Du tả thiệt chẳng sai. Tuấn Ngọc than thở rồi lo thu xếp lên tỉnh quyết học cho thành tài, mong có ngày rửa hờn cho cha cậu. Tuấn Ngọc vào học được ít tháng chi, bà mẹ ở nhà ngày càng túng thiếu, không lo kịp tiền gởi trả tiền học vì của cải đã hết, mà tiền học phí thì nhiều, mỗi tháng ngót mười đồng, lại thêm tiền mua sách vở nữa, nhà nghèo mẹ góa con côi, lấy chi mà cung cấp cho đủ, song Minh Châu cũng ráng vay mượn cầm cố lấy tiền cho em ăn học. Ai ngờ số trời đã đến, tuổi thọ không chừng, bà hương vì buồn rầu vất vả mà lâm bịnh. Minh Châu một mình lo liệu không kham, mới gọi em Tuấn Ngọc về nhà giúp đỡ và lo thuốc thang cho mẹ. Ai hay bà mẹ bịnh mỗi ngày một tăng, được ít tháng chi cũng bỏ cõi đời mà vui chơi tiên cảnh, thành thử Tuấn Ngọc cứ xẩn vẩn ở nhà nuôi mẹ, nên quá hạn nghỉ đã lâu, không xin phép. Sau khi Tuấn Ngọc an táng mẹ rồi, lại xin vô trường học lại, thì nhà trường không cho học nữa, vì luật phép nhà trường nghiêm lắm, mà Tuấn Ngọc nghỉ lâu nên bị xóa tên trong sổ. Tuấn Ngọc đành phải ôm giận trở về, phần thì mang công mắc nợ, mà học hành lỡ dở; từ đó giận thân tủi phận bèn bỏ nghề bút nghiên mà xây ra thực nghiệp, nhưng vì vốn liếng không có, đành phải làm ruộng với anh là Minh Châu cho qua ngày đoạn tháng, khi thong thả thì vun hoa tưới kiểng, lúc thư nhàn thì vịnh phú ngâm thơ cho tiêu sầu giải muộn. Tuấn Ngọc thường đọc chuyện Tây Hán, thấy Hàn Tín thuở chưa gặp thời chịu hàn vi nhục nhã, thường ngày câu cá sông Hoài, mỗi bữa ăn nhờ bà Phiếu Mẫu, lại bị đứa ác thiếu làm nhục nơi giữa chợ, mà Hàn Tín cứ ẩn nhẫn qua thì, ngày sau gặp Bái Công, làm đến chức nguyên nhung, dựng nên cơ nghiệp nhà Hán, lúc hàn vi cũng như mình vậy, xúc cảnh sanh tình, cậu ngâm bài thơ vịnh Hàn Tín rằng:

Ngàn xưa quốc sĩ một không hai,

Trong lúc trần ai ai biết ai!

Phiếu Mẫu dưới thành cơm đôi bữa,

Thiếu niên giữa chợ nhục thay đời.

Chờ mưa ao cạn rồng thu móng,

Đợi gió tầng không hạc lẫn mây.

Cuộc thế có co rồi có duỗi,

Tướng đàn bỗng chốc “ấn” trong tay.

Tại Nam thôn có nhà họ Lê là tay cự phú, nhà giàu ruộng cò bay thẳng cánh, đất mấy trăm mẫu hoa màu, tiền chum thóc vựa dư để dư ăn, bề tiền của chẳng còn ao ước, ngón phong lưu đã trải mùi đời.

Nguyên phú ông nhân thấy Tuấn Ngọc học hành giỏi, tính nết đáng yêu, ông có người con gái út định gả cho Tuấn Ngọc; chẳng may vợ chồng ông hương đều sớm khuất non xanh, anh Tuấn Ngọc lại côi cút khó khăn, nên ông định chờ em Tuấn Ngọc làm nên rồi mới cho cưới con gái ông, vì vậy cho nên Minh Châu có vợ rồi, mà Tuấn Ngọc còn chực phận giường Đông, chưa người nội trợ.

Ô qua thỏ lại, hạ hết thu sang, thấm thoát đã ba năm anh em Tuấn Ngọc mãn tang cha mẹ rồi. Ngày kia, có hai người anh em bạn học, một người là Trần Háo Danh, một người nữa tên là Lý Đại Ngốc cùng ở một làng. Nhơn nghe nhà nước mở khoa thi thông ngôn một sở kia, cậu Trần Háo Danh con nhà có ăn, nhưng tài học thì bừa lắm, song cậu cũng ao ước cái địa vị quan Tham quan Phán, mới định đem tiền đi lo lót với quan, và thuê người làm bài tá gà cho đề thi cho đậu. Còn cậu Lý Đại Ngốc vì quá tuổi không được thi, nhưng nhà vốn phong lưu, nhà ngói cây mít, cậu chưa lấy làm toại chí, những mong mỏi một chút danh vọng con con, để sĩ diện với làng nước mới là mãn nguyện, hiềm vì cậu quá tuổi, mới định kiếm một sở Tây buôn mà làm gọi là cho có tiếng với anh em. Lý Đại Ngốc mới cậy tay thầy thợ, mượn người dò la cho một chân thư ký Sở Thương mại kia; việc đã gần xong, họ đòi ba trăm đồng, nếu lo bạc đủ họ sẽ đưa vào làm không công ba tháng, rồi sau mới đưa lương. Lý Đại Ngốc vội về lấy bạc đem đi, lại gặp Trần Háo Danh rũ vào thăm Tuấn Ngọc, gặp cơn gia biến, lỡ bề đèn sách, Trần Háo Danh mới khuyên Tuấn Ngọc rằng: Quí huynh gặp cơn gia biến, việc học hành đến nỗi dở dang, không lẽ khoanh tay ngồi nhìn, thôi thì quý huynh nên lo lắng lấy ít trăm đồng, rồi đệ chỉ chỗ cho quý huynh lo liệu cậy người đỡ đầu cho, rồi quý huynh thi ắt sẽ đậu, một mai công thành danh toại, về làng ăn trước ngồi trên, tưởng cũng vẻ vang lắm vậy.

Tuấn Ngọc chưa kịp nói chi Lý Đại Ngốc vội gạt đi mà rằng: Trần huynh bàn như thế cũng chưa được hoàn toàn, tôi thiết tưởng thi đậu rồi mà họ chưa bổ, còn phải ăn chực nằm chờ chưa biết đến mấy năm. Chi bằng nghe lời đem tiền ra lo kiếm sở Tây buôn mà làm, vì hễ họ bằng lòng thì ta có chỗ làm ngay, dẫu không lương mấy tháng mặc dầu, ta cứ ngày hai buổi đi về, thiên hạ kêu bằng thầy ký cũng đủ sung sướng rồi, chẳng hay hai anh nghĩ thế nào?

Tuấn Ngọc nghe hai người bàn rồi cười lạt mà nói rằng: Cám ơn hai anh có lòng chỉ giáo, nhưng gia đình của tôi từ khi ngộ biến, song thân  lại sớm khuất suối vàng, nhà có hai anh em sớm khuya hẩm hút nuôi nhau, cũng muốn kiếm việc làm cho đỡ thiếu thốn, nhưng họ có dùng cái tài học của đệ thì đệ mới làm. Còn như đem tiền của nhờ người ám trợ cho cầu lấy đỗ, hoặc lo lấy chỗ làm không lương, tôi dẫu nghèo, quyết không làm điều đê tiện ấy, vì nghĩ tự thẹn lắm; phận tôi đã đành, còn như hai anh ruộng cả ao liền, tiền chum thóc vựa, ở nhà cũng phong lưu chán đi, nếu chí hai anh muốn danh vọng với đời, thì đem tiền ra kinh doanh buôn bán, chấn hưng các nghề nghiệp cho to, rồi hai anh ngồi nhà mà làm chủ nhơn, có phải là ung dung tự tại hay không, tội chi lại đem tiền ra luồn cúi để cầu lấy cái chức nô lệ ấy phỏng có danh giá gì, mà hai anh vụng suy làm vậy?

Trần Háo Danh và Lý Đại Ngốc nghe mấy lời Tuấn Ngọc nói đã chẳng nghe thì thôi, lại đứng dậy quày quả ra về, vừa đi vừa lầm bầm rằng: người không tiền lại hay nói phách nghe chướng tai quá!

 Tuấn Ngọc cười thầm rằng, hễ trung ngôn nghịch nhĩ, phường háo danh ấy có nói cũng hoài hơi, người đời phần nhiều đều như Trần Háo Danh và Lý Đại Ngốc cả. Ôi! Biết bao giờ cho họ tỉnh ngộ, khinh ghét hư danh mà xoay về thực nghiệp!

Đến ngày thi Tuấn Ngọc cũng ra thi, gặp Trần Háo Danh; hai người vô trường, Tuấn Ngọc lo làm bài còn Trần Háo Danh cũng giả đò viết sơ sài che mắt thế gian, kỳ thiệt thì có bài người khác làm sẵn đưa vào, đến khi quan chấm bài lại nhờ ngòi bút tư vị, lúc yết bảng lên quả nhiên Trần Háo Danh học dốt mà có mấy trăm bạc nên đậu. Còn Tuấn Ngọc giỏi hơn và có bằng sơ học vì không có tiền lo nên phải hỏng. Tuấn Ngọc than rằng: Lời xưa có nói “học tài thi phận” chẳng hay ở thời buổi kim tiền này có đúng nữa chăng!! Than rồi mang gói về quê, trong lòng lấy làm khinh bỉ thói đời hơn nữa.

Nói về Lê phú ông vốn là tay trọc phú lại ham mến hư danh, nhà sẵn của mới đem tiền của ra lo lót quan huyện sở tại họ Hồ, và quan tổng đốc để xin hàm cửu phẩm bá hộ. Hồ tri huyện là người tham lam, thấy Lê phú ông giàu có, bèn thừa cơ bóp nặn vơ vét cho đầy túi. Phú ông muốn được việc chẳng quản tốn hao, đem tiền tới lạy cho quan xơi mới thỏa. Tuấn Ngọc vốn là hứa tiếng rể con nên năng đi lại viết giùm giấy má đơn từ; Tuấn Ngọc vốn người khí khái thấy phú ông biển lận tham lam, lại hay xu phụ quyền môn, đổ tiền bạc ra mua lấy hư danh, thì hay can ông, khuyên ông đem món tiền ấy mà làm trường rước thầy về dạy cho con dân nhờ đó mà học tập, thì chẳng những ích lợi cho xã hội nhơn quần mà lại có danh giá nào bằng. Vì danh ấy chẳng phải là hư danh thì vẻ vang biết mấy.

Lê phú ông từ khi thấy Tuấn Ngọc hỏng thi, trong lòng đã chán hơn cơm nếp nát, ý muốn bội ước không gả con gái nữa, song chưa thể nói ra, nay nhơn dịp cậu hay nói thẳng xúc ý, ông càng thêm ghét, mới xỉ mắng Tuấn Ngọc là đứa bất tài, nên ông từ hôn không gả con gái cho nữa. Tuấn Ngọc không lấy làm phiền lại cho việc phú ông từ hôn làm may, vì biết mình thân phận hàn vi, nếu ham giàu kết nghĩa với nhà phú ông, thì chi khỏi bị họ khinh khi; ta đường đường một đấng nam nhi, mà mong nhờ vợ như thế chẳng nhục lắm ư, bèn tuyệt giao với nhà Lê phú ông không lui tới chi nữa.

 

 

________________

1. Lời giới thiệu sách mới trên Đông Pháp Thời Báo số 607, ngày 22-7-1927.

2. Nữ sĩ Việt Nam. Thiếu Sơn, Phụ Nữ Tân Văn, số 231, ngày 11-1-1934.

3. Như trên.

 

 

 

 

 

************************************************

 

 

 

 

 

 

PHAN THỊ BẠCH VÂN

(1903 – 1980)                    

 

      Họ và tên: Phan Thị Mai

Bút danh: Phan Thị Bạch Vân

Sinh năm: Quý Mão (1903)

Quê quánlàng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa)

Trợ bút cho Đông Pháp Thời Báo, cộng tác viên của Phụ Nữ Tân Văn

Người sáng lập Nữ Lưu Thư Quán Gò Công

Ngày mất:  2 tháng 8 năm 1980 ( tức ngày  22 tháng 8 năm Canh Thân) tại Sài Gòn, thọ 77 tuổi

 

Ngày 19 tháng 4 năm 1928 trên Đông Pháp Thời Báo số 709 trong mục Phụ trương phụ nữ và nhi đồng có những dòng rao ngắn về việc thành lập Nữ Lưu Thư Quán Gò Công do Madame Võ Đình Dần tức Phan Thị Bạch Vân ký. Võ Đình Dần là tên của một thương hiệu nổi tiếng ở Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX như Võ Đình Dần hương phấn, Nhà thuốc Việt Nam Gò Công Võ Đình Dần. Theo trên trang quảng cáo, Nhà thuốc Võ Đình Dần có nhà bào chế đặt ở Gò Công từ năm 1921. Đây là một nhà thuốc chuyên bán các loại thuốc gia truyền có tiếng ở miền Nam. Cũng trên số báo này, qua bài Giới thiệu cùng chị em của báo về việc thành lập Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, có những lời giới thiệu về Phan Thị Bạch Vân như sau: “Nay có cô Phan Thị Bạch Vân, cô vốn con nhà hàn mặc lâu nay vẫn trợ bút cho bổn báo, những văn chương, tư tưởng và ý kiến của cô phô bày trên báo chương gần một năm nay, tưởng phần nhiều chị em đã biết”. Nhân thân của Phan Thị Bạch Vân nhiều năm dài chỉ gói trong những dòng ít ỏi cóp nhặt từ Đông Pháp Thời Báo nêu trên, không ai biết gì thêm về bà. Mới đây, trong bài viết Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX  của tác giả Võ Văn Nhơn thì tiểu sử của bà mới được hé lộ rõ hơn một ít. Theo đó, bà sinh năm 1903, quê quán ở Biên Hòa. Do gia cảnh cha mất sớm, nhà đông anh em nên mới mười bảy tuổi bà đã lấy chồng. Cuộc hôn nhân này mau chóng tan vỡ, đau buồn bà tìm đến văn chương và gặp người chồng sau là ông Võ Đình Dần (1). Từ Biên Hòa bà theo chồng về Gò Công rồi sáng lập Nữ Lưu Thư Quán. Trước khi trở thành chủ nhiệm của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công bà là trợ bút của tờ Đông Pháp Thời Báo, và cùng với Tuyết Nga, là cây bút chính chuyên viết cho mục Phụ trương phụ nữ và nhi đồng. Bà viết được nhiều thể loại từ xã thuyết, thơ, đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết... Ngoài Đông Pháp Thời Báo, Phan Thị Bạch Vân còn cộng tác với Phụ Nữ Tân Văn... Một điều gần như chắc chắn, bà là người phụ nữ đầu tiên trong thế kỷ XX ở Nam Bộ nói riêng và trong cả nước nói chung biết kết hợp song song những hoạt động thương mại và hoạt động truyền bá văn hóa, văn học một cách tài tình và hiệu quả. Nói đến hoạt động văn học của cây bút Phan Thị Bạch Vân không thể không nhắc đến hoạt động và những thành tựu của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công do bà sáng lập. Khác hẳn với những thư quán khác cùng thời, Nữ Lưu Thư Quán Gò Công có mục đích, tôn chỉ rõ ràng: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở mang tri thức, học vấn thêm cao.

Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về chánh trị, lịch sử, truyện ký, tiểu thuyết, vấn đề phụ nữ, nữ công, khoa học, thương mãi, thực nghiệp...

Những sách nhảm nhí thuộc về tình ái dâm phong, hoặc tả theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà thì bao giờ cũng cự tuyệt”(2).

 Không bao lâu sau khi thành lập, Nữ Lưu Thư Quán Gò Công đã tập hợp được nhiều cây bút tên tuổi khắp ba kỳ tham gia, trong đó chủ yếu là những cây bút nữ cấp tiến như Đạm Phương nữ sử, Hoàng Thị Tuyết Hoa, Nguyễn Thị Đan Tâm... Lần đầu tiên một số lượng tác phẩm văn học của các tác giả nữ được liên tục cho xuất bản như Gương nữ kiệt của Phan Thị Bạch Vân; Kim Tú Cầu, Hồng phấn tương tri của Đạm Phương nữ sử; Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài (6 cuốn) của Hoàng Thị Tuyết Hoa; Một đời mấy thân của Nguyễn Thị Đan Tâm; Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị...

Những tác phẩm của Phan Thị Bạch Vân từ Gương nữ kiệt đến Lâm Kiều Loan vì thế cũng không ngoài mục đích, tôn chỉ “giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở mang tri thức”, thoát ra khỏi “trướng gấm buồng the” sánh vai cùng nam giới góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp. Tư tưởng bình đẳng nam nữ phát khởi từ Đạm Phương Nữ Sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa đến Phan Thị Bạch Vân càng ngày càng tỏ lộ mạnh mẽ: “cùng sống trong một nước thì trai hay gái đều có bổn phận như nhau. Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bậc trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh vác cái trách nhiệm chung” (Lời giới thiệu tác phẩm Gương nữ kiệt của tác giả). Ngay ở tác phẩm Lâm Kiều Loan, một tác phẩm tình cảm mang ít nhiều nét tự thuật, người đọc cũng thấy nhân vật nữ trong truyện có những suy nghĩ cấp tiến vượt lên thời đại mình đang sống “Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nhi nữ. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như  nam nhi, cớ sao nam nhi người ta lại có quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gởi phận, chực bám vào người là cớ làm sao”(3).

Được gọi là Tiểu thuyết về ẩn tình xã hội Nam Kỳ, toàn bộ tác phẩm Lâm Kiều Loan theo quảng cáo ở cuối bìa sách có khoảng mười cuốn nhưng hiện nay chúng tôi mới chỉ sưu tầm được cuốn một.

Cũng như nhiều tác phẩm cùng thời, Lâm Kiều Loan được xây dựng trên một bố cục truyền thống. Cuốn một được chia thành năm chương với những đề từ ngắn gọn nêu bật nội dung của từng chương. Tuy trước mỗi chương vẫn còn một đoạn văn biền ngẫu ngắn như: “Tình bi thiết, lệ đầy vơi, nỗi nọ đường kia, ruột rối bời. Lạnh ngắt trăng soi hồn tỉnh mộng, buồn tênh nước chảy cánh hoa trôi”(4), nhưng toàn bộ truyện lại được viết bằng một văn phong chỉnh chu, đĩnh đạc và hiện đại cộng với sự miêu tả tâm lý sắc bén rất đáng ngạc nhiên: “Bữa trước ra xem hoa mà cảm, suốt đêm về phòng không ngủ được. Tủi cho hoa, thương thân mình, hai lẽ nó cứ xô xát nhau trong não cân. Rồi nghĩ cho mình trên con đường dương thế vẫn chiếc bóng cút côi”, “Để bức ảnh lại chỗ cũ, tôi bước lần ra sân, thấy hoa sen đua nở dưới ao, bóng trăng rọi đỏ ánh. Cảnh hữu tình sao mà mình đã bạc phước. Hết hồi thưởng cảnh tôi ngồi tựa bờ ao ngắm xuống nước giây lâu, nghe trong mình ngầy ngật, phần vì sương khuya lác đác lạnh lùng làm cho thần trí càng dật dờ thêm. Rồi trong lòng như có ai xui bảo rằng: muốn thoát khỏi cõi đời bạc bẽo thì hãy mượn lấy ao này. Ao là mồ chôn hồng nhan...

Tôi đã toan vâng theo nhưng lại kịp xét rằng thế ấy là hèn là dở. Yên thân mình đã xong nhưng sao khỏi làm gương chẳng hay cho bạn gái như mình. Tôi lật đật xây lưng trở đi, mà cái sự giục thúc tự tử nó còn muốn lôi kéo tôi lại. Tôi thẳng riết vào phòng đóng cửa, thấy đồng hồ điểm ba. Tôi quỳ xuống cạnh giường chắp tay niệm kinh cứu khổ: Nam mô Quan Thế Âm bồ tát...

Nghe trong mình có hơi thơ thới hơn khi nãy, nên lại tắt đèn đi ngủ”(5). Đây là giọng văn vượt trội các cây bút nữ cùng thời, tiếc rằng không tìm được toàn bộ bản hoàn chỉnh của tiểu thuyết Lâm Kiều Loan để có nhận định, đánh giá chính xác đầy đủ hơn về tác phẩm.

Là tác giả của các tác phẩm như Gương nữ kiệt, Lâm Kiều Loan... nhưng có lẽ con đường mà Phan Thị Bạch Vân muốn vươn tới không phải chỉ thuần túy trở thành một nhà văn mà rộng hơn, bà muốn trở thành một nhà hoạt động văn hóa, làm người góp sức khai mở tri thức cho bạn quần thoa trong buổi đầu tiếp xúc với làn sóng văn minh phương Tây. Với tâm huyết “Lo làm sao cho đường đức dục, trí dục của chị em được mau tấn tới với thế đồ, mà hưởng lấy cái hạnh phúc chung ở buổi tối tăm, mau kíp đến cái địa vị quý đẹp chị em phải có mà chưa được có”(6) xuất phát từ tấm lòng yêu nước của một bậc nữ lưu, bà đã không ngại hô hào, kêu gọi “Ai ơi! đã có tấm lòng vì nòi giống, vì giang san. Ai ơi! đã tưởng đến cái lẽ tồn vong, mà biết ngậm ngùi cho bước đường dài của mười triệu nữ lưu. Ai ơi! đã biết cái nỗi nước mất dân tàn, phong tục đồi tệ đến thế là cùng, hãy đồng cùng nhau soi xét thấu cho, hãy để ý mà tài trợ cho Nữ Lưu Thơ Quán được hưng vượng”(7) Những lời tha thiết ấy chính là động lực để quy tụ các văn nhân, trí thức nam nữ khắp ba miền đất nước tham gia hợp tác với Nữ Lưu Thư Quán Gò Công và đồng thời làm cho nó phát triển lớn mạnh trong một thời gian ngắn.

Việc công khai truyền bá tư tưởng “thương nước thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy”(8) đã dẫn đến hậu quả một số tác phẩm do Nữ Lưu Thư Quán Gò Công xuất bản bị liệt vào danh mục sách cấm lưu hành như Gương nữ kiệt, Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Băng tâm ngọc chất...; và kết cục là thư quán bị chính quyền thực dân đóng cửa sau chưa đầy hai năm hoạt động. Một thời gian sau, ngày 10 tháng 2 năm 1930 Phan Thị Bạch Vân bị giải tòa “về tội phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng”(9).

Tuy chỉ hiện hữu trong một thời gian ngắn, nhưng những tác phẩm của Nữ Lưu Thư Quán đã có ảnh hưởng rất lớn đến tầng lớp trí thức trẻ thời ấy. Chẳng thế mà “nhà Văn Nguyễn Vỹ trong Tuấn, Chàng trai nước Việt đã cho rằng đầu thế kỷ XX có ba loại sách đã đào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say”, là “sách để đầu giường” của thanh niên học sinh, đó là sách Nam Đồng Thư Xã của Nhượng Tống, sách Quan Hải Tùng Thư của Đào Duy Anh, sách của Nữ Lưu Thư Quán ở Gò Công” (10).

 

Tác phẩm đã xuất bản

1. Gương nữ kiệt. Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, Gò Công, 1928.

2. Lâm Kiều Loan. Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam Kỳ, cuốn 1, (Được giới thiệu trọn bộ khoảng 10 cuốn), Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932.

3. Phụ nghĩa tào khang. Đoản thiên tiểu thuyết, Đông Pháp Thời Báo, số 669, ngày 21-1-1928.

Ngoài ra Phan Thị Bạch Vân còn viết những bài xã thuyết đăng trên các báo như:

·        Nam Kỳ cần phải có trường nữ công. Đông Pháp Thời Báo, số 695, ngày 15-3-1928.

·        Trường thương mãi cho nữ lưu Việt Nam. Đông Pháp Thời Báo, số 698, ngày 22-3-1928.

·        Vài điều cần ích cho chị em bạn gái. Đông Pháp Thời Báo, số 704, ngày 5- 4-1928.

·        Mưu trừ tuyệt nghề kéo xe. Đông Pháp Thời Báo, số 704, ngày 5-4-1928.

 

trích tác phẩm của

PHAN THỊ BẠCH VÂN

LÂM KIỀU LOAN

Tiểu thuyết về ẩn tình xã hội Nam Kỳ. Cuốn 1, Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932, 32 trang.

 

CHƯƠNG THỨ NHỨT

KIẾP HOA ĐÀO

Trận gió hoa rơi, tìm xuân đâu nữa, bình tan gương vỡ, những mong ráp lại sao lành. Nổi mình thân thế đã đành, chỉ thương cho bạn ngày xanh còn dài. Vậy nên chẳng nệ lời quê mượn ngòi bút thảo ra những câu chuyện cũ, hiến các bạn đài gương xem với.

Tôi, Kiều-Loan vốn sanh trong nhà thi lễ. Cha tôi xưa làm quan Tri-phủ đáo nhậm phương xa. Đến trạc tứ tuần người bất lộc thì mẹ tôi đem tôi về Gia-định là xứ sở ông bà. Khi sanh tiền cha tôi làm quan rất liêm khiết không hà lạm của dân. Đến lúc quá vãng, không có của dư bao nhiêu, may nhờ của phụ ấm để lại chút ít, mẹ tôi lấy đó xây xài nên cũng giữ được phong vận không đến nổi túng kém. Mẹ tôi chỉ có một mình tôi nên người rất thương yêu, hằng lo chăm nom nuôi dạy theo nề nếp xưa của con nhà khuê các. Năm tôi được 14 tuổi đã thi đậu bằng sơ-học. Ý mẹ tôi không đành cho tôi đi xa, nên bảo buông cặp về ở nhà hủ hỉ với mẹ cho vui. Tôi còn ham học lắm, nên ngày đêm nài nỉ xin vào trường lớn. Mẹ tôi cũng chìu lòng cho vào Nữ-học-đường Saigon. Được hai năm thì tôi đựơc tin mẹ tôi kêu về bảo phải xin thôi đặng người định bề gia-thất. Nghe lời mẹ dạy bao nhiêu hy vọng về tương lai của tôi bỗng rã tan theo bọt nước. Tôi liền thưa rằng: thưa mẹ, tuổi con còn thơ-ấu, ngày xuân hãy còn dài, mẹ vội tính chi việc hôn-nhơn, để con theo đòi nghiên bút cho đến tuổi trưởng thành rồi mẹ sẽ lo việc thất gia cho con. Chừng đó bề học vấn của con đã rộng, trí thức nhiều con mới có tư cách mong làm một người dân khôn, vợ quý, mẹ hiền, chớ bây giờ đây mới mười mấy tuổi đầu, thơ ngây nào đã biết chi mà dám đặt mình vào một cái địa vị khó khăn như thế hởi mẹ. Mẹ tôi dạy rằng: Kiều-Loan con ơi! Dễ nào mẹ không biết cái chí nguyện của con là thế. Song mẹ hôm nay tuổi già sức yếu, khác nào ngọn đèn thấp thoáng gió đưa, sớm tối chắc đâu sống thác. Mẹ muốn thấy con có chổ nương thân, sau dầu mẹ có nhắm mắt rồi cũng an lòng nơi chín suối. Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nữ-nhi. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như nam-nhi c sao nam-nhi người ta lại có  quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gởi phận, chực bám vào người là cớ làm sao.

Lòng tôi không cam nên theo năn nỉ mãi rằng: hôm nay sự học thức của con đương dang dỡ chẳng đến đâu cả, mẹ vội tác thành giai-ngẫu cho, may mà con đựơc duyên ưa phận đẹp, đôi lứa trăm năm thì chẳng nói chi, rủi con vô phần gặp phải người nửa chừng đem lòng phụ bạc, rồi cùng nhau chia gánh giữa đàng chừng đó cái thân yếu đuối bất tài tránh sao khỏi thân rách con đói. Thà mẹ để con ăn học thành tài rồi, nếu con ở vào cảnh thuận cũng đủ sức giúp chồng dạy con. Bằng cơ trời biến đổi thế nào con cũng có thể đem cái tài học ra mà mưu sự hạnh phúc, không đến nổi ra thân cô khổ đó mẹ. Mẹ tôi bảo: con gái học cho biết chút đỉnh rồi thì về nhà tập nấu nướng vá may để lo việc tề gia nội trợ. Gia pháp nhà ta xưa nay vẫn thế, con phải noi theo, đừng có bắt chước theo bọn tân-học bây giờ, mong đi học cho nhiều, sau lại phải nỗi ế  chồng vì không có ai dám cưới. Vậy con hãy nghe lời mẹ, đừng có cãi mà làm cho mẹ phiền lòng.

Trọn mấy ngày mẹ con bàn đi cãi lại hoài. Rốt lại mẹ tôi làm giận làm hờn, khóc lóc phiền hà. Tôi vốn yêu mẹ chí-thiết lại thấy mẹ già hay ương yếu, sợ mình cãi lời người ưu phiền sanh bịnh thì sao cho phải đạo làm con. Nên tôi phải chìu lòng ưng thuận đành dẹp nghiên xếp sách từ giã cảnh trường mà lui về nhà.

 Cách sáu tháng sau thì tôi đã về nhà chồng rồi. Lang quân tôi tên Trần-bá-Minh, làm lương y bổn-quốc, đương tùng sự tại tỉnh. Người cùng đồng quê với tôi song ở thuộc về trong làng. Ông thân người đương quyền Cai tổng đối với gia quyến tôi là chổ quen biết cũ, nên việc cưới xin cũng dễ dàng.

Lang quân tôi lúc bấy giờ tánh tình hiền hậu đối với vợ có vẻ khoan hoà. Người ít hay đi chơi phiếm, cơn rãnh ở nhà, hoặc đọc sách xem báo, hoặc làm thi dạo đàn. Mấy thú thanh nhã ấy tôi vẫn thích lắm. Làm thi tôi cũng tấp tễnh học đòi, còn chơi đờn là món mẹ tôi khi xưa đã nổi danh trong khuê các, sau người truyền lại. Vợ chồng tôi có vẻ tương đắc lắm. Giá phải ông xanh kia đừng ghét lẫn thì có lẽ cảnh gia đình của tôi là cảnh thiên đàng. Song tiếc thay! Cái hạnh-phúc của đời tôi chẳng khác nào chớp nháng, sáng lên một chút rồi không bao giờ tìm lại cho được nữa.

Tôi về nhà chồng được một năm thì mẹ tôi mang bịnh mà từ trần. Than ôi! tôi không dè mẹ tôi năm trước chỉ lo tìm chốn cho tôi nương thân là vì biết trong mình sức đã yếu.

Nay người gượng với số trời không nổi đành bỏ đứa con côi cút trên trần thế rồi. Kế đó tôi sanh được chút gái, nuôi được ít tháng rồi thì bỏ.

Nước mắt khóc mẹ chưa ráo lại khóc con. Hỡi chị em ai có cốt nhục thâm tình thì đã rõ tình cảnh tôi bấy giờ ra thế nào.

Trong lúc tôi buồn rầu ảo não nhờ có một người bạn gái ở gần đó là cô Đỗ-Kim-Hoa thường hay đến lui ân cần khuyên giải. Kim-Hoa cùng tôi là chị em bạn hồi nhỏ, cô vốn con nhà giàu, cha là một vị điền chủ mới mất năm ngoái, cô còn một đứa em trai đương đi học ngoài Saigon. Mẹ cô vì có điền sản nhiều nên thường hay ở dưới ruộng. Cô ở nhà có một mình với sấp tớ nên hay tới lui nơi nhà tôi chơi hoài. Cô nhỏ hơn tôi một tuổi nên kêu tôi bằng chị. Lúc nhà tôi có việc cô thường đến tìm cách giải khuyên. Tôi cảm lấy tấm lòng tử tế đó, nên coi cô như tình cốt nhục.

Ngày tháng càng qua, tấm lòng sầu não của tôi vừa khuây khoả, thì cảnh gia-đình của tôi có vẻ khác. Lang-quân của tôi trước kia là người thế nào đã thuật ra trước rồi. Thế mà cái người hiền lành vui vẻ hôm nay bỗng hoá ra buồn bực. Thú vui ở gia-đình ngày xưa, nay không thèm ngó đến, lại sanh tật đi chơi đêm, gặp lễ và ngày chúa-nhựt thì bặt tăm bặt dạng. Vợ chồng cùng nhau ba năm như bát nước đầy, nay vì duyên cớ chi mà chồng tôi bỗng đổi tánh như vậy, tôi nào có rõ. Nhưng đôi khi tôi than thỉ hỏi người thì người quạu quọ rầy rà, thỉnh thoảng lại nói ra câu: đàn bà tối ngày ăn no ở không, đã sung sướng mà còn nhiều chuyện. Không phải đàn ông sanh ra đây là chỉ để làm mọi cho vợ đâu, hể người ta có làm lụng cực nhọc thì phải để cho người ta đi chơi, hết tiền thì người ta chạy, chớ ai vô đó làm ra đồng xu nào mà nói cho mất công.

Hỡi ôi! nghe người nói đến đây, lòng tôi bắt nhớ lại lời tôi nói với  mẹ tôi khi xưa nay thật chẳng sai. Mẹ ơi! Mẹ có thấu cái thân đờn bà con gái buổi nầy hể đi chực bám sống nhờ vào người thì tránh sao khỏi lời nặng tiếng nhẹ. Tôi không dám hỏi chồng nữa, bây giờ tôi hỏi lòng tôi, coi tôi có lầm lỗi điều chi mà làm cho đến nổi mất niềm hoà ái hay chăng? Tôi tìm mãi cũng không biết tại làm sao. Tôi buồn bao nhiêu lại ráng giữ bổn phận bấy nhiêu. Tôi ráng hết lòng chìu lòn dịu ngọt cùng Lang-quân tôi, là tôi mong một ngày kia người hồi tâm trở về con đường cũ để dựng lại cái hạnh-phúc cho gia-đình. Nhưng than ôi! đã luống công mà vô ích, bao nhiêu cách tôi ráng làm cho người thương, dường bao nhiêu cách tôi chọc cho người phụ, cố gắng cho mấy, tấm lòng người cũng bỏ tôi mà đi đâu rồi. Cho hay con người đã hết thương mình, thì mình bảo họ thương cách nào cũng chẳng đặng.

Một đêm kia nhằm tối thứ bảy, có người lại rước Lang-quân tôi đi khám bịnh. Suốt đêm không thấy về. Tôi nghĩ không biết tại họ rước đi xa hay là sẵn dịp người đi chơi luôn. Sáng lại tôi dậy coi chừng trẻ ở dọn dẹp quét tước xong rồi thì đồng hồ đã chín giờ. Tôi chợt nhớ mấy tấm kiểu thêu  của tôi cho Kim-Hoa mượn. Tôi tính đi đòi về đặng vẽ một tấm trải bàn mà thêu, vì tấm cũ nó đã muốn rách.

Nhà Kim-Hoa cách nhà tôi chừng 4 trăm thước, trời còn sớm không có nắng, tôi đội khăn đi bộ lại đó. Tới ngõ thấy trẻ ở tưới cây tôi liền hỏi: bà xuống ruộng về chưa, còn cô Hai có ở nhà hay không?

- Thưa, bà tôi chưa về, còn cô còn ngủ. Tôi bước vô nhà không thấy ai hết. Sấp tớ đều ở nhà sau. Lấy tình thân của tôi và Kim-Hoa xưa nay, hễ vào nhà cứ đi thẳng vô phòng. Nay nhơn thấy cô ta ngủ trưa, tôi tính vô phá chơi nên lại vặn hột xoài cửa. Cửa không có khoá vùng mở bét ra, tôi liền bước vô phòng...

Trời đất ơi! Phải chăng nắng quáng đèn loà hay chăng mà mắt tôi trông thấy vật chi lạ quá. Rõ ràng là chồng của tôi cùng Kim-Hoa đang ngủ trên giường. Mắt tôi tối, chơn tôi run, tinh thần tán loạn. Tôi kêu lên một tiếng: trời ơi, sao đến thế nầy, rồi té sụm xuống đất. Tôi vừa gượng đứng dậy thì hai người trên giường giựt mình thức dậy nhảy xuống. Tôi không nói với ai được một tiếng nào hết. Tôi bước ra khỏi phòng rồi chạy ra đường như điên. Ra ngoài tôi thấy có xe kéo liền ngoắt lại bước lên ngồi, bảo cứ chạy thẳng chớ không biết là đi đâu. Tôi ngồi trên xe mà cái tấn kịch khi nãy nó cứ diễn ra trước mắt tôi hoài. Tôi mơ màng như người trong mộng, hồi lâu định tâm lại thì nước mắt ở đâu nó tuôn ra như xối. Thôi rồi, mấy năm tình nghĩa một chút thả trôi. Trần-lang ơi! Chàng bao nỡ có trăng phụ đèn, để cho thiếp mấy tháng trời ngậm thảm nuốt sầu mà không rõ duyên cớ bởi đâu. Kim-Hoa mầy hỡi mầy, tao với mầy là chị em, so tình không khác gì cốt nhục, sao mầy lại mong đi phá tan cái hạnh phúc gia-đình của tao cho đành dạ. Tôi vừa định tỉnh liền chỉ đường cho xa-phu kéo về nhà. Bước vào thấy Lang-quân tôi đã về trước rồi. Người thấy tôi còn sần sộ, hỏi tôi đi đâu? Tôi định dằn xuống, song thấy cách người hỏi chận tôi như thế thì không cầm được nước mắt. Trong bụng đã uất ức muốn nói bao nhiêu, lúc bấy giờ nói cũng  không đựơc nữa, chỉ có buông ra mấy tiếng: anh ơi, sao anh nhẫn tâm với tôi như thế nầy?... Rồi thì tâm thần tôi nó tán loạn, tôi ngã xuống đất, không biết chi nữa… Sau lúc ấy không biết Lang-quân tôi có đỡ tôi lên và tội nghiệp cho tôi chút nào không, mà khi tôi tỉnh dậy thì người đã đi đâu mất, chỉ có con ở xúm lại dỗ dành khuyên lơn.

Hỡi ôi! Người đã đến thế đó thời thôi, tôi đành ngậm lệ nuốt sầu chớ biết nói lời gì than thở nữa.

Thoảng mãn ngày qua tháng lại, tôi ăn thảm uống sầu cũng đã bảy tám tháng trời, thân thể càng ngày càng vàng vọt mà Lang-quân tôi cũng chẳng hề đoái hoài đến. Hể đi làm thời thôi, về đến nhà thì kiếm lời nặng nhẹ, làm cho tôi bực lòng bực trí hết sức.

Lạ chi là thói đờn ông, hễ đến nước phụ phàng rồi thì nào là cơm chẳng ngon canh chẳng ngọt, thiếu chi chuyện nói. Chừng thương trái ấu cũng tròn, lúc ghét bồ hòn cũng méo. Nghĩ mình bạc phận, côi cút lẽ loi, dầu phải khổ tâm đến bao nhiêu cũng phải cắn răng mà chịu.

Một khi kia nhằm lúc lễ, Lang-quân tôi bỏ nhà đi luôn ba ngày mà không thấy về. Tôi đương nằm trên giường nghĩ đàng kia nỗi nọ, than thở một mình, bỗng nghe có tiếng giày đi lộp cộp, rồi có tiếng Lang-quân tôi la mắng: trong nhà có đàn bà mà không ai coi sóc hết, tối ngày ăn no rồi ngủ, đàn bà không nên thân, đàn bà hư… những gì, những gì nữa, nói nghe thôi đủ thứ, mà nói bao nhiêu thì tiếng nói nó dội vào vách tường, chớ không có một tiếng trả lời. Người thay đồ rồi đi nữa. Tôi khóc chán rồi cũng dậy rửa mặt, lại soi gương thấy hình vóc đã tiều tuỵ, cặp mắt trõm lơ mà trong lòng bắt kinh hãi. Than ôi! ngày xuân còn đó, má hồng đã phai. Cái mặt hoa da ngọc xưa kia mà mình vẫn có phần tự đắc, ngày hôm nay nó đã hoá ra mặt xanh má cóp, thấy chẳng nỡ nhìn. Tôi bước lại bàn chấm một chút phấn thoa lên, coi có bớt xanh hay chăng, thì con Hạnh là con tớ gái, nó lấp ló bước vào nói: thưa cô, cô ở trong nhà hoài buồn quá, cô hãy ra vườn xem hoa cho giải khuây. Bữa nay cây đào trổ bông đẹp quá.

Tôi nghe nó nói thì vói lấy cái áo dài mặc vào, tính ưa dạo cảnh coi trong lòng có thư thái chút nào chăng. Ngoài vườn có băng để ngồi hóng mát, có nuôi cá, có hồ-sen. Nhớ hôm nào vợ chồng còn âu yếm nhau, thì chiều nào cũng cùng nhau ra đó ngoạn cảnh. Bây giờ lẻ loi một mình, trông hoa cỏ xơ rơ mà thẹn. Tôi thấy hoa đào đương nở bước lại gần xem. Bẩm tánh tôi xưa nay vốn yêu hoa, đoái thấy cành hoa tươi tốt thì trong lòng thoả thích muôn phần, rồi nhìn mấy đóa hoa đã tàn mà chạnh lòng chua xót. Nghĩ cái kiếp đàn bà với kiếp hoa chẳng khác chi nhau. Hễ sớm nở thì sớm tàn, cõi đời vắn vỏi, lại còn thêm những nỗi mưa sa gió táp, cái thân mỏng mãnh kia dường như ông Tạo ghét ghen, bày ra đủ lối truân-chuyên để cho mau tàn mau rũ. Đương than thở bỗng thấy mây trên trời u ám, phút chút lại nổi trận mưa dông. Tôi lật đật bước vào nhà, đứng trong cửa sổ dòm ra thấy mấy đóa hoa bị gió, rơi cánh tơi bời, rồi thì giọt mưa rớt xuống, mấy cánh hoa rơi kia đều trôi theo dòng nước mà chảy đi. Nghĩ cái thân thế mình, rồi nghĩ cái kiếp hoa mà sanh cảm xúc vô hạn. Ngoài trời giọt mưa tầm tã, trong nhà tối đen như mực, tôi bước lại vặn đèn lên, rồi lấy cái nghiên bút ra tả một bài “Kiếp hoa Đào” cho đỡ lòng sầu muộn.

_________________

 

1. Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX . Võ Văn Nhơn. Việt Báo, 8.3.2007.

2. Trích Tôn chỉ của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công của Phan Thị Bạch Vân in trong trang đầu của tiểu thuyết Kim Tú Cầu, Đạm Phương nữ sử,  Nxb Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

3. Lâm Kiều Loan. Cuốn 1, Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932, trang 2

4. Lâm Kiều Loan. SĐD, Trang 9

5. Lâm Kiều Loan. Như trên.

6. Trích Tôn chỉ của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công của Phan Thị Bạch Vân… (như trên)

7. Trích Tôn chỉ của Nữ Lưu Thư Quán Gò Công của Phan Thị Bạch Vân… (như trên)

8. Chấn chỉnh nghề xuất bản và bán sách ở xứ ta. Mưu khuyến khích các văn nhơn ra đời. Nữ anh tài. Tieåu thuyeát, cuoán 1, Imp. Baûo Toàn, Saøi Goøn, 1929, trang cuoái

9. Gần đây trong nước có những việc gì. Phụ Nữ Tân Văn, số 39, 13-2-1930, tr. 25.

10. Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX . Như trên.

 

 

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN KIM ANH

 

2010

 

 

http://www.gio-o.com/NguyenKimAnh.html