NGUYỄN DU VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT CỦA ÔNG

TRONG THƠ CHỮ HÁN

                                                

                                                                       Nguyễn Huệ Chi

 

 

          Khác với Truyện Kiều, một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn, và Văn chiêu hồn, một bài văn tế thay lời nhà Phật kêu gọi chúng sinh, thơ chữ Hán Nguyễn Du chủ yếu là những vần thơ tâm tình. Truyện Kiều Văn chiêu hồn nếu có bao hàm tâm sự của Nguyễn Du cũng phải thông qua số phận khách quan của các nhân vật chính - những hình tượng nghệ thuật kết tinh từ cuộc sống. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, trái lại khắc họa hình ảnh trữ tình của chính Nguyễn Du, một hình ảnh rất động trước mọi biến cố của cuộc đời.

          Nhưng một nghệ sĩ vĩ đại, mỗi khi nói về mình không phải đơn thuần chỉ biết có mình mà thôi. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, đằng sau hình ảnh Nguyễn Du với cõi lòng ủ ê tê tái, với cá tính rõ mồn một, một Nguyễn Du nghìn lần thực hơn cái con người chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện trước mặt Gia Long mà sử sách từng ghi lại, ta còn thấy một điều gì lớn hơn nữa; ấy là những suy nghĩ nung đúc của nhà thơ về con người, về xã hội, là cái nhìn phanh phui đến đáy những nhân cách lịch sử, cũng là sự chiêm nghiệm sâu kín và đầy trắc ẩn về những ba động thời cuộc diễn ra trước mắt ông. Có thể nói, khác với những tác phẩm khác, thơ chữ Hán Nguyễn Du là một cách Nguyễn Du đặt vấn đề trực tiếp về số phận của mình, gắn liền với vận mệnh chúng sinh trong nhiều thời đại, nhất là thời đại ông đang sống. Dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng nhìn sâu thêm vào mối quan hệ mật thiết ấy trong toàn tập thi phẩm.

 

 

                                                          ***

 

         

          Trước hết, hãy tìm hiểu con người Nguyễn Du. Con người này mang trong mình cái lý tưởng chính trị thế nào? Thật ra, vấn đề không đơn thuần chỉ là phân tích thái độ của Nguyễn Du đối với nhà Lê, đối với Tây Sơn, hay đối với nhà Nguyễn. Ở mỗi thời điểm nhất định, Nguyễn Du có một cách đánh giá nhất định đối với các triều đại ấy. Nhưng xuyên qua những khuynh hướng phức tạp trong tư tưởng của nhà thơ, sẽ có thể rút ra một thái độ nhân sinh bao hàm trong đó những quan điểm đạo đức, lý tưởng sống, cách xử thế... của Nguyễn Du. Và chỗ quan trọng là cái thái độ nhân sinh này, trong điều kiện lịch sử mà Nguyễn Du sống, cũng không thể là một biểu hiện thuần nhất từ đầu đến cuối, mà chắc chắn có từng quá trình biến chuyển.

          Thời đại của Nguyễn Du, những điều gọi bằng lẽ phải không hiện ra vằng vặc ở trước mắt. Đấy là một thời kỳ giằng co quyết liệt giữa nhiều xu thế chính trị khác nhau. Trong đời sống tư tưởng của xã hội, từng mảng nhỏ của hệ thống giáo lý phong kiến cơ hồ bị bung ra, bị lật xới, tạo nên không ít những cuộc khủng hoảng tinh thần. Chiến thắng ào ạt của anh em Tây Sơn, rồi sự phục thù của những thế lực đế chế con dòng cháu giống; âm vang mơ hồ của những đòi hỏi tự do và công lý xen lẫn với tâm lý đập phá, thay thầy đổi chủ, rồi việc lập trở lại một trật tự “bảo hoàng” vào bậc nhất...  Tất cả những điều trái ngược đó khiến cho không khí thời đại càng thêm phức tạp, với những màu sắc phấn khởi và tuyệt vọng, lạc quan và bi quan, lẫn lộn. Nguyễn Du vừa mới chứng kiến dinh cơ của anh trai Nguyễn Khản bị kiêu binh phá cho tan nát và phủ Chúa bị chúng hò reo vây bọc để hạ bệ Trịnh Cán, công kênh Trịnh Khải lên ngôi báu thì tiếp liền theo, đã nhận được hung tín Trịnh Khải sa cơ tự vẫn trước khí thế long trời lở đất của quân lính Tây Sơn. Và ông chưa kịp buồn thương cho tấn thảm kịch một Lý Trần Quán tự chôn mình, lại đã phải ngơ ngác dõi nhìn bước chân mau mắn đi theo “tân triều” của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích cùng vài vị Tiến sĩ khác, thêm cả người anh rể của ông là Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong khi ông đang xót xa tủi nhục cho tình cảnh “sẩy đàn tan nghé” của vua tôi Lê - Trịnh, thì đồng thời cũng đã được nghe vọng đến tiếng sấm chiến công của Nguyễn Huệ phá tan hai mươi vạn quân giặc ngoại xâm. Rồi cũng chính giữa lúc nhà thơ chưa kịp làm quen với sự có mặt của những con người “cờ đào áo vải” trong cương vị những chủ nhân đầy oai quyền, thì lại đã sửng sốt nhìn thấy tấn tuồng đổ vỡ của triều đại Tây Sơn mà thấp thoáng phía sau là cái mưu đồ “nằm gai nếm mật” bền chí của “Gia Long phục quốc”.

          Quả tình, mọi biến cố đầy kịch tính của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX đã ập vào Nguyễn Du một cách khá dồn dập, làm cho ông như sống trong một trạng thái choáng váng về tư tưởng, và không phải dễ dàng tìm ngay được một lẽ sống, một chỗ đứng nào vững vàng ổn định. Ông là người không bao giờ hời hợt với mình, nhưng chính vì không hời hợt mà hoàn cảnh càng buộc ông không thể nghĩ những điều “đúc khuôn” vào một định kiến. Trên đường đi sứ, khi đi qua mộ của những bậc trung thần nghĩa sĩ Trung Quốc, nhà thơ từng không ngớt tán thưởng tấm lòng trung nghĩa của họ; song chỉ cần một lúc khác phải vượt qua một khúc sông muôn phần hiểm trở, ông lại cảm thấy cái khái niệm trung nghĩa chừng như không còn đủ để cho mình tin:

                                Trung tín đáo đầu vô túc thị

                                           (Ninh Minh giang chu hành)

                                (Giữ lòng trung tín nhưng gặp nguy vẫn

                                                                         không đủ tin cậy) (1)                                   

          Cũng trên đường đi sứ ấy Nguyễn Du vừa mới đề cao Dự Nhượng hết lòng với chủ, vừa mới bài bác Giả Nghị không hiểu được tấm lòng cô trung “liệt nữ không thờ hai chồng” của Khuất Nguyên, thì liền sau đó nhà thơ lại đã chê trách cái thái độ thiếu sáng suốt của Phạm Tăng, chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở mà không chịu hiểu rằng “mệnh trời” đã hoàn toàn thuộc về nhà Hán. Câu thơ nói đến một Phạm Tăng trong dĩ vãng xa lắc mà sao nghe như có âm hưởng tiếng cười nhạo của thời buổi Nguyễn sơ Lê mạt:

                              Đa thiểu nhất tâm trung sở sự,

          Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu.

                                            (Á phủ mộ)

         (Bao nhiêu kẻ hết lòng trung với người mình thờ,

         Thường bị thiên hạ cười là ngu)              

          Trong các bài thơ của Nguyễn Du, những mâu thuẫn trên đây không phải là cá biệt mà tương đối phổ biến. Những mâu thuẫn đó có ý nghĩa gì? Phải chăng là trong con người Nguyễn Du đã luôn luôn xảy ra những cuộc xung đột - một bên là tư tưởng chính thống của nhà thơ, một bên là hiện thực chói chang, sừng sững. Nhà thơ muốn cưỡng lại hiện thực, muốn đi theo những thiên kiến chính trị của tầng lớp mình. Nhưng hiện thực cuộc đời với những sắc thái phức tạp, muôn vẻ của nó, mạnh mẽ quá, hấp dẫn quá, làm cho ông cứ phải bàng hoàng ngơ ngác, phân vân suy nghĩ, dần dần bắt tình cảm của ông phải chấp nhận ít nhiều lẽ phải của cuộc sống.

          Thời kỳ chạy loạn về quê vợ, Nguyễn Du đã tính chuyện phù Lê chống Tây Sơn. Một đứa con của một gia đình “vọng tộc” từng nhiều đời nặng ơn trời bể với Lê - Trịnh, đối với Tây Sơn có hành động như vậy kể cũng dễ hiểu. Nhưng một điều cũng khá lạ lùng là mặc dù chống Tây Sơn, Nguyễn Du vẫn không hề lộ ra một thái độ hằn học nào đối với triều đại đó. Hình ảnh quan tướng Tây Sơn bắt gặp thoáng qua trong một lần nhà thơ ghé thăm người anh ruột ở Thăng Long vào khoảng những năm 1792-1793 được vẽ lên rất mực hào hoa phong nhã, nếu không nói là còn ẩn giấu một phần thiện cảm:

                   Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo,

Triệt dạ truy hoan bất tri bão.

Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,

Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

                      (Long thành cầm giả ca)

 (Khanh tướng Tây Sơn trên tiệc đều ngất ngây,

 Trắng đêm không chán cuộc vui say.

 Tả hữu tranh nhau cùng gieo thưởng,

 Bạc tiền như đất ném liền tay) (2)                       

         Và như Hoài Thanh đã nhận xét, sau này, khi chính Tây Sơn đã bị lật đổ, ta lại thấy Nguyễn Du có cái tiếng thở dài rất đỗi bùi ngùi:

Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,

Ca vũ không di nhất nhân tại.

                     (Long Thành cầm giả ca)

(Cơ nghiệp Tây sơn tiêu tán sạch,

Luống còn một người con hát thôi) (3)                

          Có phải thực tế cuộc đời trong bao nhiêu năm, nhất là những năm làm quan buồn tẻ dưới triều nhà Nguyễn, đã lay chuyển dần tiềm thức của Nguyễn Du, làm cho ông có một cái nhìn phần nào khác trước đối với Nguyễn Huệ?

          Ở đây, có một hiện tượng cũng cần lưu ý: trước chiến thắng lừng lẫy của Quang Trung chống quân Thanh xâm lược, Nguyễn Du đã không biểu lộ một sự quan tâm nào. Qua thơ Nguyễn Du, ta thấy ông rất “kín tiếng” đối với sự kiện này. Thế nhưng, cũng không phải đã hoàn toàn như vậy. Khi vấn đề vận mệnh sống còn của dân tộc tưởng như đã lắng xuống rồi thì mười mấy năm sau, có dịp đi ra khỏi đất nước, Nguyễn Du bỗng đặt lại một cách sâu sắc, tuy rằng vẫn kín đáo: ông mỉa mai rất chua cay những kẻ âm mưu hoặc trực tiếp đem quân xâm lăng Việt Nam như Mã Viện, Minh Thành Tổ. Ông hào hứng ca ngợi những nhà ái quốc nổi tiếng của Trung Hoa như Khuất Nguyên, Nhạc Phi, Cù Thức Trĩ, Văn Thiên Tường. Nhân đi qua mộ một con kỳ lân thời Minh Thành Tổ, Nguyễn Du tưởng tượng ra con kỳ lân đó vì không tìm thấy “minh chúa” nên chết đi, và ông gợi ý: “Buổi ấy sao lại không dạo chơi sang phương Nam?” (Đương thế hà bất Nam du tường? - Kỳ lân mộ). Phương Nam lúc bấy giờ, Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa, đánh bại giặc Minh, mở ra trang sử độc lập chói lọi. Tuy Nguyễn Du vẫn không động đến chiến thắng của Tây Sơn, nhưng nếu không có cái hiện thực sấm sét đó trong thời đại ông thì làm gì có được những câu hỏi đầy lòng tự hào như vậy? Quả là sức mạnh của thực tế cuối cùng đã thấm vào Nguyễn Du, khiến cho tình cảm, tư tưởng của ông dù ít dù nhiều cũng phải “chuyển” theo.

          Hiển nhiên, ta không thể quên rằng đời sống xã hội giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn vốn rất sóng gió, rất dữ dội, không phải chỉ có sáng tươi, phấn khởi một chiều. Tình cảm của Nguyễn Du cũng đã phải vật vờ trước thời cuộc, mất chỗ bấu víu, thậm chí có lúc phải lật đi lật lại. “Cõi trần trăm năm chỉ là giấc mơ mở mắt” (Trần thế  bách niên khai nhãn mộng - La Phù giang thủy các độc tọa). Câu thơ đau xé ruột vì nó quá đúng đối với những ai từng trải hết mọi cảnh ngộ trớ trêu. Điều khác với lẽ thường là do phải chứng kiến “chiếc đèn cù” của dòng đời bạo liệt từ tuổi còn rất trẻ, những mặt hư vô trong tư tưởng nhà thơ không phải đợi đến già mới có đất để nảy sinh. Nguyễn Du đã không thể hiểu được vì đâu mà cơ nghiệp của những bậc anh hùng trong lịch sử và trong thời đại ông lại đổi thay như chớp mắt. Ông rùng mình:

Bồi hồi phủ ngưỡng bi phù sinh,

Như thử anh hùng thả như thử.

                              (Đồng Tước đài)

(Băn khoăn nghĩ ngợi thương cho kiếp phù sinh,

Anh hùng như thế mà còn như thế)                                          

          Và tất cả những nỗi đau thương u uất dồn lại, về cuộc đời, về con người, về các triều đại kế tiếp nhau, đã hình thành nên trong nhân sinh quan của Nguyễn Du một ý thức thường trực, một cảm hứng bi thiết về sự mong manh của đời người, của số phận. Sự nhạy cảm của một thi nhân cỡ lớn càng giúp Nguyễn Du nâng cảm hứng của mình lên tầm tư tưởng, như một khái quát nghệ thuật đắt giá về “phận người” nói chung. Hiện diện đâu đó trong thơ ông một tiếng nói sâu thẳm về cái thế giới ảo cảnh làm ta nhức nhối, mà lại cũng có sức cuốn hút lạ lùng. Nguyễn Du gần với Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án khi ông nhìn vũ trụ dưới cạnh khía “nương dâu bãi bể”. Nguyễn Du cũng đã gặp Nguyễn Gia Thiều trong một thoáng ám ảnh “bóng câu qua cửa sổ”:

Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ

                                   (Hành lạc từ)

(Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại một nấm đất)               

          Bế tắc, cùng quẫn, Nguyễn Du cũng như bao nhiêu người khác, có lúc đã chán nản hết thảy, muốn vứt bỏ hết thảy mà tìm vào đạo Phật, đạo Lão, tìm vào hành lạc, thậm chí “gọt tóc”(4) mà trốn vào rừng. Nhưng bước chân ông đi vào những nơi xa lánh “cõi trần” kia sao mà vẫn có gì như không thoái mái. Ở ẩn ông thấy buồn, vì đối với đời lòng cứ không thôi vương vấn:

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ liễu âm âm.

                                     (Xuân dạ)

(Đêm tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?

Chỗ cửa sổ nhỏ mở chỉ thấy bóng liễu âm u)                                     

          Và tiếng rằng có nghĩ tới hành lạc, chưa bao giờ thấy Nguyễn Du cất tiếng cười đùa bỡn mà cũng ngạo nghễ, thỏa thuê trong cái thú hành lạc như một Nguyễn Công Trứ:

Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,

Nhất tọa lê hoa áp hải đường.

                                              (Tuổi già cưới vợ hầu)(5)

          Nguyễn Du chỉ nói đến chuyện đi săn, đến một hồ rượu đầy luôn để sẵn đầu giường. Nhưng rồi trong thực tế, từ khi ra làm quan với nhà Nguyễn, nhà thơ cũng chả có mấy dịp để trở lại với phường săn quê nhà; còn nói đầy hồ rượu thì âu chỉ là một cách nói. Say sưa bất tỉnh đối với Nguyễn Du là một điều nguy hiểm, vì không phải nó làm mất phẩm giá của ông, mà chính là nó làm cho ông không còn tỉnh táo để suy nghĩ. Mà không suy nghĩ thì Nguyễn Du đâu còn là Nguyễn Du nữa! Mãi về sau khi đi qua mộ Lưu Linh, một ông “tiên” trong làng rượu đời Tấn, Nguyễn Du mới buồn rầu nhận ra rằng suốt đời mình, mình vẫn quá “tỉnh”. Ông tự trách mình:

Hà dĩ thanh tinh khan thế sự?

Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai.

                                         (Lưu Linh mộ)

(Sao cứ lấy con mắt tỉnh để xem việc đời?

Khiến cho thân thế như những cánh bèo trôi dạt,

                                                           rất đáng thương)                        

          Trách móc thế thôi chứ thật ra chính cái ý thức “lấy con mắt tỉnh để xem việc đời” mới thật là một thiên chức sống mà Tạo hóa dành cho nhà thơ. Cho nên, hầu như là trong mọi trường hợp, tuy có nói đến hành lạc, đến ở ẩn, đến say sưa, Nguyễn Du vẫn không phải là người làm được những điều mình nói. Nguyễn Du không phải là con người hành động mà là con người suy tưởng. Con người ấy tiếp nhận tất cả mọi cay đắng trong đời với một thái độ lặng lẽ, chịu đựng. Nhưng bên trong con người đó, một cuộc đấu tranh chống lại mọi nguy cơ sa ngã vẫn diễn ra dai dẳng không ngừng. Và so với người khác, những nỗi cực nhọc đau đớn mà con người ấy chịu còn phải nhân lên gấp mấy lần, vì nó dồn nén súc tích lại thành những ý nghĩ vò xé tâm can, chứ không được giải phóng ra bằng hành động:

                         Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,

                         Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.

                                                      (My trung mạn hứng)

                         (Ta có một  tấc lòng không biết ngỏ cùng ai,

                         Dưới núi Hồng Sơn sông Quế sâu thẳm)

          Vốn là người biết quý cuộc sống tự do, đối với chuyện công danh, Nguyễn Du thường bày tỏ thái độ ghê sợ không giấu giếm. Khi phải bước chân vào vòng “bể hoạn” của Gia Long, Nguyễn Du chua chát nghĩ rằng mình đã “vào tròng”:

                        Thử thân dĩ tác phàn lung vật,

    Hà xứ trùng tầm hãn mạn du.

                             (Tân thu ngẫu hứng)

    (Thân này đã là vật trong lồng cũi,

    Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa?)                                        

          Trên đường đi sứ qua trấn Nam Quan, Nguyễn Du than lên những lời ớn lạnh:

    Xuân vũ như cao cốt tự hàn

                             (Nam Quan đạo trung)

 

    (Mưa xuân thấm nhuần như mỡ mà mình cảm thấy

                                                      lạnh buốt tận xương)          

          Trong một bài thơ khác, ở một thời gian khác, nhà thơ còn nói rõ là danh lợi đã làm cho mình không còn đến cả cái tự do được cười khóc cho hồn nhiên thanh sảng:

    Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần.

                                        (Xuân tiêu lữ thứ)

    (Trên trường danh lợi, cái cười hay cái chau mày cũng

                                                                         không được tự do)   

          Không phải ngẫu nhiên mà câu thơ trên đây cũng giống với một câu thơ của Cao Bá Quát làm mấy chục năm về sau:

    Duyệt thế phương tri kiệm tiếu tần

                                      (Tặng Di Xuân)(6)

    (Trải đời mới biết dè sẻn cái cười cũng như cái chau mày)     

          Hai con người, hai cảnh ngộ, nhưng ít nhiều cùng một trạng thái lúng túng, gượng gạo trong cách xử thế.

          Tuy nhiên, Nguyễn Du lại không thể nào có được cái khí phách “quyết xoay bạch ốc lại lâu đài” của Cao Bá Quát. Con người ấy chỉ biết nâng đau khổ lên thành triết lý, và rồi quẩn quanh trong triết lý, đến nỗi không nhìn thấy nguyên nhân mọi nỗi khổ hiện thực của mình. Trọn đời ông, nhà thơ vẫn phải nhẫn nhục đóng vai một “hàng thần lơ láo” dưới trướng Gia Long. Vẫn cứ làm quan, vẫn được nhà vua trọng vọng và thăng tiến khá nhanh, song vẫn cứ không thôi vùng vằng, khổ sở. Lúc chưa ra làm quan, sự ngột ngạt trong tâm hồn khiến Nguyễn Du đã có lúc phải kêu gọi ánh sáng:

     An đắc huyền quan minh nguyệt hiện,

     Dương quang hạ chiếu phá quần âm.

                                                 (Ngọa bệnh)

    (Ước gì vầng trăng sáng xuất hiện ngay trước cửa,

    Ánh sáng dọi xuống xua đuổi mọi bóng tối)                                        

          Lúc đã làm quan rồi, trong thơ Nguyễn Du vẫn có cùng một cảm hứng như thế:

  Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt,

  Lục âm trùng điệp bất di quang.

                                                 (Ngẫu hứng)

  (Gắng dậy mở cửa sổ xem trăng sáng,

  Bóng râm lớp lớp không để lọt tia sáng nào)                  

          Tóm lại Nguyễn Du là một dạng nhà nho có phần đặc biệt. Trong ông có “cái hèn” mà mọi anh trí thức thông thường đều có, có khoảng cách không nhỏ giữa làmnghĩ, khác với một phân số nhà nho thống nhất được giữa hai mặt ấy như Trương Hán siêu, Phạm sư Mạnh, Nguyễn Trãi, cũng khác với kiểu nhà nho như Nguyễn Công Trứ, làmnghĩ tuy kết hợp gắn bó và được thực hiện hết mình nhưng đồng thời lại cũng biết cởi bỏ tâm thế bị dồn nén bằng cái hành vi chơi hết mình. Nhà thơ lại càng không có được một tiếng cười trào tiếu như Hồ xuân Hương. Nhưng con người trở trăn hai ba phía kiểu Nguyễn Du là con người biết tìm sự đối thoại ngầm trong cuộc sống, đối thoại với mọi điều ngang trái của quyền lực, của nhân tình thế thái, cận kề ngay trước mắt, giáng lên đầu, khi mình chưa kịp hiểu, chưa thể lý giải, khi trong tâm lý mình còn cố cưỡng lại mặc dầu lý trí đã phải khuất phục, phải chấp nhận. Đó là khuynh hướng dân chủ vô thức vốn có mầm mống ở một hạng kẻ sĩ khá quen thuộc trong lịch sử song không phải thời nào cũng kết tinh được những đại diện tiêu biểu. Nguyễn Du là người biết khao khát chân lý và cũng do đó biết sống theo những tình cảm mà lương tri mách bảo; là con người biết “tỉnh táo để nhìn đời” và cũng do đó đã tránh được những phản ứng lầm lạc trong mọi hoàn cảnh tối tăm. Nhưng càng nhìn đời, càng thấy xung quanh mình tràn đầy thống khổ, thì lại càng bế tắc. Càng đưa suy nghĩ lên mức khái quát thì lại càng chìm sâu vào một nỗi đau vô hình. Suốt đời, nhà thơ đã vùng vẫy trong cái mớ bòng bong tư tưởng đó:

          Nhất sinh u tứ vị tằng khai

                                         (Thu chí)

        (Trọn đời mối u sầu chưa hề gỡ ra)             

          Và mấy câu thơ sau đây quả đã nói được một cách khá trọn vẹn tâm trạng của Nguyễn Du:

       Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân,

       Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu.

                                                 (Dạ hành)

      (Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người,

      Đêm tối mờ mịt không biết bây giờ là bao giờ,

                                               mãi chẳng thấy sáng)       

          Hình tượng một con người đi trong bóng đêm dày đặc, hãi hùng, bị gió lạnh dồn cả vào mình, và cứ mong cho chóng sáng mà không thấy sáng, thật đã phản ánh đúng cái cảm nghĩ của Nguyễn Du về sự mất phương hướng. Đấy không chỉ là hình ảnh tự họa chính xác của nhà thơ mà còn có ý nghĩa của một biểu tượng - là hiện thân tấn bi kịch trầm kha của chế độ phong kiến ở giai đoạn đã đông cứng trong mọi khuôn khổ cũ kỹ, không còn để ngỏ những khả năng lựa chọn cho bất kỳ một mơ ước hồn nhiên cao đẹp nào. Sử sách chép Nguyễn Du mất ở kinh đô Huế năm 1820, là nạn nhân của trận dịch tả lan rất nhanh từ phía Nam ra miền Trung vào tháng Năm năm đó khiến ông chưa kịp khởi hành đi sứ lần thứ hai đã chết, nhưng cháu ông Nguyễn Hành tỏ ý không tin cho lắm: “Dịch lệ hà năng tốc công tử? - Dịch lệ sao làm ông chết nhanh đến thế? Cũng theo sử, khi người nhà thấy lạnh đến chân tay bèn thưa với ông, ông bảo “Được” rồi nhắm mắt. Phải chăng đấy cũng là nguyện vọng sâu xa của người nghệ sĩ chịu muôn vàn o ép bên trong vô phương giải thoát tự tìm lấy con đường thoát cuối cùng? (7)  

 

                                                          ***

 

          Cảm hứng nhân đạo trong thơ chữ Hán Nguyễn Du sẽ chuyển sang một cấp độ mới khi nhà thơ hướng ngòi bút vào một đối tượng miêu tả khác: những con người có số phận cơ cực, hẩm hiu trong cuộc sống. Về phương diện này, thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng thống nhất với Truyện KiềuVăn chiêu hồn. Thống nhất trước hết là ở tình cảm nồng hậu của ông, hay nói một cách chữ nghĩa hơn là ở cảm quan nghệ thuật của nhà nghệ sĩ. Nguyễn Du thường rất ít khi viết những câu thơ thật kêu, ngôn từ dụng công trau chuốt. Dường như ông không chơi chữ mà sử dụng chữ chỉ để phơi trải tâm trạng. Vì thế thơ ông thật đến trong từng lời từng ý, nó tạo nên một giọng điệu cuốn hút ngay tâm trí người xem. Mặt khác, Nguyễn Du cũng không phải là người chỉ biết thu mình lại trong những dằn vặt đau khổ cá nhân. Trên con đường gập ghềnh “bụi bay mờ mịt” của đời ông, tấm lòng nhà thơ vẫn mở ra để đón lấy mọi niềm vui nỗi buồn của con người và tạo vật quanh mình. Và hễ cứ nói đến những kiếp người long đong vất vưởng mà ông quen biết hay ngẫu nhiên bắt gặp, lời thơ của Nguyễn Du bao giờ cũng hàm chứa một yêu thương xốn xang, khiến không ai có thể dửng dưng được. Chia tay với bạn, ông hiểu tình cảnh trơ trọi của bạn không còn người tri kỷ, mà tình cảnh của mình cũng không hơn gì thế, nên phải mượn hình ảnh mặt trăng để an ủi, làm chỗ bấu víu cho nhau:

                          Cao sơn lưu thủy vô nhân thức,

                          Hải giác thiên nhai hà xứ tầm?

                          Lưu thủ Giang Nam nhất phiến nguyệt,

                          Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm.

                                                      (Lưu biệt Nguyễn Đại lang)

                          (Điệu cao sơn lưu thủy còn người nào biết cho mình nữa,

                          Chân trời góc bể, biết nơi nào mà tìm nhau?

                          Đành lưu lại một mảnh trăng ở Giang Nam.

                          Đêm đêm thường soi lòng của hai ta).

      Gặp lại một người tình trong mộng, có lẽ là một người vợ lẽ ở làng quê Hà Tĩnh mà mình không thôi tưởng nhớ trong bao nhiêu năm ly loạn, Nguyễn Du kể lại thật chi tiết từ nơi gặp gỡ đến hình dáng của nàng. Ông để ý ngắm nàng từng tí một: “nhan sắc vẫn như xưa/Ăn mặc thì nhiều chỗ xộc xệch”. Ông cũng nhớ rõ giọng nói nàng nghẹn trong nước mắt:

                                    Thủy ngôn khổ bệnh hoạn,

                                     Kế ngôn cửu biệt ly.

                                     Đới khấp bất chung ngữ

                                                              (Ký mộng)

                                     (Trước nói khổ đau ốm,

                                      Sau nói cách biệt lâu.

                                      Vừa khóc vừa nói chẳng dứt lời)

Tỉnh ra rồi ông vẫn bàng hoàng, ngờ ngợ, không biết đây là mơ hay thật: “Bình sinh vốn không biết đường/Hồn mộng này là thực hay hư?”, cũng không hiểu một người con gái bé bỏng yếu đuối giữa tình thế muôn nghìn bất trắc như trong những ngày ông đang sống, từ một nơi xa thăm thẳm làm cách nào để có thể tìm đến gặp mình:

                                     Điệp sơn đa hổ hủy,

                                     Lam thủy đa giao ly.

                                     Đạo lộ hiểm thả ác,

                                     Nhược chất tương hà y?

                                                          (Ký mộng)

                                     (Núi Tam Điệp nhiều hùm rắn,

                                     Sông Lam lắm thuồng luồng.

                                     Đường sá hiểm lại dữ,

                                     Thể chất yếu đuối biết cậy ai [dẫn đường]?)

Và một nỗi đau không lời về giấc mộng đầy ám ảnh cứ đè trĩu lấy tâm hồn cô đơn của nhà thơ:

                                     Mộng lai cô đăng thanh,

                                     Mộng khứ hàn phong xuy

                                     Mỹ nhân bất tương kiến,

                                     Nhu tình loạn như ty.

                                     Không ốc lậu tà nguyệt,

                                     Chiếu ngã đơn thường y.

                                                          (Ký mộng)

                                     (Mộng đến đèn leo lét,

                                     Mộng tan gió lạnh lùng.

                                     Người đẹp không thấy nữa,

                                     Vò rối mối tơ lòng.

                                     Trăng tà lọt nhà trống,

                                     Soi áo ta mỏng không) (8) 

      Với nòi tình sẵn có, Nguyễn Du đã viết được một bài thơ chuyển hóa tài tình ảo giác thành ngôn ngữ, một bài thơ “ấn tượng chủ nghĩa” vào bậc nhất, ở thế kỷ chưa hề biết đến mấy chữ đó. Phải nói đa tình như ông kể cũng là có một. Nhưng tình thương của ông còn trang trải rộng hơn, mẫn cảm trước đủ các hạng người và vật. Ông thương cho cái kiếp một con ngựa già bị ruồng bỏ. Ông tiếc một bông hoa rụng. Ông đau xót không nguôi về cái chết của một người đào hát. Ông thấu hiểu tâm trạng nhớ “vườn dưa quê nhà” của một người đi lính. Ông gắn bó với cả một người phu xe bắt gặp một thoáng trên đường đi sứ của mình:

                 Hà xứ thôi xa hán?

                 Tương khan lục lục đồng.

                             (Nam đạo trung khốc thử)

                 (Anh đẩy xe kia ở đâu ta nhỉ?

                 Nhìn nhau thấy vất vả như nhau)                                

          Có người vẫn băn khoăn vì sao thơ chữ Hán Nguyễn Du lại không có nhiều bài như những bài Thái Bình mại ca giả, Sở kiến hành. Băn khoăn kể cũng là chính đáng. Nhưng hãy đặt một vấn đề ngược lại: trên con đường đi sứ nghìn dặm của Nguyễn Du, đường đường là một ông Chánh sứ Việt Nam, chắc chắn nhà thơ đã gặp gỡ, “chén tạc chén thù” với không ít những bậc công khanh quyền quý của nước Trung Hoa phong kiến(9 ); thế nhưng vì sao trong thơ ông không hề thấy ghi lại dù chỉ là một lần xúc tiếp với những đám người sang trọng đó? Trái lại, suốt cả một tập nhật ký bằng thơ dày, ngoài những nhân vật lịch sử mà Nguyễn Du làm sống lại, chỉ thấy hiện lên hình ảnh của mấy con người cùng khổ - một anh đẩy xe, một xác người chết đói, hạt táo trong túi lăn ra bên cạnh, một ông già hát rong mù, và  ba mẹ con một người hành khất thất thểu trên đường!

          Thơ văn thù tạc xưa nay thường vẫn là món quà đầu miệng của các bậc “tao nhân” trong nhiều đoàn sứ bộ nước ta đi sang “Bắc quốc”, sao Nguyễn Du lại tuyệt đối không làm? Hay là nhà thơ, tuy cũng có sáng tác những bài xướng họa kiểu ấy, nhưng rồi ông đã dứt khoát gạt chúng ra khỏi tập thơ của mình? Không phân vân gì nữa, giữa loại người quyền quý và loại người cùng đinh trong xã  hội phong kiến Trung Quốc cũng như xã hội phong kiến Việt Nam, cảm hứng thơ chân thực của Nguyễn Du nghiêng về ai tự nó đã rõ.

          Đi sâu vào nghệ thuật biểu hiện những con người thấp hèn trong từng bài thơ cụ thể, sẽ thấy tâm hồn Nguyễn Du còn có những mặt đáng quý hơn nữa. Như ta từng biết, thơ chữ Hán Nguyễn Du thường thiên về diễn biến nội tâm. Nhưng khi cuộc đời với những nỗi đau thắt ruột dội mạnh tới tâm can ông thì Nguyễn Du lại quên mình đi trước cái yêu cầu khắc họa cuộc sống tỷ mỉ và sắc nét. Thơ ông trở nên hướng ngoại, với một bút lực tỉnh táo, bén nhạy. Gặp một ông già mù hát rong ở châu Thái Bình, Nguyễn Du đã ghi lại từng chi tiết một, từ cái bàn tay run run của ông sờ soạng lúc bước xuống thuyền, rồi trước lúc hát, cũng bàn tay ấy hai ba lần giơ lên cảm ơn, cho đến dáng điệu thiểu não của ông trong gần suốt một trống canh “mua vui” cho người khác... Nguyễn Du đã không bỏ quên sức mê hoặc lạ thường của giọng hát ông già mù tạo ra được cho thính giả:

          Quan giả thập sổ tịnh vô ngữ,

          Đãn kiến giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh.

                                             (Thái Bình mại ca giả)

          (Hơn chục người xem đều lặng phắc,

          Chỉ thấy gió sông hiu hiu trăng sông vằng vặc)

          Nhưng tất cả cái không khí thành kính, trầm mặc đang ngự trị trong ta bỗng nhanh chóng đổ sập xuống, khi nhà thơ viết đến đoạn cuối: cuộc hát kết thúc, một sự thực ngao ngán bày ra:

          Đàn tận tâm lực cơ nhất canh,

          Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục.

                               (Thái Bình mại ca giả)

          (Gắng hết tâm sức gần một trống canh,

          Mà chỉ được năm sáu đồng tiền)        

          Tất nhiên, khả năng tái hiện hiện thực của Nguyễn Du không phải chỉ dừng lại ở chỗ vẽ lên những chi tiết gây hiệu ứng tức thì trong xúc cảm người đọc mà thôi. Ngòi bút chân tình của nhà thơ còn biết khơi vào các mặt trớ trêu nằm khuất phía sau sự việc, và làm cho những điều trớ trêu ấy hiện lên nhức nhối. Cái cảnh tượng ông già mù đàn và hát trong gần một trống canh để rồi chỉ nhận lấy năm, sáu đồng tiền, ấy thế mà lúc theo chân đứa bé lần bước lên khỏi thuyền, sắp đi khuất vào đêm tối, còn ngoảnh lại ngỏ lời chúc tụng những kẻ nghe mình một lần nữa, hẳn đã làm ta xốn xang áy náy! Nhưng toàn bộ cái hình ảnh được vẽ lên như tạc kia sẽ càng khắc vào trí nhớ ta một cách rõ nét, khi nhà thơ nhẹ nhàng đem đặt vào bên cạnh một cảnh sống khác hẳn - cảnh sống xa hoa thừa thãi của đoàn thuyền sứ: thuyền nào thuyền ấy đầy ắp gạo, thịt, mọi người cứ mặc sức ăn cho thỏa, và những thức ăn còn thừa lại thì... đổ hắt xuống đáy sông! Bấy nhiêu chi tiết tương phản đã chứa đựng một dấu hỏi đau đớn, thâm trầm, nó nói lên rằng Nguyễn Du không những mô tả người nghệ sĩ hát rong mù với một tình thương nồng nàn, mà còn với cả một dụng ý đối thoại vô cùng sâu sắc. Đối thoại với chính mình, tự vấn lương tâm mình.

          Đặc biệt, trong một bài thơ chữ Hán khác của Nguyễn Du, bài Sở kiến hành, nhà thơ còn đề cập đến những nhân vật “dân đen” mà cuộc sống bên trong có từng bước đổi thay nhất định. Mở đầu bài thơ, tác giả ghi lại hình dáng của một người mẹ cùng ba con ngồi nghỉ chân bên đường cái:

          ... Tiểu giả tại hoài trung,

          Đại giả trì trúc khuông.

          Khuông trung hà sở thịnh?

          Lê hoắc tạp tỳ khang.

          Nhật án bất đắc thực,

          Y quần hà khuông nhương.

          (Đứa nhỏ thì ẵm trong lòng,

          Đứa lớn thì xách giỏ tre.

          Trong giỏ đựng những gỉ?

          Rau cỏ lẫn với tấm cám.

          Trưa rồi vẫn chả có gì ăn,

          Áo quần thật lam lũ)

          Nhưng họ là ai? Nguyễn Du không đóng khung lại trong vài nét chấm phá ấy. Ông lần sâu vào quá khứ của mấy con người đó, tưởng tượng ra cơ sự từ những năm mất mùa, đói kém, cái gia đình nông dân nghèo túng này vì sa sút đột ngột mà phải bỏ làng đi “lưu lạc quê người”. Và cứ từng bước, từng bước cùng túng dần dần, họ ngày càng rơi vào tình thế khốn quẫn: lúc đầu còn làm thuê làm mướn được để sống, về sau một người làm không đủ nuôi bốn miệng ăn, đành phải dắt díu nhau lang thang ăn xin dọc đường phố... Vẫn chưa phải đã hết. Nhà thơ còn cực tả nỗi bi thảm của nhân vật bằng một viễn cảnh:

          Nhãn hạ ủy câu hác,

          Huyết nhục tự sài lang.

          (Đã trông thấy trước mắt cảnh chết lăn nơi ngòi rãnh,

          Máu thịt nuôi béo sói lang)

          Từng chi tiết lạnh lẽo cứ xói vào tim người đọc! Nhân vật của Nguyễn Du tự nó đạt dần đến mức hoàn chỉnh, trong xu thế tiến triển tất nhiên của dòng đời xô đẩy. Nói khác hơn, hiện thực ở đây đã được tác giả đúc kết không phải như một cái gì đứng im mà trong cả một quá trình chuyển động. Ngẫm nghĩ sâu sắc câu chuyện, chúng ta tưởng như không còn là mấy mẹ con một người dân ở tận đâu bên Trung Quốc nữa, mà đã là những hình ảnh gần gũi - hình ảnh hàng ngàn hàng vạn người nông dân Việt Nam muôn đời tất tả trên những thửa ruộng cằn cỗi, những con người hầu như lúc nào cũng có thể đứng trước nguy cơ phải rơi xuống thân phận những kẻ hành khất, trở thành vô vàn tốp người “đầu đường xó chợ” đông đảo và phổ biến mà xưa kia, sử gia vẫn quen gọi là “dân phiêu tán”. Nguyễn Du đã nắm được một hiện tượng rất “đắt” trong cuộc sống lặp đi lặp lại của xã hội nông nghiệp Việt Nam truyền kiếp, và nhân một cuộc gặp bất ngờ trên đường đi sứ, ông dựng lên thành cả một bức tranh điển hình. Chính vì thế, sức sống của nhân vật trong tác phẩm đã vượt ra ngoài phạm vi bối cảnh miêu tả của nhà văn. Người đọc tưởng như có thể gặp - hay đã gặp - những tốp người đói rách thế này ở bất cứ nơi nào mà một chế độ hà khắc và một nền canh tác lạc hậu đang còn ngự trị, trong đó, những nạn lụt lội, hạn hán, mất mùa hay những vụ cướp đoạt ruộng đất của đám cường hào vẫn diễn ra liên miên bất tuyệt. Chắc hẳn nếu không từng chứng kiến rất nhiều cảnh đời cay đắng trên đất nước mình trong hoàn cảnh bấy giờ, Nguyễn Du khó lòng tạo nên được một kiệt tác như vậy.

          Cần nói thêm, trong khi mô tả cuộc sống bi thảm của những con người tình cờ bắt gặp trong chốc lát, Nguyễn Du vẫn không hề để ngòi bút rơi vào một “chủ nghĩa khách quan” tàn nhẫn, mà luôn luôn, ông “nhập thân” vào những cảnh ngộ ấy, gắn bó ngay với nhân vật của ông. Đấy là một tình cảm đã đi vào ý thức, vượt lên trên những thương vay tự phát, thường tình. Vào khoảng đầu thời kỳ làm quan với nhà Nguyễn, nhân một chuyến vào Nam nhậm chức, được ngủ chung với một bác tiều phu trong một quán trọ dọc đường, Nguyễn Du đã có những lời thâm thúy:

          Dã túc phùng tiều giả,

          Tương liên bất tại đồng.

                  (Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành)

          (Đêm trọ giữa đồng quê gặp bác tiều phu,

          Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau)         

          “Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau”, câu nói mang theo sự chiêm nghiệm suốt một đời nhà thơ về mối liên hệ giữa “chủ thể” và “khách thể” trong thẳm sâu tinh lực sáng tạo của ông. Đối với Nguyễn Du mà ai cũng rõ là xuất thân trong gia đình một vị Tể tướng, và bản thân cũng là một ông quan nhà Nguyễn, chỗ cách biệt với người khác hiển nhiên là một sự thực, một giới hạn bất khả kháng. Nhưng “không giống nhau” mà vẫn cứ “thương nhau”, điều đó mới là sức mạnh của cái tôi trữ tình và của tư tưởng nhân đạo cao quý của của tác giả, nó sẽ trở thành một phương châm sống, một nhận thức thẩm mỹ, quán xuyến từ Truyện Kiều đến thơ chữ Hán, Văn chiêu hồn.

          Cho nên cũng không lấy gì làm lạ khi thấy trong những bài thơ nói về quần chúng, Nguyễn Du không dừng lại mà cứ muốn ngẫm nghĩ sâu sắc hơn nữa về cái chỗ “không giống nhau” hay chưa được giống nhau. Ở những trường hợp này, nhà thơ sẽ dành cho mình những lời thơ vò xé tâm can, mặc dù đấy cũng là những lời lẽ hết sức sâu kín. Ta tìm thấy trong sự đối thoại, tự vấn ở đây những ý tứ gần như là mỉa mai chua chát với bản thân, mà cũng lại gần như là bất bình về một sự cách biệt vô lý trong đời sống. Trong bài Thái Bình mại ca giả, ở cương vị một ông Chánh sứ, Nguyễn Du từng không ngại vạch ra chỗ trái ngược giữa cuộc sống của ông già mù hát rong với những kẻ như mình, được tiếp đãi long trọng. Trong bài Sở kiến hành, trước nỗi cực nhục ngồi chờ chết của mấy mẹ con người nông dân nọ, Nguyễn Du cũng lại vẽ ra cái hình ảnh “no nê thừa mứa” của đoàn sứ bộ, trong một bữa tiệc ở trạm Tây Hà: gân hươu, vây cá, thịt lợn, thịt dê đầy bàn mà... “quan trên” không ai “chọc đũa”. Đến mức:

          Lân cẩu yếm cao lương.

          (Chó nhà bên cạnh cũng đã chán thức ăn ngon)

          Thế là chủ đề của những bài thơ này bỗng sáng rõ hẳn. Có khi đấy cũng chỉ là một mô-tip trong thơ cũ được tác giả dùng lại, nhưng dù thế vẫn có sức liên tưởng rất mạnh, nói được tất cả nỗi mặc cảm, cái dư vị cay đắng của một người cực bất đắc dĩ phải ở vào tình thế... “xênh xang”. Và đằng sau cái cảm giác phẫn uất đó, tưởng như còn nghe vọng lại một lời tự nhắc nhở kín đáo của Nguyễn Du: những nơi sang trọng, linh đình rượu thịt kia là dành cho ai khác chứ không thể dành cho mình được! Hãy mau mau quay về! Tiếng kêu này cũng thống nhất với cái tiếng kêu:

Cố hương cang hạn cửu phương nông,

Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng.

Thí tự thuần lô tối quan thiết,

Hoài quy nguyên bất đãi thu phong.

                                             (Ngẫu hứng)

(Quê hương nắng hạn đã lâu ngày hại đến việc nông,

Nhà mười miệng trẻ đói xanh như rau.

Nếu quả thiết tha nhớ đến rau thuần cá vược,

Thì chẳng cần đợi gió thu mới muốn về)                                        

trong những năm đầu Nguyễn Du làm quan với nhà Nguyễn.

 

                                                          ***

 

          Gắn bó với con người, với cuộc sống, và nhìn sâu vào lịch sử, Nguyễn Du còn đặc biệt thương xót cho một loại người có tài và có tình. Ấy là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng trác tuyệt mà cuộc đời trải muôn vàn bất hạnh, là những bậc anh hùng hào kiệt thất thế, là những người phụ nữ có sắc đẹp nghiêng thành phải chịu một số phận buồn thảm. Những con người ấy, dù thân phận của họ là danh nhân, là đào hát, là “tướng giặc”, là gì đi nữa, nhưng đã sống khác với mọi người và chết trong bần cùng hoặc bất đắc kỳ tử, thì đều là đối tượng của tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du.

          Đặt chân lên đất Trung Hoa, Nguyễn Du như được đi ngược thời gian, trở lại với nền văn hóa đã ươm mầm nên học vấn của mình, tiếp xúc với những nhân vật lừng danh mà mình hằng gần gũi, thân thuộc qua sách vở. Đi qua tỉnh Sơn Đông, ông nghe “tiếng đàn, tiếng đọc sách trong các thành nước Lỗ, nước Trâu hãy còn vang” (Biệt thành huyền tụng Lỗ, Trâu dư - Đông lộ). Nhưng tình cảm sâu nặng của ông không hề dành cho những kẻ đương thời nắm trong tay quyền sinh quyền sát đối với trăm họ: “Nước chảy mây bay cuốn cả cơ đồ bá vương” (Lưu thủy phù vân thất bá đồ - Sở vọng). Tình cảm của ông dồn hết cho những tài năng văn chương còn để lại tiếng tăm muôn đời. Ông thương Liễu Tông Nguyên, một trong “bát đại gia” đời Đường Tống, vì theo “tân phái” mà “tấm thân bị đày ải sáu nghìn dặm” (Nhất thân xích trục lục thiên lý), văn chương lừng lẫy vẫn cứ phải đau xót tự rủa mình: “Khe trong cây đẹp cũng mang tiếng ngu, biết làm thế nào” (Thanh khê gia mộc nại ngu hà - Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch). Ông kính phục tâm hồn thanh cao của bậc vĩ nhân Khuất Nguyên, con người đeo hoa lan hoa chỉ đi khuất đã hai nghìn năm mà “Đến nay đất này hoa lan hoa chỉ vẫn còn nức hương” (Thử địa do văn lan chỉ hương). Con người ấy để lại một danh tác như Sở từ, “nghìn đời sau vẫn là áng văn chương hay nhất” (Tương Đàm điếu Tam Lư Đại phu). Ông quý trọng Đỗ Phủ “văn chương lưu truyền nghìn đời, cũng là bậc thầy của nghìn đời” (Thiên cổ văn chương, thiên cổ sư), thừa nhận sức chinh phục lớn lao của Đỗ Phủ đối với cá nhân mình: “Tôi bình sinh khâm phục ông, chưa một lúc nào rời” (Bình sinh khâm phục vị thường ly), và thân thiết với Đỗ Phủ đến mức không quên những chứng tật Đỗ mắc phải lúc còn sống:

          Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?

          Địa hạ vô linh quỷ bối xy.

                                    (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

          (Cái chứng lắc đầu cũ nay đã khỏi chưa?

          Dưới suối vàng đừng để bọn quỷ cười)                           

          Lòng thương xót của Nguyễn Du đối với những nhân vật kỳ tài bao giờ cũng đằm thắm, ẩn ngụ trong đó nỗi xót thương cho bản thân, vì như nhà thơ vẫn nói, ông đã tự xem mình là người có chung một mối “phong vận kỳ oan” với các bậc “giai nhân tài tử”. Giọng điệu trữ tình lưỡng phân trong thơ Nguyễn Du thường quyện chặt đối tượng với người phát ngôn và chuyển hóa bất ngờ từ “khách” sang “chủ”. Tình yêu Đỗ Phủ “Dị đại tương liên không sái lệ” (Thời đại khác nhau, thương nhau, chỉ biết rơi nước mắt) không thể tách bạch được đâu là Đỗ Phủ và đâu là Nguyễn Du. Nhắc đến Liễu Tông Nguyên từng nhận mình là người ngu, Nguyễn Du quay sang than thở:

          Tráng niên ngã diệc vi tài giả,

           Bạch phát thu phong không tự ta!

                            (Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch)

          (Thời trẻ tôi cũng là kẻ có tài năng đấy,

          Nay đầu bạc, trước gió thu luống tự ngậm ngùi)

Ngậm ngùi vì ngẫm lại, giờ đây mình cũng “ngu ngơ” không khác gi ông Liễu.

          Điều quan trọng là với cảm hứng trung thực của một nhà thơ lớn, từ chỗ thương khóc cho sự oan uổng của những kiếp tài hoa, Nguyễn Du đã tiến đến chỗ gợi lên được - một cách không tự giác - ít nhiều đặc trưng bản chất của thời đại ông. Trong bài thơ Long Thành cầm giả ca, Nguyễn Du kể lại hai lần gặp gỡ một người đào hát tên là Cầm ở Thăng Long. Lần đầu tiên dưới triều Tây Sơn. Mặc dầu vào lúc này, chàng thanh niên quý tộc họ Nguyễn đang phải sống những ngày hết sức phong trần vì thời cuộc đảo lộn, cô Cầm kiều diễm ấy vẫn hiện ra trước mắt ông như một sức mạnh, một ánh hào quang rực rỡ:

          Hồng trang yểm ái đào hoa diện

          (Áo hồng óng ánh mặt đào hồng) (10) 

khiến cho chính Nguyễn Du và mọi người đều bị hấp dẫn. Cần chú ý là nhà thơ đã xuất phát từ một con người có thật, về hình thức không phải là hoàn mỹ lắm: “Nàng người thấp, má bầu, trán dô, mặt gẫy”, để dựng lên hình tượng cô Cầm. Nhưng ông hoàn toàn bỏ qua những nhược điểm thẩm mỹ đó. Ông chỉ đặc biệt khai thác ở hình tượng cái phong cách phóng khoáng, vượt khỏi khuôn phép; cái tiếng đàn đột xuất và tư thế ngang nhiên, coi thường hết thảy mọi người mọi việc xung quanh, nó chứng tỏ một sức sống mãnh liệt bên trong, và một ý thức về tài năng thiên phú. Dưới ngòi bút Nguyễn Du, hình tượng nghệ thuật đó quả là đỉnh điểm của sự sống, của cái đẹp, của năng lực sáng tạo. Đó là “Đương thời thành trung đệ nhất diệu”- người kỳ diệu bậc nhất Kinh thành lúc bấy giờ. Con người đó hình như có một sức chinh phục rất mạnh, làm cho tất cả đều rạng rỡ hẳn lên; người đó ở đâu là thoải mái, rộn ràng, thắm tươi... tràn ngập ở đấy:

          Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,

          Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

          Hào hoa ý khí lăng vương hầu,

          Ngũ Lăng thiếu niên bất túc đạo.

          Tính tương tam thập lục cung xuân,

          Hoạt tố Trường An vô giá bảo.

          (Tả hữu tranh nhau cùng gieo thưởng,

           Bạc vàng như đất, ném liền tay.

           Hào hoa át hết bậc vương giả,

           Bọn trẻ Ngũ Lăng đâu sánh tày.

           Ba sáu cung xuân dồn hết lại,

           Đúc nên vật báu Tràng An này) (11) 

          Nhưng đấy chỉ là một giai đoạn. Bài thơ sẽ trình bày tiếp một giai đoạn khác. Ấy là lần gặp gỡ thứ hai, khoảng hai mươi năm về sau. Ở lần gặp sau này, tất cả đều đã thay đổi. Cái cô Cầm xiết bao kiêu hãnh xưa kia thì giờ đây đã “thân tàn hoa tạ”:

          Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa,

          Nhan sấu, thần khô, hình lược tiểu.

          Lang tạ tàn mi bất sức trang,

          Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu?

          (Cuối chiếu một nàng tóc đốm bạc,

           Mặt gầy, sắc võ, hình nhỏ nhoi,

           Phờ phạc đôi mày không tô điểm,

           Ai hay chính người kỳ diệu bậc nhất kinh đô

                                                               thuở đương thời) (12) 

          Không những thế, ngay chính cuộc sống và con người lúc này cũng không còn gì là vẻ lạc quan say sưa thuở trước. Một cảm giác buồn nản, một cái gì đã đổ vỡ, đã suy tàn, trùm lên tất cả:

          Thành quách suy di nhân sự cải,

          Kỷ xứ tang điền biến thương hải.

          Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,

          Ca vũ không di nhất nhân tại.

          (Thành quách đổi thay người chuyển dời,

          Bãi biển nương dâu biết mấy nơi.

          Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tán sạch,

          Chỉ còn một người con hát thôi) (13) 

          Phần cuối bài thơ là cảm hứng bi thiết của tác giả, là cái kết luận ông rút ra được đằng sau sự biến đổi “nhãn tiền” của một cô Cầm. Nhưng đấy cũng là cảm xúc của chính Nguyễn Du về sự biến đổi của cuộc đời, diễn ra ngay trước mắt ông. Bởi vì, những giọt nước mắt chảy ướt đẫm vạt áo nhà thơ kia đâu có phải là do ông buồn rầu trước sự khắc bạc của thời gian, hay trước tuổi tác của mình và của “người đẹp”! Lý do sâu hơn thế nhiều. Không thể nghĩ giản đơn rằng chỉ có hai mươi năm đã đi qua số phận của một người phụ nữ và một nhà thơ. Trong hai mươi năm đó còn xảy ra biết bao nhiêu biến cố, mấy lần đổi thay triều đại. Chính vì thế, bài thơ không dừng lại ở một lời triết thuyết chung chung; nó cô đặc cái chân lý của hai mươi năm bão táp mà Nguyễn Du từng nếm trải. Toàn bài toát lên rất rõ cái cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du: ông muốn nhấn mạnh rằng trong xã hội cuối Lê đầu Nguyễn mà ông đã chứng sống - hay rộng hơn và siêu hình hơn: trên tất cả những chặng đường gập ghềnh trắc trở mà xã hội loài người đã trải qua và sẽ còn phải trải qua - mọi sự biến đổi đều diễn ra theo một chu trình đi xuống, từ hưng đến vong cứ lặp đi lặp lại, trong đó tài năng và sắc đẹp càng dễ bị hủy diệt một cách nhanh chóng.

          Nguyễn Du tất nhiên không thể hiểu được vì đâu có sự hủy diệt ấy. Ông chỉ dựng lên một lời tố cáo, phản kháng, một thái độ không bằng lòng với hiện thực. Khi đi vào thực chất vấn đề, nhà thơ sẽ trở nên lúng túng. Trong óc Nguyễn Du, những lực lượng tàn phá mọi cái hay cái đẹp của xã hội đã được tổng quát thành số mệnh. Số mệnh làm cho cơ nghiệp Tây Sơn sụp đổ. Số mệnh đã khắc nghiệt đối với Hạng Vũ:

Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà?

Túc hận du du ký thiển sa.

                             (Sở Bá Vương mộ)

(Có sức mạnh dời núi nhắc vạc, nhưng trời không giúp

                                                thì làm thế nào?

Mối hận nghìn đời gửi dưới lớp cát mỏng)                                                        

          Số mệnh cũng đã dập vùi cuộc đời các cô kỹ nữ, đã đày vào cảnh lẽ mọn những người con gái tái sắc như Tiểu Thanh... Từ cổ chí kim không ai thoát khỏi “nghiệp chướng” của số mệnh, nó là một cái gì không hình không bóng mà khốc liệt vô cùng:

 Cổ kim hận sự thiên nan vấn.

                              (Độc Tiểu Thanh ký)

 (Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được)                                     

          Thật ra, trong những lúc phẫn chí nhất, muốn chống trả lại cái vòng vây gọi là số mệnh đó, Nguyễn Du cơ hồ như cũng có khả năng để tìm ra một tia sáng nào của chân lý:

 Cùng thời tự khả biến phong vân

                                (Hoàng Sào binh mã)

 (Người đến lúc cùng cũng có thể biến đổi mây gió)

Đi trên đất Yên là nơi sông Dịch chảy, vào một buổi trưa “đầy nắng thu và gió thu”, nhớ đến Kinh Kha, Nguyễn Du tấm tức thương xót và nghĩ rằng cái chết của hiệp sĩ chưa hẳn đã là vô ích:

Mạc đạo chủy thủ cánh vô tế,

Yết can trảm mộc vi tiên thanh.

                               (Kinh Kha cố lý)

(Chớ nói dao găm không làm nên việc gì,

Nó mở đầu cho việc dựng cờ khởi nghĩa sau đấy)                                         

          Nhưng chân lý cũng chỉ đến với Nguyễn Du như là một tia sáng lóe lên rồi tắt. Sự thất bại của “cái mới” “cái tiến bộ” dường như vẫn là những dấu hỏi bí hiểm, ngang trái đặt ra cho loài người ở nhiều chặng đường lịch sử, khống chế khả năng hiểu biết của nhà thơ. Nguyễn Du đã uất ức kêu trời, rồi đã chán nản vì không còn biết thoát ra bằng cách nào:

 Cập thức bại vong phi chiến tội,

 Không lao trí lực dữ thiên tranh.

                             (Sở Bá Vương mộ)

 (Đến khi biết bại vong không phải vì đánh trận kém,

 Thì mới thấy đem trí chống lại trời là uổng công)                                                    

          Tất cả những khía cạnh đa đoan nói trên đây trong cảm xúc thẩm mỹ của Nguyễn Du về số phận những con người tài hoa sẽ được kết tinh vào hai hình tượng bất hủ của Truyện Kiều - Thúy Kiều và Từ Hải.  Với hai nhân vật tiêu biểu nhất cho tàitình này, và với cuộc vật lộn không cân sức nhưng rất oanh liệt giữa hai con người này với mệnh, Nguyễn Du quả đã nâng lên mức hoàn chỉnh những sáng tạo nghệ thuật vốn cũng đã xuất thần trong thơ chữ Hán.

 

                                                          ***

         

          Hãy trở lại vấn đề “số mệnh”. Thật ra, không hẳn Nguyễn Du tuyệt đối bế tắc trước vấn đề này. Nói cho đúng thì trong thế giới quan nhiều vẻ của nhà thơ, chúng ta có thể tìm thấy vô số những minh chứng trái ngược nhau. Trong những dòng triết luận khô khan của Truyện Kiều, Nguyễn Du nói đến mệnh như là một ý niệm bất khả tri, một điều tiên nghiệm. Thế nhưng trong thế giới nhân vật phong phú của Truyện Kiều, Nguyễn Du lại chỉ ra bằng xương bằng thịt, hiện thân của cái mệnh vô hình kia là những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ, là Hoạn Thư, là Hồ Tôn Hiến, v.v... Đó là cả một xã hội sống động, ở sát kề bên những nhân vật chính, và cũng sát kề bên tác giả.

          Như vậy, tác phẩm của Nguyễn Du luôn luôn vừa “thắt” lại vừa “cởi”. Cái năng lực cảm thụ cuộc sống tinh tế của Nguyễn Du đã giúp ông phát hiện được những chân lý sắc nhạy của đời sống mà cũng chính ông không phương chi giải thích nổi trong lĩnh vực triết lý siêu hình. Nói cách khác, nếu như trong tư tưởng chủ quan của Nguyễn Du, dưới hình thái ý niệm thuần túy, nhà thơ từng không kém lúng túng ở mỗi phát ngôn, thì trái lại, trong tư tưởng Nguyễn Du khi đã gắn liền với một cảm hứng nghệ thuật đúng đắn, ít nhiều ông lại tỏ ra minh mẫn và sáng suốt.

          Kết luận trên đây đòi hỏi ta không thể bỏ qua một loại nhân vật khác nữa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Loại này khác xa về bản chất với ba loại nhân vật đã được phân tích. Đó là những nhân vật phản diện. Ta sẽ thấy, cũng giống với Truyện Kiều, Nguyễn Du không bao giờ chịu trình bày dù chỉ là một lần trong thi phẩm của mình, hình ảnh một mẫu người xấu như là một nhân vật trung tâm, choán lấy hết tác phẩm. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đặt những nhân vật loại này ở một vị trí rất phụ, có khi không đọc kỹ có thể lướt qua. Nhưng mặc dù thế, bóng dáng của chúng vẫn không lẫn vào đâu được. Chúng được sáng tạo bằng những nét rất “đắt”, là kết quả của sự quan sát tinh xác cuộc sống, chứ không phải là những phác họa tùy tiện của Nguyễn Du.

          Một nhận xét khác là trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, đa số nhân vật phản diện được nhắc tới như là một loại người không có ngoại hình rõ ràng. Nhà thơ như muốn nói đến một lớp người quen thuộc nào đấy, một lớp người mà ông biết rõ tung tích, lối sống, ông thân cận với chúng nữa là khác. Nhưng ông không tiện vạch mặt chỉ tên thẳng ra, chỉ nói vừa cho người ta đủ hiểu. Có khi ông dùng một đại từ nhân xưng: họ. Có khi ông mượn một nhân vật phản diện quá khứ: Tần Cối, Tần Thủy Hoàng... Tưởng đâu như ông chỉ bày tỏ nỗi uất ức với “cái ác” từng tồn tại và mất hút trong lịch sử đã hàng nghìn năm. Thì bất ngờ, ông cắt ngang dòng hồi tưởng, đưa thời gian trở về với hiện tại. Và chỉ bằng một vài câu kết lấp lửng, người đọc chợt hiểu, đây chính là ông đang đối thoại với những con người còn sống, những con người đang tác oai tác quái ngay bên cạnh ông, chạm mặt với ông hàng ngày giữa cuộc đời thực. Sự chuyển đổi của hai tuyến thời gian trong thơ Nguyễn Du là một nghệ thuật tinh diệu giúp ta nhận diện trong khoảnh khắc gốc gác đích thực của những con người ấy. Nhà thơ nhắc khéo ta chớ nên lẫn lộn vẻ ngoài “tiết tháo” giữa Khuất Nguyên với họ:

Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục,

Sở bội tiêu lan cánh bất đồng.

               (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, II)

(Gần đây người ta thường thích ăn mặc lạ,

Nhưng hoa tiêu hoa lan họ đeo khác với ông lắm)             

          Nhà thơ còn nhắc chừng ta về cái thói “phàm ăn” vô độ và cách nói năng “mục hạ vô nhân” của họ, coi các danh tướng như Liêm Pha, Lý Mục chẳng ra gì. Duy có khác là họ được tha hồ ăn và nói giữa thời buổi đất nước không còn chiến tranh, không đòi hỏi phải đóng góp mảy may tài năng, xương máu:

Kim nhân bất thiểu thực đa nhục,

Cơ linh gia dưỡng vô di súc.

Thanh bình thời tiết vô chiến tranh,

Nhất khẩu hùng đàm bất sổ Liêm Pha dữ Lý Mục.

                                                              (Liêm Pha bi)

(Ngày nay không hiếm người cũng ăn nhiều thịt

                                                như tướng quân,

Họ xơi hầu hết đàn gia súc không sót một con.

Gặp buổi thanh bình không có chiến tranh,

Mở miệng khoác lác, không đếm xỉa đến Liêm Pha và Lý Mục)

          Nguyễn Du chỉ nói có thế và dừng lại. Nhưng với khả năng dồn nén, đẩy cảm xúc lên đến cao trào, cũng chỉ cần có thế, chân tướng của những Tần Cối, Tần Thủy Hoàng thời nay đã lộ diện.

          Mặt khác, đứng về kết cấu hình tượng thơ, nhà thơ thường ít khi để cho những nhân vật phản diện đứng riêng biệt một mình. Thông thường, chúng vẫn được hình dung gắn sát với nhân vật chính diện. Dĩ nhiên đây không phải chỉ là thủ pháp so sánh, để độc giả thấy rõ ngay gian, hơn kém. Đây chính là hiện thực - và chỗ biện chứng này của đời sống phần nào vượt ra ngoài lý trí của Nguyễn Du: sự tồn tại của hai loại nhân vật chính xưa nay không hề một lúc nào độc lập đối với nhau, ngược lại, chúng là nguyên nhân và điều kiện của nhau.

          Chắc hẳn nhờ đi nhiều, tiếp xúc với nhiều hạng người, nhà thơ đã vô tình cảm nhận được trong xã hội luôn luôn có sự tồn tại của hai lực lượng đối lập, một bên là những người nghèo khổ, những người tài sắc bị hắt hủi, một bên là bọn người có quyền thế, có của cải. Nguyễn Du không thể tách hai lực lượng ấy ra mà nhìn, vì giữa cuộc đời thực, hai lực lượng ấy lại luôn luôn “dính” vào nhau, “đụng” đến nhau, dưới một quan hệ không hòa hoãn. Trung thành với hiện thực, ngòi bút tuyệt diệu của ông đã khắc họa thực tế sinh động ấy. Vì thế, trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, các hình tượng nhân vật đối lập cứ xuất hiện theo cái thế song song tương phản, thành từng cặp không rời. Hình ảnh nhà ái quốc nước Sở Khuất Nguyên ôm tấm lòng cô trung chìm xuống đáy sông thăm thẳm, đi liền với hình ảnh một bọn người dương dương đắc chí, “ra ngoài ngựa ngựa xe xe, ở nhà vênh vênh váo váo”, “đứng ngồi bàn tán như ông Cao, ông Quỳ”; cái chết oan uổng của ba nhân vật hào hiệp Kinh Kha, Điền Quang, Phàn Ô Kỳ được đặt bên khung cảnh oái oăm của kinh đô Hàm Dương, trong đó “vua Tần vẫn ngồi cao vòi vọi”; bên cạnh Nhạc Phi có tượng Tần Cối; và nỗi oan không được cởi của nàng Dương Quý Phi cứ chập chờn hiện lên giữa cái hình ảnh “phỗng đứng”của cả một triều đình... 

          Đọc thơ Nguyễn Du, từ những bài nói về người nghèo khổ đến những bài nói về giai nhân, anh hùng, rất tự nhiên, một sợi dây liên tưởng cứ nối liền từng cặp hình tượng nhân vật đối lập lại, và điều đó sẽ giúp cho chúng ta nắm được bản chất của những mối quan hệ muôn thuở trong cuộc sống: sự hiển vinh quyền quý của một lớp người này bao giờ cũng là nguyên nhân sa cơ lỡ vận, đổ vỡ, chết chóc, thất bại của một lớp người khác, cùng tồn tại bên cạnh nhau trong xã hội. Kết luận vốn đã nằm trong các bài thơ, mặc dầu nhà thơ chưa tìm thấy. Đó chính là chỗ hạn chế mà cũng là chỗ vĩ đại của tài năng nghệ thuật Nguyễn Du.

          Vạch ra được cái hình ảnh của một loại người gian ác trong cuộc sống, cũng tức là cụ thể hóa được “số mệnh” bằng một lực lượng xã hội nhất định, quả là một cách Nguyễn Du làm trái lại với sự suy nghĩ khô khan thuần lý của mình. Tuy thế, ngay ở chỗ tích cực này, cũng vẫn nhận ra những mặt bi quan, bất lực trong tư tưởng nhà thơ. Trước tất cả cái bọn người “bề ngoài có vẻ văn hoa tốt đẹp” mà bên trong “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường” kia, mặc dù rất uất ức, rất ghét, Nguyễn Du gần như đều có một thái độ né tránh. Nhà thơ vừa có ý sợ, lại vừa phải làm ra vẻ kính trọng. Nguyễn Du đã từng nói:

            Hoa dĩ tặng sở úy

                               (Mộng đắc thái liên)

            (Hoa để tặng người mình sợ)

          Tại sao lại làm ra vẻ kính trọng như vậy? Câu thơ tưởng chừng mang một ý vị triết lý cay đắng. Sự thật thì đây chỉ là một cạnh khía tâm lý của Nguyễn Du: ông vốn hay sợ những kẻ có quyền thế, những kẻ mạnh. Ông biết chúng là lớp người đứng cao sừng sững, khó mà động đến được. Cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, các lực lượng “bạo thiên nghịch địa” như quận He, quận Hẻo, anh em Tây Sơn... đều lần lượt bị đánh đổ. Chiều hướng cởi mở của xã hội Việt Nam đã bị chặn lại. Gia Long đã bắt chước “khuôn vàng thước ngọc” của chế độ phong kiến nhà Thanh mà dựng lên nền chuyên chế của mình. Tầng lớp nho sĩ mới lên đang “chen vai thích cánh” để lập chút công danh với chế độ mới. Nguyễn Du chắc khó mà còn tìm thấy một bầu không khí hồ hởi, thoải mái nào nữa. Nhà thơ đã hết sức bi quan. Bài thơ Phản chiêu hồn, đúng như Xuân Diệu nói, là một tiếng kêu của Nguyễn Du đột ngột bật lên giữa cả một chuỗi suy nghĩ trầm trầm trong thơ chữ Hán(6). Nhưng phải nói thêm, đây là cao độ của một tiếng nấc. Xung đột của bi kịch ở đây đã đến mức cùng cực. Bế tắc cũng đã đến cùng cực. Những nhân tố tích cực trong xã hội đến đây không phải chỉ mất hết điều kiện tồn tại mà còn mất cả ý chí muốn tồn tại, không những bị tiêu diệt một cách thảm khốc mà còn tự phủ nhận mình:

Tảo liễm tinh thần phản thái cực,

Thận vật tái phân linh nhân xy.

Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan,

Đại địa xứ xứ giai Mịch La.

Ngư long bất thực sài hổ thực,

Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà?

(Hãy sớm thu tinh thần về với thái hư,

Đừng trở lại đây mà người ta mai mỉa.

Đời sau ai ai cũng là Thượng quan,

Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La.

Cá rồng không ăn hùm sói cũng ăn,

Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?)

 

          Chưa ở đâu bi phẫn, đau thương dồn lên cao vút như ở bài Phản chiêu hồn!

 

                                                          ***

 

          Cuộc đấu tranh không tự giác trong tư tưởng Nguyễn Du đã ảnh hưởng rất rõ đến thái độ sống của nhà thơ. Ông đau khổ, dằn vặt mình rất nhiều, thậm chí suốt đời mang một tâm hồn u ám. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, nếu những mặt bế tắc trong tư tưởng Nguyễn Du muốn dắt Nguyễn Du đến chỗ buông xuôi theo định mệnh, thì những mặt lành mạnh trong tình cảm của nhà nghệ sĩ lại kéo Nguyễn Du về với cuộc sống, giúp ông phát hiện ra cái đẹp rực rỡ của tạo vật và con người, cũng như làm cho ông thao thức không nguôi trước mọi nỗi thống khổ của quần chúng.

          Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh đời sống đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, con người nhà thơ sẽ hiện ra: vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận. Đấy là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ của hầu hết tác phẩm của ông mà ngày nay chúng ta vẫn đọc mải mê không biết chán.

                                 (Hoàn thành tháng 11-1965. Bổ sung tháng 11-1998)

 

 

 (1) Những câu thơ dịch trong bài này chủ yếu trích theo cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du (tập  mới) của Nxb. Văn học, Hà Nội, 1965.

(2) (3) Chúng tôi dịch thơ.

(4) Trong bài Tự thán của Nguyễn Du có câu:  “Hà năng lạc phát quy lâm khứ” (Ước gì có thể gọt tóc vào rừng ở).

(5) Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1958.

(6) Cao Chu Thần thi tập.

(7) Ý này mượn của Trần Ngọc Vương.

(8) Theo bản dịch của Phạm Khắc Khoan - Lê Thước.

(9) Tài liệu do đoàn cán bộ của Viện Văn học đi sưu tập ở Trung Quốc về chuyến đi sứ của Nguyễn Du, cho biết mỗi khi sứ bộ đi qua tỉnh nào đều có các quan đầu tỉnh tiếp đón rất long trọng

(10) (11) (12) (13) Chúng tôi dịch thơ..

 (14) Xem: Con người Nguyễn Du trong thơ chữ Hán của Xuân Diệu, Tạp chí Văn nghệ, số 58, 3-1962.

 

                                                           PHỤ LỤC

                                  

                                              

                                     

                                     

                                     

                                   

                                   

                                   

                                     

                                     

                                      

                                         

                                             酡 顏       

                                               亂 五       

                                                                             緩 如         

                                            清 如          

                                          烈 如 薦 福 碑 頭 碎 霹 靂

                                         哀 如 莊 舄 病 中 為 越 吟

                                          聽 者 靡 靡 不 知 倦

                                                                           便 是 中 和 大 內 音

                                          西 山 諸 臣 滿 座 盡 傾 倒

                                          徹 夜 追 歡 不 知 飽

                                                                          左 拋 右 擲 爭 纏 頭

                                          泥 土 金 錢 殊 草 草

                                                                          豪 花 意 氣 凌 王 侯

                                                                          五 陵 少 年 不 足 道

                                                   并 將 三 十 六 宮 春

                                                                           活 做 長 安 無 價 寶

                                          此 席 回 頭 二 十 年

                                         西 山 敗 後 余 南 遷

                                                                          咫 尺 龍 城 不 復 見

                                         何 況 城 中 歌 舞 筵

                                                                          宣 撫 使 君 為 余 重 買 笑

                                                                          席中 歌 妓 皆 年 少

                                                                          席 末 一 人 髮 半 花

                                                                          顏 瘦 神 枯 形 略 小

                                                                          狼藉 殘 眉 不 飭 粧

                                                                          誰 知 就 是 當 時 城 中 第 一 妙

                                                                          舊 曲 聲 聲 暗 淚 垂

                                         耳 中 靜 聽 心 中 悲

                                         猛 然 憶 起 二 十 年 前 事

                                                                         鑑 湖 席 中 曾 見 之

                                                                         城 郭 推 移 人 事 改

                                                                        幾 處 桑 田 變 滄 海

                                                                        西 山 基 業 盡 消 亡

                                       歌 舞 空 遺 一 人 在

                                       舜 息 百 年 能 幾 時

                                      傷 心 往 事 淚 沾 衣

                                                                       南 河 歸 來 頭 盡 白

                                                                       怪 底 佳 人 顏 色 衰

                                                                       雙 眼 瞪 瞪 空 想 像

                                                                       可 憐 對 面 不 相 知 

                                                         LONG THÀNH CẦM GIẢ CA

                                  Long thành giai nhân,

                                  Tính thị bất ký thanh.

                                Độc thiện Nguyễn cầm,

                                Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.

                                Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc,

                                Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.

 

                                Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến,

                                Giám hồ hồ biên dạ khai yến.

                                Kỳ thời tam thất chính phương niên,

                                Hồng trang yểm ái đào hoa diện.

                                Đà nhan hám thái tối nghi nhân,

                                Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến.

 

                                Hoãn như sơ phong độ tùng lâm,

                                Thanh như song hạc minh tại âm.

                                Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch,

                                Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm.

                                Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện,

                                Tiện thị Trung Hòa đại nội âm.

 

                                Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo,

                                Triệt dạ truy hoan bất tri bão.

                                Tả phao hữu trịch tranh triền đầu,

                                Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

                                Hào hoa ý khí lăng vương hầu,

                                Ngũ Lăng thiếu niên bất túc đạo.

                                Tính tương tam thập lục cung xuân,

                                Hoạt tố Trường An vô giá bảo.

 

                                Thử tịch hồi đầu nhị thập niên,

                                Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên.

                                Chỉ xích Long thành bất phục kiến,

                                Hà huống thành trung ca vũ diên.

 

                                Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu,

                                Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu.

                                Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa,

                                Nhan sấu thần khô hình lược tiểu.

                                Lang tạ tàn mi bất sức trang,

                                Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu.

 

                                Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy,

                                Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi.

                                Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự,

                                Giám hồ tịch trung tằng kiến chi.

 

                                Thành quách suy di nhân sự cải,

                                Kỷ xứ tang điền biến thương hải.

                                Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,

                                Ca vũ không di nhất nhân tại.

 

                                Thuấn tức bách niên năng kỷ thì,

                                Thương tâm vãng sự lệ triêm y.

                                Nam hà quy lai đầu tận bạch,

                                Quái để giai nhân nhan sắc suy.

 

                                Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,

                                Khả liên đối diện bất tương tri.

                         BÀI CA NGƯỜI GẢY ĐÀN Ở LONG THÀNH

                                Người đẹp Long thành,

                                Họ tên không ai rõ.

                                Riêng thạo ngón đàn cầm,

                                Người trong thành biết tên Cầm từ đó.

                                Học được khúc cung phụng trong cung cấm triều xưa,

                                Khúc tuyệt xướng trời người chưa dễ có.

                              

   Nhớ xưa ta đã một lần trông,

                                Hồ Giám đang đêm mở tiệc nồng.

                                  Tuổi nàng lúc ấy vừa “ba bảy”,

                                  Áo hồng óng ánh mặt đào hồng.

                                Ngà say, yểu điệu, mê hồn khách,

                                Một tay dồn dập đủ năm cung.

 

                                Khoan như tiếng gió qua rừng thông nhẹ thổi,

                                Trong như tiếng hạc lưng chừng trời u tối.

                                Mạnh như tiếng sét làm bia Tiến Phúc vỡ tan,

                                Buồn như Trang Tích ốm đau nằm ngâm ngợi.

                                Người nghe quên mệt nghe bồn chồn,

                                Ấy khúc nhạc điện Trung Hòa trong đại nội.

 

                                Khanh tướng Tây Sơn trên tiệc đều ngất ngây,

                                Trắng đêm không chán cuộc vui say.

                                Tả hữu tranh nhau cùng gieo thưởng,

                                Bạc tiền như đất ném liền tay.

                                Hào hoa át hết bậc vương giả,

                                Bọn trẻ Ngũ Lăng đâu sánh tày.

                                Ba sáu cung xuân dồn hết lại,

                                Đúc nên vật báu Trường An này.

 

                                Hai chục năm qua từ buổi đó,

                                Ta chuyển về Nam Tây Sơn đổ.

                                Long thành gang tấc chẳng ngó ngàng,

                                Huống gì một người con hát nọ.

 

                                Nay quan Tuyên phủ vì ta mở cuộc chơi,

                                Ca kỹ trong tiệc đều xinh tươi.

                                Cuối chiếu một nàng tóc đốm bạc,

                                Mặt gầy, sắc võ, hình nhỏ nhoi.

                                Phờ phạc đôi mày không tô điểm,

                                  Ai hay chính người kỳ diệu bậc nhất kinh đô thuở         đương thời.

 

                                  Khúc xưa trong treo thầm rơi lệ,

                                  Lắng nghe từng tiếng lòng đau xé.

                                  Thốt nhiên bừng dậy chuyện hai chục năm qua,

                                Tiệc bên hồ Giám còn như vẽ.

                               

                                Thành quách đổi thay, người chuyển dời,

                                Bãi biển nương dâu biết mấy nơi.

                                Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tán sạch,

                                Luống còn một người con hát thôi.

 

                                Trăm năm thấm thoắt là bao tá,

                                Đau lòng việc cũ lệ tầm tã.

                                Từ Nam trở lại trắng phơ đầu,

                                Trách gì nhan sắc chẳng tàn tạ.

 

                                Đăm đăm hai mắt luống mơ màng,

                                Gặp mặt... thương ôi như xa lạ!

                                                            Nguyễn Huệ Chi dịch

                                                         

                               


tác giả (ao ca rô) trước bức tượng
Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du, Hà Tĩnh