NGU YÊN
Khả Năng Xâm Nhập Của Thơ
(Trích Ý Thức Sáng Tác Thơ, Tập 2)
Tôi mượn danh từ “công phá” thường dùng trong võ thuật, để diễn tả khả năng xâm nhập trực tiếp, mạnh mẽ, có hiệu quả của thơ, xuyên qua những rào cản của trí tuệ, những ngăn chận của tâm tình, vào tận lòng người, gây chấn động. Tóm lại, sức công phá của thơ là sức mạnh xuyên tâm.
Nói đến võ thuật, đây là một ví dụ dễ chấp nhận, một so sánh thực tế về sáng tác phản xạ. Sáng tác thơ tận cùng là phản ứng tự động, tự nhiên như phản xạ khi đối diện với đối tượng thơ.
Nói đến võ thuật, hầu hết mọi người đều cho rằng, võ thuật có nguồn gốc từ Trung Hoa, mặc dù truyền thuyết khác dẫn giải võ đến từ Ấn Độ. Dù nguồn gốc từ đâu, võ thuật đã phát triển và tinh túy hóa tại Trung Hoa. Từ đó phát huy ra khắp nơi.
Tuy nhiên, khi võ thuật Trung Hoa được học tập và sáng tạo thành những môn phái khác như Karate (Nhật), Taekwondo (Đại Hàn), Ninjusu (Nhật), Judo (Nhật), Muay Thái (Thái Lan), và có lẽ, kể cả võ Gatka (Ấn Độ), ... những môn phái này nổi tiếng trên thế giới hơn cả môn phái Thiếu Lâm chính tông của võ Trung Hoa. Chuyện này nói lên một điều đơn giản: hiệu quả của khả năng sáng tạo trong thực tế.
Tính hủ lậu của các bậc thầy võ Trung Hoa, chẳng những ít học hỏi mà còn giấu giếm các chiêu thức độc đáo không dạy cho người ngoài, không dạy cho con gái, chỉ dạy cho con trai nối dõi. Võ công chưa thượng thừa nhưng luôn luôn muốn làm minh chủ. Thường xuyên phê phán và ganh tị tài năng đối phương... những việc này làm cho nền võ thuật Trung Hoa suy tàn.
Câu chuyện trở nên rõ ràng hơn, khi các võ sĩ quyền anh phê phán võ Trung Hoa. Họ nhận định, võ Trung Hoa chỉ để múa may quay cuồng, nhìn cho đẹp, nhưng không thực dụng, không đánh gục được đối phương. Khi lâm trận, võ sĩ quyền anh có thể bị trúng nhiều đòn nhưng chỉ cần đấm toàn lực trúng đối thủ, võ sĩ Trung Hoa có thể bị bất tỉnh. Sự kiện này chứng minh hiệu quả của sức công phá.
Cho đến khi Lý Tiểu Long xuất hiện với triết võ học và môn phái Jeet Kune Do (Triệt quyền đạo), thế giới mới nhìn thấy ưu điểm của võ Trung Hoa, nhất là Vịnh Xuân Quyền (Wing Chun) có nguồn gốc từ Thiếu Lâm nam phái.
Triệt quyền đạo chủ trương phế bỏ những chiêu thế phức tạp, rườm rà. Chỉ giữ lại những gì căn bản, đơn giản, trực tiếp và phát động bằng sức công phá trong tốc độ thật nhanh. Triệt quyền đạo chú trọng đến đạo lý vận chuyển giữa công và thủ, giữa tiến và lùi, giữa thắng và thua. Chuyên tấn công hoặc phản công nhanh, đánh sau mà đến trước, ngăn chận đối thủ ra quyền. Về mặt nghệ thuật, Lý Tiểu Long chứng minh được khả năng sáng tạo phải thực tế. Muốn xuyên thấu nhân tâm phải có lực công phá. Muốn có phẩm chất đều đặn phải tập cho học thuật trở thành phản xạ. Sáng tạo phản xạ xảy ra ngay trong khi giao đấu. Sáng tác phản xạ xảy ra trong khi làm thơ. Điều khác biệt lớn giữa võ thuật và nghệ thuật là nghệ thuật chọn khuynh hướng làm hay làm đẹp con người, thay vì gây ra thương tích, sưng bầm, gãy tay, gãy chân, hộc máu. Làm thơ không có đối thủ, chỉ có đối tượng là người thưởng ngoạn. Đấu võ thì ghét bỏ đối phương, Làm thơ thì cộng hưởng độc giả.
Những Thành Phần Tạo Ra Sức Xâm Nhập.
Chúng ta có thể diễn giải từ ẩn dụ võ thuật sang thi thuật để tìm hiểu sức mạnh công phá của thơ và khả năng sáng tác phản xạ.
Sự thắc mắc đầu tiên khi tôi đối diện với vấn đề này là “Tại sao cần phải công phá nhân tâm”?
Sự hiểu biết và kinh nghiệm của ý thức và vô thức được xây dựng trong một người qua ba nguồn chính: 1- kế thừa từ những thế hệ trước, 2- học tập từ trường học và trường đời, 3- tự thức tu tập bản thân. Cả ba đều tạo thành những thói quen, những giá trị, những cách thức đánh giá, những niềm tin... bao bọc chung quanh họ như những rào cản, thành quách, bảo vệ vùng cư trú an toàn, thoải mái của trí tuệ và tâm tình. Khi họ đọc thơ, tìm đến nghệ thuật, thông thường, họ dễ chấp nhận và phán đoán với những gì không vượt qua vòng tường thành bảo vệ. Do đó, ý nghĩ, suy tư, cảm xúc, cảm giác của họ bị giới hạn trong những quen thuộc và những giá trị đã có.
“Quen thuộc” và “đã có” không phải là sai lầm. Điều mà tôi muốn nói: “quen thuộc” và “đã có” tạo ra sự chai lì. Người đọc không thực sự có những “bật sáng”, những “rung cảm khác thường” mà chỉ có cảm xúc lập lại từ những sáng tác lập lại, chỉ có những hài lòng từ những gì họ đã từng hài lòng trước đó.
Sự chai lì và những rào cản, thành quách là những lý do gây thiệt hại cho sức phát triển nghệ thuật. Hầu hết các cuộc cách mạng văn học đều mang mục tiêu đả phá những bề dày cố thủ của giới thưởng ngoạn và những niềm tin trì trệ của sáng tác. Trong một tầm nhìn thu nhỏ, lời thơ công phá cũng mang tính cách mạng: Chẳng những dùng cái mới đả phá cái cũ mà còn dùng cái cũ để làm khác thường cái cũ.
Những múa may quay cuồng nhìn thấy đẹp nhưng không mấy hiệu quả, cũng không phải là điều gì sai quấy. Chỉ uổng đi những tài năng có cơ hội trở thành Lý Tiểu Long. Tôi yêu thích Lý Tiểu Long ở chỗ ông đã mang tinh hoa võ thuật Trung Hoa đến một vị trí cao được thế giới ngưỡng mộ. Tinh thần yêu võ thuật và lòng yêu dân tộc của ông, khiến tôi khâm phục.
Để tránh sự lập lại, tôi xin dùng “lời thơ” với ý nghĩa bao gồm cụm từ, câu thơ, đoạn thơ.
Từ ngữ ”công phá” vay mượn từ võ thuật, tuy giải thích được khả năng xuyên tâm nhưng không phù hợp với bản chất văn chương. Tôi xin chuyển từ “công phá” qua “xâm nhập”.
Có những tương tựa giữa lời thơ xâm nhập và những câu thơ nổi bật hoặc câu thơ hay, có giá trị. Sự khác biệt của lời thơ xâm nhập là sức mạnh tập trung vào một điểm, đục thủng qua rào cản, nhanh chóng và hiệu quả.
Lời thơ xâm nhập phải hội đủ một số điều kiện để có thể xuyên qua bề dày của rào cản. Những đòi hỏi này nếu chỉ bàn thuần về lý thuyết, khó mà cảm nhận một cách văn vẻ. Tôi xin dùng những bài thơ đã sưu tập để thực tế hóa khả năng xâm nhập này.
Ví dụ, bài thơ The Vinegar Cup của thi sĩ người Palestine, Mu’een Bseiso (1927-1984), bản dịch của May Jayyusi và Naomi Shihab Nye. Qua bài thơ này, chúng ta theo dõi sự tái tạo nhân vật Chúa Giê-Su với ngụ ý vào tâm trạng của một người yêu nước, ưu tư về sự tan rã của dân tộc.
Cast your lots, people,
Who'll get my robe
after crucifixion?
The vinegar cup in my right hand,
the thorn crown on my head,
and the murderer has walked away free
while your son has been led
to the cross.
But I shall not run
from the vinegar cup,
nor the crown of thorns
I'll carve the nails of my cross from my own bones
and continue,
spilling drops of my blood onto this earth
For if I should not rip apart
how would you be born from my heart?
How would I be born from your heart?
Oh, my people!
(Jayyusi 1992:134. The Vinegar Cup.)
Các người, hãy rút thăm,
Xem ai lấy được chiếc áo
Sau khi tôi bị đóng đinh?
Tay mặt tôi cầm chén giấm,
Đầu đội vương miện gai,
Kẻ sát nhân tự do bỏ đi,
trong khi con trai của các người bị lôi kéo
lên thập giá.
Nhưng tôi sẽ không từ chối
uống chén giấm
đội mủ gai
Tôi sẽ khắc đinh lên thập giá bằng xương của mình
và tiếp tục
nhỏ từng giọt máu xuống thấm đất
Vì nếu tôi không bị xé ra từng mảnh
Làm sao các người sinh ra từ trái tim tôi?
Làm sao tôi sinh ra từ trái tim các người?
Hỡi, dân tôi !
Những lời thơ có khả năng xâm nhập: Tôi sẽ khắc đinh lên thập giá bằng xương của mình / Làm sao các người sinh ra từ trái tim tôi? / Làm sao tôi sinh ra từ trái tim các người? Bseiso vận chuyển bài thơ bằng diễn tiến những chi tiết trong kinh thánh khi Chúa Giê Su bị hành hình, đưa đến một cách tượng trưng, bày tỏ tâm sự một người phản kháng chế độ chính trị ở Palestine. Những lời thơ xâm nhập sẽ làm cho người thưởng ngoạn dừng lại, đọc lại và mang theo trong tâm trí. Lời thơ xâm nhập làm cho người đọc vỡ lẽ, hiểu thêm một điều gì mà họ mù mờ hoặc không quan tâm trước đó.
· Tôi tìm hiểu một số khía cạnh học thuật về thơ trong tuyển tập The Flame của Leonard Cohen. Một số thơ của ông có thể sử dụng làm ví dụ để dễ dàng cảm nhận cụ thể hơn về khả năng xâm nhập qua nhiều cường độ và nồng độ khác nhau. (*)
Leonard Cohen (1934 – 2016),
người Canada, một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, thơ và truyện ngắn. Ông
cũng là một ca sĩ với một kiểu cách trình diễn khác thường đầy nghệ thuật và nội
lực. Tài năng của ông hiện diện trong the Canadian
Music Hall of Fame, the Canadian Songwriters Hall of Fame, the Rock
and Roll Hall of Fame. Năm 2011, ông nhận giải thưởng The Prince
of Asturias Awards về văn chương và The Ninth Glenn Gould Prize.
Sau khi ông qua đời, con trai của ông cho in tập thơ The Flame. Bao gồm những bài thơ, những lời thơ trong nhạc, những ghi chú trong sổ tay. Thơ của ông cũng cưu mang đầy nghệ thuật và nội lực như con người Cohen.
Để giữ phong thái thơ Cohen, tôi xin giữ nguyên văn Anh ngữ và dùng phần thơ dịch như một chú thích, không hoàn chỉnh tương đương với bản gốc.
·
So sánh hai tấm hình vẽ
chân dung của Cohen. Tấm trên cho ta thấy cái đẹp quen thuộc với cảm xúc chai
lì và dễ quên. Tấm thứ hai có sức công phá. Khiến ta phải nhìn kỹ hơn. Cảm giác
được những phiền muộn hằn lên nét mặt. Theo dõi đôi mắt: vì sao con ngươi bên
phải nhìn thẳng, con ngươi bên trái nhìn trẹo nơi khác?
Cohen tự vẽ chân dung của mình và công phá được rào cản của tôi. Từ nay, hãy nhìn thẳng vào sự sống bằng một mắt, còn mắt kia, không thấy cuộc đời.
Trích thơ Leonard Cohen.
· [...]
I pray for courage Tôi cầu xin can đảm
At the end Để cuối cùng
To see death coming Đón chờ thần chết đến
As a friend Như người bạn
(Cohen 2019: 87. I Pray For Courage.)
Câu thơ xâm nhập: dead coming as a friend.
· [...]
And that was my mistake Tôi đã sai lầm
I didn't kill the snake Không giết con rắn
I gave the snake a break Cho cơ hội thoát thân
Unbiblical Không có trong Kinh Thánh.
(Cohen 2019:58. Unbiblical.)
Unbiblical là lời thơ xâm nhập. Chuyện con rắn, Adong và Eva trong kinh thánh luôn luôn là một nghi án. Rất có nhiều cách nhìn, cách giải thích khác biệt. Cũng có nhiều mô phỏng, tái tạo khác nhau, tuỳ vào mỗi tác giả muốn ngụ ý điều gì.
·
No time to change Không còn giờ thay đổi
The backward look Nhìn lui quá khứ
It's much too late Đã quá muộn màng
My gentle book Cuốn sách dịu dàng của tôi
Too late to make Đã quá muộn vạch trần
The men ashamed Cho con người xấu hổ
For what they do Vì những gì họ làm
With naked flames Với ánh lửa phô bày
Too late to fall Đã quá muộn ngã xuống
Upon my sword Trên lưỡi gươm của tôi
I have no sword Làm gì có gươm
It's 2005 Đây là năm 2005
How dare I care Làm sao dám quan trọng
What's on my plate Những gì tôi bận tâm
O gentle book Ôi, cuốn sách dịu dàng
You're much too late Ngươi xuất hiện quá muộn
You missed the point Ngươi hiểu lầm ý định
Of poetry về thơ
It's all about them Tất cả đều cho họ
Not about me. Không phải cho tôi
(Cohen 2019:19, No Time To Change.)
Đoạn thơ cuối cùng là lời thơ công phá. Vận chuyển bắt đầu từ missed the point / of poetry. Công phá ở about them / not about me.
·
Khi đọc đoạn thơ dưới đây, theo những tứ thơ tang tóc, thất vọng, băn khoăn... sẽ cảm nhận được lời thơ To make it real. Đời sống có thật hay không? Là câu hỏi có từ đời Trang Tử. Là câu trả lời có trong thánh kinh. Là ý niệm của Thiền. Vậy mà mỗi người chúng ta, đôi khi, cảm giác dường như không có thật. Thực tế là ảo ảnh hay cụ thể? Hầu hết những ai trả lời “cụ thể”, là người thực tế nhưng hời hợt, hoặc không quan tâm về sinh tồn. Đa số những ai trả lời “ảo ảnh”, là người tự cách ly và tự dày vò trí tuệ.
Những tứ thơ như “cây không lá”, “biển không nước”, “mặt trời không ánh sáng” ... cho người đọc nhiều ấn tượng để cảm khái lời thơ, that’s how broken I would be.
[...]
And if no leaves were on the tree Nếu cây trơ trụi không còn lá
And no water in the sea Và biển không còn giọt nước nào
And the break of day Đến khi ngày tảng sáng
Had nothing to reveal Lấy gì để phô bày
That's how broken I would be Giống như tôi tàn tạ
What my life would seem to me Hoang mang tôi sẽ sống ra sao
If I didn't have your love Nếu không có tình em
To make it real Làm cho đời hiện thật
If the sun would lose its light Nếu mặt trời mất hết ánh sáng
And we lived an endless night Chúng ta sống vô tận đêm dài
And there was nothing left Và không còn gì nữa
That you could feel Cho em cảm cuộc đời
If the sea were sand alone Nếu biển chỉ hoàn toàn đầy cát
And the flowers made of stone Nếu hoa làm bằng đá vô tri
And no one that you hurt Không người nào em gây đau khổ
Could ever heal Bao giờ có thể chữa lành
Well that's how broken I would be Thôi đành, đời tàn tạ như vậy
What my life would seem to me Hoang mang tôi sẽ sống ra sao
If I didn't have your love Nếu không có tình em
To make it real Làm cho đời hiện thật
(Cohen 2019: 151. If I Disn’t Have Your Love.)
Qua một ít ví dụ trên, tôi trở về với phần lý thuyết. Lời thơ có khả năng xâm nhập đòi hỏi một số đều kiện:
Trước hết, bản thân của lời thơ phải có ý nghĩa. Ý càng sáng, nghĩa càng sâu, lời càng có cường độ. Ý nghĩa càng giá trị càng sống lâu đồng hành với người đọc.
Đòi hỏi thứ hai cũng quan trọng như giá trị ý nghĩa, đó là cảm xúc. Lời thơ càng có nhiều cảm xúc, càng gia tăng nồng độ. Cảm xúc là động lực thúc đẩy khả năng biến hóa bất ngờ trong lời thơ. Cảm xúc càng nhiều, động lực càng mạnh.
Cảm xúc xuất hiện trong ba trạng thái. Trạng thái căn bản là sự rung động tự nhiên gia tăng từ thấp lên cao khi tác giả thăng trầm theo diễn tiến của sáng tác. Trạng thái bất ngờ: cảm xúc bùng vỡ khi tác giả đang chìm đắm trong thế giới riêng biệt của sáng tạo. Trạng thái tái xét: cảm xúc xuất hiện trở lại khi tác giả suy tư về những đoạn văn, câu thơ đã thành hình hoặc đã viết xong bản nháp, để tái tạo hoặc sửa chữa. Kinh nghiệm cho tôi thấy, loại cảm xúc này thường nhạy cảm khi tác giả suy luận về những chi tiết chung quanh các lời thơ. Những chi tiết mà khi sáng tác đã lướt qua hoặc không nghĩ đến.
Sau cùng nhưng không phải cuối cùng, đó là tiến trình vận chuyển lời thơ. Sự vận chuyển này mang tính trừu tượng của triết học và khả năng thực tế của kỹ thuật. Tiến trình vận chuyển cao độ chính là sáng tác phản xạ. Theo tôi, điều kiện này lá quan trọng nhất trong sáng tác thơ. Thơ đến tự động một cách tự nhiên, mang theo giá trị sâu sắc, rung cảm tâm tình, chẳng phải là điều mà nhà thơ khao khát hay sao? Sẽ bàn đến “sáng tác phản xạ” và “tự kỷ ám thị” trong chương tiếp theo.
Lý Tiểu Long nói rằng, trận đấu kết thúc bằng những cú đấm, cú đá với toàn lực công phá. Phải chăng những chuyện tình trong đời người có kết thúc ấn tượng là những chuyện tình ẩn cư mãi mãi trong ký ức? Những lời thơ kết thúc bài thơ phải là những lời thơ xâm nhập ghi lại ấn tượng.
I was second to none Không ai sánh bằng tôi
but I was never best Nhưng tôi chưa bao giờ giỏi nhất
I was old and broke Tôi đã già và nghèo
so I could not rest vì vậy chưa thể nghỉ ngơi
You can call it luck Ngươi có thể gọi đó là may mắn
be it good or bad dù tốt hay xâu
but you don't give up nhưng không thể bỏ cuộc
when your heart is dead khi trái tim đã chết
It had to make you crazy Ngươi có thể phát điên
when you no longer had the money khi đã hết tiền
or the youth hoặc tuổi trẻ
to bribe the referee để hối lộ trọng tài
(Cohen 2019:183. Nov. 6, 2005)
Ngu Yên. New York, 2019. Bài sửa lại, Houston, 2020.
Ghi:
(*) Tôi xin cảm ơn vợ tôi đã mua và đã viết tặng trong tập thơ The Fame của Leonard Cohen: To my best companion! New York, Autumn 2019. Nhìn chung, sống là phải đối phó với những phi lý và bất công. Chấp nhân được hay không, thành công hay thất bại, đều phiền muộn. Nhưng đời sống đẹp biết bao trong những chi tiết nhỏ nhoi. My appreciation to your love.
Sách Tuyển Thơ:
Cohen, Leonard. 2019. The Flame. Edited by Robert Faggen and Alexandra Pleshoyano. Picador Farrar, Strauss and Giroux, New York.
Jayyusi, Salma Khadra. 1992. Anthology of Modern Palestinian Literature. Columbia University Press, New York.
Mời xem:
Ý Thức Sáng Tác Thơ, Tập 1.
Giới thiệu và phân tích học thuật những thể loại thơ tây phương từ Hậu Hiện Đại đến Đương Đại. Sách dày 600 trang. Phát hành 2019 bởi Insperative Esquisse Press. Giá sách $40.00, bao cước phí gửi trong Hoa Kỳ.
Liên lạc:
Michelle Dang
hoặc
5202 Contour Pl
Houston, Texas 77096.