NGU YÊN
Ra Ngoài Thơ, Nghĩ Về Thơ
.
(Trích: Ra Ngoài Thơ Hẹn Thơ. Phát hành Tháng 11 năm 2020.)
1.
Tôi nghĩ:
Thơ tương lai là gì?
Là ngôn ngữ và vật liệu mang phẩm chất cao diễn đạt về cặn bã trong đời sống.
Phẩm chất ngôn ngữ bao gồm tư tưởng và thẩm mỹ.
Phẩm chất vật liệu bao gồm hiệu năng chuyên môn và vật chất xây dựng. Trường hợp này dùng cho thơ dàn dựng, thơ xây cất hoặc thơ kiến trúc.
Cặn bã: không chỉ là những xấu xa, chủ yếu là những dư thừa, kể cả lòng tốt.
Diễn đạt đi từ trang giấy ra ngoài không gian, thể hiện trong ba chiều, bốn chiều. Diễn, kể cả diễn tả và trình diễn. Đạt sử dụng kỹ thuật và nghệ thuật tiếp cận nhận thức cùng cảm xúc.
Thơ ngày mai có thân và ý của thơ hôm qua,
nhưng
thân xác cao lớn,
ý nghĩa cảm khoái tâm tư,
dung mạo tiến triển dạng thời đại,
và không đòi hỏi phải giống thơ quá khứ.
Thơ tương lai tập trung vào những ấn tượng kích thích nhận thức và cảm xúc của người đọc theo mỹ cảm và tư duy của người viết.
Thơ tương lai có thể sẽ phải rời xa hiệu quả giải trí vì không cạnh tranh lại khả năng giải trí của các bộ môn liên quan đến truyền hình và điện tử.
Để chuyên chú vào khả năng cao nhất của thi ca:
Đánh thức, phát sáng và làm đẹp tâm hồn giữa mê muội.
2.
Tôi nghĩ:
Tự do cần luật lệ và phương cách sử dụng luật lệ để được tự do làm đẹp, làm hay, làm tốt đời sống và bản thân. Nếu luật lệ làm mất đi hoặc kềm hãm ý nghĩa, giá trị nêu trên, luật lệ và phương cách đó cần hủy bỏ hoặc điều chỉnh.
Trong quan niệm này, tôi nghĩ về thể thơ tự do.
Cơ bản nhất của thơ tự do là nghệ thuật xây dựng hình ảnh, ngôn ngữ và tứ thơ theo những loại nhịp điệu “thả lỏng”. Nhịp điệu “thả lỏng” là đặc điểm để phân biệt giữa thơ tự do và văn xuôi. Nhịp điệu “thả lỏng” là nhịp và điệu không nhất thiết phải tuân theo luật lệ của thơ truyền thống và thơ vần. Nó xây dựng trên: 1- Cách sắp xếp hình ảnh. 2- Cách tạo âm thanh qua âm sắc, trường độ, nồng độ, và thứ tự của chữ trong câu. 3- Cách dàn dựng câu qua các dấu văn phạm và qua cách sắp xếp vị trí của câu. 4- Cách sử dụng tứ thơ. 5- Cách sử dụng khoảng trống và khoảng trắng.
Những kỹ thuật thường thấy là phương cách xuống hàng, vắt hàng, nhảy hàng, lập lại, so sánh, và những sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ.
Thơ tự do xuất hiện ở văn học Pháp vào khoảng 1880. Bắt nguồn từ loại thơ “nhịp điệu bất thường” được trải nghiệm trước đó. Thơ tự do phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20 và ngự trị cho đến nay, mặc dù có một số thể thơ khác ra đời như thơ Cụ Thể, thơ Xuôi, thơ Thị Kiến, thơ Diễn Hoạt... nhưng thơ tự do vẫn giữ vững vị trí vì đó là nhu cầu căn bản để diễn đạt thơ.
Cụm từ “thơ tự do” tự nó đã cho chúng ta ý nghĩa tổng quát, tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại tự do gì, kể cả tự vận, cũng chỉ tương đối. Vì vậy, thơ tự do là loại thơ diễn đạt ký hiệu và ngôn ngữ bởi cảm xúc và trí tuệ không theo luật dài ngắn của câu, số hạng câu, và cách phân phối bài thơ. Âm nhạc tuy cần thiết cho dễ cảm và mỹ thuật, nhưng không bắt buộc phải có trong thơ tự do. Ngôn từ hào nhoáng, bóng bẩy, thẩm mỹ, chải chuốt, cũng không còn được quan tâm. Thơ tự do thời nay sử dụng lời lẽ bình thường, có khi tầm thường, để diễn đạt những hình ảnh và tứ thơ, kể cả những tứ thơ cao kỳ. Khái niệm này không có nghĩa nhà thơ nên xa lánh ngôn ngữ mượt mà, chải chuốt nhưng chủ ý nhắc nhở sự trung thực và khả năng dùng chữ, dựng câu cho dễ hiểu, dụng ý diễn nghĩa hoặc tượng trưng.
Tôi nghĩ, điểm tinh yếu nhất của thơ tự do là cho phép nhà thơ sử dụng và sáng tạo những gì mà đa số người hoặc văn học đương thời không công nhận những thứ đó là thơ. Những hình ảnh, ngôn ngữ, ý nghĩa, tứ thơ, và cách diễn đạt vượt ra khỏi lề lối sáng tác đương dụng, gây bất ngờ, ngạc nhiên, thú vị, ngưỡng mộ: tạo cho bài thơ một giá trị không chỉ thuần về văn chương, mà còn tạo giá trị khai phá nghệ thuật. Một trong những quyền lực cao quí của tự do là được phép được làm thêm sự mới lạ.
Mỗi nhà thơ tự do thể hiện sự hiểu biết, quan niệm, sự thẩm thấu, tinh thần ứng dụng, mức độ đánh giá sự tự do vào thơ của họ. Không phải chỉ bắt chước hoặc mô phỏng lối làm thơ của người khác. Vì vậy, cho dù thơ tự do giống nhau, vẫn có khác biệt.
Bản chất của sáng tạo là tự do. Bản chất của tự do là sáng tạo. Những luật lệ nào đã thành hình cho thơ tự do, đều có thể xóa bỏ, vượt qua hoặc thay đổi. Hầu hết những gì gọi là luật lệ trong mỗi bài thơ tự do có giá trị, đều được tạo ra bởi khả năng sáng tạo, học thuật và sở thích của mỗi nhà thơ.
Tôi nghĩ, thơ ngày mai vẫn là thơ tự do, tự do theo phẩm chất của thời đại, tự do với khoa học điện tử, tự do với những phạm vi do hình thức sáng tạo.
Chính vì không bị ràng buộc bởi luật lệ thơ truyền thống, không bị bắt ép phải tuân hành những đòi hỏi, những điều kiện văn học, thơ tự do được đánh giá trên hiệu năng sáng tạo trong tinh thần cá nhân, cơ hội thực hiện và khả năng tự do của xã hội.
Có thể học hỏi từ những biến hóa, sáng tạo, tác động của tự do trong thơ tự do để so sánh với tự do thực tế mà chúng ta đang sống, không chừng có thể nhìn thấy sự bất hạnh của nó: Tự do dùng để biểu diễn.
3.
Tôi nghĩ:
Quan sát một đồi tượng hoặc suy tư một ý nghĩ là giai đoạn đầu tiên trước khi hình ảnh, tứ thơ, ngôn ngữ thành hình câu thơ.
Câu thơ hay, có giá trị, là câu thơ sáng tạo. Cụm từ “sáng tạo” trở thành sáo ngữ vì chẳng nói lên được ý thức thực tế. Câu thơ có giá trị là câu thơ gây thú vị, tạo sự ngưỡng mộ đối với người đọc, nhưng trước hết phải cưu mang ý tưởng thâm trầm hoặc đa nghĩa. Sự sâu sắc và thông minh thể hiện qua lời lẽ thích thú, ngạc nhiên tạo ra cảm xúc sung sướng, hài lòng cho nhà thơ, từ truyền sang độc giả.
Câu thơ là đơn vị cấu trúc chính của bài thơ. Tuy nhiên, không thể sáng tác câu thơ nào cũng hay. Theo định luật tự nhiên, bên cạnh câu thơ hay là nhiều câu thơ thường. Có lẽ phải nói, sau lưng câu thơ hay là những câu thơ thường hỗ trợ, hy sinh, thúc giục như người đàn bà và con cái sau lưng người đàn ông thành công. Nghĩa là, người đàn ông sẽ thất bại khi vợ con không ủng hộ
Một trong những việc gây thất bại cho bài thơ là nhà thơ nỗ lực sáng tác hoàn toàn những câu thơ hay trong bài đó. Điều khó tin là khi một bài thơ được xây dựng bởi tất cả các câu thơ hay, bài thơ đó trở thành sáo, ảo hoặc hết hay. Trong thực tế, chính những câu thơ thường kết hợp làm cho câu thơ hay nổi bật.
Những câu thơ hay là những câu thơ chủ lực trong cấu trúc bài thơ. Nếu những câu thơ thường không làm tròn chức năng, những câu thơ chủ lực không có khả năng xây dựng thành bài thơ độc đáo.
Như vậy, chức năng, cấu trúc của câu thơ thường cần được tìm hiểu tinh nhuệ như đã từng tích trữ kinh nghiệm hiểu biết về câu thơ hay.
“Thường” có ý nghĩa như thế nào trong “câu thơ thường”?
Thường có nghĩa bình thường nhưng không tầm thường. Thường có nghĩa câu thơ mang ý nghĩa thường và cảm xúc thường nhưng ngôn ngữ và nghệ thuật diễn đạt không nhất thiết phải thường. Câu thơ thường như những nhạc sĩ hòa tấu trong ban nhạc sau lưng để ca sĩ nhập vào cảm xúc hát lên những câu thơ hay. Những nhạc sĩ này không phải là những nhạc sĩ cổ điển, nhạc sĩ phổ thông, trình tấu theo bài bản, quy luật nhất định. Họ là những nhạc sĩ Jazz. Hòa nhạc tự do, ngẫu hứng, kết hợp với nhau và cùng phản ứng với cảm xúc của ca sĩ. Nhạc sĩ tấu nhạc hay, ca sĩ hát hay thêm. Ca sĩ hát hay thêm, nhạc sĩ tấu nhạc hay hơn... Muốn được như vậy, mỗi nhạc sĩ sau lưng ca sĩ phải là những tài năng tinh luyện. Sở học và kinh nghiệm của họ phải đạt đến mức độ phản ứng ngẫu nhiên mà hòa nhạc ăn khớp. Câu thơ thường cũng vậy. Thường mà không thường.
“Thường” có nghĩa đã được luyện tập thuần nhuyễn đến độ bình thường. Nhà thơ viết một câu bình thường, nhưng trong mạch thơ, bài thơ, câu đó có tác dụng không thể thiếu.
Câu thơ, cụm từ hoặc từ ngữ “thường” có khả năng ngụ ý, tượng trưng cho một điều gì “không thường”. Hiệu quả của câu thơ, cụm từ, từ ngữ thường đó làm cho bài thơ sâu sắc hơn.
Ví dụ: Cụm từ “Black Lives Matter” bắt nguồn từ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Được sử dụng như một vấn nạn về nhân quyền và khẩu hiệu đấu tranh chống nạn kỳ thị da đen. Cụm từ này được thịnh hành trở lại trong thời gian dân da màu tổ chức biểu tình sau cái chết của anh da đen George Floyd, tháng Sáu năm 2020, tạo nên phong trào chống kỳ thị nhiều nơi trên thế giới. Khi nhà thơ sử dụng cụm từ “Black life matter”, tuy có nguồn gốc lịch sử nêu trên, nhưng ý nghĩa chủ yếu nhắm vào giá trị của mỗi đời sống. Dùng từ life thay vì lives. Vì đời sống của người da trắng không có vấn đề nhưng mỗi đời sống của người da đen cần được quan tâm trong cán cân nghiêng lệch của quyền lực tại Hoa Kỳ. Nhìn rộng hơn, “Black Life Matter” chỉ là tượng trưng cho tất cả những mạng sống, màu da nào bị quyền thế đe dọa trong thế yếu, kể cả da trắng. Mỗi đời sống dù thể hiện tốt đẹp hay xấu xa như thế nào, vẫn là một điều kỳ diệu. Khi một đời người chấm dứt là cắt đi cả một mạng lưới nhân sinh dày đặc tiếp tục từ người đó.
Nhìn từ bên ngoài, câu thơ thường không nhất thiết phải tuân theo luật văn phạm mà theo sức tự động và lực tự nhiên của vô thức khi thành hình. Từ ngữ thơ cũng không nhất định theo ý nghĩa của từ điển mà bày tỏ ý nghĩa theo mạch thơ hoặc theo ý nghĩa của toàn bài thơ. Vị trí của chữ thường được thay đổi để tạo nên nhịp điệu và xây dựng âm sắc một cách nào đó thuận nhĩ. Toàn bộ những điều nêu trên kết hợp với khoảng trống tạo nên hình ảnh, ý tứ và thẩm mỹ của hình thức câu thơ.
Nhìn vào trong, câu thơ thường vì căn bản ý nghĩa của nó bình thường. Nội dung tương đối dễ hiểu. Cảm xúc dẫn dắt nó không bị tràn ngập bởi xúc động mà bình tĩnh hơn với sự hiện diện của lý trí.
Chức năng của câu thơ thường là dàn dựng, làm nền, làm cầu, làm thang, để câu thơ hay xuất hiện. Hiệu quả của câu thơ thường là gia tăng cảm xúc thích thú để câu thơ hay tung hoành.
Tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy một số nhà thơ lớn không quan tâm đến câu thơ nổi bật, mà chú trọng phẩm chất của từng câu. Mỗi câu trong bài là mỗi thành tích. Có thể bình thường nhưng mang theo trọng lượng, như:
......
Mạnh giỏi không Sài Gòn
Bây giờ là đợt tấn công thứ nhì
Còn nước mắt là giọt thứ mấy
Còn thao thức là đêm thứ mấy
Còn lo âu làm sao đếm
Còn thống khổ làm sao đo
Thôi đừng nói, đừng nói
Hãy gục đầu lên vai nhau.
(Hỏi Thăm Sài Gòn, Nguyên Sa.)
Khi mỗi câu trong một bài thơ đều là câu thơ thường nhưng kết hợp thành ý nghĩa sâu sắc hoặc ý tưởng xúc động, đó là bài thơ hay. Đơn giản mà hay. Hay ở chỗ đơn giản mà giá trị.
4.
Tôi nghĩ:
Làm sao để diễn tả ý thâm trầm và tứ sâu sắc bằng một phong thái dễ cảm? Dễ cảm luôn luôn là bí quyết cho thơ đi thẳng vào lòng người đọc.
Những tính làm cho thơ khó cảm bao gồm:
khó hiểu,
hoa hòe,
biểu diễn,
bịa đặt,
làm dáng.
Dễ cảm bao gồm:
trung thực,
giản dị,
trong sáng,
trữ tình,
ngây thơ,
dễ hiểu.
Trong các tính kể trên, tôi nghĩ, tính trung thực và giản dị là quan trọng nhất trong thời đương đại.
Trung thực và giản dị trong phong thái thi ca có nghĩa là gì?
- Cách diễn tả của trẻ con về những gì khó hiểu.
- Cách diễn tả yêu thương của mẹ đối với con.
- Cách bình tĩnh thâm thúy của cha khuyên con đã trưởng thành.
- Cách mềm mỏng của vợ thì thầm với chồng.
- Cách suy tư của chồng tâm sự với vợ về việc đời khó khăn.
- Cách Stephen Hawking giải thích về vũ trụ.
- Cách Socrates truy đuổi câu trả lời bằng câu hỏi.
Trên hết là cách tự âm thầm nói chuyện với chính mình về những gì thao thức, khao khát, thương mến, giận dữ....v...v...
Sự trung thực cần thiết vì thế giới hôm nay chất chứa giả mạo, giả hình và giả ảo. Bản chất thơ là tiếp cận sự thật. Cũng như khoa học, triết học, thơ đòi hỏi sự trung thực.
Giản dị cần thiết vì tư duy về những phức tạp của đời sống càng ngày càng sâu rộng, tạo ra sự khó hiểu. Giản dị và trung thực giúp sự khó hiểu trở nên dễ hiểu hơn. Song song với khái niệm này là sự thưởng thức của độc giả. Thời nay, người đọc không để dành nhiều thời giờ cho sách vở, không muốn tiêu hao trí não nhiều về văn chương. Nếu bài thơ gây nhiều khó khăn, tăng thêm mệt mỏi khi đang mỏi mệt, dĩ nhiên, không thể trông mong người đọc yêu thích đọc cho hết thơ.
Lời thơ là cách tự giới thiệu với độc giả. Nếu một người lạ tự giới thiệu một cách huênh hoang, điệu đàn, khó hiểu ... liệu người nghe có muốn làm quen? muốn tiếp tục làm bạn? Ngược lại, lời giới thiệu quê mùa, bộc bạch, kém suy nghĩ ... khó tiếp cận với giới văn chương.
Không một ai có thể trung thực hoàn toàn. Trung thực là một nỗ lực giữ gìn bản thân không để bị lôi cuốn vào giả hình, giả mạo. Trung thực trong thơ là những diễn tả phải đến từ một kinh nghiệm sống hoặc từ một kiến thức được tư duy đã tạo thành niềm tin. Trung thực không chính xác là thật thà. Có thể thuộc về lương thiện, nhưng có giá trị hơn trong ý nghĩa tử tế. Ở mức tối thiểu, nhà thơ cần phải tử tế với thơ và tử tế với độc giả.
Giản dị trong thơ không tương đương với đơn sơ, không nhất định phải bình dân. Tư duy trong thơ thường thể hiện qua tượng trưng và ẩn dụ. Sự nhìn thấy những bình thường một cách khác thường và khả năng hợp tác nhạy bén giữa ý thức và vô thức, tạo ra ý và tứ thơ khó hiểu một cách tự nhiên. Giản dị là làm cách nào để diễn tả cái “khó hiểu một cách tự nhiên” thành cái “dễ hiểu một cách cố ý”.
Lời thơ trung thực và giản dị là bước đầu tiên dễ gây cảm tình với người đọc và họ có cơ hội trở thành bằng hữu. Chỉ có những người yêu thích tác giả mới chịu khó tìm hiểu và tư duy về những gì thâm trầm, sâu sắc trong thơ của ông. Ngoài ra, nếu không phải là những nhà phê bình chân chính, thì việc vạch lá tìm sâu trở thành thông dụng. Sự ghét bỏ qua truyền thông có sức mạnh tạo ra hiệu quả cụ thể, cho dù nguồn gốc bị bóp méo. Tuy nhiên việc vạch lá tìm sâu không tồn tại với thời gian và không lưu trữ trong trí não có trình độ.
Mỗi thể loại thơ, mỗi cá tính và tài năng sáng tác của mỗi nhà thơ, có mỗi thành phần người đọc riêng. Sáng tác không thể chọn hết mọi độc giả. Mỗi nhà thơ chỉ có thể trung thực và giản dị một cách riêng đối với thành phần người đọc của họ.
5.
Tôi nghĩ:
Tứ thơ quan trọng hơn câu thơ, cho dù câu thơ là đơn vị chủ yếu để xây dựng bài thơ, theo quan niệm truyền thống.
Thông thường, câu thơ là đơn vị dễ hiểu, dễ thấy trong cấu trúc của bài thơ. Câu thơ ngắn nhất có một chữ hoặc một vần. Câu thơ dài không có tiêu chuẩn nào quy định.
Một tứ thơ cũng có thể hàm chứa trong một chữ, trong một cụm chữ, trong một câu hoặc nhiều câu.
Tứ thơ là hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ, phối hợp với cách diễn tả để trình bày ý thơ. Ý thơ thuộc về trừu tượng, cho dù là ý thơ về một điều gì, vật gì cụ thể trong thực tế. Ý thơ thể hiện qua hình ảnh hoặc một loạt hình ảnh sinh hoạt với nhau. Hiệu quả của trình bày hình ảnh và sinh hoạt của ảnh qua ngôn ngữ và ký hiệu trở thành tứ thơ.
Nhiều tứ thơ xây dựng nên bài thơ. Đúng hơn, nhiều tứ thơ xây dựng thành một tứ thơ chính, trình bày chủ đề, thông điệp hoặc nội dung bài thơ.
Theo tôi, tứ thơ là nơi sáng tạo có thể hiển lộng, nơi biểu lộ được tài hoa của người nghệ sĩ. Một tứ thơ trung thực là kết quả của cá tính, sở học, sở thích, ý thức, và tài năng của nhà thơ. Dĩ nhiên, hai động lực đóng góp sáng tạo tứ thơ vẫn là vô thức và may mắn.
Một trong số lý do để tứ thơ đóng vai trò quan trọng là luận lý thơ. Cấu trúc của tứ thơ bao gồm nhiều hình ảnh. Những hình ảnh này sinh hoạt với nhau để tạo ra ý nghĩa. Những sinh hoạt này thể hiện qua luận lý, dù là một loại luận lý khác với luận lý triết học, toán học, xã hội học ... và luận lý hàng ngày. Luận lý thơ thuộc về vô thức, bốc đồng và xuất thần. Một tứ thơ hay, nhất là những tứ thơ phức tạp, đòi hỏi có luận lý thơ hay, độc đáo hoặc mới lạ.
Một lý do khác, tứ thơ là đại diện mỹ thuật, cảm tính và trí năng. Có nhiệm vụ tượng trưng, ngụ ý, ám chỉ, điềm chỉ ý nghĩa của tứ trong liên hệ ý nghĩa toàn bài.
Quan sát một bài thơ qua cấu trúc của tứ thơ sẽ dễ cảm nhận nghệ thuật sáng tác và dễ phân tích, giải mã hơn là dựa trên câu thơ và từ vựng thơ. Sáng tác một bài thơ bằng tứ thơ sẽ khác với sáng tác bằng đơn vị câu và chữ. Thời đại chú trọng sáng tác bằng câu thơ và từ vựng thơ đã qua, tuy không mất hiệu lực, nhưng tứ thơ mới là đơn vị quan trọng trong sáng tạo một bài thơ. Tôi có lần đã suy nghĩ, chưa dám khẳng định, mỗi tứ thơ là mỗi bài thơ.
Thơ mảnh rời (Hậu Hiện Đại), thơ Thị kiến (Visual poetry), thơ Mô hình (Module-poetry), thơ Cụ thể (Concrete poetry) ... là những loại thơ chú trọng đến tứ hơn câu.
6.
Tôi nghĩ:
Một bài thơ thường được xây dựng bởi ba phương pháp. Một là sử dụng những câu thường để đưa ra những câu hay. Càng có nhiều câu hay, bài thơ càng giá trị. Hai là sử dụng những câu thường để xây dựng toàn bộ bài thơ hay. Cách thứ ba là sử dụng phối hợp cả hai cách trên. Về mặt lý thuyết, cách thứ ba nghe có vẻ hợp lý và dễ hay hơn hai cách kia. Trong thực tế, sử dụng cách nào là do sở thích và học thuật của mỗi nhà thơ. Rồi tùy vào mỗi loại thơ sẽ có mỗi cách thích hợp. Ví dụ, phương pháp thứ hai thích hợp cho loại thơ hiện thực về chính trị, xã hội, phản kháng... Tuy nhiên, không có quy luật nào nhất định.
Cá tính của tôi, bất kỳ làm điều gì đều đòi hỏi công phu, tôi luôn luôn bắt đầu bằng xây dựng một giải thuyết để thực hành cho đến khi giải thuyết thành lý thuyết. Điều này chưa chắc đã hay vì mất nhiều thời giờ và nhiều khi bị cứng ngắt lúc thực hành. Người thuần sáng tác nên dể tự do, trôi chảy, bềnh bồng, thú vị hơn. Tuy nhiên, đã là cá tính, biết làm sao!
Sau một thời gian suy nghĩ về sáng tác thơ. Lục lọi trong phức tạp, rối rắm, mơ hồ, nghi vấn... Tôi nghiệm ra nên xây dựng lý thuyết một cách đơn giản từ những kết tinh của phức tạp, rối rắm, bí ẩn, vì khi thực hành, diễn trình làm thơ, tự nó, sẽ phức tạp, rối rắm và bí ẩn. Mỗi bài mỗi khác. Không có vải dày nào có thể bao hết lửa. Làm thơ là đốt lửa. Đốt lý thuyết.
Vào một tuổi đời nào đó, khi tất cả mọi chuyện đều bình tĩnh, những gì trước đây xem là quan trọng, là ghê gớm, bỗng nhẹ nhàng không ký lô, lúc này, làm thơ không vì lý do gì. Lúc này làm thơ vì yêu mến phẩm chất và tinh hoa của thơ. Lúc này làm thơ thích thú một mình. Không quan tâm có người đọc hay không. Xem ra, tuổi già cũng có điểm lợi hại mà tuổi trẻ khó chạm đến.
Lúc này, tôi bắt đầu xây dựng giải thuyết sáng tác thơ bằng tứ, không bằng câu. Tứ cũng chia thành tứ dở, tứ thường, tứ độc đáo.
Bài thơ có giá trị bao gồm tứ thường và tứ độc đáo. Bài thơ dở bao gồm tứ thường và tứ dở. Bài thơ trung bình có cả ba loại tứ. Tính sáng tạo thể hiện nơi tứ thơ độc đáo. Tính bắt chước biểu lộ nơi tứ thơ dở.
Cấu trúc bài thơ bằng tứ là nghệ thuật kết hợp những cảnh phim ngắn.
7.
Tôi nghĩ:
Khi những người có khả năng, trình độ và kinh nghiệm công nhận một bài thơ hay, họ chỉ cho chúng ta một khái niệm tổng quát. Từ ngữ “hay” có thể phân ra thành trăm mức độ hay khác nhau. Có thể lập luận nhiều kiểu hay không giống nhau. Có thể tranh cãi để chứng minh đó là bài thơ dở. Quan điểm này cho chúng ta ý thức sự mơ hồ, không thể đánh giá chắc chắn, về giá trị của một bài thơ.
Tuy nhiên, hầu hết người làm thơ và người đọc thơ không quan tâm về giá trị lâu dài của bài thơ, mà chỉ tập trung sở thích vào hai chữ “hay” và “dở”. Nếu hiểu biết hơn, người đó sẽ sử dụng từ “thích” hoặc “không thích”.
Hay hoặc dở, thích hoặc không thích, thông thường đánh giá trên những câu thơ hay và cảm nhận chung toàn bài. Vì vậy, làm thơ hoặc đọc thơ, thường xuyên là tìm kiếm những câu thơ hay. Những câu hay góp lại dễ làm bài thơ hay.
Một bài thơ dù hay hoặc dở đều được cấu tạo bởi ba loại câu: câu dở, câu thường và câu hay. Chúng ta đã tìm hiểu qua câu thơ thường. Còn lại chỉ là câu thơ dở và câu thơ hay. Độc giả khó đồng ý với nhau về phẩm chất “hay”, nhưng dễ cùng nhau chấp nhận những điểm “dở”. Như vậy, nếu người làm thơ có thể xác định được câu thơ dở và loại bỏ nó sau khi sáng tác, bài thơ chỉ còn những câu thơ hay và những câu thơ thường, bài này có nhiều cơ hội được độc giả yêu thích. Lập luận này dẫn đến câu hỏi:
Thế nào là câu thơ dở?
Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ bắt chước. Không cần bàn đến việc đánh cắp thơ của người khác, kẻ cắp không thể là nhà thơ ngay từ căn bản. Bắt chước có nghĩa là nỗ lực làm cho giống, càng giống càng tốt. Bắt chước khác với mô phỏng vì mô phỏng có sáng tạo, còn bắt chước thì không. Người làm thơ nào cũng tự biết mình có bắt chước hay không. Bất kỳ nhà thơ danh tiếng nào đều sử dụng nghệ thuật mô phỏng.
Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ đầy ngôn ngữ cao ký, bí hiểm, mà không có ý nghĩa tương đương hoặc chẳng có ý nghĩa gì. Chữ nghĩa mang tính phô trương, lòe bịp người đọc thường có hiệu quả ngược lại. Nếu một bài thơ được xem là khó hiểu, không phải vì ngôn ngữ hoặc diễn tả khó hiểu, mà vì ý tưởng bên trong thâm sâu hoặc uyên bác nên khó hiểu. Cần được nghiền ngẫm hoặc giải thích mới có thể cảm nhận hết nghĩa hay ý đẹp.
Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ không có hai loại cảm xúc: cảm xúc của tâm tư và cảm xúc của trí tuệ. Trước kia, văn chương quan tâm hiệu năng của cảm xúc tâm tình. Về sau, văn chương chú trọng thêm cảm xúc trí tuệ. Cảm xúc tâm tình dễ phai nhạt, trong khi cảm xúc trí tuệ dễ tồn tại trong bài thơ. Thơ hay đương đại thường thể hiện cả hai.
Tôi nghĩ, câu thơ dở là câu thơ chuyên chở ý nghĩ tầm thường, nhàm chán, quen thuộc. Ngoại trừ trường hợp cò lý do đặc biệt, những câu này nên xóa bỏ, bài thơ dễ có giá trị hơn.
Tôi nghĩ câu thơ dở là câu thơ gặp trở ngại lúc sáng tác. Câu thơ xuất hiện khó khăn. Sửa lại nhiều lần vẫn không vừa ý. Câu đó nên xóa bỏ. Viết lại câu khác hoặc, đôi khi, không có câu đó, bài thơ suôn sẻ hơn.
Tôi nghĩ, bài thơ dở là bài thơ được cấu tạo bởi những câu thơ dở và những câu thơ thường, không có câu thơ hay. Nhiều câu thơ dở cũng làm cho câu thơ hay sa sút và bài thơ giảm thọ tồn tại.
Kinh nghiệm riêng của tôi, khi làm xong một bài thơ thường có những câu đắc ý. Những câu này mang đến sự sung sướng và hài lòng. Tuy nhiên, qua một thời gian, có khi khá lâu, đọc đi đọc lại, mới phát giác ra những câu đắc ý này có hại hoặc dở chớ không hay như mình nghĩ. Quan điểm này gây lúng túng cho sáng tác. Câu hỏi, chờ đến bao lâu mới có thể khám phá cái dở từ cái tưởng rằng hay? Câu trả lời tùy vào cá tính, sức học hỏi và mức độ thận trọng của mỗi người.
Tôi nghĩ, khi cái dở được khám phá, hủy bỏ, cái hay sẽ thăng tiến. Càng biết nhiều cái hay, sẽ dễ nhìn ra cái dở. Diễn trình này kéo dài suốt đời người, đến chết cũng không thể hoàn toàn tất.
Chuyện thực hành bỏ dở tìm hay chỉ trông cậy vào sở học tận tụy và lòng tự trọng.
8.
Tôi nghĩ:
Tôi không thể ngần ngừ trước câu hỏi của một nhà thơ trẻ. Anh nói: Chú đã xác định câu thơ thường, câu thơ dở, sao chú không xác định câu thơ hay? Tôi biết một số bạn đọc cũng có câu hỏi tương tựa. Tôi biết một số bạn thơ sẽ nghi ngờ về giá trị câu trả lời.
Thật ra, câu trả lời chỉ mang tính giai đoạn, chúng ta đều biết giá trị của thơ thay đổi qua mỗi thời đại và thay đổi theo sự phát triển trí tuệ, tâm tư của nhân loại. Tuy nhiên, như đã phân tích, phần nào đúng với bản thể thơ sẽ không thay đổi. Những thay đổi theo thời gian về phụ thể và thuộc tính sẽ do người đời sau khai phá.
Thế nào là câu thơ hay? Không phải thế nào là thơ hay? Bài thơ “hay” có nghĩa xác định là bài thơ “giá trị”.
Thế nào là câu thơ giá trị?
Tôi nghĩ, câu thơ giá trị là câu thơ hội đủ bốn yếu tính của bản thể thơ: Ý nghĩa, cảm xúc, thẩm mỹ và thông đạt. Cấu tạo cơ bản tuy đơn giản qua lý thuyết nhưng thực hành sẽ vô cùng phức tạp. Lý do câu thơ thành hình qua khả năng biến hóa của phụ thể và thuộc tính / sắc thái. Tùy mỗi cá nhân, mỗi môn phái, cùng một ý tưởng có thể sẽ thể hiện ra nhiều câu thơ khác biệt: câu dở, câu hay, câu thường. (Xem bài viết: Giải Thuyết Làm Mới Thơ Mới. Ngu Yên. Lưu trữ trên Academia, mạng nghiên cứu. Nội dung trình bày những điều gì có thể thay đổi để làm mới thơ và những điều gì không thể thay đổi để giữ bản chất thơ. Tầm nhìn từ diện bản thể học của triết học.)
Nếu một câu sáng tác thiếu một trong bốn yếu tính trên, sẽ không phải là câu thơ. Nếu câu thơ có đủ bốn yếu tính, phần còn lại để định giá trị nằm ở hiệu quả biến hóa.
Tôi nghĩ, câu thơ giá trị là câu thơ có ý nghĩa không quen thuộc. 1- Hoặc ý nghĩa khác lạ mang tính ngạc nhiên. Càng khác lạ không quá độ hư cấu, càng ngạc nhiên không đến độ khủng hoảng, câu thơ dễ gây sự thích thú. 2- Hoặc ý nghĩa thâm trầm, sâu sắc mang đến sự thức tỉnh, bừng sáng, choáng váng, hoang mang, nghĩ ngợi, câu thơ dễ đánh động ý thức, tâm lý hoặc vô thức để lưu giữ trong tâm tư.
Tôi nghĩ, một câu thơ giá trị là câu thơ có cảm xúc trôi chảy thể hiện qua hình ảnh, tứ và ngôn ngữ thơ. Cảm động là con dao hai lưỡi, có thể thuyết phục lòng người, cũng dễ tạo ra câu thơ bình dân. Cảm động là loại cảm xúc cần phải dùng đúng chỗ. Ưu điểm của xúc động là tuôn ra những lời thơ từ vô thức, có khả năng bất ngờ và ngoạn mục, tinh tế và màu sắc. Khuyết điểm của nó là sến, lời lẽ tả chân, bạch văn, đôi khi thiếu thẩm mỹ. Thông thường không cưu mang những ý nghĩa sâu sắc. Nhất là những xúc động giả tạo như Kim Cương khóc trên sân khấu.
Tôi nghĩ, câu thơ có giá trị là câu thơ thông đạt một cách trơn tru và tài hoa. Lời lẽ diễn tả rõ ràng cho dù hình tứ lạ lùng, ý nghĩa hiểm hóc, khó hiểu. Thông đạt phát xuất từ vô thức thường đưa ra những lời lẽ khác thường, kỳ diệu, làm ngạc nhiên cả chính tác giả. Những câu này cưu mang cảm xúc tự nhiên và ngôn ngữ biến hóa. Khác với những câu do ý thức nắn nót, gò mài, cố gắng thành hình. Sự khác biệt là một câu đầy sinh khí nhẹ nhàng bay cao và một câu đầy nghị luận, nặng nề. Ngoại trừ vài thể loại thơ mới đương đại, đang nỗ lực sử dụng câu thơ “không giống thơ” để làm thơ, tất cả những loại thơ còn lại đều quan tâm đến nghệ thuật thông đạt trong thẩm mỹ.
Điểm nhấn ở đây là khi nhà thơ tự nhận thấy bản thân đang dụng tâm trang điểm câu thơ, có nghĩa là, câu thơ đó không đạt được giá trị.
Tôi nghĩ, câu thơ giá trị tự nó nổi bật lên khỏi những câu chung quanh, kể cả những câu ở ngoài bài thơ. Nó có vẻ đẹp khiến người đọc phải dừng lại ngắm nghía. Có khi trầm trồ. Nó có ý tưởng hay ho khiến người đọc phải ngẫm nghĩ. Có khi rung đùi tán thưởng. Có khi thích thú khen thầm. Nó có điều gì lạ lùng, hấp dẫn mà người đọc tự nhiên đem lòng ngưỡng mộ.
Không ai có thể có khả năng sáng tác liên tục những câu thơ giá trị. Vì vây những câu thơ thường trở thành quan trọng mang chức năng hỗ trợ cho những câu thơ hay để có bài thơ hay.
Đối với độc giả, sự nghiệp của một nhà thơ đánh giá bằng những câu thơ hay, câu thơ giá trị. Đối với sáng tác, sự nghiệp của nhà thơ đánh giá bằng hiệu quả hiện diện của tinh tế từ khả năng sáng tạo.
Câu thơ hay, câu thơ giá trị, nếu có thể tìm thấy dễ dàng, mọi người đã trở thành thi sĩ.
9.
Tôi nghĩ:
Mỗi bài thơ thành công đều phải có không khí riêng của nó. Một ngày lạnh không thể lạnh nếu sức nóng lên trên 80 độ F. Không khí trong chợ buôn bán khác với không khí trong thư viện. Một bài thơ không tạo được không khí mà ý tưởng và cảm xúc của tác giả muốn xây dựng là bài thơ thất bại.
Điều khó khăn là làm sao đánh giá và xác định một không khí? Không khí vốn vô hình. Nó hiện diện nhờ khả năng cảm nhận. Nếu khả năng cảm nhận thiếu nhạy bén hoặc lầm lẫn thì sao?
Tạo ra không khí cho một bài thơ là việc làm của tác giả. Trong tiến trình sáng tác, một bài thơ có thể thành hình theo tự nhiên, tự động hoặc theo một ý định đã phát họa. Sau khi bài thơ đã định, tự nó sẽ tỏa ra một loại không khí nào đó. Khi nói đến không khí là nói đến sự thay đổi của thời tiết. Sáng nắng chiều mưa. Trưa nóng chiều lạnh. Gió nhẹ chuyển thành bão. Tuyết rơi giữa mùa hè ... Trong chu trình thời tiết, nếu dừng lại ở một điểm nào, chúng ta sẽ có không khí của thời điểm đó.
Một bài thơ có thể cưu mang một số trạng thái khác nhau. Khi bài thơ chấm dứt, các trạng thái thay đổi trong bài thơ tạo thành không khí. Như vậy, có ít điều cần quan tâm: 1- Không khí bài thơ có phải là không khí mà tác giả muốn xây dựng? 2- Nếu phải, không khí đó đậm hay loãng? Tạo được ấn tượng hay không? 3- Trong không khí này, bài thơ thừa hay thiếu những tứ thơ, chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ...trong vai trò cấu trúc hoặc hỗ trợ?
Những câu hỏi trên dẫn đến việc điều chỉnh bài thơ để có được một không khí vừa ý, sau khi sáng tác bài thơ đó.
Làm thế nào để đánh giá không khí của một bài thơ?
Đánh giá không khí của một bài thơ cần thực tế và khách quan. Việc này đương nhiên khó khăn và không hoàn toàn chính xác.
Thử qua nhiều phương pháp khác nhau, hiện nay tôi sử dụng những lập trình điện tử để đánh giá khí hậu một bài thơ. Có những lập trình giúp tác giả phân tích bài thơ khá hữu hiệu nhưng phải trả tiền thuê hàng tháng. Một ít lập trình miễn phí ở cấp bậc căn bản, cũng có khả năng giúp tác giả xác định khái quát không khí và tinh thần bài thơ. Một trong các lập trình miễn phí là Grammarly (Grammarly.com).
Trước hết tác giả phải tự dịch bài thơ qua Anh ngữ vì lập trình này chỉ đọc tiếng Anh. Không cần phải dịch cho thật văn chương, miễn đạt được ý tứ và kỹ thuật thơ căn bản là đủ. Nếu tác giả không có khả năng dịch, có thể sử dụng lập trình dịch của Google (https://translate.google.com). Tuy không chính xác, nhưng Google cho bài thơ dịch một tổng diện có thể tạm chấp nhận. Nếu bài thơ nặng tính siêu thực, tượng trưng, hoa mỹ, ẩn văn... Google sẽ đưa ra một bản dịch thất lạc. Nói một cách khác, trong trường hợp một bài thơ phức tạp, không nên dùng lập trình Google để dịch. Nên sử dụng những lập trình dịch cao hơn hoặc dùng người dịch có khả năng.
Sau khi có bản Anh ngữ, đưa nó vào lập trình Grammarly. Kết quả nhận xét về không khí và tinh thần bài thơ sẽ hiện ra. Dĩ nhiên, các lập trình phân tích hoặc hỗ trợ văn chương một cách căn bản chỉ có tính tổng quát và chuyên môn về kỹ thuật. Không có tính sáng tạo và không có nhiều suy luận siêu nhận thức.
Ví dụ,
Đầu Hàng, Những Thứ Có Độc.
Ai chẳng biết những thứ này có độc,
nhưng...
Ba mươi năm trước, tôi chiến đấu với đời sống,
bằng đàn bằng viết,
bằng niềm tin vào ý nghĩa sống để vui chơi,
bằng giá trị mơ hồ nhưng vô cùng sung sướng.
Bất kể thiên hạ là ai, họ muốn gì, chỉ khao khát tầm thường.
Bất kể những gì được ngưỡng mộ, chỉ phù phiếm như cỏ rác.
Bất kể đời sẽ ra sao, cứ mặc kệ, xem thử thế nào
Tôi vẫn đàn và viết.
Nhưng rồi tôi quỳ xuống, bưng trái tim quy hàng.
Vì sao?
Nhưng rồi tôi không còn khả năng chiến đấu.
Vì sao?
Cái gọi là định luật tự nhiên, không luật trừ.
Vì sao?
Thật là khốn nạn. Núi chưa mòn, sông chưa cạn, chỉ có người hấp hối.
Vì sao không lối thoát?
Vì sao những ngốc nghếch uổng đời rốt cuộc lại khôn ngoan thành công?
Tôi biết,
nhưng sẽ nuốt hết những thứ có độc này
và chết như con chó già
dưới chân người chủ ngu xuẩn.
Đưa bài này vào lập trình dịch của Google. Điều cần biết, ở mỗi thời gian khác nhau, bản dịch của Google có thể khác nhau, cho dù dùng cùng một bản gốc. Có thể, lập trình dịch của Google được sửa chữa hoặc cập nhật theo khả năng phát triển của điện tử.
Bản dịch Google ngày 8 tháng 4 năm 2109:
Surrender, Poisonous Things.
Who doesn't know these things are poisonous,
but...
Thirty years ago, I fought life
by playing guitar and writing,
by believing in the meaning of life to have fun,
by vague value but very happy.
Regardless of who they are, what they want, they only desire mediocrity.
Regardless of what is admired, just frivolous as rubbish and grass.
Regardless of life will be, just ignore, see how
I play guitar and write.
But then I knelt down, holding my heart in surrender.
Why?
But then I was no longer able to fight.
Why?
The so-called natural law, not the law of subtraction.
Why?
This is miserable. Mountains are not worn, rivers are not shallow, only people are dying.
Why not escape?
Why do stupid idiots, in the end, succeed wisely?
I know,
but will swallow all these poisonous things
and die like an old dog
under the stupid owner.
Nhận xét bản dịch: 1- Ý nghĩa khá tương đương. 2- Kỹ thuật thơ có nhiều lỗi. 3- Văn phong gần gũi với bản gốc.
Đưa vào Grammarly, sẽ thấy nhận xét:
Văn bản của bạn có sắc thái như thế này:
Buồn: 3 nút trên 5
Không hài lòng: 2 nút trên 5.
Thông tin: 1 nút trên 5.
Thời tiết chính của bài thơ là buồn, thời tiết phụ là không hài lòng, tạo ra giọng điệu thất vọng, tạo ra không khí bất mãn.
Bài thơ này có thể điều chỉnh bằng cách gia tăng nỗi bất bình, lòng thất vọng, cảm xúc về thân thế không may mắn ... Nâng mức độ Disapproving lên 4 hoặc 5 nút, bài thơ sẽ thuyết phục hơn. Hoặc nâng mức độ Sad lên 5 nút, sẽ tạo nên không khí tuyệt vọng.
Thử nghiệm nhiều ví dụ, tôi nhận xét, sự thay đổi trong giọng điệu một bài thơ tương đương với chu trình thời tiết. Không khí của bài thơ là do giọng điệu của bài thơ tạo ra.
Trước là chất giọng, sau đến luận điệu.
Bài thơ tái tạo:
Đầu Hàng, Những Thứ Có Độc.
Ai chẳng biết những thứ này có độc,
nhưng...
Ba mươi năm trước, tôi chiến đấu với đời sống,
bằng đàn bằng viết,
bằng niềm tin vào ý nghĩa sống để vui chơi,
bằng giá trị mơ hồ nhưng vô cùng sung sướng.
Bất kể thiên hạ là ai, họ muốn gì, chỉ khao khát tầm thường.
Bất kể những gì được ngưỡng mộ, chỉ phù phiếm như cỏ rác.
Bất kể đời sẽ ra sao, cứ mặc kệ, xem thử thế nào.
Tôi vẫn đàn và viết.
Nhưng rồi tôi quỳ xuống, bưng trái tim quy hàng.
Vì sao?
Nhưng rồi tôi không còn khả năng chiến đấu.
Vì sao?
Cái gọi là định luật tự nhiên, không luật trừ.
Vì sao?
Thật là khốn nạn. Núi chưa mòn, sông chưa cạn, chỉ có người hấp hối.
Vì sao không lối thoát?
Vì sao những ngốc nghếch uổng đời rốt cuộc lại khôn ngoan hơn người?
Thành công và thất bại pha lẫn trong bình rượu,
uống không ngừng, muốn mửa, mửa không ra
Khát vọng và thất vọng như con chó mắc xương nghẹn cổ
muốn sủa, sủa không được.
Tôi biết,
nhưng sẽ nuốt hết những thứ có độc này
và chết như con chó già
dưới chân người chủ ngu xuẩn.
10.
Tôi nghĩ:
Không gian của thơ bao gồm bốn loại: Khoảng trống, khoảng trắng, khoảng đầy và khoảng màu. Khoảng trống có chiều sâu. Khoảng trắng có bề rộng. Khoảng đầy có chữ tượng trưng thơ. Khoảng màu theo chiều không gian mà đậm, nhạt. Khoảng màu dễ nhận ra trong không gian hơn là trên trang giấy.
Bốn khoảng kết hợp trong một thời gian nhất định, trở thành bài thơ duy nhất.
Tôi không gọi không gian thơ là trang giấy vì thơ vượt ra khỏi khuôn khổ này. Thơ có thể dàn dựng ba chiều, với kỹ thuật điện tử có thể trở thành bốn chiều. Tức là, cộng thêm chiều ảo. Thơ đã vượt ra khỏi giới hạn của trang sách.
Từ xưa đến nay, người nghệ sĩ quan niệm: không giải thích tác phẩm. Người xem muốn hiểu thế nào, cũng được. Muốn giải mã ra sao, tùy nghi.
Nhưng thơ cần điềm chỉ. Làm thơ là điềm chỉ ngầm. Viết về thơ là điềm chỉ nổi.
Thật tình, tôi muốn giải thích thơ, trước hết cho bản thân về tất cả những gì làm thơ có giá trị nhưng không đủ khả năng vì thơ lớn hơn hiểu biết và kinh nghiệm của một người. Tôi nghĩ, không ai có thể giải thích thơ cho hết những tiềm tàng và biến hóa của nó. Vì vậy, một không gian của bài thơ, dù là trang giấy hoặc khuôn trời dàn dựng, chứa đựng rất nhiều thứ thuộc về thơ mà chỉ có siêu nhận thức và siêu nhiên có khả năng chạm đến.
Sự bất lực của con người xâm nhập vào thơ chứng tỏ được điều gì?
Hoặc thơ quá mênh mông, sức người có hạn?
Hoặc thơ chỉ là phương tiện để nói mà một người không thể nói hết về cuộc đời?
Hoặc thơ là thứ quyến rũ như mọi thứ quyến rũ khác: 1- có khả năng quyến rũ những người say mê tính hảo huyền, 2- những người thất thế, những người vọng tưởng bản thân có tài năng, 3- sau cùng, những người trông cậy sự công nhận, khả năng đánh giá của người khác?
Hoặc thơ chẳng là gì, ngoài trừ ý nghĩa theo lịch sử và tư duy thời đại mà một số người đã hư cấu ra nó?
11.
Tôi nghĩ chẳng ai cần thơ. Cho dù, nếu có ai cần, chính họ cũng không biết. Ngược lại, thơ cần người đọc. Nói chính xác hơn, thơ cần một loại người đọc thích hợp.
Làm thơ cũng như thả bong bóng bay. Một số người quan tâm theo dõi. Một số khác tình cờ nhìn thấy vì ngẩng mặt lên. Đa số bận rộn nhìn ngang nhìn dọc nhìn xuống, không biết trên trời có bong bóng đẹp. Thơ cũng như bóng bóng thả lên cao. Có bài nổ lưng chừng, có bài xì hơi, tất cả còn lại đều mất hút theo mây gió. Rồi không biết rơi xuống nơi nào hoặc tan biến về đâu.
Nhóm thiểu số đọc thơ chia ra nhiều mảnh. Có người thích thơ hiện thực, có người thích thơ tượng trưng, có người thích thơ lãng mạn, có người thích thơ kỳ quái... Mỗi nhà thơ nổi tiếng cũng chỉ được một số người đọc ít ỏi, mà số người đọc trung thành lại càng hiếm hoi.
Tình hình của thơ hôm nay là như vậy.
Sáng tác truy lùng những đường lối khác nhau để thơ gia tăng khả năng lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, trang sử hoàng kim của thi ca đã lật qua. Những bong bóng khinh khí cầu vĩ đại đã được thay thế bằng phi cơ, hỏa tiễn. Bong bóng nhỏ chỉ dùng để trang hoàng. Sáng tác thơ vì vậy mà lúng túng.
Có một số nhà thơ lý luận rằng, mặc kệ, cứ ung dung, cứ thản nhiên tự tại làm thơ. Thơ không bao giờ chết. Trong khi những bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, kịch nghệ, viết truyện, điêu khắc.... được sáng tác bằng những nỗ lực khám phá mới lạ, được hỗ trợ bởi ý thức sáng tạo nghệ thuật phù hợp với nhịp sống hôm nay và khả năng của nó phát triển vào ngày mai. Sáng tác thơ vì vậy mà bị lơ là.
12.
Tôi nghĩ:
Thơ cần phải hóa thân để hòa vào nhịp sống và thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ “của” hay và đẹp.
Thơ đó là thơ gì?
Trước hết phải gạt bỏ quan niệm bay cao và trang hoàng của bong bóng, vì đã lạc nhịp. Bay cao: có nhiều thứ bay cao hơn và nhanh hơn. Trang hoàng: có nhiều thứ trang hoàng đẹp hơn và thực tế hơn.
Như vậy, thứ gì là tinh túy của thơ? Phải chăng là đẹp và hay của ý nghĩa được nhận thức bởi cảm xúc? Phải chăng là giá trị của ý nghĩa phù hợp với cách đánh giá thực tế của thời đại? Phải chăng là những tầm nhìn bén nhạy, thông thương giữa ý thức và vô thức?
Có hai lãnh vực mà nhà thơ hôm nay cần quan tâm, tìm hiểu và sống với: 1- nhịp sống thời đại tiến vào tương lai và 2- nhu cầu thẩm mỹ sâu sắc của các khuynh hướng hôm nay và ngày mai.
Quan niệm về nhịp sống và nhu cầu thẩm mỹ luôn luôn chia làm hai: Đa số và nhiều nhóm thiểu số. Sự tương tranh giữa hai thành phần này là khu vực tìm hiểu của sáng tác. Nơi đây đòi hỏi sự cân nhắc của tác giả giữa những lực thu hút của các cực. Mỗi tác giả sẽ lựa chọn theo sở thích và sở học trong từng giai đoạn biến chuyển của sáng tạo cá nhân.
Thẩm mỹ sâu sắc là tinh hoa của đẹp và hay vượt lên công dụng trang hoàng và khiêu gợi, dâng tặng những gì, nhìn bên ngoài mang tính giải trí, bọc bên trong những thâm trầm có khả năng biết bay.
Tôi nghĩ, nếu thể hiện được tinh túy của thơ qua hai lãnh vực này, có lẽ sáng tác sẽ thấy được bóng dáng khởi đầu cho loại thơ đó.
Vẫn là câu hỏi: Đó là thơ gì?
13.
Tôi nghĩ:
Trong cấu tạo thơ luôn luôn có màu sắc, nhạc điệu, hành động để biến hóa, linh hoạt hình ảnh và ngôn ngữ.
Tư duy về màu sắc, nhạc điệu, hành động để tìm hiểu hiệu quả của khả năng hòa hợp giữa ba thành phần này trong một bài thơ, là việc cần thiết để sáng tác mới vượt qua lề lối cũ.
Thơ truyền thống chỉ cho phép máu sắc, nhạc điệu, hành động thể hiện qua lời lẽ và ý tứ. Thơ mới nên khám phá cõi nghệ thuật riêng để đưa tác dụng của ba thành phần trên vào thơ một cách hiện thực và cụ thể.
Màu sắc, có thể học và mượn từ hội họa.
Nhạc điệu, có thể học và mượn từ âm nhạc.
Hành động, có thể học và mượn từ phim ảnh.
Học và mượn là việc tự nhiên để tu tập, tự thức bản thân. Mượn đương nhiên là phải trả. Người tử tế còn trả thêm lời, có khi trả gấp mấy lần vốn.
Thế nào là “cõi nghệ thuật riêng để thể hiện toàn bộ ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc, âm nhạc, hành động trong một khối thể thơ duy nhất”?
Trả lời câu hỏi này là những phát minh, những sáng tạo khác nhau: hỗ trợ và đối nghịch. Để chung qui tạo nên những đường lối sáng tác mới.
Lý thuyết sơ quát là như vậy, thực hành chi tiết để đạt phẩm chất, tốt đẹp hóa thơ và con người mới là vấn đề. Mỗi thi sĩ, mỗi thế hệ thơ, sẽ giải mã và đóng góp.
Tôi nghĩ:
1. Bước đầu tiên, nhà thơ phải có tầm nhìn nghệ thuật đa diện. Không chỉ thấy ngôn ngữ là chữ nghĩa, lời lẽ cưu mang ý tứ thơ, mà nhìn bài thơ như một thế giới sống động có sinh hoạt, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu, như một tác phẩm chung của thơ, hội họa, âm nhạc và phim ảnh.
Dĩ nhiên, thế giới một bài thơ không phải thế giới thực tế, chỉ là thế giới nghệ thuật, thế giới đại diện, truyền đạt giá trị, ý nghĩa và thẩm mỹ.
2. Nhà thơ phải tự tu luyện kiến thức và sở học về những bộ môn nghệ thuật khác để thử nghiệm những sáng tác mới. Sẽ không có ai có khả năng thấu triệt nhiều bộ môn nghệ thuật trong một đời sống ngắn ngủi. Vì vậy, sự kết hợp giữa nhà thơ và các nghệ sĩ trong nhiều ngành nghệ thuật chuyên môn là việc cần thiết để tương ứng và xây dựng tác phẩm.
3. Con đường thực hành là con đường không có nơi đến, chỉ có những nơi tạm nghỉ.
Con đường thực hành không có sẵn, người nghệ sĩ phải đào sông phá núi, khai mở đường đi và đường đó quanh co tùy vào cách giải quyết những khó khăn.
Con đường thực hành là con đường hướng về chân trời hy vọng, nhưng bẫy rập thất bại. Thất vọng là tâm trạng thường xuyên mà nghệ sĩ cần nỗ lực đối phó.
Con đường thực hành là con đường duy nhất, không phải để thành công, mà để thấm nhuần nghệ thuật và mở cửa nội tâm đón nhận bao la và trông thấy bản thân.
Con đường thực hành có tên gọi là con đường Thử Nghiệm.
14.
Tôi nghĩ:
Lời của thiền sư Zuigan Goto dạy thiền sư đệ tử Soko Morinaga: “Không có gì là rác cả.” Một câu nói hết sức thâm trầm. Gây giật mình. Thắp lên ánh sáng. Càng nghĩ càng đốt lửa.
Đối với tự nhiên và phê bình, thơ dở là rác của thi ca. Không có gì là rác, nghĩa là, không có gì là dở. Tuệ nhãn này vượt qua các phương pháp, nghệ thuật nghiên cứu, phê bình thi ca của tây phương.
“Không có gì là rác” nghĩa là câu thơ hay, câu thơ thường, câu thơ dở đều có chỗ ứng dụng để mang đến hiệu quả có giá trị. Lá khô nằm dưới đất là rác. Mang về đun nước nóng, không còn là rác nữa. Câu thơ nằm ở vị trí này thành dở. Vào một vị trí khác, bài thơ khác, thành hay. Câu thơ hay đặt không đúng chỗ, không đúng vai trò, sẽ hóa dở.
“Không có gì là rác” không xóa bỏ lịch sử thi ca, giá trị thi ca, mà cho lịch sử một tầm nhìn mang tính luân hồi. Tất cả những cái hay, cái dở, cái thường hằng của thơ luôn luôn tái diễn: hoặc tuần hoàn hoặc tái sinh. Qua lịch sử thi ca, người làm thơ đương thời luôn luôn kế thừa di sản của những nhà thơ đi trước và quan trọng hơn: tiêu hóa những thơ hay, thơ dở, thơ thường đã hiện diện để tạo giá trị cho thơ tương lai trong thời đại của họ.
“Không có gì là rác” cho người sáng tác một ẩn niệm: An nhiên, tự tại và hóa đẹp với khó khăn, trở ngại trong hành trình phiêu lưu tìm kiếm thơ. Nghĩa là: Giữa đêm sa mạc lạnh lẽo, mênh mông mù mịt, người du hành dựng trại, đốt lửa và sắp xếp bầy lạc đà nằm bao quanh vóng ngoài như một rào cản. Khi nghe lạc đà rống lên, tiếng kêu é é từng đoạn ngắn, âm thanh quái gở, làm bí mật sa mạc càng thêm kinh dị. Báo động sợ hãi, lo âu... Nhưng tiếng kêu lạ lùng đó, đối với nhạc sĩ, là nhạc điệu huyền bí Trung đông. Đối với thi sĩ, là tiếng khốc liệt của sự mang nặng, gánh vác, kiên nhẫn, chịu đựng trước khi hóa thành sư tử. Không có gì là rác, kể cả tiếng rống bất an.
15.
Tôi nghĩ:
Làm thơ nên tiếp tục làm, dù tự thấy dở, đừng ngưng lại. Làm thơ, nếy thấy dở chỉ cần hủy bỏ. Những bài đã sáng tác nếu giữ thêm một thời gian, về sau đọc lại không còn yêu thích, nhận ra những lỗi lầm, chỉ cần hủy bỏ. Những bài đã đăng báo, đăng mạng lưới, về sau thấy không đủ tiêu chuẩn, hủy bỏ, đừng in vào sách. Những bài đã in sách, đọc lại, thấy thiếu giá trị, hủy bỏ khi tái bản hoặc khi in toàn tập. Bởi vậy, không cần phải quá cẩn thận khi làm thơ, nên để sáng tạo tự động tự nhiên bay nhảy. Nên thận trọng khi tái tạo. Và nên cẩn trọng lúc gửi bài ra trình diện văn học. Tôi có kinh nghiệm khi đọc lại một số lớn bài thơ của mình đã đăng báo, đăng lưới, in sách, cảm thấy chưa xứng đáng.
Một đòi hỏi cần thiết cho người làm thơ thật sự muốn làm thơ là phải sống với thơ hàng ngày. Những ý nghĩ về thơ, những hình ảnh, tứ thơ luôn luôn ẩn hiện trong tâm trí. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, họ cũng có thể nhìn thấy hình ảnh, ý tứ, đề tài, hoặc đối tượng thơ. Có thể nói, thơ là nỗi ám ảnh triền miên của họ. Vì vậy, ngoài trừ có mục đích rõ rệt, nếu ngưng làm thơ, ý thức sẽ lơ là quan sát và quên dần nhiệm vụ nhắc nhở vô thức tập trung để đưa ra những chất liệu, kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến thơ. Đặc biệt, khi ngưng làm thơ một thời gian dài, cảm xúc có thể bớt nhạy cảm hoặc bị lạnh cảm. Bị tắc nghẽn cảm xúc nguy hiểm hơn bị tắc nghẽn tứ thơ.
Làm thơ không tính bằng bài thơ mà tính bằng sức kiên trì công phá những bí ẩn, biến số của thơ và những gì mới lạ đã bỏ công sức tìm kiếm. Vì vậy, nên tiếp tục làm thơ và tiếp tục hủy bỏ thơ dở. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, trong đám thơ sáng tác rồi hủy bỏ, bỗng dưng, một hôm, có một bài thơ nổi bật, làm tác giả sung sướng, hài lòng, cất vào bộ thơ chọn lọc. Sau khi được tái tạo, trải qua thời gian thách thức, đọc lại vẫn cảm thấy hay, bài thơ này có khả năng đại diện một mảnh sống, tài năng và nghệ thuật của nhà thơ.
Mọi bài thơ, mọi tác phẩm đều là thử nghiệm, trải nghiệm, thí nghiệm... Không có tác phẩm nào là tác phẩm hoàn tất nhất định, vì những nhà thơ chân chính là những người tiếp tục thử nghiệm thơ cho đến giây phút cuối cùng. Nếu một tác phẩm được người đời yêu chuộng, được văn học đánh giá cao, là thử nghiệm đó hội đủ một số điều kiện sáng tác và nghệ thuật thơ, nhưng trên hết là may mắn. Không có tác phẩm nào tồn tại trong đời mà không có yếu tố may mắn. Vì vậy, không chỉ tìm hiểu về thơ và những nghệ thuật phối hợp, mỗi nhà thơ thành danh nên tự hỏi: may mắn là gì? vì sao may mắn chọn tôi? Chẳng phải người xưa đã từng nói: Có tài chưa chắc đã bằng may.
Những lập luận trên đều áp dụng cho tất cả các thể loại sáng tác, như viết truyện, viết kịch, vẽ tranh, viết nhạc, viết tiểu luận....
Càng lớn tuổi tôi càng thấm hiểu đậm đà về hiệu quả của “may mắn.” Nó thực tế và lớn lao như “con người từ đâu đến” và “sẽ đi về đâu”. Nó cụ thể và có tác dụng hơn mong chờ hành động của Thượng Đế. Nó ẩn hiện khắp nơi trong mọi không gian và thời gian. Ai cũng có kinh nghiệm về may mắn, nhưng không ai thờ phượng cúng tế nó, mặc dù nó linh thiêng và siêu hình. Lý do dễ hiểu vì nó không có thầy tu rao giảng.
May mắn có khả năng tạo ra hoặc thay đổi cái được gọi là định mệnh. Không có kinh điển nào cho biết may mắn thuộc về thần thánh hay ma quỉ? Nhưng có một điều chúng ta đã biết: May mắn cho người này tạo ra rủi ro cho người khác. Và cái may mắn có thể là cái rủi ro trá hình.
Riêng về nghệ thuật, phải chăng sáng tác là kết tinh của sáng tạo và may mắn? Nếu “may mắn” có khả năng mang đến bài thơ hay, liệu thơ dở, phải chăng là “rủi ro”? Và làm thế nào để vạch mặt nếu rủi ro núp trong may mắn hoặc may mắn núp trong rủi ro? Nếu chúng ta có cơ hội tìm hiểu “may mắn và rủi ro” kỹ lưỡng hơn, liệu sáng tác có cơ hội khá hơn? Khái niệm may mắn cho thấy thơ mang tính siêu linh và có đời sống tự nhiên độc lập với tác giả và độc giả.
Tôi biết, may mắn và rủi ro là một, gọi là “may rủi”. Nó xuất hiện trước khi, trong khi sáng tác, trong khi tái tạo, và sau khi bài thơ hoàn tất. Nhưng tôi không biết làm sao tìm nó, rủ rê nó, mời gọi nó, bắt bớ nó... Có lẽ, người đời sau sẽ biết.
(Bản sửa mùa COVID 19)
Ngu Yên
08/2020