Simin Behbehani

Nữ Thi Sĩ Của Thời Đại

Ngu Yên giới thiệu


         Ngày 8 tháng 3 năm 2006, phụ nữ Iran đã qui tụ biểu tình đòi quyền bình đẳng và quyền sống như một con người tại Tehran và đã bị đàn áp dữ dội bởi chính quyền địa phương.


Arash Ashoorinia

         Tổng thống đương thời của Iran , Mahmound Ahmadinejad, chính là người ra lệnh tấn công, đánh đập và bắt bớ người biểu tình. Vào khoảng 1,000 người, đa phần là phụ nữ, tập trung tại công viên Daneshjoo (Công Viên Học Trò) trong ngày lễ Phụ Nữ để ủng hộ Nữ Quyền và Quyền Bình Đẳng. Vào lúc 4 giờ chiều trong khi các tiết mục và nghi lễ đang tiếp diễn,  công an, cảnh sát và lính vệ binh xuất hiện. Bắt đầu cuộc đàn áp bằng vũ lực.

         Giữa những nạn nhân bị đánh đập và bắt bớ, là nhà thơ Simin Behbehani, tuổi gần 80 và mắt gần như mù lòa. Bà luôn luôn nói rằng: Mục đích thơ của tôi là tranh đấu cho công lý. Và bà đem thơ vào hiện thực. Từ tháng 12 năm 1977, Thế giới đã công nhận ngày 8 tháng 3 là ngày vinh danh Nữ Quyền và hoà bình toàn cầu.

        Dòng thi ca của Iran mang vào thế giới nhiều nhà thơ bất hủ như Omar Khayam, Hafer, Ferdowsi và Rumi. Trong thời hiện đại, Simin Behbehani được xem là một trong những thi sĩ còn sống, đã vượt qua giới hạn của quốc gia và trở thành thi hào của thế giới. Một tiếng nói công tâm từ những bất công truyền kiếp của vùng Trung Đông.

Hát lên hởi Gypsy
Chính ta ở quê nhà phải hát
Cho người biết ta còn đây
Mắt và họng cháy bỏng vì khói
Luồng quỉ xám cuốn tận trời cao

Hãy thét gào báo tin đêm kinh khiếp
Trong bụng cá đỏ có bí mật quỉ ma
Cá lặn sâu nơi không thể bắt
Những nàng hầu ôm đầu cá  trong lòng
Như dọn lửa trên dĩa bạc
Bọn ma quỉ điên cuồng cưỡng cắp
Nhan sắc và tiết trinh
Dùng môi ngọc má vàng dụ dỗ

         Bài thơ này in lại trong Plains of Arzhan, 1983 với dòng kết: Gypsy, để sinh tồn hãy giết niềm im lặng. Hãy hát lên để còn một quê hương…

         Bà Behbehani năm nay đã 79, một trong những thi sĩ đã tận hiến đời riêng cho công lý. Bà sáng tác hàng trăm bài thơ, để lại cho thế kỷ những áng thi ca bất hủ của dòng văn chương Ba Tư.

         “ Nhiều người hỏi tôi rằng, vì sao tôi làm thơ. Tôi thật không rõ. Thơ sâu đậm trong tôi. Ngay ngày thơ ấu, tôi đã viết những điều mà chính tôi cũng không biết đó là thơ. Tôi chỉ biết, tôi phải nói lên những gì đã và đang hối thúc. Như tuân theo một mệnh lệnh ngấm ngầm. Tôi không thể làm gì khác hơn là dùng giấy bút chép lại…” Behbehani trả lời một phỏng vấn…

         Bà sinh ở Tehran năm 1927. Thân phụ là Abbas Khalili, một nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Thân mẫu là Fakhr-Ozma Arghun, nhà thơ, nhà văn, tranh đấu nữ quyền. Simin bắt đầu sự nghiệp từ năm 14 tuổi. Năm 24, bà đã có tác phẩm The Broken Lute. Từ đó, những tác phẩm khác tiếp tục ra đời. Năm 1997, bà đã có tên trong danh sách đề nghị lãnh giải văn chương Nobel. Bà nổi danh trong thể thơ cổ truyền Ba Tư gần giống như Sonnet ở Tây Phương hoặc Thất Ngôn Bát Cú cuả người Việt. Dỉ nhiên, bà đã biến thể thơ cổ truyền thành một thể thơ riêng của bà. Chuyên về những đề tài nhân sinh, đấu tranh và phản kháng những xấu xa của đời sống.

         Với tài phối hợp cổ truyền và hiện đại, Simin đã chinh phục được độc giả, không chỉ ở Trung Đông mà khắp nơi trên thế giới. Kỹ thuật này đã khiến cho bà chẳng những là thi nhân của thời nay mà còn là thi hào của mãi mãi.

        Nhà thơ Farzaneh Milani đã dịch và mang cuốn thơ ”A Cup of Sin” vào Hoa Kỳ. Simin là nữ sĩ của đám đông phụ nữ bị đàn áp bởi đàn ông. Bà không phân biệt thơ phái nam và thơ phái nữ. Bà chỉ chú trọng đến thơ như một quan trọng. Và bà đã thay đổi được cái nhìn về một điều nặng ký ở Trung Đông: Thơ thuộc về đàn ông. Thật ra cho đến nay, đến nhiều chốn trên thế giới tự do, bình đẳng, đến những gia đình trí thức, vẫn tràn trề những ý nghĩ thầm kín trong đàn ông: Chúng tôi là chủ nhân, sở hửu những sản phẩm tinh thần cao cấp. Chúng tôi tôn trọng quí bà nhưng quí bà vẫn mãi mãi nằm bên dưới.

        Năm 1979, cuộc cách mạng luật Shari’a trong khối Hồi giáo đã ảnh hưởng rất nhiều trên sáng tác của bà. Những bài viết nặng nề chính trị, những phản kháng văn chương về giáo điều,  những bênh vực về nữ quyền đã khiến cho chính quyền ra lệnh ngăn cấm sách vở của bà trong 6 năm tiếp theo. Bà từ chối rời khỏi Iran mặc dù phải trải qua nhiều khốn khó. Kể cả sự mất mát tính mạng của chồng và con gái. Vào giai đoạn cuối đời, bà đã nói: Cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi nói được niềm khổ hạnh của dân tôi và cho tôi được chia sẻ nỗi niềm chung ấy....


•   Giải thưởng Human Rights Watch-Hellman/Hammet, 1998
•   Carl von Ossietzky Medal, 1999
Tác Phẩm:
-  The Broken Lute [Seh-tar-e Shekasteh, 1951]
-  Footprint [Ja-ye Pa, 1954]
-  Chandelier [Chelcheragh, 1955]
-  Marble [Marmar, 1961]
-  Resurrection [Rastakhiz, 1971]
-  A Line of Speed and Fire [Khatti ze Sor'at va    Atash, 1980]
-  Arzhan Plain [Dasht-e Arzhan, 1983]
-  Paper Dress [Kaghazin Jameh, 1992]
-  A Window of freedom [Yek Daricheh Azadi, 1995]
-  Collected Poems [Tehran 2003]

Yêu Kiều Mẹ Đến Thăm

Yêu kiều mẹ đến gần
Màu áo xanh đêm sáng
Cành Olive trên tay
Mắt buồn nhiều tâm sự

Chạy đến mẹ, ôm tay
Nghe nhịp tim đang đập
Ấm như  mẹ còn đây

Con hỏi: Nhưng mẹ chết rồi mà?
Bao nhiêu năm cách xa
Không một mùi tử khí
Không một mùi liệm  tang

Con nhìn cành Olive
Mẹ đưa ra trao tặng
Mỉm môi cười mẹ nói:
Hoa hòa bình đây con

Con đưa tay nhận lãnh
Nói: Vâng dấu…hòa…
Lời con chưa kịp hết
Tiếng đàn áp cắt ngang

Cảnh sát cưởi ngựa cao
Dấu dao trong áo
Chặt đứt cành Olive
Nhìn rồi nói:
- Cây gậy này cũng khá
- Đánh què kẻ chống ta

Hình ảnh đau ghê tởm
Hắn cất gậy vào bao
Trong bao, Ôi Thượng Đế
Con thấy chim bồ câu
Chết vì dây treo cổ

Mẹ bỏ đi buồn thãm
Con buồn thãm nhìn theo
Như người than khóc mướn
Mặc áo chùng tang đen….
       

Tình Đến, Màu  Đỏ ra sao?

Tình đã đến, đỏ như thế nào?
Dù muộn màng
Hồng nở trong tuyết
Ôi, đẹp làm sao

Tình ơi, tình ơi, tình ơi
Bao lâu ở đỉnh cao chơi vơi
Chân em run
Tay nhăn da tuổi tác

Em sợ, ôi, tình nhân
Run rẩy theo ngọn gió
Tình là bóng nghi ngờ
Ngủ trong trại giam lỏng

Xương rồng non mọc lên
Trong vùng nhiệt đới
Em đến từ bắc cực
Tim lạnh và khô cằn

Kén tằm dày hơn ruột
Như tim căng rồi tàn
Khao khát bay, ước muốn
Đã sa lầy
Cánh mõi chậm hư hao
Thôi, đã muộn

Bay cao bằng đam mê
Trí tưởng đầy tội lỗi
Tuy nhẹ dạ
Lòng vẫn khó tin

Xưa nhảy múa ồn ào trong thung lủng
Nhanh nhẹn như Linh Dương
Giờ buồn tẻ, lặng im, hoang vắng
Như Cừu già cúi đầu

Vương miện, người hâm mộ
Là đường trời cầu vòng
Tiu nghỉu và vỡ vụn
Ái ngại và tầm thường

Tình ơi, đuốc lửa đỏ say mê
Bùng lên ánh sáng cuối
Có lẽ trong tuyệt vọng cuồng điên
Mang tôi lời sầu đạm


Tích Tắc, Tích Tắc…

Tích…tắc…tích…tắc…thời giờ bay làm sao?
Bằng cưỡng bách, tầm thường và vâng chịu
- Chậm lại, đứng lại. Cho người nghỉ ngơi, Chúa ơi
Không giã biệt, lặng im, tưởng như ngưng đọng

Giọt từng giọt rỉ rả nhỏ giọt từng giờ
Tháng thành năm, năm thành tháng, bay biến
Lúc tảng sáng hoàng kim mặt trời lên
Rồi nắng cuối bay cao từ đáy giếng
Khi giấc ngủ chìm vào giấc mơ
Con tàu đen đến, bay nhanh giấc mộng trắng
Đời tôi như tấm màn mở đóng trắng đen
Lột trần trụi lột trần theo thời khắc

Tôi đang đi và không trở lại
Hãy nói thời giờ không bay thời gian
Tim chán nản vì đếm từng nhịp đập
Lúc cuối đời, ôi, giờ sống vẫn bay

Ngu Yên sưu tầm và chuyển thơ nhân ngày lễ Mother’s Day. May 14, 2006

© 2006 gio-o