NGÔ VĂN TAO

Một chủ nhật khác

truyện của

Thanh Tâm Tuyền

Tôi viết tiểu luận này vào đầu năm 1985, khi vừa đến tay tôi quyển truyện “Một chủ nhật khác” của Thanh Tâm Tuyền, do báo Văn (California- USA) tái bản năm 1983. Khi đó nước Việt Nam hãy còn đóng kín mịt mù, xã hội chưa đi vào thời kỳ  “Đổi mới” với kinh tế thị trường. Nhất là tôi nghe nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, sĩ quan nguỵ, vẫn còn bị giam trong trại “cải tạo”. Bài tiểu luận do đó có những rung động đặc biệt âm thầm.

Báo Làng Văn (Toronto, Canada) đã đăng bài này vào cuối năm 1985. Nhưng trước khi đưa cho Làng Văn, tôi được biết Thanh Tâm Tuyền đã được tha ra khỏi trại "cải tạo”, tôi gửi đến tận tay Thanh Tâm Tuyền, còn ở Sài gòn khi đó, bài tiểu luận này cùng một món quà nhỏ. Thanh Tâm Tuyền viết thư trả lời tôi, khẳng định từ chối món quà nhưng tiếp nhận tất cả những cảm nghĩ mà tôi bộc lộ. Tôi vẫn giữ bức thư này như là một bút tích đáng quý của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. (xem cuối bài viết)

26.3.2006

nvt


   Chiều nay, tôi không biết tôi đang sống hay tôi đang mộng. Ngoài kia gió rất lạnh, bụi tuyết bay đầy trời, mọi vật đều mù ảo hư thực. Trong căn nhà vắng, một mình với ly rượu mạnh, tôi ngồi bên đống lửa và cảm thấy trên đôi môi vị đượm chát của cuộc đời, của thời gian trôi như từng giọt nước. Như thế! Tôi tự thấy gần gũi bao nhiêu với Thanh Tâm Tuyền. Chẳng biết anh có còn đang sáng tác hay giờ nằm queo trong một góc bẩn hoặc lao đao nơi rừng sâu nước độc?

 Tôi muốn đặt cánh tay tôi trên đôi vai anh lạnh, chắc rất gầy guộc và mảnh khảnh. Chúng ta sẽ cùng nhau viển vông quên hết sự đời. Chúng ta không cần sống mà luận về sự sống. Tôi muốn suy luận về “Một chủ nhật khác”, truyện xuất bản năm 1974 ở Sài Gòn, tác phẩm cuối cùng được biết của anh (  Văn tái bản, Hoa kỳ 1983)


Chỉ là một giấc mộng

   “Một chủ nhật khác” có một đề tài rất “ấu trĩ”. Truyện “Trung uý Kiệt”, không dưới ba mươi không ngoài bốn mươi. Anh không trong thành phần tác chiến của quân đội Cộng Hoà Việt Nam mà được biệt phái làm giáo sư cho viện đại học quân đội ở Trung nguyên. Kiệt đã đi qua cái đỉnh cao của đời anh, nhưng tâm hồn anh vẫn giữ cái “ấu trĩ vô trách nhiệm” của tuổi mười tám. Cái đỉnh cao ranh giới đó nằm chỗ nào trong đời anh? Chỉ biết giờ quân đội đặt sẵn cho anh một đường rày để cứ thế mà đi vô tâm vô ý, không ngày mai. Quân đội cũng buộc anh phải có một hai quy luật, phục vụ canh gác và một khi báo động ở trong trại lính anh phải có những cử chỉ những tác động ôn nhẩm hàng ngày hàng tháng. Ngoài đời Kiệt cũng có gia đình, thì Thuỳ, người vợ của anh sẵn biết đảm đang tự lo nuôi ba con và còn có thể -dù anh không đợi và không mong-  đáp tàu bay lên Trung nguyên thăm anh để làm tình với anh, để mang quà bánh cho anh và còn đưa tiền thêm cho anh. Lương trung uý ư! Kiệt có thể tiêu tiền tháng ngay trong một ngày, còn sau đã có bạn đồng đội nâng đỡ hay cùng quá ăn chịu hàng tuần ở câu lạc bộ sĩ quan.

 Kiệt sống lâng lâng như vậy, an toàn ở một tỉnh lỵ không tên, chỉ có một phố chợ, không xa rừng quá nhưng cũng không gần núi quá, nơi loạt xoạt bước đi của những kẻ thù không hình không bóng. Không một hiện tượng xã hội nào, không một sự kiện sống thật nào, với uẩn khúc với bi thương, như có thể khuấy động chuỗi ngày bàng bạc chết mòn của anh. Kiệt sống không xa hơn cái tầm mắt của anh và lại có những buổi sáng, nhìn thẳng vào gương anh thật như không thấy bóng của chính mình.

 Nhưng thời cuộc là thời cuộc 1973-1974 ở miền Nam việt nam. Tiếng đại bác vang dội ở Quảng Trị, Tây Ninh. Và nhất là một linh tính -một linh tính mà chính tôi cũng đã từng biết trong một đêm hè 1974, một đêm đầy trăng êm ả thả thuyền lững lờ trên sông Hương- đã nói cho anh biết, đã cho cái tâm hốn anh mơ mơ mờ mờ cũng linh cảm biết cái vũ trụ này, cái thế giới này từ Quảng Trị đến Cà Mâu tới thời kỳ thai nghén sẽ sụp đổ, sẽ thay biến để anh và những người bạn anh, những người thân và tất cả sẽ bị lôi cuốn trôi đi như những cành khô trong một ngày đê vỡ dâng tràn nước lũ. Kiệt chờ đợi một cái gì sẽ đến trong đời anh, một thúc đẩy nào bắt buộc phải đến để anh có thể, dù trong một phút, phá tan cái màn sương bao bọc chìm đắm anh dần dần vào hư vô.

 Một sáng chủ nhật, Oanh tới thăm anh để vĩnh biệt thầy và cũng để dâng tặng thầy “nếu thầy muốn” cái thân mình trong trắng, cái trái tim “ấu trĩ lãng mạn” của nữ sinh mười bảy mười tám tuổi đã ngước lên nhìn thầy như một thần tượng. Rồi Oanh đi, chỉ còn trên môi của Kiệt một cái hôn nhẹ nhàng, và trong trí nhớ của Kiệt mái tóc thề ngăn ngắn và manh áo màu vàng hoa dại. Đó là sự thúc đẩy, cái biến chuyển mà tâm linh anh hằng chờ đợi. Nó là hình ảnh chói lọi của Sự Đẹp, của sự Sống “thật tuyệt vời không sao với tới được”, thổi tung cái mồi lửa Sống, than tàn sắp tắt ở trong anh. Bằng mọi giá, Kiệt phải tìm ra lại cái nhịp sống tràn đầy, mà không bao giờ anh đã được biết, mà nếu được biết thì có thể là trong một giờ vội vã, đôi  lứa anh yêu Thuỳ trên một bãi cỏ nào xa xôi, ở một thiên đường ngoại quốc nào nằm sâu trong dĩ vãng. Oanh đi rồi, Kiệt sẽ tận tuỵ truy hoan, sống cho tàn hết sinh lực, cho vợ con anh phải ruồng bỏ anh và vội đến rồi, trước mắt anh, là tương lai của một người già trước tuổi, bệnh hoạn tàn phế lay lắt từ nhà thương nghèo không tên này sang nhà thương không tên khác. Kiệt đã biết nhờ định mệnh giải quyết đời anh.

 Nếu cần phải kể lại, thì đó là cốt truyện. Trung uý Kiệt chỉ là một con người “ấu trĩ” lập dị và vọng ngoại. Thực tế lúc đó, chung ta đều biết, con người (ở miền Nam việt nam) đang lo lắng quằn quại, vật lộn tìm đường sống như cỏ cây, thế mà -vô lý nghĩa- đầu Kiệt luôn luôn bảng lảng mấy điệp khúc của một nhạc tấu cổ điển Tây phương. Đi bên Oanh, đi bên cuộc đời của anh! Kiệt vẫn lẩm bẩm mấy câu thơ anh ngữ, ngoài ra rất thâm trầm nhưng không thích ứng chút nào với tâm hồn trống rỗng lười biếng của anh. Với một nhân vật chính như vậy, cấu trúc của quyển truyện không khỏi bị lỏng lẻo, những nhân vật phụ không khỏi bị mơ hồ. Đọc “Một chủ nhật khác”, tôi cảm  như xem trình diễn một vở kịch loạn biến, mà những nhân vật (và những sự việc) chợt đến chợt đi, lần lượt xuất hiện múa may trong một vòng con ánh sáng.. Mà lời văn của Thanh Tâm Tuyền nữa, có những chỗ dễ dàng, không đắn đo. Có những hoàn cảnh, những sự việc, những tiểu tiết mâu thuẫn không thiết thực.

 Nhưng viết như trên đây, tôi đã đến vấn đề “ cốt yếu”. Chúng ta có nên đọc “Một chủ nhật khác” của Thanh Tâm Tuyền, và chờ đợi một tác phẩm của một “ học giả” suy tư diễn tả, cân nhắc luận về một cảnh huống thực của con người, của xã hội? Hay chúng ta phải biết đây là “một tiểu thuyết canh tân”. Một tiểu thuyết chính nó là những trang nhật ký  với những hình ảnh, những tình cảm đột phá, với những đoạn văn không chải chuốt, với những đoạn huy hoàng tràn đầy lãng mạn của một người đang sống và đang u mê. Tôi đọc “Một chủ nhật khác” như được chính Thanh Tâm Tuyền  với tất cả tâm tư, chân thành kể lại đời anh - mà đời anh đây có nghĩa là những gì anh sống trong một giấc mộng.


Tiêu biểu của một thực tại văn nghệ

   Trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” (Hai mươi năm Văn học miền Nam 1954-1973, Sóng xuất bản Sài gòn-1974), tôi đã đọc mấy câu dẫn tiểu sử của Thanh Tâm Tuyền như sau đây:

“Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 13.3.1936 tại Vinh. 1956-1960, cùng một số bạn thực hiện nguyệt san Sáng Tạo. Nhập ngũ năm 1962, giải ngũ năm 1966, tái ngũ năm 1968. Đã xuất bản tập thơ: “Tôi không còn cô độc”.”

 Bàn về Thanh Tâm Tuyến với tập thơ này, Trần Tuấn Kiệt trong “Thi ca Việt Nam hiện đại 1880-1965” có viết : “Thanh Tâm Tuyền làm thơ tự do, bàn về văn học tiến bộ; chúng tôi xem ông như người cầm đuốc đi đêm, dẫn theo một số người…Bởi vì ông muốn tiêu diệt những yếu hèn, những giả dối, những chán chường tuyệt vọng bổ vây ngột ngạt cùng độ ấy. Mở đầu tập thơ “Tôi không còn cô độc”, Thanh Tâm Tuyền đã biểu lộ tinh thần đó trong bài “Phục sinh”. Tự huỷ diệt và để phục sinh trong sạch, trẻ trung hơn khi mà niềm tin không còn có giá trị với đời sống…”

 Trong bài Phục sinh” đó, tôi ghi nhận mấy câu thơ cuối này:

"Tôi thèm sống như thèm chết

giữa hơi thở giao thoa

ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ

em

hãy mở cửa trái tim

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

trong sạch như một lần sự thật"

 Nhìn lại thì một trang sử đã quay qua từ lâu rồi. Văn nghệ miền Nam việt nam 1954-1975, đúng theo lời của Võ Phiến (Một thời kỳ văn học bất hạnh, Nguyệt san Làng Văn số 5, Toronto 1985), đang chờ đợi những phê bình gia, những văn học gia sưu tầm, duy trì và định giá. Có những người nào sau này sẽ mãi mãi long lanh? Có những đóng góp nào sẽ mãi mãi đánh dấu cho thời đại? Một thời đại tang thương. Một thời đại sĩ nhân việt nam đã ý thức không cùng cái bất lực của mình trước những thay biến của lịch sử, trước sức mạnh bạo động của súng ống vật chất, của lý tưởng chủ nghĩa. Nhưng chính trong sự yếm thế, có thể lại có một nguồn sinh lực mới. Khi cuộc đời đổ vỡ và thất bại, người ta lại có cái lãng mạn muốn sống và thiết tha tình yêu của Phạm Thái, Cao Bá Quát. Trong một xã hội đang suy tàn, văn hoá lung lay, chính trị đổ nát, văn nghệ miền Nam việt nam từ 1954 đến 1975 lại tràn đầy sách báo. Người ta thấy xuất hiện biết bao trường phái lý thuyết nghệ thuật, biết bao văn phẩm. Nhưng chúng ta phải biết quên cái ồn ào của thời đại, ngàn trương lý thuyết văn vẻ để chẳng nói gì, những tập tiểu thuyết viết không ngừng tay, lời văn gọt giũa của nghệ nhân, của những người muốn tự nghe mình để quên sự thật của chính mình hay của lịch sử trước mắt. Văn nghệ miền Nam việt nam thời đại đó vẫn là, theo đường lối chính của nó, bắt nguồn từ Hàn Mạc Tử  qua Quách Thoại để đến cái triết lý ngạo mạn ly khai của Bùi Giáng (hãy đọc Mùa thu trong thi ca của Bùi Giáng). Thanh Tâm Tuyền, với
“Một chủ nhật khác”, tiêu biêủ cho cái thực tại văn nghệ này.

 Tôi muốn nói đây sự chân thành lãng mạn đối với mảnh đời của mình, đối với những khát vọng, những khái niệm của mình về sự Đẹp, về sự Sống. Một sự chân thành lãng mạn bắt buộc phải đến, ngoài mọi lý trí và một cách hoàn toàn khách quan, khi đã chấp nhận cái thực tế của thân phận và sự bất lực của mọi lý thuyết, của mọi nghệ thuật trước tuyệt vọng, đau khổ, bệnh tật, đồi truỵ và đổ nát. Quách Thoại, nhà thơ xấu số, bạn của Thanh Tâm Tuyền, chết trẻ vì bệnh hoạn, khi sống thì nghèo khổ và cô đơn, đã có những câu thơ chân thành này:

"Mặt trời mọc! Mặt trời mọc!

Rưng rưng mùa hoa gạo

lỡ ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo

thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao."

Những câu thơ hay không phải vì hình ảnh, không phải vì gieo vần mà vì phảng phất rõ rệt cái thân thế của thi sĩ; nhưng phảng phất mà thăng hoa, mang mang cảm thương trong cái phận làm người. Trong những bài thơ ngông của Bùi Giáng, tôi đã nghe thấy cái tôi khắc khoải, cái tôi than thở vô cùng, cái tôi trước sự thất bại của nghệ thuật, qua những giằng buộc của thân phận, những giằng buộc của “một bát phở Bắc”, qua những hẹp hòi  vô ý thức xung quanh, và cái tôi buông tay xuôi trước tấm cửa dầy vô hình chắn ngõ cấm đưa vào thế giới tuyệt đối của Thi Ca. Trong cao trào đó, “Một chủ nhật khác” không phải là cuốn tiểu thuyết để nói chuyện đi mây về gió, để chải chuốt văn chương. Nó là một quyển sách mà tác giả bắt buộc phải viết để đánh dấu một đoạn đường, để kết thúc một lịch trình. Điển hình biết bao! “Một chủ nhật khác” đã ra đời vào những ngày tháng hấp hối của miền Nam việt nam, đã là tiếng nói sau cùng vọng lại cho tôi từ mười năm nay của Thanh Tâm Tuyền. Trên hai mươi năm văn nghệ, anh đã làm gì? Anh đã viết gì? Tôi chỉ biết khi viết “Một chủ nhật khác” anh không diêm dúa, anh không có màu mè, anh không có cái sáo của sự tầm thường. Anh không cầm “cái đuốc dẫn đường đi đêm”. Anh không giảng giải đạo lý, một lý thuyết (nghệ thuật) nào. Anh chỉ nói lên cái thân phận của anh, cái trống rỗng hư vô của anh. Anh chỉ nói lên cái vũ trụ quan, cái nhân sinh quan của anh, bằng những lời lẽ chân phương, nhưng dĩ nhiên rồi trong cái nhìn mộng ảo thông suốt của một nghệ sĩ chân tài.


Những cái nhìn sâu trong tận cùng của tiềm thức

   Một đôi khi đọc lại những trang sử có đau thương, có sống còn của cả một dân tộc, một đôi khi nhìn lại một phần tư thế kỷ, như từ buổi người áo vải dựng nghiệp, chiến thắng Đống Đa, và đến ngày đã phải đặt những viên gạch xây mồ cho nhà Nguyễn, chúng ta chỉ như nghe vọng trong tiềm thức mấy câu thơ:

"… Kỷ độ tang điền biến thương hải

Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong

Ca vũ không lưu nhất nhân tại…"

(Nguyễn Du)

Phải chăng đó là sự thật? Hay chỉ là tôi quá bạc nhược trầm tư? Nhưng thật rồi đây có thể một ngày nào, nhắc lại cuộc bể dâu của dân tộc chúng ta, trong một lúc, chúng ta chỉ thấy trong tận thâm tâm một hình ảnh, sự hiện diện duy nhất của Thanh Tâm Tuyền với một ý thức vô cùng yếm thế về xã hội, về lịch sử.

 Cả đời anh đã sống trong loạn ly quằn quại của đất nước. Anh đã chứng kiến, anh đã phản ảnh những tang thương, những ước mộng thành bại của dân tộc. Ôi những hăng say của tuổi trẻ! Những hoài bão! Ôi tưởng có thể chiếu vào cái khổ ải tang bồng thực tế một ánh sáng dịu hiền của tư tưởng, lý thuyết nghệ thuật! Ôi phù du và ảo tưởng! Để sau cùng hết, trước ngưỡng cửa đi vào cái không gian của sự ngậm ngùi đổ nát, trước ngõ hẹp đi vào cái thời gian của những ngày mai không có ngày mai, Thanh Tâm Tuyền đã thu gọn đời anh trong một giấc mộng. Thanh Tâm Tuyền đã vội viết “Một chủ nhật khác”. Anh ký thác, theo tôi mạn nghĩ, tất cả những tâm tư, những cảm nghĩ mà anh đã “sống”, mà anh đã dần dần đạt được qua từng chặng bước của một đời người. Thu gọn trong mấy tháng sống mộng ảo trước khi chết của một nhân vật vô hình, mà anh suy tư mộng thấy, như thật chính anh đã sống trong một giấc mộng.

 Thanh Tâm Tuyền đã sống qua trung uý Kiệt, một nhân vật “ấu trĩ”, lập dị, tuyệt vọng và luôn luôn đi tìm cái chết! Ngay từ buổi đầu khi mới làm thơ  (Tôi không còn cô độc,1956) anh đã làm thơ triết lý, anh đã bị ám ảnh bởi sự chết, một khái niệm “tự huỷ diệt”. Nhưng trong thời thanh xuân ấy (20 tuổi), triết lý cũng chỉ là một cách để phủ nhận những mâu thuẫn của thực tại và “tự huỷ diệt” vẫn chỉ là phương tiện huyền ảo nào đó để đi đến thiên đường trong sạch, không có trên cõi đời này. Đọc “Dọc đường” (truyện ngắn của Thanh Tâm Tuyền, 1966) tôi đã nhận ra lại những ưu tư trên; và “Dọc đường” cũng vậy hãy còn bập bẹ giả tạo, nặng về triết lý, nặng về kỹ thuật và lý thuyết của lối viết văn “hiện sinh”. Nhất là Thanh Tâm Tuyền vẫn tự thấy cần phải bào chữa, chứng minh, dàn cảnh và trình bày cái phi lý sinh tồn của con người, cái phi lý của xã hội việt nam xung quanh anh! Chỉ giờ đây, ở “Một chủ nhật khác”, những ám ảnh trên, những cảm nghĩ trên cùng với những nhận thức mà anh có sau về thân phận con người, về cái vở kịch tuồng đời, tất cả thật đi vào thâm tâm anh, tự tại hồn nhiên, và đưa anh đến một nhân sinh quan, một vũ trụ quan thật có trong anh: những cái nhìn tự nhiên tuyệt vọng và hư vô in sâu tận cùng tiềm thức. Những cái nhìn lần lượt nổi hiện trên màn ảnh không liên tục của một giấc mộng dài. Trên lịch trình văn nghệ, có thể nói với “Một chủ nhật khác” Thanh Tâm Tuyền như đã đến, đạt đến cái ngu của thánh hiền, cái “ấu trĩ” của người nghệ sĩ đắc đạo. Chính là ở đây, nhìn lại những gì mà tôi cho là những hoàn cảnh, những tiểu tiết không thực và đầy mâu thuẫn, những đoạn văn không đắn đo chải chuốt, tất cả đều trở nên là những trục trặc  bắt buộc phải có trong một giấc mộng, những vụng về thiết yếu, những bước đi trên đất của một con đại bàng, vì một con đại bàng cũng không mãi mãi bay ở trên từng không .

 Kiệt có những cử chỉ lẩm cẩm, những câu thơ, những nhạc khúc lẩn quẩn ám ảnh; Kiệt là hiện thân của tiềm thức trong một cơn ác ngủ chiều. “Một chủ nhật khác” đã sẩy tới đời Kiệt ở vùng nào, ở tỉnh nào, ở thời nào? Không một mái nhà với màu sắc, không một nhân vật với bộ mặt hay hình hài! Trong vòng tay của Kiệt, ta không thấy cái thể xác của Oanh, cái thể xác của Hiền hay của Ly, người đàn bà đã cùng anh truỵ lạc! Thanh Tâm Tuyền đưa chúng ta nhìn theo một ống chiếu ảnh nhẹ lướt trên những sự việc, vừa chợt ẩn hiện vừa quái dị. Nhưng khi ống chiếu ngừng lại, chúng ta cũng ngừng lại và nhìn thông suốt, qua mấy câu văn giản dị, thấy con ngưòi, sự vật dưới một khía cạnh nào sắc bén lộ ra phần nào của mặt trái. Tất cả nhân vật trở nên điển hình! Đại uý On, tượng trưng tình thần trách nhiệm hài hước giữa một xã hội đang sụp đổ. Duy và Phương, hai tia hy vọng của thế hệ, đặc biệt Duy rất “tếu” yêu đời sẽ biết bỏ cái thuyền đắm, tự cứu mình và thành công xây lại cuộc đời. Và Ly! Không gần không xa, vừa đủ đài các vừa đủ lả lơi, hiện thân trừu tượng của mối tình đàng điếm. Rồi cảnh ở nhà Thuỳ, khi nàng đánh ghen, giận dữ ruồng bỏ chồng, diễn tả như trong một vở kịch hết sức nổi hiện, hết sức hiện thực, vừa hài hước vừa bi đát! Đọc hết quyển truyện, xếp sách lại, người ta sẽ giữ rất nhiều những ấn tượng siêu hình. Cái phòng ăn của khách sạn Tây có ánh sáng chiếu qua tấm cửa kính rộng. Tiếng chân người chạy, tiếng nói ồn ào vọng lại trong đêm, báo một tai nạn báo một cái chết…Tôi nhớ cái bầu không khí trong vắt sương mai bên quán hàng cà phê buổi sáng, có những người lính mới ngủ dậy, có những người mang súng gác đêm về, với đôi mắt nửa đóng. Không có một bộ mặt nào tả rõ! Thì lại càng hiển hiện cái nụ cười nhăn nhúm của Kiệt, bộ răng vàng ớn đục và dài như trên cái sọ của thần chết. Và nhẹ nhàng rún rảy bao nhiêu là bước chân của Oanh đi tìm một chân trời khác, lìa bỏ cái địa đàng lầm than, bỏ lại đây một mối tình già trẻ, bỏ lại đây cảnh già nua và bệnh hoạn!


    Viết một quyển truyện để nói về mình, nói về cái chết của mình, nói về cái hư vô trong lòng mình. Nhưng vẫn viết một quyển truyện để nói về một thời đại, sự tiêu vong của cả một thế hệ. Viết một quyển truyện để nói về mình, nhưng vẫn nói về thế giới con người mình không biên giới, không hạn định trong thời gian. Nhắc lại những mối tình đã mất, nhớ lại những người bạn của ngày xưa hay cái hiu quạnh, cái buồn nhẹ nhàng trống rỗng của những mẩu đời thoáng hiện.

 Anh Thanh Tâm Tuyền! Chúng ta đều biết cái ranh giới mong manh giữa hư và thực. Tôi đã đọc thơ của người khi tôi say, khi tôi tỉnh, khi tôi tưởng chính tôi đương làm thơ. Có lẽ tôi vẫn hằng muốn viết một quyển truyện chưa bao giờ viết để đi sâu vào trong tâm hồn tôi. Và tôi lại nhớ có một lần nhìn một bức tranh chỉ một bông hoa, tôi chói mắt quay mặt đi, vì tôi sợ chính cái rung cảm đồng điệu này sẽ không tồn tại, sẽ không phù hợp với thực tế.

 Người ta thường nói hãy để thánh nhân nói về người đẹp! Tôi đã đọc liền hơi “Một chủ nhật khác” của anh, và tôi đã xếp sách lại hẹn một ngày xa khác nếu tôi còn đây, tôi sẽ trầm tư đọc lại. Những văn học gia, những phê bình gia sẽ đo lường anh, sẽ phân tích anh, sẽ đặt anh sao trên bực thang của Văn Nghệ? Mà cũng có những trái tim chết, những đầu óc đầy một bồ chủ nghĩa, họ giam lỏng anh trong cuộc đời, họ muốn anh sống trong thế giới của những người không sống! Tôi chỉ muốn có một chiều nào, nắng vàng rất nhẹ, trên không có mây vân cẩu, chúng ta sẽ tự tại, cùng nhau uống rượu quỳnh hương dưới một cây tùng.

Ôi!

…….

"Câu chuyện Tầm Dương hồ dễ kịp

Hình dong biến mất??? Giọng kia còn?…"

(Bùi Giáng)


Montréal  tháng 1-1985

Ngô văn Tao

http://www.gio-o.com/ngovantao.html

© 2006 gio-o
  

Thủ Bút của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền