phot: Lê Thị Quế Hương

Mộc Giai

 

Văn Học và Nghệ Thuật Chính Thống

 

                    Đời sống văn học nghệ thuật thường phát triển đi đôi với đời sống kinh tế. Khi kinh tế xã hội phát triển với tốc độ của máy móc, hưởng thụ khoa học kỹ thuật nước người,  tiếp thu vốn đầu tư của tập đoàn tài phiệt thế giới, xã  hội trở nên xa hoa vật chất, xuất hiện một tầng lớp thượng lưu của những kẻ thời cơ mới giàu, đời sống văn học nghệ thuật của dân tộc không tránh được cảnh ồn ào thị trường, bóng bảy lai căng.

 

            Ở Việt Nam, chúng ta  còn có vấn đề là chúng ta đang sống trong một chính thể có chủ nghĩa, ý thức hệ (ideology), mà triết học Trung Hoa còn có danh từ khác là ý thức hình thái. Nhà triết học Trung Hoa : Trương Nhữ Luân(1)  nhận định, ý thức hình thái điển hình, chính là  Mác xít xã hội chủ nghĩa trong chính sách chính trị của nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam), những tư tuởng triết lý xã hội của Karl Marx bị đóng cứng, trở nên giáo điều cho xã hội. Cũng theo Trương Nhữ Luân, Karl Marx đã nhiều lần gián tiếp nhấn mạnh rằng nếu Mác xít xã hội chủ nghĩa trở nên ý thức hình thái, thì không còn là tư tưởng của ông nữa. Triết lý chân chính phải xây dựng trên những khái niệm sinh động, những tư tưởng có khả năng thay biến để khải thị và sáng tạo; và nếu triết lý có cơ sở khoa học, thì vì triết lý cũng là sự dấn thân vượt khỏi bản ngã để lý luận khách quan tìm hiểu chân nguyên của sự vật. Triết lý cũng có thể là thi ca nữa, trong cái nghĩa hình nhi thượng, tự đặt câu hỏi muôn đời của nhân loại, thế nào là nhân sinh bản thể, thế nào là trầm luân trong bể khổ mà vọng tưởng đến sự toàn thiện, thăng hoa và tân tiến…Ở Việt Nam, xã hội chủ nghĩa ý thức hệ còn có mệnh danh là duy vật khoa học xã hội chủ nghĩa, thu nhận mọi thành quả  khoa học kỹ thuật để tự khẳng định là một hệ thống độc tôn trong sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá kinh tế xã hội của dân tộc. Với những thành tích hiển nhiên của khoa học và kỹ thuật -thật ra cũng ẩn tiềm nhiều hiểm hoạ cho mai sau- xã hội kinh tế một chốc thịnh vượng, xã hội chủ nghĩa  lại càng có bàn đạp để thống trị và chi phối xã hội Việt Nam một cách toàn diện, xếp đặt ngay cả một nền Văn học nghệ thuật chính thống.

 

            Một hệ thống văn nghệ -mà cứu cánh xã hội chính trị để đi được đến đâu ta không bàn ở đây- theo chỉ đạo tuyên huấn của Đảng, của Nhà Nước với những châm ngôn tư tưởng đóng khung trên đầu các cán bộ văn hoá, với những giáo điều đạo đức lão thành hương nguyện, bình dân đại chúng,lạc quan chủ nghĩa: có thể xây dựng một địa đàng hạnh phúc cho nhân loại. Một nền văn học nghệ thuật phủ nhận sinh mệnh của nghệ thuật và thi ca, luôn luôn cởi mở và tìm hiểu, từ bỏ mọi ràng buộc tư tưởng, khắc khoải tự vấn bản thân và xã hội, thông cảm những đau thương và mất mát….

 

            Nằm trong khung tư tưởng đóng hộp, văn nghệ Việt Nam làm sao có sinh lực. “Nhà văn Việt Nam đều chết yểu!”, những cán bộ văn hoá đảng viên lão thành, những học giả trường quy hương nguyện đồng thanh than vãn. Than vãn nhưng không một ai có can đảm thẳng thắn tự hỏi nguyên nhân là đâu. “Nhà văn Việt Nam chết yểu!”  vì không một nghệ sĩ nào có thể tiếp tục sáng tác lâu dài trên  một đường rầy tư tưởng. Và vì nữa, nếu có nhà văn nào dám bước ra ngoài cương lĩnh tư tưởng chính thống, nhà văn đó tức khắc bị chỉ điểm, cô lập, đẩy lùi vào trong bóng tối, tác phẩm mới và cũ đều không được in hành phổ biến, không một diễn đàn nào còn nhắc nhở đến tên. Đây chắc phải là trường hợp của Dương Thu Hương, nhà văn mà tên tuổi cùng những tác phẩm sáng giá như đã bị xoá bỏ trong văn học.

 

            Đời sống văn nghệ không có sinh lực cũng là đời sống văn nghệ không có trao đổi tư tưởng, không có lý luận phê bình chính đáng. Hậu quả tai hại nhất là quần chúng không được hướng dẫn, con em không được học hỏi, vàng thau lẫn lộn, không biết  đâu là hay là dở. Ở Hà Nội, Viện bảo tàng mỹ thuật quốc gia trưng bầy những tượng hình sao chép bên những báu vật vô giá, những bức tranh của nghệ nhân, của những hoạ sĩ bất tài bên những tác phẩm của những danh hoạ sĩ bực thầy, khi chỉ những tác phẩm này mới thật đáng được suy tôn , gìn giữ như di sản của dân tộc. Trên những tạp chí, cơ quan ngôn luận của hội nhà văn, những bài giới thiệu phê bình đều là những lời khen chê vu vơ về những tác giả không cần nói đến, nhà thơ này đã in ra một quyển thơ đôn hậu, có thành tích cách mạng, có lời hay ý đẹp, reo vần rất đúng, hạ câu nhẹ nhàng…, nhà văn kia tiêu cực viết ra một quyển truyện  tả những thối nát của xã hội, không có ý thức trách nhiệm xã hội chỉ biết nhìn thấy cái xấu mà không thấy cái đẹp v.v….

 

            Cụ thể như gần đây, đọc những bài tham luận văn học ở các tạp chí,  người ta có cảm tưởng rằng đương có một cuộc sống, nhưng đây nữa, không khác gì buổi hội thảo của hội nhà Văn năm 2003 ở Tam Đảo với đề tài “Lý luận Phê Bình”,  chỉ là một cuộc múa rối không dám bàn sự thật. Người ta tham luận trên những phán đoán của ba nhà văn Nguyên Ngọc, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp rằng thi ca Việt Nam hiện đại không bình định(?),không chân thật, nhà văn Việt Nam hiện đại thiếu học, không biết sinh ngữ và cần đi học viết văn. Người ta  tham luận trên những nhận xét độc đoán đó và không  ai đặt câu hỏi có thể có không sáng tác nghệ thuật, có thể có không một giòng thi ca trong buổi giao thời đổi mới này, trắng không ra trắng, đen không ra đen, mà nếu có thì thế nào mới là thi ca, thế nào mới là sáng tác nghệ thuật của thời đại! Riêng ra phán đoán như trên, và cũng chỉ với những lời tham luận vu vơ, chung chung, không cơ sở,  ba nhà văn chắc đã muốn đóng vai bô lão đình làng, nhưng thật ra tự tôn thì ít mặc cảm tự ti thì nhiều. Nguyên Ngọc, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, ba nhà văn phải tự biết chính mình đã thoả hiệp an lạc trong cuộc đời hay đã phải tự thấy mình cằn cỗi rồi, đứng mãi một chỗ hay đi mãi một đường rầy, để lắng nghe và tìm hiểu tiếng nói sôi nổi của tuổi trẻ nào đó đang lên.

 

            Vấn đề không phải là đi dạo trên đường Đồng Khởi-Sài Gòn ngắm nhìn những bức tranh nghệ thuật có tính cách thương mại, hay chứng kiến những hội thảo, những dạ hội văn nghệ truyền thông đại chúng. Vấn đề không phải là đọc những trang tiểu thuyết được giải thưởng của hội nhà văn, đọc những bài lý luận phê bình hay những bài thơ ngẫu hứng trên trang văn học của các tạp chí, cơ quan ngôn luận chính thống của các hội đoàn. Và như thế tất cả để nhận định văn nghệ Việt Nam đi về đâu, thi ca Việt Nam có còn ý nghĩa hay không. Nghệ thuật, thi ca là tiềm lực của con người, của dân tộc. Người Việt Nam còn, thì sẽ còn có Truyện Kiều. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trong thời tao loạn hưng phế của ba triều đại, nhà Lê, nhà Nguyễn Tây Sơn, nhà Nguyễn Gia Long; nhưng Truyện Kiều  nói về tình đời và tình người trong cái nhìn từ một khung trời xa khác và chỉ thật phổ biến đến quần chúng hơn một thế kỷ sau. Bây giờ, chúng ta có lẽ chỉ còn biết chờ đợi và lắng nghe. Chúng ta có thể tự nhủ chúng ta đón đợi gì! Chúng ta đón đợi một tiếng nói vang dội, một tác phẩm nghệ thuật chân chính tiềm ẩn để chúng ta tiếp nhận và khẳng định bản thân trước hố thẳm hư vô. Trên toàn diện thế giới, người ta đang sống trong khủng hoảng tinh thần trước sự thống trị của khoa học và kỹ thuật, trước sức mạnh cơ giới vô cùng bạo lực đàn áp con người…Những triết học gia Âu Châu nhận định người ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử, tư tưởng và nghệ thuật Hậu Hiện Đại, giải cấu và phê phán. Phê phán hết, phê phán ngay cả những phê phán để phản tỉnh vượt qua Hư Vô chủ nghĩa, cảm nhận thử tại, thử tại bi tráng của con người. Ở Việt Nam, chúng ta cũng gián tiếp đi dần vào thời kỳ phản tỉnh. Tiếng trả lời: “Tôi là thằng ngố!” của giáo sư triết học Boudarel(2) đã gián tiếp âm vang trong lòng của nhiều người, nhìn lại cụộc đời với những hy sinh, những thử thách và mất mát, để phản tỉnh  trước sự phá sản của mọi chủ nghĩa. Người nghệ sĩ đi tới, mà chúng ta chờ đợi, lật đổ những thần tượng, san phẳng những tượng đài, tìm những viến đá quý trong lâu đài đổ vỡ để xây dựng lại trên nền móng mới ngôi nhà của nghệ thuật, ngôi nhà của thi ca. Người nghệ sĩ vì chúng ta đẩy lùi hư vô, đẩy lùi ngay cà cái chết!

 

Tháng 4.2004

Mộc Giai

           

(1)Trương Nhữ Luân : Tư khảo dữ phê phán

sách triết học bằng Trung Văn, Thượng Hải Tam Liên Thư Điếm xuất bản năm 1999. ISBN 7-5426-1186-0

 

(2)”J’étais un idiot!” Câu trả lời của Boudarel, giáo sư triết học người Pháp, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống thực dân Pháp, sau hơn ba mươi năm hoạt động trong Đệ Tam Quốc Tế, bôn-xê-vít, Stalinít.