NGUYỄN THẾ ANH

CÁC HỘI KÍN:
Một Vài Suy Nghĩ Về Triều Đình Huế và
Chính Quyền tại Nam Kỳ Vào Lúc Sắp Có
Sự Băng Hà Của Vua Tự Đức (1882-1883)

NGÔ BẮC dịch

 

Ông Nguyễn Thế Anh nguyên là Giáo Sư Sử Ký tại Đại Học Sàigòn và Viện Trưởng Viện Đại Học Huế và nay đang là nhà nghiên cứu tại Centre National de la Recherche Scientifique (Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học)  (Paris).  Các ấn phẩm gồm có tác phẩm hàng đầu về lịch sử kinh tế của Việt Nam trong thế kỷ thứ mười chín (viết bằng tiếng Việt) và quyển Thư Tịch Phê Bình Về Các Quan Hệ giữa Việt Nam và Tây Phương.

Với Hiệp Ước năm 1874, Triều đình Huế sau hết tự mình ký kết lần nữa để nhìn nhận sự sáp nhập của Pháp sáu tỉnh Nam Kỳ, mặc dù trong tư tưởng của vua Tự Đức việc này không bao giờ được xem là gì khác hơn một giải pháp tạm thời: trong thực tế, vị hoàng đế Việt Nam, cho đến lúc băng hà vào tháng Bẩy 1883, chưa bao giờ từ bỏ hy vọng dành được sự hoàn trả vùng lãnh thổ đã mất.  Tuy nhiên, do hậu quả của sự phê chuẩn hiệp ước của Triều Đình, cuộc kháng chiến vũ trang chống lại sự đô hộ của Pháp trên đất Nam Kỳ đã mau chóng bị tàn lụi vào cuối thập niên 1870, đến mức mà viên thống đốc dân sự Pháp đầu tiên của Nam Kỳ, Le Myre de Vilers, đã tin tưởng rằng giai đoạn giao chiến của sự chiếm đóng của Pháp nhất định sẽ sớm đến hồi kết liễu, và đã báo cáo lên Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc Địa hôm 12 tháng Bảy năm 1879 rằng: “ […] không có dấu hiệu lo lắng hay xáo trộn khiến chúng ta e ngai.về bất kỳ phong trào thù nghịch nào phát sinh từ dân bản xứ.  Toàn thể dân chúng đã phục tùng, nếu đã không hoàn toàn hòa giải và, ngoại trừ dưới những tình huống không thể tiên đoán được, tôi không nghĩ từ giờ trở đi sẽ có bất kỳ sự phản kháng nghiêm trọng nào tại Nam Kỳ “ (1).   Ngoài ra, sau một thời kỳ dài của chính quyền quân sự dưới quyền các Đô Đốc-Thống Đốc, sự tuyên cáo một chính phủ dân sự tại Nam Kỳ, và sự bãi bỏ mặc nhiên các biện pháp bất thường, khiến cho nhà cầm quyền càng cẩn mật hơn về các hoạt động khuynh đảo và từ đó sẵn sàng hơn để diệt trừ sự nổi loạn ngay từ trong trứng.  Le Myre de Vilers đã viết lên Bộ Trưởng hôm 23 tháng Tư năm 1880: “[…] Tôi nhận thức sự kiện rằng, nếu một cuộc khởi nghĩa bùng nổ, không thể nào sai lầm được khi gán [cho nó đã xảy ra vì] sự thay đổi chế độ, nó sẽ ám chỉ sự chống đối lại quyết định mà ông đã lấy và sự chỉ trích niềm tin mà ông đã đặt ở nơi tôi […]” (2). Đặc biệt, các trưởng cơ quan hành chánh địa phương đã được chỉ thị để mắt theo dõi hành vi của các cá nhân bị nghi ngờ là hội viên của các hội kín.

Nam Kỳ, trong truyền thống là nơi ẩn náu của các di dân Trung Hoa chạy trốn khỏi xứ sở của họ vì các lý do chính trị hay kinh tế, cũng là nơi chứng kiến sự sinh sôi nẩy nở của các hội kín có căn cứ tại vùng đô thị Trung Hoa, đặc biệt là Hội Tam Hiệp (Triad Society: Sanhe Hui) và các chi nhánh khác nhau của nó, thường được gọi dưới các danh xưng như  Nghĩa Hòa Hội (I Ho Hui) hay Thiên Địa Hội (T’ien Ti Hui).  Nhưng các hoạt động bí mật chống lại chế độ Mãn Châu không còn là mục đích chính của Tam Hiệp Hội và các hội viên cấp thừa hành bên dưới ngày càng hướng đến các thủ đoạn phạm pháp để tự sinh tồn; và, bởi vì bản chất của hội kín là từ chốI thẩm quyền và trật tự xã hộI đã được thiết lập, pháp chế của các hoàng đế nhà Nguyễn loan báo sự gia nhập thành hôi viên là phạm phải tội mưu phản (mou p’an) có thể bị trừng trị bằng hình phạt tử hình (3).  Tuy thế, hậu bán thế kỷ thứ mười chín đã chứng kiến một sự gia tăng các sự xáo trộn gây ra bởi các hôi viên Tam Hiệp Hội, bởi vì, trong khi Nam Kỳ bị chiếm đóng bởi quân Pháp, nhiều phong trào khác nhau của cuộc đấu tranh chống quân Pháp, nếu họ không hoàn toàn rập khuôn theo sự tổ chức của của các hôi kín, đều có ước muốn thông chuyển các lực lượng của họ chống lại sự hiện diện của Pháp.  Mặc dù bị ràng buộc bởi hiệp ước năm 1874 đòi đình chỉ chính sách tuyển mộ các “nghĩa quân yêu nước tình nguyện” từ các tỉnh Nam Kỳ, Triều đình Huế xem ra cũng cảm thấy ít gờm tởm hơn về việc thuê mướn dịch vụ của Hội Tam Hiệp nhằm ngăn trở sự củng cố chính quyền Pháp; giờ đây tùy thuộc nơi các thống đốc người Pháp trong việc áp dụng các điều khoản của bộ luật Hoàng Việt của triều Nguyễn để kiềm chế các hội kín và duy trì trật tự.  Một quy chế đặc biệt chi phối người Trung Hoa sinh sống tại Nam Kỳ, được gọi là quy chế bang hội, và dành cho họ quyền tự trị nội bộ rộng rãi, là một tình trạng thuận lợi khác để tuyển mộ các hội viên mới, là những người nói chung thuộc tầng lớp pham pháp hạ lưu và là những kẻ hướng nhìn các người cầm đầu Hôi Tam Hiệp để mong có sự trợ giúp trong các vấn đề kinh tế hay pháp lý tiên liệu sẽ xảy ra.  Chính vì thế, Nghĩa Hòa Hôi phát triển ở bất kỳ nơi nào có đông di dân Trung Hoa nhất, tại Sàigòn-Chợ Lớn, hay tại quận Sóc Trăng, nơi hai phần ba dân gốc Trung Hoa trong số 10,000 người thuộc vào “bang” Triều Châu (Ch’aochou), và số còn lại thuộc hai bang Phúc Kiến và Quảng Đông.  Sức mạnh gia tăng của họ khiến cho các hội viên Tam Hiệp ít cẩn trọng hơn và họ đã dùng thủ đoạn thường xuyên hơn để tống tiền và cướp bóc: sau năm 1880, miền tây Nam Kỳ đã khốn khổ trong mọi mùa khô bởi nhiều hành vi phạm pháp của họ.

Trong năm 1882 ánh sáng đã chiếu rọi vào sự liên hệ chính trị của các hội kín, với các sự phát triển mới sau khi xẩy ra vụ Bắc Kỳ (affaire du Tonkin). Được phái đi cùng với một lực lượng viễn chinh để hành quân chống lại quân Cờ Đen tại thung lũng sông Hồng, đáp ứng lời thỉnh cầu rằng sự an toàn của các kiều dân Pháp tại Bắc Kỳ bị đe dọa. Thiếu Tá Henri Rivière đã rời Sài gòn hôm 26 tháng Ba năm 1882; một tháng sau đó, ông ta chiếm giữ thành Hà Nội.  Không muốn mạo hiểm trong một cuộc tranh chấp công khai, hoàng đế Tự Đức đã phái xuống Sàigòn viên phụ tá Thượng Thư Bộ Tài Chánh (Bộ Hộ?), Nguyễn Thành Y, để cố gắng đạt tới một sự thu xếp với viên Thống Đốc Nam Kỳ.  Nhưng Le Myre de Vilers nghi ngờ ông Nguyễn Thành Y, người đã từng là lãnh sự đại diện Triều Đình Huế tại Sài gòn cho đến năm 1881, và là người còn giữ nhiều liên hệ với Sàigòn, Chợ Lớn và Mỹ Tho, đã được ủy nhiệm bởi chính quyền của ông ấy với nhiệm vụ bí mật nhằm xúi dục nổi dậy và chiêu mộ nghĩa quân chiến đấu (4).  Bằng chứng khác cho các nỗ lực của Triều Đình Huế muốn khuấy động các sự khó khăn cho nhà cầm quyền Pháp tại Nam Kỳ được cung cấp bởi đã xảy ra cùng lúc trong tháng Năm nhiều biến cố nghiêm trọng (5).  Tại tỉnh Sóc Trăng, sự khám phá các phiên họp thường xuyên giữa các hội viên Trung Hoa trong “bang” Triều Châu, bao gồm cả bang trưởng tại Bãi Xàu, đưa đến sự bắt giữ những người bị nghi ngờ đóng một vai trò tích cực trong sự tổ chức các hội kín; nhiều người là các điền chủ hay thương gia giàu có, và tại nhà một người trong họ các huy hiệu của hội Tam Hiệp như ấn tín và gậy chỉ huy được tìm thấy.  Tại tỉnh Cần Thơ, các kỳ mục của xã Tân Quới đều được tin là các hội viên của hội Tam Hiệp.  Các bản án tử hình dành cho hai gián điệp của quan cai trị người Pháp được niêm yết tại ngôi chùa làng, có ký tên bởi một “lãnh binh” (chức vụ chỉ huy binh sĩ).  Tại nhiều làng xã trong tỉnh Sa Đéc, không chỉ các viên chức cầm đầu xã và kỳ mục trong xã là hội viên của Hội Tam Hiệp, mà họ còn gắng sức dùng ảnh hưởng của mình để ép buộc người dân gia nhập; họ được trợ lực trong việc này bởi các cá nhân đến từ Vĩnh Long, trong đó một số “nhân vật khởi nghĩa cũ” nào đó đã được phát giác bởi nhà cầm quyền (6).  Tại tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên, các trường hợp tương đồng cũng được phát hiện.  Tại Chợ Lớn, sự tố giác của “bang” Phúc Kiến đã đưa đến sự bắt giữ chủ soái hội Tam Hiệp, Trần Tang (hay Tăng?).

Sự phát hiện các trung tâm nổi loạn khác nhau bổ sung cho sự tin tưởng của Thống Đốc Nam Kỳ rằng một phong trào nổi dậy sâu rộng đang hình thành.  Tin rằng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng, Le Myre de Vilers đã vội vã đến Sóc Trăng để đích thân xem xét những gì đã xảy ra và tự mình mở cuộc thẩm vấn.  Nhằm diệt trừ tận gốc âm mưu, ông ta đã quyết định áp dụng sự trừng phạt nghiêm khắc.  Chiếu theo điều 3 sắc lệnh ngày 25 tháng Năm ủy quyền cho Thống Đốc thẩm quyền trấn áp các tôi phạm đặc biệt, Le Myre de Vilers đã ban hành từ ngày 9 tháng Sáu đến 25 tháng Bảy 1882 một số các quyết định, cho lưu đầy ra ngục đảo Côn Sơn (Poulo Condore) vào khoảng năm mươi người bị truy tố vì có liên hệ với Hôi Tam Hiệp và tịch thu tài sản của họ.

Chiếu đúng theo luật pháp, việc trừng phạt thì khó khăn hơn đối với các công đồng – chẳng hạn “các bang hội” Trung Hoa và các làng xã Việt Nam --  bởi thiếu bằng cớ cụ thể.  Tuy nhiên, quan sát thấy trong thực tế mọi hội viên Tam Hiệp Hôi đều từ “bang” Triều Châu, và rằng mục tiêu chính của Tam Hiệp Hôi là nhằm thu thập các nguồn tài chánh bằng cách cướp bóc và chiêu dụng người, Le Myre de Vilers đã đi đến kết luận rằng cách thức hay nhất để chấm dứt các thủ đoạn nguy hiểm này sẽ là việc áp đặt lên “bang” Triều Châu các khoản phạt tiền nặng nề, sẽ dùng để thiết lập một sở cảnh sát đặc biệt.  Do đó, hai sắc lệnh đã được ban hành bởi Thống Đốc vào ngày 9 tháng Sáu năm 1882 (7).  Sắc lệnh đầu tiên tuyên bố rằng các xáo trộn gần đây tại Nam Kỳ hầu như hoàn toàn gây ra bởi các người Trung Hoa thuộc “bang” Triều Châu, là bang hôi đã lơ là trong việc kiểm soát các hội viên của nó, và đã cho phép nhập cảnh vào Nam Kỳ các kẻ lưu manh vốn bị trục xuất từ Trung Hoa hay từ các thuộc địa lân cận; để đáp ứng với chi phí cảnh sát bất thường cần có để dẹp các cuộc nổi loạn, xáo trộn trật tự và cướp bóc, các khoản phát tiền sau đây được áp đặt trên các “bang hôi” Triều Châu khác nhau: 5,000 đồng đối với Chợ Lớn, 1,500 cho Sàigòn, và 500 cho Cần Thơ.  Sắc lệnh thứ nhì thành lập một lực lượng cảnh sát gồm 30 người tại quận Sóc Trăng, và “các bang hội” Triều Châu tại Sóc Trăng, Bạc-Liêu và Bài Xàu lần lượt phải đóng 1,440, 1440 và 720 đồng để chi phí cho lương bổng và đồ trang bị của họ.  Ngoài ra, nhằm mục đích kiểm soát hành chánh chặt chẽ hơn, lãnh thổ của Bạc Liêu được tách ra khỏi quận Sóc Trăng và được đặt dưới quyền quản trri của một nhà hành chánh riêng biệt trong tháng Bảy 1882.  Một sự trừng phạt tập thể tương tự cũng được áp dụng theo một sắc lệnh đề ngày 17 tháng Sáu năm 1882 đối với “các bang hội” Triều Châu tại Sa Đéc, Trà Vinh và Vĩnh Long, lần lượt phải đóng 750, 1,000 và 500 đồng cho kinh phí cảnh sát bất thường.  Cùng quyết định này đã áp đặt một khoản phạt là 2,000 đồng trên dân chúng làng Tân Quới tại tỉnh Cần Thơ; ngôi chùa làng, được xem là địa điểm nhóm họp của các hôi viên hội Tam Hiệp, đã bị đóng cửa, với mệnh lệnh cho người dân trong làng phải gìn giữ nó khỏi hư hỏng.

Các hành động khắc nghiệt đưa ra bởi Thống Đốc làm các “bang hôi” Trung Hoa lo ngại trong nhất thời, bởi họ lo sợ rằng các hoạt động kinh tế của họ có thể bị cắt giảm.  Họ có đưa ra một số hành vi nào đó với ý định phô bày cho nhà cầm quyền rằng họ không chấp nhận các hộI kín; chẳng hạn như “các hôi kín” Triều Châu trong Chợ Lớn đã mời gọi chính quyền hãy tịch thu và bán đấu giá ngôi nhà số 127-129 đường Lareynière trong Chợ Lớn, là nơi mà các hội viên của Nghĩa Hòa Hôi thường tụ họp.

Bất kể đến tính chất bất thường của nó, chính sách của Le Myre de Vilers đã được phê chuẩn bởi Bộ Thuộc Đia (8).  Tuy nhiên, các biện pháp tài chính nêu ở trên đã khơi dậy một số sự tranh luận trong chính hội đồng của Thống Đốc, các kẻ chỉ trích tuyên bố rằng, để có một căn bản hợp pháp, các khoản phạt phải được chấp thuận bởi Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial) mới được thành lập, cơ quan duy nhất được quy định có thẩm quyền đánh các sắc thuế mới.  Chúng ta không được quên sự kiện rằng các khoản phạt đã tượng trưng cho một số lượng tiền to lớn, khi mà giá một con trâu tại Sóc Trăng chỉ đáng giá có năm đồng.  Hậu quả, để hợp thức hóa quan điểm, một sắc lệnh đã phải được ký bởi Tổng Thống nước Pháp vào ngày 5 tháng Mười năm 1882, ủy quyền cho Thống Đốc Nam Kỳ, trong trường hợp xáo trộn, mưu loạn hay phản loạn, được áp đặt trên các làng xã nơi mà sự vi phạm luật lệ đã xảy ra hay trên “các bang hội” hay cộng đồng có các hội viên tham dự vào việc vi phạm pháp luật, một khoản thu đặc biệt để trả cho các biện pháp đàn áp hay phòng ngừa (9).  Chính vì thế, kết quả quan trọng nhất của các phong trào dấy loạn bởi các hôi kín năm 1882 chính là một sự tăng cường quan trọng các thẩm quyền cho viên Thống Đốc Nam Kỳ.

Có một sự lắng dịu các thủ đoạn bất hợp pháp trong một khoảng thời gian và Le Myre de Vilers đã nghĩ rằng có thể giải tán vào ngày 1 tháng 1 năm 1883 lực lượng cảnh sát mà ông vừa thành lập tại Sóc Trăng (10).  Nhưng sự lạc quan của ông ta không kéo dài; điều sớm được chứng tỏ là Hội Tam Hiệp không hề giải giới và, có lẽ được gợi ý bởi ủy ban điều khiển của nó tại thành phố Quảng Châu (Trung Hoa), lại tróc nã tiền quyên tặng để trợ giúp cho những người bị bắt giữ (11).  Cũng có vẻ rằng các giáo phái chính tri chẳng hạn như Đạo Lành (the Beneficent Path), đã rất tích cực từ giữa thập niên 1870 và có liên kết vào sự truyền đạo của họ lời kêu gọi nổi dậy chống quân Phap, một lần nữa tỏ lộ dấu hiệu phục hoạt.  Các lời đồn đãi rằng Năm Thiệp, một lãnh tụ của Đạo Lành đã khuấy động một cuộc khởi nghĩa tại tỉnh Mỹ Tho năm 1878, đang nương náu tại làng An Định, dọc kinh Hà Tiên, phía tây rặng núi Thất Sơn, nơi mà ông ta lập lại sự tuyên truyền của ông, tuyên cáo rằng sự tái lập đế quốc cho các vị vua Việt Nam chính thống  sẽ biến đổi đất nước thành một dịa đàng [Eden trong nguyên bản, có nghĩa một thiên đường trên địa giới, chú của người dịch] (12).  Hơn nữa, Triều Đình Huế gia tăng các hoạt động của mình: lãnh sự của họ tại Sàigòn cố gắng gây thêm công quỹ bằng cách rao bán các chức tước hàm và giữ tiếp xúc chặt chẽ với các người trung thành là những kẻ đã thông tin cho họ các diễn tiến ở từng địa phương tại Nam Kỳ; sự phân phối các vũ khí và đạn dược bị cấm đoán đã tạo ra được động lực; các sứ giả của hoàng triều được phái đến các tỉnh, một số người trong họ, là những lãnh tụ kháng chiến trước đây, như Lê Văn Viên, đã trốn ra Huế năm 1869 và dã quay trở lại với tước hiệu An Hà Hồ Đốc (Tổng Đốc các tỉnh Châu Đốc và Hà Tiên), đã làm việc tổ chức, cùng với các hôi viên của Hôi Tam Hiệp Việt nam, một phong trào nổi dậy tại miền Tây Nam Kỳ (13), trong khi những sự chuẩn bị quân sự rõ ràng được thực hiện tại tỉnh ranh giới Bình Thuận để đe dọa các tỉnh do người Pháp kiểm soát tại Bà Ria và Biên Hòa.  Tuy nhiên, sự cảnh giác của nhà cầm quyền Pháp đã bóp chết mọi mưu toan nghiêm trọng để nổi dậy.  Trong tháng Mười Hai, Nguyễn Trung Kỳ, con trai nhà lãnh tụ kháng chiến Nguyễn Trung Trực đã tấn công Rạch Giá năm 1868, bị bắt giữ tại Châu Đốc với tất cả các huy hiệu của cuộc phản kháng, các sắc phong của hoàng triều, các gậy chỉ huy, v.v… ; tại Biên Hòa, một thầy pháp, Lâm Văn Giêng, được xét thấy có giữ một lá cờ mang danh tự của Đại Thống Lĩnh Bắc Kỳ (?)(Grand Master of Tonkin), một thanh kiếm và một ấn tín phong làm Đô Đốc (chức mà theo các lời tuyên bố của ông ta đã được ủy nhiệm cho ông ta bởi một vị quan đến từ ngoài Bắc Việt) bị cáo buộc với tội âm mưu phản loạn nghiêm trọng (14).

Le Myre de Vilers, mặc dù tin tưởng rằng đội quân dưới quyền điều động của ông đủ đông để duy trì sự thống trị của Pháp, cảm thấy bắt buộc phải có một cái nhìn đen tối về tình hình, đặc biệt sau khi sự triệu hồi ông về Pháp, theo lời thỉnh cầu của chính ông, được loan báo [một số tài liệu khác nói rằng Le Myre de Vilers bị bãi nhiệm, chú của người dịch].  Ông đã viết một báo cáo dài khác lên Bộ Trưởng Thuộc Địa, vào lúc bắt đầu năm 1883: “[…] Không phải ở Bắc Kỳ, mà là ở Nam Kỳ, nơi mà chúng tôi bắt buộc phải bảo đảm an ninh, mới là chốn mà trong các tình huống hiện tại Chính Phủ Cộng Hòa sẽ phải đối diện với các khó khăn nghiêm trọng […]  Tôi ngờ rằng Triều Đình Huế, trừ khi nó nhận được sự trợ giúp từ Trung Hoa và các hội kín, sẽ theo đuổi đến cùng các dự án hiếu chiến của nó, nhưng nó sẽ cố gắng từ giờ trở đi để khích động lớp dân chúng yên hàn của chúng ta và sẽ làm mọi điều để đạt được mục tiêu đó.  Tôi đã theo dõi phong trào này trong ba tháng; ý định của tôi là tiến hành việc thực hiện sự bắt giữ chỉ ngay vào lúc sắp sửa thực hiện, hầu tìm được các bằng chứng hiển hiện cho phép tôi có được các sự truy tố theo thủ tục tư pháp thông thường, và không phải viện dẫn đến các biện pháp hành chính bất thường.  Nhưng giờ đây tôi nghĩ sẽ là điều nguy hiểm để lại cho người kế nhiệm tôi phải giải quyết một tình trạng tế nhị đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức toàn hảo về xứ sở […]  Các thành lũy tại Bà Rịa và Biên Hòa đã được đặt trong một vị thế phòng thủ; các đôi quân đồn trú của chúng đã được trang bị đầy đủ hỏa lực.  Tôi đã ra lệnh bắt giữ, chính yếu là tại các quận Biên Hòa, Bà Rịa và Chợ Lớn, 150 cá nhân bị tố cáo về các tội phạm từ ăn xin đến âm mưu phản loạn nghiêm trọng.  Chúng tôi đã tịch thu một số lượng lớn gươm, giáo, dao rựa, đồng phục quân chiến đấu, cờ, ấn tín và các sắc phong -- tất cả các tang vật của sự nổi loạn.

“[…] Các hội kín được tổ chức vững chắc đến nỗi không thể xâm nhập vào các âm mưu của chúng trước khi chúng bắt đầu được thực hiện, nhưng mọI điều đều quy kết về giả định rằng họ đang chuẩn bị cho mùa khô đúng theo các chỉ thị đến từ thành phố Quảng Châu [bên Trung Hoa, chú của người dịch].  Đây là lần đầu tiên có yếu tố ngoại quốc can thiệp một cách tích cực vào các sự rắc rối và sự  cụ thể hóa mối đe dọa không phải là không có sự trầm trọng, bởi chúng ta có tại Căm Bốt và Nam Kỳ hơn 100,000 phu thợ (coolies) có lý lịch không rõ ràng đối với chúng ta.  Các biện pháp mà tôi đã từng chấp nhận có bản chất bảo đảm an ninh cho vài tuần lễ […] nhưng, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta không thể được sửa đổi và chúng ta [đang] gửi quân lính sang Bắc Việt, các sự rắc rối nghiêm trọng sẽ có thể né tránh được sau Tết (năm mới theo âm lịch), trong mùa khô, chỉ khi nào mà chúng ta duy trì sự cảnh giác không ngừng và trấn áp được các mưu toan nổi loạn ngay tại nguồn gốc của chúng, trước khi trật tự công cộng bị xáo trộn” (15).

Xử lý thường vụ [Khâm Sứ] Pháp tại Huế, Rheinart, tuy thế đã vạch ra rằng Triều Đình Huế, nếu có thể làm được, sẽ lựa chọn việc né tránh một sự đụng độ trực tiếp với người Pháp.  Hoàng đế [Việt Nam], bởi có tính nhu nhược và sức khỏe đau yếu, sẽ không có thể chịu đựng áp lực của chiến tranh; ngoài ra, Hoàng Thái Hậu nay rất già và các sự hy sinh phải được thực hiện để bà ta có thể chết đi trong hòa bình (16).  Bởi thế, để giải quyết vấn đề Bắc Việt, Triều Đình Huế sẽ muốn hành động xuyên qua các người thứ ba, dựa vào sự đe dọa của các binh sĩ hoàng gia Trung Hoa và các toán quân Cờ Đen tại Bắc Kỳ và sự lo ngại gây ra bởi sự bất ổn chính trị tại Nam Kỳ.  Để kích thích sự quan tâm của Trung Hoa tại Bắc Kỳ, Triều Đình Huế đã quyết định nhường cho Chiêu Thương Cục Trung Hoa (China Merchants’ Steam Navigation Company: Công Ty Thương Thuyền Chạy Bằng Hơi của Trung Hoa) hải cảng Hòn Gay, với quyền khai thác các mỏ than đá gần đó; sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc tấn công và chiếm giữ Hòn Gay hôm 12 tháng Ba năm 1883 bởi binh lính của Henri Rivière.  Một trong những cổ đông của Chiêu Thương Cục Trung Hoa chính là phó vương (tổng đốc) tỉnh Quảng Đông, là người mà chính phủ nước Pháp biết là đã khuyến khích, bằng các phương pháp bí mật, các nỗ lực của Hội Tam Hiệp để tuyển mộ các hội viên mới tại Nam Kỳ.

Dưới những tình huống này, tòa lãnh sự của Việt Nam tại Sàigòn đã trở thành đối tượng của sự canh chừng chặt chẽ, bởi vì nó được xem là đứng đằng sau mọi âm mưu chính trị tại Nam Kỳ.  Charles Thomson, người kế nhiệm Le Myre de Vilers làm Thống Đốc, không có chút nghi ngờ gì về việc đó khi, vào ngày 18 tháng Năm 1883, Nguyễn Thành Y, được biết bởi người Pháp là có sự thông minh đáng kể, sự tận tụy của ông đối với hoàng gia và lòng yêu nước cuồng tín, đã đến Sàigòn để thay thế cho nguyên lãnh sự Nguyễn Lập.  Thomson đã báo cáo về nước “[…] không có gì để nghi ngờ rằng, đối diện với những biến cố tại Bắc Kỳ, sự hiện diện của Nguyễn Lập là cần thiết.  Vua Tự Đức cần có tại trung tâm phần đất sở hữu của chúng ta một kẻ thù không thể hòa giải với nước Pháp, một kẻ lập mưu có khả năng làm việc với quần chúng và khích động quần chúng chống lại chúng ta.  Đó là lý do tại sao Nguyễn Thành Y đã được phái đến …” (17).  Tức thời, Nguyễn Thành Y bắt tay vào việc thu tiền, tái lập các quan hệ vớI các phần tử bất mãn trong quần chúng và tổ chức nguyên một hệ thống liên kết với hôi trưởng các hội kín.  Nhưng sự nhiệt thành của ông là chính là nguyên do cho sự thất bại mau chóng của ông: sự nằng nặc của ông để có sự chấp thuận của nhà cầm quyền Pháp cho hai thành viên của gia đình Hoàng Thái Hậu, các ông Phạm Đăng An và Phạm Đăng Dương, vốn đã sẵn bị ngờ vực là nghi phạm, được phép cư trú tại Gò Công như những người canh giữ mồ mả hoàng gia [tích lý, trong nguyên văn, đúng ra là thích lý: họ hàng bên họ mẹ, họ ngoại, chú của người dịch], càng khêu gợi thêm sự chú ý, và Phạm Đăng Dương đã bị bắt khi đang cố chuyển một lá thư gửi cho bang trưởng “bang” Hải Nam tại Chợ Lớn, tên Lữ Hoàng, qua hai thương gia người Trung Hoa vốn là các người cung cấp đồ tiếp liệu cho Triều Đình Huế và cũng là hội viên của Hội Tam Hiệp.  Lá thư này loan báo rằng tất cả mọi hội viên của Hội Tam Hiệp được ân xá bởi chỉ dụ của triều đình và kêu gọi Lữ Hoàng cung cấp tin tức về thái độ của dân chúng trên các biến cố gần đây.  Lá thư bị chặn bắt chứng tỏ rằng Lữ Hoàng, dưới vỏ bọc giao dịch thương mại, phụ trách sự chuyển giao thư tín của lãnh sự với các tỉnh, và chính sách của Triều Đình Huế đã bị phơi bày một cách tách bạch.  Thống Đốc Nam Kỳ phán đoán rằng, bởi ảnh hưởng của Hôi Tam Hiệp trên dân chúng có thể phát triển mau chóng hơn giờ đây khi mà các hội viên của nó sẽ hoạt động dưới sự bảo vệ trực tiếp của các viên chức cao cấp của Triều Đình, các biện pháp mạnh mẽ phải được thực hiện một cách khẩn cấp.  Vào ngày 22 tháng Sáu năm 1883, ông ta đã quyết định trục xuất lãnh sự Nguyễn Thành Y và cùng với viên phó lãnh sự Trần Doan Khanh, cả hai được lệnh phải rời Sàigòn vào ngày kế tiếp; tống giam Phạm Đăng Dương, Phạm Đăng An và Lữ Hoàng tại Đảo Côn Sơn; và câu lưu tại nơi cư trú của họ tất cả những người gìn giữ mồ mả hoàng gia tại Nam Kỳ, từ nay trở đi họ chỉ được phép rời làng xã mà họ đang sinh sống khi có sự cho phép của chính quyền quận hạt.  Mạng lưới bí mật được thiết lập bởi các lãnh sự Việt Nam đã bị phá hủy ngay trước khi nó có thể bước vào hoạt động.

Vì thế, hoàng đế Tự Đức đã sống để nhìn thấy sự thất bại của chính sách về Nam Kỳ của ông trước khi ông băng hà hôm 17 tháng Bẩy năm 1883; sự xoay chuyển mà ông nghĩ nhằm chặn đứng sự bành trướng của Pháp tại Bắc Việt đã không được thể hiện, trong khi sự thỏa hiệp của ông với các bang hội tà ngụy như Hôi Tam Hiệp hẳn đã phải gây ra một vết thương sâu đậm trong tâm hồn thấm nhuần Khổng học của ông.  Nhưng vào năm 1882-83 người Pháp đã có đủ thời gian để củng cố sự chiếm giữ của họ tại Nam Kỳ, kể từ khi mà các đại diện của Triều Đình Huế đã bị trục xuất quá lâu để kỳ vọng được sự thành công trong mưu toan thúc đẩy một cuộc tổng nổi dậy của quần chúng./-

Nguyễn Thế Anh

 

THAM KHẢO:

1.     AFOM (Archives du Ministère de la France d’Outre-Mer, Paris: Văn Khố Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, Ba Lê), Indochine AF, thùng (carton) 5, hồ sơ (dossier) A 20(18).
2. Được trích dẫn bởi Marcel Blanchard, Administrateur d’Indochine (1880-1890), Revue d’Histoire des Colonies, bộ XXXIX, 1952, số 137, trang 4.
3. Tham khảo P.L.F. Philastre, Études sur le droit annamite et chinois, Le Code annamite, Paris. E. Ledoux, 1876, tập 2, các trang 8-19.
4. Thư của Le Myre de Vilers đề ngày 27 tháng Tư năm 1882 gửi Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, DAOM (Dépot des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence), Fonds des Amiraux, registre B 21(44), các trang 200-02.
5. AFOM, Indochine NF, thùng 31, hồ sơ 449.
6. Bulletin Officiel de la Cochinchine, 1882, p. 311.
7. Cùng nơi dẫn trên, các trang 307-09.
8. Điện văn của bộ đề ngày 1 tháng Chín 1882, trong E. Laffont, J.B. Fonssagrives, Répertoire alphabétique de législation et de réglementation de la Cochinchine …, Paris, 1890, vol. VI, trang 151.
9. Bulletin Officiel de la Cochinchine, 1882, các trang 509-11.
10. Cùng nơi dẫn trên, các trang 496-97.
11. Báo cáo ngày 5 tháng Mười năm 1882, AFOM, Indochine AF, thùng 16, hồ sơ A 30(55).
12. DAOM, Fonds des Amiraux, registre B 21(47), các trang 234-35.
13. AFOM, Indochine A.F., thùng 259, hồ sơ 0 61(2).
14. DAOM, Fonds des Amiraux, registre B 21(44), các trang 274-75.
15. Cùng nơi dẫn trên, các trang 279-81.
16. Báo cáo của Rheinart gửi Thống Đốc Nam Kỳ, ngày 9 tháng Ba 1883, AFOM, Indochine A.F., thùng 16, hồ sơ A 30(58).
17. AFOM, Indochine N.F., thùng 3, hồ sơ 446.

 

Phụ Chú của Ngô Bắc:

Danh Từ “Triad: Tam Hiệp” được đặt ra bởi các nhà cầm quyền Anh Quốc tại Hồng Kông, để chỉ hình dạng tam giác của văn tự Trung Hoa tượng trưng cho các “hội kín”.   Chữ tượng hình này tượng trưng cho sự hợp nhất giữa Trời (Thiên), Đất (Địa) và Người.  Bản chất của chữ này cho thấy màu sắc bán tôn giáo của các loại hội kín như thế.

Nguyên thủy, vào cuối thập niên 1670, một hội gọi là Hồng Thị (hậu duệ nhà Minh, thuộc dòng dõi họ Hồng) được thành lập nhằm mục đích phản Thanh phục Minh.  Dòng tộc họ Hồng đã dùng hình tam giác làm biểu tượng của họ; biểu tượng này tiếp tục được xem là huy hiệu lâu dài của hội viên các hội Tam Hiệp khác nhau về sau.

Từ ngữ Hội Tam Hiệp được dùng sau này để chỉ một cách rất tổng quát tất cả các hội kín có sự tổ chức mô phỏng theo tổ chức nguyên thủy của Hồng Môn Hội nói trên, nhưng không có một hệ thống chỉ huy thống nhất.  Vì nặng bản chất dịa phương tự trị và để bảo mật, nên nhiều danh xưng khác nhau đã được sử dụng,  như Nghĩa Hòa Đoàn, Nghĩa Hưng Đoàn, Văn Hương Hội, v.v… trong đó nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Thiên Địa Hội.

Tác giả Sơn Nam, trong tập biên khảo nhan đề Miền Nam Đầu Thế Kỷ XX, Thiên Địa Hội và Cuộc Minh Tân, Nhà Xuất Bản Trẻ, Sàigòn, 2003, nơi các trang 158-161, có các nhận xét sau đây:

“Thiên Địa hội do người Trung Hoa du nhập đã chọn được đất đứng ở miền Nam hồi cuốI thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ thứ 20, lúc dân Việt Nam căm thù bọn thực dân và muốn phục thù.
Mục đích cuối cùng của Thiên Địa hội Trung Hoa hay Việt Nam vẫn là đánh đuổi ngoại bang (người Mãn Thanh, thực dân Pháp) giành độc lập, thiết lập chế độ quân chủ.  Nhờ đó họ lôi cuốn được một số nông dân, lớp nghèo thành thị và tiểu điền chủ.
Ưu điểm của hội là có lập trường dứt khoát, phân biệt rõ ràng chánh tà, không thỏa hiệp hoặc nhìn nhận chế độ hiện tại … Hội theo hình thức tổ chức nhỏ, phân tán, người lãnh đạo (đại ca) không cần trình độ cao, người trung nông, người tiểu điền chủ, tiểu thương gia đủ năng lực để điều hành công việc một nhóm nhỏ.  Cán bộ dễ đào tạo, dễ tìm.  Nhờ qui mô nhỏ và cách tổ chức phân tán này mà khi bị bắt, chỉ một nhóm bị tiêu diệt mà thôi…
Khuyết điểm của Thiên Địa hội là không chịu lột xác để thích ứng với hoàn cảnh mỗi lúc thêm phức tạp, …quá tự tôn…xem kẻ ngoài hội như là phương tiên… Đàn bà không được vào hội … Việc cải cách ruộng đất … tuyệt nhiên không thấy nhắc nhở đến trong Thiên Địa hội ở Việt Nam mặc dầu lúc ấy người tá điền sống quá kham khổ.
Hình thức tranh đấu chánh vẫn là bạo động quân sự.  Kỷ luật của hội rất mực nghiêm minh … Hội có sẵn một hệ thống lý luận gồm vũ trụ quan và nhân sinh quan khá chặt chẽ …
Lý thuyết của Thiên Địa hội chống văn minh cơ khí, đưa con người về xã hôi nông nghiệp …
Thiên Địa hội tan rã lần hồi như một cái cối xay không còn gì để mà xay …
Nhiều người lại mô phỏng theo hình thức của Thiên Địa hội thưở nào để nuôi tay em, lập bè đảng … phục vụ cho bọn cai thầu, bọn chủ sòng bạc …”

Theo tác giả Hai Tiều, trong bài viết nhan đề Người Tiều Di Dân Đến Bạc Liêu, Giai Phẩm Xuân Bính Tuất 2006, Hội Ái Hữu Bạc Liêu miền Bắc California xuất bản tại San Jose, California, số 30, Tháng 2-2006, trong số các dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tràn qua miền Bắc Việt Nam, còn quân Cờ Vàng và Cờ Xanh “theo đường biển xuôi Nam.  Họ đã xâm nhập nhiều vùng của xứ Nam Kỳ như: Chợ Lớn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, có nơi cùng phối hợp hoạt động với dân bản xứ khiến cho chính quyền thuộc địa Pháp đã phải lên tiếng báo động và đề phòng” (trang 40-41).

…(Tuy nhiên) "Từ 1890-1939: Di dân ồ ạt. Người di dân, tuyệt đại đa số là nam thanh niên và trung niên cộng thêm một số rất ít đàn bà và trẻ em đến từ Hoa Lục.  Họ đều là “di dân kinh tế” không còn có liên hệ gì đến các phong trào Phản Thanh Phục Minh hoặc Thiên Địa Hội trước đây" (trang 32)./-

------------------------------

Nguồn: Nguyễn Thế Anh, SECRET SOCIETIES: Some Reflections on the Court of Hue and the Government of Cochinchina on the Eve of Tu-Duc’s Death (1882-1883), Journal of Asian Affairs, June 1978, volume 9, #2, các trang 179-185. London, United Kingdom

 Ngô Bắc dịch và chú giải

© 2007 gio-o