Mark J. Alves
Montgomery College
Từ Vựng Văn Phạm Hán Việt Và
Điều Kiện Ngữ Học Xã Hội Cho Việc Vay Mượn
Ngô Bắc dịch
Đại Ý
Tiếng Việt đã được chứng minh là một ngôn ngữ thuộc dòng Môn-Khmer Austroasiatic (Haudricourt 1954, Shorto 2006), mặc dù là một ngôn ngữ khác biệt đáng kể so với tiêu bản âm vị học dòng Austroasiatic điển hình (Alves 2001). Một số trong sự biến đổi ngữ học đó rất có thể một phần là do tiếp xúc ngôn ngữ với tiếng Trung Hoa, chủ yếu thông qua sự vay mượn từ vựng lớn lao diễn ra trong hai thiên niên kỷ qua. Tuy nhiên, câu hỏi về các điều kiện ngữ học xã hội theo đó sự vay mượn này xảy ra trong khoảng thời gian lâu dài này lại chỉ được mô tả rất ít. Mục đích chính của bài viết này nhằm cứu xét việc vay mượn từ vựng văn phạm nói riêng từ tiếng Trung Hoa vào Tiếng Việt tiêu biểu cho sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán-Việt lâu đời. Điều này đòi hỏi một cuộc khám phá bối cảnh lịch sử xã hội mà các yếu tố của tiếng Trung Hoa đã trở thành tiếng Việt và một sự phân loại các phương tiện truyền tải văn nói và văn viết của việc vay mượn ngôn ngữ. Cuộc nghiên cứu trường hợp điển hình này về việc vay mượn từ vựng văn phạm chiếu rọi ánh sáng vào các vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ và sự vay mượn ngữ học khi một văn tự có uy tín một có thể vươn tới một cộng đồng ngôn ngữ.
Tổng quan
Một cơ sở dữ liệu được thu thập bởi tác giả này 1 chỉ ra rằng hơn 400 từ tiếng Việt, ngày nay được coi là từ vựng bản ngữ, rất có thể đã được vay mượn thông qua một phương tiện truyền đạt bằng lời nói vào thời khoảng của triều đại nhà Hán (mặc dù một số có thể muộn hơn mãi tới đầu thời nhà Đường, vốn bắt đầu vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên (CN). Số lượng lớn lao những từ vay ban đầu này ít nhất một phần là kết quả của sự nhập cư của khoảng hai mươi nghìn binh lính định cư Trung Hoa được phái đến Việt Nam và mang theo nhiều phong tục văn hóa và các nét hào nhoáng vật chất của nền văn minh Trung Hoa (Taylor 1983: 49). Tuy nhiên, triều đại nhà hán là thời kỳ duy nhất mà một lượng lớn lời nói tiếng Trung Hoa đã được vay mượn một cách trực tiếp mà không có ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ viết Trung Hoa. Điều được khẳng định ở đây rằng nền tảng ban đầu của văn hóa Trung Hoa trong thời nhà Hán cùng với sự truyền bá rộng rãi thứ nhì của văn hóa Trung Hoa trong thời nhà Đường hùng mạnh (từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 sau CN) ở Việt Nam phục vụ như là một bậc thềm có uy tín xã hội từ đó người Việt biết chữ tiếng Trung có thể truyền bá từ vựng tiếng Trung Hoa, bao gồm cả từ vựng văn phạm, vào tiếng Việt bất kể số lượng người nói tiếng Trung có khả năng song ngữ thực sự là bao nhiêu tại Việt Nam.2
Sự vay mượn cụ thể, ngược lại với sự vay mượn các khuôn mẫu cú pháp và âm vị học, có thể xảy ra từ các ngôn ngữ có vị thế cao ngay cả khi không có số người có khả năng song ngữ (Sakel 2007). Điều này dường như đúng với trường hợp của Việt Nam, trong đó thời kỳ khởi đầu của sự thống trị chính trị của Trung Hoa được đánh dấu bởi một lượng lớn người Trung Hoa định cư có thế lực và ảnh hưởng. Sau đó, ảnh hưởng trực tiếp của dân số Trung Hoa đã giảm bớt khi họ đã được bản sinh hóa (nativized) (Taylor Ibid.:52). Đã có rất nhiều trường hợp trong suốt lịch sử khi các nhóm người Trung Hoa duy trì các cộng đồng nhỏ nhưng có ảnh hưởng về tài chính ở Việt Nam, và chữ viết Trung Hoa không ngừng là một phần quan trọng của các tầng lớp thượng lưu của xã hội Việt Nam, nhưng chưa từng có thời đại nào mà tiếng Trung Hoa lại được nói trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, phải kết luận rằng, hơn một nghìn năm qua kể từ khi thời Việt Nam độc lập chính trị khỏi Trung Hoa, thời khoảng trong đó đa số từ vựng tiếng Trung Hoa được vay mượn vào tiếng Việt, các văn bản viết chữ đã là các nguồn chủ yếu của khoản vay mượn này.
Trọng tâm của bài báo này, việc chuyển giao từ vựng văn phạm, đặc biệt nói về khoản vay mượn ngày càng gia tăng thông qua các văn bản văn học. Trong khi cấu trúc cú pháp tiếng Việt phần lớn không bị ảnh hưởng bởi tiếng Trung Hoa và đã duy trì một tiêu bản chủ yếu thuộc Đông Nam Á (Alves 2001), số lượng từ vựng văn phạm tiếng Việt gốc Hán thì đáng kể.. Chúng tạo thành một số loại chính, bao gồm các liên từ (connective words) , các dấu chỉ thể thụ động (passive voice), các từ phân loại (classifiers) và các từ đo lường nói chung, trong số những loại khác (Lê 2002, Alves 2005 và 2007).
Sự mô tả ngữ học sớm nhất nổi tiếng về tiếng Việt xuất hiện trong Từ điển Việt-Bồ Đào Nha-Latinh năm 1651 của Alexandre de Rhodes, “Dictionarium Annamiticum, Lusitanum, et Latinum ”.3 Phần giới thiệu quyển từ điển chứa đựng một phần về văn phạm và các từ ngữ về văn phạm và các ví dụ về cách sử dụng của chúng được cung cấp trong suốt 9.000 mục từ (entries) của từ điển. Khám phá dữ liệu (tham khảo bản dịch năm 1991 sang tiếng Việt của văn bản gốc Latinh) cho thấy rằng, về mặt cấu trúc, cú pháp tiếng Việt có ít thay đổi kể từ những năm 1600. Trong khi quyển từ điển bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng Việt miền trung Việt Nam (Central Vietnamese), với một số đặc điểm từ vựng và ngữ âm học cá biệt của vùng đó, văn bản vẫn có thể được coi là đại diện cho văn phạm tiếng Việt nói chung. Nhìn chung, dữ liệu trong từ điển cho thấy rõ ràng rằng tiếng Việt thời bấy giờ là một ngôn ngữ nêu ý kiến hay bình luận về chủ đề (topic comment) với các đặc điểm loại hình cấu trúc (typological) khác tương tự như tiếng Việt ngày nay.
Mặt khác, kho từ vựng văn phạm tiếng Việt đã thay đổi đáng chú ý trong ba thế kỷ rưỡi qua. So sánh từ vựng văn phạm của những năm 1600 (cả tác phẩm của de Rhodes lẫn từ điển tiếng Việt cổ của Vương 2002) với từ vựng văn phạm ngày nay, trong một số trường hợp, đã có những sự bảo lưu hoặc những sự thay đổi tối thiểu ngữ nghĩa (semantic) và ngữ âm (phonetic) của một số từ văn phạm. Trong các trường hợp khác, một số từ có đã thay đổi đáng kể hơn trong các chức năng ngữ nghĩa-cú pháp (semantico-syntactic) của chúng và đang diễn ra quá trình văn phạm hóa (grammaticalization). Cuối cùng, có những từ ngữ về văn phạm trong thời kỳ tiền hiện đại không tồn tại ngày nay hoặc chỉ được sử dụng rất hạn chế trong tiếng Việt hiện đại, và một số lượng đáng chú ý là những từ không có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa. Đây là loại từ ngữ cuối cùng của những từ được quan tâm đặc biệt trong bài nghiên cứu này.
Trong các phần tiếp theo, các thời đại tiếp xúc lịch sử xã hội Trung Hoa - Việt Nam được mô tả, và sau đó các dữ liệu ngữ học được cung cấp để chứng minh phương cách từ vựng văn phạm Hán-Việt đã được vay mượn trong vài thế kỷ qua thông qua việc đọc hai ngôn ngữ chứ không phải từ việc nói song ngữ.
Nền tảng lịch sử ngữ học xã hội
Các thời đại tiếp xúc Hán - Việt ở đây được chia thành bốn loại tổng quát dựa trên bản chất của sự tiếp xúc ngữ học xã hội: (a) thời nhà Hán (thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 2 sau CN), (b) thời nhà Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 sau CN), (c) kỷ nguyên Việt Nam độc lập (thế kỷ 11 đến thời hiện đại), và (d) kỷ nguyên hiện đại (thế kỷ 20 đến hiện nay). Ngoại trừ thời đại đầu tiên, tất cả các thời đại khác đều được đánh dấu bằng các tình trạng trong đó tiếng Trung Hoa phần lớn được truyền qua chữ viết hơn là qua một cộng đồng phương ngữ Trung Hoa có ảnh hưởng.
Sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán Việt được lập chứng liệu bắt đầu sớm sủa vào thời nhà Hán. Tổ tiên của người Việt Nam hiện đại cư trú, vào thời điểm đó, chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay, với một trung tâm văn hóa ở Châu Thổ sông Hồng. Trong Triều đại Đông Hán lúc khởi đầu kỷ nguyên Thiên chúa giáo, chính quyền Trung Hoa bắt buộc sự chấp nhận các phong tục văn hóa Trung Hoa trên khắp Việt Nam, bao gồm cả các tập quán hộ và gia đình kiểu Trung Hoa và các thiết bị phụ thuộc (ví dụ: Taylor, cùng sách đã dẫn:33-34). Các công cụ của hành chính để lại dấu ấn ngữ vựng (ví dụ, giấy “paper” (Hán Việt: chỉ; tiếng Hán 纸 zhǐ), họ “tên của dòng họ: family name” (Hán Việt hộ, tiếng Hán 户 hù “household: hộ”), v.v.), mặc dù những căn tố từ nguyên (etyma) này đã được bản địa hóa và sau đó được mượn lại bằng âm đọc văn tự Hán Việt được tiêu chuẩn hóa ( cách đọc thứ nhì trong các ví dụ trước).
Một đợt bùng nổ quan trọng khác của sự tiếp xúc ngôn ngữ xảy ra trong thời gian khi các nhóm đông đảo các binh lính định cư gốc Trung Hoa và sự thành lập của một tầng lớp tinh hoa người Hán-Việt, những người, mặc dù cuối cùng đã “Việt Nam hóa”, vẫn duy trì một số căn cước Trung Hoa trong nhiều thế kỷ. Như đã ghi nhận, có lẽ có hàng trăm từ ngữ này thuộc về một lõi của văn hóa Việt Nam, và do đó sự tiếp xúc này thực sự có ý nghĩa. Trong thời khoảng này, đã xảy ra sự vay mượn ít nhất vài trăm từ tiếng Trung Hoa, chủ yếu là danh từ và một số động từ, nhưng hầu như không có từ ngữ văn phạm.
Quyền lực Trung Hoa lung lay sau triều đại nhà Hán. Mức độ của sự tiếp xúc ngữ học xã hội dẫn đến việc vay mượn trước và vào đầu triều đại nhà Đường vài thế kỷ sau đó là điều ít rõ ràng hơn, mặc dù chắc chắn có các nhà lãnh đạo, quân đội và thương nhân Trung Hoa ở Việt Nam trong thời kỳ này, và đây là thời kỳ mà Phật giáo kiểu Trung Hoa bắt đầu phát triển mạnh mẽ (Taylor cùng sách đã dẫn.:80-84). Ít nhất, có thể nói rằng tình trạng tiếp tục của Việt Nam vẫn là một phần của Trung Hoa trùng hợp với một tiến trình bước vào sự hán hóa (sinicization) hơn nữa về văn hóa và ngôn ngữ, một tiến trình được hoàn chỉnh giữa các biến loại tiếng Trung Hoa hiện đại được nói ở miền Nam Trung Hoa, nơi đã có nhiều nhóm người không phải người Trung Hoa trước thời nhà Hán.
Trung Hoa lấy lại sức mạnh chính trị của mình vào thời nhà Đường, và một sự lan rộng trên quy mô lớn chữ viết của Trung Hoa xảy ra sau đó khắp Đông Á châu— bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam— thông qua các từ điển vần điệu (rhyme) của tiếng Trung Hoa. Những văn bản này, chứa hàng chục nghìn chữ Hán, cung cấp sự truy cập vào toàn bộ ngữ vựng tiếng Trung Hoa. Kể từ thời đại này trở đi, đại đa số các từ vay của tiếng Trung Hoa đã duy trì các cách đọc văn tự chính thức, tiêu chuẩn hóa, trái ngược với cách phát âm bản ngữ của các khoản vay mượn thời nhà Hán.
Vào cuối thời Đường, Việt Nam đã giành được độc lập về chính trị. Trong khi tiếp tục có sự tiếp xúc Trung-Việt thông qua thương mại, chính trị, tôn giáo, và giáo dục và một số lượng người Trung Hoa nhập cư (Lương 1988, Châu 2006), với một ít ngoại lệ, không có trường hợp di cư quy mô lớn của người Trung Hoa vào Việt Nam trong thời kỳ này có thể dẫn đến việc nói song ngữ phổ biến. Sự kết hợp này của các yếu tố — sự nhập cư ít người Trung Hoa và sự sẵn sàng tiếp cận với từ vựng tiếng Trung Hoa mà không cần cần người nói tiếng bản ngữ — hỗ trợ ý tưởng về một phương tiện truyền tải văn tự chủ yếu. Có lẽ hơi trớ trêu, cùng lúc người Việt ngày càng tìm kiếm sự độc lập chính trị khỏi Trung Hoa, mô hình chính trị và giáo dục Trung Hoa lại gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam. Điều này được minh chứng bằng việc thành lập trường đại học Nho giáo, Văn Miếu (文 廟 wén miào) "Temple of Literature", ngay sau khi độc lập vo Trung Hoa, từ đó thiết lập một truyền thống văn học chữ Hán lâu đời ở Việt Nam.
Với sự độc lập đồng thời khỏi Trung Hoa nhưng tăng cường khả năng của văn tự Trung Hoa như một trung tâm giáo dục ở Việt Nam thời Hậu Đường, có thể giả định rằng việc vay mượn từ tiếng Trung Hoa tiếp tục chủ yếu thông qua việc sử dụng song ngữ của giới tinh hoa văn học Việt Nam. Dập khuôn mô hình các hệ thống văn hóa và chính trị xã hội Trung Hoa tiếp tục đến những năm 1800 (Woodside 1971). Đây là trường hợp xảy ra bất kể kích thước của dân số Trung Hoa ở Việt Nam, đôi khi đã tăng lên, đặc biệt là vào những năm cuối thế kỷ 19, với sự quan tâm của người Pháp đến lao động và kỹ năng quản lý của người Trung Hoa. Tầng lớp thương nhân Trung Hoa nhiều ảnh hưởng di chuyển dễ dàng khắp Việt Nam, nhưng cũng tiếp tục thành lập các tài sản và doanh nghiệp do gia đình quản lý vĩnh viễn (cùng sách đã dẫn, 272). Tuy nhiên, trong khoảng vài thập niên, sự nhập cư của hàng chục nghìn người Trung Hoa, nhiều người trong họ đến từ các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây lân cận, đã không dẫn đến sự vay mượn ngữ vựng lớn lao của tiếng Quảng Đông (Cantonese) hoặc thực sự từ bất kỳ biến thể miền Nam nào khác của tiếng Trung Hoa. Qua nhiều thế kỷ, số lượng lớn các từ vay mượn của tiếng Trung Hoa được du nhập vào Tiếng Việt nói hàng ngày,, nhưng đây là những cách đọc văn học, không phải phương ngữ. Các từ ngữ vay mượn từ tiếng Quảng Đông là số ít, 4 nhiều nhất là vài chục từ và chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực thực phẩm (ví dụ: chiên “to pan fry: chiên rán bằng chảo” (Hán-Việt tiên; Trung Hoa 煎 jiān; Quảng Đông jīn), lạp xưởng “Chinese sausage” (Hán Việt lạp trường; tiếng Trung Hoa 臘 腸 là cháng; tiếng Quảng Đông laahp cheúng)). Tình trạng này trái ngược hẳn với hàng trăm từ vay mượn từ thời nhà Hán, trải qua nhiều miền ngữ nghĩa và vẫn là một phần của ngữ vựng tiếng Việt trong hai nghìn năm. Cuối cùng, điều đáng chú ý là những từ vay mượn này rõ ràng là các khoản vay mượn gần đây dựa trên các sự tương hợp ngữ âm gần nhau của chúng, và không từ nào xem ra là các từ phương ngữ Việt (Yue) hoặc Quảng Đông điển hình.
Trong thời kỳ hiện đại, từ đầu thế kỷ 20, rõ ràng là việc vay mượn từ Tiếng Trung Hoa sang tiếng Việt chủ yếu do người Việt Nam biết song ngữ. Các sự lan truyền quy mô lớn của “tiếng Hán mới tạo ra: Sino-neologisms” (tức là bản dịch từ tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật về các khái niệm và thuật ngữ phương Tây sử dụng các hình vị (morphs) của tiếng Trung Hoa, thường là sự kết hợp của hai hình vị) dẫn đến việc vay mượn hàng nghìn từ ngữ "Trung Hoa", nhưng những từ ngữ này đến từ cả văn bản tiếng Nhật lẫn tiếng Trung Hoa. Một số người Việt Nam có ảnh hưởng đã học tập tại Nhật Bản trong đầu thế kỷ 20, giúp kích thích sự lan truyền của những từ này (Sinh 1993). Bởi những các từ vay mượn chủ yếu được mượn từ các bài viết, chúng được phát âm một cách nhất quán với các cách đọc văn học Hán Việt, và đáng chú ý là không có bất kỳ cách phát âm phương ngữ nào. Tại cùng thời điểm các từ Hán mới tạo ra bước vào tiếng Việt, đã có sự tăng trưởng lớn mạnh trong tỷ lệ biết chữ ở Việt Nam - từ 5% đến 20% trước Thế Chiến II (DeFrancis 1977: 218) lên tới 90% ngày nay. Sự gia tăng trình độ biết chữ này cũng tương ứng với thời điểm khi mà bảng mẫu tự (alphabet) chữ Quốc ngữ Việt Nam trở thành một khía cạnh quan trọng của các chiến dịch xóa mù chữ (Marr 1981: 137 và 181). Cuối cùng, sự tiêu chuẩn hóa có chủ đích của số lượng lớn lao từ vựng mới phần lớn có nguồn gốc tiếng Trung Hoa (ngữ vựng tiếng Việt đã tăng từ 40.000 trong năm 1945 lên đến hàng trăm nghìn trong vòng vài thập niên (Marr 1981: 168, Nguyễn và cộng sự. 2002: 19) khuếch đại hơn nữa tác động của việc du nhập từ vựng Trung Hoa này đối với ngữ vựng tiếng Việt nói và viết. Nói chung, việc vay mượn các từ tiếng Trung Hoa đã đi vào tiếng Việt qua chữ viết.
Dữ liệu ngữ học và từ vựng văn phạm
Từ vựng tiếng Việt được mô tả là có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa 70%, với từ vựng kỹ thuật chiếm 80%. Tuy nhiên, trong một dự án phân loại từ ngữ vay mượn sử dụng một danh sách khoảng 1500 từ, chỉ 27% từ vựng tiếng Việt được hiển thị là từ tiếng Trung Hoa (Alves 2007a). Tuy nhiên, con số này phải được coi là thấp vì cuộc nghiên cứu đó đã không bao gồm từ vựng văn phạm, tên gọi, từ vựng phổ biến trong khu vực, trong số các loại từ khác mà ngữ vựng tiếng Hán là nguồn gốc trong tiếng Việt. Song, bằng cách tập trung vào một nhóm từ vựng cốt lõi hơn, như cuộc nghiên cứu đã làm, việc nêu ý rằng 70%, bao gồm toàn bộ từ điển, cũng không phải là một con số thực tế nếu mục tiêu nhằm xác định mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến việc nói tiếng Việt đối lập với từ vựng chuyên ngành của Tiếng Việt. Cho đến nay, không có nghiên cứu nào chỉ ra tỷ lệ từ vựng có nguồn gốc tiếng Trung Hoa dựa trên bộ từ vựng tiếng Việt tần suất xuất hiện cao. Một nghiên cứu như vậy sẽ được kỳ vọng một cách hợp lý, sẽ hiển thị một con số nằm trong khoảng từ 27% đến 70% và miêu tả một cách chính xác hơn và thực tế hơn vai trò của tiếng Trung Hoa đối với ngữ vựng tiếng Việt. Dù thế, số lượng từ có gốc Trung Hoa phải được coi là đáng kể ngay cả khi hơn một phần ba vốn từ vựng cốt lõi của tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa.
Đối với từ vựng văn phạm, không có nghiên cứu nào được tìm thấy để định lượng tỷ lệ phần trăm của các từ chức năng có nguồn gốc Trung Hoa, mặc dù tỷ lệ phần trăm thực sự hẳn là đáng kể. Dựa trên các sự sưu tập những từ như vậy trong các bài viết của Lê 2002 và Alves 2005 và 2007a, các liên từ phần lớn có nguồn gốc từ Trung Hoa, hàng chục từ về đo lường và một số từ phân loại quan trọng là từ tiếng Trung Hoa, một số đơn vị văn phạm trước khi phát triển tiếng nói (preverbal grammatical morphs( là tiếng Trung Hoa, và đa số các từ trong hệ thống phức tạp của sự tham chiếu đại danh từ (pronoun reference) đến từ tiếng Trung Hoa. Tuy nhiên, các từ vựng văn phạm tiếng Trung Hoa, được nhập vào tiếng Việt ở các thời điểm khác nhau, đã làm như vậy phần lớn trong thời kỳ Hậu Đường vì hầu hết đều được phát âm bằng các cách đọc văn tự của chúng từ thời đại này. Trên thực tế, có thể có trường hợp rằng phần lớn từ vựng văn phạm tiếng Trung đã nhập vào tiếng Việt sau những năm 1600 và thậm chí muộn nhất là vào đầu thế kỷ 20 thế kỷ.
Tác giả Nguyễn Đình Hòa (1991) đã xác định các từ vựng cổ trong từ điển de Rhodes vốn không thuộc tiếng Việt hiện đại. Khám phá trong từ điển của Vương (2002), dựa trên nhiều tác phẩm cổ của Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua, cũng tiết lộ thêm các từ vựng cổ trong tiếng Việt đã bị thay thế qua các thế kỷ. Thật không may, các nghiên cứu thống kê chi tiết hơn về việc ấn định thời điểm của các sự thay đổi lịch sử trong các tài liệu bằng văn bản, sẽ phục vụ cho việc làm rõ và chứng thực các ý tưởng trong bài nghiên cứu này, lại không hiện hữu. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng một số từ trong tiếng Việt những năm 1600 không hiện diện trong thời hiện đại, việc sử dụng tiêu chuẩn là khả thi và có thể được xác nhận bởi trực giác của người nói tiếng bản ngữ và các tra vấn ngữ liệu đơn giản. Cả việc mất mát và thay thế từ vựng đã diễn ra trong vài thế kỷ qua, và lĩnh vực từ vựng văn phạm cũng cho thấy loại thay đổi này. Đó là trường hợp của các từ cổ xưa trong tiếng Việt như bèn “but: nhưng” và âu là “or: hoặc”, có các đối âm Hán Việt hiện đại là nhưng “ but” (仍 réng) và hoặc “or” (或 huò).
Đặc biệt lưu ý trong nghiên cứu này là rất nhiều ví dụ trong từ điển của de Rhodes về từ vựng ngữ pháp không phải tiếng Trung Hoa sau đó được thay thế bằng từ vựng tiếng Trung Hoa đồng nghĩa. Các chức năng ngữ văn phạm thì đa dạng, bao gồm số loại từ vựng văn phạm quan trọng. Các ví dụ được thể hiện trong Bảng 1, trong đó có các từ ngữ văn phạm được tìm thấy trong từ điển của de Rhodes vốn không có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa và các đối âm hiện đại, chính thống của chúng có nguồn gốc Hán Việt. Các biểu mẫu trong cột của thế kỷ 17 được đánh dấu bằng dấu hoa thị * để chỉ sự sử dụng cực kỳ về văn học và / hoặc có sự sử dụng hạn chế trong tiếng Việt hiện đại.
Bảng 1: Các từ ngữ văn phạm thế kỷ 17 trong tiếng Việt và
từ Hán Việt hiện đại thay thế của chúng
Dữ liệu trong Từ điển tiếng Việt-Latinh-Bồ Đào Nha năm 1651 của de Rhode phát lộ những điều sau đây. Đầu tiên, từ điển của de Rhodes nêu bật sự phân biệt song ngữ [diglossic: tình trang hai ngôn ngữ hay hai biến thể của cùng một ngôn ngữ, được sử dụng cùng lúc tại một công đồng, thường bởi cùng một người, chú của người dịch] giữa từ vựng Trung Hoa và tiếng Việt, với các hình vị tiếng Trung Hoa có một vị thế trang trọng, thậm chí còn cao hơn vị thế nó có ngày nay. Với khả năng biết đọc biết viết trong thời kỳ tiền hiện đại ở mức tối thiểu, một phần nhỏ của toàn bộ dân số, điều cần phải được giả định rằng chỉ có người Việt biết hai thứ tiếng mới có thể là những người kiểm soát được việc khởi động sự lan truyền từ vựng như thế, cả với các từ nội dung và từ vựng văn phạm. Tiếp theo, từ điển của de Rhodes cho thấy rằng tiếng Quảng Đông hoặc các biến thể khác của tiếng Việt (Yue) đã đóng góp cực kỳ ít ỏi về nội dung từ vựng vào thời điểm đó, một lần nữa khiến ta nghĩ rằng việc nói song ngữ bằng tiếng Trung Hoa tương đối không còn quan trọng sau vài thế kỷ đầu tiên của sự tiếp xúc ngôn ngữ Hán Việt.
Trong khi từ điển của de Rhodes nêu bật vị thế chính thức cao cấp của từ vựng tiếng Trung Hoa tại Việt Nam trong thế kỷ 17, từ vựng văn phạm Hán Việt thời hiện đại hỗ trợ ý tưởng về các phương tiện văn học được truyền tải bởi tình trạng văn học đặc biệt của chúng. Trong bộ sưu tập 156 từ vựng văn phạm tiếng Việt gốc Hán (Lê 2002: 397-403), nhiều từ thuộc về một sổ đăng ký rất chính thức và / hoặc bằng văn bản (ví dụ: nhược (若 ruò) “if: nếu,” giả sử (假 使 jiǎ shǐ) “in the event that: trong trường hợp mà”, và sở dĩ (所 以 suǒ yǐ)). Một đặc điểm khác của những từ này là một số có tiếp đầu ngữ [prefixes: hay tiền tố] trong tiếng Việt nhưng có các biến vị tự do trong tiếng Trung Hoa (ví dụ: bất “un-: vô, không” (不 bù), tái “re-: lại” (再 zài) và tối “-est” (最 zuì)), 7 khiến ta nghĩ rằng những biến vị [morphs: hay hình vị] như vậy không được vay mượn như một phần của một hệ thống văn phạm mà chỉ đơn giản là vay mượn các biến vị trong các từ, một lần nữa gợi ý việc vay mượn thông qua việc đọc viết bằng tiếng Trung (và trong một số trường hợp, bằng tiếng Nhật). Một số từ mượn khác biệt một phần trong cách nói từ các hình thức Trung Hoa. Ví dụ, trạng từ tiếng Trung Hoa 果 然 (guǒ rán) “as expected: như mong đợi, như kỳ vọng” là một tĩnh từ (adjective) trong tiếng Việt quả nhiên và trạng từ trong tiếng Trung Hoa 實 在 (shí zài) “truly/really: thực thế / thực sự” ở trong tiếng Việt là thực tại, vừa là một trạng từ “really: một cách thực sự” vừa là danh từ “reality: thực tại”. Cuối cùng, điều quan trọng là lưu ý rằng một số từ ngữ văn phạm này, phổ biến trong tiếng Quan Thoại, được nói cho đến miền bắc Việt Nam, không phải là tiếng nói Quảng Đông (mặc dù chúng xuất hiện trong văn tự tiếng Quảng Đông), ví dụ, bị (từ để chỉ thể thụ động) (被 beì) và tại “at: tại, ở chỗ” (在 zài)). Điều này có vẻ như phản trực giác vì tiếng Quan Thoại chưa bao giờ được nói rộng rãi ở Việt Nam, trong khi tiếng Quảng Đông thì một ngôn ngữ được chấp nhận trong thực tế (virtual lingua franca) giữa người Trung Hoa ở Việt Nam, trừ khi người ta chấp nhận ý kiến rằng việc vay mượn thông qua các văn bản viết bằng tiếng Trung Hoa, vốn chứa đựng chủ yếu văn phạm và từ vựng văn phạm kiểu Quan Thoại.
Kết luận
Trong khi ở một số thời điểm, một số sự vay mượn thông qua sự truyền đạt bằng lời nói đã diễn ra, chủ yếu trong cuộc tiếp xúc ban đầu vào thời ban sơ nhà Hán và một phạm vi vay mượn hạn chế từ Tiếng Quảng Đông trong thời kỳ hiện đại, hầu hết sự vay mượn từ Hán Việt đã diễn ra thông qua một phương tiện truyền dẫn bằng văn bản. Sự nhập cư hạn chế của người Trung Hoa vào Việt Nam, sự chấp nhận đáng kể truyền thống chữ viết và khuôn mẫu văn hóa của Trung Hoa, và xu hướng về vị thế văn học của từ vựng tiếng Hán trong tiếng Việt đều ủng hộ quan điểm này.m Trong số các từ vựng văn phạm tiếng Trung Hoa được vay mượn, từ vựng này chiếm vị trí cao hơn, không vay mượn từ các phương ngữ biến thể của tiếng Trung Hoa hoặc gần Việt Nam, và thể hiện sự thay đổi ngữ nghĩa-cú pháp bất ngờ từ nguồn cho vay, tất cả đều làm nổi bật tình trạng văn học hơn này cùng lộ trình vay mượn.
Những dữ liệu này không chỉ khắc họa một phần lịch sử ngữ học của Việt Nam mà còn phục vụ như một cuộc nghiên cứu trường hợp điển hình về tiếp xúc ngôn ngữ (cả nói và viết), về lịch sử ngữ học xã hội của các dân tộc ở Đông và Đông Nam Á, và các vấn đề tâm lý ngôn ngữ rộng lớn hơn (nghĩa là ngôn ngữ nói so với ngôn ngữ viết, các phạm trù ngữ nghĩa-cú pháp của từ).
-----
CHÚ THÍCH
1 Cơ sở dữ liệu dựa trên công trình của nhiều học giả, bao gồm chủ yếu là Haudricourt 1954, Wang 1958, Mei 1970, Pulleyblank 1981 và 1984, và Nguyễn T. C. 1995. Phải thừa nhận rằng, sự hoàn toàn chắc chắn về vị thế từ ngữ vay mượn của các từ trong cơ sở dữ liệu là không thể đạt được. Thay vào đó, tác giả đã đánh giá một loạt các mức độ chắc chắn từ cao đến thấp dựa trên các mẫu ngữ âm và ngữ nghĩa tổng quan, cùng với các chi tiết được ghi lại trong lịch sử về các loại liên hệ xã hội vào thời điểm đó. Trong hơn 500 từ, gần 300 từ đã được đánh giá là rất có khả năng là từ vay mượn của tiếng Trung Hoa thời cổ, khoảng 150 từ là ở độ chắc chắn trung bình và khoảng 40 thược mức độ chắc chắn thấp.
2 Hãy xem xét từ vay mượn từ tiếng La-tinh “via: qua”, được coi là một từ đăng ký chính thức trong tiếng Anh, trái ngược với từ tiếng Anh trung tính hơn “through: xuyên qua”.
3 Các công trình khác trước tác phẩm của de Rhode được thảo luận trong sách của Jacque 2002
4 Một khả năng được tác giả xem xét là tiếng Trung Hoa Pinghua lân cận, khác với tiếng Hoa Yue [Viêt], được nói ở tỉnh Quảng Tây ngày nay, nơi các trường học tiếng Trung Hoa, đã hiện hữu có thể là nguồn gốc của điều được gọi là “nam koine: southern koine” [tiếng nói miền nam được chấp nhận tại cộng đồng nói hai ngôn ngữ khác nhau, chú của người dịch] (Hashimoto 1978). Việc thăm dò dữ liệu ngữ vựng và ngữ âm tiếng Pinghua trong sách của Li 1998 cho thấy không có dấu vết nào.
5 Dạng cụ thể này là một cách đọc bản ngữ hóa với âm điệu huyền [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]. Cách phát âm văn học chuẩn mực là, với âm nặng vị, với dấu nhận giọng nặng. Âm điệu bản địa huyền so với âm điệu nặng trong văn học được thấy ở một số hình thức, như đã thảo luận trong bài viết của Alves 2005.
6 Hình thức chẳng “no/not: không / không” nói riêng được sử dụng rộng rãi hơn trong tiếng Việt hiện đại, mặc dù theo thống kê, nó đã mất vị thế một cách đáng kể so với từ "không / không.
7. Ngôn ngữ nói của Quảng Đông, giống như tiếng Việt nhưng ngược lại với tiếng Quan Thoại, không sử dụng biến âm tự do 不 bù “no: bất, không”, mà chỉ xảy ra ở dạng ràng buộc trong các từ hoặc trong tiếng Quảng Đông mang tính văn học cao. Tuy nhiên, các từ ngữ pháp khác được ghi hận là những biến vị tự do trong tiếng Quảng Đông, giống như tiếng Quan Thoại nhưng ngược lại với tiếng Việt.
---
Tài Liệu Tham Khảo
Alves, Mark J. 2001. What’s so Chinese about Vietnamese? Papers from the Ninth Annual Meeting of the Southeast Asian Linguistics Society. Biên tập bởi Graham W. Thurgood. Tempe, Arizona: Arizona State University. 221-242.
Alves, Mark. 2005. Sino-Vietnamese grammatical vocabulary and triggers for grammaticalization. The 6th Pan-Asiatic International Symposium on Linguistics. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội (Social Sciences Publishing House). 315- 332.
Alves, Mark J. 2007a. Sino-Vietnamese Grammatical Borrowing: An Overview. Trong quyển Grammatical Borrowing in Cross-Linguistic Perspective. Đồng biên tập bởi Yaron Matras và Jeanette Sakel. New York: Mouton de Gruyter. 343-361.
Alves, Mark. 2007b. Categories of grammatical Sino-Vietnamese vocabulary. Mon-Khmer Studies 37: 217-230.
Benedict, Paul K. 1947. An analysis of Annamese kinship terms. Southwestern Journal of Anthropology 3: 371-390.
Châu, Thị Hải. 2006. Người Hoa Việt Nam và Ðông Nam Á: hình ảnh hôm qua và vị thế hôm nay (The Chinese of Vietnam and Southeast Asia: pictures of the past and the X today). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
Đào, Duy Anh. 1979. Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến (Chu Nom: origins, formation, and transformations). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
De Rhodes, Alexandre. 1991 (originally 1651). Từ Ðiển Annam-Lusitan-Latinh (Thường gọi là Từ Ðiển Việt-Bồ-La). Ho Chi Minh City: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
DeFrancis, John. 1977. Colonialism and Language Policy in Viet Nam. The Hague: Mouton.
Hashimoto, Mantaro J. 1978. Phonology of Ancient Chinese. Institute for the Study of Languages & Cultures of Asia & Africa.
Haudricourt, André G. 1954a. Comment reconstruire le Chinois Archaïque. Word 10.2- 3:351-364.
Haudricourt, André G. 1954b. Sur l’origine de la ton de Vietnamien. Journal Asiatique 242.69-82.
Jacques, Roland. 2002. Portuguese pioneers of Vietnamese linguistics. Bangkok: Orchid Press.
Lê, Ðình Khẩn. 2002. Từ Vựng Gốc Hán trong Tiếng Việt (Vocabulary of Chinese Origin in Vietnamese). Hồ Chí Minh City: Nhà Xuất Bản, Ðại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
Li, Rong. 1998. Nanning Pinghua cidian (A dictionary of Nanning Pinghua speech). Nanjing, China: Jiangsu Jiaoyu Chubanshe.
Luong, Nhi Quynh. 1988. A handbook on the background of ethnic Chinese from North Vietnam. Luận án chưa ấn hành. California State University, Sacramento.
Marr, David G. 1981. Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945. University of California Press.
Mei, Tsu-Lin. 1970. Tones and prosody in Middle Chinese and the origin of the rising tone. Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 30: 86-110.
Nguyễn, Ðình Hòa. 1991. Seventeenth-century Vietnamese lexicon: preliminary gleanings from Alexandre de Rhodes’ writings. Austroasiatic languages: essays in honour of H. L. Shorto. Biên tập bởi J.H.C.S. Davidson, 95-104.
Nguyễn, Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, và Nguyễn Văn Tu. 2002. Tiếng Việt Trên Đường Phát Triển (Vietnamese on the Road of Development) (ấn bản lần thứ nhì). Hồ Chí Minh City: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
Nguyễn, Tài Cẩn. 1979. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc tiếng Hán Việt (The origins and process of development of Sino-Vietnamese readings). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.
Pulleyblank, Edwin G. 1981. Some notes on Chinese historical phonology. Bulletin de l'École Française d’Extrême-Orient 277-288.
Pulleyblank, Edwin G. 1984. Middle Chinese: a study in historical phonology. University of British Columbia Press.
Sakel, Jeanette. 2007. Types of loan: Matter and pattern. Grammatical Borrowing in Cross-Linguistic Perspective. Biên tập bởi Yaron Matras và Jeanette Sakel. New York: Mouton de Gruyter. 15-29.
Short, Harry. 2006. A Mon-Khmer comparative dictionary. Đồng biên soạn bởi Paul Sidwell, Doug Cooper và Christian Bauer. Canberra, Australia: Pacific Linguistics Publishers.
Sính, Vĩnh. 1993. Chinese characters as the medium for transmitting the vocabulary of modernization from Japan to Vietnam in Early 20th century. Asian Pacific Quarterly 25.1:1-16.
Taylor, Keith W. 1983. The birth of Vietnam. Berkeley: University of California Press.
Vương, Lộc. 2002. Từ Ðiển Từ Cổ (A Dictionary of Ancient Words, 2nd. Ed.). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Ðà Nẵng, Trung Tâm Từ Ðiển Học.
Wang Li. 1948. Hanyueyu yanjiu (Research on Sino-Vietnamese). Lingnan Xuebao 9.1: 1–96.
Woodside, Alexander. 1971. Vietnam and the Chinese model: A comparative study of Nguyen and Ch'ing civil government in the first half of the nineteenth century. Harvard University Press.
_____
Nguồn: Mark J. Alves, Sino-Vietnamese Grammatical Vocabulary And Sociolinguistic Conditions For Borrowing, Journal of the Southeast Asian Linguistics Society 1:1-9.
Liên lạc với tác giả: markalves2004@yahoo.com
Ngô Bắc
dịch và phụ chú
1/2022