http://www.thuathienhue.gov.vn/

David Joel Steinberg

CÁC HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM

 Ngô Bắc dịch

Nếu nét nổi bật của lịch sử chính trị tiền hiện đại của vùng lục địa Đông Nam Á là sự biến thiên văn hóa của các chế độ quân chủ chuyên chế của nó, thì nền quân chủ Việt Nam đứng ỏ một mỏm chóp của phổ trường đối nghịch với các nền quân chủ tại Ava và Ayudhya [Ava, gần Mandalay, tại vùng Thượng Miến (Upper Burma), được lập thành kinh đô của Miến Điện từ năm 1364 cho mãi đến đầu thế kỷ 19, và Ayudhya là Vọng Các ngày nay, chú của người dịch].  Các lý thuyết chính trị du nhập mà Việt Nam muốn thể hiện tại Đông Nam Á bắt nguồn từ Trung Hoa chứ không phải từ Ấn Độ.  Tại Việt Nam, cũng như tại những nơi khác, một sự song hành nền tảng được tin là hiện diện giữa thế giới thiên nhiên và thế giới con người, và các định chế của con người đặt ra là nhằm để hòa hợp với và phản ảnh trật tự thiên nhiên.

Hoàng đế Việt Nam được mệnh danh là "Thiên Tử (con trời)", người thừa ủy nhiệm trên mặt đất các lực lượng thiên nhiên trong vũ trụ.  Điều trắc nghiệm để xem cá nhân một nhà cai trị Việt Nam có phải là một vị "Thiên Tử" thành công hay không chính là khả năng thực tế của nhà vua đó trong việc bảo đảm một mức sống tối thiểu cho thần dân của mình.  Các trận bão lụt hay hạn hán đột nhiên gây tổn hại cho đời sống của người nông dân Việt Nam được giải thích như là sự biểu lộ của vũ trụ không chấp thuận đối với chính vị hoàng đế.  Sự liên kết giữa sản lượng nông nghiệp với sự tín nhiệm về mặt tinh thần dối với nền quân chủ mạnh mẽ đến nỗi, thí dụ, vua Minh Mạng (trị vì từ 1820 đến 1841) sẽ ăn năn bãi bỏ các yến tiệc tại triều đình nếu Ngài nhận được tin tức cho hay đê diều bị vỡ tại một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.  Với tư cách bầy tôi của ông Trời, vị hoàng đế Việt Nam sẽ đích thân phủ phục, khẩn cầu, và dâng cúng một con trâu lên ông Trời vào cuối mỗi mùa đông tại đàn "Nam Giao" (southern altar), nằm ở ngoại ô kinh thành.  Nhưng như là một người chủ canh tác, vị hoàng đế cũng cử hành nghi lễ làm ruộng với một cái cày mạ vàng vào mỗi mùa xuân, trong khi các quan chức thiên văn trong triều phải chịu trách nhiệm về việc lập ra nông lịch hàng năm.

Đứng trung gian hòa giải giữa thiên nhiên và con người, vị quân vương Việt Nam đã thống hợp chính trị với ý thức hệ.  Vị hoàng đế bắt buộc phải là một học giả, một bậc thầy về Khổng học, một người có thể đặt định ra một mẫu mực đạo đức, và là một hiền nhân quân tử.  Lý thuyết chính trị truyền thống Việt Nam tự nó không quan tâm đến các giới hạn được áp đặt từ bên ngoài lên trên quyền lực -- thí dụ, chế độ pháp trị -- bởi một hiền nhân quân tử có thể được kỳ vọng sẽ nắm giữ quyền hành một cách thông thái.  Cùng một lúc, lý thuyết đó nghiêng về một hình thái phần lớn có tính cách thụ động của chế độ chuyên đoán, nhấn mạnh nhiều dến mẫu mực đạo đức hơn là các mục đích năng động.  "Uy Tín" (prestige), một đặc tính không thể thiếu được của mọi nhà lãnh đạo Việt Nam từ vị hoàng đế cho đến ông xã (lý) trưởng, bao gồm khái niệm về sự oai phong (uy: fearsomeness) với khả năng khuyến dụ sự tin tưởng và ngay cả lòng quí mến (tín).  Thiếu một trong hai điều đó, trong trường kỳ, sẽ làm nhà lãnh đạo trở nên vô dụng.  Nhà cai trị lý tưởng không phải là một nhà độc tài "ra tay trực tiếp" cho bằng một người có thể lôi cuốn các nhà học giả đến với nhà vua và biến họ trở thành các viên chức của nhà vua.

Điểm then chốt trong cơ cấu chính trị xã hội Việt Nam chính là chủ nghĩa gia đình chứ không phải là chủ nghĩa quân chủ.  Lòng trung thành với hệ cấp gia đình là một đặc tính cá biệt quan trọng nhất, bởi vì người ta tin rằng một người con vô cùng hiếu thảo sẽ không bao giờ có thể phạm vào một hành vi chính trị không thích đáng.  Xã hội xoay quanh các mối quan hệ có hệ cấp của riềng mối nổi tiếng "tam cương" (three principles) vốn là lý tưởng điều hợp đời sống của người Việt Nam: có nghĩa, lòng trung thành của một thần dân đối với nhà cai trị, sự vâng lời của đứa con đối với người cha, và sự phục tùng của người vợ đối với người chồng.  Điều này có nghĩa vị hoàng đế chỉ là một trong ba khuôn mặt tiêu biểu thẩm quyền lý tưởng.  Và, mặc dù nhà vua được xem là vị có thẩm quyền cao cấp nhất, lòng hiếu thảo chỉ nhường bước cho sự trung thành với ngai vàng về mặt lý thuyết hơn là trong thực tế. Thực vậy, giống như bên Trung Hoa, nhà vua còn bị bắt buộc phải miễn nhiệm công tác cho các viên chức dưới quyền có cha mẹ vừa mới từ trần, bởi đạo đức của tình gia đình đòi hỏi họ phải trở về làng mạc để cư tang trong một thời hạn lâu dài.  Nói tóm lại, lòng trung thành vô giới hạn và thiêng liêng hiện diện trong nền chính trị Việt Nam chính là lòng trung thành với gia đình.   Không hề có một điểm phân ranh rõ rệt đâu là nơi sự trung thành với gia đình kết thúc và đâu là điểm bắt đầu cho lòng trung quân.

Hơn nữa, chính giới quan lại, chứ không phải nhà vua, đã thực sự kiểm soát ý thức hệ quốc gia của người Việt Nam, hành xử như một đòn cân trên vị hoàng đế tương tự như Giáo Hội Thiên Chúa đối với các vị vua Âu Châu thời trung cổ.  Trong nhãn quan của các quan chức dưới quyền, được huấn luyện theo các kinh điển Nho học Trung Hoa, vị hoàng đế phải nêu gương đức hạnh tốt, hay phải "tu thân", trước khi có thể trị quốc.  Ngoài hai sự kềm chế bởi tình gia đình và sự thiếu vắng trong sự kiểm soát ý thức hệ quốc gia, mọi vương triều Việt Nam cũng còn bị giới hạn bởi nhu cầu cần phải chứng minh tư cách chính đáng của chính mình.  Vương triều nhà Nguyễn (1802-1945) đã thu thập tài liệu để soạn thảo một quyển sử về Triều Lê (1427-1788) và đã chi tiêu các ngân khoản lớn để khôi phục các đền đài Triều Lê hầu chứng tỏ rằng mình là kẻ kế thừa chính đáng của triều đại trị vì trước.  Quan trọng hơn, những áp lực của nghi thức như thế đã đè nặng lên trên cá nhân các vị hoàng đế cũng như trên toàn thể triều đại.  Không có một vị tân hoàng đế Việt Nam nào lại có thể công khai bác bỏ hay ngay cả sửa đổi một cách quyết liệt các định chế mà vua cha đã thiết định và truyền lại cho mình mà lại không vi phạm vào lòng hiếu đạo và từ đó làm mất uy lực tinh thần của mình.  Trong một tập thơ tuyệt tác nhuốm mùi Phật Giáo, Cung Oán Ngâm Khúc (Song of the Disenchantments of the Palace), viết bởi Nguyễn Gia Thiều (1741-98), quan điểm của một cung nữ bị lãng quên cho rằng một chùa sư nữ còn đáng mong ước hơn là hoàng cung đã biểu thị cho một sự tin tưởng thông thường của người Việt Nam rằng đời sống cung đình có thể dễ dàng chuyễn đổi sự vinh quang thành một hình thức nô lệ định mệnh.

Từ đầu thế kỷ thứ mười một cho đến năm 1802, nền quân chủ Việt Nam đã cai trị từ những vùng lân cận của thành phố Hà Nội ngày nay, một thành phố được gọi là Thăng Long trước năm 1802, và là Bắc Thành (northern citadel) trong các văn kiện hồi đầu thế kỷ mười chín.  Vào năm 1802, vị Hoàng Đế đầu tiên của triều Nguyễn, Gia-Long, đã dời quốc đô về Huế thuộc trung phần Việt Nam.  Tại nơi đây, vị quân vương ngự trị tại tâm điểm của ba thành phố đồng tâm có tường thành bao quanh: "kinh thành" ở vòng ngoài, "hoàng thành" ở bên trong, và "tử cấm thành" nằm bên trong "hoàng thành."  Mặc dù các sự bài trí các cổng thành của Huế, các điện đặt ngai vàng, các cung cấm có nghĩa gần cận với các cửa thành và lâu đài có danh hiệu tương tự tại Bắc Kinh, các cuộc diễu hành hàng tháng của đàn voi tại kinh đô làm ta liên tưởng đến vùng Đông Nam Á.  Và nếu kinh đô Việt Nam không hoàn toàn là một trung tâm thần tiên của đế quốc trong cung cách của các thủ đô lân cận trong vùng Đông Nam Á, nó đã có được các vị thần hộ mệnh, canh chừng cho các bức thành và các vọng gác của nó, và nó đã được xem là nơi tụ hội của các ảnh hưởng đức độ siêu nhiên, nhờ ở vị thế địa linh thuận lợi của nó.

Hai trung tâm quyền lực trong chính quyền trung ương của Việt Nam là vị hoàng đế cùng các nội thần của Ngài ở một bên, và ở phía bên kia, là giới thư lại thường lệ ở vòng ngoài.  Nội Vu, Phủ (Internal Affairs Office) phục vụ như là một ngân khố riêng cho hoàng gia.  Chín phân kho lệ thuộc của nó cất chứa các phẩm vật triều cống được tiếp nhận bởi các vị hoàng đế từ các nước bên ngoài, cũng như các hàng hóa xa xỉ nhập cảng (đồ thêu, thảm, đồ sứ), mà nhà vua sẽ ban phát cho các quan chức để tưởng thưởng.  Chỉ có một phân biệt mờ ảo có thể hiện diện giữa số thu thuế công cộng với lợi tức riêng tư của hoàng đế.  Song, trong thực tế, các nền tảng tài chính của vương triều Việt Nam thường yếu và dễ bị xâm hại.  Kinh đô đã chỉ nhận được phần chia nhỏ của số thuế thâu hàng năm trong khắp nước, bởi các ngân khoản lớn bị khấu trừ từ số thu này ưu tiên dành cho các nhu cầu hành chính của các tỉnh và huyện, trước khi kết số còn lại được chuyển về kinh đô.  Vị hoàng đế đã cai trị phần lớn xuyên qua sự kiểm soát cá nhân các quan lại của Ngài hơn là qua sự kiểm soát kinh tế trực tiếp các quỹ tài chánh của chính quyền.  Tuy nhiên, số thu nhập từ thuế ngoại thương gần như là một độc quyền của hoàng gia.

Cơ cấu hành chính của chính quyền trung ương Việt Nam được đứng đầu, y như khi nó bắt đầu xuất hiện hồi thế kỷ mười lăm, bởi Lục Bộ (Six Boards).  Các bộ này, theo thứ tự, là các Bộ Lại (Boards of Appointments) (các nha sở phụ trách quan lại dân sự}, Bộ Hộ (Tài chính) (phụ trách Thuế khóa và các lãnh vực tài chính khác), Bộ Lễ ( phụ trách Giáo Dục, hệ thống khảo thí nhân viên công vụ, đối ngoại, nghi lễ trong triều), Bộ Binh (Quốc Phòng), Bộ Hình (Tư Pháp - Justice), và Bộ Công (Public Works).  Sự phối hợp giữa các Bộ thì yếu ớt, và đã không hiện hữu cho mãi đến năm 1829-30 khi vua Minh Mạng thành lập Nội Các (Grand Secretariat) để kiểm soát trào lượng văn thư quốc gia tại Huế, bảo vệ các ấn tín nhà nước, soạn thảo các chỉ dụ và sắc lệnh nhân danh hoàng đế, nhưng phải có sự chấp thuận của nhà vua.  Chỉ mãi đến năm 1834-35, hoàng đế mới tạo lập ra một cơ cấu chấp hành quan trọng hơn nữa, Cơ Mật Viện (Privy Council), một cơ quan nhỏ gồm các quan chức dân sự và quân sự cao cấp nhất tại Huế, để hoạch định chiến lược quân sự (thí dụ, tại Căm Bốt trong thập niên 1830) và có gắng giải quyết các cuộc khủng hoảng nội bộ hay đối ngoại.

Ngay từ năm 1075 sau Thiên Chúa, triều đình Việt Nam đã tuyển dụng các viên chức hành chánh xuyên qua hệ thống khảo thí rập khuôn theo kiểu Trung Hoa.  Hệ thống bao gồm hai trình độ chính: các cuộc khảo thí thấp hơn ở cấp địa phương, xảy ra tại một một số địa điểm khảo hạch ở các tỉnh, và các cuộc khảo hạch cao cấp hơn tại cung đình và các thành phố, diễn ra tại kinh đô.  Ở cả hai trình độ, các cuộc khảo thí thường, nhưng không luôn luôn bắt buộc như thế, được tổ chức ba năm một lần.  Chỉ khi đạt đựoc sự thành công hoàn toàn ở các kỳ khảo thí cấp địa phương mới cho phép một thí sinh dấn bước điều mà thi sĩ Cao Bá Quát gọi là "con đường dài thăm thẳm khôn dò" lên kinh đô mong tìm một cấp bằng cao hơn.  Trên lý thuyết, người nông dân nghèo đói nhất có thể dự tranh trong các cuộc khảo thí và trong các kỳ thi trắc nghiệm khả năng ở địa phương xảy ra trước các cuộc khảo thí, mặc dù các lý trưởng bị bắt buộc phải thông báo cho các quan chức ở tỉnh danh tính các dân làng "bất hiếu" hay phản loạn không đựoc phép dự thí.  Các thày bói có thể đưa ra các lời tiên đoán khó hiểu về các cá nhân ứng thí trước khi có các cuộc khảo thí.  Các thày bói này sẽ có lớp tín đồ rộng rãi nếu họ tiên đoán chính xác các sự thành công trong các cuộc khảo thí.  Lý tưởng nghề nghiệp tại Việt Nam là chức vụ của một nhân viên chính quyền.

Tờ thông hành để trở thành một quan lại xuyên qua các cuộc khảo hạch công vụ là kiến thức học thuật về Tứ Thư Khổng Học Trung Hoa trước tác từ nhiều thế kỷ trước (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung và Đại Học) cùng Ngũ Kinh (Kinh Lễ Nhạc, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu).  Điều này có nghĩa rằng một viên thư lại - học giả Việt Nam truyền thống là một người học tổng quát rất thông thạo về triết lý Trung Hoa cổ điển hơn là có kiến thức chuyên môn về quản trị hành chánh.  Trong xã hội của mình, người này là vị học giả địa phương cũng là một quan chức của triều đình hay mong muốn trở thành quan chức như thế, một "trung gian môi giới" phải giữ lòng trung thành với cả làng xã bản quán của mình lẫn toàn thể giới thư lại.  Ông ta không đóng giữ cùng một lúc những vai trò khác nhau, và thường cũng không phục vụ như là một chủ nhân ông tiếp đãi các khách hàng của mình, như là các viên chức Thái Lan.  Triều đình không có đủ số thu để trả lương các viên chức một cách đầy đủ, nhưng tư thế quan chức đã mang lại nhiều ưu đặc quyền khác, trên hết là việc miễn trừ mọi sâu dịch và sưu thuế, và việc gia nhập của các con cái quan lại vào trường Quốc Tử Giám tại kinh đô, nơi mà các học sinh nhận đựoc học bổng trợ cấp, sự huấn luyện đặc biệt cho các cuộc khảo thí, và, đôi khi, các chức vụ thư ký ở cấp thấp.

Sự hiện hữu của hệ thống thi cử nêu lên các câu hỏi về mặt lịch sử đối chiếu.  Tính lưu động thăng tiến xã hội tương đối mạnh xét theo các tiêu chuẩn của một xã hội nông nghiệp tiền hiện đại nhưng rất yếu so với các tiêu chuẩn của khối Tây Phương kỹ nghệ hóa.  Trong xã hội Tây Phương, số lượng các chức vụ thượng lưu -- thí dụ, số giáo chức, bác sĩ, kỹ sư, vân vân tùy theo sự đòi hỏi của xã hội -- thường gia tăng nhanh hơn tỷ lệ gia tăng dân số, đến nỗi tính lưu động thăng tiến dành cho nhóm không-thượng-lưu được cải thiện một cách liên tục.  Trong xã hội Việt Nam cổ truyền, dân số gia tăng nhanh hơn số chức vụ hành chánh công quyền.  Và, mặc dù đã có một sự thiếu hụt các học giả đủ khả năng, các trường hợc thuộc loại cần thiết để cung cấp cho trẻ em làng xã kiến thức thích đáng về sự học hỏi Nho học để trúng tuyển các kỳ khảo thí không được thiết lập rộng rãi.  Hơn nữa, phí tổn của việc học hành như thế, về thời gian cũng như tiền bạc, thì cực kỳ tốn kém so với phần lớn các gia đình nông dân Việt Nam.

Để kiểm soát các quan lại của mình, vị hoàng đế Việt Nam vận dụng đến một số phương thức.  Một định chế mang tên là Đô Sát Viện (Censorate) cung ứng cho nhà vua các quan chức cư trú tại kinh đô và du hành đến các tỉnh, để thẩm sát hoạt động của các viên chức được bổ nhiệm thường lệ và đôi khi truy tố họ trong các văn thư đệ trình nhà vua về hành vi sai sót.  Vị hoàng đế cố giữ số quan lại ở số lượng nhỏ sao cho nhà vua có thể quản trị họ.  Một phần sự thực được bao hàm trong câu tục ngữ Việt Nam "Phép Vua thua (ít hơn) lệ làng", đã là một sự nhắc nhở đanh thép rằng không phải chỉ vì chủ nghĩa địa phương làng xã hay vì tình trạng giao thông yếu kém mà cũng còn do sự miễn cưỡng của vương triều thời tiền hiện đại không muốn tạo lập ra một nền hành chánh dàn trải đủ để quản trị trực tiếp khoảng 17,000 xã.  Triều đình cũng còn cố gắng để luân chuyển các quan lại, di chuyển họ từ chức vụ này sang chức vụ khác từng ba hay sáu năm một.  Điều này có chủ định để ngăn chặn họ phát triển các cơ sở quyền lực địa phương.  Như một hình thức giám sát khác, triều đình có nhận được các tờ trình "phê điểm" (khảo tịch) về các quan lại, thường được viết bởi thượng cấp của họ trong một hệ cấp công vụ gồm mười tám ngạch trật.

Trong các quan hệ đối ngoại, các nỗ lực chủ yếu của vương triều được nhắm vào sự duy trì huyền thoại rằng vị hoàng đế Việt Nam, như là vị "Thiên Tử" trong Khổng học, là ngọn hải đăng văn hóa của đất nước về Việt Nam.  Trong việc thông đạt với các nhà cai trị của Lào, triều đình Việt Nam có thói quen tự xem mình là "xứ sở trung tâm" (trung quốc}, hay "vương quốc trung tâm điểm" (middle kingdom}, vay mượn và Việt Nam Hóa từ ngữ Hoa văn để chỉ nước Trung Hoa.  Các xã hội lân cận như Căm Bốt, vốn không thụ nhận văn hóa Hoa-Việt, bị miệt thị là giống dân "man rợ".  Mặc dù chính nhà cai trị Việt Nam là một phiên thuộc gửi cống vật đến triều đình Trung Hoa tại Bắc Kinh, và mỗi vị tân hoàng đế Việt Nam đều nhận được một ấn tín tấn phong từ các viên chức Trung Hoa trong các buổi lễ chính thức tại Hà Nội, vương triều Việt Nam cũng cố gắng để tạo lập hệ thống triều cống riêng của mình dành cho các nước phiên thuộc là những nước bày tỏ sự kính trọng về mặt chính trị và dâng cống phẩm vật kinh tế.  Bởi vì các định chế quân chủ rập khuôn theo những định chế của Trung Hoa, nền ngoại giao liên quốc gia của Việt Nam nhất thiết là một sự sao chép dễ dàng nhận thấy của nền ngoại giao Trung Hoa.  Các sứ bộ triều cống từ Luang Prabang, Vạn Tượng, và Nam Vang được ước định sẽ mang cống vật đến Huế vài năm một lần, cũng như trong các dịp lễ lạc đặc biệt.

Tất cả điều này có nghĩa triều đình Việt Nam đã phải đối diện với vấn đề, chưa bao giờ được thừa nhận một cách công khai, cân bằng giữa những học thuyết lỗi thời của ý thức hệ chính trị vay mượn của mình với các nhu cầu cấp bách của môi trường Đông Nam Á.   Chính trị thực tế (realpolitik} tại vùng lục địa Đông Nam Á phức tạp hơn nhiều cuộc giao đấu liên xã hội của các nền văn hóa mà các văn khố ngoại giao Việt Nam đôi khi đã giả vờ như thế.  Khi nền quân chủ Thái Lan, được điều hành theo những giả thiết ý thức hệ của chính nó, đã thách thức các tham vọng của Việt Nam bắt nguồn từ chủ nghĩa truyền bá văn hóa như thế để biến đổi Căm Bốt thành một nước triều cống riêng biệt (và bảo hộ) của Việt Nam, các cuộc chiến tranh với Thái Lan đã phát sinh./-


NGÔ BẮC dịch

-----------------
Nguồn: In Search Of Southeast Asia -- A Modern History, ed. by David Joel Steinberg, New York: Praeger Publishers, 1971, các trang 68-72.

Ngô Bắc dịch

© 2006 gio-o

đọc các bản dịch khác của Ngô Bắc