ảnh: Michael Sherman

THẬT THEO CÁCH NGHĨ CỦA TÔI

 

Nguyễn Thế Hoàng Linh

 

 Hôm vừa rồi, tôi có đi khám ở bệnh viện Việt-Pháp. Mới mở cửa trở lại sau dịch Sars. Tôi có đôi lần đề cập đến mong muốn được sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa (XH XHCN). Cái xã hội ấy, với tôi, có gì cao xa, có gì lý tưởng đâu. Chỉ ít nhiều như ở bệnh viện Việt-Pháp là đủ rồi. Đây không phải là một mẩu quảng cáo cho bệnh viện Việt-Pháp. Cũng không phải một lời ngợi ca. Mà tôi thấy, đó là một môi trường bình thường và tạm đầy đủ mà bất cứ con người nào cũng cần được hưởng. Nếu bạn đã từng vào các bệnh viện ở Việt Nam, hãy làm vài phép so sánh với tôi. Bệnh viện Việt-Pháp không mất tiền gửi xe (cái này mà cũng kể khiến ối người chỉ vào các bệnh viện nước ngoài buồn cười), cửa tự động, hệ thống điều hoà khiến không khí thoáng đãng không có mùi “bệnh viện”, kết cấu, thiết kế, chất lượng vật liệu không gây phản cảm... Cơ bản nhất là thái độ phục vụ: Nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, hướng dẫn tận tình. Tuyệt đối không thấy to tiếng với “khách hàng” cũng như với nhau. Thử liên tưởng tới các bệnh viện khác trong nước, đặc biệt là liên tưởng đến cách đối xử của các nhân viên khác. Sẽ có cảm giác của một đối tượng mệt mỏi bởi sự khô cằn đi đến một nơi mình được phục vụ và một nơi mà mình dường như phải ngửa tay xin xỏ dù ở đó, “không ai cho không ai cái gì”. Vậy thôi, phục vụ tử tế, tận tình, nhẹ nhàng như vậy, với tôi đã là cách sống của XH XHCN rồi.

 

Tất nhiên, ở đây có một điểm nhấn đáng lưu ý là chi phí để có được sự phục vụ ấy. Khám, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp một số phim. Hơn hai triệu đồng! Tuy vậy, những chi phí này so với làm một số công đoạn tương tự ở nơi khác cũng không đắt hơn là bao. Rõ ràng, chi phí điều trị y tế ở nơi đâu trên đất nước mình cũng quá đắt đỏ so với mức sống trung bình. Điều này cho thấy, muốn nuôi sống XH XHCN thì phải có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì nó, cũng như duy trì mức sống của những con người trong đó. Một khi những nguồn vốn ấy không tích luỹ được hoặc bị thất thoát thì XH XHCN hiện thực chỉ như một quả táo, một cái khung nhà bị khoét hết ruột, hết bê tông cốt thép bên trong. Người ta trưng lên đó đây là táo XHCN, đây là nhà XHCN. Và đến khi nó sụp đổ thì những người không biết nhìn vào bản chất sẽ khăng khăng: “Đó là sự sụp đổ của XH XHCN, XH XHCN là không tưởng!”. Qua đó, chúng ta nếu tỉnh táo có thể biết chắc rằng, kẻ thù lớn nhất của XH XHCN không phải ai khác mà chính là những kẻ mạo danh nó để phá hoại nó từ bên trong. Đó là những kẻ lộng quyền, tham nhũng và bất tài. Những điều này không ám chỉ ai cả mà là một thực tế khách quan. Những kẻ lấp liếm, phủ định, đội lốt, ngăn chặn, chụp mũ thực tế khách quan mới là những kẻ phản động nguy hiểm nhất.

 

Tôi viết những điều này với một cảm giác khá gượng gạo. Nó không phải sáng tác ra một tác phẩm huyền ảo mà là viết về sự thật. Sự thật đang bị làm huyền ảo đi. Cũng chính bởi cảm giác gượng gạo này mà tôi có thể phần nào yên tâm rằng mình không viết nó với một sự bồng bột, hăng máu hay nóng vội dễ dẫn đến quá chủ quan. Tôi là một người ít nhiều sáng tác và lấy tiêu chí là luôn tìm cái mới. Những sự thật tôi viết ở đây là một trong những lần phá cái lệ đó để khẳng định lại những điều đã cũ, đã nhiều người không thấy lạ những cũng có nhiều người không biết hoặc không hiểu rõ. Bởi lẽ, nó không được nhiều người viết ra một cách  khách quan và trung thực, cũng như đọc nó một cách khách quan và trung thực bằng chính mong muốn cảm nhận rõ thật-giả của mình. Tôi viết ra vì tôi muốn biết mình đang ở đâu, sinh mệnh mình do ai định đoạt. Và nếu bị định đoạt thì trái tim và trí tuệ của những người định đoạt mình đến đâu, thay đổi ra sao rồi. Một con người hoang mang về điều đó nghĩa là anh ta không có một niềm tin vững chắc để sống vững chắc. Một gia đình không có niềm tin sống sẽ lỏng lẻo. Và một xã hội không có niềm tin ấy sẽ vật vờ. Tôi viết ra vì tôi cần biết phản ứng của cộng đồng với cái mình viết để xem tình hình xã hội đi đến đâu rồi. Có còn thờ ơ hoặc ngấm ngầm trông chừng như trước nữa không. Mặc dù sự viết này là một trò đánh cược. Nếu đất nước ta hiện nay là một đất nước dân chủ thì những lời này hoàn toàn có thể được chấp nhận một cách bình thường. Như nghe một người nói về những cái mà theo anh ta là sự thật khách quan; và đặt câu hỏi về những sự thật khách quan mà anh ta còn mơ hồ. Một công dân được quyền tự do ngôn luận và biết những sự thật đó. Tình hình thực tế của nước mình ra sao? Để người dân nắm được những sự thật cần thiết mà đi đúng đường. Nếu tốt đẹp thì yên tâm sống và cống hiến trong sự yên ổn. Nhưng chừng nào còn có những cái xấu xa thì phải nhanh chóng đấu tranh dẹp bỏ. Đấy là xu thế sống của một nước dân chủ và muốn hướng lên một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Xây dựng, gìn giữ, phát triển và phòng chống nguy cơ phá hoại. Đặc biệt là phòng chống tham nhũng. Bởi vì, tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến miếng ăn của con người. Nhu cầu ăn là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất. Con người được đáp ứng những nhu cầu vật chất cơ bản đó sẽ có thêm thời gian đến với những giá trị đẹp của tinh thần. Tham nhũng là ăn tranh phần của người khác và đẩy nhiều con người trong xã hội đến cái đói. Mà khi đói thì thỏ non hoá sói. Xã hội sẽ lưu manh, khốn nạn. Nếu chúng ta là một đất nước dân chủ thì theo bản chất, chúng ta phải công khai số liệu chính xác về nạn tham nhũng và chống được nó đến cùng bằng luật pháp chặt chẽ, công bằng và nghiêm minh.

 

Tôi chỉ đặt ra các giả thuyết như vậy để tất cả chúng ta đều từ đó so sánh với thực tế và tự rút ra kết luận cho mình. Tôi đưa ra những tiêu chí đó theo hiểu biết và suy luận, phân tích của mình. Và tin hay không, thấy đúng hay không là tuỳ người đọc. Mỗi con người trong mối quan hệ với xã hội vẫn luôn cần tự thân vận động không ngừng để tự biết hay-dở, thật-giả, ít ra là ở một mức tối thiểu nào đó. Lại với giả thuyết nước ta là một nước dân chủ, tôi tin dù hiểu biết của tôi đúng hay sai, khi tôi viết với một tinh thần hướng tới sự thật và sẵn sàng nhận góp ý, sẵn sàng sửa sai, chắc chắn tôi cũng sẽ được phản hồi với một thái độ lành mạnh và hướng thiện như vậy. Khi viết những điều này mà theo tôi là hoàn toàn nói về cuộc sống, cách sống, không hiểu sao tôi luôn có cảm giác bất an sẽ có thể bị chụp mũ, qui kết về vấn đề chính trị-một vấn đề mà tôi chẳng biết là bao. Tôi viết những điều này phần nào chính vì cảm giác e dè, hoang mang ấy. Nó làm những con người muốn sống thật khó sống. Cảm giác này không phải do tôi ảo tưởng ra mà vì tôi không đọc nhiều, không tiếp xúc nhiều nhưng vẫn đọc thấy, nghe thấy những trường hợp đấu tranh cho dân chủ bị vùi dập, chụp mũ, khống chế, bôi nhọ… Và quần chúng thì dựa vào những thông tin dối trá mà khinh bỉ, hắt hủi, cô lập... Hoặc trước những sự đe doạ mà đâm sợ hãi mà sống với vẻ bàng quan trước mọi bất công xã hội cần sự đấu tranh. Tôi không phải là người từng trải, bởi vậy, trước những thông tin ấy, tôi luôn có một thái độ hoài nghi, bình tĩnh cần thiết của người biết ít. Tôi kiểm chứng sự thật bằng việc theo dõi suy nghĩ họ thể hiện và hành động của họ (nếu biết). Để nắm được điều gì là thái độ chủ quan, điều gì là phản ánh khách quan, điều gì xuất phát tự đáy lòng mong muốn hạnh phúc cho nhân dân, điều gì ẩn chứa những mục đích mờ ám, điều gì thể hiện sự khờ khạo, cứng nhắc của kẻ bị giật dây… Tôi muốn biết thêm nhiều sự thật để không phân tích, suy luận bằng những thông tin, dữ liệu đã bị bóp méo. Những sự thật tôi muốn biết là từ chính trong đáy lòng đất nước chứ không qua những nơi khó có thể đặt nhiều niềm tin vào tính thực tế hoặc lòng trung thực như ở phép xã giao trong truyền thông hay những trang web bị/được firewall. Tôi cũng mong những người đọc những điều đó hay những điều này có một thái độ như vậy và sâu sắc hơn. Là một người ít đi, ít tiếp xúc, tôi chắc chắc sẽ thiếu những sự tự tin và sâu sắc trong cách nhìn nhận thực tế về từng con người ở từng vị trí xã hội cũng như vị trí địa lý khác nhau. Tôi không muốn nhiều năm sau nhận thấy mình đã ngộ nhận quá nhiều hoặc biết quá ít về con người cũng như thời đại. Mặc dù ai trong đời cũng không ít lần ngộ nhận, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự lười hiểu biết dẫn đến ngộ nhận. Bởi chính những sự ngộ nhận cá nhân góp phần vào sự ngộ nhận tập thể khiến cuộc sống trở nên mịt mù và những thế hệ sau phải gánh chịu sự u ám đó. Hẳn những con người chụp mũ, bắt bớ (nếu có) nếu không ngu dốt thì cũng hiểu mình đang là kẻ ác và dối trá thế nào. Còn nếu quả thực họ ngu dốt thì tại sao cuộc sống lại trao quyền lực vào tay kẻ ngu dốt. Để kẻ ngu trị, dạy, dẫn đường cho những người khôn? Một xã hội như thế sẽ đi đến đâu? Sẽ dẫn đến những sự ức chế, những mâu thuẫn không thể cứu vãn, dung hoà. Sẽ bùng nổ và gây hậu quả khủng khiếp thế nào? Tôi đọc, suy luận và so sánh với triết học Mác-Lênin (triết học mà đất nước ta đang kết hợp cùng tư tưởng Hồ Chí Minh để làm “kim chỉ nam” và cá nhân tôi thấy đó là một sự lựa chọn sáng suốt nhưng chưa nhiều người hiểu để đi đúng), thấy trường hợp này thực tế đã xảy ra: Khi giai cấp thống trị thất bại, chúng sẵn sàng bán nước.


ảnh: Michael Sherman

 

Như vậy, người mãi mãi chịu thiệt thòi là những người dân phó mặc quyền định đoạt sinh mệnh của mình cho người khác. Và là cả những con người đấu tranh nhưng không thuyết phục được đồng loại, dẫn đến những kết thúc dù có thể có lợi cho đời sau nhưng với thực tại của người đó thì là một sự vô vọng và đau khổ. Chân lý khẳng định đấu tranh giai cấp là để đi tìm quyền công bằng của con người. Nghĩa là: Không bị bóc lột, ngược đãi. Đất nước chúng ta, dân tộc ta bên cạnh việc chiến thắng ngoại xâm, đã chống lại và giành thắng lợi trước giai cấp phong kiến và tư sản bóc lột nhen nhúm trong thời chiến. Và thành lập, phát triển Đảng Cô.ng Sản Việt Nam-là chính đảng do giai cấp công nhân lãnh đạo-giai cấp được coi là tiến bộ nhất, bình dân nhất, trung thực nhất, công bằng nhất, cần cù nhất. Và như thế, không phải đấu tranh giai cấp giữa tầng lớp bị trị và tầng lớp thống trị nữa sao? Nếu được thế thì cuộc sống quá tuyệt vời. Nhưng tôi thấy, vì sự ngộ nhận hoặc hoang mang đó, không ít người lại cho rằng cái chúng ta đang cần chống là chống giai cấp tư sản với “tư cách” bóc lột của giai cấp này. Trong khi giai cấp công nhân theo pháp chế đang là giai cấp lãnh đạo?

 

Sự ngộ nhận này rất dễ hiểu. Bởi chúng ta không dễ nhìn ra kẻ thù giai cấp hay kẻ thù của xã hội luôn thay đổi theo thời đại. Đó chính là những kẻ xưng danh “tôi là công nhân” nhưng lại đang bóc lột chính những người công nhân, là “đày tớ của nhân dân” nhưng lại đang biến đồng bào thành nô lệ để vơ vét, nhũng nhiễu. Đây mới chính là “kẻ thù tư sản” thực chất của xã hội. Những kẻ không làm mà vẫn vơ vẫn vét. Còn một khi con người đã lao động, đã cống hiến, đã biết tuân thủ pháp luật chính đáng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân thì dù anh ta là tư sản hay vô sản, anh ta đã là một công dân tử tế và gương mẫu. Trang 504 cuốn “Giáo trình triết học Mác-Lênin” do nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành có chỉ rõ:

 

“Kinh tế tư bản tư nhân là bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nhiều thành phần và tầng lớp tư sản có vai trò tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, có khả năng tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong xã hội hiện nay, lợi ích hợp pháp của các nhà tư sản căn bản thống nhất với lợi ích chung của cộng đồng. Đây là mặt thống nhất giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động với tầng lớp tư sản là quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đấu tranh với những khuynh hướng tiêu cực của tầng lớp tư sản cũng để thực hiện hợp tác, đoàn kết xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh”

 

Như vậy, tư tương cho rằng mâu thuẫn lớn nhất hiện nay ở nước ta là mâu thuẫn giữa tầng lớp vô sản và tầng lớp tư sản là một sự mất phương hướng và cực kỳ lạc hậu. Cái chúng ta, ở một nước có tên cộng hoà XHCN, có thể làm mà không sợ mất phương hướng, không sợ sai lầm nghiêm trọng chính là tìm ra cái ác, cái xấu, cái tiêu cực để đấu tranh và tiêu diệt. Bằng không, sẽ chết ngợp trong hoả mù của những cái tên, những cái mặt nạ, những sự đánh tráo khái niệm liên miên và tinh vi. Khi đã đeo toàn mặt nạ tốt đẹp vào rồi, đâm chết người, người ta chỉ biết một bộ mặt đẹp đã đâm mà không biết là ai. Tôi trình bày như vậy không nhằm nói khéo hay ám chỉ điều gì mà khẳng định chính những cá nhân mạo danh Đảng Cô.ng Sản Việt Nam (với tiêu chí khởi thuỷ “là đày tớ của nhân dân”) để vơ vét, làm càn là những kẻ phản Đảng. Và để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân thì bản thân những người đó phải chấm dứt sự mạo danh và lộng quyền. Sự đòi hỏi này có lẽ là ảo tưởng nếu chỉ trên giấy tờ. Chính vì thế mà cần hành động của những Đảng viên trong sạch còn lại cũng như toàn bộ những con người thực sự muốn đấu tranh vì lẽ phải, vì hạnh phúc của mình cũng như loài người. Mà bước đầu tiên của sự đấu tranh là phải khẳng định được sự đấu tranh này là chính nghĩa. Không một người sáng suốt và tử tế nào có thể coi là phản động.

 

Tôi có viết trong một cuốn sách: “Chúng ta may mắn có một chính đảng duy nhất”. Điều này có thể khiến những người chủ trương đa đảng phì cười vì “suy nghĩ trẻ con”. Sở dĩ tôi viết như vậy bởi tôi nghĩ, trong tình hình xã hội rất thiếu người chính nghĩa này, dù có tạo được thể chế chính trị đa đảng để “cạnh tranh lành mạnh” thì rủi ro cũng rất lớn. Rất có thể lại biến thành một con đỉa nhiều vòi. Và nhân dân bị hút máu nhiều hơn. Thậm chí, không tránh được cảnh “nồi da xáo thịt”. Bác Hồ đã nói: “Muốn xây dựng XH XHCN, trước tiên cần những con người XHCN”. Chính thế, muốn xây dựng một xã hội chính nghĩa, cần những con người chính nghĩa có đầy đủ trái tim và khối óc. Rồi cùng nhau đi theo cách họ thấy cần thiết và phù hợp với con người. Lúc có được những lực lượng đông đảo những con người như thế, họ mới hoàn toàn đủ khả năng tạo một cơ cấu chính trị hợp lý. Bằng không, những sự đấu tranh chỉ là những sự soán ngôi với cái mặt nạ “đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ”.

 

Cái mà tôi nghĩ rằng cần thiết nhất đối với đất nước cũng như mỗi con người là rèn luyện một tấm lòng và năng lực nhận thức đầy đủ. Để biết đấu tranh. Và đấu tranh vì cái gì và đấu tranh như thế nào để thành công. Tôi không nghĩ rằng dẹp bỏ hoặc chống phá Đảng là một hành động sáng suốt. Hãy thử tưởng tượng đốn đổ một cái cây cổ thụ mọc rễ lâu năm trong một khu rừng muông thú bát nháo, hỗn loạn sẽ càng thêm hỗn loạn. Đó là thực hiện bước nhảy khi chưa đủ độ. Nói cách khác, nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại. Cái mà chúng ta phải làm và dám làm ngay lập tức để ổn định cuộc sống là chỉnh đốn Đảng. Góp ý đúng và nhanh chóng tiếp thu, thực hiện hết sức nghiêm túc. Những khẩu hiệu tương tự như vậy mà chính những đảng viên phát biểu cho đến bây giờ vẫn đúng. Có điều, nhân dân chưa thực hiện được nhiệm vụ của mình là tạo được một sức mạnh, áp lực bằng lẽ phải. Phải tạo được hoặc là sẽ cùng sụp đổ. Sẽ hỗn loạn. Và chẳng ai còn được gì cả. Ở thời buổi này, khi mà lòng hận thù có thể gây ra đủ chuyện, những kẻ bán nước cũng sẽ không có cơ hội trốn chạy.

 

Đó là những giả thuyết tôi đặt ra với một đất nước, một nhà nước thực sự muốn dân chủ, thực chất cũng là bảo vệ sự bền vững của mình. Bằng không, nếu đất nước chúng ta không dân chủ, những điều tôi đang viết rất dễ bị xuyên tạc. Và bản thân tôi sẽ phải chịu hậu quả cho xu hướng nói thật này. Tôi có thể bị bịt miệng bởi mấy “đồng chí” đến nhà lục soát, hăm doạ, thậm chí, bỏ tù, tra tấn, thủ tiêu. Cũng sợ chứ, nhưng cũng tin là họ không đủ ngu ngốc để làm như vậy. Điều đó hoàn toàn không thay đổi được cục diện phát triển và suy thoái. Có thể hành động bịt miệng chỉ đổ thêm dầu vào lửa trong sự căm phẫn là làn sóng đấu tranh chống tiêu cực. Và còn là cái cớ để những kẻ mạo danh nhân quyền nhảy vào phá hoại. Như thế, tội của những kẻ bưng bít sẽ không thể rửa và sẽ phải trả giá rất đắt. Không chỉ những kẻ đó phải trả giá mà chính những con người hùa theo hoặc im lặng khi cần lên tiếng sẽ phải chịu chung cảnh ngộ. Và như tôi đã trình bày, ở thời điểm này hay bất cứ thời điểm nào, phá hoại rồi vứt bỏ sẽ không thể trốn thoát. Tôi tin vào sức mạnh những luồng sóng năng lượng mà loài người chúng ta chưa nhận thức trong chính mình và trong người khác. Đó là những sức mạnh không lường được. Chính vì thế, tôi tâm niệm không bao giờ được làm hại con người. Tôi không muốn bị quả báo từ những người mình làm hại, từ năng lượng của cái thiện và từ chính mình. Chi bằng, chúng ta cùng cho nhau một cơ hội để sống thật. Xét cho cùng, sự thật là cái duy trì trật tự, tình yêu thương và hoà bình thế giới. Và là lí do tôi viết bài này. Tôi cần sự thật. Và tôi muốn khẳng định sự thật rõ ràng là tôi viết bài này với thiện chí và mục đích đóng góp. Thêm một sự thật là tôi viết nó với sự thoải mái dần từ bước đầu gượng gạo, như muốn nói lên tâm sự của một người dân. Tôi viết nó dù sự thật là nó có thê không chỉ gây hại cho tôi mà còn làm liên luỵ đến nhiều người tôi muốn họ yên bình. Nhưng tôi không thể không viết. Không phải chỉ nhằm thoả mãn một cái sự thật nào đó để khỏi hoang mang sống. Mà để làm gì đó góp phần cho cuộc sống nhanh chóng tử tế và tốt đẹp hơn. Ở một thời điểm nào đó, có thể tôi sẽ không dám viết những điều này, nhưng tôi có linh cảm không xấu về thời điểm ra đời của nó. Bởi vì, sớm hay muộn thì nó cũng phải được nói ra, cuộc sống còn nghĩa lý gì nếu có toàn những con người sợ liên lụy bởi sự thật. Bởi vì, với ít nhiều những thay đổi tích cực trong cuộc sống, tình hình đất nước hiện nay, sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng những con người yêu hoà bình, tự do (so với thời điểm lắng hẳn đi) giúp tôi tin nó sẽ góp phần nào đó với những con người sống thật, nói thật và làm thật. Và điều đó đang được ủng hộ và chấp nhận như một sự tất yếu của cuộc sống. Bằng không, cái chết của tôi có thể tạo được một làn sóng như thế. Ở đây, tôi muốn khẳng định một điều: Tôi không bao giờ tự tử. Trừ phi không còn nhận thức được mình là mình. Nếu tôi chết thì hoặc là bị giết hoặc là tự nhiên chết. Sở dĩ sự thật luôn cần là vì: Chỉ thử ví như nếu không biết tìm ra sự thật thì cái chết của tôi cũng như bao cái chết khác chỉ là những thứ mua vui hoặc bị lợi dụng làm mục đích cho những sự kích động, những âm mưu không lấy gì làm đẹp đẽ. Điều tôi muốn là mỗi con người đều có một sự thật cho chính mình. Để hành động đấu tranh xuất phát từ bản năng trái tim nhưng phải đủ lí trí để biết đấu tranh vì cái gì và như thế nào. Đấu tranh vào thời điểm nào, với lực lượng nào, mức độ nào. Có thể chỉ là một lời nhắc nhở với một người vứt rác bừa bãi. Có thể là cả một cộng đồng lớn lên tiếng trước một hành động bất công, phi lí. Chúng ta đã câm lặng quá lâu và dường như tôi buồn không chỉ vì chuyện gia đình, chuyện tình cảm mà là một nỗi thiếu vắng khi rất lâu rồi hoặc chưa bao giờ được nghe tiếng nói chính nghĩa của dân tộc trong quãng đời của mình. Trong đời tôi, gặp khá nhiều sự tình cờ. Ví dụ như bài viết này, tôi nghĩ đến nó không ít và không ngắn. Nhưng cho đến hôm qua tôi mới viết và hôm nay đang viết tiếp. Vừa rồi, đi qua đường, thấy có các băng rôn chào mừng ngày 19/8 mới nhớ hôm nay là kỷ niệm cách mạng tháng Tám thàng công. Chúng ta đã làm những cuộc cách mạng lớn, đã đổ rất nhiều máu trong thời chiến. Có nhiều hậu quả do khách quan, chủ quan để lại. Nhưng có thể nói chúng ta vẫn có một chút gì đó hạnh phúc vì đang ở trong thời bình. Và thời bình cũng cần những cuộc cách mạng để bảo vệ nó. Những cuộc cách mạng đổ mồ hôi. Đó là cách mạng của tiếng nói, của tri thức và lòng dũng cảm sống thật. Tôi viết những điều này có thể đem lại hạnh phúc hoặc đau khổ. Nếu cuộc đời tôi đau khổ vì nó, khi chết tôi vẫn không căm thù sự thờ ơ của loài người. Nhưng tôi sẽ trách móc một chút vì sự thờ ơ đó đã gây ra nhiều cái chết bên cạnh cái chết của những người như tôi. Và nếu những điều này góp phần mang lại hạnh phúc thì tôi cũng có một chút trách khéo những người không tham gia đóng góp cho thành công đó. Nếu có thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ tuỳ khả năng thì cuộc sống đã sớm đẹp hơn.

 

Lại kể một chút về chuyện đi khám của tôi. Tôi đau khắp người: mắt, đầu, cơ chân, tay, vai… Bác sỹ chuẩn đoán sơ bộ thấy bình thường, xương cốt ổn định. Chuyển sang phán đoán về bệnh tâm lí. Tôi thấy những cơn đau của tôi là tương đối hiển nhiên. Sinh hoạt không điều độ, hay thức khuya, ngồi vi tính ròng rã, ngồi học không đúng tư thế, không tập trung, đi đá bóng mật độ dày… hàng năm ròng. Có đến voi cũng quỵ. Về vấn đề tâm lí, không phải là không có, nhiều nữa là khác. Nhưng nói chung, tôi chưa bao giờ mất tự chủ trong những hành động cần sự tự chủ. Tất nhiên, lúc mất tự chủ thì làm sao nhận thức được đang mất tự chủ. Nhưng xét lại thì không thấy có hậu quả nào nghiêm trọng nên khá yên tâm. Khi người thân hay bác sỹ hỏi về vấn đề tâm lí, tôi rất muốn nói thật những quả thật không biết nói thế nào. Và không biết nói ra có thể giải quyết được điều gì. Bác sỹ hay gia đình không thể đem lại cho tôi một khung cảnh gia đình êm ấm và giàu tình cảm ngay lập tức (chuyện này mỗi thành viên đều phải cố và không làm được một sớm một chiều khi những khoảng cách vô hình đã tồn tại khá lâu). Cũng như không thể sáng tạo cho tôi một người phụ nữ tôi tìm kiếm. Và cũng không thể vẽ ra một đất nước mà người dân không khổ và không có vẻ ngày càng hờ hững.

 

Tôi chỉ cần chữa những cơn đau mắt, đầu, cơ để có thể vận động và tập luyện cũng như làm việc, học hỏi nhiều hơn. Còn về vấn đề tâm lí, bản thân tôi phải tự tìm liệu pháp. Gia đình êm ấm? Cái này hiểu nhau hơn sẽ tạo được. Người phụ nữ có thể yêu? Đã thấy, thất bại nhưng rồi sẽ lại thấy. Nhưng một tổ quốc tốt đẹp thì bản thân tôi có cố đến mấy vẫn không tự tạo ra được. Gia đình, tình yêu đẹp đẽ đã đủ để con người ta hạnh phúc lắm rồi. Nhưng chỉ một đất nước dân chủ mới có thể duy trì được sự bền vững của hạnh phúc đó. Vì vậy, tôi cần một đất nước tốt đẹp thực sự, như bao con người luôn cần có chứ không muốn hoang tưởng về nó hoặc mãi mãi bi quan hay chờ đợi mỏi mòn. Một tổ quốc đẹp và dũng cảm là đất nước mà hành động đấu tranh cho lẽ phải hay những ý nghĩ về đấu tranh là bình thường và chính đáng. Chứ không bị bóp méo hay bị những kẻ sợ đấu tranh cậy mình tạm ở một thế vô sự gọi là điên rồ, bồng bột. Nếu để những sự đấu tranh  trong óc mãi, nó mới làm nội tâm bị đè nén và dễ trở nên điên loạn hoặc ngây dại. Phải đấu tranh trước khi hiểm hoạ đó xảy ra hàng loạt. Hơn thế, đấu tranh để chống lại sự trì trệ và quan niệm yên ổn giả tạo. Cái quan niệm này làm những người đấu tranh trong thời bình nhiều khi khổ hơn trong thời chiến. Khi chiến đấu trong chiến tranh, anh có lý tưởng đem lại hoà bình yên ấm như bao người. Còn khi đấu tranh trong hoà bình, anh bị những người an phận coi là rỗi hơi, chơi nổi, phá vỡ sự yên bình. Và họ đẩy anh vào thế bị cô lập. Một tổ quốc đẹp và dũng cảm, tôi cần và tôi sống vì điều đó. Nếu bạn cần, có lẽ bạn biết phải làm gì. Gần đây, tôi nhận ra mình có một thú vui là phát hiện những con người tử tế. Thế giới có hơn 7 tỷ người nhưng cứ thấy được thêm một người tử tế là tôi đã có một chút niềm vui phủ lên những nỗi buồn. Mà không chỉ bản thân tôi, cả những con người còn lại đã gây ra cho tôi, và cho mọi người. Tôi chỉ cần sống đơn giản như vậy. Nhưng tôi luôn cảm giác về sự mong manh, luôn cảm giác về sự mơ hồ tương lai trong một xã hội như hiện tại, nơi mà bất cứ điều tồi tệ gì cũng có thể xảy ra. Những mơ ước chính đáng và nhỏ bé của tôi có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào khi tôi đang nỗ lực biến chúng thành hiện thực. Kẻ tước đoạt ở đây không phải là tạo hoá mà là những kẻ bịt miệng sự thật và cam chịu sự im lặng. Nhưng dù hoang mang, tôi vẫn đã đang và sẽ sống để tiếp sức mạnh cho sự thật, thực chất là để đảm bảo tính bền vững và hạnh phúc lâu dài cho chính mình và đồng loại. Hoang mang thì hoang mang nhưng mà vẫn sống. Vẫn sống thì vẫn sống nhưng mà hoang mang. Khi dẹp bớt được sự hoang mang này, chắc chắn tôi và nhiều người tương tự sẽ khoẻ hơn, sống tốt hơn và cống hiến được nhiều hơn. Điều đó làm lợi cho cả tôi, cả xã hội.

 

Có một chuyện khá thú vị mà tôi gặp ở bệnh viện Việt-Pháp. Tôi thấy một người phụ nữ ăn mặc, đầu tóc, mặt mũi, cử chỉ con buôn chính hiệu. Dám cá là ở ngoài đường ngoài chợ nhiều lúc, chị này chửi bới như rươi. Nhưng vào bệnh viện, nơi mà cung cách cư xử của nhân viên theo tiêu chí “khách hàng là thượng đế”, chị ấy cũng ăn nói hết sức nhã nhặn với nhân viên: ‘Xin lỗi, chị có thể chỉ giúp được đến…” Biết là con người còn có lương tâm khi được đối tốt thường đối tốt lại. Nhưng thú vị ở chỗ, được thấy người đối tốt, còn được thấy tận mắt người có vẻ không tốt đối tốt lại. Tôi đau gần như suốt cả ngày, nhưng cứ được thấy những niềm thú vị tương tự là như quên béng mình đang đau. Đau vì nhiều lí do. Trong đó có một lí do là: Trong xã hội, khi bị đối xấu người ta cũng thường đối xấu lại. Nhưng họ không dám đối lại với kẻ mạnh hơn mà thường trút sự chà đạp lên những kẻ yếu. Những kẻ yếu lại trút giận lên đầu những kẻ yếu hơn. Cứ thế, sẽ dẫn đến những sự bùng nổ tất yếu. Những vụ nổ đe doạ tính mạng toàn cầu. Chứ không bó hợp trong phạm vi buôn làng, thôn xã. Hy vọng những người có trách nhiệm và chức năng biết phải làm gì sau những gợi ý thật này.

 

anh có thể sáng tạo ra bất cứ cái gì trừ…

trừ cái gì?

trừ cái ác

bởi vì

tạo hoá đã lỡ tạo ra nó quá nhiều

trong mỗi con người

 

Những điều này tôi viết không nhằm mục đích tuyên truyền, cổ động cho lối sống rèn luyện, đấu tranh cho lẽ phải. Nếu gọi những mong muốn như thế là tuyên truyền, cổ động, rao giảng thì tôi đã viết quá nhiều rồi. Như tôi đã viết, ban đầu cảm thấy gượng gạo. Nhưng khi đã vào mạch nguồn, đã khơi được sự linh hoạt của tâm thức thì một điều viết ra chỉ là một câu chuyện đời sống, về cách nghĩ và phản ứng của một cá nhân trong một môi trường xã hội. Một cá nhân có nhiều điều giản đơn mà cũng không ít sự phức tạp. Tôi đang viết những điều này, thi thoảng lại sửa một vài chi tiết nhỏ trong một truyện ngắn vu vơ hoàn toàn khác về nội dung viết đã lâu. Nếu ai có nhã hứng xin mời đọc tiếp tôi kể chút nữa về chuyện bệnh tật…

 

Vị bác sỹ người Pháp sau khi khám và xem các phim chụp não, xương cổ, xương gót chân, xét nghiệm máu, nước tiểu, kết luận tôi hoàn toàn bình thường. Nếu có đau thì do tâm lí tưởng là mình đau nên đau. Nếu cần sẽ giới thiệu cho tôi một bác sỹ tâm lí. Tôi cũng có một chút tò mò muốn biết bác sỹ tâm lí chữa trị thế nào, dẫn dụ, giải thoát gánh nặng tâm lí thế nào. Nhưng nghĩ đến chi phí là cảm thấy khá ớn. Tôi nghĩ, tôi có thể nói với bác sỹ tâm lí thế này: “Thưa bác sỹ, tôi có một gánh nặng tâm lí dường như không thể trút bỏ được”. Bác sỹ tâm lí sẽ nói: “Bạn đừng lo lắng quá, chúng ta sẽ cùng thoải mái hợp tác tháo gỡ”. Tôi nói: “Không thể gỡ được đâu”. Bác sỹ nói: “Khi bạn tin thế thì vấn đề sẽ khó giải quyết. Hãy thư giãn, chúng ta sẽ cố hết sức và như vậy, dù không thành công như bạn nghĩ thì chúng ta cũng đã cố. Và biết được khi chúng ta cố hết sức thì sự việc được giải quyết đến đâu. Có những việc rất đơn giản, khi bắt tay vào làm và tin tưởng vào thành công thì những gánh nặng sẽ được giải toả rất nhanh. Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều trường hợp không tin như bạn. Điều đó rất bình thường. Rồi khi bắt tay vào hợp tác thì mọi việc trở nên khá đơn giản. Nhiều người đã điều trị thành công và nói với tôi nếu họ tin sớm hơn và hợp tác sớm hơn cũng như đến gặp bác sỹ tâm lí sớm hơn thì họ đã tạo ra được nhiều thời gian hạnh phúc hơn và hữu ích hơn… Chúng ta sẽ là những người bạn cùng chơi hoặc cùng làm việc, không hề có ranh giới bác sỹ hay bệnh nhân ở đây…” Tôi nói: “Không, chuyện này rất hệ trọng, bác sỹ không giúp được đâu”. Bác sỹ dịu dàng: “Bạn cứ nói đi mà, dù tôi giúp được hay không thì bạn cứ nói đi mà. Bạn yên tâm, nếu bạn muốn, chuyện này sẽ được giữ kín. Năn nỉ đấy!”. Tôi nói: “Chuyện này đơn giản mà rất phức tạp. Nỗi trăn trở lớn nhất của tôi là chi phí cho đợt tâm lí trị liệu này. Tôi cảm thấy bất an khi dùng tiền không phải của mình làm ra. Còn bác sỹ thì không thể chữa trị miễn phí rồi. Vấn đề là ở chỗ đó. Bác sỹ không chữa được đâu. Bác sỹ càng nói, thời gian càng kéo dài, chi phí càng tăng, bệnh tôi càng nặng. Thôi, chào bác sỹ”. Và tôi ra về, để lại trong lòng bác sỹ tâm lí một gánh nặng tâm lí lớn lao: Miễn phí hay không miễn phí?

 

Lại nói chuyện chuẩn đoán của bác sỹ. Dựa vào các chuẩn đoán đó, có thể đi đến kết luận tôi ít nhiều hoang tưởng về cơn đau của mình. Hoặc tôi hoàn toàn dối trá: Tôi không đau, không tưởng mình đau nhưng cứ nói là mình đau. Hoặc thú vị hơn nữa, tiềm thức tôi thúc đẩy một xu thế bệnh tật, đau ốm nhằm làm phương tiện cho một mục đích ám ảnh nào đó. Hoặc kỳ diệu, oái oăm, hài hước hơn, một đấng hư vô nào đó có vẻ như bị tôi không phục, gieo vào tôi những cơn đau mà không máy móc, bác sỹ nào phát hiện ra. Hãy thử tưởng tượng theo một cách biện chứng như thế mặc dù có thể bị những óc tưởng tượng hạn hẹp gọi là hoang tưởng. Còn về mặt khoa học thì có thể lý giải rất đơn giản: Kết luận của bác sỹ chưa chặt chẽ. Khám, xem phim chụp sọ não, xương cổ, xương gót chân, kết quả thử máu, thử nước tiểu đâu thể kết luận hết về tình hình sức khoẻ một con người. Có những trường hợp bệnh chỉ trú ẩn trong những xét nghiệm ấy. Nhưng cũng có những trường hợp rơi vào ngoại lệ, đau ở nơi này nhưng nguyên nhân lại trú ẩn ở nơi khác bắn lén. Hơn nữa, tôi muốn nhất là chữa đau cơ để sớm được vận động nhiều cơ mà. Khám bệnh xong, đến khám một chỗ đông y lại bảo (như hồi đi châm cứu có người bắt mạch bảo) gan có vấn đề dẫn đến đau khắp người. Anh thầy thuốc trông còn trẻ măng, lại thấy vui vì “sưu tập” được thêm một người toát lên vẻ lương thiện trong cách cư xử. Nào thì uống tiếp thuốc đông y xem. Dù sao thì vẫn giữ nguyên nhận định cơ sở vật chất và thái độ phục vụ ở bệnh viện Việt-Pháp có thể coi là một mô hình XHCN nho nhỏ theo ý tôi. Còn chất lượng điều trị thì chưa bàn. Chính thế, người ta cần nhanh chóng đi đến một xã hội đầy đủ để còn phát triển tiếp đến những bước cao hơn về công nghệ. Chỉ đơn cử về y học, chuẩn đoán bệnh của tôi như vậy (ở một bệnh viện có thể coi là chất lượng cao trong nước) đã hợp lí và đầy đủ chưa?

 

Mà cũng có thể tôi hoang tưởng thật. Hoang tưởng thì hơi khó biết mình đang hoang tưởng hay không. Tôi cũng biết rằng năng lực tự kỷ ám thị rất mạnh, đặc biệt với những người nhạy cảm và hay bị ám ảnh. Trong nhiều trường hợp bình thường cũng thế, dí một cái bàn là lạnh nhưng hoá trang giống bàn là nóng vào tay hoặc vào má một người biết về đau do bỏng bàn là thì họ cũng sẽ có cảm giác sợ hãi tột độ và cả ít nhiều cái đau của người bị bỏng thật. Tôi cũng có thể hoang tưởng hoặc ngộ nhận lắm chứ. Bình thường thôi. Nếu có một cuộc điều tra, nghiên cứu nghiêm túc thì tôi tin là phần đông nhân loại mắc bệnh này, không nặng thì nhẹ. Vì thế, tôi nếu có hoang tưởng cũng chẳng có gì phải hổ thẹn hay nhục nhã cả. Tôi đâu có cố tình biến mình thành kẻ hoang tưởng. Mà thậm chí, hoang tưởng ở một chừng mực nào đó còn là liệu pháp cân bằng rất tự nhiên mà tạo hoá ban cho xã hội loài người. Nhân đây, cũng thấy xã hội cần có một mức quan tâm nào đó để giảm số người mắc bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong môi trường nhiễu loạn thông tin thực tế. Tôi hoang tưởng? Thì sao nào? Khổ nỗi tôi muốn hoang tưởng cũng không xong. Tôi thấy bác sỹ hẳn hoi nhận định về cái bệnh tưởng mình đau thành đau thật, mà bác sỹ thì ít nhiều đáng tin hơn bản thân bệnh nhân rồi, cũng đành. Đã vậy lấy độc trị độc. Tôi lẩm bẩm ngày qua ngày cái câu khẩu quyết những lúc đau: “Tôi không đau! Tôi không đau!” Thế mà vẫn cứ đau. Suy ra tôi không ảo tưởng? Không, tôi phải ảo tưởng chứ. Có lẽ chỉ có ảo tưởng không đau thành đau chứ không có ảo tưởng đau thành không đau. Bởi vì, thực tế là không đau thì sao ảo tưởng là không đau được. Chà! Một mớ bòng bong. Ảo tưởng hay không về bệnh tật, với tôi không quan trọng. Tôi chỉ muốn sớm khoẻ để làm việc hiệu quả hơn và trí nhớ bớt suy giảm, bớt mệt mỏi. Hoặc nếu bản chất ngu dại, có khỏe như trâu vẫn vô ích thì ít ra cũng có sức để chạy nhảy hay đá cho hết được một trận bóng, cái sở thích đang bị cấm trong thời gian chữa bệnh, lại ở một nơi khác.

 

Còn nói nghiêm túc, ảo tưởng hay không, thật thà hay dối trá theo quan niệm nào đó đâu có quan trọng bằng cách người ta cư xử trong cuộc sống. Tôi không có ý định bênh vực mình mà chỉ muốn tìm ra những sự thật. Bởi tôi sợ “tôi ảo tưởng là tôi ảo tưởng, mẹ ơi”. Khi tôi khẳng định mình ảo tưởng, khẳng định mình kém cỏi hay không nắm được thực tế thì phải chăng đó mới là một sự ảo tưởng sâu sắc, một sự lừa dối bản thân rẻ tiền. Khi tôi coi mình là đứng trong top 5 những nhà thơ đương đại, một nhà thơ tầm cỡ thế giới hay đồng tình với nhận định mình là thiên tài (hẵng về thơ thôi), có thể nhiều người cho là hoang tưởng nặng, điên rồ hoặc nhẹ hơn là ếch ngồi đáy giếng không biết lượng sức. Tôi hiểu cảm giác của những người đó. Họ không tin là họ có thể thấy một thiên tài. Và vì họ không tin, rất có thể họ làm cho thiên tài biến mất. Còn với tôi, thiên tài hay không, đó đâu phải là một niềm hãnh diện lớn lao. Khi một anh nông dân được bế lên ngôi vua, anh ta sẽ sướng rơn. Nhưng một thiên tài được gọi là một thiên tài, đó là chuyện hết sức bình thường. Nếu anh ta có cái tâm, anh ta sẽ phải hoài nghi và day dứt xem mình sống có xứng đáng với cái phẩm cấp thiên tài vô hình mà tạo hoá đặt lên anh ta không. Và còn mơ hồ sờ sợ về những tầm cao hơn thế mà anh ta phải đi tiếp, dù anh ta phù hợp với một cuộc sống lười biếng hơn. Thiên tài thì đã là gì. Còn có siêu thiên tài. Nằm trong top 5 những nhà thơ Việt Nam đương đại thì đã là gì. Hơn nữa, đứng thứ 1 và thứ 2 đã có thể là một khoảng cách bất tận. Thiên tài có tới 99% là lao động nhưng cái 1% linh cảm kia, nó đã rơi vào ai thì cũng là một giọt mưa đá khổng lồ. Nó sẽ dìm chết anh ta hoặc anh ta sẽ đem nó dìm chết nhiều người vì đau đớn, nếu không được loài người chia sẻ những linh cảm và lao động ấy. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Một khi nguyên khí ấy được tận dụng thì quốc gia mới phồn thịnh (dựa vào cách đối xử với người tài mà người ta cũng có thể biết ít nhiều về hiện trạng của một quốc gia). Hơn nữa, cái luồng khí ấy, nó vốn là khí lạnh. Chỉ có tình yêu thương thực sự mới đem lại cho nó sự ấm áp. Những nỗi đau, trong niềm vui sao lại dễ dàng mất đi? Nó không mất đi, mà thực ra, niềm vui phủ một lớp da non mềm mại lên vết thương, để nó quên nó chính là nỗi đau và nó đang đau. Trên thực tế, tôi tin cái tài của mình so với nhiều cái tài khác còn thua xa, thậm chí, ít ỏi. Nhưng tôi là người viết, và tôi viết được giúp mình cũng như giúp người những nỗi đau, những sự thật hay sự kỳ diệu không được viết hoặc không viết được ra. Viết là một sáng tạo mà ở những thời điểm này bao quát được rất nhiều điều và mang tính hành động. Dù hoạt động viết đã có những sự suy thoái trong nhu cầu. Nhưng những điều đột biến ngẫu nhiên của lịch sử dần xuất hiện theo một quy luật tất nhiên ươm mầm đã lâu. Và viết sẽ lại có thời của mình nếu đủ năng lực góp phần phản ánh những vận động xung quanh sự đổi mới đó. Và giải oan cho sự phát triển âm ỉ không ngừng của mình nhưng không được nhìn ra. Mặc dù đây có thể bị/được cho là một ảo tưởng nữa, nhưng những xu thế ảo tưởng và hướng về nó một cách lành mạnh có thể biến nó thành sự thật. Tôi cảm thấy điều đó và đó là một trong những động lực để sống. Người vô tâm hoặc không đau hoặc không quan tâm đến nỗi đau khác mình thường không hiểu. Và nhiều người sẽ rất khó hiểu dễ dàng điều này: Sự thật nó rất nhiều nhưng hiếm hoi mới có một sự thật được hiểu theo bản chất của nó. Đây dù tôi tin là những điều thật lòng viết ra. Nhưng nói là thật lòng hay tin là thật lòng viết ra thì chưa chắc đã thật sự là thật lòng. Huống chi thật lòng về sự thật… Nhưng đấu tranh cho sự thật thì đâu phải là điều đáng để quá hoài nghi. Sự hoài nghi vô căn cứ của những người chẳng có gì gọi là linh cảm hoặc lấy cớ hoài nghi để trốn tránh trách nhiệm ấy đã đẩy loài người tới miệng vực. Có lẽ, không lùi được nữa… Và khi tiến lên, rất có thể chúng ta sẽ nhận ra, mình đi lùi vì a dua. Chứ trước mặt chỉ là những mũi giáo mỏng manh yếu ớt hoặc một ảo ảnh, một cái bóng to lớn của một con chuột nhắt mà thôi.

 

Anh thầy thuốc đông y bảo tôi bị yếu gan. Có lẽ gan tôi yếu thật, yếu lắm. Nên chỉ viết thêm chút nữa thôi. Lại còn không biết bao giờ gửi lên mạng được. Nghĩ đến gõ ra mệt lại càng mệt. Hy vọng nếu tôi có gửi lên, cũng đừng ai vội vã xoá đi vì sợ nói chuyện chính trị hay không hợp đường lối. Tôi nhắc lại, tôi nói chuyện cuộc sống và những điều này hoàn toàn hợp với đường lối chính nghĩa. Vì vậy, người xoá bài hoặc chỉ thị xoá bài mới chính là người vi phạm đường lối. Tất nhiên, nếu có chỉ thị trên yêu cầu xoá, đóng tất cả các topic, treo nick away vĩnh viễn thì không dám phiền công việc của các bạn. Chính xác đây là điều tôi hoang mang nhất: “Sống cho đời có bị nó giết không?” Hãy tin tôi, nếu xoá bỏ được mối hoang mang (lo hão hay thực tế) này cho tôi, cho nhiều người, thì cuộc sống sẽ tiến bộ rất nhanh. Ngược lại, nếu duy trì nó, sự tẻ nhạt, đánh mất sự thật sẽ bao trùm cuộc sống. Và đằng sau sự tẻ nhạt ấy là những khối thuốc nổ thủ công, trái tính trái nết, không lường được. Hãy để chúng tôi viết về những sự thật. Sự thật của tôi chỉ ít ỏi như thế thôi. Và những người thật sự vì sự thật sẽ biết phải viết thế nào và biết ngăn chặn những kẻ thừa nước đục thả câu như thế nào. Đó là sự có lợi và tính bền vững cho nhiều phía. Đây là một sự thật hiển nhiên, không phải một sự thương lượng hay thoả hiệp. Bởi vì, nếu xét ở một góc nhìn theo chuẩn mực xã hội, tôi là kẻ yếm thế. Nhưng nhìn sâu vào sự vận động khách quan, có thể thấy dù những người nhận thức kém hoặc ì ạch cứ dần tăng nhưng những trí tuệ và năng lực hành động thật sự cũng tăng đáng kể. Như vậy là tôi có những luồng sóng hỗ trợ rất lớn. Những gì ít ỏi nhưng cô đặc hoà vào hồ nước loãng có thể làm nên vấn đề và còn tạo được một sự dung hoà hợp lí của đời sống. Làm nó nhẹ nhàng đi mà không bèo bọt. Thật ra, so sánh lực lượng như vậy là quá mơ hồ: Tôi và những gì ủng hộ tôi với những gì chống lại tôi với những gì trung dung. Không biết ai thắng ai bại. Tôi chỉ tin ai nắm được nhiều sự thật hơn và thả nó ra được nhiều hơn sẽ là kẻ mạnh. Và nếu góp chung sự thật thay vì loại trừ, phủ định sạch trơn nhau thì sẽ tạo được một sự thật lớn được xâu chuỗi đầy đủ: Hoà bình thực sự.

 

Tôi càng ngày càng cảm thấy sự thật rất gần gũi tình yêu. Nó hoà cùng tình yêu để góp phần chủ đạo cứu rỗi thế giới. Tôi nhận ra mình yêu con người nhất khi họ thật. Và mối tình lớn nhất là mối tình với sự thật. Không phải là tôi yêu sự thật hơn gia đình, người yêu, bè bạn mà thực tế, sự thật trong họ đã làm tôi yêu họ, khi họ sống là chính mình. Còn khi họ đánh mất sự thật, họ sống vì một điều gì đó xa lạ với sự thật, ít nhiều họ đã đánh mất mình. Và tôi cảm thấy khi sự thật trong họ dần mất đi, tình yêu cũng giảm dần. Tình yêu tôi muốn nói đến là tình cảm thực chất, cái tình cảm mà người ta nhiều khi để rơi rồi những vẫn đinh ninh mình mãi là mình. Tôi nghĩ, rất cần những nền tảng khoa học cụ thể để chỉ rõ cho con người và thuyết phục được rằng tình yêu thương và sự thật là những nhân tố không thể thiếu để duy trì và làm ổn định cuộc sống, hạnh phúc. Để nói sự thật là gì, sự thật nào là của chung của riêng rất khó. Một cá nhân có quyền nói hay im lặng về bí mật cá nhân mình. Nhưng không có cá nhân hay tập thể nào có quyền giấu đi lịch sử. Ở thời điểm này, sự thật nếu được công khai rộng rãi sẽ tạo nên những sự sửng sốt với lớp trẻ. Nhưng nhiều sự thật có vẻ bi quan hay khiến niềm tin sụp đổ được công khai lại đem đến sự lạc quan và niềm tin sống mới. Đó là: Được sống trong một cuộc sống thẳng thắn và có những con người dám đối diện với sự thật để cùng biến sự thật thành động lực hàn gắn những vết thương hay hiểu lầm quá khứ. Và khi biết được những sự thật cơ bản của cuộc sống, con người sẽ bớt hoang mang không hiểu mình đứng ở đâu và phải làm gì trong sự phức tạp nhiều hơn cần thiết của cuộc sống. Sự thật sẽ chỉ rõ sống cần tập trung vào việc gì trước nhất, những gì cần được sửa chữa nhanh chóng và những tầm cao trong cuộc sống thực sự là gì, là ai để hướng tới. Và khi đánh giá lại quá khứ, chúng ta nhìn nhận khách quan rằng: Nhiều lãnh tụ bị đặt lên vai những trọng trách quá lớn, quá khả năng chịu đựng. Từ đó mà bên cạnh những sự sáng suốt là những sai lầm của mệt mỏi, của sự đơn độc, của tuổi tác kéo theo sự suy giảm năng lực. Sai lầm lớn nhất của họ là sự bảo thủ, chủ quan và không tìm được người thay thế kịp thời. Nhưng thiết nghĩ, khi sự sáng suốt đã giảm đi hoặc mất đi, sự mệt mỏi đã ngự trị, làm sao còn sự sáng suốt đủ để nhìn ra hoặc có được lòng dũng cảm hay ý chí để sửa cái sai ấy trong chính mình. Vậy thì ai? Ai sẽ sửa? Đó là dân. “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi). Người dân phải lên tiếng. Đồng loạt và mạnh mẽ chứ không thể đợi đến một sự tức nước vỡ bờ gây nhiều hậu quả. “Nhưng mà dân thì biết gì?” Sẽ có những ý nghĩ chủ quan như vậy. Cũng bởi lẽ ấy mà để khẳng định vai trò và quyền lợi của mình, người dân ở thời đại này không thể lặp lại sai lầm cũ: Sống bừa bãi, lười tìm đến những tầm cao nhận thức, đặt cược cả số mệnh cho những người lãnh đạo. Thực chất là sự ỷ lại và thiếu đóng góp. Tôi không bao giờ phủ nhận là nhiều người dân rất khổ nhưng không có nghĩa là cứ khổ thì không cần quan tâm đến việc gì ngoài nỗi khổ của mình. Quan tâm đến việc nước cũng chính là quan tâm đến sinh mệnh của mình. Tôi lại thấy đau đau nơi ngực. Dù hoang tưởng hay không thì tôi cũng xin dừng bút.

 

Hà Nội, 17-20.08.03 & 28-29.09.03

 

Nguyễn Thế Hoàng Linh