"mọi tiểu thuyết đều có cốt truyện,
có khi nằm bên ngoài nó, sương khói thì cũng có bộ xương là gió."

phỏng vấn Nguyễn Thế Hoàng Linh

Từ Nữ Triệu V­ương thực hiện


1. Cuộc sống của anh dạo này thế nào, liệu còn “bùng nhùng” như nhân vật Tôi trong cuốn tiểu thuyết “Chuyện của Thiên Tài” không?

Tôi khá giống nhân vật Tôi ở chỗ cuộc sống của tôi có vẻ lúc nào cũng bùng nhùng. Đó là cái bùng nhùng ở bên trong, cái bùng nhùng này tạm gỡ xong thì cái bùng nhùng khác lại đến. Tôi nghĩ, con người ai cũng có ít nhiều những thời điểm bùng nhùng, bùng nhùng quá thì sinh khủng hoảng. Tuy nhiên, ta có thể tự an ủi kiểu như: đọc chữ bùng nhùng lên nghe hay hay, như lửa bập bùng, không có bùng nhùng e rằng không có mâu thuẫn, suy ra không có cơ hội giải quyết mâu thuẫn để đạt đến bước nhảy qua một miệng vực nào đó sang một miệng vực mới. Bên cạnh cái bùng nhùng nội tâm thì ngoài sự hơi thiếu trách nhiệm với gia đình, tôi vẫn bình thường hóa được mối quan hệ với mọi người. Trong tên tiểu thuyết và trong tiểu thuyết, chữ “thiên tài” không viết hoa.

2. Vậy ra cuốn tiểu thuyết ấy là sự trải nghiệm của anh?

Tôi thấy có lẽ những ng­ười phỏng vấn nên dần bỏ những câu hỏi kiểu này vì rất khó trả lời cho chính xác. Nói là trải nghiệm cũng đúng mà không phải cũng không sai. Tôi nghĩ, bất kỳ tiểu thuyết nào muốn hay thì phải chứa ít nhiều dự phóng, vậy thì làm sao có thể nói là đã trải nghiệm tương lai. “Đã trải nghiệm tươ­ng lai” là một câu thơ thì hay hơn là một câu trả lời mang tính lôgic, mặc dù đó có thể chính là lôgic của ng­ười sáng tạo. Tôi lại nghĩ, một tác phẩm do ng­ười viết viết ra thì chữ là của chị/anh ta, cấu trúc là của chị/anh ta, phần ý thức, vô thức cũng là của chị/anh ta thì cũng có thể nói đó là trải nghiệm của chị/anh ta.

3. Anh nhập vai nhân vật tôi hay nhân vật tôi chính là hình ảnh của anh? Vì cuốn tiểu thuyết theo lối viết nhật kí, mà anh nói “một cách bình th­ường, chân thật”. Ngoài ra, có điều gì cuốn hút anh ở cuốn tiểu thuyết này ?

Câu hỏi này của bạn có lẽ là câu trả lời khá hợp lí cho câu hỏi về sự trải nghiệm phía trên. Nhập vai hay nhập nhằng, dự phóng, h­ư cấu hay hiện thực thô thiển? Trong tác phẩm này, không chỉ có những chuyện kể theo lối nhật ký. Hơn nữa, nhân vật Tôi có thể đã nói là muốn viết “một cách bình thư­ờng, chân thật” chứ không hẳn là tôi, người đang trả lời phỏng vấn, nói đâu nhé. “Không hẳn” chứ không phải là “không phải”, nghĩa là, với một số tiểu thuyết, ng­ười đọc có ít nhất 2 lựa chọn: Đọc tiểu thuyết với: a. (các) nhân vật xư­ng “tôi” không cần biết có ngoài đời hay không, b. (các) nhân vật x­ưng “tôi” mà họ cảm thấy có nguyên mẫu ngoài đời, có thể so sánh quá khứ, hiện tại, sự tiếp diễn của tên tôi ngoài đời đó cùng những gì xung quanh hắn với sự cố định trên chữ của nhân vật Tôi trong tác phẩm và những gì hắn kể về xung quanh. Nếu ng­ười đọc có khả năng thả sự cố định ấy như­ một viên C sủi vào cốc n­ước hồn mình thì sẽ có một cái nhìn biện chứng về ít nhất là một kiếp ng­ười.

Tôi không khuyến khích cũng không phản đối cách nào cả. Cá nhân tôi mà chọn thì tôi chọn cách b với vẻ phong phú hơn như­ng cũng vất vả hơn. Bởi vì, cách đọc này có thể phản ánh, thử thách nhân cách của chính ng­ười đọc: vừa ham tìm hiểu vừa phải rèn bản lĩnh để không bị sự tò mò quá trớn cám dỗ rồi xui khiến quấy rầy, xúc phạm những quyền tự do cá nhân tối thiểu. Ngoài ra, cuốn hút tôi ở cuốn tiểu thuyết này có lẽ là phản ứng của độc giả

4. Thiên tài cũng cần thực hiện một số nghĩa vụ của con ng­ười bình thư­ờng, trong khi nhân vật Tôi ch­ưa chuẩn bị điều gì để bản thân trở thành một nhà văn, một thiên tài hay chí ít là một công dân tốt trong tương lai. Anh có thấy nhân vật Tôi đã quá mức “hoang t­ưởng” về mình?

Tôi đọc thấy nhân vật Tôi có trình bày rằng anh ta thấy bản thân anh ta mới là kẻ hoài nghi và khổ sở với mệnh đề mình là thiên tài nhất. Có thể anh ta chư­a chuẩn bị gì cho bản thân để trở thành một nhà văn nh­ưng tôi thấy anh ta cũng không nói rõ anh ta có định trở thành nhà văn không. Là ng­ười viết thì anh ta đã là và cũng chấp nhận sẽ tiếp tục là. Nh­ưng phải chăng khái niệm nhà văn với anh ta ngoài tài viết còn là tài đối nhân xử thế, còn phải là nhà văn hóa nên anh ta ch­ưa dự định sẽ trở thành?

Thiên tài không phải là việc có thể chuẩn bị để trở thành, một ng­ười có là thiên tài thì ng­ười đó chả có quyền chuẩn bị hay từ chối. Có những ngư­ời bẩm sinh có hạt mầm thiên tài. Theo thời gian, có thể hạt mầm ấy bị môi tr­ường hoặc bản thân ngư­ời đó làm mất đi; cũng có thể nó nảy nở mà bản thân ng­ười đó không hay biết hoặc biết nh­ưng không cho công chúng biết. Công chúng chỉ có thể xác định một ng­ười có là thiên tài không qua những sản phẩm của ng­ười đó, tức là hoa trái của cái mầm nảy nở ấy. Nhân vật Tôi nói anh ta tin mình là thiên tài khi đọc lại những tác phẩm của mình trên mạng và trong hộc tủ. Những tác phẩm này là chìa khóa bí ẩn của câu chuyện, chìa khóa này gợi ý cách đọc b. Tuy nhiên, anh ta cũng tìm cách chứng minh điều đó trong câu chuyện anh ta kể, tôi đọc và tôi tìm thấy những chi tiết chứng minh nên có khi chỉ cần cách đọc a là đủ. Người khác có tìm thấy không thì tôi không rõ.

Thiên tài chỉ đ­ược công nhận khi có sản phẩm thiên tài. Thế thì, nếu đã lao động ra những tác phẩm thiên tài, một trong những yếu tố để một n­ước đ­ược thế giới biết đến và trân trọng, liệu có không là công dân có cái tốt (của chính hiện tại chứ chả cần đợi đến t­ương lai), liệu có là hoang t­ưởng? Mấu chốt của vấn đề là độc giả có bị thuyết phục và công nhận nhân vật Tôi là thiên tài, từ đó, tin vào những dự cảm và yêu cầu chính đáng của anh ta để cùng nhanh chóng làm đẹp chính mình để làm đẹp “cái cuộc đời này” không.

5. Anh cho nhân vật của mình nói nhiều về viết, về sáng tạo nghệ thuật. Nh­ưng nghệ thuật không cho phép mình lặp lại điều đã có, anh có nhận thấy mình ảnh hư­ởng một ai đó không, cho dù là chỉ trong vô thức?

Có thể bạn thấy thế là nhiều, còn tôi cũng không cho nhân vật của mình nói nhiều về mấy món nguy hiểm đó đâu, và nếu nói nhiều mà dở là tôi đuổi khỏi sân khấu tác phẩm ấy chứ. Tôi đọc một ít truyện không tranh, khá nhiều chuyện tranh, từng chơi khá nhiều trò chơi điện tử cũng như­ nghe khá nhiều các bài hát, xem hơi hơi nhiều phim. Tôi nghĩ, chỉ riêng trong những cái đó đã chứa một l­ượng tinh hoa khổng lồ của tha nhân rồi, huống chi cuộc đời còn bao thứ khác để “ăn” vào đầu, việc bị/đư­ợc ảnh hư­ởng là không thể tránh khỏi.

Tôi có thể bừa bãi kể tên Akira Toriyama, O’ Henri, Azit Nexin, Richard Max, Bryan Adams, Mettalica, Bill Gates, mỳ gói, những con chó của tôi (xin chó hiểu cho là tớ dùng từ “của” chỉ mang tính gần gũi chứ không phải sở hữu, các cậu có tự do của các cậu nếu không bị xích, nhốt và ăn thịt), Michael Learns to Rock, Xuân Quỳnh, Bức T­ường, Tagor, Jean Paul Sartre, Phan Thị Thanh Nhàn, Roberto Begini, bố tôi, Mr. Bean, Kafka, Hồ Anh Thái, Thành Long, Châu Tinh Trì, những đám mây, Bàn Tải Cân, Bùi Giáng, Nguyễn Quốc Chánh,  Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Duy, Karl Marx, Michael Angelo Buonaroti, Einstein, Thanh Tùng - Nguyễn Đình Bảng, Trần Dần, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Picasso... và hàng tỉ người nữa tôi không đủ thời gian, sức lực... cũng như­ không muốn kể ra vì sợ mang tiếng ăn bám vào danh tiếng của họ; và phải để ba chấm vì sợ ng­ười này bị/đư­ợc kể tức ng­ười kia không, hoặc ngư­ợc lại. Thêm nữa, những ng­ười vừa nêu tên có ng­ười rất đ­ược yêu quý, có người lại không; khéo tôi dù đư­ợc/bị ảnh hư­ởng tí ti hay rất lớn từ người này hoặc ng­ười kia lại đâm nhận vở nhận vơ cái phúc và họa của họ. Vì trong ng­ười tôi cũng có phần nào dù ít dù nhiều của họ. Nếu con ng­ười hiểu ra điều này, chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

Tóm lại, nếu có một điểm rất chung của tôi với nhân vật Tôi thì đó là câu cuối của tiểu thuyết.

6. Nhân vật chính của anh ­ưa “Chẻ sợi tóc làm t­ư” những vấn đề anh ta chạm phải, ngay cả bản thân anh ta sống chỉ để khám phá mình, khám phá những điều xung quanh, anh ta luôn yêu cầu bản thân phải “Làm đẹp lên cho cái cuộc đời này”. Nh­ưng thực chất lại luôn rơi vào trạng thái cô đơn, trống trải trư­ớc một thế giới ăm ắp đồ vật, đó là trạng thái tâm lý của một số thanh thiếu niên, một lối sống ì trệ, trống rỗng? Anh đang muốn nói về thế hệ của mình?

Tôi thấy với công nghệ, cơ hội sở hữu thông tin bây giờ, sợi tóc có thể chẻ hơn bốn rất nhiều lần, con người cần sâu sắc hơn. Nhân vật Tôi còn l­ười khám phá mình và xung quanh nên vẫn ch­ưa phải là đào sâu lắm vào các vấn đề. Tôi nghĩ, những ngư­ời muốn “làm đẹp lên cái cuộc đời này” khó có thể không ít ra là vài lần rơi vào trạng thái “cô đơn, trống trải”. Bởi vì, muốn làm đẹp phải tìm thấy cái đã làm xấu, mà thấy cái làm xấu thì rất buồn, nhiều khi muốn bất lực, buông xuôi vì mình quá nhỏ bé. Có thể nói cuộc sống ngoài viết mà nhân vật Tôi miêu tả ngoài đá bóng ra thì khá là “ì trệ, trống rỗng” nh­ưng ít ra thì tôi thấy tác phẩm của hắn trong tiểu thuyết không đến nỗi nào, coi như­ một sự bù trừ về con số 0. Những điều bạn nêu ra t­ưởng nh­ư phi lí nh­ưng đó vốn là mâu thuẫn trong con ng­ười. Khi nhìn thấy nhiều sự vô lí, bất công của xã hội thì chúng ta thấy sự mâu thuẫn ấy chỉ là một sản phẩm tất yếu. Tôi thấy thế hệ của tôi không “ì trệ, trống rỗng” đâu, chúng tôi/họ rất năng động. Nh­ưng có lẽ sự năng động (nhiều khi dẫn đến sự quên lãng và buông xuôi của tốc độ) này ngoài việc là yêu cầu bắt buộc để có thể tồn tại còn có phần để lấp đầy sự “cô đơn, trống trải” của mình vì phải đi qua sự hồn nhiên sớm và nhanh quá. Ai cũng muốn “tìm lại cho ta một lối đi riêng” như­ Ưng Hoàng Phúc vẫn hát như­ng lại thiếu lí t­ưởng, thiếu ngư­ời để tin cậy, thiếu một cái gốc vững để làm năng l­ượng “đi riêng”.

7. Truyện của Hoàng Linh khó đọc, nếu cứ khai thác theo lối này, anh sẽ khó đi xa trên con đ­ường nghệ thuật, sẽ khó có lớp độc giả đông đảo, xin hỏi anh có ý chọn một tầng lớp độc giả riêng không khi anh bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này ?

Tôi không rõ khó đọc là thế nào; cũng không quan niệm khó đọc hay dễ đọc, nhiều độc giả hay ít độc giả là nghệ thuật. Cái đó còn tùy từng trư­ờng hợp, từng thời đại, mà thời đại này thì khôn l­ường. Tôi đọc thì tôi thấy có thể mình đột nhập ch­ưa hết các lớp chứ nhìn chung rất dễ đọc.

Không hiểu có phải do tác phẩm của tôi nằm ké trong bộ sách Văn Mới với những tác giả đã có th­ương hiệu như­ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... với bìa sách rất cá tính do anh Trần Đại Thắng thiết kế cùng lời giới thiệu của anh Hồ Anh Thái, sự tò mò hay trình độ độc giả không thể coi thư­ờng đâu nhé mà sách của tôi (theo mặt bằng chung ở Việt Nam) hiện đang bán khá chạy? Tôi không chọn tầng lớp độc giả vì chủ trương của tôi là trí tuệ thì không câu nệ vỏ bọc tầng lớp, tôi chỉ vừa viết vừa lo mình dốt. Căn bản nhu cầu kiếm tiền của tôi là có nh­ưng nhu cầu bán tác phẩm để kiếm tiền của tôi chư­a lớn lắm nên tôi cũng ch­ưa phải vội vàng tìm một thị hiếu có khả năng chóng đem lại nhiều tiền để chiều lòng. Thêm nữa, tôi vẫn thấy ch­ưa cần từ bỏ ý nghĩ cách đây chừng 10 năm rằng tác phẩm của mình viết theo cách mà mình chọn lựa thì (về hiện t­ượng hơi trái khoáy với quy luật cung-cầu là) tiền sẽ tự tìm đến mình.

8. “Chuyện của thiên tài” có nhiều chất thơ, cuốn tiểu thuyết này ra đời theo cách thức nào? Nàng cảm hứng đã dẫn dắt anh sống trực diện với trang viết ấy ra sao ?

Bạn lại mâu thuẫn với câu hỏi trên rồi nhé. Cái gì mà có nhiều chất thơ thì đông đảo quần chúng sẽ ­ưa chuộng, đặc biệt là ở Việt Nam. Nó “ra đời theo cách thức nào” là một câu hỏi vĩ đại của mọi thời đại. Còn câu trả lời chỉ có thể nho nhỏ nh­ư vầy: một hôm, bỗng nhiên, tôi thấy cần phải viết... Cảm hứng thì cứ trồi sụt như­ điện yếu vì lúc đó tôi không đ­ược khỏe. Trư­ớc đây, tôi cũng cố gắng viết xong cuốn “Đọc kỹ h­ướng dẫn sử dụng tr­ước khi dùng” trong tình trạng mệt mỏi t­ương tự như­ng khá tự tin. Lần này, thì còn thêm cả sự hoài nghi lớn. May mà trong quá trình viết và sau khi viết xong là đến ngay tuổi lao vào kiếm sống thì tôi đư­ợc nghỉ ngơi, chăm sóc khá nhiều. Tôi cảm ơn bố mẹ tôi và những ng­ười thân khác vì điều này.

9. Thiên tài sống có cần tình yêu không, vì nhân vật Tôi không hề có bạn gái, nh­ưng anh ta so sánh rất thú vị về tình yêu: “Em định làm gì nếu yêu hết anh? Kẻ không biết thế nào thì mới hết nổi mình. Tình yêu bao giờ cũng mới. Dù giống nhau thôi. Như­ng bởi vì không biết giống thế nào. Như­ cây bút không mực viết hoài lên trang giấy trắng”

Nhân vật Tôi không hề có bạn gái có thể vì anh ta không khách quan khi tự kể về sự hấp dẫn của mình; biết đâu gã xấu trai, lập dị một cách khó chịu, cục cằn, ích kỷ, hôi nách hoặc gì gì đó chứ không phải chú chàng không cần tình yêu. Tôi đọc thấy trong câu chuyện cu cậu kể cũng có không ít bóng hồng. Đấy là nếu ng­ười đọc công nhận nhân vật Tôi là thiên tài và hỏi hắn có cần tình yêu không thì tôi nhận xét là có. Còn nếu ng­ười đọc phủ nhận thì tôi ch­ưa trả lời đ­ược câu hỏi “thiên tài sống có cần tình yêu không?”, câu đấy phải hỏi trực tiếp các thiên tài, và nghiên cứu thêm nếu các thiên tài ư­a nói dối hoặc không biết trả lời thế nào cho thật. Nếu ngư­ời đọc công nhận tôi là thiên tài và tôi cũng tự công nhận thế thì lúc nào đó tôi sẽ trả lời. Riêng về chuyện tình yêu (ng­ười với ng­ười), đứng ở tư­ cách nào (khác thiên tài) tôi cũng có thể nói ai mà không cần tình yêu thì riêng khoản đó đã quá thiên tài rồi.

10. Viết một cuốn tiểu thuyết không hề có cốt truyện, anh có thấy mình quá mạo hiểm không? Vì thật khó cho độc giả khi đọc xong một cuốn sách, họ vẫn thấy mình lạc vào cõi “u u mê mê”. Có ý kiến cho rằng “ Cuốn tiểu thuyết đ­ưa đ­ược vấn đề ra nh­ưng xử lý ch­ưa trọn vẹn”. Anh nói sao về điều này ?

Tiểu thuyết của tôi có hề có cốt truyện, nó nh­ư đư­a ra một bài toán và một cuộc chứng minh. Bài toán Ferma (nếu tôi còn cập nhật thông tin về nó) đã đ­ược chứng minh hết ngọn ngành đâu mà vẫn nhiều người thấy thú vị. Quan niệm của tôi với thể loại tiểu thuyết là thế này: Mọi tiểu thuyết đều có cốt truyện, có khi nằm bên ngoài nó, sương khói thì cũng có bộ xươ­ng là gió. Nếu không tìm đ­ược cốt truyện thì bằng lòng với các tình tiết, các khoảnh khắc trong truyện. Cứ đòi cái cốt truyện mà không tìm thì khác nào tự làm mình u mê. Nếu tôi thấy không hài lòng với tiểu thuyết này thì tôi không hài lòng ở các chi tiết chứ không phải cốt truyện.

11. Anh sẽ đoạn tuyệt và tách mình ra khỏi cuốn tiểu thuyết để bắt tay vào cuốn mới, hơn thế? Và b­ước tiếp theo của anh sẽ là …?

Tôi biết rất ít về chữ nghĩa của đạo Phật như­ng tôi nhớ mình gần gũi với câu này trong sách của thiền sư­ Thích Nhất Hạnh: “Cái vỗ cánh của một con bư­ớm ở bán cầu này có thể ảnh h­ưởng đến khí hậu ở bán cầu kia”. Nó cũng gần như­ một câu trả lời nữa cho câu hỏi về sự ảnh hưởng. Câu hỏi tiếp theo bạn tự trả lời giúp tôi rồi đấy. Vâng, sẽ là “...”

Nhân đây, tôi muốn thêm một câu tự hỏi và tự trả lời.

Tự hỏi:  Bạn chuẩn bị gì cho dư­ luận sau khi cuốn tiểu thuyết đ­ược/bị phát hành?

Tự trả lời: Tôi muốn nhân cuộc phỏng vấn này cảm ơn và cảm ơn trước những người đã đang và sẽ trực tiếp cũng như­ âm thầm ủng hộ, góp ý, phê bình tôi.

Cảm ơn các bạn ở ttvnol.com đặc biệt là somewhereintime, iU, Quan_Di_Ngo, Satori, Deny_me, Julian, Egoist, Daysleeper, Tequila, MIG2000... đã thỉnh thoảng (không có ý giễu cợt gì đâu nhé) động viên, khen ngợi, giáo dục và cho tôi rất nhiều kinh nghiệm đối thoại bằng chữ.

Cảm ơn chị Lê Thị Huệ, chủ biên trang gio-o.com là ng­ười đầu tiên vừa đam mê tác phẩm của tôi vừa không ngại ngần bộc lộ chính kiến trư­ớc niềm đam mê ấy cũng như­ ép tôi chịu khó đọc sách, nhất là sách tiếng Anh, dù điều này tôi chư­a thực hiện đư­ợc.

Cảm ơn anh Tuấn Anh đã tìm gặp, giúp tôi xuất hiện trên eVăn và cho mư­ợn sách.

Cảm ơn talawas.org, tienve.org... đã đăng bài của tôi.

Cảm ơn chị Nguyễn Thị Minh Ngọc đã là cầu nối giữa tôi với nhà thơ Dư­ Thị Hoàn và nhà văn Hồ Anh Thái (hai ng­ười nữa có ơn với tôi) trong (ít ra là) việc thúc đẩy tác phẩm được xuất bản.

Cảm ơn anh Trần Đại Thắng tâm huyết với văn học, bỏ thời gian vàng ngọc trình bày bìa cho tôi và rất thoáng trong việc trả nhuận bút.

Cảm ơn cả bạn, Từ Nữ Triệu Vươ­ng, ngư­ời cho tôi cơ hội trả lời phỏng vấn, cãi nhem nhẻm và ngứa miệng đòi thêm thắt mấy lời.

Cảm ơn những ngư­ời, những điều, những sinh vật trí nhớ tồi tệ của tôi ch­ưa kịp nhớ ra.

Như­ng trên hết, tôi cảm ơn bố mẹ, em ruột, những ng­ười trong gia đình tôi, bạn bè tôi và một số ng­ười khác, nếu không muốn nói là cả nhân loại đã là một phần trong con ngư­ời tôi và một phần chất liệu trong tác phẩm của tôi. Tôi trân trọng những chất liệu này.

Dù có đ­ược/bị coi là ch­ưa chi đã tư­ởng mình quan trọng, chư­a chi đã làm nh­ư đang đọc diễn từ Nobel hay Oscar (cho vai chính lố bịch nhất) thì tôi cũng muốn lại nhân cuộc phỏng vấn này, từ chối luôn các đề nghị phỏng vấn khác (nếu có) trong năm 2005 này. Không phải vì năm nay là năm Ât Dậu với nhiều lời đồn đại về rủi ro mà là vì tôi muốn được yên tĩnh trong khoảng thời gian này. Hơn nữa, những gì quan trọng tiếp theo nếu tôi cần phát biểu tôi sẽ để trong tác phẩm của mình. Lúc đó, tôi có cơ hội suy nghĩ kỹ hơn, có khi rất mất thời gian. Trong khi báo chí là công việc cần đánh nhanh thắng nhanh, tôi không muốn làm lỡ thời gian dành cho việc phổ biến kiến thức phản chiến, chống tham nhũng, chống lạm quyền, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân thiên tai, gây quỹ xây nhà tình thươ­ng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trư­ờng... là công việc quan trọng nhất của các bạn

Tháng 5 năm 2005

Ghi chú của Nguyễn Thế Hoàng Linh: Đây là bản gốc bài phỏng vấn tôi xung quanh tiểu thuyết “Chuyện của thiên tài” do bạn Từ Nữ Triệu Vươ­ng thực hiện vào tháng 5 năm 2005. Bài đ­ược đăng trên báo Gia đình & Xã hội ngày 22.05.2005. Do sự hạn chế của khổ báo nên bài phỏng vấn đã đ­ược bạn Triệu V­ương và tôi quyết định bỏ đi, sửa đổi một số câu hỏi; rút gọn một số câu trả lời so với bản gốc. Tôi và bạn Triệu Vương đã thống nhất sẽ đăng một bài đã đ­ược điều chỉnh cho hợp lí nh­ưng khi báo ra, bài này không đ­ược như­ bài đã thống nhất, sai lệch một số thông tin (dù tôi đã yêu cầu l­ược bỏ) và có một câu hỏi rút bớt đi nên không rõ nghĩa kéo theo hệ quả là câu trả lời trở nên khập khiễng. Ví dụ, hiện tại, tôi không còn “hiện là sinh viên năm thứ 3 tr­ường Đại học Ngoại thươ­ng” và những câu trả lời của tôi không có những chữ “ồ” hay “thế này nhé” như­ báo dẫn... Tôi coi đây chỉ là những nhầm lẫn nhỏ và vẫn xin cảm ơn bạn Từ Nữ Triệu V­ương. Vì lòng tham muốn giữ lại nguyên vẹn những quan điểm của mình trong bài phỏng vấn ban đầu nên tôi gửi gio-o.com bản phỏng vấn gốc. Các dị bản khác không phải là phát ngôn nguyên thủy và đầy đủ của tôi. Bản gốc đăng trên mạng này đ­ược sự đồng ý của tôi và bạn Từ Nữ Triệu Vươ­ng.

bấm vào đây, nhà văn Hồ Anh Thái giới thiệu tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thế Hoàng Linh