ảnh: Hoàng Huy Mạnh

"Dịu Cô Đơn, Hư Vô, Đá Bóng Vỉa Hè, và Người Lớn"

Nguyễn Trương Quý
phỏng vấn
Nguyễn Thế Hoàng Linh

thực hiện: tháng 8-2005

Nguyễn Trương Qúy: Trong bài phỏng vấn số trước, nhà phê bình Vương Trí Nhàn có đưa ra hai hình ảnh của lớp trẻ hiện thời: một là nhanh nhảu kiếm tiền và ăn chơi thực dụng, số khác lại đờ đẫn, mộng du hay rơi vào tình trạng vô cảm, chết mòn về tâm lý. Bạn nghĩ sao khi đây là chân dung của thế hệ mới mà thế hệ khác nhìn nhận qua những gì bạn đã viết, nhất là hình ảnh thứ hai?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Trước hết, cho phép tôi được coi đây không hẳn là một bài phỏng vấn nhưng vẫn mong độc giả thứ lỗi cho việc tôi đã phát ngôn “từ chối các cuộc phỏng vấn (nếu có) trong năm 2005” khi tham gia cuộc thảo luận này.

Hai hình ảnh mà ông Vương Trí Nhàn đưa ra theo tôi là đúng với từ “một số” mà ông đã dùng. Tôi không cho rằng đây là tỷ lệ tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam, mà là tỷ lệ tiêu biểu cho thanh niên có điều kiện sử dụng internet “như một phần tất yếu của cuộc sống”. Tuy nhiên, tôi cho rằng lượng thanh niên này sẽ là những người sở hữu tư liệu sản xuất trong tương lai không xa, vì thế, là thành phần quan trọng nhất quyết định số phận của dân tộc. Bởi vậy, nếu hình ảnh này không sớm thay đổi theo chiều hướng tích cực, cuộc sống sẽ trở nên hết sức đáng sợ, hư vô.

Tôi không rõ “một số khác lại sống đờ đẫn, mộng du hay rơi vào tình trạng vô cảm, một sự chết mòn về tâm lí” “phần nào thể hiện trong tác phẩm Chuyện của thiên tài” là ông Vương Trí Nhàn muốn nói về trạng thái của nhân vật “thiên tài” hay một số nhân vật khác trong câu chuyện của anh ta. Tôi nghĩ, chừng nào còn biết nghĩ cho người khác và còn ý thức làm mới thì tức là trong lòng còn ngọn lửa. Thật ra, thế hệ trẻ bây giờ có quá nhiều chân dung, những mảnh vỡ của cuộc sống ngày càng vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, rất khó vội vã vẽ ra một chân dung chung cho thế hệ mới. Như ông Vương Trí Nhàn nói (lại): “thế giới trở nên kì dị”.

NTQ: Hiện tượng những cuốn Nhật ký chiến tranh của những liệt sĩ, rồi sẽ đến nhật ký hay những tiểu thuyết dạng nhật ký của giới trẻ thời hiện tại, đều ở những hoàn cảnh đặc thù: không thể nói hết với xung quanh những điều mình nghĩ. Sáng tác của bạn mang tính tự truyện rất rõ, nhiều chỗ là những ghi chép có dạng nhật ký, tự đặt ra vấn đề rồi cắt nghĩa… Xung quanh không nghe mình được hay mình thấy ngại nói với mọi người? Người trẻ tuổi hiện đại khó tìm tri kỷ quá chăng?

NTHL: Có những người viết nhật kí mà không hề định xuất bản. Trong tiểu thuyết của tôi có những đoạn dạng nhật kí nhưng tôi hoàn toàn có ý thức xuất bản nó. Khi mình muốn tâm sự với thế giới, mình không đủ sức đến gặp từng người, từng nhóm người một để rỉ tai, phân trần, chèo quéo... Hơn nữa, “lời nói gió bay”. Còn cách nào khác lặng im mà viết, tìm cách đưa nó đến với mọi người và hy vọng họ đối diện với chính mình và tìm thấy những dạng nhận thức, những thái độ sống qua những chữ. Chứ chỉ để nói với gia đình mình không thôi, và vấn đề đặt ra chỉ là vấn đề của riêng nhà mình thì dễ lắm: hoặc phân trần, hoặc thỏa hiệp, hoặc phá phách, hoặc lẳng lặng ra đi, hoặc bề ngoài tỏ ra ngoan ngoãn nhưng thâm tâm hủy hết các giá trị đạo đức để coi cuộc đời là một trò chơi. Viết đâu phải chỉ để tìm tri kỷ.

NTQ: Vẫn chuyện lý tưởng tuổi trẻ, một bên là cái nhìn hơi phiền muộn như Vương Trí Nhàn, một bên lại lạc quan như ý kiến của Nguyên Ngọc hay những người tham gia trên báo Tuổi Trẻ, cả hai bên đều lấy kinh nghiệm bản thân thế hệ để định giá trị. Bạn có đồng ý phần nào không?

NTHL: Lấy kinh nghiệm của bản thân để định giá trị là một điều đúng đắn khi mà người định giá “rất mong muốn có người chứng minh một cách thuyết phục rằng tôi nói sai” và sẵn sàng trả giá cho sự định giá của mình. Tôi đồng ý với ông Nguyên Ngọc rằng “mấy mươi năm nay, chưa bao giờ có được tình thế tốt hơn bây giờ để có thể bứt phá lên” (theo tôi, cái tình thế ấy chính là internet và đầu tư, viện trợ nước ngoài). Tôi cũng đồng ý với ông Vương Trí Nhàn ở nhân tố con người: “hầu như chúng ta chưa chuẩn bị được gì cho sự thay đổi ấy” (sự chuẩn bị trước tiên ở đây, theo tôi, là nhận thức). Rõ ràng, chúng ta đang có rất nhiều điều kiện tiếp xúc với một lượng lớn tri thức tiến bộ của nhân loại. Nhưng để cảm những tri thức đó thì trước tiên, cần được những người cầm quyền (hay ít ra là những người lớn, người trẻ tâm huyết) lập chiến lược, định hướng, khuyến khích, thậm chí, có một chút bắt buộc. Bằng không, cứ bỏ chợ thì phần đông giới trẻ ưa chọn hấp thụ cái gì dễ dàng, đem lại sự quên lãng như ty tỷ games, mốt xe, mốt di dộng, những trang web sex, chất kích thích và quan hệ tình dục quá sớm, quá bừa bãi. Thêm nữa, giới trẻ có vẻ càng ngày càng yếu đi, dễ thấy nhất là tỷ lệ đeo kính cận tăng chóng mặt (kinh nghiệm bản thân tôi là khi phải đeo kính cận thì nhìn đời u tối thêm rất nhiều). Chương trình tầm quốc gia nâng cao thể chất người Việt là một dự án cực kỳ đúng đắn. Nhận thức người Việt đuổi theo nhận thức thế giới (mặc dù nhận thức thế giới nói chung chưa phải là cái gì sâu sắc, nhưng ít ra những hiểu biết về nhân quyền, tình dục an toàn, bình đẳng... là điều họ có nền tảng vững hơn ta rất rất nhiều) là công việc cực kỳ vất vả mà đòi hỏi trước tiên là dân tộc bắt buộc phải có một sức khỏe để chạy tốt. Để “đất nước đứng lên”, rõ ràng phải có vật chất làm nền tảng năng lượng. Chúng ta đang có được một lượng đầu tư, viện trợ nước ngoài không nhỏ. Cho nên, việc tham nhũng và sử dụng không hiệu quả những nguồn năng lượng này (đầu tư, viện trợ nước ngoài và ngân sách cho việc nâng cao thể chất con người) có thể lập tức gọi là tội ác đối với lịch sử phát triển của Việt Nam nói riêng. Tôi nghĩ, để “chống lại hoàn cảnh” thì việc cụ thể và trước mắt nhất mà người lớn với tư cách cá nhân có thể “chuộc lỗi” (nếu dám nhận mình có lỗi) là tạo thật nhiều sân chơi (khi nhà nước chưa làm nổi việc đó). Những người có nhiều mảnh đất chịu khó trích đất của mình làm sân bóng, công viên cho dân tình sinh hoạt lành mạnh. Hòa đồng với thiên nhiên thì những tệ nạn do bức bí, sự chây lười bên máy móc sẽ giảm đáng kể. Khi cùng sinh hoạt trong thiên nhiên, khoảng cách thế hệ cũng sẽ được thu hẹp. Và lợi nhất là con cháu họ sẽ được bảo vệ và tử tế hơn nhờ những lẽ đó. Tôi rất coi thường những người giàu hay chửi đổng thời đại mà chẳng làm từ thiện, không màng đóng góp cho những quỹ khuyến học, hỗ trợ tài năng. Khó công khai nói chuyện chính trị thì làm việc thiện cũng là giúp nước; giúp tương lai mình, con cháu mình và chứng tỏ bản thân không phải là một trong những gì mình vẫn chửi. Cái thiện này, có tiền, có tâm là làm được, đâu ai cấm ngoài sự keo kiệt của mình.

Bên cạnh đó, những hành vi ứng xử có văn hóa trong đời sống hàng ngày cũng là một chất xúc tác rất tốt cho nhận thức. Giới trẻ vẫn biết phân biệt điều hay lẽ phải, nhưng nói chung, phần đông giới trẻ hơi thực dụng, phải thấy người khác làm tốt thì mình mới làm, thấy người khác bỏ công sức thì mình mới bỏ, nên người lớn chịu khó làm gương trong chuyện này thì giới trẻ sẽ không chịu kém. Gia đình, giáo dục, công an, y tế, dịch vụ là những môi trường mà con người liên lục tiếp xúc và rất bị/được ảnh hưởng/ám ảnh bởi văn hóa ứng xử. Khi nền kinh tế thị trường dần dần trở thành không thể không có, không thể cưỡng lại thì những người cung cấp dịch vụ chắc chắn sẽ phải có văn hóa; trước tiên là để thực hiện bí quyết làm ăn “khách hàng là thượng đế” nếu không muốn bị những đối thủ cạnh tranh nhã nhặn hơn cho chết đói. Ba mặt giáo dục, công an, y tế nếu còn lười ứng xử có văn hóa thì trước mắt, các gia đình tự xây dựng hành vi văn hóa cho mình là điều có thể làm luôn (ví dụ: xây dựng thói quen đọc sách; phát triển sự bình đẳng; phân công lao động, nghiên cứu điều chỉnh những quan niệm về tình dục, về cách xưng hô cho hợp lí). Về môi trường làm việc, bỏ những cái lệ làng như nhân viên mới là phải trà trà nước nước cũng là việc chỉ cần tử tế là làm được.

Bản thân giới trẻ thì có việc quan trọng nhất để làm là nhận ra những bế tắc, khoảng cách, sự phong phú của thời đại và sự quan trọng của mình trong thời đại.  Từ nhận thức đó, tự tạo ý thức rèn mình. Có thể trong mắt mọi người, chị/anh chẳng là gì cả nhưng chị/anh đang ở trong thời điểm để làm được nhiều điều, nếu chị/anh chịu bao dung và hy sinh như một con người, không nệ vào cái định kiến tuổi trẻ thì chưa cần bao dung hay hy sinh là một sự mị dân.

Tác động của báo chí cũng là một điều đáng kể. Nhưng nhiều khi báo chí không nhạy cảm trong việc phổ biến những thông tin giá trị, những ý tưởng thực tiễn. Thậm chí, vì khuôn khổ trang báo mà sẵn sàng cắt bỏ những điều đáng đọc.

NTQ:  Cái tên Chuyện của thiên tài đã xác định cái tôi rõ ràng và đơn độc của một người trẻ. Xung quanh bạn bè cũng không hẳn đã suy nghĩ như bạn, và cũng có nhiều cách đi khác yên ổn và ngon lành hơn. Người ta khuyến khích làm khác đi, làm mới đi, nhưng cũng rất bảo thủ để kìm giữ mọi thứ trong khuôn khổ. Đi thế nào nếu lúc nào cũng có cơ “nhập vào đám đông”?

NTHL: Mỗi người có cách nghĩ, cách đi riêng. Cốt lõi là tìm và dám chọn cách đi hợp với thiên hướng, năng lực của mình. Xác định rõ ràng sự đơn độc thì cũng là xác định cần có ý chí, sức mạnh để đi với nó hoặc đi qua nó. Tôi cũng yêu đám đông lắm, đám đông ngoài việc làm nhiều thứ trở nên tăm tối, mắc cạn thì cũng tạo nên những âm sắc sôi động và những vẻ đẹp mà cá nhân không tạo được. Nhưng tôi chỉ “nhập vào đám đông” chừng nào nó ý thức được phải tiếp thu cái hay, cái đúng của cá nhân. Còn nếu nó mãi chẳng có ý thức đó, lúc tôi nhập vào nó là lúc tôi trở nên tầm thường, hèn hạ, hư vô.

NTQ: Thời tiền chiến, Chế Lan Viên viết Điêu tàn năm 16 tuổi, hay những gì Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam viết đọc lại thấy rất già dặn, chững chạc, chứng minh những gì đã định hình chắc chắn. Trong khi 23 tuổi như bạn thì vẫn được coi là trẻ ở hoàn cảnh hiện nay.   Có lý do là tuổi sinh học và tuổi lao động cao hơn. Nhưng phải chăng cũng là vì chưa định hình cái gì cả?

NTHL: Tôi không nhớ chính xác lắm nhưng tôi làm thơ không muộn hơn năm 12 tuổi. Trước khi hoàn thành Chuyện của thiên tài vào cuối năm 2003 đầu năm 2004 (và tung lên mạng ngay sau đó), tôi đã có chừng 9 năm ở với thơ, viết khoảng 2000 bài, đăng trên mạng chừng 1000 bài kể từ tháng 5 năm 2002. Viết tiểu thuyết là một chuyện khá đột ngột. Trước tiểu thuyết là tùy kí “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoàn thành vào cuối năm 2002. Thỉnh thoảng tôi cũng viết truyện ngắn hoặc tản mạn. Nhưng nói chung, phần đông dư luận ngoài mạng vẫn không nắm rõ tôi là người “chuyên” làm thơ hơn văn xuôi, và trước khi bị lôi ra ánh sáng thì cũng hì hục trong bóng tối đến gần “nửa đời”. Dư luận tìm thấy tôi muộn hơn tôi tìm thấy mình. Nên, dư luận có thể yên tâm rằng, với tôi, muốn “lăng xê” thơ, truyện của mình chỉ là ý muốn nâng cấp nhận thức tha nhân và có thêm thu nhập. Vui lòng đừng phổ biến chậm chạp nếu chỉ vì tuy thấy hay mà lại thương tôi dễ bị vĩ cuồng, “chết yểu”. Nếu tôi vĩ cuồng, “chết yểu” thì chẳng qua là vì hết tài, hết lực. Độc giả nào đọc tương đối đầy đủ tác phẩm của tôi có lẽ sẽ biết tôi định hình cái gì. (Mời xem một số tác phẩm của tôi và thông tin về tôi tại: http://www.gio-o.com/nguyenthehoanglinh). Độc giả hình thành ý thức tự giác phổ biến cái hay thì các tác giả rất cảm ơn vì chúng tôi bớt phải nóng lòng lo chuyện “ba trăm năm lẻ nữa” mà đành tự “lăng xê” mình. Bản thân tôi thì thấy mình 23 tuổi là chẳng còn trẻ trung gì nữa, thế mà vẫn còn nhiều cái mình vô tích sự. Hiện cũng đang có không ít người viết Việt trẻ hơn tôi như Hoàng Thùy Linh, Trương Quế Chi, Hà Thủy Nguyên, Đỗ Trí Vương...

NTQ: Các thế hệ trước hay lấy những giá trị cổ điển, thành tấm thành món để xếp hạng. Tâm lý chung là ai cũng sốt ruột khi thấy thế hệ trẻ không tha thiết góp nhặt như thế. Chúng ta (thế hệ trẻ) đã thiếu cái gì chăng?

NTHL: Vì thế giới càng ngày càng vỡ vụn hơn nên giới trẻ đang bị phân tán và mất hướng. Nhưng tôi thấy và tin, vẫn có những người âm thầm hái lượm những giá trị nở trên đầm lầy thông tin. Một điều cơ bản mà thế hệ trẻ đang thiếu có lẽ là thiếu một ham muốn tìm cách “chạm” được người khác. Ham muốn ấy sẽ khiến người trẻ sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn và khó bị bãi rác thông tin làm tha hóa. Kinh nghiệm bản thân tôi: mỗi lần “chạm” được là một lần dịu cô đơn (vì thấy không chỉ riêng mình cô đơn). Mà ý thức muốn “chạm” thường nảy sinh từ sự chăm vận động và sẽ duy trì được nếu duy trì vận động. Cho nên, tôi thấy một thực trạng hết sức đáng buồn, đáng sợ là người lớn để cho thế hệ trẻ (và cả thế hệ mình) quá thiếu sân chơi. Tôi hiểu điều này rất rõ vì có hồi tôi toàn phải đá bóng vỉa hè, lòng đường; thỉnh thoảng làm vỡ kính, đổ chảo bánh rán nhà người ta, thậm chí, gây tai nạn và thường xuyên bị công an đuổi.

NTQ:  Câu hỏi cuối: Nhiều người theo dõi “hiện tượng Nguyễn Thế Hoàng Linh” (nguyên văn nhé), nghĩ về việc bạn đặc biệt được một số nhà văn trong và ngoài nước giới thiệu rất trân trọng là vì các anh chị ấy yêu cái hình ảnh tuổi trẻ của họ đang có trong bạn. Bạn nghĩ sao?

NTHL: Tôi nghĩ người viết có tâm huyết bao giờ cũng hướng ngòi bút đến cái đẹp, cụ thể  là ý thức cao về giãi bày, giải quyết uẩn khúc cá nhân và thời đại; về cái mới, sự công bằng, bình đẳng, hợp lí trong cuộc sống. Nếu họ cảm thấy hình ảnh tuổi trẻ (và có thể là cả hiện tại) của họ trong tôi thì tôi thấy được nâng đỡ khi mình đã đi đúng hướng (trong những tác phẩm của tôi họ đọc và tìm thấy tôi/họ trong họ/tôi). Mỗi lúc tôi định buông bút thì những niềm nâng đỡ ấm áp như thế lại xuất hiện.

Thơ

Nó Nói

Hưng gầy nói:
tôi ghét sự suy nghĩ
tao thích bài tôi ghét sự chờ đợi của mày
mày viết bài tôi ghét sự suy nghĩ đi

điều nó nói làm tôi suy nghĩ


tao ghét sự suy nghĩ
suy nghĩ kiểu gì mà dần tàn tạ
tàn tạ đến độ không đủ sức suy nghĩ
để rồi lại suy nghĩ về điều đó

tao ghét sự suy nghĩ
suy nghĩ làm sao thế gian không còn độc tài
suy nghĩ làm gì để người giàu cảm thấy mình phải có văn hóa
suy nghĩ cách người nghèo sống mà không mục ruỗng
suy nghĩ cách giúp mày tiềm lực thăng hoa
suy nghĩ cách tao yêu em mà dòng đời không hại đến em
và suy nghĩ về quá nhiều điều khác

tao ghét sự suy nghĩ
tao, mày và nhiều đứa nữa
có thể sống cóc cần suy nghĩ
đá bóng, đánh đế chế, học nhạc, đi du lịch...
và lao động như chó
đối với con người hết sức tử tế
nhưng mẹ kiếp, cứ phải suy nghĩ
vì đếch phải ai cũng giống thế

mày nói đúng
tao ghét sự suy nghĩ
nó đẩy tao ra khỏi đời sống
khi quá ít người muốn chạm tới nó

tao ghét sự suy nghĩ
(tao dỗi)
nhưng tao sẽ yêu nó những lúc
thời đại này cùng nghĩ với tao

30 & 31.05.05
Nguyễn Thế Hoàng Linh

Ghi chú: một phần bài phỏng vấn này đã được đăng trên báo Sinh Viên Việt Nam số 31, tháng 8-2005. Trên đây là bản đầy đủ và nguyên thủy của bài phỏng vấn được đăng trên gio-o.com với sự đồng ý của Nguyễn Trương Qúy và Nguyễn Thế Hoàng Linh