Phỏng vấn của phóng viên báo

 Thể Thao & Văn Hóa

 

Trò chuyện cuối tuần

 

"Thiên tài" Nguyễn Thế Hoàng Linh

Lấp lánh chưa hẳn đã là vàng?

 

Gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về cuốn tiểu thuyết "Chuyện của thiên tài" (*) của một tác giả mới toe - Nguyễn Thế Hoàng Linh. Cái sự "xôn xao" ấy bắt nguồn từ chuyện hai nhà văn đương đại có tiếng - Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê, đã vô cùng hứng thú và tự nguyện làm bà đỡ (không công sá gì) cho tác phẩm  được "mẹ tròn con vuông". Thậm chí Hồ Anh Thái còn trang trọng viết lời giới thiệu trên một tờ báo lớn (với tựa đề "Ai đã dọn mình cho cuộc gặp gỡ này?"), coi Nguyễn Thế Hoàng Linh như một "ca" hy hữu trong lịch sử văn chương Việt Nam đương đại, đủ khiến cho những người cầm bút lão luyện nhất cũng phải "giật mình" - sửng sốt khi đọc cậu!

 

Đang học dở năm thứ ba Đại học Ngoại thương, ngôi trường mơ ước của không ít thanh niên ("đầu vào" trường này rất khó, "đầu ra" lại khá chắc chân), thế mà Nguyễn Thế Hoàng Linh đột ngột bỏ ngang để đi… viết tiểu thuyết! Trong tưởng tượng của tôi, Linh là một "cái gì đó" hơi điên loạn, hơi lập dị và hơi hoắng huýt… Thế nhưng gặp cậu, tôi khá bất ngờ. Linh bình thường như bao thanh niên khác. Chỉ khuôn mặt già trước tuổi. Cậu có đôi mắt hẹp, dài và nhỏ. Linh ăn mặc có phần luộm thuộm, cẩu thả. Cậu có cái cách diễn đạt rườm rà, hơi rối rắm và không mấy logic… Linh hút thuốc liên tục trong suốt cuộc trò chuyện.

 

Theo cậu thì cái tên "Nguyễn Thế Hoàng Linh" đã xuất hiện trước cả khi tác phẩm ra đời… Tôi - người viết bài này, tạm thời chưa dám kết luận hay dở về tác phẩm của cậu, sợ mình dễ ngộ nhận. Nếu bảo "dở", ai đó lại nghĩ mình "đắc tội" vùi dập "thiên tài". Bảo rằng "hay", biết đâu chẳng góp phần làm nhũng nhiễu thị hiếu văn chương? Tôi bảo Linh: Tôi không "lăng - xê" cậu đâu nhá! Ngược lại, tôi cũng không "tẩy chay" cậu ngay lập tức - giống như cái cách người ta bị dị ứng khi nuốt phải món lạ... Dẫu vẫn biết rằng, với những người cả đời mòn mỏi và cật lực lao động văn chương mà chẳng được đoái hoài đến, dường như đó là một sự bất công…

Thôi thì, tôi cứ khách quan ghi lại cuộc trò chuyện này - như nó đã xảy ra… Và, bạn đọc tự rút ra kết luận cho riêng mình.

 

Ngọc Lan

 

Bình cũ, rượu mới…

 

* Người trẻ - do tuổi tác, thường mắc bệnh "Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta" rồi tự vỗ ngực, xoa đầu kẻ khác… Mà chê thì thường là "chuồn chuồn đạp nước", mỗi thứ một tí, chẳng đâu vào đâu. Tỷ như cuốn tiểu thuyết đang best - seller của cậu… Nhiều người cho rằng cái việc in sách của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một cách làm… rẻ rúng văn chương… Thực lòng mà nói, tiểu thuyết của cậu hơi rườm, đọc qua vài chương là biết ngay cả cuốn…

 

- Ảo tưởng về bản thân; ảo tưởng về tình yêu; ảo tưởng về cái thiện, cái ác; ảo tưởng về chân lí; ảo tưởng về các khái niệm; ảo tưởng về sự ảo tưởng... trong tôi, là cái có từ ít ra là 10 năm trước. Theo thời gian, gặp nhiều thất vọng, có thêm so sánh, mình tự nhìn mình có phần rõ hơn (hy vọng đây không phải là một ảo tưởng nữa). Viết xong, đứng ở tư cách người đọc, tôi tìm thấy, ngoài những gì mình dụng công, còn có những cánh cửa trong tác phẩm mà bản thân và người đọc chưa gõ vào… Tuy nhiên, trong một thị trường văn chương rộng mở, phải chấp nhận khen - chê.

 

* Trong đoạn đề từ tiểu thuyết, cậu nói về sự "đóng vai" và "nhập vai". Nhưng này, Shakespeare đã nói cách đây 3 thế kỷ rồi…

 

- Tôi không cho là mình quá mới mẻ. Tôi chưa hề đọc… Shakespeare một cách tử tế, ngoài những đoạn trích trong sách giáo khoa mà bây giờ tôi hầu như không còn nhớ. Tôi nghĩ "nhập vai", "đóng vai" luôn là vấn đề "nóng" của mọi thời đại. Thậm chí, là vấn đề lớn nhất trong thời đại công nghệ thông tin đầy nguy cơ lẫn lộn thực ảo (như giữa tình dục/bạo lực/cái chết/chiến tranh ngoài đời và trên phim...). Bởi vì, nó liên quan đến đức tin, cái quyết định tất cả. Không ít người cho rằng, đây là “thời kỳ mạt lộ của tư tưởng”. Nếu vậy thì, chỉ còn cách diễn đạt tư tưởng bao đời bằng những font văn hóa, ngôn ngữ, trải nghiệm đương đại khi mà font văn hóa, ngôn ngữ, trải nghiệm cũ không phù hợp hoặc đã mất sức hấp dẫn đối với bộ xử lí của tư duy hiện tại. Nói theo cách khác là "bình cũ, rượu mới"…. Rượu ở đây là dòng chảy đương đại.

Hơn nữa, nếu nhân loại tiếp thu được hết những tinh hoa tư tưởng của tiền nhân, chúng ta đã trở nên lớn lao, mạnh mẽ và tử tế hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng hình như vẫn chưa đến cái mức đó. Cho nên, nếu hậu thế tìm một cách diễn giải đi vào lòng quần chúng hơn, dù gọi là "nhai lại" cũng không phải… quá tệ.

 

* Có vẻ cậu rất ít đọc… Mà làm Nhà Văn thì phải đọc - đi - nghĩ - viết…

 

- Tôi rất lười. Thường là đọc cái gì tình cờ bắt gặp. Gần đây mới bắt đầu có ý thức tìm đọc. Triết học thì bập bõm. Nhiều triết gia nổi tiếng của phương Đông lẫn phương Tây, tôi chỉ nghe láng máng cái tên chứ chưa đọc bao giờ. Gần đây, tôi có đọc về J.Paul Satre (một nhà hiện sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước - PV). Với các nhà văn Việt Nam thì…, trừ một số tác giả, trích đoạn trong sách giáo khoa và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, vốn đọc của tôi rất lơ mơ. Tôi đang chịu khó hơn trong việc đọc văn học Việt, tôi tìm thấy nhiều điều mới mẻ trong đó. Tôi đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn khác là tôi chưa định làm nhà văn.

 

* Vậy là bạn sáng tác theo bản năng, kể cả chuyện làm thơ nữa... Xét công bằng thì, thơ bạn cũng có đôi ba câu khiến người ta thích, làm người ta nhớ, kiểu như: "Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?". Bố mẹ bạn làm nghề gì? Bạn viết từ bao giờ? Ngoài việc đăng trên mạng, bạn còn gửi đi những đâu? Hồi đi học, bạn học văn thế nào? Tại sao bạn viết?

 

- Bố tôi là kỹ sư. Mẹ tôi là giáo viên Toán và Vật lý cấp II. Có lẽ là bản năng thật... Hồi bé, tôi đã thường ngẫu nhiên sáng tạo một cách ngây ngô. Ví dụ như rủ một vài đứa trẻ cải biên và diễn lại những phim theo môtíp "Ninja báo thù" , “Đồ đệ cứu sư phụ”... và hay kể chuyện cười cho thằng em để dỗ tiền, nghĩ đến đâu, kể đến đấy. Tôi viết thơ khoảng từ năm lớp 6. Bây giờ cũng chẳng nhớ nhiều mình làm được những gì... Tôi đã từng gửi khoảng năm chục bài thơ đến một số tờ báo. Không báo nào in hay hồi âm. Tất nhiên, trong số đó có thể có nhiều bài dở. Nhưng cũng có bài, tôi tự thấy, và cũng có độc giả đánh giá, rất được. Tôi học môn Văn ở trường khá dở. Đến giờ, tôi không biết định nghĩa thế nào là một nhà văn, thế nào là một nhà thơ. Những định nghĩa về văn thơ là những định nghĩa nhiễu loạn nhất trong vô số sự nhiễu loạn về định nghĩa. Tôi rất dị ứng bị gọi là "nhà văn", “nhà thơ”, “thiên tài”... Tạm thời, nghe như bị xúc phạm một cái gì đó riêng tư. Tôi thích được gọi là “bạn”, “mày”, “anh”... hoặc bằng tên.

 

Mỗi khi viết, tôi chỉ cảm thấy có một động lực gần như duy nhất thúc đẩy. Đó là mong muốn làm một cái gì đó để thế giới này tốt đẹp hơn. Tôi cũng từng bị va vấp, đổ vỡ trong tình cảm, trong cuộc sống… Tất cả đã thúc tôi đến bàn viết.

 

* Và, những người trẻ thường "gặm" mình ra để viết. Được 1-2 cuốn là "hết võ" rồi… Có khi nào Linh ý thức rằng con đường văn chương đầy rẫy chông gai?

 

- Tôi không cảm thấy tôi đang trần thuật nguyên xi câu chuyện từ cuộc sống. Với tôi, viết lách như một sự khám phá. Tôi viết vì thấy chưa ai viết cái mình viết. Có thể, lúc nào đó, thấy tốt hơn hết là buông bút, tôi làm nhân viên thiết kế đồ họa hay đi bơm xe, xe ôm... Quan trọng là mình thấy thú vị và mình thực sự muốn trải nghiệm. Nếu thất bại thì vẫn thấy có ích. Tôi thường cảm giác con đường phía trước của mình sẽ không dài lắm. Biết đâu "Chuyện của thiên tài"  lại là "đoạn kết" của tôi thì sao? Vấn đề là khi tập trung làm cái gì đó, thì làm hết mình. Có nhiều cái hết mình không tính được bằng thời gian. Tôi thích sớm bị đào thải. Để tập trung làm việc khác. Viết đâu phải là một công việc quá hứng thú.

 

Thất vọng nhiều hơn kỳ vọng!

 

* Phát ngôn "mạnh miệng" thế, nhưng tôi vẫn có cảm giác Linh giống một "cậu bé con". Linh không sợ làm khổ bố mẹ sao? Bằng tuổi cậu (23 tuổi), người ta đã phải tất tả ngược xuôi vào đời để kiếm sống…

 

- Tôi đã tự chán ghét mình từ năm 16 tuổi vì thấy mình ăn bám và chả được tích sự gì. Bây giờ, có nhuận bút (nhuận bút cho “Chuyện của thiên tài” là 6,4 triệu - PV), có thêm khoản tiêu vặt, được chút an ủi là bớt làm phiền bố mẹ. Thêm nữa, tôi dần tự tin hơn với điều này: Tùy vào môi trường sống, mỗi người có cách kiếm “sống” của riêng mình, đôi khi, không cần tốn quá nhiều thời gian thuyết phục để ai cũng hiểu, chỉ cần không sống ác. Tôi thấy mình già cỗi và chai lì một cách đáng ghét rồi. Nhưng xét ở khía cạnh nào đấy, dù đã có nhiều đứa trẻ nhìn mặt gọi tôi bằng “chú” bằng “bác”, tôi vẫn cảm thấy mình là "đứa trẻ con" không hòa hợp được với xã hội nhiều sự thiếu trung thực với người khác và cả bản thân mình; cũng như khó hòa hợp được với cách tổ chức làm việc, cách nhìn nhận tha nhân của phần đông “người lớn”.

 

* Sao bạn lại bỏ hẳn việc học để đi viết văn? Phản ứng của những người xung quanh bạn về quyết định này?

 

- Trước khi đặt chân vào ĐH Ngoại thương, tôi đã nghĩ tôi sẽ kiếm một cái bằng và kinh doanh. Nhưng vào đại học rồi thì có nhiều cái không viết không được. Học đến năm thứ ba thì tôi bảo lưu một năm vì không đủ sức khỏe (hậu quả của việc viết , lên mạng và khó thở trước nhiều sự vô lí triền miên). Sau đó, tôi đi học lại vì muốn thử xem có làm hai việc viết và học ở trường song song được không, và do cả áp lực gia đình. Nhưng tôi thấy sức mình chỉ có thể chọn một cái, và thấy, viết lúc đó là cách mình phát huy được năng lực của mình khá hơn cả. Tôi cảm thấy rất bình thường, nhẹ nhàng và chẳng có gì đáng nói khi chọn thế nhưng vì mọi người có thói quen thú vị và đáng yêu là hay đặt người khác vào mình, hay lo thiệt hộ người khác, nên chuyện đó trở nên không bình thường và nhẹ nhàng nữa. Tôi cũng đã phải "đấu tranh" khá nhiều với gia đình để mình được hơi hơi sống theo cách mình chọn lựa. “Học” là một từ rất rộng, còn nằm cả bên ngoài trường lớp và bên ngoài hiểu biết của con người về nó.

 

* Gia đình Linh nghĩ gì về cuốn tiểu thuyết?

 

- Ông nội tôi và bố tôi rất thích thú. Những người khác chúc mừng, đòi khao và hay coi mọi chi tiết trong tác phẩm đều là đời thực, bảo: Sang năm là đến hạn mang về cho bà nội “cô cháu dâu thật hiền” rồi đấy nhé. Kiểu này, khéo tôi lại phải biến phụ nữ thành phương tiện để sớm hoàn thành tâm nguyện của cái gã Tôi trong truyện. Đó cũng là một chuyện thú vị về văn hóa đọc. Bác tôi trò chuyện thân mật với tôi, hỏi tại sao không nói thẳng ra làm mọi người từng nghĩ tôi mắc bệnh trầm cảm. Rất khó trả lời.

 

*Bạn đã đi khám ở đâu chưa?

 

- Tôi cũng đi khám ở khá nhiều nơi.

 

* Và kết quả là…

 

- Tôi được kết luận suy nhược cơ thể và thiểu năng tuần hoàn não. Cũng có một bác sỹ gợi ý đi gặp bác sỹ tâm lí.

 

* Ngoài văn chương, còn gì khiến Linh hứng thú?

 

- Tôi thích chơi games ở hàng quán và đá bóng với bạn bè.

 

* Quan hệ của Linh với bạn bè thế nào, cả bạn trong giới văn chương nữa…

 

- Nói chung là vì cả nể nên ít làm mất lòng ai. Hiện tại tôi đang học sự từ chối. Phải dành dụm sức để viết, khi làm gì tôi sẽ vắt kiệt sức ra để không phải tiếc nên tôi không thích giao du nhiều. Tôi không có nhiều bạn bè trong giới văn chương. Càng nhiều quan hệ, càng phải đóng nhiều loại vai, càng thêm nhiều cái phải chịu trách nhiệm. Tôi vốn đã thiếu trách nhiệm trong những mối quan hệ cũ. Tôi sợ không kham nổi và trở thành kẻ lợi dụng.

 

* Một ngày bình thường của bạn? Bạn thường viết vào những lúc nào?

 

- Cách đây vài năm, một ngày của tôi bắt đầu rất muộn. Có những hôm tôi viết đến 5 giờ sáng rồi ngủ đến chiều. Tôi hay viết thơ và truyện vào ban đêm.  Ban ngày thường chỉ làm thơ… Thơ viết rất dễ, nhưng viết truyện thì mệt, khó hài lòng, cần nhiều thời gian và sự yên tĩnh. Thời gian còn lại thì chơi và làm những việc không đáng kể. Gần đây, tôi hạn chế viết, cố dậy sớm và bắt mình chịu khó tập luyện nhẹ để nâng cấp cơ thể đang sập xệ. Đến giờ phút này, tôi chưa biết có tiếp tục đeo đuổi con đường văn chương suốt đời không. Cái này cứ để tự nhiên. Nhìn chung, tôi thất vọng về mình nhiều hơn tự hào và kỳ vọng…

 

* Còn điều gì Nguyễn Thế Hoàng Linh muốn nói…

 

- Tôi đã nói lời từ chối sẵn các cuộc phỏng vấn (nếu có) trong năm 2005 trong bài trả lời phỏng vấn của bạn Từ Nữ Triệu Vương. Nhưng tôi lại đang nuốt  cái lưỡi của mình. Nói ra điều này để thấy, con người tôi chẳng tử tế gì. Người không tử tế, người viết không tử tế, trên đời, vô số. Nếu người đọc quan tâm thì tác phẩm hay mới là cái được viết ra với một ý thức lao động tử tế hiếm hoi. Vì sự hối hận này, và có thể vì một lí do nào đó, tôi đành cố biến những cuộc phỏng vấn thành một phần của tác phẩm nào đó, viết bằng ngôn ngữ nào đó...

 

 Ngọc Lan (thực hiện)

 

 

(*) Tác phẩm được in trong bộ "Văn mới", một hợp tuyển văn chương đương đại được cho là công phu và nghiêm túc. Sách do Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây ấn hành. 

 

 

 

 

Ghi chú của Nguyễn Thế Hoàng Linh: Trên đây là bài trò chuyện của tôi với bạn Ngọc Lan từ báo Thể thao & Văn hóa.

Cuộc trò chuyện này được rút gọn và in trên báo này ra ngày thứ 7, 25.06.05.

Cuộc trò chuyện được thực hiện vào thứ 5, 23.06.05. Sau đó, bạn Ngọc Lan gửi cho tôi một bản bạn đã biên tập. Thứ 6, 24.06.05, tôi chưa hồi âm vì còn đang đọc và chỉnh sửa, dự định sẽ gửi cho bạn Ngọc Lan vào thứ 7. Sáng thứ 7, tôi làm xong, dự định đi đá bóng về, đọc lại một lần nữa, rồi gửi đi. Đây là nội dung bức thư gửi đến bạn Ngọc Lan:

Lời đề từ của bạn, tớ giữ nguyên.
Tớ gửi lại bài pv tớ chỉnh sửa theo ý tớ:

 ·         Sửa câu “bình mới, rượu cũ” thành “bình cũ, rượu mới”.

·         Sửa một số câu trả lời cho gần với cái tớ từng trả lời hôm trước hơn, gần với cách, văn phong trả lời của tớ hơn. Và sửa chữa, thêm thắt một chút cho gần với cái tớ có thể viết mạch lạc mà lúc nói ra rối rắm (vì khả năng nói của tớ kém và nhiều cái lúc trả lời mới nghĩ đến). Việc sửa lại này đôi khi không tự nhiên nhưng tớ muốn có sự chính xác trong phát biểu khi đưa gì đó ra trước công luận. Hơn nữa, thuật lại vốn dĩ đã là không tự nhiên rồi, và độc giả nên được đọc cái gì đã được chọn lọc.

·         Tớ thêm vào một vài câu hỏi của bạn dăm ba câu hỏi khác bạn từng hỏi tớ làm đệm cho trả lời, ví dụ như: Bố mẹ bạn làm nghề gì? Bạn viết từ bao giờ? Ngoài việc đăng trên mạng, bạn còn gửi đi những đâu? Hồi đi học, bạn học văn thế nào? Tại sao bạn viết? Bạn đã đi khám ở đâu chưa?

để phần trả lời không thành cứ nói cái người ta không hỏi.

Những đoạn mở đầu câu hỏi, ví dụ như “nghĩ được như vậy, sao bạn lại...”, những chữ “nghĩ được như vậy” tớ thấy không hợp lí với câu trả lời trước đó nên tớ mạn phép bỏ đi.

Đôi lúc, tớ chỉ chỉnh sửa, cut & paste phần trả lời của tớ từ câu này sang câu kia để bài mạch lạc, hợp lí hơn, dựa trên cơ sở là sự tôn trọng việc biên tập của Lan. Nhận xét nhé: Có lẽ vội nên sự kết nối hơi rời rạc và dẫn dắt hơi thiếu lôgic.

Có gì bất cập hoặc dài quá, chúng ta lại tiếp tục chỉnh.

Cho tớ biết ý kiến của bạn về sự chỉnh sửa này của tớ, theo bạn, là tích cực hay không tích cực. Tớ rất thích được góp ý.

nthl

Đá bóng về đến nhà thì đã thấy bài trò chuyện trên báo. Tôi đã khá thất vọng vì việc nó xuất hiện trên báo mà chưa có sự đồng ý và thống nhất cuối cùng của mình. Điều này dẫn đến một số câu trả lời (dù có thể được lòng dư luận nhưng) không đúng với quan điểm của tôi, ví dụ: “Có thể sự giới thiệu của nhà văn Hồ Anh Thái đã là một ưu ái quá tầm với tôi”, “nhưng học đến năm thứ ba thì tôi bảo lưu kết quả vì càng ngày càng mê viết kinh khủng”, “đây sẽ là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối cùng”... Nhiều khi nghĩ, để chắc chắn, có lẽ giữa người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải có một hợp đồng chặt chẽ như người cho thuê và người thuê nhà vậy. Nhưng sau khi bạn Ngọc Lan đưa ra lời giải thích hợp lí trước lời trách móc của tôi, tôi cảm thấy mọi việc thật bình thường trong sự nhầm lẫn từ nhiều phía. Và thậm chí, tôi thật lố bịch khi không nhận ra hoặc quên béng rằng báo sẽ ra vào thứ 7, ngay sau cuộc trò chuyện 2 ngày.

Tôi muốn đăng cuộc trò chuyện đã thuật lại một cách chính xác hơn trên gio-o.com vì muốn lưu lại một vài quan điểm của mình mà tôi cảm thấy gần với sự thật của tôi và là một sự thật khá lâu dài (dù sự thật là cái gần như không có được). Giữa bất tận sự nhầm lẫn, giả sử, có độc giả nào đó muốn tìm một cái gì đó ít nhầm lẫn trong thông tin của tôi và về tôi, có lẽ có thể tạm tin rằng đây là một trong những nỗ lực để hướng tới sự thật. Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi và cảm ơn tới bạn Ngọc Lan.

nthl

http://www.gio-o.com/nguyenthehoanglinh