Nguyễn Thế Hoàng Linh

Mọi tiểu thuyết đều có cốt truyện, có khi ở bên ngoài nó

Sương khói thì cũng có bộ xương là gió

 

Bởi vì, cuộc sống là những mảnh vỡ. Bạn muốn chạm vào thẳm sâu của nó, bạn phải tìm cách ghép những mảnh vỡ lại. Những mảnh vỡ đều từng là bộ phận trong một sự chưa vỡ. Trong cơ thể lành lặn ấy, các mảnh vỡ chưa là các mảnh vỡ. Khi cơ thể ấy vỡ ra, các mảnh vỡ mang theo những điểm chúng có chung khi cùng thuộc về một cơ thể. Bởi thế, mọi sự trên thế gian này rất khác nhau, nhưng trong thẳm sâu, chúng có những điểm chung. Bạn kiếm tìm chúng, bạn tìm ra hoặc ngộ nhận tìm ra. Và bạn lấy chúng làm chất keo để ghép những mảnh vỡ lại. Bạn biết ghép lại cái cơ thể nguyên thủy là một việc vô vọng. Bạn không bao giờ tìm thấy hết những mảnh vỡ (chúng lại vỡ liên tục và để tìm được chúng, bạn lại phải ghép những mảnh vỡ của chúng khi mỗi đứa bọn chúng từng là một cơ thể lành lặn đã bị vỡ). Bạn càng không bao giờ tìm thấy hết những điểm chung (của mảnh vỡ của mảnh vỡ của mảnh vỡ). Nhưng khi bạn biết là vô vọng, bạn vẫn ghép, vẫn lao động hết mình để tìm sự nguyên thủy hoặc một mô phỏng sát với sự nguyên thủy, điều đó đẹp đẽ biết bao. Sự ghép của bạn làm cho sự vô nghĩa của một công việc vô bờ bến trở nên ngập tràn ý nghĩa trong sự rung động từ bạn và từ tha nhân.

 

Tiểu thuyết là một sự tìm kiếm và lắp ghép trong vô vàn những sự lắp ghép. Cái cốt của nó chính là chất kết dính (những điểm chung của các mảnh vỡ) mà tác giả tìm ra (nhưng thường không tiết lộ, không biết cách tiết lộ hoặc không còn nhớ để tiết lộ). Chính thế, để tìm ra bộ khung của tiểu thuyết (ghép lại một mảnh vỡ từ những mảnh vỡ của nó), độc giả cũng phải là một tay ghép hình cừ khôi. Mà để là một tay ghép hình cừ khôi, bản thân hắn cũng phải thấu hiểu câu chuyện cổ tích về những mảnh vỡ.

 

Hắn (cả tác giả và độc giả) phải chịu những sự không thanh thản khi mới vào Nghề Lắp Ghép. Vây quanh mỗi kết quả (mỗi mảnh vỡ nho nhỏ bạn gặp thường ngày) là vô số nguyên nhân (những mảnh vỡ của nó hoặc không của nó). Nếu bạn hy vọng tìm được một kết quả tương đối chính xác, bạn phải chọn lọc các mảnh vỡ nguyên nhân rồi ghép. Có khi, bạn ghép cả đời thì bạn vẫn hiểu lầm một hành động, một chi tiết nhỏ của một người. Một công việc đầy rủi ro và nguy cơ vô ích.

 

Nhưng thông thường, bạn cười vào mũi sự chi li khoa học đó. Bạn có thể phán xét một con người, một đám đông trong vài giây. Điều đó há chẳng phải tốt hơn sao. Cứ chi li như thế thì chẳng bao giờ kịp cập nhật những thứ khác. Chẳng bao giờ thanh thản. Tội gì mà chọn lấy bi kịch.

 

Ồ không. Kẻ Lắp Ghép biết tính vô vọng và tương đối của Sự Lắp Ghép nên hắn không kỳ vọng vào sự tuyệt đối chính xác. Hắn dám để hở Những Khoảng Trống nhất định trong nhận định để có thể cập nhật. Và không bảo thủ về tính toàn vẹn của cái mà hắn biết là không toàn vẹn. Hắn phải tốn rất nhiều thời gian cho Văn Hóa Lắp Ghép, thậm chí, bị cô lập và tự cô lập vì việc đó. Nhưng năm tháng sẽ giúp hắn dần trở nên chuyên nghiệp. Nhận định của hắn nhanh không kém người không vào Nghề Lắp Ghép và tỷ lệ chính xác cao hơn. Điều mà hắn luôn phải tâm niệm là: Những Khoảng Trống tái tạo bất tận. Điều đó giúp hắn đề phòng chính mình. Tuy nhiên, nói chung, việc này rất dễ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma nên từ trước đến nay, không được xã hội khuyến khích. Có lẽ chúng ta nên tiếp tục phán xét chớp nhoáng trong khi đợi ngày khai giảng Trường Đào Tạo Lắp Ghép.

 

Bạn không Lắp Ghép và không có ý thức chừa ra Những Khoảng Trống trong nhận định, bạn chạy sao thoát răng nanh của con thú Bảo Thủ. Và bạn sẽ lây bệnh dại của nó. Bạn thấy đấy, đây là cách lắp ghép những mảnh vỡ để cho ra những hình ảnh sự cấu thành tính giả tạo trong ảo tưởng về chiếc bình chân lí vĩnh cửu lành lặn của sự bảo thủ. Và khi bạn sở hữu đức tính ấy, bạn quyết tâm bảo vệ nó, tôi có đánh đập bạn, cắt cơm của bạn hay dùng mỹ nhân kế với bạn thì dù bạn có giả vờ khẩu phục, bạn cũng không bao giờ hiểu tại sao lại nực cười thế này: “Mọi tiểu thuyết đều có cốt truyện...”

 

2005 & 20.04.06

 

Nguyễn Thế Hoàng Linh

© 2006 gio-o