...

Tôi gặp Ông lần đầu tiên trong đời là vào dịp tháng Chín, 2003, ngày giỗ nhà văn Vũ Khắc Khoan ở rạp Le Petit Trianon, San Jose. Hôm đó Trần Diệu Hằng đến ngâm thơ .  Sau buổi ngâm Hằng nói với tôi, có Anh Thanh Tuệ muốn gặp Huệ. Tôi nói Ông Thanh Tuệ là ai vậy. Là Ông nhà xuất bản An Tiêm, Hằng nói.

Lần đầu tiên Ông gặp tôi, thấy ông mảnh mai, cười chúm chím, nói không nên lời, tôi theo ghẹo Ông tới tấp. Tôi nói thôi Anh in sách làm gì. Sách hả. Có quyển in xong như quyển Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh tui đưa cả chồng ra trước lò sưởi tui đốt thiệt là sướng tay. Ông chỉ nhìn tôi cười. Không kịp trả lời trước cái kiểu nói năng hơi du côn của tôi

Khi chia tay Ông ôm tôi nhẹ nhàng và xin số điện thoai để liên lạc. Cứ nhất định là Anh sẽ gọi lại cho Em.

Ông gọi lại ngay sáng thứ Hai vào văn phòng trường tôi. Rủ đi uống Cà Phê nói chuyện An Tiêm

Ông cho tôi địa chỉ một cái Chùa ở San Jose. Sáng Chủ Nhật tôi đến rất sớm. Tám giờ sáng, ra sau sân Chùa thấy ông đang mặc bộ áo lam, tưới cây. Tôi đón ông và chở ông ra quán cà phê Việt Nam. Ông say sưa kể cho tôi nghe về chuyện An Tiêm cũ, chuyện An Tiêm hiện nay, và chuyện muốn làm kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà Xuất Bản An Tiêm

Tóc ông hãy còn đen, không nhuộm. Ông nói tiếng Huế Lai. Ông nói năng từ từ, nhỏ nhẹ, và dễ mỉm cười  hồn nhiên như một thanh niên ngập ngừng trước một thiếu nữ, khi vui thú một lời nói tâm đắc. Nụ cười hiền hậu của một người thấm nhuần những lời Phật. Ông rất dễ gây cảm tình với mọi người. Ông kể cho tôi nghe lòng tử tế của Ông Trí Đăng vẫn thỉnh thoảng giúp Ông tiền in sách, tức Nhà Xuất Bản Trí Đăng cũ bây giờ đã thôi xuất bản và là chủ nhà thuốc Tây Medex rất lớn ở San Jose. Sau đấy tôi gặp Ông Trí Đăng méc lại chuyện này. Ông Trí Đăng nói, Ồ cái ông Thanh Tuệ ấy à. Ngày trước Ổng là một người rất hào phóng với anh em văn nghệ sĩ. Ổng chuyên môn đưa phong bì cho anh em văn nghệ sĩ thôi

Ông níu tôi kể đủ chuyện. Qua đó tôi thấy Ông là cái kho lưu giữ những tài liệu những câu chuyện với nhiều nhà văn lẫy lừng của văn học Miền Nam trước 1975. Ông kể chuyện Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Lang, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ ,Trí Hải, Tô Thuỳ Yên, Trịnh Công Sơn ... những người An Tiêm in những quyển sách đầu tiên cho họ. Và sau đó giữ những mối liên hệ dễ thương như thế nào

Ông kể một chuyện rất duyên. Là chuyện ông mê đóng sách. Ông thích nhìn những quyển sách sau khi đóng gáy xong. Ông đã mua một cái máy đóng sách to tổ bố để bên Pháp. Nhưng bây giờ Ông toàn là đi Cali để in sách. Ông tặng tôi những món quà nho nhỏ của một chàng thanh thanh niên mê hơi thở của sách. Không biết làm cách nào mà ông có những tấm card nho nhỏ, in hình những đàn ông đàn bà nào đó rất liên hệ đến những nhân vật tiểu thuyết của sách vở, kèm theo những câu thơ văn trích dẫn của Andre Gide, Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Herman Hesse ...vv... Những món quà rất văn học của một chàng thanh niên hồn tràn ngập những lưu luyến trang sách thơm mùi giấy mới.

Tôi hứa giúp ông xúc tiến ước mơ của Ông vào dịp kỷ niệm 40 nhà xuất bản An Tiêm. Khi Ông từ Pháp sang lại San Jose, ngày trước ngày sau Ông gọi điện thoại cho tôi. Lại sáng trưng chưa ai dậy, tôi đến đón Ông đi uống cà phê. Ra quán cà phê, Ông lại say sưa bàn chuyện An Tiêm kỷ niệm 40 năm. Tôi nói bây giờ Anh phải liên lạc với mấy Ông này nè, Ông Nhất Hạnh, Ông Tuệ Sỹ , Ông Thanh Tâm Tuyền, Ông Tô Thùy Yên, Ông Võ Phiến, Ông Phạm Công Thiện, Ông Nguyễn Đức Sơn... Em sẽ soạn câu hỏi dùm cho Anh. Để mình hoàn tất một tuyển tập những tác giả đã cọng tác với nhà An Tiêm thuở ban đầu. Anh gửi cho mấy Ổng đi. Lè lẹ không mấy Ổng chết. Uổng lắm

Tuần trước gặp Anh, tôi vẫn chưa soạn xong câu hỏi. Chiều trước ngày đi xe đò Hoàng xuống Nam Cali, Anh gọi tôi và đưa cho tôi địa chỉ này ở Nam Cali: Chùa Liên Hoa, Hoà Thượng Chơn Thành 9561 Bixby Avẹ Garden Grovẹ 92841. Nhờ chuyển cho Ông Thanh Tuệ . Mấy ngày sau tôi mới xong câu hỏi cho Ông Võ Phiến và Ông Phạm Công Thiện. Tôi gửi xuống Chùa tuần trước. Đinh ninh là Anh sẽ đi gặp Ông Võ Phiến và Ông Phạm Công Thiện tuần này

Rồi bỗng nhiên nghe tin Ông chết. Đặng Ngọc Loan hôm trước rủ đi uống cà phê với Ông một lần, gọi điện thoại nói với tôi: Tin gì kỳ cục. Sao người vậy mà chết nghe kỳ qúa.

Lê Thị Huệ