Phạm Ngọc Lư
CỐ LÝ HÀNH
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn
Có
biết ta về không cố lý ?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?
Phải
đây là cố lý ta chăng ?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái soan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên
luống cà xanh liếp cải vàng !
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !
1972
TRÊN ĐÈO BÌNH ĐÊ
Sau 40 năm… nhìn lại và cùng đọc lại
tặng Trần Hoài Thư & Phạm Văn Nhàn
Đứng trên đèo Bình Đê
Ngó về Trường Sơn xanh rờn bất trắc
Trường Sơn im lìm bí mật
Rừng sâu hiểm hóc mưu toan
Âm u triền núi cây đe dọa
Thăm thẳm truông dài lá ngụy trang
Khe suối quanh co nằm mai phục
Gò đống lăm le nuốt đồng bằng
Trời huyên náo bóng mây quần tụ
Mùa khô đang rục rịch mở đường
Đâu đây những bước chân rần rộ
Reo hò vang ngõ ngách xuyên sơn
Tháng tư
Lửa bùng lên đâu chợ
Lửa cháy quanh sông
Lửa vây Hoài Đức
Lửa đốt Bồng Sơn
Người người tan xác giữa đồng
Người người ngã gục bên dòng Lại giang
Người người bỏ thân trên đường chạy loạn
Đôi mắt trừng lên nỗi kinh hoàng
Đôi mắt ngó về đâu chòng chọc
Bốn bề khói lửa mù giăng
Bốn bề binh đao cuồng nộ
Bốn bề đổ nát tan hoang
Chạy mau chạy mau người mẹ Hoài Ân
Quang gánh trên vai chất đầy thống hận
Máu bầm vướng víu bàn chân
Chạy đi chạy đi người chị Hoài Nhơn
Sao cứ nằm ôm con thơ đùm trong tay nải
Máu khô đen khuôn mặt lạc thần
Pháo tràn lan xối xả
Lửa rần rật trên lưng
Chạy về đâu ?
Về đâu… ôi những bước chân vô hồn !
Đứng trên đèo Bình Đê
Ngó về Tam Quan tro than quằn quại
Ngó lại Sa Huỳnh gỗ đá phơii thây
Lơ ngơ dăm ngọn cờ bay
Trên khung nhà cháy trên cây cụt đầu
Còn gì đâu? Chẳng thấy gì đâu !
Bên nầy bên kia níu vai nhau xiêu ngã
Trông xuống trông lên đát trời man rợ
Núi vô tâm và biển lầm lì
Trông kìa,
Tai ương lởn vởn
Sau lớp lớp mây chì
Rợn người nghe tiếng quạ
Xao xác bay về kiếm tử thi
Thôi chẳng còn chi… còn chi mà trông mà ngó
Quê em đâu rồi người em gái nhỏ Tam Quan ?
Quê em nhà cháy hàng hàng
Rừng dừa cụt ngọn khóc oan hồn mình
Em thấy gì người em trai Sa Huỳnh lưu lạc ?
Quê em bây giờ tan tác thê lương
Cờ treo ruộng muối chết ươn
Đua chen khẩu hiệu trên tường nhà xiêu !
Tôi đứng đây giữa chiều
Lặng nghe hơi gió
Như tiếng ai tỉ tê nức nở
Phải tiếng người thịt nát xương tan
Tiếng âm hồn gào thét kêu than
Đêm côi cút giữa đất trời hung bạo
Khuya rét mướt rừng già An Lão
Chiều sụt sùi hang núi Ba Tơ
Nương thân gò mối cồn mồ
Về theo cát bụi bên bờ đìu hiu…
Tôi đứng đây giữa chiều
Ngó về đâu không rợn màu tang tóc
Ngó Nam ngó Bắc nuốt tiếng thở dài
Ai đến Tam Quan thương vay
Ai về Sa Huỳnh khóc mướn ?
Có nghe những oan hồn vất vưởng
Than van trên ngọn cờ bay
Kêu đòi thân thế hình hài
Trăm năm cát bụi miệt mài cơn đau…
1973
Bình Đê là một đường đèo thấp trên Quốc lộ 1 chia ranh giới hai tỉnh
Quảng Ngãi và Bình Định. Các thị trấn Tam Quan và Bồng Sơn ở phía
Nam Bình Đê đã tan nát vì binh lửa trong mùa hè 1972. Còn cửa biển
Sa Huỳnh ở phía bắc ngọn đèo nầy thì trở thành một “chiến trường
ném binh như vãi đậu” để hai phe tranh giành chiếm đất cắm cờ ngay
sau khi Hiệp định Paris 1973 vừa ký kết.
ĐẤT TRÍCH
Mươi lít gạo trộn vài cân muối
Nấu với tình em ăn vẫn ngon
Tình em nước sông Ba đầy bát
Đời ta như nồi trống niêu trơn
Bốn phía rừng xanh mầu nước độc
Đông tây nam bắc núi chận đường
Một lũng đất bằng khu chén nhỏ
Trói chân ta vào chân Trường Sơn
Bó đời ta nửa manh chiếu rách
Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con
Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh
Bay với chim trời ra cố hương
Canh khuya cọp gầm vang núi Lá
Giật mình tưởng ai gọi đầu non
Nằm chi đây, thân tàn đất trích
Chờ ai đây, đói lã chết mòn
Mươi nắm gạo trộn vài vốc muối
Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn
Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo
Xin tình em một mảnh đất chôn
Củng Sơn, 1971
BÊN SÔNG
Chảy đi chảy đi
Hỡi sông buồn lắm
Nước thôi chờ chi
Thuyền xưa đã đắm
Người đi người đi
Trăm năm bến vắng
Xa hút bờ kia
Bóng người mây thoáng
Chảy mau chảy mau
Đời nông tình cạn
Mà nước quá sâu
Trăm chiều khổ nạn
Ta bơi qua sông
Mới hay đời nặng
Đời có như không
Tiếc gì tay trắng
Thôi thà rêu rong
Ta gieo xuống sông
Vỡ dòng nước chết
Nước đứng tim đêm
Ta còn thở hết ?
Chảy đi chảy đi
Người về đâu biết
Chảy mau chảy mau
Đời: con nước siết
Tình: vực nước sâu
Em: dòng ly biệt
Ta chiếc lá chìm
Chảy thôi chảy thôi
Còn trông còn ngóng
Nhớ ai gương xưa
Chờ ai cửa rộng
Đưa ai tiễn ai
Phai hình mất bóng
Khổ lắm người ơi
Qua sông mất nón
Sông trôi sông trôi
Về đâu mà đón
Thôi hẹn hò chi …
Với người xưa ấy
Đã khói sương che
Chút tình xa ngái
Đã cách bến bờ
Biết lòng không đậu
Trông chi thuyền về
Người như khung cửa
Khép lại hững hờ
Người như gương vỡ
Trăm năm lỗi thề
Người như phong vũ
Lạnh màu thê thê ...
Tuy Hòa 1972
VÔ TÌNH GẶP L. Ở ĐÀ LẠT
Gặp người một phút tình cờ
Gương chung soi mặt kẻo ngờ tình riêng
Nhìn ta đôi mắt láo liên
Cái môi kênh kiệu nói xiên xỏ hoài
Bóng người rợp bóng thiên tai
Ngất ngư nắng lạnh mệt nhoài gió khô
Đưa ta đi dạo quanh hồ
Lừa chân bước hụt giả vờ buông tay
Người đâu mắt mặn môi chay
Đầu hôm đường mật rạng ngày muối tiêu
Nồng nàn sớm lạnh nhạt chiều
Cái đau quấn quýt cái yêu hững hờ
Gặp người một phút tình cờ
Một ngày mưa bệnh một giờ nắng đau
Nhìn ta con mắt dao cau
Cái môi bạc bẽo tô màu đãi bôi
Đưa ta xuỗng lũng lên đồi
Mượn màu nắng quái vẽ vời tình suông
Chia tay người với khói sương
Với thông khô ngọn trái buồn rụng theo
Với đồi nghiêng bóng núi xiêu
Ngẩn ngơ nghe tiếng nước kêu đáy hồ...
8 - 1972
(đã chỉnh sửa)
Phạm Ngọc Lư