PHẠM NGỌC LƯ (1946-2017)

3 truyện ngắn

1. Mộng Thấy Mình Đã Chết (1971)

2. Cuối Ngày Cuối Đường (1973)

3. Cây Ngọc Lan Trong Vườn (1972)

 

Mộng Thấy Mình Đã Chết

Tôi quay lại, sát với mặt Muội bóng tối mỏng như tấm vải voan lờ mờ, chìm khuất. Chưa nói mà môi đã run lên vô cớ, tôi nghe lòng mình đang tĩnh táo, quang tạnh, khô buốt lại. Chung quanh, cả vùng biển lớn ngưng đọng, chết sững, sóng hết vỗ, nước đứng im. Muội, âm vang của trí nhớ trìu trĩu. Muội, người bạn gái sát mặt, bóng tối cứ loãng ra tựa một làn sương mềm. Tôi mấp máy nói, những tiếng cụt, giọng đơ, lưỡi líu. Ba năm, gớm thật. Mới đó đã ba năm dài; chim bay không tới, cánh rụng giữa trùng trùng thời gian xa hút. Can qua, máu lửa đã lớn dậy cùng ngăn cách trời vực. Muội, tiếng kêu hụt, chìm, nghẹn. Nàng quay đi, mặt áp vào một thân cây dừa khô, thở dài thườn thượt – dài hơn cả ba năm đằng đẵng, ý chừng hơn thế – và nói: “Em tưởng anh đã chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Anh chết vỡ ngực, máu nhuộm đỏ cả chiếc sơ mi trắng nằm trước cổng nhà với cái tay nải còn rơi vướng cạnh đó. Chính mắt em trông thấy rõ ràng vào buổi sáng ngày mồng 7 cùng lúc anh Bạt chú Vu và con Thể chạy ngang. Mọi người chỉ kịp kêu trời ơi như vừa bị đạn găm vào đầu, ngơ ngác ngó nhau rồi hối nhau chạy tiếp. Ít hôm sau gặp bác gái ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bác ôm em khóc ngất: hắn về với ông bà rồi con ơí!”. Tôi kêu to: “Phải, anh chết thật rồi. Ba năm nay anh chỉ còn sống như cái bóng mờ trong sự tưởng tiếc của người thân. Cả lúc này, em nghe coi, anh đâu còn nói được tiếng nói của người sống nữa”. Đêm rớt xuống khối tĩnh mịch kỳ lạ ngay khi tôi dứt lời, ví chừng có con cá nào đó đang quậy mình thở ra dưới đáy biển kia chắc tai có thể nghe rõ tiếng bọt nước sủi tăm. Muội đợi dưới gốc cây, hốt hoảng: “Anh đừng làm em sợ. Thật tình em thấy xác anh tóc tai mặt mũi dính máu… Hay, có phải đôi mắt em lúc đó thất thần tá hỏa, quá nhiều xác người chết dọc đường hôm đó? … Không đâu, ba năm qua, nỗi kinh hoàng mãi đeo đuổi trí óc, làm sao quên được cho dù em đã bỏ Huế ra đi, đi và không dám trở về, không dám nhớ tới ngôi nhà nát vụn, vườn cây chết khô, từng thây người chôn vội …  Anh hiểu cho em, không phải em đã nuôi ác ý cho rằng anh đã chết…” Muội cứ nói, những âm động thầm, thấp, thều thào, đứt rời tự chính nó. Và đêm trên đầu cao vút hơn, bóng tối trống không lạnh lùng không chuyên chở hết tiếng nói Muội vọng về nơi xa xôi của ba năm trước: Huế, tôi chẳng còn dính dáng chi đến nó nữa, nói như Chu ngày nào: “tao đã uống thuốc trừ căn cái gốc gác mắm ruốc của mình từ buổi ra đi lần đầu” thì hơi quá đáng, nhưng quả thật tôi chẳng còn gì ngoài đó, dần dà tôi tự buông mất, tự trốn xa, khinh miệt nơi mình sinh ra, lớn lên, sống lãng mạn, phù phiếm rởm. Cả giọng nói tôi bây giờ cũng lơ lớ, thay đổi rất nhiều. Với Huế tôi đã chết. Muội không hiểu được lòng hờn oán, cay xót, mặc cảm… Huế dành cho tôi. Quả thật, tôi đã cầu mong cho cả thành phố ấy nổ tung lên. Ghê thay, tôi đã chết theo. Mẹ tôi, sau những ngày chạy loạn, đói, bệnh, thiếu cơm thiếu thuốc đã đau đớn lìa đời tại nhà một người bà con ở vùng quê. Bà chưa kịp về nằm giữa căn nhà đổ nát thở hơi thở cuối cùng như lời mong mỏi trăn trối lúc lâm chung, chưa kịp biết xác tôi có được ai chôn lấp đàng hoàng chưa hay đã bị heo chó rỉa rói mất rồi… Tôi bật lửa châm thuốc, ánh mắt Muội hiện ra trong khoảng ánh sáng yếu ớt, đôi mắt của một thời, đen ướt, lay láy, sâu thăm thẳm đang ngước nhìn tôi nãy giờ (dù tôi đã đồng hóa với bóng tối) và biết rành rẽ tôi đang nghĩ gì, trong im lặng cùng cực, ý nghĩ khốn đốn – nhưng chắc chắn nàng không thể hiểu, nhất định không, chắc gì, tôi mỉm cười rất kín đáo, dưới làn khói quanh miệng che dấu. “Em đã thắp cho anh ba nén nhang?”. Muội không nói, lửng thửng bước ra bãi cát, ngồi phịch xuống. Tôi bước theo, chân nặng, đầu óc rong khô. Biển chợt thức dậy tiếng sóng rì rào, bải hoải, ngái ngủ. Có phải cả cái khối đen thẳm trước mặt kia là biển? Muội gục đầu xuống gối tấm tức khóc nhỏ, ừ, thì khóc cho tôi đã chết, oan hồn lang thang đêm nay hiện về đây. Tôi nói vu vơ: “Hẳn mùa này Huế sắp mưa. Cỏ hoang trên các ngôi mộ sẽ xanh lại. Khi chết tức tưởi, anh đâu có được nấm mồ tươm tất…”. Tiếng khóc bật lớn, cao sắc, chói, dòn dã. Muội, tôi xích gần lại lay khẽ vai nàng gọi hụt hẫng. Muội, Muội, Muội… tôi nghe giọng tôi lạ hoắc, xô dồn, nặng trịch như những viên đá ném lõm bõm xuống mặt biển im lìm, cố lay động dậy cơn bão táp cuồng nộ. Muội vụt nói: “Em phải tin thế nào đây? Anh còn sống hay đã chết thật rồi? Cả người thanh niên ấy… khu rừng già biên giới và trận đánh đẫm máu, chàng mất tích. Chết không tìm thấy xác và người ta đành báo cáo mất tích. Có kẻ nói quan tài chàng là cái vỏ đạn súng cối, thịt xương lượm lặt nhét không đầy… Bậy, chàng đã chết đúng nghĩa với cái chết nhất, tan hủy vào không khí, đất trời, nhập về cát bụi hư vô lồng lộng. Kỳ quặc, khi sống chàng thường ao ước thế. Anh có tin người thanh niên ấy là chồng em?”. Muội lặp lại hai tiếng cuối rồi vụt đứng dậy, vụt chạy, dừng lại ngó quanh rồi tiếp tục chạy. Phản ứng tôi đến thật chậm. Tôi mãi vò nắm cát giữa hai bàn tay, rùng mình, muốn tan biến.

 

 

Tôi còn sống hay đã chết thật rồi? Cảm giác mập mờ bất định, ngỡ ngàng như những lúc soi kỹ mặt trong gương: có chắc gì cái hình bóng kia là vóc dáng thật, đúng, in hệt của mình? Người ta vẫn không ngớt cải dạng, giả trang đánh lừa đời sống phải cưu mang để được sống ra ngoài những quy định ước lệ của con mắt thiên hạ. Tôi không thể, không hề, không nuôi nổi óc tưởng tượng bệnh hoạn. Ngày ngày tôi vẫn cố bám riết níu theo dòng đời phăng phăng cuốn siết (mà vẫn bị hất tung, mất vuột). Để nhớ lại mình, biết mình có thật. Để tìm gặp Muội, Muội như tấm gương sáng, rõ, đúng, không thể lường gạt, phỉnh phờ những điều tôi muốn soi tìm, ngắm nghía. Ba năm, thời gian đã tráng thủy nhiều lớp mới, đã lồng bóng lũ lượt ảnh tượng xuống cái đáy ngưng đọng, bất biến. Nhưng đêm nay, giữa tình cờ gặp gỡ, trong bối rối chưa gạn lọc hết xúc động, Muội quá trong suốt, rỗng, phẳng và như thể nàng đã tự đập vỡ tấm gương, xé vụn hết thảy mọi hình ảnh mang nặng chồng chất, chịu đựng âm ỉ trong cõi trí nhớ tội đồ. Dường như nàng chực đợi được gặp tôi và vỡ òa. “Anh Bạt chết một hôm trước ngày Huế được giải tỏa, người ta bắn lầm. Năm tháng sau, chị Vu sinh đứa con đầu lòng, phải mổ và tắt thở trên giường đẻ… Nhưng, bây giờ em tin cả anh Bạt và chị Vu và bao nhiêu người thân khác vẫn còn sống ở đâu đó. Như anh vậy. Không hẳn cái chết chỉ đến một lần! Anh, anh nói cho em biết, đời người chỉ một lần chết thôi sao?”. Muội nắm bàn tay tôi, sờ lên quần áo tóc tai, tôi đứng im như pho tượng quên thở, mất tiếng nói, tôi đang giả đò chết hay chết thật rồi cũng nên. Bạt ở kia, dáng cười cười nói nói, liến thoắng cháu lảy như đứa trẻ: “Mi để tau rước nàng về trước nghe? Sợ động viên không kịp cưới thì phiền lắm. Dễ chi đi lính rồi mình còn đủ lạc quan mà tính chuyện lấy vợ. Đó là chưa dám nói cái chết gờm sẵn từng phút giây bên mình… Để tết ra, vợ chồng tau lo cho mi với con Muội cái đám cưới thật ngon, chịu chưa?”. Bạt ở cùng xóm, cùng học chung năm cuối trung học với tôi, tính xuề xòa vui miệng, khuôn mặt hồng hào, trán rộng, tai lớn, một người như vậy không thể nào chết yểu. Vài lần, tôi đã sinh sự suýt đánh lộn với hắn về cái tội ấm ớ cứ đem những thói xấu la cà, lêu lổng của tôi ở những chốn ăn chơi ra mách cho em gái nghe, hầu lung lạc sự nhẹ dạ nơi một thiếu nữ mới lớn. Trước Muội, trước Huế, tôi đã sắm vai kịch mẫu mực lý tưởng của một thanh niên hiếu học, hiền lành, biết lo nghĩ tương lai. Vai kịch khôi hài của một tên dân dã học làm công tử hoàng phái. Để chờ tết ra, Muội, đám cưới có cau lồng rượu ché lọng tàng phô trương. Tôi đã van vỉ, khóc lóc bên mẹ từng buổi, hờn lẩy bỏ đi lang thang cả tuần để mong mẹ chấp nhận nàng về sống dưới mái nhà đơn chiếc kia, để cho mẹ không còn nhìn ra nỗi lo âu kinh sợ vì cái nốt ruồi “trích lệ khấp phu” trên khuôn mặt nàng. Trí nhớ tôi đứt rời vụn vặt như những mảnh gương vỡ chẳng thể nào chắp vá lại. Và cả thành phố đó tựa một cái khung mờ thu hẹp giữa ký ức từ lâu, vàng son sơn thiếp của tuổi nhỏ ngọc ngà đã cháy rụi. Tiếng Muội không ngớt run rẩy, lướt trên hơi thở dồn, cọ xước ngang mép thủy tinh sắt rướm, miệng nàng giống một vết thương lở. Tôi chết, đã ba năm, hình hài chưa tiêu hủy, thật bi thảm. Chính chồng em mới đạt được hạnh phúc tuyệt đỉnh của cái chết tàn bạo. “Làm sao anh biết được chàng? Mới năm ngoái, mới tháng trước, mới hôm qua hôm kia đây thôi… chàng chưa thể chết phũ phàng vậy được, ừ, có lẽ chàng chỉ mất tích đâu đó, giấu mặt, ẩn thân, không muốn trở về tiếp tục trò chơi giết người nữa… Chàng vẫn thường hôn lên cái nốt ruồi xấu xí này say đắm, kêu thốt: anh muốn cắn vỡ nó ra. Những giây phút ngắn ngủi đó, em biết mơ hồ rằng chàng thèm sống khủng khiếp…”. Tôi nhắm mắt lại, bóng tối như sáng ra, vỡ thành bọt, đủ màu. “Em đã nhận lời lấy chàng thật gấp rút, không suy tính. Hồi đó, em chỉ cần một nơi nương tựa yên ổn, bận bịu với những bổn phận ràng buộc đủ để trấn an nỗi kinh hoàng đeo đuổi dây dưa trong trí tưởng. Chàng không phải người Huế, không được chứng kiến cảnh khói lửa ghê rợn của cái tết tang tóc chưa hề ra ngoài ấy lần nào và bằng lòng cưới em như để được sống gần lại những đổ vỡ tan hoang của lịch sử, bạo lực, hận thù. Nhưng em đã không kể cho chàng nghe một mảy may nào về những ngày dài chết chóc đói khát điêu linh, em cố quên, cố phụ rẫy, cố phủi sạch từng dấu vết bi thương ra khỏi khoảng đời sống sót. Anh thấy đó, giọng em đã đổi khác, đâu còn nói được những tiếng răng, ri, mô, rứa nữa… Nhiều lần, chàng thăm dò tra hỏi dĩ vãng em, xem thử một nữ sinh Huế có sống lãng mạn kiêu sa như lời thiên hạ đồn đãi. Cuối cùng ức quá, em phải thú thật: em đã ấp ủ một mối tình thật đẹp trong suốt những năm đi học, sắp thành tựu thì biến cố đột ngột xảy đến, người ấy đã chết, em không được chịu tang… Sau đó, hình như chàng sống mất bình thường, luôn luôn tỏ ra cái mặc cảm có tội chiếm đoạt với vong hồn người đã khuất là anh, hồ nghi lòng yêu thương nơi em. Và rồi, chàng đổi lên cao nguyên dự trận đánh đẫm máu sát biên giới…”

 

Tôi đã chết ?

Con đò đưa linh hồn thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng trùng nô rỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận. Đêm nay, trí nhớ chết đuối, cõi sống rã rời như những mảnh ván còn lại trong một vụ đắm tàu còn nổi lêu bêu dập dềnh. Nhưng tôi là con chim đen bay hoài trên mặt nước động không tìm ra khúc gỗ trôi nổi nào sà xuống trú chân.

“Anh đã chết vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ. Em còn về ngoài đó, nhớ hôm giỗ anh ghé lại thắp giùm một nén nhang và hạ luôn cây nêu xuống.”

Tôi nhớ đã ôm hôn Muội, hôn thật lâu trên cái nốt ruồi tai quái dưới khóe mắt.

 

Ba năm trước.

Đêm ngủ mê muội và mộng thấy mình đã chết. Thức dậy, bàng hoàng không biết đang nằm ở đâu?./.

 

Ý Thức số 7 ngày 15 tháng 1 năm 1971

 

Cuối Ngày Cuối Đường

Ngồi cạnh Chấn là người đàn ông có dáng dấp của một thư ký hành chánh sắp về hưu. Qua nét mặt và cách phục sức của ông, anh dễ liên tưởng đến sự chăm chỉ mẫu mực của kẻ suốt đời ngồi sau đống hồ sơ công văn. Cô gái ngồi kề ông ta ăn mặc hơi xuề xòa nhưng không vì thế mà vẻ đẹp dịu dàng trên khuôn mặt trái soan kia bị thương tổn. Hai người đàn bà tiếp theo chắc là dân đi buôn, chẳng có gì đáng nói. Chấn liếc mắt nhìn ra mấy hàng ghế sau và thất vọng không thấy một thanh niên nào trạc tuổi mình. Hầu hết là ông bà già và phụ nữ nếu không kể một người lính xanh xao ốm yếu dường như mới nằm ở quân y viện ra. Nỗi lo âu vẫn lăn tăn trong bụng, một lần nữa Chấn chồm về phía trước hỏi nhỏ người tài xế :

- Đường Bình Đê Sa Huỳnh an ninh chứ bác ?

- Không sao !

- Chắc ?

- Không sao mà. Rủi lắm mới bị.

Lối trả lời của ông ta vẫn mập mờ gượng gạo, Chấn hoang mang. Dù sao anh cũng không thể thối lui được nữa, tối nay anh phải đến Huế cho kịp giờ đám cưới của Phương. Chấn lại nhìn khẽ cô gái ngồi cách mình một ghế, bây giờ anh mới hiểu cái cảm giác quen quen khi mới gặp ở bến xe chính vì cô ta có nhiều nét hao hao giống Phương. Thấp thoáng bóng Phương trên dáng người màu tóc nước da nàng, nhất là hàng lông mi quá dài như lông mi giả kia. Chấn nao nao.

 

Biết đâu chốc nữa đây, tai hoạ sẽ bất ngờ xảy ra dọc đường mà anh là một nạn nhân oan uổng, liệu Phương có biết ? Phương sẽ âm thầm tội nghiệp giùm anh trong giây phút ? Phương sẽ trách anh đã rồ dại khi bôn ba vượt muôn dặm đường dài trở về sắm vai kẻ tình chung ?

Thử tưởng tượng, tối nay, khi tiệc cưới của nàng bắt đầu, kẻ tình chung sẽ bất ngờ xuất hiện với dáng dấp của một tên lãng tử khinh bạc phóng túng. Y sẽ nổi bật giữa đám tân khách áo quần sang trọng diêm dúa. Người ta sẽ lo ngại cái bàn tay y đang giấu diếm trong túi áo khoác như hờm sẵn một chuôi dao, một trái lựu đạn, mưu toan bày trò thích khách. Nội cái phong thái tàng tàng bất cần đời của y cũng đáng để họ đề cao cảnh giác. Thử tưởng tượng nàng sẽ trố mắt nhìn y như nhìn một vật lạ từ cung Trăng rơi xuống. Đáng thương biết bao nếu chú rể phải bẻn lẻn tiến ra bắt tay y và y sẽ gật đầu cười chua chát : “tôi là kẻ đến trước nhất mà bây giờ hóa ra muộn nhất. Xin lỗi…”. Chấn cười thầm thích thú.

- Chiều ni có chắc mình về nhà kịp không ba ?

 

Người đàn ông đeo bộ mặt im như tượng buông cái gật đầu nặng nề tựa ngủ gật. Đúng như Chấn đoán, hai người là cha con. Anh gợi chuyện :

- Bác ra Huế ?

- Phải.

- Nếu không trắc trở gì sáu giờ rưỡi chiều xe tới Huế.

- Anh cũng về ngoài mình ?

- Dạ. Cháu về thăm một người… quen bên Gia Hội.

- Anh chưa đi lính ?

- Dạ rồi, cháu được biệt phái.

- Tui có thằng con đầu đi Sư đoàn 22.

- Chắc bác đi thăm về ?

 

Đôi mắt người đàn ông bỗng mờ đi, xa vắng :

- Nó vô phúc chết hồi Tết Mậu Thân rồi. Tui vô viếng mộ.

- Bác chôn anh ấy trong nầy ?

 

Người đàn ông rơm rớm nước mắt :

- Chôn với cất chi. Hồi đó cả nhà tui chạy giặc bán sống bán chết có biết chi mô. Một tháng sau mới có tin con tử trận. Khi tui vô tới nơi, người ta chỉ cho nắm đất xanh cỏ và miếng bia trơ trụi. Thảm lắm anh…

 

Cô gái khẽ thúc vào hông cha như ra dấu giữ im lặng. Chấn cúi đầu. Giọng người đàn ông còn mếu máo gì đó nghe không rõ. Chấn ngẩng lên bối rối trước những giọt nước mắt

mau mắn lăn dài trên má ông. Anh áy náy tưởng chính mình vừa gây ra nông nỗi. Cô gái có vẻ bực bội vì sự xúc động dễ dãi của cha, nói như phân trần với Chấn :

- Ba tui thương anh ấy lắm. Mấy năm nay hể nhắc tới là khóc.

 

Chấn mấp máy môi nhưng không nói được tiếng gì. Hai mụ đàn bà ngồi gần cửa thì mở cặp mắt tò mò nhìn người đàn ông đau khổ một cách lỗ mãng.

 

Xe đang đi giữa một vùng đồi thấp, những trái đồi tròn trĩnh nom thật thà hiền hậu. Nắng mai rực sáng trên cánh đồng vừa tan sương. Bỗng Chấn níu cửa xe suýt kêu lên mừng rỡ : vài ba cánh cò đang lượn là là trên một đầm nước nhỏ ! Lòng anh hớn hở tưởng như vừa gặp lại một cố nhân. Đã mười năm nay anh chưa hề thấy một bóng cò trên các cánh đồng lúa chín. Mười năm nay, hàng vạn chim bồ câu được người ta tung lên khung trời an lành ở các thành phố để cầu nguyện hòa bình thật là phí phạm bởi chưa ai biết tung một cánh cò. Chấn khẽ ra dấu cho cô gái cùng nhìn về phía đầm nước. Cô ta chăm chú mở

lớn mắt nhưng không chia xẻ với anh nỗi mừng rỡ.

- Chim chi rứa ?

- Chim thái bình !

- Tên ngộ quá !

 

Chấn cười. Nàng chớp chớp mắt e thẹn, một ngón tay bối rối đưa lên gải nhẹ khóe môi :

- Tui nhớ rồi. Cò ! Hồi đi học, tui có con bạn cao ngòng và ốm teo, nhất là cái cổ, nên bị cả lớp trêu chọc là Cò. Nhưng nó chết rồi, tội ghê !

- Ngày nào dứt chiến tranh, bóng cò sẽ bay rợp trên khắp các cánh đồng lúa quê hương ta, cô thích không ?

- Biết ngày mô ?

 

Bất giác người cha thở dài quá lớn tiếng. Chấn hiểu, ông vừa trả lời cho con gái mình, có thể tính ra đằng đẵng thời gian trong cái thở dài ấy.

 

Xe qua khỏi Tam Quan, gập ghềnh trên đoạn đường lở lói. Hành khách níu chặt ghế chịu đựng những dằn xóc liên hồi. Nét mặt người đàn ông nhíu lại đau đớn. Chốc chốc

ông đưa hai tay lên trần xe như nâng đỡ che chở một vật gì. Cô gái cũng ngước mắt nhìn theo hai bàn tay của cha mình, nét mặt lo lắng khổ sở.

 

Chấn nói nhỏ :

- Sắp tới quãng đường nguy hiểm.

- Chỗ mô rứa anh ?

- Bắt đầu từ ngọn đèo thấp trước mặt.

- Anh biết rứa mà cũng dám đi xe đò.

- Chắc không sao. Hôm nay ngày tốt lắm, hồi nãy cô có thấy hai ba đám cưới ở Bồng Sơn ?

 

Người đàn ông quay qua con gái mình :

- Lo chi. Có vong hồn anh con đang phù hộ trên đầu trên cổ.

 

Cô gái lại khẽ thúc hông cha ra dấu im lặng. Chấn cẩn thận rút ví lấy những giấy tờ có liên quan đến lính tráng bỏ riêng vào xách tay. Tay anh đụng phải tấm thiệp cưới dày cộm của Phương. Phương giờ nầy hẳn bóng loáng hạnh phúc, rực rỡ như nét chữ kim nhũ trang sức tên nàng khít khao bên cạnh tên một kẻ lạ. Anh đã thiếu thốn nhiều điều kiện để tiến lên đứng song song bên nàng từ đầu. Vậy cớ sao anh còn quay về ? Không lẽ chứng mất ngủ tai hại đêm qua đã góp phần quyết định chuyến đi không trù tính nầy ? Anh tưởng lòng mình đã nguôi quên êm ả khi đi gởi cho nàng cái điện tín chúc mừng, trước đó. Không, anh còn nhiều điều chưa nói hết với Phương. Gạt đi lớp bèo bọt tự ái để nhìn thẳng vào đáy lòng mình : thương thay, Chấn vẫn còn yêu nàng quá đỗi !

 

Chấn ngẩng đầu lên và bắt gặp đôi mắt dịu dàng của cô gái :

- Anh đội cái nón lá nầy lên đầu. Xe sắp lên đèo rồi.

- Không sao đâu.

- Đừng giỡn mặt.

 

Giọng cô gái nửa la ngầy nửa ngọt ngào, Chấn bẻn lẻn quàng quai nón ngang cằm,

cười :

- Trông tôi giống phụ nữ chút nào không ?

- Thôi mà. Cúi đầu xuống.

 

Sau lưng Chấn, người lính đã mặc bộ pyjama từ hồi nào và đầu cũng che nón lá như anh. Xe vòng lên tới chóp đèo, tăng tốc lực, rú lên hớn hở như con thú dữ đánh hơi thấy mùi tử khí phảng phất đâu đây. Một người nào đó nói khẽ :

- Sắp tới Sa Huỳnh !

 

Sa Huỳnh, Đức Phổ, Mộ Đức… Núi xanh rờn tai ương lớp lớp. Đồng gầy guộc xương xóc buồn thiu. Hàng hàng túp lều “búp bê” bằng giấy bìa của dân tỵ nạn trông tiêu sơ tựa cảnh đóng trại của đám người đi khai hoang. Rải rác những tường xiêu cột cháy nhà hoang của trùng trùng tháng năm binh lửa. Tìm đâu bóng cò bay lả bay la ?

 

Chấn khép mắt, ngủ chợp được một giấc ngắn. Cái nóng hun đốt hâm hấp trên đầu. Gió Lào từ những ngách núi tràn xuống ào ào, muốn xô bạt cả xe. Trong xe, nhiều tiếng ngáp lộ liễu đáp lời nhau hô hố. Những cặp mắt lờ đờ nhá nhem. Những chân cẳng tê cứng nhức mỏi. Đường vẫn còn xa hun hút.

 

Chấn ngủ được một giấc dài cho đến khi xe tới bến Quảng Ngãi. Đây là trạm nghỉ trưa của những chuyến xe xuôi ngược vào ra, nhộn nhịp bọn hàng rong họp chợ nổi. Tiếng rao hàng mời níu nài nĩ của hàng chục cái của miệng. Tiếng máy xe ầm ĩ, tiếng còi thúc gịuc toe toe, tiếng la tiếng chửi… Những âm thanh hỗn tạp đó dồn hãm quấn quýt nhau thành một khối đặc nghẹt, không lối thoát, giữa cái nóng ngột ngạt nồng nực. Chấn xuống xe, hai bàn chân nhẹ hẩng như mất hẳn trọng lực. Người đàn ông nhô đầu ra cửa, ngước lên mui xe kiểm soát lại hành lý thì phải, mắt ông nheo lại, có vẻ bất bình.

- Mời bác và cô xuống kiếm gì ăn trưa.

Cô gái chải lại mái tóc rối tung :

- Cảm ơn anh, tui không dám ăn chi cả, cứ sợ buồn nôn.

- Thì uống gì qua loa.

 

Cô gái lắc đầu cười. Chấn ngần ngừ rồi bỏ đi.

Lúc anh trở lại, người đàn ông đang loay hoay xếp đặt gì đó trên mui xe. Anh trao lon Coca cho cô gái :

- Cô uống chút nước đỡ khát.

 

Người đàn ông tuột xuống đất, đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc.

- Đi tìm tấm vải chi che lại chớ nắng gớm quá.

Cô gái  nháy mắt bảo cha im. Ông dụi mắt ngó quanh rồi bương bả đi qua chỗ bán tạp hóa. Chấn nói :

- Cô xuống một tí cho đỡ cuồng chân.

 

Nàng vén vạt áo tần ngần bước xuống, nhăn mặt :

- Xe đi chậm quá phải không anh ? Mệt đừ người rồi.

- Chốc nữa xe chạy, cô gắng ngủ một giấc để giết thời gian.

- Ở Huế anh ở chỗ mô ?

- Quê ngoại tôi ở Kim Long. Ngày xưa má tôi là người Huế. Nên, gặp cô, nghe giọng cô nói, tự dưng tôi “nhớ nhà” ghê. Huế bao dung tôi một thời thơ ấu tuyệt vời nhưng phụ phàng tôi ngày trở lại. Như hôm nay…

 

Người đàn ông vừa mua về một tấm vải nhựa và nhờ người lơ xe phủ lên cái rương gỗ trên mui. Lát sau ông còn leo lên kiểm soát lại, giằng buộc cẩn thận. Bây giờ Chấn mới hiểu, chính cái rương gỗ đang bị phơi nắng kia chính là đầu mối lo lắng nãy giờ của ông.

 

Khi lên xe, hai cha con nàng vô tình ngồi lộn chỗ của nhau nên bây giờ Chấn ngồi cạnh cô gái. Xe rời bến Quảng Ngãi, tiếp tục chuyến đi. Bữa ăn trưa dù vội vàng qua loa nhưng cũng tạo lại sinh khí tươi tỉnh trên nét mặt mấy mươi hành khách. Chuyện vãn ròn rã, tở mở.

 

Hồi lâu Chấn tưởng cô gái đã khép mắt ngủ được. Nhưng mỗi lần xe cáng phải ổ gà nhảy rùng lên, nàng hốt hoảng níu tay cha. Người cha thì ngẩng đầu lên trần xe như một phản ứng. Ông sợ cái rương gỗ sẽ rớt mất chăng ? Thỉnh thoảng ông lại chồm ra cửa ngó lên dõi chừng. Sự bồn chồn bất an hiện rõ trên nét mặt cô gái.

- Sao nãy giờ cô im lặng quá ?

Nàng vuốt nhẹ má, cười gượng :

- Nói nhiều sợ anh “nhớ nhà”

- Nhưng mai mốt, mỗi lần nhớ nhà chắc tôi phải nhớ đến cô.

- .  .  .

- Ra Huế… hy vọng còn gặp cô lại.

- Chắc không có mô !

- Biết đâu chẳng dịp tình cờ.

- Con gái tụi tui không thích hai tiếng “tình cờ”, nghe nó mong manh quá !

 

Xe qua khỏi Chu Lai, bon bon giữa đồng cát trắng không bóng cây không mái nhà, chỉ dằng dặc một màu hoang dã mông quạnh nhức mắt.

- Cô có thấy những nhà ga xe lửa dọc đường trầm ngâm như những tháp Chàm hoang phế ?

- Dạ.

- Cô đi tàu lửa lần nào chưa ?

 

Chấn quay đầu vào. Cô gái đang thiêm thiếp ngủ. Anh nghe rõ sức nặng của một phần thân thể nàng đang truyền qua vai anh, mềm mại, ấm áp. Anh đếm được từng dây tơ cảm xúc run rẩy e ấp. Vài ba sợi tóc của nàng bay nhởn nhơ ngang mặt, tinh nghịch, chọc ghẹo. Bất giác anh ngậm lấy, cắn chặt. Có mùi hương thoang thoảng vừa vỡ ra đâu đó ? Hương xưa ? Mái tóc Phương ? Giờ nầy, hẳn mái tóc kia đã được bới cao lên, cài trâm giắt lược rỡ ràng ? Khuôn mặt kia no đầy thừa mứa màu hạnh phúc ? Hạnh Phúc : cái bóng ma lởn vởn suốt đời người đó ư ?

Xe qua khỏi thị trấn Tam Kỳ, đồng ruộng mở rộng ra trước mặt. Gió lộng. Chấn thiu thiu ngủ. Vai anh bỗng nhẹ hẩng đi. Hai cha con cô gái đang nói nhỏ gì với nhau. Một lát, người đàn ông lại chồm qua phía anh, thò đầu ra ngoài. Chắc cái rương gỗ kia đựng những đồ qúy giá lắm ? Xe dừng lại ở một trạm kiểm soát. Từ Quảng Ngãi ra đây quá nhiều trạm kiểm soát, khổ cho Chấn phải trình giấy tờ lia lịa. Như mấy trạm kia, người lính nhắm ngay vào gã thanh niên duy nhất trên xe là anh :

- Cho coi giấy tờ.

 

Như một cái máy, Chấn trao cho anh ta xấp giấy đang cầm sẵn trên tay.

- Giấy hoãn dịch của ông đâu ?

- Tôi là quân nhân biệt phái.

- Ông không có thẻ tại ngũ. Mời xuống xe.

- Có giấy chứng nhận của Trưởng cơ quan kia. Tôi là công chức.

- Ông đào ngũ. Xuống xe !

Cô gái mở lớn mắt lo lắng và phân bua giùm Chấn :

- Mấy trạm kiểm soát trong tê…

Người lính trừng mắt, nạt :

- Cô biết gì. Nhớ là tôi chưa xét giấy tờ cô. Ông có xuống xe không ?

Chấn quay qua cười với cô gái :

- Thôi bác và cô về trước. Cãi cọ dùng dằng chỉ làm phiền cả xe.

 

Chấn lững thững bước xuống bờ đường. Xe chạy, cô gái ngoái đầu nói vói gì đó anh không nghe rõ. Tấm vải nhựa đậy cái rương gỗ lay bay trên nóc xe như vẩy tay chào anh. Anh quay lưng lại, đây là chỗ nào ? Người lính giữ mớ giấy tờ của anh đi thẳng vào cái quán cóc chuyện gẩu với một người đàn bà còn trẻ. Y cười giỡn hí hửng như muốn khoe cái quyền hành lớn lao mà y vừa tung ra để bắt một “tên đào ngũ”. Chị đàn bà cũng cười hể hả, khứng chịu. Chấn coi đồng hồ, sốt ruột. Anh bước vào quán, tiến lại người lính, xuống giọng năn nỉ :

- Giấy tờ tôi hợp lệ, anh thông cảm. Tôi đang nôn nóng về nhà. Chiều nay đám cưới… em tôi.

 

Chấn rút tấm thiệp cưới của Phương đưa ra trước mặt y để làm chứng cho lời mình nói. Người lính tạo lại bộ mặt lầm lì khinh khỉnh, xẳng giọng :

- Tôi không biết. Ông vào Bộ chỉ huy Trung đoàn hẳn hay.

- Tôi gấp về, em tôi đang trông ghê lắm. Anh hiểu cho.

- Ông ra ngoài kia đứng. Chốc nữa có xe đến giải giao về Ban 1 Trung đoàn.

 

Chấn mím môi, sự tức giận khiến anh chóng mặt, thốt ra một tiếng chửi thề cộc lốc.

Người lính đứng dậy hung hãn :

- Mầy vừa nói gì ?

- Ông hãy đưa tôi về cấp chỉ huy của ông ngay bây giờ. Để tôi còn đi.

- Tao giam lỏng mày ở đây. Mày tiếc con nhỏ trên xe hả ? Đào ngũ mà tình tứ quá.

- Ghen hả ?

 

Chấn cười gằn, bước ra ngoài nhổ một bãi nước bọt. Anh bối rối nhìn cây kim đồng hồ đang quay nhanh, thật nhanh. Anh tiu nghỉu nhìn theo từng chiếc xe đò đang chạy về hướng Đà Nẵng sau khi dừng lại chốc lát. Người lính vẫn hú hí chuyện vãn với chị đàn bà chủ quán, chẳng thèm ra bắt thêm bọn “đào ngũ”. Chấn nhìn bóng mình đổ dài bên bờ  đường, chửi thề.

Một giờ đồng hồ sau, một người lính dùng xe honda áp giải Chấn về Bộ chỉ huy tận trong chân núi. Anh gục đầu lên lưng kẻ lạ và nghĩ đến Phương xa vời. Thôi, muộn cả rồi.

 

Kẻ tình chung dở dang vai kịch ! Chấn chồm lên vai người lính :

- Anh biết hôm nay người yêu của tôi đi lấy chồng ?

Người lính ngoảnh mặt lui, ngơ ngác. Chấn hét lớn :

- Khi người yêu bỏ đi lấy chồng thì mình có nên đến dự đám cưới ?

- Đ.M. dự làm chó gì !

Chấn cười hô hố theo anh ta :

- Phải lắm. Cảm ơn các ông đã bắt giữ tôi lại. Không thì chiều nay tôi ngu ngốc dẫn xác tới chiêm ngưỡng hạnh phúc của một kẻ bội tình !

 

*

Chạng vạng tối Chấn mới về tới Đà Nẵng, mệt phờ người. Anh tạt vào cái phòng ngủ ở bến xe thuê một chỗ nằm để nằm dài ra thở dốc. Thở no nê, anh cảm thấy mình ngứa ngáy và nhớp nhúa như một miếng giẻ rách.

 

Tắm rửa xong, Chấn thay áo quần ra phố. Phố chưa bớt tấp nập ồn ào nhưng nhờ thế anh bớt lẻ loi thui thủi. Giờ nầy chắc tiệc cưới của Phương đã bắt đầu ? Kẻ tình chung đã không về kịp, Phương an tâm ? Chấn bước vào một tiệm ăn có bề ngoài khá sang trọng nhưng thức ăn quá tồi. Anh bỏ mứa, kêu rượu. Không có. Cho một chanh tươi không đường. Cho vừa lòng anh đang chua ngoét !

 

Chấn trở về phòng ngủ với chai Napoleon mới mua. Bỗng, anh đứng khựng lại ở cầu thang, đôi mắt dướn cong lên như một cặp dấu hỏi. Cô gái bỡ ngỡ nhìn trân trối :

- Anh…

- Tên lính bướng bỉnh phá tôi chơi. Tôi lên cấp chỉ huy của hắn trình lại giấy tờ rồi đi liền. Mà sao cô ở đây ?

- Đường đèo Hải Vân bị kẹt, xe quay lui hết. Không biết sáng mai đi được chưa ?

- Bác đâu ?

 

Cô gái chỉ tay lên lầu. Chấn thở dài, hoan hỉ :

- Không ngờ còn gặp cô lại, thật hi hữu. Cô thấy chưa, cuộc đời còn lắm tình cờ.

Nàng che miệng cười, ngượng ngập :

- Anh thuê phòng mấy ?

- 12, đằng kia. Để tôi lên thăm bác một chút.

 

Lên khỏi cầu thang, cô gái dừng lại, ngập ngừng :

- Ba tôi đang… nằm nghỉ, thôi mình chớ khuấy rầy ông.

Chấn gật đầu và bước lại khoảng bao lơn phía trước, đặt chai rượu xuống chân. Cô gái nhìn theo :

- Anh uống rượu ?

- Đêm nay tôi không muốn phải thao thức trằn trọc.

 

Nàng bước tới gần, dựa lưng vào tường. Chấn khoác tay vu vơ :

- Tôi phải quên đi một chuyện buồn. Cô biết, giờ nầy, ở Huế, người yêu tôi đang rực rỡ hạnh phúc bước xuống thuyền…

- Chỉ có rứa mà anh phải uống rượu ?

Chấn nóng nảy, bực dọc :

- Tôi đau khổ ghê lắm. Cô bắt tôi phải làm gì nữa khi đành chôn chân ở đây ?

- Anh tưởng say là quên được ?

Chấn cúi đầu, trầm ngâm :

- Ừ nhỉ, còn gì mà nhớ mà quên. Rượu ư ?

 

Chấn chụp chai rượu đưa lên ngang mặt rồi bất thần ném nhanh xuống đường. Cô gái hốt hoảng đưa tay bịt tai lại. Tiếng vỡ khô, đục, nghẹn ngào. Chấn cười lớn :

- Cô nhìn kia… Người yêu tôi đang la ơi ới, tên đàn ông nọ bị mảnh chai găm trúng mắt, cả đám tân khách đang xô bàn tiệc dẫm lên nhau mà chạy. Ha ha !

- Anh say rồi !

- Và tôi cũng vừa quên hết rồi. Thôi ghé lại thăm bác, sớm mai tôi quay về Quy Nhơn.

 

Cô gái bước lại mở hé cửa và bối rối xô Chấn lui. Nhưng anh cũng vừa kịp thấy cảnh tượng trước mắt : người đàn ông đang gục đầu trên cái rương gỗ khóc tức tưởi, bên cạnh bó nhang đang tỏa khói và mấy ngọn đèn cầy cháy leo lét, buồn thảm. Cô gái chảy dài nước mắt, nói mếu máo :

- Tội nghiệp anh tui phải nằm lại dọc đường đêm nay… Cái rương gỗ ấy đựng hài cốt anh tui !

 

1973 

 

Cây Ngọc Lan Trong Vườn

Xuống tới bậc hiên, cô Ngân đứng lại như vừa sực nhớ một điều gì quan trọng, cô ngoắt tôi đến, vỗ vai dịu dàng, ngần ngừ một lát, đoạn cúi xuống nói khẽ:

– Có ai tới thăm cô, con thưa với họ rằng cô có việc gấp phải đi. Nhớ nghe!

– Dạ.

Ra tới cổng cô Ngân còn quay lui cười mỉm như thầm nhắc lại lời dặn. Tôi nhẹ gật đầu, chia sẻ nụ cười cởi mở kia. Hôm nay trông cô dễ thương và thân mật, không còn đeo bộ mặt nghiêm khắc lạnh lùng thường ngày nữa. Hú vía!

Buổi mai mát dịu. Trời đất đang có vẻ vào thu, thoáng buồn mang mang. Nắng gầy đi, phai sắc nhạt màu. Những phiến nắng mềm mại vàng hoe nằm chen với bóng lá trên mặt đất còn ẩm hơi sương, vỡ ra chút cảm giác lành lạnh tê tái nơi đầu ngón chân vô tình dẫm lên. Tôi đi thơ thẩn quanh vườn, thăm dò lục lọi những trái lựu, mãng cầu cuối mùa còn sót lại trên cành. Cây ổi sẻ mỡ gà, cây khế ngọt đã có nhiều chiếc lá vàng úa héo. Mai mốt đây, vườn sẽ thôi xanh, lá nhuốm bệnh về chiều, lá âm thầm rụng thâu đêm, sáng mai lá chết phơi xác đầy sân, khổ sở tôi phải cầm lên cây chổi ra vườn như người phu đào huyệt cầm cuốc xẻng vào nghĩa trang.

Trên ngọn ngọc lan, con chim nào đó bỗng ngứa cổ hót lên dăm tiếng trong trẻo. Tiếng chim quen thuộc kích thích trí óc tôi, như mời mọc tôi hãy bắt chước giọng nó, hót theo. Im đi một lúc, chờ đợi (?), con chim lại trỗi giọng cũ, lần này nghe giục giã bồn chồn hơn. Tôi bước nhẹ đến gốc cây dõi mắt tìm kiếm nhưng mãi vẫn không thấy tăm dạng bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt đột ngột.

Tôi thở mùi hương ngọc lan tỏa dịu trong không khí ủ hơi nước, lòng khoan khoái, muốn ngà ngà say. Đã qua rồi những ngày hè khô nóng, hương ngọc lan bị nắng đốt lên ngào ngạt gay gắt đến nỗi cô Ngân phải kêu nhức đầu. Những lúc đó, mũi cô chun lại khụt khịt một cách khổ sở, chân mày nhíu lấy nhau tạo ra hai nếp gấp giữa sơn căn; trông cô nhăn nhó như một bà già cay cú, vậy mà có người khen đẹp, ví với cái nhăn mặt của Tây Thi!

Ông nội bảo tôi cùng tuổi với cây ngọc lan này. Mười bốn năm, nó bỏ tôi đứng thấp lè tè dưới đất để vươn cao lên trời, trổ hoa tỏa hương đùa sương giỡn gió thỏa thuê. Nó đâu biết ba bốn năm nay ngày ngày tôi phải mang nước cho nó uống, quét dọn từng chiếc lá cuống hoa nó ném xuống bừa bãi.

Lúc nào ông nội cũng tỏ ra quý mến chăm sóc cây ngọc lan còn hơn lo lắng cho con cháu. Bởi, khắp vùng này chưa nhà nào trồng được. Mỗi lần có bạn đến, ông ân cần mời một chén trà đặc biệt có ướp hương ngọc lan, lòng thầm hãnh diện trước những lời trầm trồ khen thưởng của khách. Khách muốn được xem cây, như chỉ chờ đợi bao nhiêu đấy, ông tôi vồn vã đứng dậy mời khách ra vườn ngay. Dù mang danh là lan nhưng ngọc lan không mềm mại ẻo lả như các loại lan giò treo lủng lẳng trước cửa. Nó thuộc lớp thân mộc, cao lớn suôn đuột như cây cột, chẳng có vẻ thẩm mỹ như cái tên nó mang. Thoạt nhìn, khách bỡ ngỡ, bao nhiêu điều tưởng tượng về hình dáng cây hoa nầy đều sai lạc, trái ngược cả. Chừng đoán hiểu được ý khách, ông tôi cười ý nhị, bênh vực:

– Thật không ngờ, với cái thân hình thô thiển thế nầy, nó lại cho mình những nụ hoa thơm danh tiếng.

Pha trà cho ông tôi xong, tôi mang chổi ra quét dăm chiếc lá khô trên lối đi lát gạch trong vườn. Tiếng chim hồi nãy lại trỗi lên líu lo, có vẻ mừng vui hớn hở hơn. Dường như, có đến hai giọng chim đang đối đáp nhau. Chắc chúng vừa gặp nhau sau bao tìm kiếm chờ đợi? Tiếng hót càng rộn rã như muốn tôi dừng tay lắng nghe. Ừ, tôi đang nghe đây. Cứ hót đi khúc nhạc lứa đôi hồn nhiên thần thánh. Cứ truyền nhau hơi ấm thơm tho, mùa thu sắp về rồi kìa, những đám mây bàng bạc đang che lấp mất bầu trời thênh thang của bạn. Như nghe thấu những ý nghĩ khích lệ trong đầu tôi, như ngây ngất với mùi hương ngọc lan nồng đượm, đôi chim đắc ý hót lên lanh lảnh hân hoan. Tiếng hót hòa âm với nhau vang động cả màu lá xôn xao, trong hơi gió mai thổi lất phất. Tôi buông chổi rón rén bước đến gốc cây đưa mắt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bóng chim. Tiếng hót ngưng bặt.

Cổng mở, cô Ngân lách mình vào, nụ cười nở sẵn trên môi:

– Biết quét sân nữa hả? Ngoan ghê!

– Cô đi mau vậy?

– Ừ, chút xíu việc, xong rồi. Không ai đến chứ?

– Dạ không thấy.

Cô gật gù đầu, như hài lòng với mình điều gì, đoạn quay gót bước thoăn thoắt vào nhà, tay đong đưa cái xách, mặt hớn hở tựa kẻ vừa đi xa về. Lát sau, tiếng nhạc vang lên từ phòng cô nhè nhẹ, trầm trầm. Mơ hồ, tôi nghe có giọng cô hát theo lạ la là la lá là la…

Cổng lại mở, một người thanh niên lạ bước vào, dáng ngập ngừng như thể định thối lui. Do dự một lát, anh ta cố làm ra vẻ bạo dạn, bình tĩnh bước tới, nét mặt trang bị một niềm tự tin gượng gạo. Đến thẳng trước hàng hiên, nhìn thấy cánh cửa đóng, anh ta tần ngần ngó quanh, bàn tay đưa lên ngang người như định gõ cửa, nhưng bỗng nhiên buông thõng xuống nặng nề. Tiếng nhạc từ phòng cô Ngân vẫn êm ả uốn mình lượn lờ bay ra, quấn quít lấy anh. Người thanh niên nghiêng tai chăm chú nghe, khuôn mặt tươi lên một nét vui kín đáo. Anh ta lấy thuốc ra mồi lửa, nhả khói, dựa lưng vào cột trụ, bộ tịch tự nhiên như một người quen, yên tâm chờ cánh cửa mở ra mà không cần đưa tay lên gõ? Dăm phút trôi qua, anh vẫn đứng yên vậy ngó xuống cái gói cầm trên tay bằng ánh mắt trìu mến. Rồi anh ta đến bên gốc ngọc lan nhìn lên cành lá, vói tay ngắt một nụ hoa đưa lên mũi ngửi giây lâu trước khi bỏ vào túi áo.

Ngồi sau chiếc bể cạn và hòn non bộ, tôi lén theo dõi từng cử chỉ bộ tịch của người khách lạ. Chắc anh ta đã đến đây nhiều lần? Chắc cô Ngân hẹn anh đến chơi sáng nay? Tôi đứng dậy, bước tới trước mặt anh ta, hỏi giọng lạnh nhạt:

– Chú kiếm ai?

Người khách gật đầu vô cớ, không hẳn chào tôi. Anh ngậm miệng lưỡng lự đắn đo một phút rồi hỏi dửng dưng:

– Cô Ngân ở nhà chứ?

– Thưa, vâng.

– Nhờ em trao cái này cho cô. Cám ơn.

Anh ta đưa cái gói trên tay cho tôi, cười ruồi lãng nhách, xong, nhanh nhẩu quay gót bước ra cổng không thèm ngó lui. Cổng mở rồi khép lại, im lìm, thoáng chốc. Tôi mở đôi mắt ngạc nhiên ngó theo. Tôi muốn gọi anh ta thì phải, miệng há ra ngơ ngác. Tôi quên bẵng cái gói đang nằm trong bàn tay ngượng ngập. Người đâu lạ lùng đến thế?

Cô Ngân cũng cau mày thốt ra:

– Lạ thật!

Nếu không có cái gói nầy làm chứng, chắc cô không thể nào tin chuyện một người thanh niên vừa lẩn thẩn vào đây đứng ngu ngơ một chặp rồi lẳng lặng bỏ đi. Tôi nói:

– Ông ta làm như nhà thám tử không bằng. Ai vậy cô?

Cô Ngân vội mở cái gói, lột liên tiếp ba bốn lớp giấy bọc ngoài mới rút ra được quyển sách nhỏ. Nhìn qua dòng chữ in trên bìa, cô “à” lên một tiếng, thở ra nhẹ nhõm:

– Tưởng ai. Sao con không mời người ta vào nhà?

– Chưa kịp mời, ông ấy đã quày quả bỏ đi như chạy trốn.

Cô Ngân lật trang đầu quyển sách, đọc nhẩm gì đó, cười mỉm. Cô lật tiếp vào trong, bối rối dừng tay quay qua nhìn tôi e ngại. Tôi cũng vừa thoáng thấy một góc bì thư xanh nhạt ló ra.

– Con xuống nấu cơm nghe cô.

– Ừ, ngoan lắm.

Buổi cơm trưa, cô Ngân ăn nhanh hơn thường lệ, xong trở lại phòng khóa chặt cửa, bật đèn. Phải tinh mắt mới khám phá thấy một sự thay đổi nào đó ẩn hiện đằng sau vẻ mặt bình thản vô sự cô khéo ngụy trang. Tôi nhớ lại vóc dáng người thanh niên lạ lùng và cố mường tượng ra một cái gì khác anh vừa mang đến cho cô Ngân, ngoài quyển sách và lá thư.

Đêm đó, cô Ngân thức thật khuya.

Sáng hôm sau, đợi cô Ngân đi chợ rồi tôi đem chổi vào phòng cô quét bụi như mọi bữa. Và cũng khác với mọi bữa, hôm nay căn phòng bẩn hơn, đây đó, những mảnh tro, những tờ giấy xé vụn cháy dở như thể còn âm ỉ sự buồn bực trái ý của cô Ngân.

Xế chiều, cô gọi tôi ra vườn, ngần ngừ một lát (thói quen của cô), cúi xuống nói nhỏ:

– Cô định nhờ con chút việc, nhưng con hứa đừng nói cho ai hay cả.

– Con xin hứa.

Cô nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn đo lường sự thành thật:

– Con mang cành hoa ngọc lan nầy đến số nhà… đường… cho người khách đó. Trao cho ông ấy xong, con về ngay. Họ hỏi thêm gì con cứ thưa không biết. Nhớ nghe.

– Con nhớ.

– Canh chừng ông nội trước khi ra khỏi nhà.

– Dạ.

Tôi đã làm tròn “sứ mạng” một cách vừa ý cô Ngân: trao hoa vào tay người thanh niên, nhích mép cười ruồi rồi quay gót rút lui như chạy trốn. Mặc anh ta hoảng hốt gọi vói theo rối rít.

Hai ngày sau, tôi lại vâng lời cô Ngân thi hành “sứ mạng” một cách chu tất. Bộ tịch giữa “sứ giả” và chủ nhân diễn ra hệt như lần trước.

Lần thứ ba, anh ta đi vắng nhưng cửa sổ vẫn để ngỏ. Tôi ném cành hoa vào chiếc bàn bề bộn sách báo bên trong. Thấy không cần phải vội “bôn tẩu thoát thân”, tôi nán lại đọc bài thơ dán trên cửa, nét chữ thảo bay múa trên nền giấy hoa.

Lòng ngát hương sao tình phong nhụy?
Cửa mở rồi hoa phấn chưa sang
Học đòi Trang Tử mơ thành bướm
Bay đến vườn ai trộm ngọc lan
Chao ơi hương phấn màu yêu mị
Mới tương tư đã rụng cánh vàng
Tay chưa vịn cửa chờ, đã vuột
Chưa trải lòng ra hứng, đã tan

………………………………….

Tác giả ký tháu tên mình dưới bài thơ, không đoán được.

Trên đường về, tình cờ tôi gặp người thanh niên. Anh cười tinh ranh như thầm bảo: phen nầy đừng hòng chạy trốn nữa nhé! Tôi bối rối nhưng biết chắc mình không thể thoát đi được, khuôn mặt anh lộ ra vẻ dịu dàng thân mật như níu giữ tôi lại.

– Cháu vừa mang hoa đến cho chú.

– Cảm ơn em, tôi chờ đã hai ngày nay. Sốt ruột ghê.

– Chú dùng những bông hoa ấy làm gì vậy?

Anh cười ỡm ờ:

– À, chỉ để thưởng ngoạn thôi. Cái đẹp đâu có dùng làm gì lợi ích được. Tôi mê ngọc lan, ghiền nặng mùi hương của nó rồi. Làm phiền em quá nhỉ?

– Không đâu. Hân hạnh cho cháu chứ.

– Bây giờ tôi hân hạnh được mời cháu đi ăn kem.

Tôi cười lớn:

– Chú định trả công cho cháu đấy hả?

– Nói vậy tội nghiệp tôi chết. Nào, mình đi.

– Xin chú dịp khác. Sao chú không lại nhà cháu chơi?

– Có nhiều lý do khiến tôi không thể đến.

– ?

– Chẳng hạn cô Ngân không muốn tôi ghé nhà.

– Sao lạ vậy?

– Không sao cả.

– Cháu hiểu rồi.

– ?

– Cháu mới đọc bài thơ chú treo nơi cửa sổ.

– !!??

– Nhưng cháu chưa biết tên tác giả.

– Thì coi như Vô-danh-thị.

– Tên chú?

– Hà.

– Hà?

– …

– ???

– Lạ nhỉ?

– Hà là tên con gái.

– Là một dòng sông. Dòng sông trên trời cháu biết tên gì không?

– Không biết.

– Tôi cũng không biết vậy.

– Thôi, cháu về.

Một hôm, cô Ngân gọi tôi ra vườn, ngần ngừ, trù trừ trước khi nói.

– Cám ơn con đã giúp cô lâu nay. Nhưng ngày mai cô phải đi Sàigòn có công chuyện, chưa biết bao giờ về. Dù vậy, con vẫn cứ tiếp tục hái hoa mang đến cho người ta. Điều quan trọng là đừng nói cho ông ấy biết cô đã đi Sàigòn.

– Sao vậy cô?

– Không sao cả.

Tôi tự trả lời cho sự tò mò của mình. Mày chưa đến cái tuổi đáng được người lớn tin cậy mà thổ lộ tâm sự. Vâng, tôi chỉ là đứa bé ngây thơ chỉ xứng với việc mang những cành hoa vô tri giác mà thôi. Đừng thắc mắc tìm hiểu gì hơn.

Một tuần sau ngày cô Ngân xách hành lý lên máy bay, tôi mới nghĩ đến việc hái ngọc lan đem đến cho người thanh niên. Sau những trận mưa đầu mùa dữ dội, cây ngọc lan trông xơ xác thêm, lá rụng gần hết. Khó khăn lắm tôi mới tìm được một ít hoa hàm tiếu ẩn mình trên ngọn cao. Khi sắp bước ra cổng, tôi bỗng nghe giọng con chim nào đó hót buồn bã trên cây. Tiếng chim quen thuộc gõ vào ký ức tôi, như nhờ tôi tưởng đến buổi mai nào đó hân hoan ríu rít bên người bạn tình ấm cúng. Tôi bước đến gốc cây nhìn lên: con chim mang chiếc-áo-lông màu vàng nhạt điểm cườm nâu đậu trên một cành thấp, mặt buồn xụ. Nó vẫn hót tiếp từng tiếng bồi hồi ảo não. Thôi bay đi chim ơi, tôi không muốn nghe nữa, hiểu tâm trạng mày rồi. Bay đi chứ, sao cứ đứng trân trối vậy? Tôi rung mạnh thân cây mà nó vẫn ngơ ngác đậu yên chỗ. Hình như nó đuối sức, sắp rớt xuống, đôi cánh không giương ra được nữa?

Trái những lần trước, hôm nay người thanh niên nhận bó hoa ngọc lan với vẻ mặt thờ ơ lạnh nhạt. Anh ta trầm ngâm hút thuốc, mắt trông vời về phía khác, không thèm biết có tôi bên cạnh. Tôi vùng vằng ra về, hận anh ghê lắm, quyết từ nay chẳng hoài công mang ngọc lan tới nữa.

Ba hôm sau, trong bữa cơm chiều, ông tôi cho biết cô Ngân ở luôn Sàigòn với ông chú, không về lại đây. Ông không phản đối ý cô.

Buổi tối, trời lại đổ mưa ào ào. Mưa réo mưa gầm mưa điên cuồng gào thét. Gió thổi vùn vụt qua vườn cây mỗi lúc một hung tợn. Mưa gió toan đè bẹp ngôi nhà côi cút hai ông cháu nầy. Ông tôi báo động từng chặp: trời nổi bão rồi. Nét mặt ông nhuốm vẻ nghiêm trọng nặng nề.

Khoảng chín giờ đêm, bão tung hoành tận lực. Gió đập mái tôn nhà bếp rùng rùng. Cây cối trong vườn kêu rít lên oằn oại. Ngọn đèn dầu leo lét giữa nhà cứ chực tắt, căn nhà thì run lên từng cơn răng rắc. Tôi bối rối chạy tới chạy lui chỉ sợ ngôi nhà sập xuống. Ông tôi không dằn được lo sợ, cuống lên. Gió đã bứt được những tấm tôn ném đi loảng xoảng. Gió hú quanh vườn ghê rợn như tiếng kêu báo tử. Gió chặt cây sàn sạt bên ngoài. Đồng thời, mưa xỉa xói bằm nát trời đất ra, mưa cuồng nộ điên dại, mưa tác oai tác quái, mưa như thác đổ. Ông tôi hết níu cửa sổ lại vịn cột nhà, hoảng hốt, tuyệt vọng. Cuối cùng, sực tỉnh, ông chạy vào bàn thờ run tay đốt lửa thắp nhang và gióng lên một hồi chuông, cầu nguyện.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa liên tu bất tận dù gió đã dịu bớt. Ông tôi hé cánh cửa nhìn ra ngoài và kêu lên một tiếng ai oán. Tôi giật mình chạy lại: cảnh tượng thê lương ngoài sức tưởng! Vườn cây bị tàn sát thê thảm. Mãng cầu, xoài, lựu, vú sữa… hầu hết đều gãy đổ ngổn ngang. Cây mít ngã xuống đập nát hòn non bộ. Nhưng đau đớn hơn hết, cây ngọc lan bay gốc nằm lăn kềnh trên sân, cành lá bị tuốt sạch như có ai dùng rựa phát trụi vậy. Nước mắt tôi ứa ra, nghẹn ngào.

Đợi trận bão rút đi hẳn trời bớt mưa, tôi chạy lại nhà người thanh niên báo tin buồn cho anh. Buồn thật, cây ngọc lan vừa chết oan khiên tức tưởi. Cây hoa anh say mê lâu nay không còn nữa sau cái đêm gió bão oan nghiệt. Còn đâu mùi hương ngan ngát dìu dịu? Còn đâu những nụ hoa gởi gắm bao tình ý thơm tho? Còn đâu chỗ hẹn cho một đôi chim đưa nhau về ca hát ngày nắng ấm? Sao ông Trời nỡ đành nhẫn tâm tàn hại loài hoa yếu đuối dễ thương thế kia?

Cuối cùng, không ai trả lời cho những câu hỏi thảm thiết trong đầu tôi.

Kìa, ngôi nhà cửa đóng chặt, khóa ngoài. Người hàng xóm cho tôi biết:

– Ông ấy đi Sàigòn trước hôm trời bão.

 

Phạm Ngọc Lư

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 60, ra ngày 28-9-1972