Mai Thảo tạc bởi Ưu Đàm
MAI THẢO
Lòng Ai Ở Xa
tản mạn
Những buổi sáng cuối năm Hoa Kỳ xanh, lạnh, nhiều ngày không có mặt trời, tới 8, 9 giờ sương mù còn dày đặc suốt giải thung lũng Glendale, tôi từ ngôi nhà cổ ở chung với mấy người bạn trẻ trong ngõ cụt Viola đi ra, lại châm một điếu thuốc, kéo cao cổ áo, thả bộ một quãng đường, tới làm việc ở cái tòa soạn Hồn Việt nhỏ chật nằm ở dưới chân núi.
Sáng nào tôi cũng ra đi như thế. Thả bộ. Lững thững. Và chiều nào, khi bóng núi Glendale đã thẫm màu ở xa xa và những ngọn điện đường trong khu Đại Nam Hồn Việt đã thắp trở về cũng vậy. Lộ trình cố định đi về tới mấy tuần lễ năm cùng tháng tận đã ngót một năm, thoạt đầu xa lạ rồi trở thành thân quen, tôi đã thu nhận được vào trí nhớ một số cảnh tượng bừng sáng từng chiều gặp lại. Triền núi phía Đông. Chạy dài. Muôn đời. Cao ngất. Một ngăn cách đậm đặc, dày nặng, với phía bên kia là Downtown Los Angeles ào ào thác lũ mà nghìn triệâu con sóng sinh hoạt đổ hồi đều tắt nghỉ vào một bờ bến núi, để phía núi bên này là một cõi êm đềm và tịch lặng quanh năm. Những ngôi nhà cao thấp nhiều tầng, từ trên lưng chừng vương giả ngó xuống. Những biệt thự tỷ phú ấy, bây giờ Giáng sinh đã qua, những chiều muộn tôi trở về không còn nhìn thấy nữa ngôi sao lớn năm cánh dựng trên đỉnh núi và những dàn đèn ngũ sắc lấp lánh giữa mù sương. Buổi sáng, những thảm cỏ ướt đẫm, mỗi ngọn cỏ Mỹ nào trên lộ trình cũng đội trên nó một cái mũ ngọc. Buổi chiều, những ngôi nhà Mỹ lùi vào thật xa, cửa ngõ đóng kín, tưởng chừng như chớm hoàng hôn là xã hội trắng đã ẩn náu bằng hết vào những hang động an toàn cách biệt, giao hết tạo vật và thiên nhiên vô thừa nhận cho Việt Nam thả bộ trở về.
Trong cái sự đi về sáng sáng chiều chiều như thế, con đường và lộ trình và tôi dần dần tạo thành với nhau một thân thuộc, một hợp nhập hoàn toàn. Tưởng chừng như nó đã là một phần tôi, của riêng tôi. Cảm giác này, tôi đã có thời gian hai năm làm việc ở một tòa soạn trên vùng Tây Bắc, với chuyến bus ra đi mỗi buổi sáng, và chuyến bus trở về mỗi buổi chiều. Bus chạy trên một lộ trình cố định, từ con đường Hồng trên một ngọn đồi cao đổ xuống thung lũng Rainier, tới tận điểm của nó là thành phố dưới thấp nằm trong lòng vịnh. Buổi sáng, trời mưa gió, tôi đội mũ len, mặc áo tơi mưa, ngồi giữa những người da đen im lặng không nói. Tôi cũng im lặng như họ. Buổi chiều, mưa gió mịt mùng hơn, từ thành phố dưới lòng vịnh trở về, tôi lại ngồi giữa cái xã hội người đen âm thầm như vậy, tầm mắt cùng nhìn những xưởng máy bỏ hoang, những nhà cửa đổ nát, những đồi thông ngút ngàn lướt thướt lùi ngược ngoài khung kính. Riết rồi cái chỗ ngồi trên bus ấm, thân vô tả, những người đen lầm lì, xa lạ mà như bạn bè, như tri kỷ. Riết rồi những chuyến bus và lộ trình là cái phần sống chính yếu của mình. Mà đúng vậy. Rời Tây Bắc, tôi quên ngay những hồ vịnh cẩm tú của nó. Chỉ còn nhớ những người đồng hành da đen. Chỉ còn nhớ cái lộ trình mưa gió. Chỉ còn nhớ những chuyến bus.
Cái lộ trình Viola - tòa soạn Hồn Việt của tôi bây giờ, trên con đường Stocker và dọc theo bóng núi Glendale, xem chừng còn thân thuộc hơn nữa. Vì không trên một chuyến bus. Vì thả bộ, một mình. Tôi nhớ đâu như năm ngoái, trong một trả lời phỏng vấn trên tờ Đất Mới, nhà văn Lê Tất Điều cũng có nói đến cái quãng đường, cái thời giờ ông coi là thân thiết là của ông nhất là đoạn đường ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, âm thầm lái xe một mình trong đêm tối trên xa lộ. Chỉ lúc đó, ông được là ông, được suy nghĩ, mơ mộng, tưởng tượng, hồi nhớ lại chuyện này chuyện khác, những lúc khác bản ngã bị nghiên nát chỉ còn là một con số trong guồng máy đời sống âm thầm cuốn hút. Trên một hè đường có bóng cây thấp tới ngang đầu, chạy dọc theo triền núi Glendale, trên một lộ trình cố định mỗi sáng ra đi, mỗi chiều trở về, tôi cũng đang có được cho tôi một trạng thái vừa tách thoát và êm đềm vừa khép kín riêng tây như vậy.
Thế những tuần lễ cuối năm đã tới, buổi sáng thung lũng Glendale kín đặc, sương mù, buổi chiều khí núi lạnh buốt, cái đi cái về sáng sáng chiều chiều của tôi bỗng bị một có mặt mới làm cho xáo động. Như trên mặt hồ lắng đọng, vừa có một vật nặng ném xuống. Như trên những sự thể tĩnh tại, vừa có một chuyển động tràn vào.
Có mặt ấy mang tên mùa Đông. Có mặt ấy là những phiến lá xanh mấy tuần nay đã thôi sống trên những thân cành. Là những trận mưa lá vàng, buổi sáng buổi chiều đang trên lộ trình tôi đổ xuống.
Những trận mưa lá vàng. Lộ trình hàng ngày của tôi đang những trận mưa lá vàng tháng Chạp, đang những trận mưa lá vàng cuối năm. Mưa của lá khởi sự từ một lúc nào không rõ. Chỉ nhớ một đêm của tuần lễ trước, bất chợt thức giấc, tôi nghe thấy nhiều tiếng đụng khô trên mái. Như những bước chân thứ nhất của mùa. Rồi từ đó, đoạn đường đi về hàng ngày của tôi chỉ còn là một nghĩa địa tầng tầng của lá. Lá rơi trong đêm. Không ngớt, không ngớt. Từ ngôi nhà cổ đi ra, chân tôi đã dẫm đạp ngay trên những lá vàng. Tiếng lá tan nát, vỡ vụn. Trên cả những tờ L’Express, Le Monde tôi phải sang mua tận Hollywood và mang về đọc tối qua. Lá rơi trong buổi trưa như thế nào? Có phải rơi như rơi trong lăng tẩm ở Huế? Trên Cổ Ngư ở Hà Nội? Trong sở thú Sài Gòn? Không rõ. Tôi đang ngồi làm việc ở tòa soạn. Những buổi chiều từ tòa soạn trở về, thì đã gặp lại. Lá trút xuống, bay qua dòng ánh sáng lạnh lẽo từ những ngôi nhà hang động khóa chặt chiếu ra. Trước những mũi chó hếch hếch một bà già Mỹ quắt queo như một trái táo chín nẫu chăn dắt trở về, bà già Mỹ này phục sức hết sức ngộ nghĩnh, jupe trắng, vớ đỏ, đồng bóng, xuất thế, sáng nào tôi cũng gặp chăn dẫn chó về phía chân núi, trong hoàng hôn chập choạng lại từ chân núi chăn dẫn chó trở về. Im lặng và mênh mông mùa đông Hoa Kỳ. Lá quê người trút xuống như thế trước Việt Nam lữ thứ. Lá trút, vừa theo nhịp điệu vận hành mạnh mẽ không thể nào tưởng tượng được cái xã hội đã ba năm đón tôi vào cuộc sống khác thường của nó.
Tôi đi về mấy tuần lễ liền dưới và qua những trận mưa lá vàng cuối năm ấy. Hiểu được cái tại sao. Thấy được cái bởi đâu. Ngôi sao năm cánh trên đỉnh núi cao kia. Đã Phục Sinh qua. Đã chuông vàng ngân khắp nhân gian. Lá trút. Những đầu cành đang tàn tạ cho thân cành và dưới lòng đất, những mầm hạt mới thành hình. Mùa đồng chết cho mùa xuân trở lại. Tôi hiểu. Nhưng lại không thể sống theo cái hiểu. Bỡi vì trên con đường Stocker, sau một ngày làm việc với văn chương và chữ nghĩa lữ thứ trở về, đi dưới trận mưa lá vàng quê người, tôi lại nhớ tới trận mưa lá vàng đêm ấy. Một mùa đông của văn chương hơn 40 năm về trước. Một đêm đông Hà Nội. Một đêm đông Tự Lực. Lá của những đầu cành Hà Nội cũng rụng nhiều như lá của Glendale chiều nay. Nhà văn Nhất Linh không ngủ được. Ông mặc áo. Xuống đường. Đến tòa soạn Ngày Nay ở đuờng Quan Thánh. Lên gác. Bật đèn. Mang tấm lòng nhà văn và nhân chứng một thời để khởi đầu cho một đêm đó một kiệt tác. Về lên đường. Về cách mạng. Về thời thế mù sương, trí thức cùng đường. Về hành động, Về bằng hữu. Cuốn Đôi Bạn đó. Cuốn sách về Loan và Dũng. Loan, mỗi mùa đông lại cài một bông hoàng làn lên trên mái tóc. Để tưởng nhớ mùi hương. Dũng, của “ánh đèn nhà ai mới thắp như một nỗi nhớ thương đang mờ dần.” Nhưng đêm đó, Nhất Linh không viết được gì. Vì bên ngoài, đêm đông lạnh. Lá vàng đổ xuống.
Cuối năm quê người. Lộ trình tối thẳm. Buổi chiều lạnh buốt. Tới chiều nay, trận mưa lá đã ngớt. Chỉ còn vài cành. Đâu đó. Lác đác. Trên vai, trên tóc. Chỉ sáng mai thôi, trên con đường hai buổi đi về của tôi, sẽ không còn đeo bám trên những thân cành một chiếc lá cuối cùng nào. Trận mưa lá vàng liên tiếp suốt mấy tuần cũng sẽ chấm dứt.
Và câu văn còn lại, câu văn mà tôi sẽ nhớ mãi trong suốt mùa đông và Nguyên Đán này, chắc chắn là như vậy, cũng là một câu văn về lá. Cũng là của Nhất Linh. Câu văn cuối cùng bài vào tập Đôi Bạn. Câu văn nói với những người thân ở xa, gởi về những thân thương ngàn dặm. Như một tạ lỗi. Câu văn tôi còn nhớ nằm long từng chữ, như thế này: “Những lá vàng nhặt được chẳng là bao và chẳng biết có sưởi ấm được lòng ai ở xa không?”
Mai Thảo
Xuân Nhâm Tuất 1982.
© 2007 gio-o