tượng Mai Thảo tạc bởi Ưu Đàm
Mai Thảo
Văn và hai năm ở Culver
City
Những buổi sáng mùa hè ở Culver City, tôi thường dậy sớm, pha cho mình một tách cà-phê, rồi bưng tách, mở cửa Kim Ấn Quán còn vắng lặng đi ra, tới ngồi ở cái bực thềm phía trước. Từ chỗ ngồi đó, điếu thuốc đầu ngày đốt, hơi thuốc đầu ngày thả, cà phê từng ngụm nhỏ, thần trí nhẹ nhõm yên tĩnh, ném tầm mắt dọc theo con đường Motor là lãnh thổ đã tròn hai năm của Văn tục bản, nhìn ngắm những dấy động của đời sống quanh mình lên dần với ngày lên.
Tới nay, ban mai Culver nào với tôi cũng đã trở thành một cảnh tượng hết sức quen mặt. Từ con ngõ nhỏ sau lưng là lối vào Ấn quán của những xe tải Mỹ tới giao giấy, của những thân chủ Kim tới chở đi những thùng ấn phẩm đã đóng cắt, những hơi gió từ hướng biển thổi tới sáng nay cũng mát đằm như những hơi gió ban mai ngày trước. Xanh biếc những giải sương đánh bại lấy bờ tường Ấn quán, chỗ tôi ngồi, sáng nay cũng lại những giải sương như một vòng đai xanh biếc vây quanh. Rồi mặt trời lên, tỏa đi cái tay quạt rực rỡ mênh mông, toàn thể khu vực Motor bừng thức cùng ánh sáng, và những thức động đầu ngày từ hai năm Văn đã hết sức thân thuộc với cái nhìn và cặp mắt tôi, như một trở lại nguyên vẹn của hừng đông ngày trước, cũng bắt đầu.
Đối diện với Ấn quán, ngăn cách bởi một vì tường thấp, trong khu chung cư bình dân của những gia đình người Mễ đông con, những cánh cửa mở ra. Trên một nền tối nhờ đoán thấy thấp thoáng những bên trong bề bộn thân mật làm nhớ lại vô tả những bên trong xưa trước của Saigon, những người phụ nữ Mễ to lớn và đầu bù tóc rối xuất hiện. Họ bước xuống những bực thềm với những thùng rác khệ nệ, nhiều người có tới hai ba con nhỏ mắt nhắm mắt mở vừa nhếch nhác theo ra vừa nắm chặt lấy những gấu váy nhầu nát của mẹ chúng. Thiếu một chút nữa, tôi tưởng đang giữa một ban mai Bàn Cờ, một bình minh Phú Nhuận. Sáng nào cũng vậy, từ chỗ tôi ngồi. Sáng nào cũng vậy từ cà phê sớm, từ hơi thuốc đầu, từ thức dậy tôi.
Lâu dần tôi như thấy trước những xẩy tới kế tiếp. Đúng 7 giờ. Người nữ tư chức Mỹ đen, chị độc thân, tên chị là Patricia, chị có một khuôn mặt và một cặp đùi làm ngừng hơi thở, từ cuối ngõ đi ra. Cả xóm, Patricia là người đi ra trước nhất, đúng bảy giờ, như một cái đồng hồ sống, mà kỳ lạ là chừng như sáng nào Patricia cũng muộn toét với giờ tới sở, vừa đi vừa chạy. Kế đó là bên kia đường, một lão bà Mỹ, mặt mũi nhăn nhúm như một trái táo héo dúm, tôi chưa từng thấy bà cụ nhìn ai chào ai bao giờ, đứng còng người tưới tận lực những vòi nước ướt sũng xuống một mặt cỏ lên láng, với con chó lông xù của bà, con chó rất sợ nước, bao giờ cũng chỉ giám ngó nhìn chủ nó từ thật xa. Rồi là những dấy động đồng loạt, tấp nập hơn. Đầu đường, nơi đại lộ Venice băng qua, một hàng dài áo thun, chân đất của Mỹ quốc thầm lặng nối đuôi trước cái tiệm bánh donuts của cặp vợ chồng người Nhật với kế bên, một hàng dài áo thun chân đất khác trước cái Seven Eleven có cô thâu ngân người đen mập ú tươi tỉnh khả ái với khách hàng như tôi chưa từng thấy một cô thâu ngân nào tươi tỉnh khả ái như vậy. Mấy dẫy người xếp hàng này sau đó, gói bánh và ly nước trên tay ào ạt nhẩy lên những chiếc xe hơi mui trần nổ máy khét lẹt từng đoàn kéo nhau ra biển.
Bằng những buổi sáng mùa hè Culver City như thế, tôi thấy được một điều. Là một thức dậy trăm hình nghìn vẻ của một thị trấn lúc đầu ngày, thoạt nhìn là một hiện tượng tung tóe hỗn độn mà nhìn kỹ lại thấy là trước sau trật tự và vô cùng ngăn nắp. Gọi hiện tượng đó là đời sống yên bình thuận giòng và đã đạt tới một ổn định thường xuyên được không? Tôi nghĩ là được. Bằng đối chiếu trí nhớ, những ban mai Culver thanh bình bây giờ với những ban mai Saigon ngày trước, thời gian chiến tranh kín trùm về gần, chiến tranh mênh mông trên mọi núi rừng đất nước ta, thành phố lớn còn được xem là thanh bình thi cũng chỉ là một trạng thái thanh bình cô lập và giả tạo. Như cái sự thanh bình thảm thương và tự dối lừa của con đà điểu vùi đầu trong cát vậy. Những buổi sáng Culver City không vậy. Chúng thanh bình hoàn toàn, thanh bình thực sự. Những chùm hoa dại trắng nuốt trên đầu đang ngó xuống chỗ tôi ngồi từ giữa vùng lá cành xanh thẫm. những luồng gió biển mát đằm trong nắng. Thanh bình, thanh bình lạ lùng. Đúng bảy giờ, Patricia với khuôn mặt và cặp đùi làm ngừng thở từ cuối ngõ đi ra. Kế đó, bà lão Mỹ với con chó lông xù sợ nước và những vòi nước lênh láng ướt sũng. Rồi cái dẫy người trước tiệm bánh donuts, một giẩy khác trước Seven Eleven, những chuyến bus ầm ầm từ Los Angeles lên cùng những chiếc xe hơi mui trần tấp nập chở những chân đất áo thun đi ra những bãi biển loà nắng. Tất cả, thanh bình , thanh bình lạ lùng. Rồi muộn một chút nữa, người phát thư gầy đội cát- két xanh thong thả đẩy cái xe thư đầy ắp tới, cô nữ sinh Đại Hàn trong cái xe hơi đỏ đột ngột vụt lên từ cái hầm chứa xe dưới đất, của xe thấp thoáng giải khăn lụa trắng muốt. Rồi 10 giờ sáng, những chiếc xe tải Mỹ chở giấy in tới, thân chủ Kim mang”van” tới lấy hàng đi, tất cả mỗi sáng, mỗi sáng, tất cả thanh bình, thanh bình. Có như, với đời sống, hết thảy đều đúng giờ đúng hẹn. Như hoa với sương, như trời với nắng, nhất nhất thuận giòng, vô cùng ổn định.
Thành ra, giữa những buổi sáng Culver City, trong cái khu vực Motor Ave, là địa chỉ lữ thứ của tạp chí từ tháng 7 mùa hè 82 đến tháng 7 mùa hè 84 này, chỉ có Văn sau 2 năm tục bản là cái sự duy nhất giữa mọi sự không hòa nhập không “thanh bình” mà thôi. Ổn định thì trên cái mặt thực hiện từng số từng số, mỗi tháng mỗi tháng, có thể coi như đã phần nào ổn định. Nhờ sự hợp tác đều đặn của thân hữu, sự ủng hộ lâu dài của bạn đọc. Tờ báo, sau hai năm, bài vở đã sung túc, ấn loát đã điều đặn, phát hành rất đúng kỳ, bạn đọc thân thiết rồi, những đại lý chắc chắn. Chỉ còn làm sao cho phát triển cho tốt đẹp hơn. Nhưng ổn định ở một phía nào tuy đã có, mà ổn định từ tâm thức đưa dẫn tới hình thành trên tạp chí một trạng thái văn chương thanh bình và ổn định thì không. Trước hết vì người chủ nhiệm tạp chí dẫu đã sáu năm trên đất này, dẫu đã hai năm Văn, vẫn không sao kiếm tìm được cho chính hắn một tâm thức ổn định. Mà tấm lòng vẫn trại đảo, suy nghĩ vẫn trôi dạt, ý niệm vẫn lưu đầy. Những chùm hoa dại trắng muốt trong lá cành xanh thẫm trước Ấn quán, trời biếc, cái nắng cái gió Culver City thanh bình vô tả, hắn ngồi ở đó, điếu thuốc đầu ngày, hơi khói đầu ngày, mà giữa lòng cái cảnh tượng cực kỳ ổn định của cảnh, của người, của đời sống, hắn không,vẫn không. Người ta không thể Sống hoài bằng trí nhớ. Hắn thừa hiểu vậy. Nhưng chân trời mới nào nhìn thấ cũng vẫn từ một chân trời trí nhớ. “Người ta chỉ có vĩnh viễn những gì đã mất đi vĩnh viễn”. (Iben) Vậy sao? Chừng như là vậy thật. nếu hiểu cái có cái mất từ một sự thật., một cái hiểu nào.
Tâm thức bất ổn động, chối từ thanh bình đưa dẫn tới hình thành một giòng văn chương từ chối mọi khí hậu mọi biểu hiện thanh bình cũng là tâm thức chung của hầu hết bằng hữu và những người viết mới đã tới Văn từ tục bản. Đã đầy đặc, là rực rỡ trên văn những chứng tích chữ nghĩa và văn chương của từ chối đó. Chiều Greyhound, của Vũ Khắc Khoan, Trăng Đỏ của Mặc Đỗ, Tố Chân của Nguyễn Mộng Giác, Chung Cư của Trùng Dương, Những Thiên Thần Los Angeles của Phạm Công Thiện, truyện dài Nguyễn Xuân Quang, truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm, Vượt Thoát của Nguyễn Đông Chân, những cõi văn chương trăm hình nghìn vẻ, mà vẫn là từ một bàn viết lữ thứ, vĩnh viễn, một tâm thức lữ thứ, vĩnh viễn, chối từ cái khí hậu thanh bình, ở xa mọi thổ ngơi ổn định. Hồi ký Thanh Nam êm đềm, đôn hậu, vầng trán bình yên lòng không gió bão mà vẫn cừ cụ thể là từ nghìn dặm trôi dạt. Đặng Phùng Quân, Đào Trung Đạo, những tiểu luận nhiều kỳ về văn học thế giới của họ là gì? Là giòng văn chương lưu vong, những khuôn mặt văn chương lưu vong, những trí thức cầm cây gậy lữ hành đi sâu vào những sa mạc lưu đầy không trở lại.
Tôi chưa từng một lần nói với một mời viết nào cho Văn, kể cả với những người bạn trẻ, nên viết về gì và viết như thế nào. Tối kỵ. Và đó là một vấn đề nguyên tắc. Bằng hữu hoàn toàn tự ý, tự do, độc lập. Vậy mà những trời đất khác biệt nhau nhất đã cũng mênh mông bát ngát trên 2 năm Văn trên 24 số Văn cái tâm thức chối từ ẩn định chối từ thanh bình tôi vừa nói tới: “Cõi thơ trầm thống của Viên Linh ở miền Đông, tiếng thơ lấp lánh của Cao Đông Khác ở miền Tây, đôn hậu từ thơ Thái Tú Hạp, tinh khiết tiếnng thơ Đỗ Quý Toàn, thất lạc tiếng thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn, khổ hạnh ý thơ Hồ Đắc Ngọc, hoảng hốt lời thơ Nguyễn Tất Nhiên, mỗi tiếng thơ một đỉnh ở Văn, không một đỉnh nào thanh bình, mọi đỉnh đều gió bảo. Đến vùng thơ trầm hương và hải đường nhất. các anh Cao Tiêu, Đan Quế, các chị Vi Khuê, Tuệ Nga, vẫn là từ đất khách trích ngâm vịnh lên vầng trăng lữ thứ, xướng họa với thu vàng quê người, làm thơ với con trăng không thanh bình, mùa thua không ổn định. Mỗi cõi Văn của mỗi người viết mới cũng từ tâm trạng ấy. Bài văn xác định tức khắc cho người viết cái vị trí lữ thứ. Từ Trần Phùng Linh Duyên, Anh Vân, tới Võ Kỳ Điền. Từ Nguyễn Thái Bình, đến Tôn Vĩnh Phúc, Huỳnh Liễu Ngạn. Không khác, ở cái hướng tâm thể tươi thắm nhất, là những người viết nữ trẻ trung và mới lên đường đi vào văn chương của chúng ta là Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, chứa đựng và tỏ hiện của sáng tác phần lớn cũng là sự chối từ những gió nắng thanh bình, diễn tả những gió nắng thanh bình, diễn tả những cảnh tình không ổn định.
Mời bạn đọc thân mến, với số báo tháng 7 này, cùng thắp cho Văn hai ngọn nến sinh nhật, hai ngọn nến đệ nhị chu niên, tôi muốn được cùng với những người thân đã nuôi dưỡng tạp chí này tự tục bản, ghi nhận sự thành hình trên Văn hình thái văn chương đặc thù đó, tôi gọi là giòng văn chương của tâm thức và trí nhớ.
Tâm thức. Mỗi tâm thức ta trong tâm thức giống nòi. Tâm thức. Từng tâm thức cá nhân trong tâm thức đại thể. Văn chương nói đến con đường từ đâu ta tới đây, năm năm mười năm vẫn chỉ đi trên con đường ấy. Văn chương nói đến những bản ngã bất khả xâm phạm, bất khả hủy hoại, bất khả biến tướng, đế sự đụng chạm của con thuyền Trang Tử, bởi chạm đụng ấy nên mới rực rỡ cái ý thức thuyền ta với cái vô ngã thuyền người. Và trí nhớ. Trí nhớ mạnh mẽ chứ không phải là kỷ niệm lướt thướt. Trí nhớ như hàng ngàn cặp mắt mở lớn đăm đăm trong văn chương xa nước chúng ta, từ đó thoái thai ra văn chương hồ sơ, văn chương thờ thế và văn chương đấu tranh là sáu phương diện của ý thức lưu đầy trong văn chương Việt Nam hải ngoại bây giờ. Chiến tranh, đất nước chia cắt, những đau thương muôn vàn của dân tộc ở đó có văn học ta bị chôn vùi bởi kẻ thù phương Bắc với biến cố 1975. Trăm nghìn sự việc. Trăm nghìn huyết lệ. Trí nhớ chúng ta ở đó, ở cùng hết thảy. Thảm kịch của chia lìa, vực thẳm của sụp đổ, cuộc vượt tuyến tìm tự do đầy chật Biển Đông, những ngày tháng ở trai đải tạm trú, niềm đau đớn mới, niềm đau xa nước, một tình huống mới, tình huống lưu vong.
Trí nhớ chúng ta ở đó, ở cùng hết thảy, không sót với một trầm thống nào. Chính là từ vùng trí nhơ vĩ đại ấy, vùng trí nhớ kéo dài từ đất nước nghìn trùng bỏ lại qua nửa đường trái đất tới những bờ bến lữ thứ xa hút nhất mà đang có văn chương hải ngoại ta, đang có giòng thơ văn lưu đầy ta, đã chín năm trên những trời đất quê người và đã hai năm trên Văn tục bản.
Điều tôi mừng rỡ nhất cho văn chương ngoài nước ta ở đó. Không ở nơi một trận tuyến văn học xa nước đã hình thành. Trận tuyến ấy, ta đang dựng chưa xong. Không ở nơi những thành tự mới đã có so với những thành tựu quá khứ. Không một tài thơ nào trên một bài viết hải ngoại giám công nhận và tự hào cho mình điều đó. Không ở trong những tác phẩm lớn. Ta chưa có tác phẩm lớn đạt được tầm vóc và kích thước những vấn đề được đề cập tới trong những cái viết ta. Mà mừng rỡ là ở trí nhớ ta vẫn từng khối ngọc nguyên vẹn đã vẻ vang gìn giữ được trước mọi sóa bỏ tàn nhẫn cua quê người và của thời gian. Khối trí nhớ sắt son rực rỡ ấy, văn sung sướng tiếp nhận được một giòng chảy xiết vào Văn. Từ số đầu đến số đệ nhị chu niên này. Chúng ta chỉ còn mãi mãi những gì đã mất đi vĩnh viễn. Tôi rất yêu câu văn này của Iben. Thấy nó ở trong Văn. Hiểu nó là sự bất diệt, cái sức mạnh kỳ diệu, cái hiệu năng tuyệt vời của trí nhớ người. Từ trí nhớ, đang hiện hình tốt đẹp những chân trời mới cho văn chương xa nước Việt Nam.
Tôi vừa có một vài nghi nhận với bạn đọc thân mến về một trạng thái đặc thù của giòng văn chương lưu đầy, giòng văn chương trí nhớ thể hiện trên Văn và bằng tất cả những bằng hữu từ hai năm đã đến với diễn đàn này đem tới. Đánh dấu và kỷ niệm đệ nhị chu niên đơn giản có vậy. Năm ngoái, cùng với ra mắt tập thơ Đất Khách của Thanh Nam, Văn có mở một tiếp tân lứn cho ngọn nến tuổi đầu ở nhà hàng Champagne, thành phố Westminster, 500 quan khách và anh chị em nghệ sĩ cùng họp mặt. Năm nay, không tiếp tân. Tiếp tân năm đầu cũng dịp ra mắt một tác phẩm bạn, để cảm tạ thân hữu, thân hữu và bạn đọc đã hỗ trợ cho Văn tục bản. Một lần. Một lần thôi. Năm đầu, năm đầu thôi. Sang tới năm thứ hai, Văn muốn ở vững trong sự bình thường, trong sự nhũn nhặn của tạp chí, nhìn chung, còn rất nhìn, còn rất nhiều mặt hạn chế và đòi hỏi những cố gắng nhiều hơn nữa. Mặt khác, tháng kỷ niệm đệ nhị chu niên cũng là thắng Văn vừa nhận được tin dữ từ quê nhà báo sang. Hai giờ sáng ngày mùng 2 tháng 5, công an thành ủy Sài Gòn đã đột nhập tư gia nhà văn Doãn Quốc Sỹ ở đường Thành Thái. Chúng lụt soát cùng khắp, tịch thu hết thảy mọi giấy tờ, tài liệu, đọc cáo trạng vu khống Doãn Quốc Sỹ là gián điệp ngoại bang, bắt giữ ông và đem ông đi biệt tích. Cùng với Doãn Quốc Sỹ, còn là nhà văn Hoàng Hải Thủy, nhà văn Dương Hùng Cường, nhạc sĩ Duy Trác nữa. Cả bốn, người là thân hữu người là tác giả đã có những hợp tác mật thiết với Văn quê nhà. Tin dữ, tin buồn này xin gửi vào trí nhớ chúng ta, hành động chúng ta, văn chương chúng ta. Xin thông báo nó tới toàn thể bạn đọc cùng với kỷ niệm tạp chí hai tuổi. Và cùng với lời cảm tạ chân thành gửi tới toàn thể bạn đọc của người chủ nhiệm. Cảm tạ những hưởng ứng, cảm tạ những ủng hộ quý báu mãi mãi được ghi nhận và gìn giữ trong tấm lòng và trí nhớ của Văn.
Mai Thảo
1984