TRẦN HOÀI THƯ

 

HÀNH TRÌNH
CAO ĐÔNG KHÁNH

 

tản mạn

 

 

 

I

CAO ĐÔNG KHÁNH VÀ ĐỜI THẬT

 

Đối với bạn bè, Cao Đông Khánh chỉ được nhớ bởi tánh hào sảng, sống bạt mạng, uống rượu hũ chìm hũ nổi, chửi thề như điên, và đọc thơ rất có hồn.  Lại thêm một hàm răng sún!


 Bạn bè ông nhiều lắm.  Và bàn rượu đã tạo nên tình bạn. Mỗi lần nhắc đến Cao Đông Khánh là mỗi lần nhắc đến bàn rượu, đọc thơ chứ không nhắc đến một con mắt giả, một miểng lựu đạn nằm yên phía trái của trái tim hay tại sao miệng ông hàm răng ẩn dấu cái còn cái mất. Cũng không ai thắc mắc về cái thời thanh xuân của ông. Tại sao ông lại đi lính, binh chủng gì, trong khi ông có thể tìm cánh cửa du học để thoát khỏi nanh vuốt con quái vật chiến tranh hay có thể phục vụ ở Saigon. Ông là con tỷ phú Cao Đồng Hưng mà cả Saigon Gia Định ai cũng biết mà.  Họ không nhắc, bởi vì ông không bao giờ nhắc, hay tâm sự với họ về những ngày mang đồng phục ấy. Ngay cả thơ ông cũng ít thấy một hai giòng về đời tư – lúc đi lính hay lúc ông vượt biển, ở trại tị nạn.


Chính cái quá khứ quá sức mù mờ ấy, khiến cho một số ít người xem thời tuổi trẻ của ông ăn chơi trác táng. Họ chỉ nhìn ông qua hình ảnh một chàng công tử bạc liêu. Bởi vì ông có cái tội: Cái tội con nhà tỷ phú.

Có thật vậy không?

 

Trong bài viết “Ó Biển ra khơi”, không biết viết lúc nào, được đăng lại trên đặc san Thủy quân lục chiến hải ngoại  “Sóng Thần” năm 2017, Cao Đông Khánh hé lộ phần nào về thời tuổi trẻ của ông:

...không hiểu tại sao, có lẽ vì bộ quân phục bệt sóng biển hấp dẫn và lôi cuốn quá nên hắn đã xin về Thủy Quân Lục Chiến và được bổ sung về Tiểu Đoàn 8 Ó Biển cho đến ngày gãy súng. Điều này làm tôi ngạc nhiên và bồi hồi về một giai đoạn của dĩ vãng thanh niên của tôi.
Khoảng năm 1960, 1961 tôi lên Đà Lạt đi học bởi vì thằng bạn tâm giao tự lúc thiếu thời vào Võ Bị Khóa 17. Trăng nước Xuân Hương, mù sương ngoạn mục, thông xanh nắng lạnh, với tuổi 20 trước chiến cuộc sắp dấn thân, thân thể tròn lẳn môi má hồng đào của phụ nữ Đà Lạt hiện ra thành những ám ảnh thanh bình bất biến mà vời vợi xa. Không hiểu tại sao, nhưng sau đó, cả chục thằng tôi quen thuộc Khóa 16 và 17 mãn khóa đều kéo nhau về với Thủy Quân Lục Chiến.  Từ đó tôi đi chơi với Cọp Biển, ra Vũng Tàu, lên Thủ Đức, tôi thân thuộc với Quái Điểu, Trâu Điên, Sói Biển, Kình Ngư…Tống bị thương đầy mình, Hoàng bơ phờ sau trận Bình Giả, Bình rút tiểu đoàn về hậu cứ Sóng Thần, áo rằn ri tiến chiếm dinh Gia Long trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi tới lui với đám Hắc Long, Thần Ưng Cảm Tử, Hùm Xám, Mãnh Hổ… Đầu thập niên 70 Ó Biển nằm Quảng Trị, 1972 ở San Francisco, tôi nhận được thơ từ bọn Cọp Biển kể chuyện đứa mất đứa còn trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hẻ Đỏ Lửa. Tôi ở Hoa Kỳ từ năm 1966, nhưng Việt Nam vẫn gần kề bên tôi ở cái tư cách cầm súng của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa...
(nguồn: Đặc san Sóng Thần TQLCVN hải ngoại 2017 – trg 252)


Qua đoạn văn trích dẫn, chúng ta không thể tìm một chàng Cao Đông Khánh ăn chơi kiểu công tử bạc liêu mà ngược lại ông là người trẻ tuổi hiếu học, hiếu bạn, dấn thân, nhập cuộc...luôn luôn tự hào “Việt Nam vẫn gần kề bên tôi ở cái tư cách cầm súng của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa” và luôn luôn “bồi hồi về một giai đoạn của dĩ vãng thanh niên” của mình.

Chính vì dấn thân nhập cuộc nên ông đã bị mất một con mắt. Chuyện bị thương này trong Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn chỉ một giòng ngắn ngủi:

tôi con thú liếm vết thương đã cũ
hai lần được tạm dụng trong hoàng cung em
lần thứ nhất, tôi trọng thương ở Huế
lần thứ hai này, đứa con thất lạc của lương tâm
(Tôn nữ lưu vong, tr. 115)

Tôi không dám khẳng định ông bị “trọng thương ở Huế” theo nghĩa bạch văn của nó. Hay có thể là một vết thương lòng quá nặng chăng? Đọc thơ ông tôi không dám đưa ra kết luận. Bởi đối với ông tất cả  đồng nghĩa là mơ hồ:

Ngôn từ, hồn vía của mơ hồ. Tình yêu, hình bóng của mơ hồ. Hạnh phúc, chất men của mơ hồ. (Bộ điệu của mơ hồ, tr. 272)
 Nếu là thật, thì vết thương không phải do đạn AK hay chông mìn, nhưng là do từ trái lựu đạn. Có thể một miểng đâm trúng mắt, một miểng ghim trúng ngực, cạnh phía trái của trái tim. "miếng miểng lựu đạn còn kẹt góc trái tim anh giữ se sắt ký ức" (trang 311), và theo kinh nghiệm của một kẻ từng bị “viếng thăm” bởi trái mảng cầu gai,  tôi biết sẽ còn rất nhiều miểng khác nằm ngủ yên trong da thịt của ông. Bởi lẽ khi lựu đạn nổ hàng ngàn li ti miểng thép hay gang bắn ra chứ không phải một vài miểng đâu!


Riêng về con mắt bị hư của ông, lần này không còn mơ hồ nữa. Ông đã hé lộ sự mất mát to lớn này qua  câu:  "lấy con mắt giả đập nát giữa bàn rượu" :

mùa gặt trên không trung. Mở cửa
trại tế bần nhân loại
lấy con mắt giả đập nát giữa bàn rượu
(Cánh đồng trầm thủy)

Riêng chuyện ông bị đánh gãy răng trong trại tù, chúng ta không thấy trong tiểu sử của ông.  Bạn bè chỉ nhớ đến ông với hàng răng sún khó có thể tìm ở người thứ hai ở lứa tuổi của ông:
Tin như sét đánh ngang trời
Từ nay tao mất một người sún răng
Tịch sao mà tịch quá hăng
Rượu chưa uống cạn đã thăng mất rồi (1)
(Yên Sơn)


Phạm văn Kỳ Thanh  kể lại trong bài viết của ông (đăng trong số này) lý do tại sao: 

Quãng năm 1980 Khánh đã vượt biển tới Mỹ. Trong kỳ hội ngộ này Khánh kể chuyện đi tù cải tạo mấy năm và bị đánh gãy hết răng vì tính bướng bỉnh.

Một chi tiết khá thú vị khác mà tôi tìm thấy trên NET trong một mục diễn đàn để gián tiếp giải thích tại sao răng ông cái còn cái mất. Có một thảo luận viên  bút danh là Văn Từ kể là bạn thân với CĐK thời ở Houston. Ông ta kể:

...Trước năm 1975 anh về lại Việt Nam là trở thành giám đốc của Phú Thọ Công Ty, rồi biến cố 75 đưa anh vào tù. Phú Thọ công ty "được" chính quyền mới tiếp quản và xung vào công quỷ, chẳng may họ chưa biết làm việc nên những lô hàng thực phẩm của Phú Thọ công ty lên meo mốc, lúc đó đại diện chính quyền mới yêu cầu cha của Cao Đồng Khánh là ông Cao Đồng Hưng hướng dẫn cách bảo quản, ông Hưng đã khôn ngoan nói rằng: con tôi du học từ Mỹ về mới nắm biết kỹthuật, nhưng nó đang bị các ông cầm tù! Cũng nhờ lời nói đó mà Cao Đồng Khánh được tiếp đón niềm nở từ trong tù ra ngoài, và Cao Đồng Khánh đã “hân hoan” trình bày tất cả những kỹ thuật bảo quản thực phẩm cho chính quyền, nên ngay sau đó họ lại đưa anh vô tù tiếp! (2)

Xem thế đủ biết cái giòng máu “an phú đông” và “saigon gia định” tiềm ẩn trong máu huyết của ông nó mạnh mẽ như thế nào !

Riêng chuyến vượt biển của ông vào tháng 6-79 không phải êm xuôi thuận bườm xuôi mái. Ghe  bị chết máy, và bị vào nước, phải đổi hướng về Mã Lai thay vì Nam Dương, mặc dù ai cũng biết, đến Mã Lai là bị xô đuổi (3)


Viết ra những điều không thấy kê trong tiểu sử, không ngoài mục đích là muốn chứng minh Lửa đốt ngoài giới hạn được xây dựng từ kinh nghiệm cuộc sống của nhà thơ. Ông vừa là chứng nhân cũng vừa là nạn nhân. Ông đã sống hết mình. Trải lòng ra với bạn bè. Với tình yêu. Với đất nước. Với nỗi thống khổ của dân tộc ông, đồng bào ông. Vì vậy, xin đừng nhìn ông như là một “công tử Bạc Liêu” một tay “nát rượu” mà trái lại hãy nhìn ông với con mắt giả khi ông móc ra “đập nát giữa bàn rượu” và những chiếc răng bị đánh gãy trong tù! 
Đó là những hạt châu lóng lánh. Như hai câu thơ của Tô Thẩm Huy:

Tao một bữa nhớ mày hàng răng sún

Mắt một con lóng lánh ngó cuộc đời

Đó là lý do tại sao người đọc đã dành cho ông một chỗ đứng trân trọng trong giòng sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại.

 

 

oOo



Theo bạn bè của ông, bàn rượu càng được bốc men là nhờ ông đọc thơ. Họa sĩ Khánh Trường đã viết nhiều về khả năng thiên phú này. Càng say ông càng đọc hay.
Rất tiếc, tôi không được nghe, dù lòng rất ao ước.

Mãi đến khi làm số báo này,  tôi mới được nghe ông đọc thơ. Không phải nghe ông đọc thơ giữa buổi nhậu hay giữa một đám đông ồn ào. Mà “nghe” cả một “tạp chí nói” dài trên một tiếng đồng hồ, với giọng đọc có một không hai của CĐK từ đầu đến cuối hầu hết các bài thơ trong “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn”.

Mở đầu chúng ta nghe lời người xướng ngôn:

 

“Tạp chí văn chương do Cao Đông Khánh và Bùi Huy chủ trương phát hành bằng văn nói từ Houston Texas.

Tạp chí nóí số 1. Số đặc biệt về thi phẩm Lửa đốt ngoài giới hạn của Cao Đông Khánh do chính nhà thơ Cao Đông Khánh trình bày.”


Tạp chí nói số 1 dự trù phát hành tại Houston nhưng chưa kịp thì nhà thơ của chúng ta qua đời. May mắn người đồng chủ trương tạp chí nói này là Bùi Huy (Tô Thẩm Huy) còn giữ được. Để hôm nay, sau 18 năm vô âm, nay nó lại tái ngộ, phát lại giọng đọc có một không hai của Cao Đông Khánh. Và tạp chí TQBT là tạp chí duy nhất được hân hạnh phát hành cùng một lúc chung với tạp chí “nói” số 1 này như ước nguyện của nhà thơ CĐK. Quí bạn nào muốn có CD này, xin liên lạc tòa soạn, chúng tôi sẽ gởi biếu tặng.

______

(1) nguồn: Audio Duy Trác & Phương Hoa đọc trên đài Houston, TX  trong chương trình tưởng niệm Cao Đông Khánh
(2) nguồn: trang web Huyền Không Lý Số mục diễn đàn.

(3)  Việc xô đuổi này đã được hãng thông tấn UPI đánh đi, tin tức loan truyền khắp thế giới, được báo Pharos-Tribune ở bang Indiana đăng tải ngày 24-6-1979 dưới hàng tít:  Refugee Boats Turned Back To Sea (Thuyền tị nạn quay trở lại biển).

Trong bản tin này có nhắc đến Cao Đông Khánh, cho biết ghe của ông bị hư máy và bị nước vào, lẽ ra đi Indonesia nhưng phải đành hướng mũi quay về Mã Lai dù ai ai cũng biết nếu đến đó, ghe sẽ bị kéo trở ra biển.

 

 

II

TỪ CON MẮT ĐẾN LÁ CỜ , NHỮNG ẨN DỤ ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ CAO ĐÔNG KHÁNH

Ẩn dụ được khai thác và áp dụng triệt để trong thơ Cao Đông Khánh. Mỗi giòng, mỗi đoạn hình như đều phủ chiếc bóng của ẩn dụ. Viết bao nhiêu cũng không hết. Chúng tôi chỉ xin được đề cập đến hai hình ảnh có tính cách phổ quát. Đó là con mắt và lá cờ.  Bởi ai ai trong chúng ta, đều mang, đều thấy, và đều rõ.

 

1. Con mắt

Khi chiến tranh đã cướp đi một con mắt, cái cửa sổ linh hồn ấy khép lại, thì nó mở ra trong thơ Cao Đông Khánh với những gì đắng cay và thiết tha nhất. Nỗi yêu thương, sự cảm thông này càng đậm sâu, sau những ngày tháng 4/1975.

Thật vậy, trước tháng tư 75, với nhà thơ, đôi mắt SG là đôi mắt bất tử. Bởi chúng có hạt châu:
đôi mắt như là hạt châu ngó nhìn trên dưới như trời sáng trăng (153)

hay là hình ảnh thu nhỏ của biển xanh, giữa lả trời mây trắng:
Nàng có chất rượu trong chiếc kẹo bọc chocolat, 
có đôi mắt tròn như biển xanh ở chính giữa trời mây trắng (tr.9)


Nó là con mắt có nhiều chân trời, nhưng có một chân trời luôn luôn em  dành cho anh:
con mắt có chân trời phía trước
những chân trời con mắt tiếp theo
em tóc  ngắn môi đường da mật
có chân trời con mắt kế bên anh
(Tháng 13, tr. 246)

Nhưng sau tháng 4 năm 1975, đôi mắt bất tử ấy  đã không còn nữa. Trái lại chúng  phản ánh nỗi chờ đợi đến  mõi mòn thắt ruột thắt gan mà người dân miền Nam đã dành cho người thân của mình. Ở Suối Máu hay ở bất cứ một trại cải tạo nào trên toàn cõi VN :

tôi một bữa đợi em mòn con mắt
Từ Suối Máu em về xanh như lá cây
(Uẩn tình kẻ xa xứ)

Nó là đôi mắt đăm đăm, nhưng đăm đăm dành cho  những phố phường, con đường, ly nước mía, má, môi, Nhà Bè, Ngã Tư Bảy Hiền ... đã mất:
 
tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè ở Gia Định
Ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi
(Uẩn tình kẻ xa xứ)

 

 Cái nhìn đăm đăm ấy, được nhà văn Tưởng Năng Tiến kể lại, sau tháng 4-75:
...Cũng có khi tôi ngồi trước một xe bán bò viên, chăm chăm nhìn thùng nước lèo vừa mở nắp, và tưởng chừng như không gian (của cả Sài Gòn hoa lệ) bỗng ngạt ngào hương vị. Chút nước thánh này – sau khi đã nhai thiệt chậm miếng thịt pha gân vừa ròn, vừa ngậy –  hoà nhẹ với chút xíu tương đỏ, tương đen, cùng ớt xa tế ngọt ngọt cay cay làm cho thằng bé xuýt xoa ... cho đến lúc cuối đời.
(Tưởng Năng Tiến. Người & Đất Saigon, nguồn Internet)

Bây giờ, con mắt Saigon trở thành con mắt điềm chỉ:

lỗ nào em nói cho anh
lỗ kim khí lạnh lỗ nhìn giới nghiêm
lỗ châu mai lỗ đồng tiền
lỗ con mắt ngó em điềm chỉ anh
(14 kiểmduyệt khúc ở Saigon)

Nó không còn là cửa sổ của  tâm hồn mà là lỗ thị giác phế thải. Để thấy lịch sử tiếp tục trào máu:

Lịch sử vẫn tiếp tục chảy máu
từ lỗ thị giác phế thải

 Rõ ràng, con mắt trong Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn  được phân chia thành ba loại chính: Con mắt bất tử, con mắt điềm chỉ  và con mắt phế thải. 

 

2.  Lá cờ

Ẩn dụ đã phủ màu cờ. Không cần nêu đích danh, cờ này là cờ vàng ba sọc đỏ, cờ kia là cờ đỏ ngôi sao vàng. Hay cờ nọ là cờ Hiệp chủng quốc, cờ Hoa Kỳ.

Trước hết là lá cờ miền Nam (VNCH): nó được thếp vàng, dù trước tháng 4/75 hay ở hải ngoại:

trên đường ranh các thành phố
Lá cờ thếp vàng dấu ấn lưu vong
Ngôn ngữ phá vỡ đêm tội tà trấn đóng
Rõ tiếng cười Cung Chúc Tân Xuân
(Sài Gòn nhỏ - tr.227)

Đó là  màu vàng chín ngọt của trái cây vùng nhiệt đới:

mai trời vàng biển xanh rừng biếc
chắc em còn nhớ chuyện xưa nay
cây đu đủ thật là nhiệt đới
màu lá cờ chín ngọt trái cây
(Lá cờ cho mãi Việt Nam – tr. 151)

Rồi đến lá cờ mà mỗi thuyền nhân mang theo sau khi họ đổ bộ lên đất liền.  Đó là lá cờ lương tâm:

bọn người trời biển kia

thoát khỏi tầm truy nã
nếu có người còn nhớ
mỗi thuyền nhân đổ bộ
mỗi lá cờ lương tâm
bấy giờ ở Ba Lan
bấy giờ ở Đông Âu
(Nói chuyện với trừ tịch. tr. 297)

Kế đến là lá cờ sau  30 tháng 4-75.
Nếu Trần Dần trong thời Nhân Văn Giai Phẩm chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ:
 Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Thì ngược lại, nhà thơ Cao Đông Khánh không thấy mưa sa mà thấy một giòng xuất huyết thổ hết ra ngoài dĩ vãng tương lai. 
Trước hết ông có cảm giác như một du khách lạc vào thành phố xưa:

tôi bước, bước qua như một du khách
thành phố ngày xưa, câu chuyện truyền kỳ
màu những lá cờ một giòng xuất huyết
thổ hết ra ngoài dĩ vãng tương lai
(Một quốc gia, một cuộc đời – tr. 15)

Sau đó có cảm giác là viên đạn nổ trong đầu, vì màu cờ đỏ máu:
viên đạn trong đầu tao nổ bay phất phới ngọn cờ đỏ máu mắt (141)

Cuối cùng là lá cờ Mỹ. Ông gọi nó là cờ hư ảo. Thử tưởng tượng một người tị nạn mới đặt chân đến Mỹ, đứng trong phi trường, bên ngoài là sương mù, ta càng hiểu tại sao nhà thơ khoác cho hai chữ “hư ảo”:

em đến. Đúng ngọ. Phi trường chưa hết lạnh
dưới dáng cờ hư ảo ngó mênh mông
miếng đất không quen. Gặp người chưa biết
lỡ gặp nhau. Tình cờ. Không hiểu ra sao?(tr. 245)

 

III

 LỬA ĐỐT NGOÀI GIỚI HẠN

 

 

Cái nhan đề "Lửa đốt ngoài giới hạn" của thi phẩm Cao Đông Khánh đã bắt tôi suy nghĩ rất lung mấy ngày hôm nay.

 

images (2)
hình do Trần Hoài Thư thực hiện từ nhu liệu Photoshop

 

Câu hỏi: nếu ngoài giới hạn của thành phố là ngoại ô, thì ngoài giới hạn của đất liền là gì?

 

Dĩ nhiên là biển cả.

 

Tôi bỗng nghĩ đến con thuyền giữa biển đêm, đốt lửa để kêu cứu vì ván thuyền đã bị nứt, nước đã vào lòng khoang. Chúng tôi đã bỏ những vải vóc ngay cả áo mặc trên người, lẫn dầu cặn vào cái thùng thiếc để trên boong thuyền để đốt hầu các tàu đâu đó có thể thấy chúng tôi.


Chúng tôi đã đốt lửa ngoài giới hạn.

 

Đây chỉ là một nhận định chủ quan. Có thể mỗi người có một nhận định khác sau khi đọc tập thơ.

 

Có thể nói, trong suốt tập thơ, biển mang một dấu ấn rất đậm sau tháng 4-1975. Đó là nơi mà già trẻ lớn bé - ngay cả cột đèn nếu biết đi - ai ai cũng nô nức mong chờ đến đó, dù biết rằng ở đó là một mồ chôn tập thể đang chờ đợi họ:

 

hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông
(Rồng bay phượng múa, tr. 56)

 

Sự chọn lựa là sự chọn lựa tự nguyện, một sự chọn lựa thiên đàng:

 

đói ăn lúa mục qua ngày
chỗ tôi hạnh phúc chìm ngoài biển Đông
(Tinh thần - tr. 34)

 

Để rồi, những chiếc ghe, thuyền được trưng dụng tối đa. Dù nó là chiếc ghe bầu, loại ghe chỉ được dùng trên sông. Nó trở thành con cá - tiếng mà người vượt biển dùng để chỉ ghe thuyền chở họ:

 

Chương Dương sánh ánh trăng vàng võ
rọi thấu vào trong dạ não nùng
con cá lội qua Cầu Ông Lãnh
như chiếc ghe bầu khẳm héo hon

(Rồng bay phượng múa, tr. 56)

 

Và khi chiếc ghe bầu đã rời cửa sông, bắt đầu ra biển. Quay nhìn lại quê nhà, lòng người vượt biển vui buồn ngổn ngang. Vui là biết thuyền đã thoát đi trót lọt cái ải đồn kiểm soát ở cửa biển nhưng buồn vì biết rằng từ đây em vĩnh viễn bỏ lại quê nhà khiến em bật khóc như mưa:

 

ngó theo mút mắt, thuyền trở thành sương đậm
em chảy thành nước mắt bật cơn mưa

 

Em có thể là người vượt thoát, hay là Saigon, hay cả hai.

 

Nhưng người đau đớn hơn hết là người vượt thoát. Hắn phải bỏ tất cả, đành đoạn. Hắn đã "chặt một chân để làm tin". Một ẩn dụ bi thảm, xé ruột xé gan, để nói lên cái tình yêu to lớn của hắn dành cho Saigon:

 

Để anh nhắc ngày anh ra biển
chặt một chân để lại làm tin
hãy xẻ khô cất làm lương thực
em ráng sống giùm anh nghe em
nghe đó em người làm nhân chứng
tình yêu này như hỏa diệm sơn
(Đường Ngô thị Tâm, tr. 100

 

Nhưng đó chỉ là một khắc tan nát cõi lòng. Bây giờ mới là sự thật. Một sự thật ngoài giới hạn.
Xin hãy xem hai tấm hình dưới đây để hiểu rõ thế nào là giới hạn và ngoài giới hạn:

 


(nguồn ảnh: Trần Hoài Thư)


Hình bên trái là con tàu Noah thời đại hồng thủy. Họa sĩ đã căn cứ vào Thánh kinh Cựu ước để phác họa. Còn hình phải là con thuyền vượt biển.


Tàu Noah dù sao cũng là tàu an toàn, bảo đảm cho một chuyến hải hành mà Thượng Đế đã đặc ân dành cho loài người. Còn con thuyền của người vượt biển thì khác. Chỉ một cơn sóng lớn, hay gió mạnh là có thể làm chìm kéo theo những người trên thuyền. Trên quả đất này, trong cái lịch sử hải hành, có bao giờ có một con thuyền mà cánh buồm được dùng bằng cái màn vải, không có mui che mưa che nắng, không có bánh lái... Vậy mà nó vẫn ra khơi xuất ngoại khiến cả loài người phải quay về hướng VN mà hỏi tại sao.

 

Nó vẫn lầm lì hướng mũi ra khơi, ngút ngàn vô định, giữa bao la của trời đất và mênh mông của đại dương. May mắn lắm mới gặp biển lặng im như mặt hồ, nhưng cũng có khi biển động mạnh. Trước khi biển lên cơn, mây trời bỗng dưng đổi sang một màu đen ngòm, bay rợp che cả mặt trời, làm mặt biển màu xanh cũng phải đen như mực vì không có mặt trời. Binh đoàn mây, thiết giáp mây, chiến xa mây, tiếp tục ào ạt phô diễn sức mạnh trên cao, vì quá thấp nên ta có thể nhận ra tốc độ.  Đồng loạt trọng pháo nả những tiếng sấm động rền, với những tia chớp liên hồi lóe sáng tứ bề.  Rồi gió bắt đầu nổi. Lòng người có cảm giác những tảng mây mặc áo đen ngòm đồng phục nặng như thép đè:

 

trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi
(Rồng bay phượng múa)

....

ta chở đại dương hàng nghìn cân nặng
còn một chút em nhẹ nhẹ cuộc đời
đất cát lở, trôi theo dòng nước lạ
lắm tàu sẽ chìm, uống ngợp mênh mông
(khởi hành, tr. 86)

.....

 

xô chìm xuống nước như mưa
hỏi sao em khóc như chưa não nùng
biển đè trên nặng vô cùng
dạ thưa đâu có ngại ngùng đâu anh
(sinh tử, tr. 84)

 

Có biết bao chiếc đã chìm dưới đáy biển. Và những người trên thuyền sau khi chết tấm thân họ sẽ được "định cư" ở đâu - hải phận quốc tế, hay lãnh hải quốc gia - dưới chiều sâu của biển?:

 

Cánh đồng. Cánh đồng biển
tĩn nước mắm khổng lồ
vậy mà em đến nơi
xảy ra một điều khác
quốc tế hay quốc gia
dưới chiều sâu thảm thiết
(cánh đồng biển - tr. 19)

 

Nếu ví Cao Miên thời Pol Pot là "The killing field", thì biển bây giờ, dưới mắt nhà thơ là "cánh đồng biển". Biển đã thay vào chữ "giết người" (killing). Biển hung hãn bội phần nhưng cũng dịu dàng bội phần. Khỏi cần đào đất chôn sống, khỏi cần lấy búa đập đầu, chỉ cần một trận gió cuốn, một cơn sóng lớn cuồng nộ, hay máy tàu bị liệt, lương thực nước ngọt bị cạn, là hàng chục, hàng trăm, bao nhiêu làm sao biết, cùng rủ nhau mà tự sát tập thể:

 

đây chết chẳng thấy xương
thấy sao bốn phía thấy dường như không
chân trời một vết giương cung
khom khom tôi đứng như buồm đứt dây

(tr.84)

 

Chết không thấy xương, vì nghĩa trang là đáy biển. Nhưng có những xác người thỉnh thoảng tấp vào bờ hải đảo:

 

một người nằm chết dưới mặt trời ngó thân thể gầy trơ những chỗ ruồi đậu những chỗ máu mủ chứa hạt đá quý bật trận mưa dầm nàng hơ hãi khóc.

(tr. 101)

 

Thoát được bão tố, người vượt biển chưa hết mừng, thì đến một đại nạn khác. Đó là nạn hải tặc:

 

gió biển lạnh như dao thọc vào thân thể
người tìm kiếm gì trong tứ cố vô thân
ta chỉ còn đây một chút sinh mạng nhỏ
hạt linh hồn của kẻ biệt quê hương
(Hải tặc)

 

Tội tình cho em, bây giờ em trở thành tế vật cho bọn dâm tặc cuồng bạo. Thử hỏi còn có giới hạn nào để cho đám thú người ngừng thôi nhảy múa man rợ, với mã tấu lựu đạn trong tay?

 

soi mặt xuống biển, trở thành tế vật
em nõn nà rách lớp vỏ che thân
em cũng như ta sẽ suốt đời cô quạnh
đã một lần làm kẻ xưng danh
(hải tặc)
.....

 

em nói, chồng em chết tù cải tạo
những đứa con ngọc ngà chết ở biển đông
còn đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạn
cha nó đang làm hải tặc Thái Lan
(mẩu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn, tr. 165)

.....

 

tháng Chạp lục địa tới tháng Giêng
biển những tháng trời gầm rung chuyển nóc cô đơn
em mười tám tuổi vừa tầm tay hải tặc
rước em về làm áp trại phu nhân
(người mẫu của mùa xuân, tr. 303)

.......

 

Em nằm ở một góc lõa lồ, hết thẹn thùng hết sợ hãi. Những người đàn bà khỏa thân chung quanh tôi im lặng. Tôi nói, anh yêu em.
(tháng 6 hoàn hảo - tr. 117)

 

Cuối cùng, chiếc thuyền đã đến được bến bờ. Nó là một chiếc may mắn.  Hắn quỳ hôn đất. Không phải "quỳ hôn đất thân yêu/ Quảng Trị ơi..." mà là đất người, đất xem hắn là kẻ đổ bộ nhập cư bất hợp lệ. Hắn cám ơn:

 

cám ơn từng người một cám ơn quý ông bà, cám ơn chút lương tâm kể từ đây, tự nguyện, suốt đời điên dại làm gia súc nuôi người thế giới anh em. 
(lên bộ, tr. 87)

 

Hắn bắt đầu đốn cây dựng nhà tạm trú. Hắn bắt đầu nhận lòng thương xót của nhân loại qua từng khẩu phần phát mỗi ngày. Hắn có mặt trong hàng dài dằng dặc người đợi lãnh một thùng nước ngọt.

 

lên bờ cát nóng chân con
lên ngồi bụi cỏ không còn ngày xưa
ngàn người xin giọt nước mưa
một người xin một chỗ trưa trời trồng
cây dương liễu mọc chỗ nằm
cọng rau đắng mọc trong lầm lũi em

 

Vậy mà chưa yên đâu. Lại thêm một đại nạn khác bủa xuống thân phận người vượt biển. Đó là việc chính quyền  Mã Lai xô đuổi dân vượt biển bằng cách kéo tàu ghe của họ trở ra biển.

Nhà thơ Cao Đông Khánh có mặt trong thời điểm đó.  Đó là năm 1979.  Cao điểm của vượt biển. Ghe ông đáng lẽ đến Nam Dương nhưng cuối cùng phải đổi hướng đến Mã Lai vì thuyền bị hở nước và máy tàu bị liệt (1).


Cảnh tượng thuyền ghe bị kéo ra hải phận quốc tế và chính sách xua đuổi dân tị nạn đã được nhà thơ mô tả thật đậm trong LĐNGH, như một bản cáo trạng hùng hồn:

 

đến từ biển khơi người đuổi xua về biển cả
từ biển cả trở về đầy giông tố biển khơi
người đánh đập ta, con thú hoang dại
ta lỡ tin người nên chẳng dám xót xa

ta lại trở về từ hải cảng lộng gió
145 người khác nói giã từ
mai mốt biết đâu gặp nhau ngoài ấy
thở hết ra ngoài hơi ấm nhân sinh

tự biển trở về, như ma quỷ ám
145 người chết giữa đại dương
và số còn lại, ngày mai thanh toán
cùng một lúc với chính ta bằng lưỡi hái thủy thần

thuyền buổi sáng chạy theo tàu sắt xám
chứa nước cho đầy cho mặn chát tâm can
đập vào đầu óc truân chuyên, nghe tự nhiên trống rỗng
rỗng như là bong bóng vỡ trên không

người lôi kéo, liên miên, theo tiếng cười ngây dại
ta phải dại khờ nhập cuộc rất phong lưu
gió cấp sáu thổi qua đời tư thông suốt
không biết vô ngả nào, tan biến đi đâu

cuộc vui chấm dứt, bập bềnh mù giữa biển
diều đã lên trời và đã đứt dây
ta liếm thân thể em truyền chút hơi ấm còn lại
và em thấm vào lạnh xương tủy ta
(Xua đuổi, tr. 89- 90)

 

Tập thơ gồm 15 chương mà biển hầu như chiếm cứ hầu hết. Không ngạc nhiên, bởi tập thơ gồm những bài được sáng tác trong cao điểm của làn sóng tị nạn, với biết bao nhiêu thảm kịch của thuyền nhân, mà Cao Đông Khánh là một. Chúng ta có thể đọc thấy những khúc đoạn trường này, những lời kêu trầm thống này, không phải ở trong một vài bài tượng trưng như 12 tháng biển, hay cánh đồng biển... nhưng cứ mỗi lần mở một trang ra, thế nào biển cũng thấy ló, khi rõ khi mờ. Tôi thử kiểm bao nhiêu chữ biển, bao nhiêu chữ đại dương, tôi đếm tất cả trên 200 chữ! Đủ chứng tỏ biển đã gây vào tâm não của nhà thơ rất mạnh, rất đậm qua những dòng thơ quá đỗi bi thiết như sau:

 

Tháng sáu trên bãi biển nắng mưa tôi làm người ngoại quốc, tôi nói Anh ngữ với người bản xứ rất vui. Người ta hãm hiếp đàn bà của tôi, thử cho biết mùi trái cây lạ. Người ta nói chuyện với tôi về kinh tế chính trị của thế giới này của Á Châu này của xứ sở này của dân tộc kia. Người ta không cấp phát lương thực để coi đói khát thế nào. Người ta đánh vào đầu để coi chảy máu thế nào. Người ta xô xuống biển để coi chới với thế nào. Người ta lùa xuống những ghe đánh cá phế thải kéo tôi bỏ vào hải phận quốc tế.

(tr. 114)

.....

như vậy đó, biển hàng ngày tăng trưởng
biển mọc trong đầu biển khắp tay chân
biển xót xa em từ cái răng cái tóc
con mỹ nhân ngư này tên gọi thuyền nhân

(tạm dung, tr. 92)

 

Thuyền nhân ấy như một cây giá trắng:

 

em gieo đậu mọc thành cây giá trắng
 mang nặng trên đầu hạt quá khứ kinh phong


cọng giá nằm ngang (nguồn ảnh: Trần Hoài Thư)

. Nếu đầu cọng giá là cái hạt mầm to tướng đè xuống cái thân cọng yếu ớt mong manh, trơn trụi thì cái đầu của người tị nạn cũng vậy. Nó cũng bị chất chồng hàng lớp thảm kịch này đến thảm kịch khác, đè xuống trên một tấm thân bị mất hết tất cả, chỉ còn tấm thân trơn trụi chẳng khác nào cọng giá. Như tấm tranh phác thảo bởi TQT được vẽ cách đây hơn 15 năm, với một con vật đầu bự tổ bố làm tôi hình dung đến một cái cọng-giá-người không hơn không kém!

 

Thú và người, hình phác thảo của TQT

 

 

 

***

 

Lửa đốt trên biển là tín hiệu SOS, nhưng khó nhận  được lòng đoái thương của thế giới hàng hải thương thuyền. Từ tàu buôn, tàu hàng, tàu chuyển vận. Cho dù có lòng đoái thương đi nữa, nhưng nếu họ cứu  thuyền vượt biển, họ sẽ phải chịu trách nhiệm ở việc tìm một quốc gia chấp thuận người vượt biển lên bờ. Chỉ còn cách duy nhất là cung cấp thực phẩm, nước uống. Rổi bỏ đi. Còn lại, giữa biển đêm, chiếc thuyền nhỏ nhoi, và ngọn lửa SOS càng lúc càng yếu và tắt hẳn, vì hết vải vóc hay dầu đốt.

Chúng ta không biết rõ số phận của chiếc thuyền đốt lửa trong đêm. Nó sẽ được đến bờ an toàn hay là chiếc không may. Nếu không may,  đáy biển Đông lại có thêm những bộ xương mới. Để rồi chúng nằm đấy đời đời đời kiếp kiếp trong nỗi quên lãng của con người.

Không phải thế đâu.


 Để anh kể cho em tưởng tượng một đêm, gió khô hết hơi thở người chết dưới biển lên đảo viếng thăm họ xây cất thành phố lộng lẫy đầy lương thực và vũ khí để làm trạm trở về cho Nguyễn

 

Nguyễn đi xa Nguyễn nhớ cha mẹ anh đi xa anh nhớ em khóc từng đoàn quân hùng dũng phát xuất tổng hành dinh một màu cờ vàng đoàn cơ giới chạy ra hải cảng trên con đường đã mang tên em


Để anh kể cho em sung sướng điểm xuất quân một ngày hy vọng trên con đường anh đặt tên em trên hải đảo anh nằm chờ chết.
(đường Ngô thị Tâm, tr. 100)

 

Để rồi, bao nhiêu vong hồn sẽ  bay lên trời, nhập vào mây, và dưới đáy biển kia, con cháu  Lạc long quân và Âu Cơ sẽ gặp lại  tổ tiên họ. Tất cả chuẩn bị cho cuộc hồi cư:

Ở ngoài Biển Đông có chỗ để cho mây dưỡng sức là nơi phát xuất ngựa hồng, giống đỏ như son thoa môi cho  em ngày đám cưới.Ở dưới Nam Hải có nơi để cho đá mọc là chỗ rồng sinh đẻ; Long Quân từ Côn Đảo, Phú Quốc nhập cảnh Cữu Long noi theo con đường cao trên đỉnh Trường Sơn quá bộ Côn Luân vào chơi lục địa. Nơi khởi ngọn Hương Giang có voi chầu hổ phục. Chốn phát xuất Hồng Hà có phượng múa long thăng. Có nẻo Di Linh vào rừng Bảo Lộc. Có chỗ để dành xây tổ uyên ương.

(Bầy ngựa trên linh địa, tr. 2)

 

Và Saigon, Chợ Lớn lại tái sinh:
 

Sài Gòn Chợ Lớn dưới mặt đất
ngõ hẻm đời sau rối địa hình
tiếng nói cất lên, ngoài tiếng nói
của đàn ông nói chuyện với rồng
tiếng hát cất lên, ngoài tiếng hát
để về khuya phượng múa chung quanh

(Rồng bay, phượng múa)

Vâng, Saigon Chợ Lớn dưới mặt đất, chứ không phải ở trên dương trần. Có nghĩa là cõi khác, đời sau. Để rồi tiếng hát lời ca, rồng bay phượng múa...

______

(1) báo Pharos-Tribune ở bang Indiana đăng tải ngày 24-6-1979 dưới hàng tít:  Refugee Boats Turned Back To Sea (Thuyền tị nạn quay trở lại biển) có phỏng vấn nhà thơ CĐK.

 

 

Trần Hoài Thư

6.2018

 

nguồn: Thư Quán Bản Thảo, số 80, tháng 6 năm 2018, chủ đề Cõi Thơ Cao Đông Khánh, New Jersey, Hoa Kỳ