TÔ THẨM HUY

ĐÙA VỚI NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÔNG QUEN BIẾT

 VỀ TIẾNG THƠ CAO ĐÔNG KHÁNH

 

 

Tiếng thơ ấy đọc lên nghe như có hơi lửa.  Có người phụ nữ bảo tôi: Thơ anh Khánh hay nhưng em đọc không hiểu gì cả.  Tôi hỏi:

-         Đọc lên có thấy hoả bốc trong người không?

-         Dạ có.

-         Thế thì đủ rồi.  Đây nhé:

Tôi sống ở giữa thật là vinh hạnh

Giữa tứ chi em linh động lạ kỳ

Tôi có ngọn đèn thắp bằng ngôn ngữ

Thỉnh thoảng em về thăm lại một khi

Thỉnh thoảng em về thăm lại trí nhớ

Thấy lại hai mùa mưa nắng rõ như gương

-         Ngọn đèn gì mà thắp bằng ngôn ngữ? 

-         Thưa, không rõ.  Có lẽ là ngọn đèn dầu trong đầu.  Sáng trưng.

-         Tại sao thắp đèn rồi lại thỉnh thoảng em về?

-         Thì phải thấy đường mới biết lối mà đi về chứ.

-         Ai thăm lại trí nhớ? Ai thấy lại hai mùa mưa nắng?

-         Thưa không rõ là em thấy, hay anh thấy.  Điều ấy không hề gì.  Chẳng nên thắc mắc.  Điều quan trọng là hai mùa mưa nắng hiện ra rõ như gương trên trang giấy.  Đọc lại mấy câu thơ ấy đi.

-         Tại sao anh ấy lại bảo là sống giữa tứ chi em?

-         Tại vì anh ấy yêu em.  Cũng như anh ấy sống giữa trần gian vì anh ấy yêu nó.

-         Tại sao nhà văn Lê Thị Huệ lại nói là Thơ Cao Đông Khánh có tính thặng dư chữ, nhiều chữ quá. Mà nghĩa thì chả bao nhiêu”?

Hỏi thăm quên mất tên thằng bạn

Như lá trên rừng đang chuyển mưa

Trận mây đồng phục nặng như thép

Ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi

Lại nói là “Ba câu thơ cuối vô nghĩa nhưng chúng làm cho nguyên cả đoạn thơ trên thành rừng lá chữ bốc men thơ. Khiến người đọc đọc lên thì thấy phì nhiêu nỗi thống khoái của ngôn ngữ. Vậy thôi.”?

-         Thưa, để về hỏi lại bà ấyCó thể là bà Lê Thị Huệ đã thấy cái lẽ của sắc bất dị không. Cái trống rỗng không hình sắc cũng chẳng khác gì với cái không trống rỗng có hình sắc. Cái có nghĩa cũng bất dị với cái vô nghĩaGiang lưu thiên địa ngoại, sơn sắc hữu vô trung.  Chỗ của Cao Đông Khánh, nó ở ngoài thiên địa, giữa hữu.  Anh ấy đi hỏi thăm thằng bạn ngồi tù ở khám Chí Hoà mà quên mất tên nó thì nghe được ai trả lời gì!  Có nghe hoạ chăng là tiếng reo của lá lúc gió trời đang chuyển mưa. 

-         Mà trận mây đồng phục là trận mây gì mà nặng như thép? Bộ mây có mặc áo hả?

-         Thưa, vân tưởng y thường.  Thường khi, mây mặc áo đẹp, nhưng những ngày buồn, mây nó không mặc y thường, mà chỉ mặc đồng phục toàn một mầu xám chì, rồi đè xuống cõi nhân gian đang khổ ải.

-         Mây nó đè nặng như thế tại sao lại còn ửng rạng đời xưa một chỗ ngồi?

-         Thưa bị nó đè quá, đầu bật ra hình ảnh một buổi chiều đời xưa ửng đẹp cổ tích.

-         Thế tại sao hai câu kế tiếp của đoạn thơ ấy lại viết làNhững người cách mặt gần như nhớ, Những mặt trời xây xẩm trở về”?  Gần như nhớ là gần như cái gì?

-         Thưa là nó gần lắm.  Gần đến độ nó trở về, nó ở luôn trong đầu.  Khoảng cách là zero.

-         Ra là thế.  Gần như là như nhớ!  Thế anh CĐK có chỗ nào khác so sánh ngộ như vậy nữa không?

-         Có chứ, nhiều lắm:

Tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế

Nắng rọi trong đầu những trắng bao la

-         Không ngồi yên như pho tượng mà ngồi yên như bàn ghế!  Chắc là ngày xưa anh Khánh hay ngắm tranh Cézanne?

-          Chắc thế.  Hay là mấy câu này:

Đời sống điêu khắc tượng trưng lập thể

phòng triển lãm trong veo như lệ rớt nửa chừng

-         Tại sao trong veo mà lại như là lệ rớt nửa chừng?

-         Để nó rớt xuống đất thì còn gì là giọt lệ nữa.  Anh Khánh thường nhìn thấy cái giống nhau của những sự vụ chẳng ai ngờ là có gì giống nhau.  Thấy nhiều cái “như” lạ lắm.  Nói cả ngày không hết.

-         Thí dụ?

-         Đây:

Tôi sống đầm ấm với những điều không giải thích được

Thành phố hao mòn như trái tim của ngôi sao quạnh hiu

Hay:

Son phấn tô hồng cuộc tình tận tụy

Quần áo của em phơi, cờ xí của ta

Em trẻ như kinh nghiệm chiến tranh nẩy nở

Ta hào hoa như kẻ quy hàng

-         Trẻ như kinh nghiệm chiến tranh nẩy nở là trẻ làm sao? Quy hàng sao hào hoa được?

-         Thế… Còn đây nữa:   Không gian thật trong như sợi dây đàn.  Sợi dây đàn nó không đứng yên, nó rung lên, nên nó trong veo.  Vật thể và âm thanh hoà nhập làm một.  Hay là câu này: Tiếng nói nhẹ như ánh sáng. Biên giới âm nhạc và hội hoạ bị bôi xoá. 

Hay:

Đêm xuống núi thăm người tình cũ

Như đời người xuống tới đáy chôn nhau

-         Đi thăm người tình cũ phải vui chứ, sao lại “như đời người xuống tới đáy chôn nhau”?

-         Làm sao ai biết được là ai chôn ai!  Biết đâu có thể là chôn “cái nhau” của buổi xô cổng thiên đường lọt xuống trần gian.

-         Anh nói chuyện vơ vơ, vẩn vẩn.  Anh không biết thì ai biết!

-         Cũng chẳng nên biết.  Cứ để nó tự nhiên, khắc biết.  Cứ đọc thơ lai rai ắt sẽ hạnh phúc.  Đọc thơ anh Khánh nè, đọc in ít thôi, để dành:

chiều ra ngó vòng theo thành phố

tôi tựa lưng vào họng súng thần công

giòng sông cũng dài như câu kệ

gạch ngói suy tàn rêu thếp chỗ sơn son

giữa sân rồng em đứng hình cây kiểng

mùa nhãn thơm như núm vú hồng

trẫm cởi hoàng bào trở thành dân giả

từ lãnh cung ai ngó xuống ngàn trùng

núi cung cấp một dòng thơm thảo mộc

nước có khúc trong cho con gái rửa chân

mùa mưa em ấm mùa hạ em mát

đời suy vi tôi cảm động khôn cùng

 

Thôi em ẵm cái về rừng đi.  Ẵm con về ngoại coi chừng trời mưa.  Nhớ mang theo cái dù.



Tô Thẩm Huy

Houston, tháng 5, 2018

 

nguồn: Thư Quán Bản Thảo, số 80, tháng 6 năm 2018, chủ đề Cõi Thơ Cao Đông Khánh, New Jersey, Hoa Kỳ