Thân Thế
CAO ĐÔNG KHÁNH
Cao Đông Khánh tên thật là Cao Đồng Khánh, sinh cuối năm Canh Thìn, tháng chạp, ngày 19, đầu năm 1941, ngày 16, tháng 1. Vì thế, anh thường bảo anh là con rồng từ đầu tới đuôi, từ lúc được thụ thai đến lúc chào đời. Anh mất ngày 17 tháng 11 năm Canh Thìn, là ngày thứ Ba 12/12/2000, trước ngày sinh nhật 60 đúng 5 tuần. Những ngày gần cuối năm 2000 anh háo hức đón chờ thiên niên kỷ mới. Một thiên niên kỷ mà anh tin là sẽ đầy những biến chuyển trọng đại. Anh đã hồi hộp chuẩn bị lòng mình để cất cánh bay trên ngọn gió mới. Và say sưa dự tính một buổi tiệc sinh nhật 60 tưng bừng hào kiệt giang hồ từ tứ xứ tụ về. Sự đã không thành.
Xong trung học ở Sài Gòn, anh lên trọ học ở Đà Lạt. Rồi sau một thời gian ngắn ở trong quân đội – không rõ anh ở binh chủng nào vì CĐK vốn ít nói về quá khứ - CĐK giải ngũ vì bị một miểng lựu đạn làm mù một mắt. Năm 1966, là trưởng nam trong gia đình - anh là người con thứ hai, sau chị Cao Hồng Hạnh, người chị cả đã gặp nạn trên biển Đông, cả gia đình không ai sống sót - cậu Ba Khánh được thân phụ là đại thương gia Cao Đồng Hưng cho đi du học ở California để chuẩn bị sau này về Việt Nam quản lý cơ sở đồn điền cà phê và công việc xuất cảng gạo, cát trắng Cam Ranh (sang Nhật làm thuỷ tinh). Tại California, anh lập gia đình với Gail Ann, mở cơ sở buôn bán, và làm chương trình phát thanh Echo from Viet Nam, chống lại những tuyên truyền của nhóm phản chiến đang khuấy động vùng Berkeley. Họ có với nhau 2 người con, một gái một trai: Cao Tân Khánh và Cao Uy Dũ, tức Danny Cao. Độ một tháng sau đám ma Khánh, Danny mới biết tin và về đến Houston thăm mộ cha. Dịp ấy, thi sĩ Tô Thuỳ Yên, vốn là người bạn gia đình với chị Cao Hồng Hạnh từ nhiều năm, và tôi, có dịp gặp Danny và ngồi nói chuyện khá lâu cho Danny nghe về người cha mà Danny không có cơ hội được gần gũi. Cả hai chị em Cao Tân Khánh và Cao Uy Dũ đều có máu nghệ sĩ. Danny Cao Uy Dũ là một nhạc sĩ trumpet lừng danh ở vùng Bay area. Cao Tân Khánh là một nghệ sĩ trang trí từng triển lãm ở San Francisco, nay đã dọn về sống ở New Orleans. (Muốn biết thêm có thể vào website của Danny Cao là http://www.duuy.net/, và của Cao Tân Khánh là https://tankhanhcao.com/ Muốn nghe Cao Uy Dũ hát và thổi kèn có thể vào www.youtube.com/watch?v=AwmjkA-OmQ8.) Sống với Gail Ann được mấy năm thì Khánh trở về Việt Nam để giúp gia đình trông coi các cơ sở kinh doanh lúc ấy ngày một bận rộn, nhất là sau khi một người em trai của anh bị trúng đạn chết ở Xa Lộ Biên Hoà. Năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, CĐK kẹt lại. Trong 4 năm sau đó, anh liên tục vào ra các trại tù Cộng Sản. Thời gian này, anh có lúc sống ở Đà Lạt với một người đàn bà tên Trang, và có với bà ấy một người con gái tên là Yến. Năm 1979, sau mấy lần vượt biên thất bại, cuối cùng CĐK đã vượt thoát. Tại đảo tỵ nạn ở Mã Lai, anh kết bạn với chị Huỳnh Ngọc Anh. Ít tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, họ đã tìm đến nhau, và rồi sinh được hai người con gái là Cao Hữu Hạnh và Cao Trâm Hương nay cũng đã trưởng thành.
Năm 1980, ngay sau khi mới định cư ở Nam California, thơ CĐK đã xuất hiện như một luồng gió mới trên các tạp chí văn chương hải ngoại, nhiều bài thơ được thai ngén từ lúc còn ở trại tỵ nạn Mã Lai. Năm 1981, anh cho xuất bản tập thơ đầu tay: Lịch Sử Tình Yêu ở California. Đây là tập thơ đầu tiên đúng nghĩa ở hải ngoại. Ý tưởng tinh khôi, ngôn ngữ mới. Thiết tha những bi thương u uẩn, hạnh phúc khổ đau, những cảnh, những hình, nồng nàn da thịt, thơm mùi phố xá, chan hoà nắng mưa. Việt Nam, và Sài Gòn, và Lục Tỉnh, hiện hồn sống dậy: đĩa cơm tấm điểm điểm mỡ hành, ly nước mía mát cả má môi. Tập thơ đã được người đọc đón nhận bằng nhiều yêu mến, và đã phần nào làm bừng lên sức sống của dòng thơ hải ngoại. Tháng 12, 1996 Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn xuất bản tại Houston, Texas. Có lẽ nó đã đi một bước trước, một bước xa hơn, cách cảm nhận của người đương thời. Ngoài những bài được in lại từ Lịch Sử Tình Yêu, nhiều bài thơ trong LĐNGH đẩy giới hạn của sự cảm thụ thi ca ra xa hơn những chỗ người ta quen thuộc. Đòi hỏi người đọc phải động não, phải gồng mình chơi với tác giả, chứ không chỉ ngồi yên thụ hưởng. Có lẽ vì thế, trong 4 năm, từ lúc xuất bản đến lúc tác giả vĩnh viễn ra đi, và cả mãi đến bây giờ, gần 18 năm sau đó, LĐNGH ít thấy được nhắc đến. Thơ CĐK như đang bị chìm dần vào quên lãng. Nhưng không. Nó vẫn âm ỉ cháy trong hồn người đọc. Nhà thơ Ngu Yên, khi dõi mắt phóng cái nhìn tổng quan về quãng thời gần 50 năm thơ hải ngoại, đã phải nhắc đến CĐK trước hết, và đã phải thốt lên: Cao Đông Khánh là “một trong vài nhà thơ đại diện” cho dòng thơ hải ngoại. Dòng thơ Cao Đông Khánh không ngừng ở LĐNGH. Trước khi mất, CĐK đã đưa cho bạn bè xem bản thảo một xấp những bài thơ mới của anh. Tôi đã được đọc một số những bài thơ ấy. Phong cách khác trước. Như là một pho truyện thần tiên, kỳ thoại, ở một cõi trời mây ngũ sắc, ở một nơi ngoài giới hạn của cõi trần gian bụi bặm. Hình thức là những câu văn xuôi, tựa như kiểu cách trong bài Cánh Đồng Trầm Thuỷ, hay Nghĩa Vụ Hoà Bình, du dương lôi cuốn trong một nhịp điệu bằng hình ảnh lạ kỳ. Sau khi Khánh mất một cách đột ngột, chúng tôi, những người bạn của anh, chuyền tay nhau đọc, dự định in tập thơ ấy. Và thế nào mà rồi không biết, xấp thơ ấy nay đã thất lạc! Không ai nhớ ai giữ, ai cất ở đâu. Chúng tôi thật có lỗi với anh, và với giới thưởng ngoạn thi ca. Tuy nhiên, tôi tin là anh sẽ về dẫn dắt, chỉ đường, chỉ lối cho chúng ta. Và bản thảo của tập thơ thứ ba của CĐK, gồm nhiều bài thơ chép tay, sẽ lại xuất đầu lộ diện. Lần này nhất định chúng sẽ phải được xuất bản ngay khi tìm ra.
T.B. Đã từ lâu lắm tôi muốn làm một số báo đặc biệt tưởng niệm Cao Đông Khánh. Hồi Cao Xuân Huy còn làm chủ bút tờ Văn Học, chúng tôi đã gióng tiếng kêu gọi bài vở viết về người thi sĩ tài hoa ấy. Nhưng tuyệt không một âm vọng. Trên tờ Phố Văn, lời kêu gọi của anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng không có kết quả. Và như thế, giấc mơ làm số báo đặc biệt cho Khánh đã từ từ chìm vào quên lãng. Cho đến khi Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư một sáng nọ quét con mắt viễn thám vào trời thơ hải ngoại thấy lung linh bóng dáng Cao Đông Khánh, quyết định số 80 Thư Quán Bản Thảo sẽ là số đặc biệt về Cao Đông Khánh. Con mắt viễn thám ấy nhìn thấu thế gian, lục lọi ra cả những tài liệu, bài vở, mà có trường hợp ngay cả tác giả nó là tôi cũng không nhớ là mình đã từng viết bài ấy. Và thế là bắt đầu một cuộc vận động liên lạc với các bạn văn cũ từng quen biết với Cao Đông Khánh. Là người sửa bản in cho Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, tôi còn giữ trong tay độ mười quyển. Chúng liền được theo ngả bưu điện bay đi khắp nơi. Và lần này, một phần có lẽ vì thời gian đã chín mùi để mọi người nhìn lại Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, một phần vì tấm lòng tha thiết của hai người chủ trương Thư Quán Bản Thảo là Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, sự hưởng ứng từ mọi nơi là tràn đầy tình cảm, là “làm một số về CĐK là quý lắm” (Nguyễn Xuân Thiệp), là “CĐK xứng đáng, làm đi, moi sẽ viết bài” (Ngu Yên), là “tôi sẽ gửi những tài liệu về người bạn đặc biệt ấy” (Phạm Văn Kỳ Thanh), và là sự đồng tình đến từ cả những người chỉ đọc thơ mà chưa bao giờ gặp Khánh. Nhưng, nếu không có sự nhiệt thành của Thư Quán Bản Thảo chắc không bao giờ có số báo đặc biệt về Cao Đông Khánh. Chuyện in ấn đã đành, nhưng không là gì so với lòng yêu mến Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, so với lòng hăng hái, thúc dục, đôi khi đến độ căng cả giây thần kinh, của hai người điều hành TQBT. Thay mặt cho chị Huỳnh Ngọc Anh và gia đình, và cho bạn bè của Cao Đông Khánh, tôi xin được tri ân tình cảm Thư Quán Bản Thảo đã dành cho anh, và nhất là, lòng yêu mến dành cho những câu thơ, những con chữ của Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.
Bùi Huy
Houston, tháng 5, 2018
nguồn: Thư Quán Bản Thảo, số 80, tháng 6 năm 2018, chủ đề Cõi Thơ Cao Đông Khánh, New Jersey, Hoa Kỳ