Tưởng Nhớ
THANH TUỆ
người chủ trương nhà xuất bản AN TIÊM
qua đời năm 2004
với các bài viết của:
1. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
2. Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn
3. Nhà báo Nguyên Huy
4. Quán Như
Nguyễn Mộng Giác Nghĩ về Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử và Thanh Tuệ! Trích từ web nguoi-viet.com
Trong một bài tạp ghi viết cách đây khá lâu, tôi có ghi nhận mối duyên nợ thắm thiết giữa nhà thơ và nhà chùa. Hầu hết các nhà sư đều thích đọc thơ, làm thơ, in thơ. Hầu hết các nhà thơ, ngược lại, đều có quan hệ thắm thiết với nhà chùa, nhất là vào những lúc nhà thơ gặp cảnh hoạn nạn. Cũng lạ. Tôn giáo nào cũng tuyên xưng lòng thương yêu. Chùa chiền, giáo đường, thánh thất... luôn luôn mở cửa chào đón những kẻ khốn cùng, những người bất hạnh. Một nhà thơ đau khổ cũng tuyệt vọng, xót xa như bất cứ ai, nhiều khi người biết làm thơ ít đau khổ hơn những người không biết làm thơ, vì nhà thơ có thể chia bớt nỗi đau cho chữ nghĩa. Ðau mà khóc được thì mau vơi hơn nỗi đau thầm. Nhưng khi tìm một nơi an trú, hình như các nhà thơ lại có những cách lựa chọn khác hơn người thường. Lý do? Nói như ngôn ngữ nhà Phật, các nhà thơ thường có cái ngã lớn hơn người thường. Dù trong cảnh hoạn nạn, các nhà thơ không thích những đôi mắt nhìn xuống thương hại, không thích bị đối xử như một đứa trẻ mồ côi trong viện dục anh. Thử tưởng tượng một nhà thơ như Alfred de Vigny (tác giả bài Cái chết của con chó sói) hay Tản Ðà (người tự nhận là ông tiên bị giáng xuống trần) mà phải chịu đứng yên cho các bà mệnh phụ ngắm nghía hình hài và xuýt xoa thương xót, chúng ta sẽ thấy hình ảnh đó nghịch lý biết chừng nào. Thi sĩ có thể nghèo đến độ nhìn hoa cúc vàng mà gan ruột cồn cào vì đói như Nguyễn Du, có thể chết dấm dúi trong một chiếc thuyền rách như Ðỗ Phủ. Nhưng phải chịu thu vai bó gối cho thiên hạ nhìn xuống thương hại, thì không. Nhất định không. Thi sĩ thích tìm nơi an trú nào ở đó, anh ta vẫn có thể tiếp tục làm thi sĩ, ở đó không có những ánh mắt thương hại, ở đó khỏi phải ngửng đầu lên mà cầu khấn. Nhìn quanh, hình như chỉ có chùa chiền là nơi an trú thích hợp cho các nhà thơ. Kể cũng đúng thôi. Vừa qua khỏi cổng chùa, thi sĩ đã gặp một thi sĩ thực thụ (hay một chuẩn thi sĩ) là nhà sư trụ trì. Hai bên đều thầm nghĩ thơ mình hay nhất, nhưng cách định giá chủ quan ấy không làm cho mối quan hệ khó khăn nặng nề hơn, vì đã có một lối phân định ranh giới hợp lý: tôi thơ đời, thầy thơ đạo. Trong thơ tôi nỗi thống khổ lên cao đến hết cung bậc. Trong thơ thầy, nỗi đau chỉ là gió thoảng. Lối xác định rạch ròi ngay từ ban đầu giữa hai thi sĩ không phải là ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ Phật pháp. Khi Ðức Phật nhận mình chỉ là người dẫn đường chứ không phải là đấng thiêng liêng cứu thế, và mỗi người phải tự đốt đuốc soi tìm đường đi, thì nhà sư trụ trì không thể đứng trên cao nhìn xuống cái thế gian nheo nhóc này mà thương xót được. Mỗi người đều tự tạo nghiệp cho mình, và chỉ có mình chứ không có ai khác có thể cứu mình. Ðạo Phật cũng không đòi hỏi mọi người phải chấp nhận những tín điều mình đưa ra như những chân lý tuyệt đối bất khả tư nghị. Chính Ðức Phật cũng thường xuyên cảnh giác Phật tử, khuyên họ không nên tin theo những điều chính mình cũng chưa hiểu rõ, chưa thông suốt, kể cả những điều đã được người xưa truyền lại, ngay cả những điều đã được ghi trong kinh sách. Tinh thần vô chấp của Ðạo Phật rất thích hợp với khát vọng suy nghĩ và sáng tạo tự do của văn nghệ sĩ. Nhà thơ vào chùa thoải mái, không bị ai chận cửa thu thẻ căn cước, khỏi phải rón rén bước đi vì kinh sợ đấng thần linh, lỡ nói năng ba hoa quá lời cũng không sợ tội phạm thánh vì nhà chùa không có thánh, và nếu không chịu được cuộc sống tu hành kham khổ phải rời chùa, cũng không bị ai chê trách. Ðúng là chỗ an trú lý tưởng của các nhà thơ, khi họ cần một chỗ trú. Vì thế Phạm Công Thiện là khách quí của khắp các chùa lớn chùa nhỏ ở Việt Nam và ở hải ngoại. Nguyễn tất Nhiên lái xe đến chùa trước khi quyết định từ giã cõi đời. Và Bùi Giáng trong suốt cuộc chơi lớn với đời vẫn xem chùa chiền là chỗ dừng nghỉ thoải mái. Nói như thế, không có nghĩa là khi khổ đau các nhà thơ Việt Nam chỉ tìm tới một địa chỉ: nhà chùa. Nói như thế không công bằng, khi ai trong chúng ta cũng biết bài thơ tuyệt tác Eve Maria của Hàn Mặc Tử trong tập Xuân Như Ý. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Ðây là mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy rẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mặc Tử, thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng đế, để ban phước cho cả và thiên hạ”. Rồi Hoài Thanh đưa ra nhận xét chung: “Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy”. Hoài Thanh nói đúng. Hàn Mặc Tử là nhà thơ đầu tiên mang không khí Phúc âm vào thi ca Việt Nam. Và cũng là lần đầu người đọc chứng kiến một nhà thơ say sưa dâng trọn đời mình cho Ðức Tin: Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh Run như run thần tử thấy long nhan Run như run hơi thở chạm tơ vàng Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến Lạy Bà là Ðấng tinh truyền thanh vẹn Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế... Giả dụ Hàn Mặc Tử sống cùng một thời một chỗ với một thi sĩ lớn khác là Bùi Giáng. Trong khi Hàn Mặc Tử dọn mình tinh sạch để “dâng lời cảm tạ phò nguy” lên Ðức Mẹ trong khung cảnh trang nghiêm thiêng liêng của giáo đường, thì Bùi Giáng vung tay huơ chân đùa cợt với Thượng Ðế: Hôm nay ông Thượng Ðế đề huề Ngày mai cô độc mỏi mê linh hồn Hôm nay Thượng Ðế ăn cơm Ngày mai ông ăn cá cơn cơn cuộc tình Hôm nay ông ăn nói đinh ninh Ðàng hoàng rất mực tặng Na Quỳnh bài thơ... Nhất định không ai cho Bùi Giáng được phạm thánh ở chỗ Hàn Mặc Tử đang cầu nguyện, dù ông được mọi người cho rằng ông điên, khỏi phải chịu trách nhiệm về những điều nói ra. Gọi Thượng Ðế bằng “ông” là một tội lỗi không thể tha thứ được, chưa nói tới vụ bắt Thượng Ðế “ăn cơm, ăn cá, cơn cơn cuộc tình” và sợ cô độc, y như Bùi Giáng vậy. Không ai có thể cao hơn Ðấng Sáng Thế, kể cả các thi sĩ ngông cuồng tự xem mình là trích tiên như Lý Bạch, Tản Ðà. Không có thứ tài ba nào có thể ở ngoài sự xếp đặt của Ðấng Sáng Thế, cho nên kiểu tự phong ngang xương mà đáng yêu của Bùi Giáng không có chỗ trong giáo đường: Làm thơ hay nhất trần đời Cái điên cũng đến tuyệt vời cuồng điên Cái khùng cũng vậy tuy nhiên Cái tài hoa cũng muộn phiền lắm thay. Bùi Giáng chỉ có thể đến nương náu nơi cửa chùa, vì Ðức Phật chẳng những không cấm đoán mà còn khuyến khích cái quyền ngờ vực chân lý có sẵn. Thơ Bùi Giáng bay lượn giữa thực và ảo, nghiêm chỉnh và bông đùa, phóng túng và cổ điển nhờ ông tận hưởng được cái quyền tự do tìm kiếm chân lý và chọn kiểu sống theo ý mình. Ngược lại, thơ Hàn Mặc Tử có giá trị trường cửu nhờ Ðức Tin nhiệt thành của ông. Hai con đường vào thơ cũng là hai cách chọn chỗ an trú. Hai cách chọn khởi điểm để sống trọn đời mình: biết ngờ, và biết tin. Con đường vào thơ của Bùi Giáng dẫn tới cửa chùa Nói cụ thể hơn, không có nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ thì bạn đọc không có cơ hội thấy hết được sự nghiệp thơ đồ sộ của Bùi Giáng. “Cuộc chơi lớn” của Bùi Giáng không dễ tìm được một nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in thơ cho ông, ngoài nhà An Tiêm. Có thể nói hầu hết những tác phẩm quan trọng của Bùi Giáng (và cả Nguyễn Ðức Sơn) đều do anh Thanh Tuệ in, dù nhà xuất bản biết không thể lấy lại vốn in đã bỏ ra. Dường như có một trùng hợp may mắn cho văn chương miền Nam trước 1975: một nhà thơ lớn đẩy thơ vào một cuộc chơi lớn, thì ngay lập tức cũng có một nhà xuất bản “chịu chơi” có đôi mắt xanh sẵn sàng bỏ công bỏ sức ra in thành quả khác thường của cuộc chơi ấy. Thời nào cũng vậy, bỏ tiền ra in thơ là một hành động đầy “thi vị”. Nhưng in thơ một cách trân trọng, trang nhã, mỹ thuật như anh Thanh Tuệ lúc đó in cho Bùi Giáng, thì người đi tiếp cuộc hành trình của Bùi Giáng cũng phải có tâm hồn của một nhà thơ lớn. Phải, tôi tin chắc rằng anh Thanh Tuệ kiếp trước cũng là một nhà thơ. Không, tôi lầm. Không cần phải đi ngược lên kiếp trước. Ngay trong kiếp này, anh “đã là” một nhà thơ. Thi nghiệp của anh là An Tiêm. Mỗi quyển sách anh in ra là một bài thơ, vì hầu hết đều rất đẹp. Rất trang nhã. An Tiêm đã nâng tiêu chuẩn hình thức sách của miền Nam trước 1975 lên một mức cao hơn trước đó rất nhiều, bắt buộc các nhà xuất bản khác phải chú trọng đến cách trình bày bìa, cách chọn kiểu chữ, cách chọn màu giấy, cách bố trí trang... Không phải là nói quá lời, nếu bảo An Tiêm là cái mốc cho trình độ của ngành xuất bản ở miền Nam. Nói đến giá trị hình thức sách, phải nói đến phân ranh “trước và sau An Tiêm”. Tôi chưa thấy ai mê sách đẹp cho bằng anh Thanh Tuệ. Rảnh lúc nào, anh dạo một vòng qua các hiệu sách. Anh dán mắt vào tủ kính trưng bày những cuốn mới xuất bản và vừa phát hành. Anh không quan tâm tới tên tác giả, và nội dung. Anh say sưa ngắm nghía cách nhà xuất bản chọn chữ cho nhan sách, màu bìa, phẩm chất giấy, cách bố cục hài hòa giữa màu sắc và hình ảnh... Cái đẹp của sách là cái nghiệp nặng làm trở ngại không ít cho cuộc đời tu hành của anh. Mê sách đẹp và những tâm hồn rộng, cuộc chơi lớn, anh đứng đợi Bùi Giáng vào lúc, vào chỗ thích hợp nhất, để hai người sóng vai thực hiện một cuộc hành trình mới vào thơ. Anh Thanh Tuệ làm thơ theo cách của anh, chất liệu thơ anh là những trang sách đẹp, và cái mới trong thơ anh là những quyết định in thơ đầy táo bạo và thi vị. Hậu thế yên tâm thừa hưởng những thành quả của nghệ thuật, tưởng nhớ và biết ơn những nghệ sĩ sáng tạo ra các thành quả ấy. Nhưng hậu thế cũng thường bất công khi quên ơn những người có đôi mắt xanh biết trước mọi người những viên ngọc nằm lẫn lộn trong đám cát bụi đất đá, những người bỏ công thu góp những viên ngọc ấy rồi cặm cụi mài giũa, gắn kết lại thành những giá trị vĩnh cửu. Với văn chương chữ nghĩa, họ là những người làm xuất bản như anh Thanh Tuệ của nhà An Tiêm
Nguyễn Đình Tòan Thanh Tuệ Trích từ web nguoi-viet.com
Những người làm văn nghệ, làm báo cũ, nghĩa là biết nhau từ những năm trước 75, lèo tèo không còn lại mấy người, ở đây, thỉnh thoảng gặp lại nhau, phần lớn nhờ có báo Người Việt. Từ miền Tây miền Ðông gì đó về, Từ Tây, Canada, Nhật, hay Ðức qua... ai cũng dành chút thì giờ ghé qua tòa báo, may ra gặp người nọ người kia, không thì cũng hy vọng hỏi thăm tin của người này người khác có thể trong tòa báo có người biết. Tuần rồi Thanh Tuệ từ Pháp qua cũng ghé tòa soạn Người Việt. Nghe nói ông có gặp Ðỗ Quý Toàn, Hoàng Khởi Phong và đề nghị mỗi người dành cho ông một tác phẩm trong đợt xuất bản “lớn”, sắp tới, kỷ niệm 40 hoạt động của nhà xuất bản An Tiêm. Những người quen biết ông, được tin ông qua Mỹ, chưa gặp, nhưng chắc bụng, ngày một ngày hai, rồi cũng gặp thôi. Thanh Tuệ mà “mưu toan” in sách thì có gì lạ đâu? Lại định “làm ăn lớn” nữa thì hẳn phải còn “ngon lành” lắm. Thế nhưng, mới buổi sáng, chập tối người ta đã nghe tin Thanh Tuệ được đưa vào nhà thương cấp cứu. Rồi tin Thanh Tuệ mất được những người quen biết loan báo cho nhau. Như thế chỉ trong một ngày người ta đã nghe đủ thứ tin về ông, ngắn, gọn nhưng dường thâu tóm cả đời người: Ði lại, thăm viếng bạn bè, dự tính làm việc và... chết! Tấm hình ông đăng trên báo, đối với những người biết ông cách đây ba bốn chục năm, chỉ thấy ông già đi hơn một chút chứ không có gì thay đổi, vẫn đôi mắt có một vẻ gì đó “ không muốn nhìn nhưng thấy hết “ và nụ cười hiền từ chúm chím pha một chút hóm hỉnh lúc nào cũng như có sẵn trên môi. Không có nụ cười ấy chắc ông không chịu nổi những câu nói đùa “rởn tóc gáy” và những chuyện đi về “rầy rà” của ông Bùi Giáng trong căn nhà ở đường Lý Thái Tổ. Ở đấy ông khởi sự làm nhà xuất bản An Tiêm. Không biết ông in ở đâu. Nhưng những trang sách in rồi được đem về đấy để đóng thành sách. Trong nhà luôn có mấy phụ nữ ngồi khâu sách, dán bìa... Ở đấy Bùi Giáng”đi về như nhà mình”, la hét, cũng có khi vài ba ngày không nói câu nào, lăn ra ngủ, thức dạy, đi mất. Những chuyện gì Bùi Giáng đem ra trêu chọc, “hành hạ” Thanh Tuệ, ai muốn biết, muốn nghe, có thể hỏi dịch giả Bửu Ý. Bửu Ý biết nhiều chuyện và nếu ông không kể lại, không ai dám kể lại. Ở đấy, những cuốn sách đẹp nhất của Bùi Giáng đã được Thanh Tuệ chăm chút trước khi tung ra đời. Lá Hoa Cồn. Nghìn Thu Rớt Hột. Hoàng Tử Bé... Thuở ấy Sài Gòn có mấy nhà xuất bản in sách đẹp là An Tiêm, Lá Bối, Cảo Thơm, và một nhà xuất bản nữa của ông Trương Vĩnh Lễ, [tên?] phần mỹ thuật do họa sĩ Thái Tuấn đảm trách, mới in được một số truyện thiếu nhi tuyệt đẹp. Phải nói, khi ấy, tác giả nào được các nhà xuất bản này in sách đều rất hài lòng. Chính nhờ những người như các ông Thanh Tuệ, Từ Mẫn [Võ Thắng Tiết] mà vai trò của các nhà xuất bản trong sinh hoạt văn học nghệ thuật chung [của quốc gia] được nâng lên cao hơn, được đánh giá đúng mức hơn. Họ đã thực hiện đúng câu: “Một cuốn sách hay cần được in đẹp”. Sách in đẹp sẽ hấp dẫn hơn đối với độc giả và do đó sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Ðộc giả có mua sách nhiều nhà xuất bản mới sống được. Nhà xuất bản có sống được mới có tiền trả cho các tác giả. Các tác giả có tiền mới sống được mà viết tiếp. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ mãi chúng ta không ra khỏi. Và hình như càng ngày càng bí thêm nữa. Nhưng xuất bản gần như định mệnh của Thanh Tuệ. Nay ông đã mất, mất trong lúc vẫn đang nuôi ý định tiếp tục công việc xuất bản thì có thể nói công việc ấy chính là định mệnh của ông chứ không phải “gần như” gì nữa. Cũng không có ý nghĩa gì tâng bốc trong cách nói như thế. Ðó chỉ là một công việc. Có điều đó là một công việc nếu không có niềm say mê thì không làm được. Phải nhìn thấy Thanh Tuệ cầm những cuốn sách, nâng niu những cuốn sách ông vừa in xong, mới biết ông “cưng” chúng thế nào! Cũng phải nghe ông nói về “mùi thơm” của những trang giấy mới in một mặt để hiểu vì sao ông không bỏ công việc xuất bản được dù trải qua bao điêu đứng. Thanh Tuệ xuất bản nhiều loại sách. Nhưng đọc lại tất cả các sách của nhà An Tiêm người ta sẽ nhận ra điều này: Cái mà Thanh Tuệ yêu nhất là “Thơ”! Chuyến trở về Việt Nam đầu tiên sau khi vượt biên, gặp lại một tác giả, thân hữu cũ, câu dặn của ông là hãy dành tất cả thơ làm được từ sau 75 để ông in. Gửi ra được ngay ông sẽ in ngay. Không làm được vậy thì cứ giữ đấy, lúc nào ông có bản thảo trong tay, ông sẽ in. Lòng yêu thơ của ông được thể hiện ngay trên những mẫu bìa sách do ông chọn lựa hoặc gợi ý để các họa sĩ trình bày, luôn có một vẻ giản dị, cái đẹp, chất thơ mộng toát ra từ chính sự giản dị đó. Cũng nhờ có Thanh Tuệ, những suy nghĩ mới mẻ nhất về về văn chương, về triết học của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, tư tưởng của những Camus, Andre Gide, H. Hess, Suzuki... đã đến với tuổi trẻ Việt Nam trực tiếp và dễ dàng. Vương Hồng Sển đã phân biệt hai loại người: Mê sách và cuồng thư tịch. Mê sách là người thấy sách hay, sách mình thích, mới mê. Cuỗng thư tịch là người cứ thấy sách là mê, bất kể hay dở, sách gì vớ được cũng muốn ôm lấy, cũng muốn khư khư giữ hết. Ðáng lẽ cụ Vương còn phải kể thêm một “bệnh nhân” khác nữa về sách, đó là người mê... bìa sách [!]:ông Thanh Tuệ. Chính ông đã kể lại, không biết bao lần đã đến các tiệm sách chỉ để đứng nhìn, ngắm nghía những bìa sách, cũng không cần biết tác giả là ai, nội dung sách thế nào, so sánh những “co” chữ, thêm bớt, xê dịch trong tưởng tưởng những nét, những kiểu chữ, thứ giấy nào đó để làm bìa, hẳn cái bìa sẽ rất đẹp... Những tác giả có sách do nhà An Tiêm xuất bản, nay còn lại bao người? Ông Võ Thắng Tiết đã đóng cửa nhà xuất bản Văn Nghệ [hậu thân của nhà Lá Bối]. Thanh Tuệ mất kể như nhà An Tiêm cũng không còn. Ðất nước thì người chán chế độ đến mấy cũng vẫn phải tự hỏi, không biết nó còn tồn tại tới bao giờ? Nhưng kẻ sống bám vào chế độ thì cố lo vơ vét vì sợ rằng chỉ ngày mai đây nó sẽ sụp đổ. “Sách vở ích gì cho buổi ấy”, nhỉ? Nguyễn Ðình Toàn |
Nguyên Huy Buổi tưởng niệm Nghệ Sĩ Thanh Tuệ và Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu Trích từ web nguoi-viet.com |
Chiều tối hôm Thứ Sáu cuối tuần qua, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, gia đình Công Ty Người Việt đã tổ chức một buổi Tưởng Niệm Nghệ Sĩ Thanh Tuệ và Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu, cả hai vừa từ giã bạn bè thân quyến đi vào cõi miên viễn chỉ cách nhau có hai ngày. Cả hai đều là những người thân thiết văn nghệ với hầu hết anh chị em trong Công Ty Người Việt. Không những thế, Ngô Mạnh Thu còn là một người được thính giả VNCR yêu chuộng vì những gì anh đã đóng góp trên làn sóng này từ nhiều năm qua. Cũng thế, anh Ngô Mạnh Thu còn là một huynh trưởng được toàn thể Gia Ðình Phật Tử Hải Ngoại yêu kính vì tác phong, đạo đức cũng như kiến văn của anh đóng góp cho Gia Ðình Phật Tử. Vì những lẽ đó nên thân hữu đã đến đông chật phòng sinh hoạt rộng của Nhật Báo Người Việt. Hàng chục người đã phải đứng dọc theo cuối phòng cũng không nề hà gì. Buổi tưởng niệm đã có ngay không khí thật xúc động vì không kể số thân hữu đến quá đông mà còn vì sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thích Quảng Thanh, Nhạc Sĩ Phạm Duy cùng gia đình thân quyến của hai anh Thanh Tuệ, Ngô Mạnh Thu. Không một nghi lễ khuôn sáo nào được diễn ra như thường lệ mà chương trình buổi tưởng niệm đi ngay vào những nhắc nhở về người đã khuất. Nhà văn Ðỗ Quý Toàn là người nhắc nhớ đầu tiên. Bằng một giọng bùi ngùi thương tưởng, nhà văn Ðỗ Quý Toàn đã rọi chiếu vào sự hoạt động văn chương nghệ thuật âm thầm ít người được biết tới của Thanh Tuệ, “làm văn hóa mà không cần sáng tác một tác phẩm nào về nghiên cứu, biên khảo cũng như truyện dài truyện ngắn... Ông Thanh Tuệ chỉ làm mỗi cái công việc là xuất bản.” Dĩ nhiên xuất bản ở đây, nhà văn Ðỗ Quý Toàn không nói tới nhưng là sự xuất bản có ý thức, có chọn lọc vì Thanh Tuệ hiểu rằng sách vở là nơi lưu trữ tư tưởng nên không thể khinh suất trong việc xuất bản và càng không thể cho bóng dáng thương mại xuất hiện trong đó. Nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ từ trong nước ra đến hải ngoại bao giờ cũng cho ra mắt người đọc những tác phẩm quí giá, quí giá từ nội dung đến hình thức. Những tác phẩm của An Tiêm, về hình thức phải nói là một công trình nghệ thuật từ giấy, bìa cho đến chữ in và sự chăm chút hiện lên trên mỗi trang in. Về nội dung thì chính từ An Tiêm mà các nhà thơ như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, nhà tư tưởng nghệ sĩ Vũ Khắc Khoan, nhà tu Thích Nhất Hạnh đã đến sâu rộng với mọi người. Hầu hết các văn nghệ sĩ đều yêu quí mến chuộng Thanh Tuệ vì tính cách nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ của Thanh Tuệ. Cái dự tính sang năm của Thanh Tuệ là kỷ niệm 40 năm An Tiêm hoạt động thì nay Thanh Tuệ đã vội vã ra đi, nhưng nhà văn Ðỗ Quí Toàn cho biết, anh em còn lại sẽ tìm mọi cách thực hiện cho anh sự mong ước này. Ðến Ngô Mạnh Thu, nhiều người đã lên nhắc nhớ. Hòa Thượng Thích Tâm Châu, nhà bình luận Lý Ðại Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, phật tử Ðặng Ðình Khiết... Anh Ðặng Ðình Khiết, về từ Virgina khi hay tin Ngô Mạnh Thu đột ngột từ bỏ mọi người, đã thật xúc động nhắc nhớ những kỷ niệm với Ngô Mạnh Thu từ những ngày “vào đời”. Cái mà Ngô Mạnh Thu gắn đọng trong tâm thức của Ðặng Ðình Khiết là “những cái mầm ý thức văn nghệ, dân tộc và tôn giáo”. Hòa Thượng Thích Tâm Châu có nhận định rằng công việc của Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu đã làm trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo đã ảnh hưởng tốt đến nhiều người. Chúng ta hãy noi theo những gương đó mà phục hưng cho đất nước Việt Nam chúng ta. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, người từng có một thời gian dài du ca với Ngô Mạnh Thu, thì say sưa nhớ về những tháng năm hoạt động khi tuổi còn trẻ. Nguyễn Ðức Quang cho rằng Ngô Mạnh Thu là một cái gì hoàn tất bởi vì Ngô Mạnh Thu là “một người đa tài trong đám đông”. Cũng trong buổi tưởng niệm này, một Phật tử khác, Tâm Trí Ðỗ Quang Vui, thì cho mọi người ngẩn ngơ thích thú khi cho biết một bài tình ca của Ngô Mạnh Thu qua tiếng hát khá truyền cảm và trầm ấm của ông. Bài tình ca viết về một người con gái có tên Thụy Trân. Thụy Trân! Thụy Trân! Người con gái có thật hay chỉ là một ngẫu hứng của một nghệ sĩ nắm bắt được cái đẹp! Ông Ðỗ Quang Vui cũng còn nhắc đến tác phẩm “Trường Ca Lửa” thật hùng vĩ của Ngô Mạnh Thu khi được chứng kiến Lửa Từ Bi từ nhục thể Bồ Tát Thích Quảng Ðức đã rạng soi lên lương tâm nhân loại. Nhiều bài du ca của Ngô Mạnh Thu đã được Gia Ðình Phật Tử và nhóm du ca cũ trình diễn lại khiến không khí buổi tưởng niệm không lúc nào người tham dự có thể không nghĩ tới những người đã khuất. Cho mãi đến hơn 10 giờ khuya, mọi người mới lục tục ra về, không quên nhìn lại dáng vẻ nghệ sĩ của Thanh Tuệ và cái cốt cách phiêu bồng thoát tục của Ngô Mạnh Thu trong hai bức hình lớn đặt trên sân khấu.
QUÁN NHƯ NHƯ CÁNH CHIM BỎ ĐÀN Trích từ web chuyenluan.com Sau năm 1963, giới văn nghệ không ai không biết đến một nhà sư trẻ ốm yếu, nụ cười nhẹ nhàng khiêm tốn, Thầy Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm. Căn nhà nhỏ ở đường Lý Thái Tổ gần Ngã Sáu là nơi tụ họp thường xuyên của văn nghệ sĩ trẻ. Thầy là người ‘khám phá’, ‘nâng đỡ’ các tài năng ‘mới’, mới so với các nhóm văn nghệ sĩ Bắc Hà đang độc chiếm văn đàn. Ca Khúc Trịnh Công Sơn, các tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện, truyện dịch dịch của Bửu Ý …được nhà xuất bản An Tiêm in với bìa được trình bày mỹ thuật của Đinh Cường, Trịnh Cung, mở cửa cho phong thái khác trong kỹ nghệ xuất bản. Khác với những chủ nhà xuất bản thương mại khác, Thầy Thanh Tuệ được các giới nghệ sĩ yêu mến như một người bạn, vì chính Thầy cũng tài hoa, bay bướm như bất cứ nghệ sĩ nào, dù Thầy chưa xuất bản một tác phẩm nào cho mình. Thầy Thanh Tuệ là một trong những cánh chim đầu tiên của quê hương tâm linh Phương Bối, vào các năm đầu 60, trước khi Nhất Hạnh xuất ngoại lần thứ nhất. Nhất Hạnh và những cánh chim này là đoàn tu sĩ và cư sĩ nòng cốt trong phong trào Phật Giáo nhập thế, hiện đại hóa, hay nói theo Nhất Hạnh, đem đạo Phật đi vào cuộc đời. Các tu sĩ trẻ Phương Bối sau này tụ tập quanh các tạp chí văn nghệ Phật giáo như Sen Hái Đầu Mùa, Hải Triều Âm, Giữ Thơm Quê Mẹ và Thiện Mỹ, và quanh hai nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Tất cả những mộng tưởng, chương trình, sinh hoạt có thể tìm thấy trong tập ‘nhật ký’ Nẽo Về Của Ý của Nhất Hạnh. Các người ‘em’ gần gũi với Nhất Hạnh như (Thanh) Tuệ, Nguyên Hưng (Thanh Văn), Châu Toàn và (Từ) Mẫn. Các sinh viên trẻ thời bấy giờ như Phượng (Chân Không), Dương (Huỳnh Bá Huệ), Khanh (Đổ Tuấn), Hà, Nhiên và Chi (mà tôi không nhớ họ) sau này đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào. Trong số người em cư sĩ có Lý Đại Nguyên, người đã tặng Thầy Nhất Hạnh hai câu thơ trước khi Thầy xuất ngoại lần thứ nhất: Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát Thì tìm em trong tận đáy hồn anh. Ngoài ra còn có một tu sĩ cùng lứa với thầy Nhất Hạnh ở Thiền Duyệt Thất tại Phương Bối, là Thầy Thanh Từ. Thầy Nhất Hạnh đã tặng Thầy Thanh Từ bài thơ Thiền Duyệt Thất, nhẹ nhàng như bài kệ của các thiền sư đạt đạo trong các thế kỹ trước. Nhìn lại các cánh chim Phương Bối mới thấy mức quyến rũ của nhân cách của Thầy Nhất Hạnh và ảnh hưởng lớn lao của phong trào hiện đại hóa Phật giáo. Nhà xuất bản Lá Bối lúc đầu giao cho chị Hà coi sóc sau khi có một Phật tử cho muợn vốn, sau này giao lại cho Thanh Tuệ, và khi Thanh Tuệ đứng ra lập nhà xuất bản An Tiêm, được giao cho (Từ) Mẫn coi sóc đến năm 1975. Trong khi Lá Bối in những tác phẩm liên hệ đến Phật giáo hay những tác phẩm nghiên cứu, An Tiêm phần lớn in những tác phầm sáng tác ‘trẻ’, so với nhóm các nhà văn Bắc Hà đã thành danh trong Sáng Tạo, Thế Kỹ Hai Mươi hay Hiện Đại trước đó. Chủ trương đưa đạo Phật vào cuộc đời đã được thực hiện một cách cụ thể qua chương trình Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trong khi những người ‘em’ khác của Nhất Hạnh đều lần lượt ‘động viên’ làm giám đốc trường, từ Châu Toàn, Thanh Văn và Từ Mẫn, Thanh Tuệ vẫn tiếp tục con đường đưa Phật giáo vào đời qua những công trình văn nghệ. Biến cố 75 đã ảnh hưởng đến bao nhiêu cuộc đời. Thầy Thanh Tuệ cũng không tránh khỏi thông lệ chung đó. (Từ) Mẫn và (Thanh) Tuệ cởi bỏ y bát hoàn tục. Lạ kỳ thay, các bạn bè thân quen vẫn gọi hai Thầy là Thầy Từ Mẫn và Thầy Thanh Tuệ. Có nhiều người khác, sau khi cởi áo còn luyến tiếc bám víu những danh vị như Thượng Toạ Tiến Sĩ, Pháp Sư…Hay khi một vài vị khác còn mặc y vàng chói lói, nhưng lại ít được Phật tử kêu bằng Thầy. Vài cánh chim Phương Bối đã cỡi hạc nội mây ngàn, như Châu Toàn và Thanh Văn, giờ tới phiên ‘Thầy’ Thanh Tuệ, cũng đã thong dong như mây trời. Viết lại lịch sử phong trào Phật giáo hiện đại hóa vào các năm 60 và 70 không thể nào quên được những cánh chim Phương Bối. Riêng người viết không thể nào quên được nụ cười rạng rỡ trên nét mặt tròn trịa của Thầy Châu Toàn, mảnh khảnh hiền từ của Thanh Văn và nụ cười khiếm tốn của Thanh Tuệ. Nếu ở cõi nào đó khác hơn cõi người ta, nếu có tài năng nào cần được nâng đỡ, tôi tin Thầy sẽ ‘hy sinh’ thêm một lần nữa, vẫn tiếp tục mở nhà xuất bản in sách cho những tài năng mới. Quán Như 2004
|