5 câu
gio-o.com phỏng vấn
Về Văn Chương Mạng
Lý Ốc BR
1: Văn Chương
Mạng. Với người tiêu thụ tham gia vào mạng internet hiện nay, có khuynh hướng
tiên đoán là sản phẩm tưởng tượng như truyện/chuyện dài ngắn sẽ lụi. Các hàng
thật như tản mạn/tự chuyện … sẽ lên, bạn nghĩ thế nào?
Lý Ốc BR: Tưởng tượng là phần thưởng Hoá Công dành cho con người. Những nhà
khoa học thực nghiệm lừng danh nhất như Albert Einstein hay Steve Jobs đều bái
phục sự tưởng tượng, theo họ, nếu không có tưởng tượng thì sẽ không có tài năng
và sản phẩm khoa học kỹ thuật. Albert và Steve là những khoa học gia, kỹ thuật
gia nghệ sĩ. Trở lại chuyện Văn Chương Mạng, tôi nghĩ vai trò của tưởng tượng
cũng không thể tàn lụi. Bằng cớ là thơ, thơ mạng còn nhiều quá trời. Hoặc, trường
thiên tiểu thuyết Harry Potter danh trấn giang hồ thế giới. HP không phải là
văn chương mạng, nhưng mạng văn chương rõ ràng đã không thể chôn vùi văn chương
tưởng tượng nặng ... ký. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có phần giới hạn. Internet
đơn giản chỉ là kỹ thuật điện tử. Nó tiện dụng truyền tin, rất nhanh, và thường
là free, miễn phí. Từ đó nó mang đặc tính cá nhân đơn lẻ rất lớn. Một người yêu
thích văn chương hắn có thể tự mở trang blog, hay website riêng để làm thơ viết
văn dễ dàng. Hắn ta cũng sẽ có thể gởi sáng tác đến các trang văn chương khác
không có gì khó. Do đó, đặc tình vừa cá nhân vừa không tốn tiền khiến văn chương
mạng có khuynh hướng ngắn hơn, thật hơn. Tự chuyện, tản mạn, vốn dĩ ngắn và gần
sự thật, sẽ thích hợp hơn. Mà ngay cả thơ có lẽ cũng thế.
2: Bạn có thể cho biết nơi bạn đang sống, và liên hệ môi trường đang sinh sống
của bạn với sinh hoạt Văn Chương Mạng của cá nhân bạn. Bạn có nhu cầu chia sẻ
những sáng tác của bạn với những người đang sinh hoạt hàng ngày với minh không
? Có thì tại sao , và không thì tại sao ?
Lý Ốc BR: Tôi cũng có một trang blog cá nhân. Tôi viết và post nhiều đề tài
khác nhau. Văn chương, nghệ thuật, thể thao, thời sự v.v... Tôi cám ơn kỹ thuật
internet nhưng tôi lại không thích hình thức "giao lưu" trên mạng.
Trang blog cá nhân của tôi đóng kín phần comments. Ở vài trang văn học khác tôi
lại có nêu ý kiến, quan điểm riêng, thế thôi chứ không muốn giao lưu và không
muốn tranh ... cãi. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn, tuy nhiên nó đem lại cho
riêng tôi sự nhẹ nhàng tâm trí, hơn là bận bịu với kiểu "mua trâu vẽ
bóng" như theo cách người bình dân nói. Tôi nghĩ người tham gia trò chơi
liên mạng nên có cái tâm "điệu nghệ", cho không cầu nhận, thi ân bất
cầu báo (hơi nổ) thì họ mới không chán nản với sự bất thường của phù hư. Nhưng
mà tôi sống tại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, chuyện có thể khác với người Việt Nam nội
địa mặc dù là không gian ảo.
3: Tiếng Việt
ở Sài Gòn có thể khác với tiếng Việt ở California và như thế việc xử dụng Tiếng
Việt đóng vai trò thế nào trong sinh hoạt giao tiếp với độc giả toàn cầu của thế
giới mạng ? Nỗ lực viết tiếng Việt hiện hữu như thế nào khi bạn mở máy sáng tác
một tác phẩm. Bạn có bao giờ nghĩ ngợi về vấn đề viết tiếng Việt trong thế giới
toàn cầu hóa không ?
Lý Ốc BR: Chuyện này có. Tôi sáng tác trên mạng như là một niềm vui, một trò
chơi. Trò chơi chứ không phải trò đùa. Trò chơi nào cũng cần dụng công và ý thức.
Quý vị thử chơi bất cứ trò nào thử xem. Chơi cờ chơi bóng chơi đàn hay đơn
giản nhất như đi bộ jogging ... Tôi xử dụng chữ viết hoàn toàn với một hướng
suy nghĩ. Tôi tránh phải dùng từ ngôn của báo chí hiện nay trong nước. Tôi
không xài vì tôi thấy nó không hay chứ không phải tôi ghét nó. Có người bạn hỏi
tôi: "Mầy không dùng ngôn ngữ trong nước thì làm sao người ta hiểu mầy?".
Tôi muốn chứng minh, tôi từ chối ngữ ngôn Việt Nam thời thượng mà người ta vẫn
hiểu. Tôi vẫn đọc Nguyễn Du Nguyễn Đình Chiểu như là khuôn phạm học tiếng Việt
đấy. Có người cũng nêu ý kiến Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu xưa quá rồi làm sao
giúp được gì cho văn chương Việt Nam hiện đại ? Tôi nghĩ khác, khi anh mới tập
viết thì anh tập đồ nét chữ. Cái khuôn nét đó giúp anh viết chữ ngay ngắn và đẹp
chứ nó không ngăn trở việc anh phát triển phong cách riêng.
4: Theo bạn Văn Chương Mạng xóa nhòa được biên giới địa lý như thế nào ?
Lý Ốc BR: Văn
chương có thể điều chỉnh phần ngôn ngữ chứ không thể (hoặc không nên) xoá nhoà
biên giới địa lý. Thời Việt Nam Cọng Hòa truớc 1975 chưa có văn chương mạng
nhưng rõ ràng có sự điều chỉnh trong tiếng nói của dân gian miền Nam. Một cách
từ từ và tự nhiên. Một điều mà ngay khi ở thời điểm internet
người VN đã khó có thể làm được. Quý vị thử đọc lại truyện ngắn truyện dài của
những văn sĩ thời Việt Nam Cọng Hòa xem, cái sự "hoà nhập" của họ khá
rõ. Bình nguyên Lộc, Sơn Nam, Tô Thuỳ Yên, Bà Tùng Long viết văn pha Bắc hơn
(hơn Hồ Biểu Chánh). Mặc Đỗ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Hoàng Hải Thuỷ, Duyên
Anh, Viên Linh viết văn làm thơ pha Nam nhiều hơn (hơn Nam Cao, Tô Hoài). Trong
khi ấy, văn học"tuyên giáo" VN hiện tại dường như là một khuôn đúc.
36 cái bánh ra lò vẫn là 1 cái bánh bông ... lan ngôn luận như nhau.
5: Nhân dịp Gió O Kỷ Niệm 15 Năm sinh hoạt trên mạng, bạn có thể cho một
nhận xét Gió O đóng góp thế nào vào Văn Chương Mạng
Lý Ốc BR: Dường như Gió O được điều hành bởi mình ên cô Lê. Tôi không biết có
nên yêu sách gì hơn ? Như tôi nêu ý kiến bên trên, đặc điểm cá nhân của mạng
internet rất lớn. Nó là một ưu điểm nhưng cũng là một sự hy sinh của người phụ
trách công việc chung. Việc này có 2 chiều. Người phụ trách và người đóng góp.
Văn chương thuộc lĩnh vực văn hoá. Văn hoá cần phổ biến hoà thời và sống đẹp.
Dĩ nhiên, đây chỉ là ý kiến rất chủ quan của tôi.
Xin cảm ơn tất cả quý vị.
Lý Ốc BR
Northwest USA,
late Summer 2016
http://www.gio-o.com/15NamGioO.html
© gio-o.com 2016