photo: tranvanba.org


www.agevp.com/Fr/Damesme.php

lời của Vũ Quỳnh Hương nhân ngày giỗ Trần Văn Bá 8/1/2007

Buổi sáng mùa đông. Tất tả leo lên xe, nổ máy, vặn sưởi, mở radio, một mắt liếc kính chiếu hậu, một mắt liếc đồng hồ ... những động tác làm như máy mỗi buổi sáng trên đường đến sở làm. Và cũng như máy tôi bấm nút đổi đài lia lịa. Nhạc cổ điển sáng nay làm cho buồn ngủ, không thể nghe được.  Jazz sao hôm nay cũng không lọt tai. Đổi qua nghe tin tức. Nancy Pelosi, người đàn bà quyền thế nhất nước Mỹ 2007. Dân chủ lên thay Cọng Hoà, tỷ phú này lên thay tỷ phú kia. Đổi qua đài khác. Chuyện treo cổ Saddam. Cơn dị ứng khủng khiếp đùng đùng kéo tôi về tất cả những chuyện liên qua tới Iraq. Đổi qua đài Việt Nam. "Nha sĩ tận tâm, phòng mạch toạ lạc trong một khu đất rộng rãi có vườn cây ao cá". Không biết có bệnh nhân nào nghe câu quảng cảo này mà không nín cười nổi, cười tới nỗi rụng răng chưa. Đổi qua đài khác. Trúng đài. Ngày giỗ Trần Văn Bá

 Trần Văn Bá. Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Phục Quốc. Trở về, bị bắt và xử bắn hơn hai mươi năm trước tại Việt Nam. Hôm nay ngày giỗ anh. Tôi nghe giọng anh đọc diễn văn ngày Hội Xuân 1978, hai mươi năm trước khi anh trở về nước. Giọng miền Nam sang sảng chân thật của một chàng tuổi trẻ tràn trề nghị lực, tâm huyết, vô cùng phẫn nộ, và vô cùng lãng mạn. Anh nói về làn sóng người Việt Nam vượt biển tìm tự do, về việc thế giới mở cửa đón nhận người vượt biển, về chuyện giải quyết vấn đề từ gốc chứ không phải từ ngọn. Đối với anh vấn đề người tỵ nạn Việt Nam chỉ có thể giải quyết được từ trong lòng đất nước Việt Nam. Anh rao truyền điều anh tin tưởng và anh nhanh chóng lên đường. Về. Mang theo lý tưởng giải phóng đất nước từ  trong lòng đất nước. Anh mất đi đã hơn hai mươi năm. Bây giờ nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của anh, nghe lại những điều anh nói, người ta hiểu chàng tuổi trẻ đó sớm muộn gì cũng sẽ bắt đầu hành trình lên đường từ Paris 

 Paris. Paris. Nơi người ta phải tới, phải sống, phải yêu những mối tình tóc vàng sợi nhỏ, phải lê mòn gót giầy qua những viện bảo tàng, phải chia sẻ cùng vỉa hè với nghệ sĩ chính hiệu giả hiệu phất phơ từ bốn phương trời, phải hít thở đầy lồng ngực những mùa gió chướng, những cơn bão thời đại, cái nôi trí thức khuynh tả, phản chiến thế giới phản chiến Việt Nam. Paris. Phong trào vượt biển. Con tàu Đảo Ánh Sáng. Thập niên 1980. Những năm 80 khi tôi không hề bận tâm về chuyện cơm áo công ăn việc làm, công việc toàn thời gian là yêu đương, đi học, đi biểu tình, tới khuya về viết những bài thơ trường giang, viết không kịp thở, viết như sợ không bắt chụp kịp ý tưởng sóng trào trong đầu. Hai mươi năm. Những mối tình đã ra thiên cổ mái đầu đã bạc. Phục Quốc là chuyện của thập niên 80. Giỗ Trần Văn Bá. Chàng tuổi trẻ lãng mạn yêu say đắm mối tình Tự Do đã siêu thoát cõi nào. Cuộc đời anh qúa ngắn cho những chuyện lấp bể vá trời, hay cuộc đời tôi qúa dài cho những chuyện thường tình tầm tầm ngang mặt đất mà tôi làm mãi vẫn chưa xong. Nước mắt tôi chảy ra. Tôi vừa lái xe vừa khóc ràn rụa. Đến sở, đậu xe, garare lạnh và tối. Tôi ngồi yên trong xe chùi nước mắt.

 8 Tháng Giêng 2007

 Vũ Quỳnh Hương

 

Lê Thị Huệ

Đường Trần Văn Bá 

 

Đến lượt phiên khúc hai mươi

Khi em cất lời ca rún rẩy

Anh ngủ giấc dài rất ngây thơ ... 

(Thanh Tâm Tuyền)

 

Lối về quê

Chiếc xuồng con

và bộ đồ bà ba cố thủ

Ôi bao nhiêu năm

vẫn cứ bộ áo cánh cũ

bó chật cả quả tim người

đã phải ngửi quá quen mùi mồ hôi chiến y

một đất nước của những kẻ thâm niên ưng làm lịch sử 


Lá xát trên da

đất chà dưới cẳng

không thấy Dân Chủ Đại Đồng Cộng Sản đâu

chỉ thấy bước chân trâu buồn thảm

ở cuối thế kỷ 20

đi trước bước chân người

trên đồng ruộng héo 


Mộng đầy hai tay

Mộng căng lồng ngực

Tuổi ba mươi chúng tôi trẻ hơn đời

Chúng tôi chưa sành soạn tiểu sử

Chí mới vươn cánh tay mộng đến đời

Phơi phới phơi bầu ngực đầy nắng ấm

Vỡ. Dâng. Nâng. Tung những danh tự

No Cơm. Ấm Áo

Tự Do. Tiến Bộ 


Ngã xuống ngã xuống

Hỡi những chàng lãng mạn đấu tranh

Ngã xuống ngã xuống

Hỡi những nàng tình nhân của Cách Mạng

Các ngừời là những kẻ cô đơn

Cả trong lúc chết 

 

Lê Thị Huệ

1987 



;