lê thị huệ

một mình cầm cự Thi Ca
giữa cánh đồng,
đọc thơ "Thắp Tạ" của Tô Thùy Yên

 


Tưởng tượng một bóng đàn ông đêm khuya lẻn ra ngoài, khinh công lướt nhẹ đến trước một Cánh Cửa Lớn giữa trời không. Người đàn ông mở cánh cửa  thấy hiện ra một cánh đồng. Giữa cánh đồng có một phiến đá cổ thụ. Ông bước đến bên phiến đá, phiến đá biến thành cái bàn. Trên mặt bàn có một tờ giấy trắng lớn, một cây bút bề thế , và  một ngọn đèn trời cực sáng. Người đàn ông ngồi xuống bàn. Cầm cây bút. Nhìn cây bút. Rồi cúi xuống trên mặt bàn và viết.


Nhìn đá, ta định chừng đá ngủ
Phải chăng đá giú mộng trong lòng?
Tại đây, đá sống lâu đời nhất,
Đá rõ điều ta muốn rõ không ?

(Đá Mộng)

Đất xa đuối, trời sâu vọng
Đất trời còn chịu đựng bao lâu ?

Ngàn, ngàn dặm không bóng người, dạng mộ ...
Hú, không nghe động tĩnh cả hồn thiêng
Chỉ những cuộn cỏ gai lăn giỡn

Chim bay thóat ra chăng ?
Qua đây, gió kiệt tàn
Chung thân, thiên cổ bị cầm giữ,
Mỏi nản cùng mặt nhật im trơ
Đá cũng làm thinh, không có chuyện

(Đại Bình Nguyên)


Khuôn mặt người đàn ông sắc, sáng, lạnh, và cực kỳ chăm chú cúi viết những chữ lên trang giấỵ Trong khi viết ông có thể nhìn ra hằng hà những bãi tha ma, những cánh đồng đước, những con phá quê chảy xiết trong một bối cảnh hết sức hiu quạnh.  Im Lặng  Lớn và những bóng ma đang gằm ghè bay lượn chung quanh. Im Lặng Lớn và những bóng ma chỉ chực nhào vô bàn nuốt chửng những con chữ mà người đàn ông vừa viết xuống.
 

Một hồn bất phụ thể
Lạc từ dâu biển xưa
Tới trước, đợi nơi mồ,
Nghe mòn bia chửa dựng

(Hồn Lạc)
 

Nhớ xưa thiên địa dậy hồng thủy
Núi sụp,  rừng trôi,  đời sảng hoàng
May nhiều, còn đứa con vơ vội ...
May ít, còn tiếng nói tùy thân ...
Mưa như trời sập, mưa không tận ...
Bốn biển dâng thành một biển thôi.
Hạt cây, mầm lửa truyền nhau giữ,
Nhân loại còn đâu được mấy người ....

( Lão Trượng)

 

Người đàn ông là một thi sĩ. Người đàn ông không cá cược chữ.  Không thảy chữ xuống. Người đàn ông viết.

Đứa nhỏ sảng chạy trong đêm trời rực trận giông sao ...
Mãi một đời còn nghe nà tiếng đuổi ẩn hình
Đầu gò, cuối bãi .

Giặc bố ráp, kẻ chỉ điểm trùm bao bố mặt đầu
Bác bặt tin ngoài đảo tù, chú mất xác nơi vàm sông,
Nhà lấy ngày đi làm giỗ cúng .
Cha sống sót về phế liệt cả thân tâm

Ngoài đồng lộng khuya, có người bị thọc giết,
Tiếng rú hãi dung nham lũ đọng trong chàng một vùng sẹo bất an .
Chiến tranh, mãi chiến tranh rời rã ....
(Nhà Xưa,  Lửa Cất Ủ)
 

Người đàn ông biết những chữ ông viết xuống là những tạ canh dưỡng sinh. Chúng là những con chữ nặng nghìn tạ ơn nghĩa nhân gian trổ mã ra cánh đồng và bàn viết dành riêng cho ông. Ông đến đây một mình và ông một mình cầm cự với những con chữ để Im Lặng Lớn  và những oan hồn kia phải chấp nhận ông vào đẳng cấp của họ. Thứ đẳng cấp  xuất thần của ma và thơ, của Im Lặng và thần chữ. Im Lặng Lớn và những bóng ma đã phải thần phục người đàn ông thi sĩ này một điều: Ông còn sống được một kiếp người.


Ôi đứa bé xưa kia háo hức lẻn nhà đi
Vượt lên trước đời mình,
Nhìn cõi thế,
Tung tích vùi chôn tận địa đầu nào ?
...

Ở chốn mệnh danh là chốn cũ
Dân gian thay mới những truyền kỳ
Đất trời ủ lứa chiêm bao khác,
Dâu biển làm mưa nắng lạ đi
Bụi rác mỗi thời, một dạng loại,
Chồng sâu thêm những địa tầng quên
Người về không biết có đúng chỗ
Lịch sử qua đường đã cải trang

(Nỗi Mình Lần Giở)
 

Qủy có thể xướng thi. Thượng đế có thể xoá tất cả ván cờ và làm lại.  Nhưng người đàn ông thi sĩ lững lơ viết xuống tuyên bố là mình đang hiện hữu. Một sự hiện hữu tưởng là vô duyên vô nghĩa và vô tình; nhưng là một kỳ lạ nhân ảnh. Một bí mật vô thường.


Lão trượng chiều nay về bản qúan
Thong dong đường tre trúc hắt hiu
Nghe, nghe trời đất hát xa lộng,
Những tưởng tâm mình đang hát theo
Mừng linh thụ tóc râu khang kiện
Đông đúc chim về ấm cúng đêm .
Mừng cổ đình tường mái phục chế,
Đời trùng tu từ thịt xương rêm

(Lão Trượng)
 

Tô Thùy Yên biết ông là một thi sĩ sống và làm được những điều mà bọn âm binh qủy sứ cùng Im Lặng Lớn kia không làm được. Ông có trong tay một mớ Tiếng Việt và ông đã trở về từ những nhà tù khổng lồ của xứ sở Việt Nam. Ông đã đi qua bao nhiêu là xác người. Ông đã đạp phải bao nhiêu bóng ma. Ông đã bị Niềm Im Lặng Lớn kia rượt đuổi đến những cuộc giao đấu trong nhiều đêm khuya giữa những đồng không mông quạnh.


Tạt vào, giũ phủi bóng đêm bám,
Xoa nhận lại mặt, ngồi định hình,
Nghe trong đầu chưa ngớt tán loạn,
Gió lền vung lưới chụp mông mênh.

Nhen nuôi một điểm lửa cô quạnh,
Cầu những hồn dâu biển ghé qua .
Lưới bứt rã, mông mênh sổng thoát,
Gió lại thần săn riết chẳng tha

Bất giác nghe đâu đó khuất thẳm,
Tiếng hỏi: Vì sao đến nỗi này?
Dặm cát phỏng dăm lần ngoảnh lại,
Ngỡ ngàng ai khác đã qua thay

Gối đầu lên một chỗ không lý,
Ráp lại xương từng thỏi rã rời .
Giờ này da khuya khoắt thiên cổ,
Chớp hiện mình soi dội  lẻ loi.

Cố ngủ, mong thay được mộng mới,
Đỡ thiu hồn rữa những tiền sinh .
Mai nữa, lại đi cùng gió quẩn,
Mịt mờ theo đuổi tiếp mông mênh.

(Đêm Quan Ngoại)


Giữa cánh đồng, Tô Thùy Yên làm thơ.  Giữa cánh đồng ông tuốt những con chữ ra thách đấu cùng Im Lặng Lớn, về sự im lặng khủng khiếp của nhân gian, về những cái chết thê thảm trong chiến tranh, về nỗi hiu quạnh của đời sống, về sự cô đơn của những kiếp người. Thi sĩ ngồi giữa cánh đồng đối thoại với Im Lặng Lớn. Thi sĩ  ý thức chung quanh mình ma nhiều hơn người. Thi sĩ là kẻ đại diện thi ca để tra hỏi sự trống rỗng và hoang vu của mặt đất.


Thả trôi hồn theo một tấu khúc chừng quen
Dềnh giạt về những qúa khứ bỗng ngoi nổi
Nhớ lại , cố nhớ lại những người bạn bặt tin, những người thân tứ tán ...
Ngày tháng rùng rùng nối rượt nhau
Máng rớt thất thần
Những âm bóng tàn vong ngờ chưa từng có thực ...


Vầng, còn đâu được mấy người. Sau chiến tranh những người đàn ông HO còn được mấy người.  Vô tù rồi đi Mỹ. Không ai làm được thơ nữa. Thanh Tâm Tuyền im. Nhã Ca mất giọng. Phan Nhật Nam lạc lối về. Chỉ một mình Tô Thùy Yên ngồi xuống giữa cánh đồng với một chiếc bàn, một ngọn đèn, viết ra thi.  Thi sĩ này tính toán từng con chữ. Chữ của Tô Thùy Yên thường là chữ xuất quân từ ban đêm.


Ghé lại một trạm xăng, một hàng fast food hay một rest area
Đây là đâu ?
Đây cũng là đâu đó vậy
Dấp nước đầu, cổ, mặt,
Tỉnh tỉnh lại với đời ...
Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh,
Nhìn chút đỉnh những con người,
Nhìn cuộc sống còn nửa thức, nửa ngủ .
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya,
Tìm đâu một chốn ấm hơi đời ?

(Đường Trường Đêm)

 
Tập thơ có tên là "Thắp Tạ"

Tô Thùy Yên đã nổi tiếng thi sĩ cùng thời với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền …, nhóm Sáng Tạo của Miền Nam.  Nhưng Tô Thuỳ Yên không có tác phẩm nào xuất bản trong nước trước năm 1975.

Rồi ông đi tù Cọng Sản 13 năm.

Mười ba niên ở tù, sống qua một cuộc nội chiến. Bây giờ lưu vong tàn lạnh trên xứ Mỹ. Người đàn ông thi sĩ không biết nhờ sức gì mà sống sót giỏi thế. Khác với thi sĩ ông bạn là Thanh Tâm Tuyền ở Việt Nam hồi đó xuất bản trong nước, nổi um sùm. Kể từ ngày lưu đày biệt xứ trên đất Mỹ, không thấy thơ văn Thanh Tâm Tuyền đâu nữa.  Nhưng Tô Thùy Yên thì ra được đến hai quyển thơ mới . Thắp Tạ là thi tập thứ hai của Tô Thùy Yên. Tập thứ nhất Thơ Tuyển xuất bản năm 1995. Cả hai đều xuất bản ở Mỹ.
 

Mới thấy Tô Thùy Yên là một thi sĩ cứng cựa và mạnh mẽ đẹp như một con gà trống đứng trên thềm hoàng hôn của thi ca. Gáy lên sướng tai nhân loại.

Đằng sau bìa sách có tấm hình thi sĩ tựa lên hoàng hôn chiều Minnesota, chiều Houston, hay chiều Cali. Không biết là chiều nào. Nhưng hoàng hôn phía sau và khuôn mặt phía trước thi sĩ làm cho tôi liên tưởng đến con gà trống đẹp đưa mỏ sắc nhất đưa mắt tinh anh trầm lắng u hoài gáy lên một tiếng ác liệt nhất của hơi hống mình:

"Thắp tạ càn khôn một vô ích.
Thắp tạ nhân quần một luyến thương." 

Từ chàng thi sĩ lặng tịch sáng láng sáng tác giữa cánh đồng đến biến thân thành con gà trống gáy hống giữa buổi hoàng hôn.
 
Tại thơ anh làm cho tôi liên tưởng như vậy.

Có một đại bi kịch cực kỳ đáng yêu trong tập thơ Thắp Tạ là Tô Thuỳ Yên lượn qua lượn lại trong đống chữ của ông và chơi toàn hàng chục, hàng trăm năm. Thế sự mười năm đã nhiễu nhương. Thế sự trăm năm biết bao lịch sử kinh hoàng vật đổi sao dời. Tô Thùy Yên đeo thời gian vào câu thơ dễ dàng như người tình đeo nhẫn cưới thi ca lên đời sống.  Ông là thi sĩ rất hào sảng với thời gian. Ông biến chữ pha màu thời gian thành những câu thơ rất nhẹ. Đọc kỹ sẽ thấy lịch sử tuy đầy biến động kinh hoàng nhưng rất thơ. Đời sống tràn trề những u uất kinh khủng nhưng rất gần:

Ông lão khô quắt như thanh đước,
Cổ vương oan khuất, tay u hồn ...
Tình ý theo người đi một đỗi.
Một đỗi, dài hơn bốn chục năm

"Một đỗi, dài hơn bốn chục năm". Từ chữ "đỗi" người đọc bị gửi cho cái bị "bốn chục năm", thật đúng là bị đánh tráo ký ức thời gian nhanh như chớp!

Như trong mấy câu thơ sau:

Chỉ một bước, bước trờ,
Mà rồi từ đó tới giờ biệt tăm.
Bao lần chạy vạy hỏi thăm,
Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ.

Chỉ "một bước" mà lại là "bước trờ". Bước trờ là cái bước quái gì? Chưa kịp đong thóc với tác giả thì đã bị tác giả xay nhuyễn thành gạo thời gian rồi: "Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ". Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên là một chủ đề đáng chú ý. Ông xử dụng chữ nghĩa về thời gian rất trù phú và rất "rộng". Ông cho thời gian ướt đẫm mầu bi ai rờn rợn nhưng lại khâu vào đấy những cảm nhận về thời gian rất mạnh và gần. Những chữ "cổ" và "rộng" về thời gian trong thơ Tô Thùy Yên phát ra thứ luồng lực của thần chữ.

Có ba điều vĩ đại trong thơ Tô Thùy Yên. Điều vĩ đại thứ nhất, thơ Tô Thuỳ Yên có những câu hỏi lớn về hiện hữu và vô hình. Điều vĩ đại thứ hai, thơ Tô Thuỳ Yên cưu mang được sự vĩnh cửu của thi ca. Sự vĩnh cửu trong tư thế sống sót. Sống sót trong thân thế của chính thi sĩ và trong những nốt thơ ông nhả ra. Thơ Tô Thùy Yên váng chút Hán chút Đường cổ điển rất hay, nhưng cũng có khi Tự Do rất phởn. Điều bộc bạch hiển lộ nhất của thơ Tô Thùy Yên là cho dù chữ cũ hay thơ mới gì đi nữa thì thơ phải hay và thơ thì phải kiệm chữ. Điều vĩ đại cuối cùng là tài dụng ngôn của Tô Thùy Yên. Ông là một tay chơi chữ cừ khôi. Một thi sĩ xào chữ tuyệt vời đã để lại cho đời những câu thơ lừng lẫy.

Dưới chân ta, đất nào chẳng đất võng.
Đời quẫy gây chao đảo thất thần.
Thôi hãy mừng còn đứng được trên đó.
Cố sức giữ thăng bằng.
Lắm lần, trán rịn đẫm.

(Nỗi Mình Lần Giở)

 

lê thị huệ

2005