Lê Thị Huệ
Phóng sự ảnh
Đường Phố Nhung: Nước Nhật Sạch và Sang
gửi L.
Nhà nước Nhật bọc nhung đường phố và mời người dân của họ ra đường.
Tôi không biết có một hệ thống Metro và xe bus nào trên thế giới sạch và sang hơn hệ thống chuyên chở công cộng của nước Nhật trong lúc này. Tôi không nghĩ có một nước lớn nào trên thế giới, với dân số trên 100 triệu, mà chính phủ của họ chăm sóc hệ thống chuyên chở công cọng cho người dân tốt bằng nước Nhật. Hệ thống chuyên chở công cọng của Mỹ, được xem là nước giàu nhất thế giới hiện nay, thì không thể sạch sẽ thơm tho và hữu hiệu bằng hệ thống chuyên chở công cọng của Nhật Bản. Những hệ thống chuyên chở công cọng New York, San Francisco, Washington DC, Paris, London, Stuttgart, ... không nơi nào bằng Tokyo.
Trong chuyến đi Tokyo và Kyoto mới đây, một lần nữa, tôi có dịp quan sát nước Nhật kỹ hơn. Có lẽ những người thích đi xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa cũng chỉ mơ ước đến thiên đàng Cọng Sản như Nhật Bản hiện nay.
Mỗi gia đình miền quê nước Nhật đang sở hữu được một chiếc xe hơi đời mới. Dọc quốc lộ Nhật, không có một cửa hiệu bán lẻ nào, chỉ toàn là hãng xưởng lớn.
Nước Nhật sản xuất xe hơi bán cho khắp thế giới nhưng người dân Nhật ở các thành phố lớn đều xử dụng hệ thống chuyên chở công cộng hoặc đi xe đạp. Xe gắn máy rất ít và hễ ai dắc xe gắn máy ra khỏi ngõ, cũng tự động đeo mũ an toàn.
Người Nhật sở hữu nhà cửa và tài sản ít nhưng chính phủ Nhật lại là một trong những chính phủ giàu nhất thế giới. Điều đáng nói là chính phủ Nhật giàu này biết dùng tiền để nâng cao mức sống cộng đồng của người dân. Một trong những cách làm cho cả nước Nhật mang khuôn mặt giàu có sang trọng nhất thế giới, là chính phủ Nhật đã cho dân Nhật một hệ thống chuyên chở công cọng tuyệt vời.
Xe đến và đi nhanh. Tất cả những chiếc ghế hay dãy ghế trong metro và xe điện Nhật đều được bọc nhung "mới" hay giống như mới. Không có cũ xì và lòi vải trơ góc ra đâu nhé. Tôi có thể nói là lớp vải nhung bọc trên những chiếc xe điện và metro của thành phố Kyoto thì mới mẻ hơn cả chiếc màn trải giường của khách sạn Holiday Inn ở Kyoto, nơi tôi trú ngụ ở đấy một tuần lễ. Nên nhớ khách sạn Holiday Inn là một trong những hệ thống khách sạn loại trên trung bình của Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lời cho một bài hát "Có đường phố nào vui, cho ta qua một lần ..." . Nhạc sĩ Phạm Duy thì phải "rước em lên đồi" vui chơi, vì những đường phố Việt Nam chưa bao giờ được bọc nhung êm ái như đường phố Nhật. Thôi thì đành dắc em ra dạo chơi đỡ trên cỏ đá công cọng của trời đất.
Khi tôi viết những giòng chữ này thì tại Việt Nam, sau gần 30 năm nội chiến chấm dứt vào 1975, Việt Nam vẫn chưa thiết lập nổi một hệ thống chuyên chở công cọng hữu hiệu. Thủ đô Việt Nam mới bắt đầu bàn đến chuyện nhờ Pháp giúp Hà Nội xây dựng lại tuyến xe điện. Thành phố Sài Gòn thì Sở Giao Thông Công Chánh chỉ mới đầu tư được 500 xe búyt "theo qui định nhà nước" . Và câu hỏi của phóng viên Ngọc Ẩn với ông Đỗ Tiến Lực, phó giám đốc Sở GTCC Sài Gòn trên tờ Tuổi Trẻ ngày 15-7-2003 là "Sở GTCC sẽ chấn chỉnh ra sao tình trạng xe búyt quá tải bỏ khách, xe chèn khách qúa đông, nhiều xe không có máy lạnh ?"
Một trăm năm trước, 1903, Tokyo và Hà Nội cách biệt bao nhiêu. Sao một trăm năm sau, 2003, Hà Nội và Tokyo hai đường phố hai lối rẽ cách biệt giàu nghèo sạch dơ nhanh chậm là trăm năm ... Huế, Sài Gòn, Hà Nội ơi.
lê thị huệ
08/2003
http://www.gio-o.com/LeThiHue2.html
ghế nhung metro, hệ thống xe điện chạy trong lòng đất:
trạm xe điện ngầm chính của thành phố Kyoto, Kyoto Station gồm 10 tầng lầu
một nhóm trình diễn văn nghệ giúp vui trên lầu 4 của trạm xe điện ngầm Kyoto Station:
phố đêm Shibuya, Tokyo, phố của hàng trăm nghìn người trẻ ùa ra đường mua sắm, ăn diện, ăn chơi:
những con hẻm nhỏ, ngõ ngách Nhật, sạch nhất thế giới:
nước Nhật ngày nay tràn ngập các máy bán hàng trên hè phố
không phải "ra ngõ gặp anh hùng" như Việt Nam,
mà ra ngõ là gặp máy bán nước sinh tố và máy bán thuốc lá
© gio-o.com 2003