photo: Lê Phúc



Lê Thị Huệ

Nhạc Ở Thơ Chữ

tản mạn văn học

 

Thuở ban sơ, khi chữ viết, kỹ nghệ in ấn, và màn ảnh com (computer) chưa xuất hiện; thơ vốn là lời xuất phát từ cửa miệng loài người. Chữ viết xuất hiện sau (1)

Người Việt có thành ngữ:  “Xuất khẩu thành thơ” . Nghĩa là thơ bắt đầu khi cửa miệng thi nhân Việt phát âm ra những câu thơ làm công việc phục vụ lỗ tai tác giả và vành tai tha nhân. 

Họ cũng thường nói “Lời Thơ” như một cách ám chỉ Thơ là Lời (nói). Chưa nghe người Việt âu yếm một lần gọi: “Chữ Thơ”. 

Ông Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) sáng tác thơ xong, cùng các thi hữu tìm đến tụ điểm có các ca nương để yêu cầu các cô đào hát thơ của họ thành nhạc. Gọi là Hát Ả Đào. Đấy là cái thú vui nho nhã thơ của một tác giả phải được đọc lên cho nhiều người nghe, mới gọi là thoát ra hết cái thú vị của thi ca .

Ngày xưa lời thơ đọc lên nghe trơn tru hào hoa âm điệu thì mới lên hàng thơ hay.

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm

(Đoạn Trường Tân Thanh, thơ Nguyễn Du)

Đoạn Trường Tân Thanh hay phần lớn nó là bản hợp âm tuyệt vời của lời Việt. Trong hai câu thơ trên, “Giai nhân”của câu sáu trước hợp âm với “ áo quần” của câu tám phía sau.

Những câu thơ của Đoạn Trường Tân Thanh hay nhất là khi chúng được “lời hóa”. Tức là được đọc lên thành tiếng hoặc được ngâm nga ê a lên,  mới thấy cái hay của sự hợp âm của câu thơ. Người thưởng ngoạn đã tìm được hương ấm đầu lưỡi và nghe tiếng thích hợp trong vành tai một nhạc điệu trong những câu thơ ấy.

 

Thơ đọc lên phục vụ tai nghe, tôi gọi là “Thơ Lời”.

Thơ Lời cậy vào âm điệu của tiếng để tạo ra tính chất thơ. Thơ lời là thơ biểu thị các ứng xử phục vụ ngoại quan. Thơ lời là thơ miệng đọc thơ lên thành lời để tai nghe trơn tru gọn gàng. Thơ lời phát ra khi miệng và tai đòi mong bản hợp âm của ngôn ngữ dội ra hẳn bên ngoài cơ thể.

Còn thơ viết bởi các ngón tay ngoáy xuống một mặt phẳng tạo ra được giống chữ, tôi gọi là “Thơ Chữ”.

Vì thơ chữ là viết ra trên giấy hay trên màn com, chúng ta “nhìn chữ” hay chính xác hơn là mối thưởng ngoạn thị giác là mối thưởng ngoại đầu tiên khi chúng ta nhìn thơ chữ. 

Hai phần cơ thể đầu tiên tạo ra thơ chữ là những ngón tay và mắt nhìn. Trong phần đầu tiên cấu tạo thơ ấy, “Thơ Chữ” vắng mất cái cửa khẩu đọc và tai nghe âm điệu như “Thơ Lời” .

 

Sự nhìn nẩy sinh ra những năng lượng thẩm mỹ riêng cho sự nhìn (vision). Ví dụ nhìn thơ thì các ký tự chữ có thể tạo ra vai trò thẩm mỹ thị giác.

Xếp chữ thành thơ là như cho hoa nở ra từ những xác chữ. Chữ thơ toát ra được thẩm mỹ như một đóa hoa tỏa ra màu tím đỏ vàng hồng … Thẩm mỹ mắt đóng vai trò xúc tác cho sự  nhìn thơ . Các năng lượng mỹ thuật như phông chữ, màu chữ, kiểu chữ, vắt giòng, tạo thành xác hoa của chữ.

Nhìn thơ trên giấy , có giấy đẹp, in đẹp , xếp đặt đẹp, sẽ thỏa mãn thẩm mỹ mắt. Gây hưng phấn thị giác cho người nghía thơ.

Xét về phương diện này, các con chữ A, B, C, các dấu chấm, phẩy, các phông chữ, các khoảng cách lên hàng xuống hàng đóng vai trò gia tăng hay giảm giải cảm xúc dành cho một bài thơ . Hình thức trình bày sắp xếp bài thơ, đóng một vai trò khích thích thị giác của người đọc và có thể tạo nên cảm xúc của một bài thơ . Các cảm xúc này của thơ chữ không được ưu thế như các bài thơ lời. Vì nếu một bài thơ lời hay, thì người ta có thể đọc bằng miệng bất cứ ở đâu vẫn thấy hay . Còn một bài thơ chữ khi nhờ cảm xúc yêu thích của cách trình bày sắp xếp bài thơ trên giấy hay trên màn hình, khi chuyển tải qua một một màn hình hay nơi chốn trang giấy khác, thì cảm xúc có thể bị giảm.

 

Nhưng thơ không chỉ ở xác chữ. Mạch sống chính của thơ là hồn, hồn chữ.  

Hồn “Thơ Lời” là phần âm vang của giọng đọc ra ngoài.

Hồn “Thơ Chữ” là âm vang của sự nhìn chữ,  là “sự cuốn-âm-của bầy-chữ-nhìn-bằng-mắt-ấy-lượn-trở lại-trong-đầu”.

Cả thơ lời và thơ chữ đều tạo âm nhạc vang vang

Âm vang của thơ lời là sự vọng âm thoát ra khỏi thân xác.

Thơ chữ là sự vọng âm vào trong thân thể . Thơ chữ nằm chỗ mắt nhìn, tai thẩm âm một cách câm nín, và cái đầu suy nghĩ tổng kết hai giác quan thị giác và thính giác tìm hồn tìm nhạc tìm đủ thứ cho thơ chữ. 

 

Thơ lời dễ đạt được nhạc hơn. Vì nó là sinh hoạt trực tiếp. Khi nghe đọc lên một bài thơ là con người đi tìm nhạc cho thơ tại trận được ngay.

 Thơ chữ khó đạt được nhạc chữ vì tính liên hoàn của 3 chức năng trong thân thể, mắt, tai, và cái đầu.

Khó không phải là không có.

Thơ chữ cũng có nhu cầu hợp âm của chữ. Thơ chữ cũng có nhu cầu nhạc . Tôi gọi là “Nhạc Ở Thơ Chữ”.

Đi tìm nhạc cho thơ chữ là đi tìm sự cuộn cuốn âm vào bên trong của thơ chữ.

“Sự Cuốn Âm” là âm vang tạo ra từ mắt nhìn chữ . Từ mắt nhìn thơ ấy chúng quay cuốn trở  lại trong đầu và tạo ra một nhu cầu âm thanh, nhu cầu nhạc thơ trong đường trở lại ấy.

Nhạc của thơ chữ ở bên trong đầu. Tuy ít thua thơ lời, nhưng âm thanh của chữ vẫn hiện diện trong cấu trúc của nhạc chữ.

Thưởng ngoạn thơ chữ nặng phần suy nghĩ hơn thưởng ngoạn thơ lời. Thưởng ngoạn thơ chữ là thưởng ngoạn bên trong cái đầu, bên trong hồn người.

 

Điều rốt ráo vĩnh cửu trong thơ vẫn là nhu cầu phải hiện hữu nhạc.

Bởi vì tuy viết xuống giấy nhưng trong công việc sáng tác thơ, tác giả vẫn phải “đọc thầm” bài thơ. Không “xuất khẩu” ra âm thanh như “thơ lời”, nhưng “thơ chữ” vẫn chuyển chở âm đọc vào trong đầu.

Trong sự vắng mặt của sự tạo tiếng ở cửa miệng, thơ chữ vẫn tạo “echo” trong đầu trong vành tai, trong tim, trong lục phủ ngũ tạng . Như thế âm thanh của thơ chữ vẫn hiện diện . Nhưng đấy là một sự hiện diện câm tiếng động của âm thanh,  nghĩa là không phát âm.

Sự “đọc thầm, đọc bên trong” của thơ chữ chính là nơi thẩm âm ra một suối nguồn âm nhạc cho thơ chữ .

Với tôi trong nguyên thủy DNA của thơ đã có nhạc.

Vì khởi thủy “Lời” là tổ sinh ra ngôn ngữ.

Mà vì “Lời” là phải phát ra âm. Âm đòi nhạc điệu. Thơ ngày xưa phục vụ lời. Nên thơ phục vụ âm nhạc. Nhạc là một mô típ mạnh mẽ trong huyết quản bản đồ ngôn ngữ. 

Chữ phát sinh sau lời . Chữ là ký hiệu chuyên chở âm thanh và ý tưởng viết lên một mặt bằng.

Chữ chạy trên giấy cũng phải tạo nên chùm nhạc dễ chịu nào đó trong trí não trong máu huyết của chúng ta, kẻ yêu thơ. Nhưng vì sự câm nín của “Âm” trong Thơ Chữ . Chúng dồn vào Cảm Xúc thầm lặng trong ngôn ngữ bên trong cơ thể và tâm hồn của chúng ta .

Nhạc là một sức sống mạnh mẽ trong huyết quản của ngôn ngữ. Nên dù thơ chữ, chúng ta vẫn truy tìm một loại nhạc làm khích khích, làm vừa lòng, làm mãn nhãn nhu cầu này trong chúng ta. Tại sao đã không phát thành âm. Tại sao chỉ là những con chữ nằm trong huyệt mộ lòng giấy, mà chúng ta vẫn có nhu cầu tìm nhạc cho chữ.

Tại sao nhạc là một bất khả phân ly với thơ ?

Là vì ngôn ngữ khởi thủy từ “Tiếng Nói”. Ngôn ngữ được tạo thành bởi sự “Nói” . “Nói” đi trước “Viết”. “Nói” đi trước “Chính Tả”.  Nên chữ “Âm” đã xâm lấn số mệnh của ngôn ngữ.

“Âm” đóng vai trò huyết thanh trong cơ thể tinh thần của nhân loại . Khởi thủy tôn giáo với những ê a nhạc điệu của kinh kệ đã chế ngự đời sống của tâm linh con người . Con người không hiểu gì về lời kinh Phật kinh Chúa . Nhưng những âm thanh vô nghĩa của kinh kệ đã là nguồn sống tinh thần, đã là lời hướng đạo cho cả nhân loại phó thác trần gian này theo những lời kinh kệ ê a vô nghĩa. Trong tất cả các bộ môn, âm nhạc là bộ môn ê a không cần hiểu, mà các dân tộc khác ngôn ngữ vẫn có thể để cho âm nhạc của ngoại quốc xâm nhập vào hồn mình dễ dàng . Người Việt chả cần hiểu bài “Hotel California” nhưng vẫn khoái nghe, vẫn ê a hát theo với tất cả say đắm. Âm thanh là chất khích động mạnh mẽ trên đời sống tinh thần của nhân loại, mà âm nhạc là DNA khích động ngôn ngữ tinh tế nhất .

 

Nhạc của thơ chữ là sự nhìn mặt thơ. Là sự đọc âm thầm, câm nín, nhưng có tiếng lần khân của nhạc chạy thông trong máu huyết và trong trí não. Hãy đi tìm tiếng nhạc lòng. Tiếng của nhạc phát ra từ thơ chữ tạo nên một nhịp điệu nào đó từ bên trong. Khó đấy. Nhưng nó có đấy.

Nhạc chữ là cảm mạo thương chữ. Là cảm xúc được nhạc chảy ra trong người khi nhìn chữ thơ. Là khi giao tiếp với chữ thơ thì thấy nhạc lâng lâng trong hồn. Là một nguồn nhạc tự nhiên bốc xuyên suốt luân lưu trong máu chạy lên trí não . Cảm nhận nhạc chữ là thứ cảm nhận không lời bên trong cơ thể, tâm hồn, và trí nã.

Nhạc trong những câu thơ chữ là sự thúc đẩy từ một cái nền im âm của chữ nhưng lại bật lên một loại nhạc hài hòa trong lối suy nghĩ. “Trái tim” đi với “hang ổ” mà hang ổ bóng tối trong trái tim là một sự thuận lý vì chúng ta chả bao giờ nhìn thấy trái tim của mình. Suy nghĩ là tài sản của trí tuệ. Thơ trí tuệ buộc phải suy nghĩ, nhưng “suy nghĩ dễ chịu” là một tiếng nhạc tạo ra từ một bài thơ chữ trí tuệ. Nghệ thuật của thơ chữ chính là tiếng nhạc dễ chịu của bài thơ phục vụ trí óc.

Nội lực của “Thơ Chữ” chạy trong đầu trong hồn trong tim trong người.  Rồi tác giả lặng lờ dùng những ngón tay “viết thành chữ” trên giấy, trên lá, trên computer. Thơ chữ là tổng hợp thơ tuôn ra từ lục phủ ngũ tạng tràn ra trên những ngón tay và được viết xuống trên các phẩm vật trước mặt như tờ giấy, như chiếc lá, như màn ảnh computer.

Bởi vì diễn tiến sáng tác thơ chữ là một sự học chữ, viết chữ, suy nghĩ chữ trong trí óc, nặn ra chữ thành câu thơ, rồi mới rắp láp thành bài thơ . Rõ ràng chu kỳ hoàn thành thơ chữ đi qua các giai đoạn sàn lọc và thông suốt chữ đi vào tay đi vào tim và đi vào não.  Rồi đi trở lại tay đi xuống giấy đi lên màn hình computer. Chu kỳ vận hành của thơ chữ là máu chạy qua tay qua tim lên não rồi máu từ não đi trở lại xuống tim xuống tay nắn nót lại trên trang giấy trên màn hình com . Máu và trí não nhào luyện nên bài thơ đòi hỏi nhã nhạc cho thơ. Bổn phận của người thi sĩ là phải nghe, nhận, và phát ra được nhạc của thơ chữ khiêu vũ trong giòng máu của cơ thể. Để ghi lại được một bài thơ chữ mang hơi hướm nhạc của chính nó.

Nghệ thuật thơ chữ là nhạc máu, nhạc cảm, nhạc trí, nhạc suốt body. Điều này thách đố chúng ta đi tìm ra được nghệ thuật nhạc chữ.    

Vì thơ chữ không phục vụ cái tai nghe của chúng ta như thơ lời thường phục vụ, nên nếu dùng tiêu chuẩn thơ lời là thơ phải đọc lên thành lời cho trơn tru, vần vèo, “nghe lọt lỗ tai” như một tiêu chuẩn thơ lời cổ điển, thì là không công bằng cho thơ chữ. Giống như một bên là thưởng thức ly chanh đường . Một bên là thưởng thức ly rượu vang. Hai vị nên khác nhau. Thơ lời và thơ chữ có hai thi vị khác nhau.

Vì thơ lời đã có một lịch sử được bảo chứng bới tai nghe và vần nhạc bằng bề dày của lịch sử nhân loại . Lỗ tai con người đã được chọn làm đại diện để bứng thơ bừng thơ và nuôi thơ nhân loại như dấu khắc văn hóa loài người. Giờ thơ chữ đi tìm cho mình một bản mệnh nuôi dưỡng bên trong tâm hồn, trí tuệ, và thân xác của con người như tôi mô tả, nó là một thách thức. Nhưng tôi tin nó hiện diện, hình thành, và khắc sâu. Vì nếu có hồn người thì có hồn thơ. Thơ chữ cưu mang hồn thơ như thân xác cưu mang linh hồn con người.

Cảm nhận nhạc chữ tinh vi, vì tự cá nhân ấy đào mả các cung bậc nhạc trong người và nhận ra thế.

Trong khi nhạc lời thì được khích thích và hưng phấn bằng âm thanh tạo nên từ bên ngoài . Ngâm thơ nói lên lên được sự diễm tuyệt của thơ lời . Tức là sự sung sướng vì được nghe bài thơ xướng lên dàn âm thanh bên ngoài cơ thể . Sự khích động từ ở bên ngoài.

Thơ Lời đã có một lịch sử già như trái đất . Sự mặc khải của cái hay trong thơ lời khởi đi bằng âm nhạc. Điều này quá hiển hiện khi chúng ta thấy các kinh kệ trong tôn giáo là sự khai thác chuỗi âm nhạc. Các tín đồ khắp thế giới mê âm thanh của các câu kinh mà không cần hiểu . Sự mê mẩn chuỗi âm thanh kinh kệ của tôn giáo đã tạo nên tôn giáo . Sức mạnh của âm nhạc trong ngôn ngữ kinh kệ trong lời thơ thật là vô đối.

Thơ chữ đến sau thơ lời. Thơ lời có âm nhạc của vần điệu phù hộ. Còn thơ chữ cần phóng ra những con đường giao lưu của tâm hồn thơ và nghệ thuật thưởng ngoạn thơ chữ. Tôi hi vọng lâu ngày chúng ta sẽ hình thành được loại âm nhạc ở thơ chữ.  Để chúng ta có thể đọc lên một bài thơ chữ và mà đồng điệu độc giả cùng cảm ngộ ra được cái hay của bài thơ. Như thơ lời đã nhất quán về vần điệu cho thơ chúng và được những tập thể đồng lòng đồng ý và ngợi ca.

Thơ lời có âm điệu làm thành trì chống đỡ để phát lên nhạc . Còn thơ chữ là sự lặng thinh của những con chữ ứa ra máu nhạc thành dòng cảm nhạc. Sự lặng thinh ấy phản ảnh được cái đẹp của triết lý suy tưởng của óc, cái cô đọng tinh túy trang đài của chữ nghĩa còn lại, cái lung linh của hồn thơ dày dặn kiến thức và rung động. Nhạc cất lên từ những con chữ vô âm của "một-bài-thơ-chữ-tinh-túy-chắt-lọc" và thách đố đến thế. Cho nên một bản nhạc chữ nên thơ, không bao giờ là một sự dễ tính. Không trách gì có nhiều độc giả khó tính chê các bài thơ chữ của các tác giả viết thả rông cảm xúc, thiếu thốn nhạc lòng, nghèo nàn nhạc chữ, ngắt giòng lung tung, rồi gọi chúng là thơ.

 

Đây là hai bài thơ tôi từng lắng nghe được tiếng nhạc của chữ chạy lần khân trong cơ thể:


Những bà già ngồi nhai quá khứ
Những ông già ngồi ngáp thời gian
Họ đẩy tôi ra ngòai quyển tiểu thuyết đời sự
Tôi con chữ xiu xiu nhiệm mầu xinh tươi
giỏi lướt lươn lượn cánh kén vòng trở lại
nằm trái chùm ruột xanh trong câu chuyện lòng vòng
một vòm trời đen kịt  và ôi các vì sao xa
tôi yêu những viên đá cuội xanh và đỏ
nằm yên nghe câu chuyện họ cổ tích

(Chỗ Huyệt Gió, thơ Lê Thị Huệ)

 

Như tiếng gió lướt ngàn dặm cửa
Như giòng điện bay ngang lóng xương sườn
Nhạc nghiêng một bên lệch bãi tâm hồn
Cả hải dương đổ tràn một bên bờ linh hựu 

Nghiêng bên giòng nhạc chảy
Đổ xuống hồn sâu những đắm đuối ân tình
Những nỗi buồn bay lên lộ gió trướng
Khoan sâu đường tai rêm rần quá
Đổ xuống em và anh nằm nhau trong bóng tối
Tiếng đàn ương đường xa
Không còn thẫm ca nghe nhau khóc
không còn danh ca ôm nhau hôn
Không còn tình ca rủ nhau ngủ
Chỉ còn em và anh
Ôm nhau hát buốt xương da

(Nhạc, thơ Lê Thị Huệ)

Thơ chữ có một điểm mạnh bất ngờ, xóc lên óc trí tuệ của thơ . Nghĩa là thơ chữ có tiềm năng thỏa mãn được nhu cầu trí tuệ, nhu cầu sinh hoạt não bộ . Vì thơ chữ lặn vào trong người . Vì lặn vào trong nên nó tự động tìm đường luân lưu .  Thế là nó chạy xuyên suốt trong cơ thể và máu chạy lên óc. Nên thơ chữ gần gũi đến nét thẩm mỹ của ngôn ngữ phía trong da thịt ngôn ngữ nuôi thức ăn cho trí não. Đứng về phương diện này, có những bài thơ chữ để cho trí não đọc lên thì thấy đã. Nhưng khi “phát ra ngoài cơ thể nghe thành lời” theo cảch cổ điển thì có thể “nghe không lọt lỗ tai” lắm.

Ví dụ bài thơ của Nguyễn Đức Nhân

những trái tim nhút nhát
hang ổ của bóng tối

sợ hãi sự rỗng không trước mặt và sau lưng

nhớn nhác tìm nơi trú ẩn

kỳ vọng

Thần Linh

nơi nương nhờ bí nhiệm

từ đó

không lối thoát - hai bàn tay cố giữ

cánh cửa nô lệ

 

(Một Sự Thật Khác, thơ Nguyễn Đức Nhân)

 

Nhạc đã chảy ra từ âm chữ “Nhút Nhát”. Tiếp theo là tiếng chuông chữ ngắn gọn boong, boong “nhớn nhác”  “kỳ vọng” “Thần Linh”.  Hai chữ thôi . Rất cô đọng thơ. Rất mệnh đề tuyên xưng của thơ. Sự dối trá của nhân loại nép mình vào tôn giáo. Từ chùm âm nhạc của hai chữ “Nhút Nhát” tác giả bùa chú phù phép một hơi thở thơ vào cuộc cách mạng thần linh . Để Sự nô lệ của con người vào tôn giáo bằng tiếng nhạc chữ eo sèo “Nhớn Nhác”. Hãy cho bài thơ này một tiếng nhạc bởi sự “Hai Chữ”: “Nhút Nhát, Nhớn Nhác, Kỳ Vọng Thần Linh”. Bài thơ tạo ra được nhạc điệu ngắn của sự “Hai Chữ” để nói lên được sự yếu đuối của hồn người nô lệ vào tôn giáo vào thần linh như một sự nô lệ tăm tối.  Một bài thơ mạnh mẽ bởi tiếng nhạc boong boong tả lại tình trạng nô lệ của nhân loại vào tôn giáo. Các chữ trong bài thơ không vần điệu. Nhưng tôi vẫn nghe ra được một tiếng nhạc chảy ra từ cái đẹp của suy tưởng.

Một bài thơ ngắn thả nhạc từ chữ của trí tuệ, của suy tư, của chiều sâu rộng trí não; hàm chứa một thứ triết lý vĩ đại về sự tăm tối của linh hồn và đức tin của nhân loại.  Bài thơ mô tả thân xác với trái tim và hai bàn tay đã ghì chặt sự nô lệ của đức tin của con người. Bài thơ khích thích rằng chính bản chất nô lệ đã tròng con người vào vào các đức tin tôn giáo.  Được biết thi sĩ Nguyễn Đức Nhân là một tu sĩ Phật Giáo mấy chục năm.

Với tôi đây là một bài thơ chữ hoàn tất vai trò “thi ca là là chỗ chà triết lý sáng nhất”. Tôi rất thích vì nó có bề sâu của trí não suy sự. Ngoài ra bài thơ tuyệt vời ở điểm là dài không thừa chữ, ngắn thiếu chữ.  Chữ nghĩa phong phú và cách xếp đặt bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Nhân tôi gọi là một tay thi sĩ mát chữ.

Ở cuộc đối thoại tay ba giữa tác giả Đoàn Minh Đạo, nhà thơ Vũ Hoàng Thư và tôi, Lê Thị Huệ, trên Facebook(3) vào năm 2021. Tôi đã chất vấn tác giả về nhạc chữ của chữ “thì” hay “thĩ” trong câu “Bằng lòng thầm thĩ sương mù” tôi nói ông dùng “thầm thì” hay gõ lộn thành “thầm thĩ” vậy. Câu trả lời của nhà thơ Đoàn Minh Đạo:  “Đúng ra cũng muốn viết là "thầm thì" nhưng vì tính chất ngữ âm trong câu nên đổi ra "thầm thĩ" cũng như ta nói "hai mươi" thay vì "hai mười" cô hỉ ? Tra tự điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Của trang 1005 định nghĩa "Thầm thĩ" là "nói lầm thầm, nói trong miệng".

 

Đây là một bài thơ như kinh tụng. Bài thơ xử dụng các dấu tích của cổ ngữ tôn giáo đã lôi kéo kẻ thưởng ngoạn xử dụng kho hiểu biết của trí não để đến với bài thơ. Phải là những người đọc có kiến thức về tôn giáo về triết học Tây Phương mới vỡ bài thơ của Đoàn Minh Đạo ra được. Và ngữ âm bài thơ qua nền trí thức vạn hoa của nhà thơ đã giao hưởng được một thứ nhạc chữ của một bài thơ trí tuệ, đài các, giỏi chữ. Và may mắn thay chúng tôi đạp ra trên xác lá của những giòng chữ của bài thơ , hốt hoảng chạy theo giòng nhạc điện máu mà Vũ Hoàng Thư gọi là “dẫn những luống máu về thần trí “. Như trong sự bén nhạy của nhạc chữ “THĨ” mà không “THÌ”. Tôi đoan chắc nếu là thơ lời thì thiên hạ sẽ chuông âm “THÌ” hơn. Và thiên hạ sẽ nói chỉ có bọn chữ nghĩa rắc rối và lắc léo, mới chuộng chữ “THĨ” . Mà đúng vậy. Chỉ có dân đọc chữ, chạy theo nhạc chữ, mới cảm ra được cái hay của chữ “THĨ” . Âm nó nghẹo ngọng cả lưỡi nhưng thích là vì cái tính cầu kỳ rắc rối mang theo cả một lịch sử chữ nghĩa mà tác giả phải vận dụng và lôi tự điển Paulus Của nói ra cái hay của chữ “THĨ” . Thế đấy. 

 

Ta đã nhiều lần đánh đổi dấu tích
Vết bay của bầy chim vạch trên mặt biển thời gian
Nứt rạn khung kính mưa
Bằng lòng thầm thĩ sương mù
Nhàu nát mặt tấm vải xô

Những toa tàu kín cửa suốt hành trình vô định

Sân ga cuối là lời tiên tri rỉ ra từ pho sách cổ

Tràn những bông phong lữ thảo trên phố mặt trời

Một bờ tường kí ức xóa trắng

Một bản Kinh Tanakh dở dang

Làm sao ta biết đặng sức nặng của khôn ngoan

Nơi cánh chung chính là Tau Người chờ đợi

Người được chúc tụng đã đúc kết một hành trình bất tận

Khi con người vẫn lang thang nhập thể

Khi tiếng gõ ứ rì rào trong đêm bất hạnh

Chúng dò dẫm bước đi bằng cây gậy của mình

Làm sao ta biết đặng sức nặng của cô đơn

Có nơi nào trú ẩn cho loài chim biển

Nơi cánh cửa rình rập một chân dung

Bài ca cũng trừu tượng như con đường

Giữa những ngân hà vô định

Không thể chối cãi rất hoang mang

Làm sao ta biết đặng sức nặng của trái tim.”

 

(Tiếng Gõ, thơ Đoàn Minh Đạo)

 

 “Một bài thơ tinh khiết chữ dẫn những luống máu về thần trí". Đấy là lời phát biểu đầy cảm nhạc của nhà thơ Vũ Hoàng Thư về bài thơ “Tiếng Gõ” của nhà thơ Đoàn Minh Đạo. Đúng là một cảm xúc về nhạc chữ chảy như máu về trí não giao thoa thành thần trí. Thơ chữ phải tạo ra loại nhạc chữ như thế thì tự dưng kẻ thưởng ngoạn mới bật ra được một nhận xét rung rinh thần trí như thế. Vũ Hoàng Thư đã mô tả bùa phép của nhạc chữ trong thơ “Tiếng Gõ” của Đoàn Minh Đạo một cách tuyệt vời! Tôi vốn thích thơ kiểu cách trang đài chữ nghĩa, phổ ra nhạc chữ như thơ của Thi Vũ. Nay thêm thơ Đoàn Minh Đạo và thơ Vũ Hoàng Thư trên Gió O.

 

Cả bài thơ của Đoàn Minh Đạo nổi bật với hai chữ “thầm thĩ”. Như một nốt nhạc chủ đạo của bài thơ dẫn đầu cho loại nhạc róc rách quẫy đạp thần trí bài thơ.  “Thầm thĩ”, một chữ đắc địa diễn tả đường nhạc của bài thơ chữ này. Trước hết chữ “thĩ” trong “thầm thĩ” phát âm mạnh hơn “thì” trong “thầm thì”. “Thĩ” ngoài nghĩa “tiếng thầm”, còn có thêm nghĩa “cắn nuốt” và “phè phỡn” (2). Thầm thì thì chỉ là âm thanh nhẹ nhàng . Nhưng thầm thĩ là loại âm, loại nhạc có nội lực róc rách quẫy đạp kích động tâm trí hơn . Nếu thầm thì là nhạc soft rock thì thầm thĩ là tiếng của rock n roll  

 

Tôi thích chọn thơ cho Gió O là chữ nghĩa bài thơ vang vang trong thân xác tôi một loại tiếng nhạc thầm thĩ . Chúng thầm thĩ trong đầu trong ngực và nhất là trong máu . Không cần phải đọc lên thành lời trên cửa miệng . Không cần thoát ra tiếng vang ra ngoài . Mà âm thanh của thơ chữ chạy lòng vòng trong người tôi . Ủ kín trong linh hồn . Róc rách trong cơ thể . Vang dội trong trí não

Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ . Nên thơ phải chạy theo phù phép ma trận của âm và nhạc trong ngôn ngữ. Nhạc là cây đũa thần của ngôn ngữ . Nhân loại đã khuất phục nó như tôi đã nhận xét về sự ê a  của nhạc kinh đã  đẻ ra tôn giáo và là nguồn sống tâm linh của nhân loại phía trên .

Tìm cho ra nhạc chữ là một bất ngờ đầy trí lực. Đây là một thách thức của thơ chữ. Một năng lượng riêng mà thơ chữ chảy ra trong hồn trong xác mình.

Khi đòi hỏi thơ chữ phải tìm cho ra tiếng nhạc chữ, thì xem như thơ chữ đã phải khuất phục chiếc đũa thần nhạc chỉ huy mặt trận ngôn ngữ thơ. 

Hai mươi bài thơ kỷ niệm hai mươi năm sinh hoạt của Gió O như một thử nghiệm chọn lựa những bài thơ chữ xuất sắc. Tôi đọc chúng bằng mắt . Và tôi đã nhìn và nghe ra được nhạc chữ của chúng chảy ra trước mắt và trong trí não của tôi.

------------

(1) https://www.bl.uk/history-of-writing/articles/where-did-writing-begin

      Theo tài liệu của Thư Viện Anh Quốc dấu vết văn tự đầu tiên tìm thấy ở vùng Trung Đông - Mesopotamia (Iraq) khoảng 3400 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh.

(2) https://hvdic.thivien.net/   

Chữ “thĩ” viết ra 2 kiểu 呩, 噬 chữ Nôm và có 3 nghĩa như sau:
: Thĩ theo tự điển Nguyễn Văn Kiệm nghĩa là “nói khẽ”. Có 3 cách phát âm . Âm “thĩ” có nghĩa là “nói khẽ”. Âm “phệ” có nghĩa “cắn nuốt”, “nuốt chửng”. Âm “phè” có nghĩa là “phè phỡn”


(3). Cuộc trao đổi giữa nhà thơ Đoàn Minh Đạo (Vinh Doan) và các thân hữu trên trang Facebook của ông, (https://www.facebook.com/vinh.doan.319247) vào ngày 1 tháng 9 năm 2021 (Sept 1, 2021):
Vũ Hoàng Thư
: Trong cùng cực vô định và cô đơn, Aleph trầm âm một tiếng Om trở về nhất thể uyên nguyên. Một bài thơ tinh khiết chữ dẫn những luống máu về thần trí. Cám ơn bác Đoàn luôn là nhà thơ minh triết.

Vinh Doan: Cám ơn Vũ thi hữu cảm nhận sự thuần khiết của ngôn ngữ thơ như một lời kinh đối với chúng ta. Người làm thơ ngoài rọi tìm sự thật còn coi thơ như lời chú qua hoạn nạn phải không bác? TAYATHA OM BHEKHADZE BHEKHADZE.....

Vũ Hoàng Thư: Cám ơn bác Đoàn. Câu thần chú thật phù hợp cho mùa đại dịch đương thời:  Nguyện cầu cho tất cả đang đau khổ, thân khẩu ý đều được thoát khổ!

Gió-O Hải Ngoại: Vũ Hoàng Thư viết: "Một bài thơ tinh khiết chữ dẫn những luống máu về thần trí", ui trời, tui đang viết theme này cho thơ . Sẽ ngôn ngồm ngoàm ở Berkeley vào Ngày Kỷ Niệm 20 Năm Gió O 🙂 (lth)

Gió-O Hải Ngoại: "Tiếng Gõ" của Đoàn Minh Đạo là một trong 2 bài finalists của tác giả, đang vào tuyển thơ của Gió O phát hành ngày Gió O ở Berkeley 19/12/2021 (lth)

Vinh Doan: Cảm ơn cái duyên văn chương O tạo dịp rất nhiều.

Vũ Hoàng Thư: Nôn nao chờ đợi….

         Dza Uyen: Bài thơ thật sâu sắc, Thanks tác giả .

Người Nghiệp Tử:
Chào buổi sáng, mỉm môi cười thanh thản
Những ưu phiền … khuất dạng với đêm qua
Chào nắng sớm chiếu soi, hồn sáng lạn
Kìa ... bình minh ưu ái lại trao quà

Gió-O Hải Ngoại: "thầm thĩ " hay "thầm thì " ? Ông thầy ? (lth)

Vinh Doan: Đúng ra cũng muốn viết là "thầm thì" nhưng vì tính chất ngữ âm trong câu nên đổi ra "thầm thĩ" cũng như ta nói "hai mươi" thay vì "hai mười" cô hỉ ? Tra ĐNQATV của Paulus Của trang 1005 định nghĩa "Thầm thĩ" là "nói lầm thầm, nói trong miệng".

Gió-O Hải Ngoại: I'm glad I double checked 🙂 Love it 🌹 (lth)

Hoang Mạnh Tùng: Trời sinh làm người hãy người thôi , Đừng có bận tâm chuyện xa vời ,Thích gì làm lấy lòng thanh thản , Niết bàn Bồ tát cũng thế thôi ( phải không bác nhỉ)

 


GIÓ O 20

tuyển thơ Gió O, phát hành nhân dịp kỷ niệm 20 Gió O sinh hoạt

Lê Thị Huệ

2023