Lê Thị Huệ

VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 21 
 

8- Ếch Ngồi Đáy Giếng. 

Nguồn gốc người Việt có huyền thoại là họ cùng chung một bọc đồng bào gồm 100 trứng nở thành 100 con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hai ông bà ở với nhau không được nên chia tay nhau chúng ta đi. Năm mươi con theo cha lên núi làm nghề nông. Năm mươi con theo mẹ xuống vùng thấp làm nghề biển.

Là một xứ sở được nuôi dưỡng bởi tôm cá của biển cả và lúa gạo của ruộng đồng, dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa biển và văn hóa đất.

Suốt một giải thon thon hình chữ S của Việt Nam nằm cạnh biển Thái Bình Dương.

Văn hóa biển biểu lộ bằng những tính phiêu lưu, cứng đầu, may rủi, rộng rãi, thiếu chính xác, không ổn định. Những kẻ sống trên ghe thuyền thường thừa hưởng những bản tính trên đây do hoàn cảnh thiên nhiên mạnh mẽ lấn áp của biển cả áp đặt lên. Có những làng chài cạnh biển cứ bị sóng gió bão lũ táp vào bờ, cuốn mất nhà cửa đất đai mùa này qua mùa nọ. Sau một thời gian dài những làng chài này biến mất vĩnh viễn vào hư không.

Tính chất hư vô của những làng chài Việt Nam phản ánh sự từ chối một điều kiện thường trực, thường trú vào đất. Khi những người "lênh đênh trên sông nước" mà phải định cư vào đất liền, họ gọi hiện tượng này là "những con thuồng luồng ở cạn". (70)

Có lẽ vì tính chất không ổn định và mất mát vào lòng biển cả của những làng chài này, mà ngày nay văn hóa biển với những đặc tính của làng chài, không để lại những dấu ấn nhiều trong văn hóa và văn minh Việt Nam như văn hóa đất với những đặc tính của làng nông chăng?

Ngày nay khi nói văn hóa Việt Nam người ta vẫn nói đó là một nền văn hóa ảnh hưởng "nông nghiệp" mà hầu như không ai nói đó là một nền văn hóa ảnh hưởng "ngư nghiệp". "Dân Việt Nam có tới 80% sống ở làng xã và làm nghề nông". (71)

Đây là một định kiến thiếu sót khi nói về những ảnh hưởng văn hóa đất mà không nói về những ảnh hưởng của văn hóa biển, trên nền văn hóa Việt Nam.    

Văn hóa đất, hay còn gọi là văn hóa "lúa nước" của người Việt thường biểu lộ tính chống chọi, be bờ, bám trụ, bảo vệ, khép kín. Những người nông dân Việt Nam có khuynh hướng giữ gìn đất đai và để tồn tại với không gian. Tính chất cố thủ, bảo vệ, trung thành, là những nét mà người nông dân thừa hưởng lại từ nền văn hóa ruộng đất này. Chính nhờ một tinh thần kiên trì bảo vệ ấy, mà ngày nay văn hóa làng nông là một nét văn hóa rõ nét và còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam.

Ảnh hưởng văn hóa nông nghiệp này đã hình thành một biểu tượng quan trọng trong đời sống tập thể của người Việt Nam, đó là biểu tượng làng.

Theo Từ Điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam:

"(Làng là) đơn vị cư trú căn bản của nông thôn người Việt .... Dựa vào các cứ liệu khảo cổ học có thể hình dung: từ thiên kỷ II và I trước Công Nguyên: tổ tiên người Việt đã rời bỏ hang động tỏ xuống vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. Từng nhóm cư nông đã quần tụ thành từng cư điểm ngoài trời. những cư điểm này thường được thiết lập trên những gò, đồi thấp, chân núi, doi đất giữa vùng đất trũng, bên những dòng sông và đầm hồ ... Các cứ điểm thường rào giậu rất chắc chắn để chống thú dữ và giặc giã... Trong các "làng" này, ngoài nhà ở còn có nhà công cộng, nơi để dân làng hội họp, vui chơi, tổ chức lễ hội... cũng tương tự như chức năng như các nhà Rông của Tây Nguyên và Đình Làng hiện nay. Bên cạnh còn có các công trình phụ thuộc như: kho thóc, chuồng gia súc.. bên ngoài làng có nghĩa địa chung của cả cộng đồng làng, bãi cỏ chăn nuôi và trồng trọt... Còn giờ đây khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng có xóm làng. Tùy từng vùng, ngoài những nét chung, làng xóm người Việt còn có những đặc điểm riêng biểu hiện thế đất,  ở nghề nghiệp, ở diện mạo của làng, ở mật độ dân cư và ở cách bố trí nhà cửa vườn tược trong khuôn viên... Nếu dựa về thế đất để phân loại thì có nhiều dạng làng đất trũng, làng ven biển, làng trên đảo. Đó là mốt làng ở ngoài Bắc, còn trong Nam lại có các dạng làng khác: Làng vùng đất cao miền đông Cửu Long, làng trên giồng duyên hải, làng trên vùng phù sa nước ngọt sông Tiền và sông Hậu, làng trên vùng thấp ngập nước...Nếu dựa vào nghề nghiệp để phân loại thì có: làng thuần nông, làng thủ công.., làng bán nông bán công, làng bán nông bán thương, làng vạn chài... (72)

    Về cơ bản, làng Việt được tổ chức theo mấy mô thức sau đây:

"Tổ chức theo địa vực. Các nhà bám theo chân đê, dọc bờ sông, dọc đường cái. Những khối chặt kiểu ô bàn cờ xen kẽ với ruộng đồng. Mỗi làng, xóm, ngõ có cuộc sống tương đối riêng."

"Tổ chức theo huyết thống (gia đình dòng họ). Có làng nhiều dòng họ, có làng chỉ một dòng họ. Danh xưng và địa vị rất rạch ròi chi li: cố-cụ-ông-cha-bản thân-con-cháu-chắt-chút..."

"Tổ chức làng theo nghề nghiệp, theo sở thích, và lòng tự nguyện: Phe, hội, phường nghề. Phe tư văn. Hội hiếu, hỷ, mua bán, luyện võ, tập chèo, đấu vật. Phường nghề mộc, sơn, nề, thêu, chèo, rối..."

"Tổ chức làng theo lớp tuổi: tổ chức "giáp" theo nam giới (đã mờ nhạt). Đây là môi trường tiến thân theo tuổi tác dành riêng cho nam giới, phụ nữ không được vào. Bé trai mới lọt lòng được vào giáp ngay, được lên "đinh", ngồi chiếu giữa làng. Được nâng dần, được nâng lên địa vị "lão".

"Tổ chức theo cơ cấu hành chính. Làng có khi gọi là xã (có xã gồm nhiều làng), có khi gọi là thôn, khi nhất xã nhất thôn. Tiêu chuẩn để phân định là chính cư và ngụ cư (nội tịch, ngoại tịch). Thông thường người ngụ cư phải sống ở một làng đến ba đời thì có thể trở thành dân chính cư. Dân cư trong làng được phân chia thành hạng: chức sắc (đỗ đạt hoặc có phẩm hàm của vua ban), chức dịch (có chức vụ trong bộ máy hành chính), lão, đinh, ty, ấu, người già, trai đinh, trẻ con (trong các giáp)." (73)

    Bởi vì làng là một định chế cộng đồng chặt chẽ cho nên định chế này đã ảnh hưởng lớn lao lên trên sự thành lập con người xã hội của người Việt Nam.

Những ảnh hưởng tiêu cực của định chế làng vì thế cũng rất ư là thâm sâu trong văn hóa Việt Nam.

Một câu nói nổi tiếng phản ảnh văn hóa làng rất mạnh trong con người Việt Nam là câu "Phép vua thua lệ làng". Câu này ý nói bản hương ước của mỗi làng phải được coi trọng hơn chiếu vua truyền xuống.

Chính vì tinh thần cực đoan kiểu này đã đưa đến một số hiện tượng trì trệ tâm thần trong văn hóa Việt Nam.

Kiểu phân chia dân nội tịch và dân ngoại tịch biểu lộ tính chất kỳ thị kẻ trong làng và kẻ ngoài làng.

Tinh thần "Con vua thì lại làm vua. Còn sãi chùa thì quét lá đa" biểu lộ văn hóa làng theo huyết thống. Tinh thần làng huyết thống này tạo ra thói quen bảo vệ quyền lợi của người thân thuộc bà con họ hàng trước. Vì thế trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn hiện diện thói quen "gia đình trị", "kéo người thân vào", "kéo bà con họ hàng" vào trong các nơi làm việc. Chứ không dựa trên hệ thống chấm định khả năng (merit) một cách khách quan. Tinh thần bảo vệ họ hàng bà con (nepotism) là một thứ ngáng cửa ngăn chận sự phát triển dân chủ. Nếu không muốn nói là làm trì trệ tiến trình dân chủ một cách thầm lặng.

Không phải chỉ riêng tại Việt Nam, mà những nước Á Châu nào bị khống chế bởi những giá trị tiêu cực này cũng đều bị phê phán. Tại Singapore, họ đã phê phán những "giá trị Á Châu đi sai đường" như thế này: "Sự gắn chặt với gia đình trở thành một thứ kéo họ kéo hàng vào (nơi làm việc). Sự quan trọng của liên hệ cá nhân thay cho luật pháp trở thành một thứ chủ thuyết "nhất thân nhì thế". Sự toa rập trở thành sự tham nhũng chính trị. Bảo thủ và kính trọng bậc quyền thế trở thành cứng ngắc và làm kiệt lực khả năng sáng chế. Những khoe khoang thành tích học vấn trở thành một thứ học như vẹt và (phản ảnh) một sự sợ hãi không dám đặt câu hỏi với những người thày." (74)

Văn hóa kính trọng người già một cách cứng ngắc là kết qủa của sự phân chia con người theo giai cấp của Làng Giáp và Làng Huyết Thống. Những câu tục ngữ như: "Sống lâu lên lão làng" và "kính lão đắc thọ" là kết qủa của văn hóa làng này.

    Trong việc bảo vệ làng một cách mù quáng có câu tục ngữ Việt Nam rất phổ thông, để nói lên một nét văn hóa phản ánh tinh thần bảo vệ làng, chỉ biết quanh quẩn trong làng, không bao giờ muốn đi ra khỏi làng. Đó là "Ếch ngồi đáy giếng".

Người Việt thường dùng câu "Ếch ngồi đáy giếng" để chỉ đầu óc của những người ít hiểu rộng không biết nhiều. Có khuynh hướng ngồi ỳ một chỗ. Chỉ yêu làng nước của mình. Và bằng lòng với thái độ bế môn tỏa cảng. Rồi tưởng cuộc đời chỉ nhỏ bằng làng và bé bằng cái vung nồi cơm nhà mình. Câu này có ý nghĩa tương tự như thành ngữ "tunnel vision" của tiếng Anh, mà theo tự điển điện tử Anh Việt của công ty Lạc Việt ở Việt Nam 1996 có nghĩa là: "phiến diện, (sự không có khả năng nắm bắt được những hàm ý rộng lớn hơn của hoàn cảnh, lý lẽ...) (75)

Sự sai lầm của những đầu óc lãnh tụ "bế môn tỏa cảng" không trao đổi với thế giới bên ngoài đã tạo ra tiếng kêu của một bầy ếch. Cái âm vang của từng đàn ếch ngồi đáy giếng phản ảnh trong nhiều cung điệu một xã hội tự mình khép kín nên không biết gì về thế giới bên ngoài.

Vào thế kỷ 19, một ví dụ về tinh thần "Ếch Ngồi Đáy Giếng" là việc nhiều quan lại cao cấp dưới triều vua Tự Đức đã không biết lắng nghe các bản điều trần của các nhân vật có cơ hội xuất ngoại, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, học hỏi được điều hay, rồi trở về Việt Nam trình bày lên. Đó là các bản điều trần của các ông Phạm Phú Thứ (1864), Nguyễn Trường Tộ (1866), Đinh Văn Điển (1868)...

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức được ra khỏi nước, đi học hỏi một vòng Âu Mỹ vào khoảng đầu thập niên 1860. Khi trở về ông đã gởi lên triều đình nhà Nguyễn nhiều bài điều trần giá trị, đề nghị chánh quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... Theo các tác giả " Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam" thì "Các điều trần của ông nếu áp dụng là một sách lược lớn biến Việt Nam thành một nước hùng cường tạo nên chuyển biến quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.." (76)

"Về mặt kinh tế , Nguyễn Trường Tộ vạch ra đường lối làm cho "nước giàu mà dân cũng giàu" Ông khuyên triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, học cách làm ăn của các nước văn minh Tây Âu, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty kinh doanh nước ngoài đến giúp Việt Nam khai thác tài lợi để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ. Có như vậy mới giữ được độc lập trong tư thế chủ đón khách.. (xem Dụ tài tế cấp bẩm từ).

"Về mặt văn hoá xã hội, Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình tìm mọi cách nâng cao văn hóa đất nước theo hướng coi trọng khoa học kỹ thuật, để sớm nâng cao đời sống của nhân dân. Ông phê phán tình trạng dinh đô Huế luộm thuộm, mất vệ sinh, công thự dốt nát, lương bổng quan lại quá ít ỏi v.v.. Ông nêu hàng loạt vấn đề quan trọng như: nên sáp nhập các tỉnh để giảm bớt quan lại và có điều kiện tăng lương cho quan lại nhằm giảm tệ tham nhũng, khuyến khích tính liêm khiết, đề nghị sử đổi chính sách thuế, đánh thuế nhà giàu nặng hơn nhà nghèo, đánh mạnh vào xa xỉ phẩm, mặt khác không nên cấm dân dùng đồ đẹp đồ sang khiến cho văn vật ngày càng kém, áo xiêm ngày càng tồi, đề nghị sửa đổi chế độ thi cử, chú trọng bồi dưỡng nhân tài về nhiều mặt, thành lập các môn học thực dụng, dùng quốc âm trong công văn thay cho chữ Hán, lập địa đồ quốc gia và các tỉnh, kiểm kê dân số, lập trại tế bần, viện dục anh, v.v... (xem Điều trần về cải cách phong tục, Học tập bồi dưỡng nhân tài, Tế cấp bát điều ...)

"Về mặt ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ phân tích cho triều đình thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới, để biết ứng xử một cách linh hoạt (xem Thiên hạ đại thế luận). Ông chỉ ra những mâu thuẫn giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha và khuyên triều Nguyễn nên chủ động mở rộng bang giao với nhiều nước, nhất là với nước Anh, để chế ngự bớt tham vọng và khả năng xâm lược của Pháp. Khi nước Pháp có sự biến năm 1870-1871, vua Napoleon III mất ngôi, chế độ Cộng hòa Pháp phục hồi, Nguyễn Trường Tộ nêu một loạt kiến nghị, hướng dẫn triều đình Huế xúc tiến ngoại giao trực tiếp với chính phủ Pháp, khéo léo đối phó, ngăn chận bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Soái phủ Sài Gòn, nhằm tìm cách thu hồi lại sáu tỉnh đã bị chiếm ... (Xem Lục lợi từ và các tờ bẩm cuối năm 1866 đến tháng 2-1871)

"Về mặt quân sự, Nguyễn Trường Tộ tuy là một người "chủ hòa" nhưng không có tư tưởng "chủ hàng" hoặc hòa bình vô nguyên tắc. Năm 1867, ông khuyên triều đình "ra sức cải tu võ bị", đề phòng quân Pháp từ Nam Kỳ đánh lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nêu lên một chính sách quân sự có hệ thống như trọng võ ngang trọng văn, quý trọng người lính, ưu đãi sĩ quan, biên soạn lý luận binh pháp, đào tạo cán bộ chỉ huy, tạo dựng một quốc thể về mặt binh bị, chuẩn bị điều kiện tác chiến trong thành phố, tìm cách dùng người trong vùng địch chiếm.v.v...

"Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam..."   (77)

Bế Quan Tỏa Cảng là chính sách mà các vua triều Nguyễn thời bấy giờ đã áp dụng tại Việt Nam. Chính sách này phát xuất từ tinh thần be bờ muốn giữ gìn làng xã. Nên khi thấy người ngoại quốc đặt chân đến nước ta thì nhất định không chấp nhận, không nói chuyện, không trao đổi. Chính sách cực đoan này đã dẫn đưa đến sự tấn công và chiếm cứ của Thực Dân Pháp lúc bấy giờ.

Các dân tộc nào có cơ hội ra khỏi quốc gia họ nhiều thì dân tộc ấy sớm tiến bộ, khôn ngoan, và thành công hơn trong việc phát triển quốc gia mình. Người Âu Châu với tinh thần phiêu lưu dẫn đưa họ đi thám hiểm khắp nơi trên thế giới xông xáo hơn các người Á Châu hay người Phi Châu. Kết quả là họ thu lượm được nhiều lợi lộc từ các cuộc viễn chinh ra khỏi xứ sở họ. Những cơ hội ra khỏi xứ sở và tiếp xúc với các phần đất khác trên địa cầu đã sớm giúp họ bành trướng ảnh hưởng quốc gia mình. Những ảnh hưởng của nước Anh trên Singapore, Úc, Mỹ; ảnh hưởng của nước Pháp trên Việt Nam, Algeria; ảnh hưởng của nước Tây Ban Nha trên Mễ Tây Cơ, Cu Ba... chứng tỏ điều này. Kinh nghiệm ra đi tiếp xúc với thế giới sớm sủa hơn các dân tộc Á Châu khác đã giúp người Trung Hoa có thái độ mềm dẻo trong lúc kinh doanh. Các Hoa Kiều ở ngoại quốc rất thành công trong thương trường tại các nước khắp nơi trên thế giới. Các Phố Tàu hiện diện từ San Francisco qua đến Luân Đôn, từ Vancouver cho đến Bangkok... là một biểu thị.

Hơn một trăm năm sau khi Nguyễn Trường Tộ qua đời, người Việt vẫn còn áp dụng tinh thần "Ếch Ngồi Đáy Giếng" khi thiết lập lên Bức Tường Lửa (firewall) trong hệ thống in tơ net vào những năm đầu thế kỷ 21.

Cuộc bùng nổ tin học vào cuối thập niên 1990 đã dẫn đưa thế giới vào một khúc ngoặt của văn minh. In tơ net phát xuất từ Hoa Kỳ nhưng nhờ vào điều kiện điện thoại và du lịch máy bay đương đại, kỹ nghệ com mau chóng lan tràn khắp thế giới. In tơ net được gọi là nối mạng thế giới, xa lộ thông tin, thư viện khổng lồ, thế giới trong bàn tay...

Chú Thích

70. "Vạn Đò Còn Đó Nỗi Đau." Báo Lao Động. 03.12.1999.

http://www.fpt.vn/InfoStore/7F180055/1999/12/38477B14.htm

71. "Làng, Nguồn Cội Của Chúng Ta", Nguyên Thị Tần. VOV. News.30.7.1999)http://www.fpt.vn/InfoStore/4D03002F/1999/07/37A22979.htm.

72. Hữu Ngọc chủ biên. Từ Điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam.. Nhà Xuất Bản Thế Giới. Hà Nội 1995. Trang 368-369.

73. "Làng Việt Là Gì? Đặc Biệt Của Làng Việt Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ?" Theo VOV. News, không có tên tác giả. By enews. ttvn.@ sg.fpt.vn.30.10.1999

74. "The attachment to family becomes nepotism. The importance of personal relationships rather than formal legality becomes cronyism. Consensus becomes wheel-greasing and corrupt politics. Conservatism and respect for authority become rigidity and an inability to innovate. Much-vaunted educational achievements become rote-learning and a refusal to question those in authority." Asian Values Revisited. What Would Confucius Says Nows? Singapore, The Economist 7.25.1998. Http:// www.economist.com/ editorial/ /freeforall/19980725/as5207.html

75. Tự Điển Việt Nam, Tự Điển điện tử, Lạc Việt, 1996

76. Nguyên Quyết Thắng, Nguyên Bá Th. Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. Sài Gòn. 1992. Trang 676.

77. "Nguyên Trường Tộ, Người Đi Trước Thời Đại." 

http://www.nhandan.org.vn/vietnamese/danhnhan/dn039.html.