Lê Thị Huệ

VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 21 
 

7- Văn Hóa Nghiện Cái Nghèo 

 

Văn hóa Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến nay là một văn hóa rất thân thương cái nghèo.     

Từ thời huyền sử Việt Nam đã ca ngợi những thần tượng nghèo khó. Bắt đầu với truyện có anh kẻ biển tên là Chữ Đồng Tử nghèo đến độ không có cái quần mà mặc nên phải chôn mình xuống đất để khỏi mặc quần. Nghèo chi mà nghèo dữ! Vậy mà sau này lại được một nàng công chúa tên là Tiên Dung muốn lấy. Câu chuyện cổ tích thần thoại này giới thiệu vào tâm hồn người Việt Nam mối lãng mạn về cái nghèo từ nhỏ.

Đến anh chàng Trần Miên Khố Chuối học giỏi nhưng nhà nghèo không có áo quần mà mặc, phải lấy lá chuối đóng khố làm quần. Nghèo chi mà nghèo quá thể. Ban đêm không có dầu mỡ thắp đèn học nên phải bắt đom đóm hay nhờ ánh trăng mà học bài.

Lãng mạn và tình tứ với cái nghèo đến thế này thì thôi:

"Chồng em áo rách em thương.
Chồng người áo gấm xông hương mặc người."

Triết gia Kim Định, một học giả cuối thế kỷ 20 đi tiên phong trong việc nghiên cứu triết lý An Vi đã cổ võ tinh thần "nghèo mà vui" của người Việt một cách rất tận tình: " ... nhờ việc nhấn mạnh đến đức độ mà những xã hội Việt Nho đã giữ được phần nào hoàng kim thời đại mặc dầu điều kiện vật chất rất eo hẹp. Ai đã có dịp sống ở miền đồng ruộng nhất là trong Nam cũng cảm thấy những nét hoàng kim: ít có tranh giành, trộm đạo. Trái lại hiếu khách, làm ít, chơi nhiều. Tôi quen một gia đình có 6 xào dừa, mỗi ngày làm việc vài ba tiếng còn toàn nhậu, chơi cờ, với ba câu vọng cổ hoặc nằm đưa võng đọc truyện hoặc đi đền chùa.... Tôi thấy đời như vậy cũng đáng sống rồi". (59)

Trong sinh hoạt nghệ thuật Việt Nam, những nhân vật nghèo khổ thường là những nhân vật được ca ngợi và được nâng niu trìu mến trong lòng quần chúng. Một anh ca sĩ Trương Chi nghèo nhưng được người con gái quyền thế dấu yêu để ý. Thạch Sanh Chém Chằng là anh nhà nghèo. Cô Tấm hoa khôi là cô gái nghèo. Nhà mẹ Lê của Nhất Linh con cái nheo nhóc nghèo đáng nhớ. Chí Phèo Anh Hùng Lao Động Cộng Sản nghèo tận mạng. Dưới chế độ Cộng Sản giai cấp bần cố nông là giai cấp được nhà nước đề cao như là những "Anh Hùng Cách Mạng" đi tiên phong phá bỏ giai cấp phong kiến và tư sản là những mảng văn học phong phú nhất.

Hãy nghe nhà văn Thạch Lam tả về một cơn đói. Đã đói rồi mà nghe ông này tả thì thấy cơn đói này sao đẹp quá.

"Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ. Mấy miếng đậu vàng trong chảo mỡ phồng dần trên ngọn lửa, mấy con cá rán bắt đầu cong lại, làm cho chàng ao ước đến rung động cả người.

"Không bao giờ chàng thèm muốn như bây giờ cái miếng ăn kia. ...

"Một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình. Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động: chàng vừa thoáng ngửi thấy cái mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp mà mỡ còn dính ở tay.

"Cơn đói lại sôi nổi dậy như cào ruột xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn.

"Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lẫn khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột gan, như thấm nhuần vào tận xương tủy.

"Sinh cúi xuống, nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn; chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng dậy nữa... Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, sinh vơ lấy miếng thịt hồng hào..." (60)

Về tôn giáo, các nhà sư Phật giáo phái Tiểu Thừa ở Việt Nam đi ăn mày để sống qua ngày.  Điều này càng tăng thêm vẻ huyền bí cao siêu của sự nghèo khó.

Nghe kể là ở vùng Thanh Hóa có nguyên một ngôi làng sống bằng nghề ăn mày (61a). Họ ăn mày rất chuyên nghiệp. Họ còn thờ cả vị Tổ ăn mày nơi xứ này. Đến ngày giỗ tổ là mọi người trong làng đều phải đi ăn mày để nhớ ơn Tổ.

Cái xứ sở gì mà nghèo khó đến độ tạo ra một "nghề nghèo" chuyên nghiệp thì quả đây là một hiện tượng xã hội khá đặc biệt. Cũng như bên Ấn Độ, ăn mày được xem là một nghề chuyên nghiệp cùng với nghề cổ truyền: nghề làm đĩ.

Nếu quan sát kỹ hành vi ứng xử trong đời thường của người Việt Nam, bạn sẽ thấy khi họ gặp một người nghèo, họ rất dễ mủi lòng.  Họ sẵn sàng đứng về phía người nghèo đó để giúp đỡ và bênh vực.

Còn khi gặp một người giàu, người Việt tỏ vẻ thờ ơ, không tỏ vẻ gì ngưỡng mộ sự giàu sang phú quý này. Nếu không muốn nói là hơi dè chừng nghi kỵ. "Phong lưu là cạm (bẫy) trên đời". Ngán ngẩm thì có nhưng kính trọng thì không. Câu tục ngữ "Giàu điếc, sang đui" (người giàu thường vì sợ người ta vay mượn nên giả điếc. Người sang cả ra đường hay giả đui, không muốn chào người nghèo vì sợ mất sĩ diện), hàm chứa thái độ miệt thị giai cấp này.

Khi di chuyển trên đường sá tại Việt Nam, có một luật lệ bất thành văn mà ai cũng mặc nhiên chấp nhận. Là khi có một sự cố xảy ra do sự va chạm giữa hai người đi đường, thì người giàu hơn bắt buộc phải bồi thường cho người nghèo gặp nạn. Bất kể là lỗi đến từ phía nào. Ví dụ trong một cuộc đụng xe giữa xe ô tô và xe gắn máy, chủ nhân xe ô tô vì giàu hơn nên luôn luôn phải là người bồi thường cho chủ nhân xe gắn máy. Cũng thế, trong một tai nạn xảy ra giữa xe máy và người đi bộ, người đi bộ vì nghèo hơn nên luôn luôn phải là người được bồi thường cho dù kẻ bộ hành này đã băng qua đường ẩu tả. Xã hội này luôn luôn ưu ái với cái nghèo.

"Nào dép lê quèn quẹt, đi đến đâu tung bụi đến đó, cũng cứ nghênh ngang giữa lòng đường, có chàng chịu chơi còn ôm ngang vai nhau, dàn hàng ngang mà đi sau khi ở quán bia chả chó ra, dăm chàng như thế, sặc mùi rượu đế. Có anh tài xế nào mà dám đụng vào họ đấy. Có mà....

"Ở đây chỉ xin nói, có những phố vắng, còn vỉa hè, người ta vẫn không thích đi trên vỉa hè mới lạ. Cứ giữa lòng đường mà diễn. Thì ra vẫn còn có nhiều người muốn vô bệnh viện, vẫn coi thường sinh mệnh của mình, vẫn muốn công an lập biên bản.... Một vụ tai nạn xe cộ, người đi bộ trái lè phè vẫn cứ được bênh vực mới lạ. Lòng đường đã thành thiên đường bất khả xâm phạm đối với những cái chân vô kỷ luật mới lạ." (61b)

Tôi có một kinh nghiệm về cách ứng xử của người Việt với những người vô gia cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ

Trong khi quan sát, tôi thấy trước các tiệm ăn Việt Nam thường có các anh vô gia cư Mỹ bắc ghế ưu ái ngồi xin tiền. Ở những khu Việt Nam sinh hoạt đông, như khu Lion Plaza hay khu downtown San Jose,  những anh cựu nghiện ngập Mỹ thường xuyên tập trung ở đấy để xin tiền nhiều hơn các khu vực Mỹ Trắng.

Có những lần tôi thử đề nghị với một hai người rằng: người Việt không nên cho tiền mấy anh vô gia cư Mỹ kiểu này. Vì càng cho thì họ càng bám lấy các khu các tiệm Việt Nam khiến cho các khu sinh sống của người Việt bị hạ giá. Chúng ta có thể biểu hiện lòng giúp đỡ những người này bằng cách lập ra những nơi từ thiện rồi cho tiền vào đấy. Để các hội từ thiện chăm sóc những người này.

Thế là tôi bị mắng ngay vào mặt rằng: "đồ cái thứ tàn nhẫn, thấy người nghèo khổ mà không biết thương hại, vài đồng bạc thì nghĩa lý gì mà cũng tính toán".

Tôi tin rằng những người Việt tử tế này cũng thấy lời đề nghị của tôi có sự hợp lý. Nhưng nếu bảo họ quay lưng đi với những anh vô gia cư Mỹ ngửa tay xin tiền thì họ sẽ không nỡ lòng nào.

Một hôm khác, sẵn trên đường trở lại viếng Chùa Bà Đá ở Phố Nhà Thờ và Chùa Lý Triều Quốc Sư, thấy Nhà Thờ Lớn ở đường Nhà Chung đang mở cửa làm lễ cho con chiên mộ đạo, tôi cũng ghé vào tham dự thánh lễ.

Gặp lúc ông cha đang giảng phúc âm, tôi được nghe ông cha tả tình rất hay về nghệ thuật bác ái hiện thực kiểu văn hóa nghèo của Việt Nam. Đó là văn hóa mà chúng tôi thường đùa gọi là: "Lá nghèo đùm lá rách. Lá rách đùm lá tả tơi".

Nguyên thủy câu nói của người Việt là "Lá lành đùm lá rách" Câu này dạy người Việt Nam nên biết giúp người nghèo khổ hơn mình.

Câu nói "Lá rách đùm lá tả tơi" là câu nói tôi chỉ nghe sau này. Nghèo là đã cùng tận trong xã hội. Thế mà ở Việt Nam không chỉ dừng ở mức rách rưới nghèo khổ. Ở Việt Nam còn "chi tiết hóa" tới mức rách mà rách tả tơi nữa cơ.

Trở lại chuyện ông cha giảng cho con chiên ổng nghe mà tôi phải phục ổng về cái bài học ông ca biểu người công giáo Việt Nam phải biết yêu thương và giúp người nghèo đói Việt Nam như thế nào.

Người nghèo Việt Nam cần nghe giảng về việc phải biết giúp người nghèo nữa sao? Tôi nhìn suốt cả ngôi giáo đường hình như chỉ có trên dưới mươi chiếc áo dài. Còn lại là những con chiên mặc áo cánh quần đen đơn giản.

Tôi nhớ trước 1975, ở các họ đạo công giáo Miền Nam, nghèo cỡ nào thì nghèo, đi nhà thờ cũng phải có cái áo dài màu đẹp để mặc. Hai mươi lăm năm sau, đứng ngày giữa lòng thủ đô Hà Nội, người dân thủ đô không có cái áo dài mà mặc. Thiệt thảm quá sức. Vậy thì sá gì lời vị chủ chiên tiếp tục nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc "các con phải biết yêu thương người nghèo khóh của ông Giêsu.

Ông cha nói thao thao bất tuyệt về cái điều gì đó gọi là nghèo khổ. Tôi nghe mà bỗng dưng nhớ đến bài Phố Buồn nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy mà ca sĩ Hùng Cường ca rất hay: "Nhìn vào khe song trong anh ốm yếu ho hen...."

Trong khi đi tìm các trang nhà Việt Nam trên com, tôi thấy trong trang nhà FPT của Việt Nam dưới phân đề "Cuộc Sống" có một mục gọi là "Đời thường". Mở mục "Đời thường" này ra xem, tôi nhận ra "Đời thường" này toàn kể về đời của những kẻ nghèo khó hay đời của những kẻ bất hạnh.

Trong mục "Đời thường" của tháng 2 năm 2000, tôi đếm tất cả gồm 44 bài được lưu trữ. Thì có đến 31 bài mô tả cảnh nghèo khó và cảnh bất hạnh của người dân Việt Nam khắp nước. Những bài này được thu nhặt từ các báo trong tháng rồi được lưu giữ lại đây. (62)

Sao lạ vậy? "đời thường" ở Việt Nam sao chỉ toàn chuyện kể nghèo khổ và bất hạnh. Gọi là "đời thường" thì đáng lẽ nên có đủ vinh quang, phú quý, nghèo khổ, tội lỗi, hạnh phúc, hưởng thụ, đau khổ, cho đủ mùi đủ vị chớ. Không lẽ "đời thường" của người Việt Nam toàn là đời nghèo toàn là đời bất hạnh, nên người làm ra phân mục này tự động lưu trữ toàn chuyện nghèo khổ vào đây.

Nước Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, ông nhà nước suốt ngày cứ lặp đi lặp lại điệp khúc xin dân chúng cứu bồ giùm. Ông nhà nước ban hành chính sách "Xóa Đói Giảm Nghèo" mấy năm nay kêu gọi nhân dân phụ một tay giúp đỡ nhà nước khắc phục bệnh nghèo đói. Vậy mà đói nghèo như cơn bệnh trầm kha bất kham bám cứng lấy xứ sở này. Không biết đến bao giờ mới khắc phục xong.

"Ta đã đặt chân lên ngưỡng cửa năm 2000. Chính phủ dốc sức vào hai chương trình: xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu, xa. Cả nước nỗ lực đến năm 2000, cơ bản không còn hộ đói. Mỗi năm giảm 300.000 hộ đói để đến năm 2000, hộ đói nghèo chỉ còn 10%. Trong dòng máu tôi và anh có bao nhiêu triệu hồng cầu "nhà quêh? Trông thấy nông dân nước họ đi làm đóng giầy Tây, complet, cà vạt mà thèm. Đến bao giờ nông dân mình được thẳng lưng. Còng lưng nhổ mạ, nhổ cỏ, cấy lúa. Lúa chín lại còng lưng gặt hái. Có nhà điêu khắc nào động lòng tạc tượng người mẹ quê, rét căm căm "chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non"? Đá hoa cương hay cẩm thạch có tạc được bắp chân trần thôn nữ thâm tái bùn, ống quần túm lạt, gập lưng cấy lúa lúc tóc còn xanh, tới khi bạc đầu.

...

Đói nghèo đeo bám tới bao giờ? Dai dẳng bên tai tôi lời của bà cô tôi: "Mặt mũi làng xóm đã sáng sủa chút ít nhưng mà các anh chị vẫn ngại về. Làm gì có tủ lạnh, máy lạnh. Vẫn củi rơm nhem nhuốc. Đường thì chỗ đá, chỗ đất. Nước máy còn hiếm huống hồ nước nóng. Chân đất mắt toét còn đầy." (63)

Trong khi theo dõi khóa họp của chính phủ vào mùa thu năm 1999, tôi ngạc nhiên nghe một ông Bộ trưởng ra trước Quốc Hội Hà Nội đọc lời hiệu triệu rằng thì là một trong những cách hay nhất để "Xóa Đói Giảm Nghèo" là nên khuyến khích người dân hãy yêu chuyện làm giàu!

Không lẽ lâu nay người dân Việt Nam không thích làm giàu??

Sau khi ông Bộ trưởng ra Quốc hội đề xướng "cuộc cách mạng" nên thay đổi tư duy này, báo chí trong nước có lời phụ chú ngay.

Báo Thanh Niên ở Sài Gòn chạy ngay một tít lớn trên trang nhất:

"Các Thành Viên Chính Phủ Trả Lời Chất Vấn Trước Quốc Hội: Mỗi Làng, Xã Phải Có Nhiều Người Giàu Thì Đất Nước Mới Giàu Được". Theo bài tường thuật này thì "Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lê Huy Ngọ đề nghị với quốc hội "nên tạo một tâm lý xã hội hoan nghênh và ủng hộ người làm giàu chính đáng...." (64)

Báo Người Lao Động ở Hà Nội có bài bình luận rằng:

"Những tưởng ông Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chỉ chăm chăm nói về xóa đói giảm nghèo, nào ngờ chính ông lại đề nghị Quốc Hội cần tạo ra tâm lý xã hội hoan nghênh, ủng hộ nông dân làm giàu chính đáng để làng xã có nhiều người giàu, từ đó đất nước có thêm nhiều người giàu ..... Như thế là vui chứ, nói rất nhiều về khó khăn, vướng mắc mà vẫn vui vẻ vì là nói về những lo toan cho sự làm giàu. Thì chính ông Bộ Trưởng Lê Huy Ngọ đã chính thức đề nghị Quốc Hội cần tạo ra tâm lý xã hội cho những con gà được hoàn toàn thanh thản đẻ ra càng ngày càng nhiều quả trứng vàng. Nhớ lại, đã có thời kỳ ý nghĩ của không ít người cho rằng "Nghèo Là Tốt" được coi là triết lý sống thì mới thấy Quốc Hội họp kỳ này có nhiều cái mới lắm!". (65)

Những người trước đây đi cổ võ cho ý nghĩ "Nghèo Là Tốt" mà tác giả Chu Thượng trích dẫn trên đây chính là giai cấp Đảng Cộng Sản đã và hiện đang nắm quyền cai trị tại Việt Nam.

Nhưng không phải chỉ có giai cấp "dẫn đường" âu yếm với triết lý "Nghèo Là Tốt". Chính thật ra giai cấp "theo đường", dân Việt Nam, còn ghiền còn say đắm với tình nghèo càng thắm thiết hơn ông nhà nước nữa.

Nếu nói về điều kiện vật chất, Việt Nam không phải là một nước nghèo từ trong căn bản. Cứ nhìn món ăn cổ truyền Việt Nam bày ra trên mâm cơm mâm cỗ thì thấy: Bánh nếp nhân thịt có từ đời Hùng Vương dựng nước. "Con gà tục tác lá chanh", "Mẹ em tham thúng xôi vò, "Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi", "Chán như cơm nếp nát" ... Những cách nói này phản ảnh thực đơn Việt Nam đã rất trù phú từ nghìn xưa. Thức ăn đủ chất đạm, chất sắt, chất xơ lành mạnh phong phú đã nằm trong mâm cơm của người Việt bốn nghìn năm văn hiến từ thuở não thuở nao. Trong khi nếu nhìn sang món ăn cổ truyền của người Nhật chẳng hạn là nắm cơm vừng chay hoặc bát udon không thịt. Những món dưa muối Kim Chi phong phú tuyệt vời của người Đại Hàn phát sinh từ hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt mùa đông giá lạnh. Người Đại Hàn chẳng thể nào câu được con cá gì ngoài sông rạch ở cái xứ "lạnh lớn" ấy .

Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An được viết vào đời Mạc Phúc Nguyên 1553 đã mô tả về sự phú túc của lâm sản và hải sản miền Trung, Quảng Bình cho đến Quảng Nam như sau:

"Lâm Sản Tổng Luận

"Vải hoa làm màn cửa với ngà voi sản ở các trại thuộc hai châu Thuận Bình và Sa Bồn.

"Nhựa thông và mắt thông sản ở các xứ Tư Vinh và Tân Chu. Các núi Châu Bố Chính, Kim Trà thì sản quả tần bà, chỉ ăn có hạt, hạt càng nhỏ càng ngon; các rừng Bố Chính, Khang Lộc thì sản mật ong, chỉ lấy có bọng, bọng càng nhiều càng tốt.

"Củ mài Minh Linh có tiếng, Ô dược Bố Chính là hơn.

"Quả trám thì các vùng Khang Lộc, Bố Chính rất nhiều, dân nhờ sản vật, dầu vong thì các miền Đan Điền, Lai Vu sẵn mối lợi không vừa.

"Muối thiên nhiên thì hang núi Khang Lộc, An Đại sản thứ muối phân ve sầu. Hai xã Trung Kiên, Hoàng Đàm đã có lò nấu sắt, mỏ thì các núi Tú Vinh.

"Bố Chính sản nhiều quặng sắt, các xã Phú Tôn, Cao Lao đã có lò rèn.

"Đuôi trĩ thì khu rừng An Đại, Khang Lộc rất nhiều; cua đá thì chân núi Khang Lộc rất sẵn. Dầu mộc tê thì rừng Kim Trà có nhiều, vải bông trắng thì hai châu Thuận-Sa rất đẹp.

"Lâm Sản phong phú như thế song chưa bằng mây có cây dụng rất tiện lợi ........

"Sản Vật Bể

"Cá và muối thì xã Diêm Tràng huyện Tú Vinh ngon nhất, thứ nhì đến cửa Di Luân; cá phong thì các đập An Lưu, Thanh Lam có nhiều, thứ hai đến đập Tam Chế. Còn hào sản ở cửa Hải Vân với cửa Tú Khách, mà xứ Vĩnh Tuy huyện Khánh Lộc cũng nhiều; con dưu thì ở các bến cát bờ bể, mà hạt Tân Châu, huyện Tú Vinh cũng sẵn. Loài ngao loài cua thì từ cửa Di Luân đến cửa Tú Khách, chỗ nào cũng có.

"Đỉnh núi Lỗi Lôi, châu Bố Chính thì sản tổ yến; cửa bể Di Luân thì sẵn tôm hùm. Đồi mồi, cá lợn thì ở cửa Tú Vinh với chằm cỏ Minh Linh; ốc cưu khổng thì sẵn ở cù lào Thủy Cần, huyện Lệ Thủy, cá sấu thì sản ở các vụng Hưng Bình, Hòa Lâm, huyện Tú Vinh.

"Hải vật nhiều thế nhưng chưa bằng cá có vị ngon hơn cả..." (66).

 

Năm trăm năm về trước xứ sở này đã có sơn hào hải vị phì nhiêu như thế. Mà năm trăm năm sau thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ca hát về miền Trung Việt Nam đã phải thốt lên: "Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn..."

Tại sao trong những điều kiện vật chất phì nhiêu lúa gạo, thịt cá đầy biển, mỏ vàng mỏ than mỏ sắt các nơi, đã hiện diện từ bao trăm nghìn năm nay mà bây giờ nước Việt Nam vẫn còn nghèo. Tại sao trong những điều kiện trí tuệ thông minh đánh giặc đâu là thắng trận đó, người Việt Nam lại không nhìn ra cái lẽ là thay vì dùng trí lực vào việc mưu mô "đánh giặc", họ có thể dùng trí tuệ vào việc "kinh doanh" và sáng chế đồ dùng cho dân xài và nước giàu. Tại sao cách đây mấy nghìn năm, thay vì chỉ đủ ăn, người Việt đã không nghĩ ra việc xuất cảng lúa gạo để kiếm tiền nhiều hơn. Đã không rèn luyện chế biến lâm hải sản thành kỹ nghệ đồ khô đồ hộp bán cho Trung Hoa, Lào, Miến Điện. Đã không biết dùng các mỏ quặng để chế tạo ra tàu thủy tàu lửa xe hơi để đi lại cho nhanh chóng hơn. Tại sao các làng nghề như gốm (Bát Tràng), chạm khắc gỗ (La Xuyên, Nam Định), đúc đồng (Đại Bái, Bắc Ninh), chế biến vàng bạc (Kiêu Kỵ) dệt lụa (Hà Đông, Vạn Phúc) (67), đều khoe là đã vào nghề từ hàng trăm cho đến hàng nghìn năm mà vẫn không phất lên nổi? Có ngành nghề cả nghìn năm sao không phát triển tối đa để mang lại lợi nhuận tích trữ cho giàu sang phú quý lên mà giờ này làng nào làng nấy cũng vẫn còn nghèo xơ nghèo xác. Trong khi nước Mỹ vào năm 1776 là con số không, chả có ngành nghề nào ráo. Hai trăm năm sau, 1976, nước Mỹ phát triển cách gì hay quá mà họ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới!

Có phải người Việt Nam, từ trong căn bản, đã lãng mạn yêu thương sự nghèo khổ? Họ mới không phản đối chiến tranh. Nên hễ ai kêu gọi tòng chinh diệt giặc là sẵn sàng tham chiến. Mà hễ có chiến tranh, thì nghèo đói sẽ xảy ra.

Biết trước có chiến tranh là sẽ có nghèo đói. Vậy mà Việt Nam vẫn thích lao vào chiến tranh này đến chiến tranh khác. Tôi tự hỏi sao mấy ông bà tổ tiên Việt Nam không bàn được mưu tính được kế nào hay ho, để một mặt vẫn giữ được xã hội thái bình, một mặt vẫn không để cho người ngoại quốc xâm lăng như mấy ông bà tổ tiên nước Thái Lan. Mấy ông bà tổ tiên nước Việt Nam chắc là thích đánh nhau hơn mấy ông bà tổ tiên nước Thái Lan! Mấy ông bà tổ tiên Việt Nam chắc là thích nghèo hơn giàu, nên đến giờ này nước Việt Nam vẫn còn trong cơn say nghiện cơn nghèo.

Cùng với hoàn cảnh chiến tranh liên miên, xã hội Việt Nam mất tính vững chắc. Vì vậy nghèo đói là một hiện trạng thường trực nằm ung dung phơi bày vui vẻ ra trong xã hội Việt Nam từ thời thượng cổ đến nay.

Những câu nói rất quen thuộc như "Giàu giờ ngọ, khó giờ mùi", "Giàu chiều hôm, khó ban mai", "Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời" chỉ sự bình đẳng về thời gian của sự giàu có và sự nghèo khổ. Nhắc nhủ những kẻ nuôi dưỡng những nền văn hóa này rằng thì là: Không ai giàu mãi đâu. Và cũng không ai nghèo mãi đâu. Văn hóa này rõ ràng là thích bênh vực giai cấp nghèo khó. Văn hóa này rõ ràng là thờ phượng và âu yếm cái nghèo. Vì một cách thông thường, một khi giàu có người ta có điều kiện để duy trì sự giàu sang của mình hơn. Ở Ấn Độ chẳng hạn, giai cấp Tăng Lữ (Brahmins) là giai cấp được bảo vệ từ đời này qua đời nọ. Ở Tây Phương, giai cấp Quý Tộc (Aristocracy) là giai cấp tồn tại mãi trong sinh hoạt nghệ thuật và nắm giữ chính quyền một cách tự nhiên từ đời này sang đời nọ Trong khi đó ở Việt Nam, với tinh thần "không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời", người Việt Nam chấp nhận sự nghèo đói một cách ba đời tái ngộ cái nghèo một lần!(?)

Cũng trong cái tinh thần ưu đãi sự nghèo khó này mà lịch sử Việt Nam đầy dẫy những trang sử oai hùng chuyên nghề phá vỡ giai cấp giàu có.

Có phải người Việt Nam, từ trong căn bản, đã không ham muốn sự giàu sang phú quý? Nên dù xây dựng được cơ đồ giàu sang trong xã hội, khi thấy cần phải phá hủy sự bền vững đó, họ cũng sẵn sàng "giã biệt" sự giàu sang này. Họ thấy phá vỡ sự an bình và sự phú quý của xã hội là chuyện chấp nhận được. Hơn là chuyện duy trì sự an toàn và xây dựng của xã hội cho bền vững lâu dài?

Không cần phải trích dẫn xa xôi, ngay trong thời đại của tôi, hai cuộc đánh phá làm cho sụp đổ giai cấp giàu có xảy ra trong nửa thế kỷ cuối của thế kỷ 20. Năm 1954 bao nhiêu gia đình giàu có ở Hà Nội mất trắng tay khi rời Miền Bắc để trốn chạy chế độ của ông Hồ Chí Minh. Họ để lại của cải nhà cửa hoành tráng của gia đình dòng họ mình cho chế độ Cộng Sản vào thu chiếm. Chỉ hai mươi năm sau, năm 1975, tại Miền Nam lại xảy ra một cảnh tan nát mất mát của giai cấp giàu sang của Miền Nam. Những người giàu có ở Sài Gòn bỏ của chạy lấy người để chạy sang Mỹ. Bao nhiêu gia tài của cải họ để lại cho chính quyền Cộng Sản vào tiếp thu khi Miền Nam rơi vào chế độ của ông Hồ Chí Minh một lần nữa.

Trong những cuộc đánh phá "tư sản" của chế độ "vô sản" Hồ Chí Minh. Người dân Việt Nam rất quen thuộc với hình thức "biếu" tài sản của mình cho "nhà nước". Nghĩa là khi người "vô sản" Cộng Sản bước những bàn chân chiến thắng đến đâu thì người "tư sản" giàu có của cải ở đây lo mà cống hiến tài sản nhà cửa, đất đai, xe cộ của mình cho "nhà nước". Đừng có ở đó mà đợi "nhà nước" đến tịch thu vì tội "giàu sang" của người "tư sản".

Cứ một thế kỷ có vài ba cuộc "sàn" tài sản kiểu này thì ai mà giàu "ba đời" cho nổi. Và nếu điều này lập đời lập lại trong nhiều thế kỷ thì rõ là dân tộc này phải có cái máu tôn vinh màu nghèo khổ hơn là màu sang trọng.

Tâm lý dẻo dai chịu đựng vẫn thường được các nhà lãnh đạo chính trị mang ra như viên kẹo ngọt dụ dỗ dân Việt Nam hãy "rán" chịu đựng chiến tranh để đánh cho đến đích. Nhưng loại tâm lý "ráng chịu đựng" này khi mang áp dụng vào hoàn cảnh cơ hàn cực khổ, thì nó đã khiến cho dân Việt Nam trở thành con bệnh tâm lý nuôi dưỡng cái nghèo.

"Có người đã nhận xét: Người Pháp cho sống là hưởng lạc, người Đức cho sống là làm việc, người Việt cho sống là chịu đựng." (68)

Ca dao tục ngữ có một câu thần chú mà tôi bảo đảm là bất kỳ trẻ em Việt Nam nào cũng từng đã phải ít ra một lần bình luận nó trong giờ tập làm văn bậc tiu học. Đấy là câu "Đói cho sạch. Rách cho thơm."

Tất cả mọi người Việt Nam đều in trong đầu câu tục ngữ này. Câu tục ngữ này mở đầu hai chữ "đói, rách" nhưng lại chấm dứt câu văn bằng hai chữ "sạch, thơm". Có một mối tương quan âu yếm và kính trọng hiện tượng "Đói Rách" trong câu này biết là bao. Đói và Rách được tôn thờ trong câu tục ngữ này biết bao.

Tâm lý rán chịu đựng sự nghèo khổ đã được khích lệ bằng những câu ca dao tục ngữ kiểu này.

Rán chịu đựng, một loại tâm lý không khuyến khích con người vượt thoát, khắc phục để thay đổi và tiến bộ. Rán chịu đựng, một dạng tâm lý khuyến khích con người ta sống với sự thua thiệt nghèo nàn. Và tác giả Lê Văn Siêu, một người viết khá nhiều sách về văn hóa Việt Nam, lại cho tâm lý "rán chịu đựng" này là một thứ "truyền thống" của người Việt Nam:

"Suốt một cuộc đời của người Việt Nam vậy đã chỉ toàn chịu đựng.

"Chịu đựng mọi gay gắt của hoàn cảnh thiên nhiên" nắng cháy da mồm chảy nước, (tại sao không tìm cách chế ra máy điều hòa không khí, máy quạt, quạt cho mát mẻ, mà lại chịu đựng cái nóng? lth), lạnh buốt xương (tại sao không tìm cách chế ra lò sưởi, sưởi cho ấm mà phải chịu đựng cái lạnh? lth), người ta vẫn chịu đựng để bám lấy đất mà sống. Và làm ăn chật vật vất vả, hai sương một nắng, lam lũ quanh năm chân lấm tay bùn, người ta cũng không nề hà để chịu đựng cho đến choắt người đời. Cả sự ăn uống kham khổ quanh năm không được một bữa no, chỉ vài bữa được hưởng mùi thịt, người ta vẫn chịu đựng." (69)

Như thế này mà đi lên nhà thờ gặp mấy ông cha Công Giáo còn vỗ về là thôi con hãy rán chịu đựng như thế: "Đấy là thánh giá của Chúa gửi trao."(!) Thì bao nhiêu sức lực lại chỉ tập trung vào việc âu yếm với cây thánh giá Chúa gửi trao. "Ách của ta thì êm ái. Gánh của ta thì nhẹ nhàng." Chứ còn sức đâu mà can đảm quẳng cây thánh giá qua một bên để tập trung tinh thần vào việc thay đổi tình trạng nghèo khổ của mình.

Tâm lý "rán chịu đựng" nghèo khổ đã khiến cho dân Việt Nam chịu đựng những hai mươi lăm năm nghèo đói dưới chế độ Cộng Sản 1975-2000 mà không ùn đũi lên nổi một thứ tâm lý nào khác hơn là tâm lý rán chịu đựng này.

Đáng lẽ ra thay vì dùng sức lực vào sự rán chịu đựng nghèo khổ, người dân Việt Nam nên dùng sức lực vào sự khắc phục những lực đã tạo ra sự nghèo khổ.

Vào cuối năm 1999, hầu hết các báo tại Việt Nam đều loan tin tình trạng kinh tế trong nước hiện đang dư thừa gạo, ca phê, thép, hạt điều, xi măng, hoa, nhưng không xuất khẩu được.

Tôi đọc báo thấy nhiều gia đình trồng hoa tại Đà Lạt khóc than vì nguyên vườn hoa tưởng bán được vào dịp tết năm 2000 nào ngờ đâu bị lỗ lã vì không ai chỉ đường. Năm ngoái thấy bán loại hoa hồng này được nên hùa nhau trồng. Năm nay vì nhiều người cùng trồng hoa hồng quá nên hoa hồng thặng dư. Đây là do sự dốt nát vì không ai giúp họ nghiên cứu thị trường trước khi làm vườn. Công việc nghiên cứu cao cấp này thường là do bộ nông nghiệp hay các nhà chuyên môn nghiên cứu thị trường của nhà nước hay các tư nhân nghiên cứu.

Ở Việt Nam chế độ bao cấp trung ương tập quyền Đảng Cộng Sản trị đã không làm chuyện nghiên cứu giúp nông dân này thì chớ, lại cấm tư nhân làm. Kết qủa là dân sản xuất nhà vườn mù mờ trồng hoa quả mà phó vào cho vận may rủi của phiên chợ tới.

Trong thời gian ở Hà Nội, tôi biết một thương gia Việt Kiều rất muốn mua cà phê Việt Nam để bán ra ngoại quốc. Tôi đã theo dõi và chứng kiến cảnh người trong nước rất muốn bán, nhưng cơ quan nhà nước vì một lý do gì đó muốn thương gia Việt Kiều này lấy hàng của đại diện hãng cà phê này ở Hà Nội, thay vì lấy hàng ở Sài Gòn như thương gia này tỏ ý ban đầu. Vì công ty cà phê này là công ty cà phê quốc doanh. Cho nên khi thương gia này từ chối lấy hàng từ Hà Nội thì người trong nước im re luôn.

Tuy không phải là dân buôn bán làm ăn nhưng tôi rất kinh ngạc khi thấy những người trong nước chấp nhận một lời nói "không" quá dễ dàng. "Người trong nước" đây, theo chỗ tôi biết là những người không phải là giàu có gì. Nếu họ "làm" được trung gian qua vụ này, chắc chắn là họ kiếm được một món tiền khá lớn. Sẽ thay đổi cuộc đời họ từ cảnh nghèo sang đến cảnh trung lưu. Tôi nói với những người này rằng tôi đã từng biết những người buôn bán ở các nước khác. Tôi quan sát và thấy những doanh nhân Hoa Kỳ khi gặp một cơ hội có thể kiếm ra tiền được như thế này, họ sẽ bám theo kỳ kèo cho đến khi nào được thì thôi. Họ không bỏ lỡ cơ hội dễ như vậy đâu. Còn quý vị sao quý vị mới nghe nhà nước nói "Không" là đầu hàng ngay vậy. Rán lên thử xem. Những "người trong nước" đã rất vui vẻ cười đùa hoan hỉ và trả lời tôi là "Khó lắm. Ở Việt Nam làm ăn khó thế đấy chị ạ". Một câu trả lời thật là không thỏa mãn cái đầu óc hay tò mò của tôi tí nào.

Sau đó tôi bâng khuâng tự nghĩ tại sao những "cô Be Rét Giao Chỉ đương đại đi buôn sữa" này chưa bưng bình sữa lên mà đã ngại đường xa rồi. Có phải là những cô Be Rét Giao Chỉ này thấy thôi thì sống nghèo nghèo không có lò sưởi trong mùa đông không có máy lạnh trong mùa hè thì cũng ... rán mà chịu vậy.

Chính cái tâm lý rán chịu đựng này là thủ phạm kéo dài triền miên sự nghèo khổ trên một đất nước của những con người thông minh, cần cù, nhẫn nại này đấy. Còn phải nói gì hơn nữa  

 

Chú Thích:

59. Kim Định, Triết Lý An Vi, Văn Lang Vũ Bộ. H.T. Kelton. Hoa Kỳ. Không ghi năm xuất bản. trang 88.     

60. Gió Đầu Mùa. Thạch Lam. Ngày Nay, Sài Gòn 1965. Trang 81.

61a. Đi Tìm Huyền Thoại Làng Ăn Mày. Thế Lê Vinh. VietNamNet. 31/05/2003. . http://www.vnn.vn/451/2003/5/13651/

61b. Băng Sơn. Những Nẻo Đường Hà Nội. Xuân Thu. California, Hoa Kỳ. 1999. Trang 22-24

62.    http://www.fpt.vn/InfoStore/760100DC/2000/02/38AB73B3.htm "Bình Dị Những Tấm Lòng Vàng. Huỳnh Hoà Bình. Báo Tuổi Trẻ số 15/2000. 10.2.2000

Người Mẹ Thứ Hai. Phong Thu, An Ninh Thủ Đô số 407. 11.2.2000

Phong Trào Đóng Góp Hiện Vật Giúp Đồng Bào Nghèo Thành Phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Bình. Báo Người Lao Động. 11.02.2000

Cần Lắm Những Tấm Lòng Nhân Hậu. Lê Đảnh. Tiền Phong số 20. 14.02.2000

Căn Nhà Không Có Tết. Báo Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh. số 10. 16.02.2000.

Quán. Điền Nam. Lao Động. 16.02.2000.

Nỗi Buồn Của Những Người Trồng Đào Quất. Xuân Phương. Báo Đầu Tư. Số 14. 16.02.2000.

Những Mảnh Đời Bất Hạnh. Báo Công An TPHCM. số 816. 18.02.2000

Cái Quê Khuất Xa. "Cái Gốc Của Dân Tộc" Bao Giờ Mới Hết Nghèo. Nguyễn Chí Thành. Thỡi Báo Kinh Tế Việt Nam. 18/12/2000. 18.02.2000

Một Gia Đình Cần Sự Giúp Đỡ. Báo Công An Nhân Dân, số 847. 18.02.2000.

Mong Có Chút Vốn Để Lo Cho Cháu. Ánh Hồng, báo Phụ Nữ số 11. 19.02.2000.

Lặn Lội Thân Cò. Mai Lan, Báo Phụ Nữ, số 11. 19.02.2000.

Bữa Cơm Gia Đình và Tình Thương Của Bố Mẹ. Phạm Thị Xuân Nương. Sài Gòn Tiếp Thị số 7. 19.02.2000.

Người Đàn Bà Vất Vả. Bích Thủy. Sài Gòn Tiếp Thị số 7. 21.02.2000

Cô Học Trò Vượt Lên Mặc Cảm Bệnh Hoạn. Duy Hải. Báo Thanh Niên, số 29. 21.02.2000.

Nỗi Bất Hạnh Của Em Nữ Sinh 13 Tuổi. Minh Thọ. Báo Công An TPHCM, số 817. 22.02.2000.

Theo Những Chuyến Tàu. Đăng Trung. Báo Giáo Dục và Thời Đại số 23(1736). 23.02.2000.

Gia Đình Không Còn Khả Năng Tiếp Tục Điều Trị. Đình Thắng Phụ Nữ Thứ Tư, số 12. 23.02.2000.

"Thằng Thúng" Của Ngày Hôm Qua. Vũ Đoan Tiến. Báo Tuổi Trẻ, số 21. 24.02.2000.

Chị Em Mỳ Gõ. Thái Thanh Thương. Phụ Nữ số 12, 24.02.2000.

Xin Cứu Giúp Cháu Bé Mồ Côi. Thanh Thủy. Báo Phụ Nữ Thủ Đô, số 8. 24.02.2000.

Cháu Còn Hy Vọng. Minh Thọ. Báo Công An, số 818. 25.02.2000.

Ngộ Nhỡ Biết Đâu. Lâm Tuy. Báo Lao Động. 25.02.2000.

Lời Thỉnh Cầu Của Một Đứa Trẻ Lang Thang. Sĩ Phúc. CAND, số 852. 26.02.2000.

Cậu Học Trò Nhỏ Trong Rừng Cao Su. Minh Thùy, Tuổi Trẻ Thứ Bảy 26.02.2000.

Người Phụ Nữ Hai Lần Bất Hạnh. Kim Sơn. Báo Phụ Nữ số 13. 26.2000.

Hai Bé Gái Mắc Bệnh Hiểm Nghèo Bị Bỏ Rơi Được Bệnh Viện Nhi Thụy Sĩ Nuôi Dưỡng. Thu Hoà. CANN số 853. 28.2000.

Hai Cô Bé Bất Hạnh, Huệ Trinh, CA TPHCM số 819. 29.02.2000.

63. "Nhà Quê Khuất Xa. Cái Gốc Của Dân Tộc Bao Giờ Mới Hết Nghèo?" Nguyễn Chí Thành Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. 18.02.2000.

64. Yên Ba-Tr.B-KO. Báo Thanh Niên. Thứ sáu, 03.12.1999.

65. Hoan Nghênh Làm Giàu, Chu Thượng, Lao Động, năm thứ 70 số 193/99 (5037) thứ sáu 3/12/1999.

66. Ô Châu Cận Lục, Vô Danh Thị, Dương Văn An nhuận sắc, Bùi Lương phiên dịch, Văn Hóa Á Châu xuất bản, Sài Gòn 1961. Trang 25-26.

 67. "Vạn Phúc là nơi tập trung nhiều nghề thủ công nghệ lâu đời. Với vị trí thuận lợi giao lưu với thành thị, các vùng chung quanh và tới nhiều miền đất nước nên ở Vạn Phúc đã sớm thành hình ngành ươm tơ, dệt lụa và nổi tiếng trong cả nước về đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Người Vạn Phúc đã sản xuất ra nhiều loại vải dệt qúy như: sa, gấm, nhiễu, đũi, băng, quế, lụa Hàng Vân, lụa Kỳ Cầu... Xa xa, lụa Vạn Phúc đã hấp dẫn mọi tầng lớp nhất là giới sành mặc ở thành thị và giới thượng lưu giàu có. Từ thời vua Khải Định, vua Bảo Đại, các vua tôi triều Nguyên đều sai sứ thần về tận Vạn Phúc mua các hàng dệt như sa, gấm, về triều đình để vua quan dùng. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, từ những năm 1930 nghề dệt lụa ở Vạn Phúc đã có bước phát triển mới. ... Năm 1937 lụa làng Vạn Phúc đã có mặt tại Hội Chợ Triển Lãm Kinh Tế Các Nước Thuộc Địa Pháp tại Paris. Nhiều công ty tư bản Á Âu thi đó đã thi nhau mua hàng dệt của làng Vạn Phúc.... TôTuấn. Http://www.fpt.vn/InfoStore/4D03002F/1999/12/3845A58C. htm. 12.1999

68. Lê Văn Siêu. Truyền Thống Dân Tộc. Sống Mới tái bản tại Hoa Kỳ. Không ghi năm tái bản. Trang 59.

69. Lê Văn Siêu. Truyền Thống Dân Tộc. Trang 55

Lê Thị Huệ 

© 2006 gio-o

đọc thêm về VHTT tại đây