Lê Thị Huệ

VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 21 
 

4-  Sư Cố 
(
tức "Sư Sãi & Cố Đạo" )

Một ngày hè tháng bảy nóng nực, tôi tháp tùng một phái đoàn Tây Ba Lô đi Chùa Hương. 

Ðến bến Yến, thấy đầu con sông dơ mà đâm ra ái ngại. Leo lên thuyền ngồi trôi ra giữa dòng sông.  Trời nóng, nước mát bốc lên, lòng lâng lâng theo làn gió, thấy cũng có lý. Ngồi bắt chuyện với chị lái đò. Chị chèo cho sáu người chúng tôi thoăn thoắt.  Chị ốm và đen như con cá bống kho tộ đã cạn hết sắc màu tươi thắm.  Tôi hỏi chuyện chị. Chị kể người làng Yến chèo đò cho khách đi Chùa Hương chỉ là kiếm tiền thêm. Còn thì phải cày cấy còng lưng mới đủ sống.

Vào đến Chùa Hương, tôi và mấy vị Tây Ba Lô leo những tam cấp chùa vèo vèo. Thoắt một cái đến đỉnh núi Chùa Hương. Ná thở!  Về lại Hà Nội kể cho người Hà Nội nghe. Người Hà Nội cười tủm tỉm: "Ối giời. Người ta đi viếng cảnh chùa. Ði một đoạn thì dừng lại. Nghỉ một chốc. Rồi lại tiếp tục leo. Rồi lại nghỉ. Lúc ngắm cảnh cây cỏ. Lúc dừng lại ăn quà. Vào những ngày Hội đầu năm người ta trẩy hội đông đúc chen lấn nên đi còn chậm nữa.  Cứ thế mà đi suốt ngày.  Ai như bác. Ði Chùa Hương mà bác leo một lèo không ngừng nghỉ thế kia thì qúa là như đi tập thể dục"!

Vì đã leo nhiều thang bậc kiểu của Chùa Hương và vì đã đi thăm nhiều chùa ở một số nước trên thế giới, nên cái vụ chùa chiền góc cây với chiều cao của núi không làm tôi ngạc nhiên. Tâm lý của kẻ đi đến chỗ lạ thì cứ thích có cái gì là lạ để xem.  Với tôi, leo núi Chùa Hương thì cũng không lấy gì làm cheo leo cho lắm.  Quang cảnh dọc đường đi thì cũng chẳng có gì ngoạn mục. Công trình chùa chiền thì cũng không có gì giá trị. Nên tuy là lần đầu leo núi Chùa Hương, mà tôi chỉ mong lên cho đến điểm cuối cùng để xem nó có cái  hay ho hấp dẫn không. Lên đến cái hang cao nhất của Chùa Hương.  Khói nhang bốc từ trong động ra nghi ngút. Tôi thở vài sào lấy sức, rồi đi vào ngay xem thử bên trong động có cái gì trong đó.

Bên trong cái động tối tăm tù mù nhang khói ấy, tôi chỉ để ý thấy sau cái bàn gỗ có ông sư trẻ trạc ngoài ba mươi, người Nghệ Tĩnh. Ông sư thoắt người, mắt sáng quắc nhòm tôi dò xét, khi tôi mở giọng Hà Tịnh ra hỏi chuyện sư tu được bao nhiêu năm ở động này rồi hả sư.

Ðiều tôi bắt gặp tại đây cũng là điều tôi bắt gặp ở hầu như tất cả các chùa Miền Bắc Cọng Sản. Là chùa nào cũng có những ông sư cứ như là ông công an giả đò đi tu.  Mấy ông sư ở trong những ngôi chùa Hà Nội mặt ông nào ông nấy nhọn lanh. Mấy ông sư mặt mày tướng tá này thì chỉ có thể làm nghề công an chứ không thể hành  nghề gì khác.

Ở Hà Nội, tôi đi lùng các chùa để xem xét. Chùa Hà Nội quanh Bờ Hồ gần khoang bàn chân. Ði bộ thăm viếng dề dàng. Nên khi có giờ rảnh tôi hay rảo bộ đến xem đi xem lại những cái mình muốn quan sát. Gạt bỏ ra những chuyện chính trị này nọ, một trong những cái thú ở Hà Nội là đi viếng những ngôi chùa trong thủ đô. Các ngôi chùa cổ đầy sự tích lịch sử kèm theo những dấu vết văn hóa là kho tàng nghiên cứu cho những ai muốn nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Có một buổi sáng, tôi ghé vào chùa Bà Ðá trên phố Nhà Thờ, tôi vào chùa định xin xem lại mấy cái tượng cổ trong chùa.  Bước vào sân tôi thấy một bầy các cô các cậu mặc áo nâu có người còn tóc có người đã cạo tóc. Họ ríu rít đùa giỡn vô tư như các nam nữ sinh trung học trong giờ ra chơi. Tôi đứng ngơ ngáo vừa quan sát một cách thú vị.  Ðúng là đây là một khóa dạy làm thầy chùa và ni cô ở Hà Nội. 

Một ngày nọ của tháng 11, tôi được tháp tùng một phái đoàn "nhà nước" đi  dự lể Giỗ Tổ ở chùa Bồ Ðề bên Gia Lâm, Hà Nội

Chúng tôi được mời ngồi vào một bàn cao và thoáng ở khu nhà Trai đối diện với khu nhà thờ Tổ.  Trên bàn ê hề thức ăn chay có mặn có. Từ bánh đúc chấm tương, thịt heo quay chay đó đến dồi mặn. Mở đầu bàn tiệc một ông sư mặc áo nâu ra nói vài lời chào hỏi phái đoàn quan chức nhà nước. Ông sư này trông còn trẻ chỉ khoảng độ ngoài ba mươi, răng vàng vẩu, mắt lồi, cười nói như một thằng bé vô tư. Ông ta mặc áo nâu và đội mũ.  Ông ta rối rít cám ơn phái  đoàn đã quan lâm đến chùa ngày hôm nay. Rồi bên phái đoàn nhà nước đáp trả ít câu. Xong đến phần ăn uống. Thế là có hai sư cô nhanh nhẹn khiêng ra hai két bia Henekein để hai bên cành hông tiếp phái đoàn. Ăn uống no nê heo quay chay cho đến dồi mặn.

Lần khác tôi đạp xe đạp lang thang trên đường Thụy Khuê. Ngang đền Voi Phục, thấy cửa trước mở, tôi dừng xe đi vào bên trong và được biết đây là đền thờ ngài Linh Lang con ông vua Lý Thái Tông. Ngay cái phản bên gian trái của đền chính, trên cái phản, tôi thấy có sáu người đàn ông mặt mày trí thức đang ngồi cười nói hỉ hả đánh bài với nhau.  

Tôi không biết mai kia mốt nọ những ngôi chùa và đền Miền Bắc rồi sẽ đi về đâu. Miền Bắc rất nhiều chùa, đình, và đền. Trong mấy mươi năm chế ngự Miền Bắc, Ðảng Cọng Sản đã làm một việc mà tôi cho là khá kỳ thú và sẽ có nhiều dư âm đặc biệt trên ảnh hưởng của các đạo cúng kiếng ở Việt Nam:  Ðó là việc họ quốc doanh hoá các đền chùa tại Miền Bắc.

Sự áp đặt của nhà nước lên các đền chùa ngoài Miền Bắc đã có nền móng và khá lộ liễu kể từ khi Ðảng Cọng Sản nắm chính quyền Miền Bắc. Từ năm 1945, Ðảng Cọng Sản Miền Bắc với chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Chủ trương vô tôn giáo đã khiến chính quyền này tuyên truyền trong dân chúng là tất cả mọi tôn giáo là "mê tín dị đoan". Và Ðảng cấm mê tín dị đoan.

Phần lớn những người dân sanh ra và lớn lên trong chế độ Cọng Sản Miền Bắc 1954 -1975 đều trả lời ở phần tôn giáo trên tờ căn cước của mình một chữ "Không."  Không tôn giáo.

Vào đầu mùa xuân năm nay, tôi đã làm một chuyến vào thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để khảo sát về ảnh hưởng của các tôn giáo tại các vùng này.

Tôi khám phá ra là tại thành phố Vinh năm 2000 không còn bóng dáng một nhà thờ hay một ngôi chùa nào!  Khi hỏi thăm tôi được cho biết thành phố Vinh là thành phố được xây dựng lại sau chiến tranh Quốc Cộng 1954-1975. Thành phố Vinh trong thời chiến tranh đã bị bom Mỹ tàn phá gần hết. Khi xây dựng lại thành phố Vinh mới này, dưới ảnh hưởng thuyết vô thần của cọng sản, những tụ điểm tôn giáo đã vắng mặt và biến mất trong thành phố.

Tôi rảo vòng khắp thành phố Vinh và hỏi thăm về sinh hoạt tôn giáo thì nhiều gia đình chỉ lên bàn thờ ông bà hay bàn thờ họ và nói đó là sinh hoạt tôn giáo duy nhất còn sót lại của họ. 

Với chủ trương vô tôn giáo, Ðảng Cọng Sản Miền Bắc trong suốt thời gian 1954 - 1989 đã tịch thu tất cả các đình, đền, chùa Miền Bắc và trưng dụng các nơi này thành những cơ sở công cộng.  Các đền, đình, chùa dưới chế độ Cọng Sản Miền Bắc trở thành những câu lạc bộ, những trung tâm sinh hoạt văn hoá, những thư viện, những nơi giữ trẻ...

Hiện nay các đền, đình, chùa Hà Nội vẫn còn là trụ sở sinh hoạt hành chính của chính quyền.  Dạo một vòng quanh Hồ Hòan Kiếm, Chùa Lý Triều Quốc Sư ở phố Lý Quốc Sư biến thành Ủy Ban Nhân Dân quận Hoàn Kiếm. Chùa Vũ Thạch 13 đường Bà Triệu là trụ sơ  của Ủy Ban Nhân Dân Phường Tràng Tiền.  Chùa Bà Ðá đường Nhà Thờ là trụ sơ của Ủy Ban Nhân Dân phường Hàng Trống.  Ðền Mẫu  Y Can trên đường Thành là trụ sơ Ủy Ban Nhân Dân Phường Hàng Bông.

Các sư quốc doanh đã trụ trì gần hết các chùa Miền Bắc. Ðiểm đáng nói là các chùa và đền ngoài Bắc vừa nhiều vưà đóng một vai trò rất quan trọng.  Các chùa ở Miền Bắc là những di tích lịch sử và văn hóa phong phú nhất của Việt Nam.

Kể từ năm 1989 khi Ðảng Cọng Sản Ðông Âu sụp đổ.  Ðảng Cọng Sản Miền Bắc không còn nơi nương tựa viện trợ, nên phải "mở cửa" kinh tế để cứu Ðảng và Nhà nước. Sự mở cửa kinh tế này kéo theo sự mở cửa các đền, đình, chùa.

Vì theo lời người Miền Bắc nói với tôi, khi người ta làm ăn được, kinh tế phát triển thì người ta mới làm cái việc "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Người ta mới nổi lên phong trào đi đến các chùa, các đền, xin lộc thánh. Chứ cứ như trước đây còn thời "bao cấp" nghèo không có ăn thì làm gì có chuyện đi đền đi chùa này nọ .

      Thế là kể từ thời "mở cửa" 1989, các đền chùa Miền Bắc trở nên các điểm thu hút du khách và thu hút tiền bạc từ các thiện nam tín nữ nhất.  Ðền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, nơi trước đây vắng ngắt mấy chục năm nay bỗng dưng, từ khắp mọi miền, người người kéo đến cúng tiền xin lộc.   Thế là các ông cọng sản Hà Nội mở các điểm chùa đền ra cho những kẻ mộ đạo và những khách du lịch đóng tiền.  Bao nhiêu chùa đền ở Hà Nội trở thành những tài sản của nhà nước và được quản trị bởi nhà nước. Có những lần tôi vào chùa Lý Triều Quốc Sư ở số 50 phố Lý Quốc Sư, Hà Nội, tôi thấy mấy ông trong ban quản trị phường quận ngồi họp ở đấy và nhìn chúng tôi đi qua đi lại. Khi tôi nói  là tôi muốn kiếm vị sư rành ngôi chùa để hỏi về một bài thơ cổ trong chùa, những vị chức sắc ngồi họp đó chỉ cho tôi một cậu bé khoảng 15, 17 tuổi. Cậu bé hăng hái ra giải thích cho tôi mà tôi cứ đứng trố mắt ra mà nhìn và nghe.  


ảnh: Carol Nguyen
Chùa Phật Giáo đóng vai trò tụ điểm chính trị dưới chế độ Cọng Sản 

Hiện tượng Ðảng Cọng Sản làm chủ hầu hết các chùa chiền ở Phía Bắc và họ cho các sư quốc doanh hoặc các cái ủy ban mà tôi đọc được bằng một thứ tiếng Anh viết bập bẹ trong một ngôi đền trên đường Bà Triệu " The Manager Of The Pagoda",  ngồi cai quản các đền, đình, chùa là một hiện tượng xã hội rất mạnh mẽ xảy đến cho xã hội Miền Bắc trong thời gian đảng Cọng Sản cầm quyền.

Một cách bình thường, ở các nước chậm tiến như Việt Nam hiện nay, các thế lực chính trị đã có qúa nhiều quyền hành trên người dân. Rồi trong thời gian nắm chánh quyền Miền Bắc, chính quyền Cọng Sản lại cầm giữ luôn thế lực tôn giáo.  Ðảng Cọng Sản Hà Nội nắm giữ một lúc hai thứ quyền lực mạnh mẽ nhất trên người dân sống dưới chế độ do họ cai trị. 

Ðạo Phật với hệ thống tổ chức lỏng lẻo đã hoàn toàn lọt vào tay nhà nước Cọng Sản.    

Công giáo với hệ thống trung ương tập quyền La Mã, dưới sự cai trị của Ðảng Cọng Sản, công giáo Miền Bắc đứng chững lại.  Tại Hà Nội, ngôi Nhà Thờ Lớn ở đường Nhà Chung sau nửa thế kỷ sống với Bác và Ðảng trông tiêu điều xơ xác như không sửa sang tu bổ kể từ ngày Ðảng Cọng Sản vào ngự trị Miền Bắc 1945. 

Tại Miền Nam Việt Nam hiện nay chùa chiền và nhà thờ của các tôn giáo nhiều gần bằng trường học. Hình như các chế độ càng hà khắc, các tôn giáo càng trở thành món hàng quốc cấm với người dân bị trị.  Ngoài ảnh hưởng của đạo thờ ông bà ra, các đạo Phật, Công Giáo, Cao Ðài, Hoà Hảo, Tin Lành, Hồi Giáo hiện đang là những tôn giáo lăm le thu hút, lôi kéo, dụ dỗ, phát triển, gìn giữ, bảo vệ,  tín đồ mình bằng đủ mọi phương thức. Chùa chiền nhà thờ nhiều thế nhưng các nhà truyền giáo và các con chiên vẫn chưa thỏa mãn. Các đạo chưa tạo được gốc rễ chưa nhiều tín đồ tại Việt Nam thì đang nổ lực lập phong trào giảng đạo chui.  Ví dụ các con chiên Tin Lành đang tìm cách học tập kinh thánh tại nhà, truyền đạo tại gia. Bên ngoài thì giả dạng đến để dạy nhau học Anh Văn nhưng thực chất là chuyền cho nhau Kinh Thánh để thu thêm tín đồ. Sư cố chỗ chính thống thờ phượng có khi bị giáo dân chê là đồ quốc doanh không giá trị. Vả lại họ phải truyền đạo chui vì công an vẫn còn xét nét điều tra các sinh hoạt tôn giáo qúa khắt khe. (30)  

Thờ cúng ông bà có thể gọi là một đạo mạnh nhất ở Việt Nam. Kinh điển Khổng gíao với tam cương "quân sư phụ" đã thiết lập ảnh hưởng nhiều trên đạo thờ ông bà tại Việt Nam.

Tuy nhiên người Việt với bản chất rất nặng tình cảm gia đình đã khiến cho khuynh hướng thờ ông bà là một sinh hoạt tôn giáo êm đềm thấm sâu nhất vào sinh họat tâm linh của người Việt Nam, hơn hẳn các tôn giáo khác.

Ðạo thờ ông bà tại Việt Nam có một sự nhập nhằng với đạo Phật. Hầu như những người Việt Nam thờ Phật đều thờ luôn ông bà cha mẹ. Trên bàn thờ của mỗi gia đình Việt Nam nào theo đạo Phật gần như cũng đều có thêm bàn thờ ông bà cha mẹ đặt dưới hay sau lưng tượng Phật. Người Việt Nam có thể không thắp nhang cúng Phật, nhưng họ vẫn thắp nhang cúng ông bà cha mẹ.

Ðạo Thờ Mẹ hay còn gọi là đạo Mẫu là một đạo rất phổ thông tại Miền Bắc. Ðạo này thờ ba bà Mẹ của trời đất. Mẹ Thượng Thiên sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm chớp. Mẹ Thượng Ngàn có nguồn gốc Sơn Thần trông coi miền rừng núi.  Mẹ Thoải (đọc trại ra từ âm Thủy) có nguồn gốc Thủy Thần trị vì miền sông nước. (31)

Dưới chế độ cọng sản Ðạo Thờ Mẹ bị cấm cản. Nhưng khi các sinh hoạt tôn giáo được nới lỏng kể từ năm 1989, các đền thờ của Ðạo Thờ Mẹ ở Miền Bắc bung ra sinh hoạt rất tấp nập. Tôi đã từng chứng kiến sự rộn rịp này tại Ðền Phủ Giầy Nam Ðịnh, thủ phủ của Ðạo Thờ Mẹ tại Miền Bắc.  Trong đền có bốn giá Hầu Ðồng liên tiếp ngày nối ngày đêm nối đêm không ngưng nghỉ. Danh sách người thay phiên lên Hầu Ðồng trong đền 24/24. Sinh hoạt tôn giáo liên tục 24 giờ một ngày khiến khách phương xa lạc vào đây cứ như lạc vào sòng bạc ở Las Vegas không còn biết đâu là ngày đâu là đêm. Những người chủ trì Ðền Phủ Giày cho tôi biết số người ghi tên Hầu Ðồng kín mít danh sách trước cả năm trời mới tới phiên mình.

Một trong những sinh họat chính của Ðạo này là tục Hầu Ðồng. Hầu Ðồng có những người lên bàn thờ nhảy múa, nhạc dân tộc nổi lên xập xình. Sinh hoạt này biểu tượng một sự giao tiếp giữa người sống và người chết.

Tôi không hiểu sao Ðạo Thờ Mẹ với tục Hầu Ðồng này lại bị chỉ trích gay gắt nặng nề là mê tín dị đoan và bị sự miệt thị của nhiều người Việt Nam. Hầu Ðồng cũng chỉ là một sinh hoạt tôn giáo như hành lễ Misa bên Công giáo hay làm lê cầu Siêu bên Phật Giáo. Trong khi các sinh hoạt của Công Giáo hay Phật Giáo thì không bị kỳ thị, mà sinh hoạt của đạo Thờ Mẹ này lại bị cấm cản miệt thị cho là  hủ tục.


http://i.dtinews.vn/

Xét theo con mắt bình thường thì Ðạo Thờ Mẹ là một đạo phát xuất từ Việt Nam. Ðáng lẽ nên được tuyên dương  hơn thì lại bị vùi dập. Người Việt Nam có câu “Bụt nhà không thiêng” để ám chỉ cái tính chất thiếu tự tin này.

Thiếu tự tin kiểu này đã làm cho dân tộc này bỏ lỡ cơ hội phát triên những tinh hoa của nền văn hóa họ. Trong con mắt của một phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền, tôi nhận thấy đạo Thờ Mẹ mang tính đề cao phụ nữ khi để cho người nữ bước lên bàn thờ tham dự việc tế lễ. Vì gần như các tôn giáo lớn đều cấm cản đàn bà và không cho đàn bà bước lên bàn thờ hành lễ trong bất cứ một sinh hoạt tôn giáo nào. Ðiều này chứng tỏ Ðạo Thờ Mẹ là một trong ít tôn giáo hiếm hoi tôn trọng quyền sống của người phụ nữ. Ðây là một điểm son đáng khai thác để tôn vinh rằng nền văn hóa Việt Nam là một trong số ít nền văn hóa không kỳ thị phụ nữ trong lãnh vực tôn giáo.

Có thể nói tính chất ca múa của tục Hầu Ðồng đã là một sinh hoạt văn hóa biểu dương điệu múa và điệu nhạc dân tộc Việt Nam. Ðó là một trong số ít cơ hội hiếm hoi mà văn hóa Việt có cơ hội bộc phát mặt nghệ thuật ca múa. Ðiều này đáng để được khuyến khích, tôn vinh, phát triển, thay vì chê bai, dìm xuồng, bỏ lơ.

Ðiều hay thì bị ngó lơ. Ðạo Thờ Mẹ là một ví dụ cho thấy ngườI Việt Nam đã không biết khai thác những điểm hay ho của chính nền văn  hóa họ. Với một nền văn hóa lâu đời nhưng vì lơ là với  chính bản thân dân tộc họ, nên người Việt thường bỏ lơ những cái hay của mình mà không biết.



ảnh: Lê Thị Huệ
Chùa Miền Bắc dưới ảnh hưởng của Cộng Sản,
đã đưa chính trị gia Hồ Chí Minh trên bàn thờ, ngang hàng với Chúa & Phật
 

Lịch sử Việt Nam từ thời xa xưa đã có truyền thống sư sãi tham dự chuyện triều đình như các sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, sư Ðỗ Pháp Thuận đời Tiền Lê. Sư Vạn Hạnh, sư Lý Công Uẩn triều Lý.

Ðời Trần, vua Trần Thái Tông còn lập ra một phái thiền được mệnh danh là phái Trúc Lâm.

Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học (1901 - 1930), lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Ðảng có cận vệ là một ông sư nổi tiếng thường được gọi là Sư Trạch. 

Các chùa ở Việt Nam thường có thành tích là nơi nương náu của các tay làm chính trị. Hoặc nổi tiếng là các những cứ điểm phát xuất  sinh hoạt đấu tranh cách mạng.

Chùa Chân Tiên, một danh thắng tỉnh Hà Tịnh, là tiêu biểu một cửa chùa chuyên trị chuyện cách mạng chính trị tại Việt Nam.

Chùa Chân Tiên được xây vào đời nhà Trần thế kỷ thứ 13.

Theo sách Di Tích Danh Thắng Hà Tĩnh:

"Thời Trịnh Nguyên phân tranh từ năm 1655 đến năm 1666 Ninh quận công Trịnh Toàn cùng tướng sĩ đem quân vào đánh chúa Nguyễn đã lập căn cứ tại vùng đất Thịnh Lộc đến Hồng Lộc ngày nay. Ở chùa Chân Tiên có đội quân hỏa lực của chúa Trịnh. Từ năm 1885-1896 các chí sĩ của phong trào Cần Vương quê ở xã Thịnh Lộc đã tham gia nghĩa quân Phan Ðình Phùng, chọn địa điểm rừng thông ở chùa Chân Tiên làm nơi luyện tập binh pháp. Ðến phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908 , Nguyễn Hàng Chi chọn vùng này để tập trung các nho sĩ bàn mưu tính kế tổ chức đấu tranh biểu tình giảm sưu thuế. Năm 1928 tiểu tổ Tân Việt xã Thịnh Lộc gồm các ông Hoàng Khoái Lạc, Võ Quê, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Liên, Trần Châu, Trần Xù.. tổ chức họp tại chùa. Từ ngày thành lập Ðảng Cọng Sản Việt Nam, chùa Chân Tiên trở thành nơi hội họp của chi bộ, đảng viên đi dự họp mang theo hương đèn đến chùa như người đi dự lễ Phật để che mắt địch.  Tại đây, chi bộ Ðảng Yên Ðiền tổ chức đại hội thành lập vào ngày 25.4.1930 gồm 8 đồng chí do đồng chí Dương Nghiêm làm bí thư. ... Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, chùa là trung tâm liên lạc hội họp in ấn tài liệu của Tổng bộ và Chi bộ Ðảng Cọng Sản. Tài liệu được bỏ vào tượng Phật và ở khe đá 12 cửa cách chùa 10 mét... Trong ngày 28.7.1930 các đồng chí trong Tỉnh Ủy  và Huyện ủy đã tổ chức cuộc họp với chi bộ Yên Ðiền tại chùa Chân Tiên để bàn kế hoạch hưởng ứng kỷ niệm kỷ niệm ngày phản đối đế quốc chiến tranh. Sáng ngày 1.8.1930 dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Can Lộc và chi bộ Yên Ðiền, 350 nông dân Thịnh Lộc cùng các xã lân cận tập trung biểu tình tại chợ Vùn kéo đến Truông Gió  rồi nhập vào đoàn thượng Can Lộc kéo vào huyện lỵ. Ngày 5.11.1930, Tổng bộ Phù Lưu và Huyện ủy Can Lộc đã tổ chức cuộc họp tại chùa Chân Tiên để bàn cách thiết thực ủng hộ Cách Mạng Tháng Mười của Liên Sô, tiến hành cuộc đấu tranh mới." (32)

Trong thời đại này, tôi đã chứng kiến cảnh những vụ Phật giáo Miền Trung biểu tình chống chế độ Ngô Ðình Diệm. Cao điểm nhất là vụ Hoà Thượng Thích Quảng Ðức nổi lửa tự thiêu để phản đối chế độ Ngô Ðình Diệm vào năm 1963.  Những căn cứ Chùa Từ Ðàm Huế, Chùa Ấn Quang Sài Gòn, là những điểm xuất phát cực kỳ nóng trong cuộc đấu tranh giữa khối Phật Giáo và chế độ Ngô Ðình Diệm vào thập niên 1960.

Sau khi  Miền Nam sụp đổ 1975, người ta đi viếng các chùa như chùa Non Nước Ðà Nẵng, thấy những tấm bảng ghi lại thành tích nơi này đã từng giấu dú bao nhiêu là “anh hùng cách mạng”.   

Mấy ông sư Phật giáo đã lăm lăm tham gia vào chuyện cai trị nước và tranh đấu cho phật pháp gì đó thì chớ, mấy ông cha bên Công Gíáo thì lại càng dính vào chuyện chính trị từ trong căn bản khi đạo này truyền sang Việt Nam.

Công giáo là một biểu tượng của thực dân Pháp đô hộ tại Việt Nam. Công giáo đã là một thứ công cụ để người Pháp dùng làm bàn đạp đi vào lòng người dân An Nam một cách êm đềm hơn  là  kiểu vũ lực lính tráng tàu bè đổ bộ lên Ðà Nằng năm 1658..  Chính sách cai trị của Pháp là "dùng tôn giáo để khai thác thuộc địa", "ưu đãi đạo thiên chúa giáo không phải vì mục đích tôn giáo nhưng vì mục đích chính trị." (33)

Hơn một trăm năm sau ngày người Pháp đặt chân lên Việt Nam, đã có một tiến sĩ Việt Nam viết luận án tại đại học Pháp mô tả tường tận chính sách công giáo hóa Việt Nam của người Pháp.  Tác giả Cao Huy Thuần trong luận án Christianisme et Colonialisme au Vietnam đã nghiên cứu kỹ về chính sách công giáo hóa người Việt Nam này và đã liệt kê:

"Xâm lược, thống trị, và đồng hóa, đó là ba ý tưởng chủ chốt toả lên từ nhiều văn thư, điều trần mà giám mục Hà Nội gửi cho các giới chức Pháp ở Hà Nội cũng như ở Ba Lê. (34)  Giai cấp cha xứ, thầy trợ tế dưới thời Pháp Thuộc còn được chính phủ Pháp cho tiền để phục vụ chính sách đô hộ của Pháp. (35) Người Pháp đã dùng các cha các ma sơ các trường học công giáo để "biến dân chúng Việt Nam thành con chiên và thành người Pháp". (36) Văn thư 3005-1867 Thư khố bộ Pháp Quốc Hải Ngoại nói rõ ràng "Chúng ta cần các người truyền đạo. Ðô đốc La Grandiere viết cho viên thượng thư, và cầm đầu họ phải là một người có khả năng lãnh đạo thông minh... chúng ta chắc có thể đạt ngay đến kết quả vốn là mục tiêu của chính sách chúng ta: đổi đạo nghĩa là đồng hóa dễ dàng dân chúng nhờ sự giúp đỡ của các sư huynh, các trường đạo và các dì phước.  (37)  



ảnh: Lê Thị Huệ
Bàn thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ (quê hương Khổng Tử), Trung Quốc.


Khổng giáo để lại cái gốc Tam Cương Ngũ Thường thiết lập nền móng cho đạo thờ “Ông” tại Việt Nam. Có thể nói Khổng giáo từ Trung Quốc sang đã chuyển hướng khuynh hướng từ đạo thờ "Bà" (đạo Mẫu) sang đạo thờ "Ông" (đạo Quân Sư Phụ) tại Việt Nam. 

Tam Cương "Quân sư phụ" tạo ra văn hóa tôn kính các bậc trưởng thượng, các bậc cha chú, các bậc có chức quyền. Quân sư phụ đã định ra hệ cấp quyền uy trong xã hội. Một thứ thẩm quyền chi phối tổ chức xã hội. Theo đó vua có thẩm quyền cao nhất (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Vua xử bầy tôi phải chết, bầy tôi không chết là bầy tôi bất trung.) Dưới vua là giai cấp thầy. Xã hội Khổng học đề cao sự nổi bật của giai cấp nho sĩ, là những người sau khi đỗ đạt sẽ trở thành lớp quan lại ra giúp vua trị nước. (Nhất tự vi sư. Bán tự vi sư. Người dạy dù nửa chữ hay một chữ cũng đã là thầy). Sau hết mới đến người cha (Phụ mẫu chi mạng, môi chước chi ngôn, trong việc vợ chồng, phải đợi mạng lệnh của cha mẹ và phải cậy mai mối đi nói trước). (38)

Khổng giáo cũng còn để lại cái gốc Ngũ Thường "Nhân, Nghĩa, Lê, Trí, Tín". Nhân, thương người. Nghĩa, trung thành. Lễ, lễ độ. Trí, sáng suốt. Tín, tin nhau.

Khổng gíao còn bồi thêm chủ thuyết "Tứ Ðức" trên đầu những chàng trai Việt.  Ðó là bốn đức tính mà đàn ông con trai Việt Nam dùng làm kim chỉ nam để sống và làm việc. Hiếu, hết lòng thờ cha mẹ. Ðễ: kính yêu binh vực anh em. Trung, hết lòng với vua với nước. Tín, giữ lời hứa.

Khổng giáo o ép cột dây giăng nhợ đeo gông cùm lên trên số phận những người đàn bà Việt Nam một cách dã man với lý thuyết Tam Tòng: “Phu nhân hữu tam tòng chi nghĩa. Cố vi giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử.”  Người đàn bà trong bàn tay của ông già ác ôn Khổng Tử rất tội nghiệp. Chỉ biết sống cho cha, cho chồng, cho con trai,  mà không được sống chút xíu nào cho mình và cho con gái mình gì cả. Bởi mớ dây nhợ Khổng Gíao này mà bộ luật nổi tiếng nhất tại Việt Nam là bộ luật Quốc Triều Hình Luật dưới triều Lê đã đối xử rất tàn ác với đàn bà.

Ðiều 310 của bộ luật Hồng Ðức này nói:

"Chư thê thiếp dĩ hữu nghĩa tuyệt (vị thất xuất), nhi kỳ phu ẩn nhẫn bất khứ giả, dĩ biếm luận y khinh trọng." ( Vợ hay nàng hầu đã phạm phải điều nghĩa tuyệt ( như thất xuất) mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải chịu tội tùy theo việc nặng hay nhẹ). (39)  Tội Xuất Thất là tội gì? : Là nếu người đàn bà phạm một trong bảy điều sau đây thì bắt buộc người đàn ông phải bỏ vợ mà đi: không có con, dâm loạn, bất kính, trộm cắp, ghen tuông, lắm lời, bị ác tật. Trong bảy tội này thì hai  tội đầu và tội cuối, không có con và ác tật, không  thể gọi là tội. Vì đó là do bẩm sinh. Là bất hạnh. Là kém may mắn. Nào có phải là do người đàn bà gây nên. Còn năm tội kia chả có gì là nghiêm trọng cả mà cũng bỏ người ta mà đi. Ðúng là thứ luật lệ càng ưu đãi bảo bọc che chở đàn ông bao nhiêu, thì lại bạc đãi, hất hủi, tàn ác với đàn bà bấy nhiêu.

 




photo:https://wikimedia.org
Văn Miếu (thờ ông Khổng Tử của người Tàu) chiếm một vị trí bề thế đẹp đẽ nhất trong lòng thủ đô Hà Nội

Người đàn bà Việt Nam đã bị tước đoạt nhân quyền "Human Rights" một cách tồi tệ nhất trong guồng máy Tam Tòng Tứ Ðức này. Ðược lập trên thuyết học của một người đàn ông nhà Châu, nước Lỗ, tên là Khâu Trọng Ni tức là Khổng Tử.

Các yếu tố "Trung quân với minh chúa", "Lễ độ với người lớn", "có Nghĩa với chủ nhân", đã ảnh hưởng trên những người đàn ông Việt Nam. Sự trung thành với minh chủ là một bậc thang giá trị trong bảng các giá trị mà người đàn ông Việt Nam thường theo đuổi khi ra làm việc công.  Ðó là khi họ đã phò ai thì chỉ biết đến lý tưởng và người mà họ đang theo phò.

Cái gốc "Trung quân", cái rễ "Lễ độ", cái hạt "ơn Nghĩa" này đã cấu kết với nhau tạo nên một thái độ phục tòng những kẻ có quyền một cách cứng ngắc qúa độ thường thấy nơi người Việt Nam.

Sự trung thành với các giáo điều Khổng Gíao này một cách cứng ngắc đã biến họ thành những kẻ nô lệ vào thượng cấp và nô lệ vào người cũ việc cũ.  Lấy ví dụ trong trường hợp một công ty quốc doanh có một ông cán bộ bất tài đưa công ty quốc doanh này vào con đường lỗ lã. Trước đây ông cán bộ này là một thượng tá tài giỏi trên chiến trường nhưng bây giờ làm kinh tế ông ta không đủ khả năng lãnh đạo mặt trận kinh tế.  Nếu những cộng tác viên trong guồng máy nhân sự với  ông ta cứ bo bo vì  phải trung thành với ngườI lãnh đạo cũ để chấp nhận ông ta tại vì ở cơ quan này. Thì rõ ràng đây là một ảnh hưởng tiêu cực của học thuyết Tam Cương Ngũ Thường của Khổng gíao tại Việt Nam. 


Ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo đã tiếp viện văn hóa cứng ngắc Tam Cương Ngũ Thường này của Khổng Gíao, bằng tín điều "Ðức Vâng Lời".

Giáo luật của Công gíao truyền vào Việt Nam là thứ giáo luật xuất phát từ La Mã và ảnh hưởng mạnh trên các quốc gia Nam Âu như Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha... Giáo luật La Mã coi trọng việc vâng lời giai cấp Giáo hội mà đứng đầu là Ðức Giáo Hoàng tại Rome, rồi đến các hồng y, giám mục, linh mục ở địa phương. Sự vâng lời triệt để giai cấp cầm quyền hội thánh theo giáo luật được thế tục hóa thành luật La Mã (Roman Law),  đã biến những quốc gia nào trung thành với giáo luật La Mã trở thành những quốc gia ngoan đạo nhưng ù ì trì trệ dân chủ. Ðiển hình là các quốc gia  Mê Tây Cơ, Ba Tây, Cu Ba, Phi Luật Tân...



photo: không rõ nguồn
Người Pháp đã chọn những vị thế trung tâm, những vị trí đẹp nhất,
của các thành phố lớn Việt Nam, rồi ịn lên đấy một ngôi nhà thờ Tây Phương nhất.
Nhà Thờ Đức Bà được người Pháp xây ngay trung tâm Sài Gòn vào thời kỳ 1890


Người Công giáo Việt Nam có câu: “Vâng lời trọng hơn của lễ”.  Là con chiên Công Giáo, giáo dân chỉ biết vâng lời một cách vô điều kiện từ những lãnh tụ tinh thần. Không được đặt câu hỏi. Không được có ý kiến. Trên bảo sao thì dưới cứ làm như vậy.

Ðây là một điều lệ đã tạo nên một dấu ấn nô lệ vào thượng cấp của người tín đồ. Lấy ví dụ, một vị linh mục kêu gọi con chiên dồn phiếu cho một ứng cử viên chính trị tại địa phương của họ. Các con chiên ngoan ngoãn nghe lời vị linh mục giáo xứ bỏ phiếu cho ứng cử viên này dù biết ứng cử viên này tham nhũng và hối lộ có thành tích trong qúa khứ tại đấy. Thử hỏi trong trường hợp này, sự vâng lời của giáo dân có phải là làm cho nền dân chủ của xã hội mà họ đang sống bị trì trệ đi không 

Với chính sách Thực Dân Bằng Tôn Giáo (colonisation par la religion) người Pháp (?) đã bày cho người Công giáo Việt Nam gọi người không theo đạo Công giáo là người “lương”,  tức là người “ngoại đạo” (40),  người “không có đạo”.  Và người theo công giáo là người “có đạo”.

Ðây là một thành kiến cứng nhắc, tạo cho người nghe phải lý thuyết này sẽ phát triển một thành kiến bảo thủ lấy đạo giáo của mình và cách chia với người khác đạo của mình.

Ðây là một thành kiến dễ đưa đến sự cuồng tín. Chỉ biết thờ phượng và bảo vệ lấy những điều mà mình đã tin tưởng. Và không thể chấp nhận những người theo đuổi con đường khác mình. 

Phải quan sát trên bàn thờ của những ngôi đền chùa tại Hà Nội, người ta sẽ thấy ngay trên đấy một sự thờ phượng nhập nhằng rất bất tiện cho những tín đồ Phật giáo muốn thực thi quyền dân chủ tại dương trần.

Sự lẫn lộn thờ phượng các ông bà Phật với các ông bà chính trị gia rất dễ tạo cho những ông bà chính trị này một thứ đặc quyền tuyệt đối. Vì được tôn lên hàng thần thánh những chính trị gia này có làm sai làm bậy cũng không bị các tín đồ đặt vấn đề cần xét lại. Khi đã trở thành thần thành thánh thì sự xét lại thân thế và thành quả chính trị của các chính trị gia này sẽ không còn được khách quan. Các chính trị gia này được hưởng những ưu đãi vô lý mà một công dân trần thế bình thường khó mà có được. Vì vậy những trang lịch sử của các vị chính trị gia này không có gì bảo đảm đó là những đóng góp vào sự văn minh tiến bộ cho nhân loại ở mức độ cao. Sự thần thánh hóa các chính trị gia trên các bàn thờ của các đền chùa tại Hà Nội xem ra là những cái bệ đài rất dễ cản trở việc thực thi những nền tảng dân chủ trong đời sống của các tín đồ của quốc gia này.

Về phương diện này, người Cọng Sản một mặt kêu gào làm cách mạng toàn thế giới để giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích, kể cả "gông cùm tinh thần của các tôn giáo", thế nhưng sự "tôn sùng cá nhân" lãnh tụ (Hồ Chí Minh) là điều xảy ra mạnh mẽ nhất dưới chế độ Cọng Sản.

Hiện tượng này xảy ra từ việc biện hộ cho "nền chuyên chính vô sản" mà Ðảng Cọng Sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất trong xã hội chính trị.  Chủ nghĩa Cọng Sản đương nhiên được biến thành một thứ tôn giáo mới với tính chất "bất khả nhầm lẫn" của một chân lý như bất kỳ tôn giáo nào khác. Lãnh tụ tất nhiên được biến thành giáo chủ anh minh vĩ đại muôn đời dù tư tưởng đã trở nên cũ rích từ hơn 200 năm.

Phật Giáo với gíáo lý xem đời là bể khổ và nên tìm cách xa thế sự lại chỉ làm cho người tín đồ của họ phó mặc cho những hoàn cảnh tiêu cực xảy ra chung quanh họ tung hoành dễ dàng và nhiều hơn. 

Lấy ví dụ thái độ thiếu tham dự với đời vì xem đời là vùng tục lụy khiến cho các tín đồ phật gíao dễ trở thành những công dân ít tham dự sinh hoạt dân chủ. 

Ðó là hiện tượng tại sao khi cầm lá phiếu trong tay, phần đông tín đồ Phật Gíao tại các quốc gia ảnh hưởng Phật Giáo không hành xử quyền dân chủ của mình. Họ lý luận rằng bỏ phiếu cho ai thì chính quyền cũng đã có người sẵn của chính quyền đấy rồi. Họ không muốn rắc rối  với người của chính quyền tại chức. Họ không muốn thắc mắc và sinh sự là tại sao người này không làm được việc mà lại cứ ra tái cử hoài. Họ không muốn nêu lên nguyện vọng của mình. Họ không tích cực tham dự sinh họat này để tạo lên những thay đổi.

Truyền thống thụ động của Phật Giáo đã thấm đẫm trong xã hội.  Triết lý tránh xa cõi đời tục lụy đã khiến cho một số đông những con ngườI thông minh Việt Nam tìm lối thóat tu hành để giải toả những bất mãn trong cuộc sống.  Những kẻ bất mãn về những bất công bất lực bất tài của thờI sự của chính quyền không có ý hướng tranh đấu để cải thiện. Mà những con người mẫn cảm này đã tìm cách trốn tránh vào triết lý Phật Gíao đó là con đường “làm phước và đi tu”.  Chính mảng lớn dân chúng dựa vào triết lý Phật Gíao này đã làm giảm bớt những sự quan tâm của người dân Việt đối với đất nước họ. 

Và kết qủa là những nhà độc tài lãnh đạo ở các quốc gia có ảnh hưởng Phật Gíao dễ tồn tại trong chính quyền các nước này lâu hơn. Trường hợp Ðảng Cọng Sản ở lì bao nhiêu năm tại Việt Nam nói cho rốt ráo là vì toàn thể người dân Việt Nam cứ để mặc họ cai trị nước Việt Nam đấy chứ. 

Cuối cùng là khi Ðảng Cọng Sản đến Việt Nam đã mang theo bản chất cực đoan của giáo điều "vô sản chuyên chính", nghĩa là chỉ có giới vô sản mới được nắm chính quyền.

Tính chất cực đoan này rất thích hợp với tính chất "vâng lời" cực đoan do đạo làm con, đạo làm dân, của thuyết Khổng Tử, và đạo làm con chiên của giáo lý Công Giáo đã mang đến trước đó tại Việt Nam. Sự cực đoan của Cọng Sản còn xem Tư Bản như là kẻ thù không đội trời chung. Chính cái cực đoan này đã dẫn đưa đến việc khi Cọng Sản vừa lấy được Miền Bắc 1954, họ đã lập lên Tòa Án Nhân Dân. Toà án này gồm giai cấp nghèo khó trước đây nay ra giữa làng đấu tố các điền chủ, các phú hộ, trước đây.

Và vì khiếp hãi chính sách đấu tố và vì sợ hãi tính cách vô thần của chủ thuyết Cọng Sản, nên một triệu dân Miền Bắc đã bỏ chạy vô Nam vào năm 1954. Và cũng vì nỗi sợ hãi này mà hàng trăm nghìn người Việt đã bỏ chạy ra khỏi Việt Nam kể từ năm 1975, khi chế độ Cọng Sản hoàn tất cộng cuộc Cọng Sản hóa Miền Nam. Ðây là lần đầu tiên, lịch sử Việt Nam chính thức ghi lại một cuộc trốn chạy chính quyền của người dân Việt Nam bỏ ra khỏi nước để tìm tự do khắp các quốc gia trên thế giới. Ðông nhất và đặc biệt nhất là tại Hoa Kỳ, Canada, Bắc Âu và Úc Châu.  

Tôn giáo và chính quyền Việt Nam từ trước đến nay là lực cản chính cho sự tiến bộ của quốc gia này. Hai thành phần này có qúa nhiều quyền lực,  lại cấu kết với  nhau để thống trị tuyệt đối trên xã hội Việt Nam. 

Chân lý tôn giáo có tính cách vĩnh cửu, thường hằng. Chân lý của chính trị thay đổi theo thời gian. Tại Việt Nam hai chân lý này cấu kết với nhau như một cái rọ cực kỳ mạnh mẽ bọc kín hết mọi tiếng nói và sức sống của những thế lực xã hội khác. Nhất là con người cá nhân thì hoàn toàn bị trói gô o ép bởi hai lực mạnh tôn giáo và chính trị trong xã hội này.

Tôn giáo và chính quyền nhân danh sự bảo vệ đạo lý và an ninh quốc gia để đè bẹp sức sống của giai cấp không quyền. Thành phần sư cố (Công Gíao, Phật Giáo), cấu kết với giai cấp công quyền (Ðảng Cọng Sản, Khổng Giáo), cấu kết với giai cấp cha chú (Khổng Gíao) đã tạo nên một thứ quyền lực vĩ đại nặng nề chắn ngăn tất cả mọi sức sống của thành phần con chiên, con dân, con cái. Quyền lực lo lớn của ba thành phần có quyền này đã không chừa chỗ nào cho thành phần không quyền kia có chỗ để mà phát biểu và phát triển mạch sống của họ. Hiện tượng này phản ảnh một thế sống xã hội mất thăng bằng. Một giai cấp thì được sống hả hê tự tung tự tác trên tất cả mọi quyết định của đời sống. Trong khi giai cấp kia thì không được một mảy may cơ hội nào để tham dự vào những quyết định của chính đời họ.  Sự mất thăng bằng này đã tạo ra một thế sống trì trệ khủng long cho khuôn mặt xã hội Việt Nam hiện nay. 

Sự nghèo khó triền miên của Việt Nam gây nên một phần nào là do ảnh hưởng của giáo lý xem của cải tích lũy ở đời là "của phù vân" và giáo lý "diệt dục" của Phật Giáo. Giàu sang chỉ là cảnh phù du, sớm còn tối mất. Khi đã tin là mọi của cải thâu  tóm trong đời sống này chỉ là của mây trả gió nay còn mai mất, hỏi ai còn muốn dốc lực làm giàu tối  đa. Khi đã bị nhồi sọ cho rằng ước vọng có nhà cao cửa đẹp giàu sang phú qúy là dục vọng xấu xa gây ra tội lỗi của bến mê thì thử hỏi tín đồ nào mà còn muốn đi xây dựng phù đồ cho thành triệu phú siêu sao thế giới nữa. 

Sự nghèo khó này của Việt Nam gây nên một phần nào cũng là do ảnh hưởng của giáo lý không khuyến khích làm giàu nơi trần thế của đạo Công Giáo gốc La Mã.  Bởi vì: "Quan hệ tôn giáo không phải chỉ là nguyên nhân gây ra điều kiện kinh tế, mà ở một mức độ nào đó, có vẻ như nó (kinh tế) chính là kết quả của chúng (tôn giáo)".  (41)

Ðiều không may mắn đã đến với xứ sở Việt Nam là vì Công Giáo được truyền vào Việt Nam là Công Giáo của cánh La Mã Nam Âu với những tín điều không khuyến khích con người sống sướng.

"Người Tin Lành thì thích ăn ngon còn người Công Giáo thì thích đừng bị đánh thức dậy". (42)  Ðạo Tin Lành phát xuất từ những nhà canh tân của Bắc Âu gồm Martin Luther (Ðức), Zwingli Huldreich (Thụy Sĩ), John Calvin (Pháp) đã hạ thấp giá trị của giáo hội La Mã và nâng cao giá trị quyển Kinh Thánh. Lý thuyết của nhà xã hội học Ðức Max Weber vẫn cho rằng giáo lý đạo Tin Lành là tạo ra giai cấp Tư Bản của Bắc Âu.

Những người theo đạo Công Giáo được nhồi nhét bởi giáo lý khinh bỉ sự làm giàu. Những câu trích dẫn Kinh Thánh như: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có bước vào nước Trời".  Thái độ kỳ thị và khinh bỉ người giàu có này dẫn đưa đến tình trạng không tha thiết với sự kiếm tiền để trở nên những nhà đại tư bản.

Trong khi đó , giáo lý của đạo Tin Lành coi sự làm việc kiếm tiền là tốt. Giáo lý tin lành không xem sự giàu có là một "điều xấu xa tội lỗi". (43)  Chính vì giáo lý Tin Lành khuyến khích làm việc kiếm tiền thăng tiến nghề nghiệp mà nhà xã hội học người Ðức Max Weber đã kết luận là những người dân ở thành phố Baden, Ðức, theo đạo Tin Lành thường có khuynh hướng kiếm tiền cao hơn người Công Giáo. (44)  Ông cũng còn nhận xét là người Tin Lành Ðức thường leo lên chức chủ nhân ông, chủ hãng, quyền cao chức trọng hơn những người Công Giáo Ðức. (45) 

Theo giáo sư Nguyễn Văn Trung trong Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp - Việt Nam thì chính ông quan thực dân Pháp Lanessan cũng đã phải tố cáo là mấy ông cha Thừa Sai Công gíao La Mã Nam Âu sang Việt Nam và Phi Luật Tân thì "chẳng có lợi gì về kinh tế mà còn hại về tâm lý", các vị Thừa Sai thì theo bám vào các thành phần dân quê, bần cùng, nghèo khổ "chỉ lo dạy đạo và có một đời sống hoà đồng với lối sống đơn giản khó nghèo của dân chúng, ăn , mặc, ở như họ."  "Trái lại đạo Tin lành nhắm vào tầng lớp thượng lưu, tập cho họ những thói quen mới theo phong tục, lối sống tây phương,... con nhà qúy phái theo đạo Tin lành được gửi sang ăn học trong khi con cái người Công giáo thường ở thành phần nghèo. Linh mục cũng nghèo, không nghĩ đến chuyện được gửi đi du học. Cách truyền đạo (Tin lành) như vậy có lợi vì làm cho người theo đạo (Tin lành) đi vào cộng đồng văn hóa với người bảo hộ, tạo điều kiện hiểu nhau dễ dàng hơn, đồng thời cũng làm phát triển kỹ nghệ thương mại:... Trong khi những thuộc địa Hòa Lan, Anh (Tin lành) có những con đường đẹp, đường xe lửa và cầu cống, thì Phi Luật Tân ( Công giáo) chỉ có đường nhựa ở vùng lân cận những trung tâm lớn và tất cả ngân sách đều dùng vào việc xây nhà thờ, nhà dòng, và dinh thự công cọng." (46)

Bộ mặt nghèo khó hiện nay của Việt Nam phần nào cũng là do ảnh hưởng xem cuộc đời trần thế là cuộc đời tạm bợ, quê trời của Ðức Chúa Cha mới thật là quê nhà hằng sống, của đạo Công Giáo bảo thủ gốc Bồ Ðào Nha do các ông cố đạo Dòng Tên mang cờ cắm lên đất Việt Nam những năm 1620. Trong khi đạo Tin lành có chút khuyến khích con chiên nên làm việc cật lực để vinh danh cuộc đời trần thế và vì vậy con chiên nước nào mà theo đạo Tin Lành Bắc Âu thì còn chăm chỉ làm giàu khi còn sống ở thế gian này chút chút. Chớ con chiên nước nào mà lỡ chịu ảnh hưởng khuynh hướng Công Giáo Nam Âu cổ lỗ sĩ cứ nhất định xem cuộc đời này là quê tạm bợ thì chỉ có nước đi ăn mày. Cứ mà hàng tháng phải đi xưng tội với linh mục rằng con đã lỡ tham lam kiếm tiền  bóc lột người khác vi phạm một trong "bảy mối tội đầu", thì thử hỏi biết đến bao giờ Việt Nam mới có những siêu sao triệu phú phát xuất từ thành phần tín đồ ngoan đạo Công Gíao kiểu này.

Chính vì vậy mà những quốc gia thuộc Khối Bắc Âu hay Bắc Mỹ theo đạo Tin Lành thì chịu khó làm giàu hơn nên trở thành những nước giàu mạnh. Trong khi các quốc gia sùng đạo Công Giáo thuộc khối Nam Âu hay Nam Mỹ nô lệ vào giáo hội La Mã thì mãi còn là những quốc gia còn nghèo khổ.   

Và chắc chắn bộ mặt nghèo khổ nhất thế giới của người Việt Nam cuối thế kỷ 20 này là ảnh hưởng của chủ nghĩa Cọng Sản do Hồ Chí Minh nhập cảng từ Âu Châu về. Giai cấp vô sản, chữ nghĩa của Cọng Sản, là giai cấp được nhà nước Cọng Sản Việt Nam nâng niu và đánh bóng. Anh hùng lao động, giai cấp thợ thuyền, những thành phần nghèo khổ này được trưng bảng tuyên dương làm người mẫu trên các đường phố, trong các lớp học, trong các nơi làm việc của một nước Việt Nam Cọng Sản từ năm 1945 cho đến năm 2000. Nếu người dân Việt Nam cứ bắt chước gương của các anh hùng lao động này thì chắc chắn nước Việt Nam không thể nào trở thành một nước giàu nổi.   
 

  

Chú Thích:

32. Trần Tấn Thành. Di Tích Danh Thắng Hà Tĩnh. Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Tĩnh, 1997. Trang 153-154. 

33. Nguyễn Văn Trung. Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp — Việt Nam. Nam Sơn xuất bản. Sài Gòn 1963. Trang 105, 119. 

34. Cao Huy Thuần, Luận Án Tiến Sĩ Quốc Gia Đại Học Paris. Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam (Christianisme et Coolonialisme au Vietnam 1857-1914). Hương Quê, Los Angeles, 1988. Trang 396. 

35. Cao Huy Thuần, trang 171. 

36. Cao Huy Thuần, trang 183. 

37. Cao Huy Thuần, trang 186. 

38. Diên Hương. Thành Ngữ Điển Tích Từ Điển. Nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Tháp, 1992. Trang 296. 

39. Quốc Triều Hình Luật, Cao Nãi Quang phiên âm và dịch nghĩa, Nguyên Sĩ Giác nhuận sắc, Vũ Văn Mẫu đề tựa, Trường Luật Khoa Đại Học Sài Gòn, 1956. Trang 128-129. 

40. Nguyễn Văn Trung. Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp. Trang 111- 116 

41. "Religious affiliation is not a cause of the economic conditions, but to a certain extent appears to be a result of them. Max Weber, The Protestant Ethic and The Spirit Of Capitalism. Charles Scribber's Sons. New York. 1958. Trang 35. 

42. "The proverb says jokingly, 'either eat well or sleep well'. In the present case the Protestant prefers to eat well, the Catholic to sleep undisturbed". Max Weber, The Protestant Ethic and The Spirit Of Capitalism. Charles Scribber's Sons. New York. 1958. Trang 41. 

43. "The (Protestant) ethic does not view wealth as evil in itself ". The World Book Encyclopedia. 1996 Edition. Trang 833. 

44." ... For Instance, in 1895 in Baden there was taxable capital availabel for the tax on returns from capital: Per 1000 Protestants: 954,000 marks. Per 1000 Catholics: 589,000 marks. Max Weber, The Protestant Ethic and The Spirit Of Capitalism. Charles Scribber's Sons. New York. 1958. Trang 188. 

45. "A Glance at the occupational statistics of any country of mixed religious composition brings to light with remarkable frequency a situation which has several times provoked discussion in the Catholic press and literature, and in Catholic congress in Germany, namely, the fact that bussiness leaders and owners of capital, as well as the higher grades of skilled labour, and even more the higher technically and commercially trained personnel of modern enterprises, are overwhelminly Protestants. Max Weber, The Protestant Ethic and The Spirit Of Capitalism. Charles Scribber's Sons. New York. 1958. Trang 35. 

46. Nguyễn Văn Trung. Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp — Việt Nam.. Trang 111, 112, 116, 117.

Lê Thị Huệ

© 2006 gio-o

đọc thêm về VHTT tại đây