Lê Thị Huệ
VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 2114 - "Nguyễn Thị" Năm 2000
Những ống chân ươm những cột thu lôi
Chổng mông bám trụ triền đất Việt Bắc
Cấy bốn nghìn năm văn hiến lúa
Những ống chân dài đĩa Trường Sơn se gió
Hút hết những màu xanh non của mạ
Những ống chân trơ khấc dáng đứng Tô Thị
Chờ nghìn năm đá bạc tình lơ ngơ
Những ống chân run rẩy cánh cò la
Bay mãi miết qua những cánh đồng bói cá tạnh
Những ống chân ngạnh ngấn ấn Mẹ Chăm
Biến mất vào những thảo nguyên não nùng của hư vô tịch mịch
Trong gần mười năm, sau nhiều chuyến đi khảo sát từ Bắc vào Nam tôi nhận thấy có một số chỗ công cộng tại Việt Nam mà người đàn bà luôn luôn hiện diện một cách đông đảo, át hẳn cánh đàn ông Việt Nam.
Đó là chợ búa. Đi vào những ngôi chợ lớn chợ nhỏ từ Bắc vô Nam, đều chỉ thấy đàn bà buôn bán với nhau. Thi thoảng lắm mới thấy những vị đàn ông ghé ngang trao hàng, hay tham quan cưỡi ngựa xem hoa. Điều này không lấy gì làm ngạc nhiên, vì từ ngàn xưa cho đến ngàn nay "Chợ Việt Nam vốn là giang sơn của người đàn bà Việt Nam. "Không mợ, thì chợ vẫn đông", "Gái thương chồng đang đông buổi chợ" là những câu ca dao đã gắn bó người đàn bà Việt Nam với cái chợ. Một trong những nơi chốn thể hiện khả năng kiếm tiền và khả năng quản trị tài chính của người đàn bà Việt Nam là cái chợ. (133)
Một nơi khác mà tôi thấy đàn bà Việt Nam hiện diện nhiều hơn đàn ông một cách kỳ lạ, đặc biệt ở ngoài miền B¡c, là trên những cánh đồng luá.
Đi dọc những chuyến từ Lạng Sơn vào đến Hà Tiên, tôi kinh ngạc nhận ra rằng trên các cánh đồng luôn luôn có sự hiện diện của đàn bà nhiều hơn đàn ông. Những người đàn ông làm gì và ở đâu mà sao chỉ thấy toàn là đàn bà chân lấm tay bùn chổng mông khắp trên những cánh đồng Việt Nam thế này. Tôi không cầm được tò mò và đã ráo riết phỏng vấn những nơi mà tôi có thể hỏi được. Câu trả lời thường là "Anh ấy đi làm ăn xa ", "Chồng tôi bỏ mẹ con tôi đi rồi", "Ông ấy ở nhà" "Đàn ông ra đồng vào những lúc khác"
Về vị trí và vai trò của giới "Nguyễn Thị" thì xã hội Việt Nam chưa có những cuộc khảo sát kỹ lưỡng để xác định đúng đắn vị thế và sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong nền văn hóa này.
Ví như khi phải nói về người phụ nữ Việt Nam, hiện tại người ta vẫn nói như một thói quen, là người phụ nữ Việt Nam ngày xưa thường sống theo mẫu mực Khổng Gíao "công, dung, ngôn, hạnh". Nhưng trong sách vở nếu có chỗ ghi đấy là tứ đức mà người con gái Việt Nam nên noi theo, thì chỗ khác lại lưu giữ rất nhiều câu ca dao tục ngữ phản ánh những thế sống có khi rất ngược lại:
"Phận gái tứ đức vẹn tuyền
Công dung ngôn hạnh là quyền các cô."
Hay:
"Chè la chè lẩy, con gái bảy nghề:
Ngồi lê là một, dựa cột là hai.
Ăn khoai là ba, ăn quà là bốn.
Trốn việc là năm, hay nằm là sáu.
Láu táu là bảy."
Hoặc:
"Gái gì có gái lạ kỳ.
Có ăn nhiều gì cũng chẳng thấy no.
Đêm nằm thời gáy pho pho.
Chưa đi tới chợ đã lo ăn quà.
Hàng bún hàng bánh bày ra.
Cặp mắt dáo dác liếc qua món hàng.
Bún riêu, bánh đúc, lúa rang.
Ốc gạo ốc hút lẫn hàng cháo kê.
Ăn rồi xách nón ra về.
Thấy hàng chả chó lại lê chân vào.
Chả này bà bán làm sao.
Ba đồng một g¡p lẽ nào chẳng không.
Dối rằng lại nghĩ đến chồng.
Gần đến cánh đồng ngã nón ra ăn.
Về nhà đau quặn, đau quăn.
Đem tiền đi bói, tại ăn qúa nhiều.
Chả cầy với lại bún riêu.
Miệng còn bai bãi, ăn nhiều khi nao... "
Những dấu ấn như "tam tòng" của Khổng Tử có được truyền tụng:
"Đã sinh ra kiếp ở đời.
Trai thời Trung, Hiếu đôi vai cho tròn.
Gái thời Trinh, Tĩnh lòng son.
Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.
Trai lành, gái tốt ra người.
Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên."
Nhưng thực sự người đàn bà Việt Nam có sống theo mẫu mực này chăng? Hay trong đời thường, người đàn bà Việt Nam cũng qúa quắt lắm, như trong nhiều câu ca dao tục ngữ sau đây:
"Chữ Trinh đáng giá nghìn vàng.
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm.
Còn như yêu vụng nhớ thầm.
Lóng tay tính thử hơn trăm anh chàng."
"Lẳng lơ chết cũng ra ma.
Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng."
"Lẳng lơ đeo nhẫn không chừa.
Nhẫn thì rơi mất, lẳng lơ vẫn còn."
"Chính chuyên lấy được chín chồng.
Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.
Không ngờ quang đứt lọ rơi.
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng."
"Chính chuyên lấy được chín chồng.
Ba chồng thành Thành Lạng, ba chồng Thành Cao.
Ba chồng để ngọn sông Đào.
Trở về đóng cửa làm cao chưa chồng."
Nếu đem đạo "tam tòng" thờ cha thờ chồng thờ con của Khổng Tử ra xét, thì thấy hình như người đàn bà Việt Nam đảo lộn vị trí: thờ con thứ nhất, thờ chồng thứ nhì, rồi thờ cha sau hết. Người đàn bà Việt Nam tạo lập thành tích thương con hết mình, sống vì con hết đời. Mẫu mực người đàn bà Việt Nam được ca ngợi nhất là những bà mẹ. Những "mẹ già như chuối chín cây, như xôi nếp một như đường mía lau" là những vị thánh trong tâm hồn người Việt Nam. Đó là những vai trò phải hy sinh cho con nhiều qúa mà không còn sống được đời sống của mình. Vai trò người mẹ Việt Nam tuyệt đối đến độ gầy dựng được hình ảnh Mẹ là tôn giáo. Đạo thờ Mẫu là đạo ca ngợi công ơn của các mẹ.
Kế đến thờ chồng. Người đàn bà Việt Nam tuy "lên xe cưới về quê chồng" nhưng người đàn bà Việt Nam hơn người đàn bà Trung Hoa và hơn người đàn bà Mỹ ở chỗ người đàn bà Việt Nam vẫn còn giữ họ của mình. Chứ không mất hẳn tên họ như các chị em phụ nữ này khi đi lấy chồng.
Sau đây là một số ít câu ca dao tục ngữ, tìm thấy trong quyển Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyên Văn Ngọc, có danh từ "chồng" ở trong: (134)
"Chồng thấp mà lấy vợ cao.
Nồi tròn vung méo úp sao cho vừa."
"Chồng hen lại lấy vợ hen.
Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi."
"Chồng khôn thì nổi cơ đồ.
Chồng dại, luống tổn công phu nhọc mình."
"Chồng khôn vợ được đi hài
Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông."
"Chồng chài vợ lưới con câu.
Sông Ngô, bể Sở biết đâu là nhà."
"Chồng ăn chả, vợ ăn nem."
Đứa ở có thèm, mua thịt mà ăn."
"Chồng đánh bạc, vợ đánh bài.
Chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng."
"Chồng giận thì vợ bớt lời.
Cơm sôi, nhỏ lửa một đời không khệ"
"Chồng giận thì vợ bớt lời.
Chồng giận vợ giận thì giùi nó quăng."
"Chồng dữ, thì em mới sầu.
Mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng."
"Chồng già vợ trẻ là tiên.
"Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần."
"Chồng lớn vợ bé là xinh.
Vợ bé chồng lớn ra tình chị em."
"Chồng chèo thì vợ cũng chèo
Hai đàng đã nghèo lại đụng lấy nhau."
"Chồng người chẳng mượn được lâu.
Mượn được hôm trước, hôm sau người đòi."
"Chồng người đi ngược về xuôi.
Chồng tôi nằm bếp thò đuôi ra ngoài."
"Chồng con là cái nợ nần.
Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm."
"Chồng chết còn chửa hết tang.
L... đã ngấp nghé như mang cá mè."
"Chồng yêu cái tóc nên dài.
Cái duyên nên đẹp cái tài nên khôn."
"Chồng cô với lại chồng gì.
Tiếng kêu bằng dượng, tình thì lãng lênh."
"Chồng gì anh, vợ gì tôi.
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây."
"Thương chồng nên phải g¡ng công.
Nào ai xương sắt, da đồng chi đây."
Sách vở thì cứ trích lời ông Khổng Tử dạy "Phu tử tòng tử." Nhưng trong thực tế, ca dao tục ngữ Việt Nam có ghi lại nhiều câu thế này:
"Tưởng rằng khăn trắng có tang.
Ai ngờ khăn trắng ra đàng ghẹo trai."
"Mả chồng còn đó trơ trơ.
Đã cùng người khác đợi chờ năm canh."
"Giàu thời thịt cá cơm canh.
Nghèo, tương rau muối cúng anh em đi lấy chồng.
Hỡi anh chồng cũ của em ơi.
Khôn thiêng ngồi dậy, ăn em bữa cơm hèn.
Suối vàng anh cũng đừng ghen.
Để em nắm lấy cái bằng thê nhi.
Tay, thằng bé tí tì ti.
Tay gạt nước mắt rồi thì thắp nhang.
Anh thác, em xót muôn vàn.
Ăn rồi nằm xuống, bình an muôn phần. "
Còn một vai trò mạnh mẽ khác của người đàn bà trong xã hội cổ truyền Việt Nam mà chưa có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh nào, đấy là người đàn bà chính là những kinh tế gia lỗi lạc trong gia đình. "...Quyền lực của người đàn ông trong gia đình Việt Nam nhiều khi là quyền lực gia trưởng nhưng chỉ thuần túy về mặt đạo đức mà thôi. Thế cũng có nghĩa là vai trò chủ chốt về kinh tế trong gia đình nhiều khi lại do người vợ nắm giữ." (135).
Tiếng Việt có một từ để ám chỉ công việc tại gia của người đàn bà Việt Nam, đó là từ "nội tướng". Nghĩa là gia đình mới chính là nơi người đàn bà Việt Nam nắm quyền. Người đàn bà Việt Nam nổi tiếng là người n¡m giữ tiền bạc, lo cho con cái, nuôi chồng ăn học:
"Bước vào phòng học gọi chồng.
Trở ra sắp gánh sắp gồng ra đi.
Không đi thì chợ không đông.
Đi ra một bước thương chồng nhớ con."
Hoặc:
"Đôi bên bác mẹ cùng già.
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông.
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi.
Hết gạo thiếp lại gánh đi.
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao.
Hỏi thăm đến ngõ thì vào.
Tay đặt gánh xuống miệng chào: khoan khoan."
Và chăm sóc cha mẹ hai bên:
"Làm gái giữ đạo tam cang.
Có chồng phải gánh giang san nhà chồng."
Stephen Young, một học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về xã hội Việt Nam, đã nhận xét: "Trong đời sống gia đình thường nhật, người mẹ là người nắm quyền hành. Người cha có thể trị vì nhưng quyền hành của ông ta thì suông hão. Người mẹ là "nội tướng" hoặc có nghĩa là "chủ trong gia đình." (136)
Sự thừa hưởng quyền hành to lớn này trên gia đình, vừa là người dạy dỗ chăm sóc gia đình vừa là người cai quản kinh tế cho gia đình, người đàn bà Việt Nam được hưởng những uy quyền rất to lớn mạnh mẽ trên con cái. Những đứa con này tương lai là những người tạo dựng nên xứ sở này. Nói tóm lại đất nước Việt Nam có bộ mặt như ngày nay là do những bà mẹ Việt Nam uốn nắn con cái của họ mà ra cả.
Ghép hai hình ảnh một cuộc đời lại với nhau: Hình ảnh người đàn bà đầu tắt mặt tối lao động ngoài xã hội, với hình ảnh người đàn bà thống soái chỉ huy một đơn vị nhỏ nhưng lại là một đơn vị mạnh mẽ cốt lõi của xã hội Việt Nam nhất, người đàn bà Việt Nam này qủa là một người đàn bà phi thường của nhân loại thế giới.
Trên tuần báo Người Hà Nội của Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, số 44 ra ngày 30 tháng 10 năm 1999, tác giả nhạc sĩ Nguyễn Đình San khen ngợi bài thơ "Chân Quê của Nguyễn Bính là " Một Bài Thơ Hay". Trong phần cuối, ông đã viết: "Nếu các cô gái nông thôn có ăn mặc như thành thị (thậm chí cần thiết như vậy) mà vẫn giữ những phẩm cách truyền thống của phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, nhân hậu, đảm đang tháo vác việc nước, việc nhà thì là điều đáng phát huy..." (137)
"Dịu dàng, nhân hậu, đảm đang tháo vác việc nước việc nhà.." đọc thì nghe trơn lỗ tai nhưng nghĩ kỹ thì thấy không phải chỉ mua vui thính giác thôi mà được. Người đàn bà mà dịu dàng nhân hậu nói năng nhỏ nhẻ với chồng thì chắc chồng yêu. Nhưng người đàn bà này nếu muốn kiêm luôn mệnh đề sau là "đảm đang tháo vác việc nước việc nhà" thì cần phải thay đổi 180 độ ngay. Muốn mà đảm đang việc nước thì chắc là phải trở thành những sư tử cái trong những sinh họat tập thể, trong khi thực tập những quyết định của công việc làng xã, thì mới có thể thành công trong thế giới ngoài đường luôn luôn đầy cạnh tranh tính. Còn mà muốn kiêm luôn sự đảm đang việc nhà thì phải nhai ngấu nghiến vội vàng nửa ký thịt lợn mỗi ngày may ra mới có đủ thời giờ và có những cơ bắp rắn rỏi để giặt giũ, nấu nướng, bế con, hầu má chồng, hầu bố mình, từ lúc mở mắt ra cho đến khi leo lên giường!
Qua cái mục "đảm đang tháo vác việc nước, việc nhà" như tác giả Nguyễn Đình San Người Hà Nội phán thì quả ông này đeo thêm cho phụ nữ Việt Nam cái hội chứng "Siêu Đàn Bà", "Super Woman", mà ở Mỹ trong thời gian qua, các chị em của phong trào giải phóng phụ nữ NOW (National Organization for Women) vẫn đang tranh cãi nhau.
Theo các chị em này thì người đàn bà đi làm (a career woman) là một thứ đàn bà siêu đẳng. Vì nếu các bà đi làm lao động ngoài đường rồi lại về quần quật làm việc nhà nữa thì đúng là có một sức khoẻ phi thường. Làm việc 8 tiếng một ngày. Về nhà 8 tiếng một ngày nữa. Trung bình các chị em này làm việc 16 tiếng một ngày thì qủa là "siêu đàn bà."
Ít ra ở đây là lần đầu tiên tôi thấy ông Nguyễn Đình San chính thức viết trên tờ Người Hà Nội là người phụ nữ Việt Nam ngoài trách nhiệm lo việc nhà nặng như trái núi Thái Sơn, lại phải lo việc nước nặng như biển Thái Bình Dương.
Tôi tưởng lâu nay cứ theo sử sách ghi thì việc nước đã có cánh đàn ông Việt Nam lo rồi. Đàn ông Việt Nam có mỗi chuyện lo việc nước chứ đâu có phải làm việc nội trợ đâu. Thế mà tại sao nay lại nẩy ra sự cố kêu gọi đàn bà lo việc nước nữa.
Nếu ông Nguyễn Đình San này nói là đàn bà Việt Nam đảm đang "việc nhà và việc kiếm ăn" thì đúng là đàn bà Việt Nam bị quàng cho nhiều thứ trách nhiệm phải gánh vác lắm rồi. Đằng này ở đây tác giả Nguyễn Đình San cột thêm cái việc to lắm: "việc nước".
Tôi tưởng "việc nước" đã được đại diện dân lo rồi. Các ông mà trên giấy tờ gọi là "nhà nước" đấy. Việc nước là đáng lẽ là việc của các ông này làm mà.
Phụ nữ Mỹ tự mình giải phóng ra khỏi cái "Hội Chứng Công Chúa" (Cinderella Syndrome). Đòi đi làm cho đã rồi bây giờ lo lắng đến cái hội chứng "Siêu Phụ Nữ" (Super Woman Syndrome). Đấy là họ mới chỉ băn khoăn về hai thứ "đảm việc nhà đảm việc sở" thôi đấy.
Còn các nàng Nguyễn Thị Việt Nam dưới thời Đảng Cọng Sản cai trị, thì phải gánh bao nhiêu thứ giang san. Thời xưa người đàn bà Việt Nam gánh giang san con, giang san nhà, giang san nhà chồng, giang san công việc đồng áng, giang san buôn bán ngoài chợ. Cũng đã là siêu phụ nữ lắm rồi đấy.
Nhưng còn cái vụ "đảm việc nước" được đeo huy chương cho các nàng Nguyễn Thị tân thời thì tôi chỉ mới thấy dưới cái chế độ Cọng Sản Đảng trị này
Không biết đây có phải là những tiên chỉ về một dấu hiệu là các ông Việt Nam trị nước không nổi nên muốn mời đàn bà Việt Nam ra gánh dùm giang sơn lớn này nữa chăng.
Tuy đàn bà Việt Nam đang được tặng thêm việc, đeo thêm huân chương "đảm việc nước", nhưng đàn ông Việt Nam thì không có dấu hiệu nào là san sẻ bớt việc nhà để gọi là "đảm việc nhà" giúp cánh phụ nữ Việt Nam cả.
Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 28 tháng 10 1999 trong một phóng sự Sài Gòn Say Sưa Ăn Nhậu do các tác giả Lê Anh Đủ-Huy Giang viết:
"Đi đường muốn tìm một bưu điện, một trường học hay bệnh viện thì khó nhưng tìm một qúan nhậu thì dễ vô cùng, nhắm mắt mở mắt là gặp: hiếm có một con đường nào ở TP. HCM mà không có quán nhậu. Có nơi qúan nhậu tập trung thành từng khu, từng phố; người đến đây nhậu vui như lễ hội . Nếu nói rằng TP. HCM là một quán nhậu khổng lồ thì không hoàn toàn sai....Phổ biến nhất là hình thành từng "đặc khu" náo nhiệt. Mỗi khu như vậy có chừng 10-13 quán ....Ngang qua phố Lê Văn Sĩ để thị sát, nghe một câu mời trước Tri Kỷ Qúan,.... tôi gửi xe bước vào. Cô nhân viên mang đến thực đơn với tổng cộng 268 món nhậu của 42 chủng loại như bê, rắn, căngguru, chuột...... Một nhân viên phục vụ cho chúng tôi biết mỗi tối lượng khách có đến hơn 300 người.... (138)
Bên cạnh loạt bài phóng sự này, một cột báo của tờ Tuổi Trẻ kèm theo lời phát biểu của một thạc sĩ phát triển cộng đồng, bà Nguyễn Thị Oanh: "Vấn đề nhậu nhẹt đã trở thành chuyện "Quốc Gia Đại Sự" bởi tính nghiêm trọng của nó và cần có một cuộc điều tra phân tích tâm lý-xã hội trên diện rộng để mọi người cùng hiểu ra vấn đề. Tại sao cứ phải ra bàn nhậu mới làm được việc, hoặc phải đi nhà hàng thì hợp đồng mới được ký kết? Tại sao phải uống rượu, bia mới trở thành đàn ông, ai không uống rượu thì bị chê là "Nguyễn Thị", hoặc đi bia ôm mới chứng tỏ là không sợ vợ...? .... Ở ta không cấm mà vì lợi nhuận mà mỗi tỉnh, mỗi thành phố, (nhà nước) đều có (quản lý) một nhà máy bia.... (139)
Với hiện tượng đàn ông Việt Nam tan sở ra thay vì đi về nhà, lại túa xua vào các quán nhậu, đến thế này thì bảo đảm không có ông Việt Nam nào về nhà chia sẻ "mái ấm gia đình" với vợ con cả. Các bà Nguyễn Thị thời Cọng Sản là những người đàn bà vừa phải lao động ngoài chợ, ngoài sở, ngoài đường, đến chiều tối về nhà lại phải gánh vác hết việc của một "nội tướng".
Những hiện tượng siêu gánh vác trên đây chứng tỏ người đàn bà Việt Nam tham dự vào việc cai quản xã hội Việt Nam từ trong nhà ra đến ngoài đường, từ thời xa xưa đến nay rất sâu đậm. Thế nhưng hình như những gánh vác này không được kể công, không được chính thức nghiên cứu trong bao lâu nay tại Việt Nam.
Trong cái mớ bùi nhùi vô phương hướng đó, người đàn bà Việt Nam là nạn nhân của một nền văn hoá thiếu sự hổ trợ vai trò của người đàn bà Việt Nam trong xã hội của họ.
Trong khi người đàn ông sống trong xã hội có phương hướng rạch ròi để mà vin vào. Những đạo lý như "Quân Sư Phụ", "Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách", đã được người đàn ông Việt Nam dùng nó như những mẫu mực để bắt chước sống theo.
Sách vở Việt Nam không ghi lại nhiều tài liệu lưu trữ những phương hướng nào rõ rệt cho đàn bà Việt Nam. Và trong nhiều trường hợp, hình ảnh "lầm lẫn lộn xộn" về những nàng Nguyễn Thị lại hay xảy ra trong sử sách Việt Nam.
Thị Kính bị hiểu lầm chửa hoang. Thị Lộ bị hiểu lầm giết vua. Thiếu phụ Nam Xương bị hiểu lầm theo trai trong khi ở nhà nuôi con. Thiếu phụ họ Lưu trong truyện Trầu Cau bị hiểu lầm là lấy em chồng. Thơ Đoàn Thị Điểm vẫn còn lẫn lộn với thơ Phan Huy Ích. Nhân vật Hồ Xuân Hương còn lờ mờ gái hay trai không ai rõ.
Hình ảnh người đàn bà đảm đang "nội tướng" trong nhà và "ngoại tướng" ngoài chợ búa, ngoài cánh đồng ở đâu? Không thấy công trình nghiên cứu nào, không thấy một sự lưu truyền nào đậm nét.
Vì không có những công trình nghiên cứu đầy đủ nên chúng ta không thể đoan chắc người đàn bà Việt Nam đã sống theo mẫu mực nào. Mẫu mực Tam tòng lép vế của Khổng Tử ? Hay mẫu mực nội tướng lộng quyền trong nhà và ngoại tướng lẳng lơ ngoài đồng và ăn hàng ở chợ ?
Sự không ghi nhận lại những sinh họat này của người đàn bà Việt Nam đã tạo ra một lỗ hổng. Vì không có một nền nếp chính thức để nương theo, người đàn bà Việt Nam đã hành động tự tung tự tác trong vai trò của mình. Họ có hành động đúng cũng không ai ghi lại để người sau còn học hỏi. Họ có làm sai cũng không ai đặt câu hỏi là họ đã làm sai hoặc làm đúng như thế nào.
Lấy ví dụ như tại sao người đàn bà Việt Nam làm kinh tế ở chợ từ nghìn xưa cho đến nghìn nay mà sao nền kinh tế chợ không bao giờ phát triển trù phú vĩ đại để mang lại lợi nhuận giàu có cho xã hội Việt Nam cả. Mô thức buôn bán chợ chắc chắn là một mô thức kinh tế không thành công vĩ đại. Nhưng những người đàn bà Việt Nam vẫn lì lợm bám giữ lấy chúng. Và chả có nhà kinh tế nào của xứ sở này nghĩ ra một mô thức kinh tế nào hay hơn có thể thay thế mô thức chợ. Hầu dẫn đưa nền kinh tế của quốc gia ra khỏi cảnh bán lẻ nghèo nàn này.
Những người đàn bà Việt Nam quen cai quản chuyện tiền bạc trong nhà nếu họ lấy một người chồng nắm giữ những chức vụ quản trị tiền công qũy, họ xen lấn vào chuyện quản trị tiền bạc của người chồng, người đàn bà này đáng ca ngợi hay đáng chê trách. Lịch sử Việt Nam có một sự im lặng vĩ đại đối với những trường hợp những người đàn bà lấn quyền chồng.
Nếu người đàn bà Việt Nam hiện nay phải ra đồng trồng lúa, phải ra chợ buôn bán, và khi về nhà lại phải vùi đầu vào công việc nấu nướng giặt giũ nữa, như thế họ kiếm đâu ra thời giờ để giáo dục con cái.
Sự chênh lệch trong hình thái phân công này không thể nào tạo ra một sinh họat lành mạnh cho đời sống gia đình và đời sống xã hội. Các cá nhân trong xã hội đều bị ảnh hưởng lây lan. Nếu những người đàn bà này kiệt sức, xã hội này cũng sẽ kiệt sức theo. Khi những người đàn bà kiệt sức, họ sẽ không thể nuôi dưỡng con cái đầy đủ. Những đứa con lớn lên trong một xã hội như thế này không thể là những đứa con lành mạnh nhất từ thân xác cho đến tâm hồn.
Xã hội này một mặt đòi hỏi ở người đàn bà qúa nhiều đóng góp, một mặt lại không hổ trợ những phương hướng và phương tiện để phát triễn và nâng cao mức sống của người phụ nữ. Đĩ điếm, nghèo khổ, bị lạm dụng ức hiếp, không nghề nghiệp, không trung tâm giữ trẻ, ngưà thai... vẫn còn là những vấn đề bám lấy làm xói mòn hết sức sống của người đàn bà Việt Nam hiện nay.
Một biến cố đáng ghi nhận của người phụ nữ Việt Nam vào năm 2000: Trần Hiếu Ngân, một thiếu nữ Việt Nam đã là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đạt huy chương võ sĩ Thế Vận Hội của thế giới tổ chức tại Úc năm 2000. Trong qúa khứ, hai phụ nữ tên Trưng Tr¡c Trưng Nhị là hai người Việt Nam đầu tiên làm chuyện bảo vệ đất nước, chuyện quốc nội, thành tích tập thể. Nay một người Việt Nam đầu tiên đạt thành tích thi đua cùng thế giới, chuyện quốc ngoại, thành tích cá nhân, cũng là do một phụ nữ phất cờ khởi xướng. Xem ra phụ nữ Việt Nam có những thành tích cũng khá lý thú đối với xứ sở này.
=======================
Chú Thích
133. Lê Thị Huệ. Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật. Lũy Tre Xanh. California. 1995. Trang 38.
134. Ôn Như Nguyên Văn Ngọc. Tục Ngữ Phong Dao, tập 1. Sống Mới. Arkansas. Hoa Kỳ. 1979. Trang 101.
135. Phạm Minh Thảo. Nghệ Thuật Ứng Xử Của Người Việt. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1996. Trang 70.
136. "Yet in the average Vietnamese family it is the mother who rules. The father may reign but his authority is hollow. The mother is the "nội tướng" or the "boss of the within" A Case For Intervention, Stephen Young. The Washington Monthly. November 1977.
137. "Chân Quê", Nguyễn Đình San, trang 8. Người Hà Nội. Số 44, 30.10.1999.
138. "Sài Gòn say sưa ăn nhậu", Lê Anh Đủ - Huy Giang, Báo Tuổi Trẻ Cơ Quan của Đoàn Thanh Niên Cọng Sản Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh, thứ năm 28-10-1999 số 126/99(3027) năm thứ hai mươi lăm.
139. Báo Tuổi Trẻ, Cơ Quan của Đoàn Thanh Niên Cọng Sản Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh, thứ bảy 30-10-1999 số 127/99(3028) năm thứ hai mươi lăm. H.G ghi, trang 5.
© Lê Thị Huệ