Lê Thị Huệ

VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 21 
 

12-  Văn Hóa Thủ, Văn Hóa Phá, Văn Hóa Chửi.

Văn hóa thiếu sáng tạo tính trên này tạo nên một nét văn hóa mà tôi gọi là văn hóa thủ.

Tựa như trong một trận banh phải có hai thế trận. Thế tấn công và thế phòng thủ. Kẻ mang tư thế tấn công sẽ hành sử theo kiểu tấn công. Kẻ mang tâm lý chống đỡ sẽ hành sử theo tư cách thủ thế.

Đặc sản thủ thế của người Việt Nam là một thứ văn hóa phát xuất từ vai trò phải chống đỡ qua bao nhiêu cuộc chiến tranh do ngoại bang xâm lăng.

Văn hóa thủ thế này mạnh về những nét có tính cách bảo vệ mình triệt để. Trong khi đó thì lại ngần ngại phiêu lưu khi lâm vào vai trò chủ động tình thế.

Văn hóa thủ thế này thường mạnh ở đầu vô mà yếu ở đầu ra. Ví dụ người Việt khi học điều gì, họ học rất giỏi rất nhanh. Chẳng hạn học sinh Việt Nam học giỏi đỗ đạt bằng cấp dễ dàng. Nhưng ở đầu ra, tức là mặt thực hành hay sau khi học xong, người Việt lại không sáng tạo ra được những công trình hoặc thiết lập được những gia sản nào xứng đáng với tài năng của họ.

Bởi vì học hành đỗ đạt bằng cấp là một thứ văn hóa thủ. Thủ cho mình một cái bằng để tiến thân là chắc ăn nhất. Nhưng sau khi học xong bằng cấp ra đi làm thì người học sinh đổi từ thế thủ sang thế công. Đây là lúc con người dùng sự học hỏi của mình để sáng tạo, để thực hành, để mở hãng mới, để thay đổi cái cũ, để trở thành những nhà lãnh đạo trong ngành nghề đã học. Nói tóm lại con người nghiêm nhặt ở giai đoạn thủ khác với con người năng nổ trong giai đoạn công. Hai lối phản ứng sản xuất ra hai loại kết quả khác nhau. Đứng về phương diện này, thì trí thông minh của người Việt Nam đã được phát triển ở thế thủ rất cao siêu khi mà nền văn hóa này sản xuất ra nhiều bia đá tiến sĩ đỗ đạt bằng cấp đầy dẫy trong lịch sử. Nhưng trí thông minh của dân tộc này đã không được dùng để phát triển thế công. Nên vì vậy mà nền văn hóa này rất ít sản xuất ra những thiên tài khai phá sáng tạo để lại cho hậu thế các công trình sáng giá.

Văn hóa thủ này biến người Việt sống và hành sử trong đời thường như những nhân viên xuất sắc nhưng không phải là những chủ nhân giỏi.

Tôi quan sát, so sánh, và thấy nền văn hóa Mỹ tạo cho người Mỹ cái cách hành sử như một người chủ trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Người Hoa Kỳ dù nghèo tới đâu, khi vào một cửa hiệu họ đòi hỏi yêu sách như một kẻ có tiền và như một ông chủ. Họ xem cơ sở kinh doanh là một chỗ phục dịch cho nhu cầu mua sắm của họ. Họ xem các cơ quan công quyền là nơi đã lãnh lương từ thuế do họ đóng góp để phục vụ họ. Khi đi đến trường học hay đến văn phòng công cộng nào, cung cách ứng xử của một người Hoa Kỳ dù đang lãnh trợ cấp xã hội, cũng "đòi hỏi" một sự phục dịch "tử tế và bình đẳng" từ các nhân viên và các người phụ trách ở đó. Họ nói năng và hỏi những câu hỏi như một người trả thuế đã bỏ tiền ra trả lương cho các công chức này. Khi những yêu sách của họ không được giải quyết thỏa đáng ở cấp dưới, họ sẽ yêu cầu gặp người có thẩm quyền cao hơn, và cao hơn nữa, cho đến khi nào yêu sách của họ có câu trả lời. Tâm lý ngang tàng chủ nhân ông này tôi thấy gần như hiện diện trong mọi người Hoa Kỳ sinh ra và lớn lên ở Mỹ lâu đời. Bất luận da đen hay da trắng. Bản chất văn hóa này tôi gọi là văn hóa tấn công. Đây là bản chất của những kẻ muốn chủ định lấy đời mình và xông xáo tìm cho được phương thức phục vụ và thay đổi sự kiện và đời sống theo ý muốn của mình. Họ không chấp nhận câu nói "không" như là một câu trả lời duy nhất.

Khác với nét văn hóa thủ thế của kẻ chống đỡ. Nét văn hóa thủ luôn luôn thừa nhận đối tượng trước mặt là người có vị thế ưu việt hơn mình. Ví dụ khi đến các văn phòng dịch vụ của tư nhân hoặc của chính quyền, người Việt nhìn các nhân viên này như là những"quan thầy uy quyền" sẽ quyết định số phận điều họ đang tìm đến. Khác với người Hoa Kỳ nhìn các nhân viên này như là "nhân viên phục dịch" sẽ phục vụ theo điều mà họ yêu cầu. Người chủ nhà trọ chỗ tôi ở Hà Nội thỉnh thoảng phải có việc ra phường ký giấy tờ, mỗi lần trở về nhà, bà ta nói với tôi: "Gớm mỗi lần mấy ông Phường nhướn mày lên hỏi là tôi giật bắn cả người. Sợ mấy ông ấy làm khó dễ. Cái tên của cô để là Hue Le mà mấy ông hỏi giật lại tại sao chỗ là Lê Thị Huệ chỗ này lại Hue Le. Tôi nào có biết trả lời làm sao. May mà nhờ có cái cậu ấy cậu trả lời hộ là ở bên Mỹ người ta viết cái kiểu như thế đấy."

Ví dụ khác như khi người Việt đến các cửa hiệu tạp hóa mua hàng mà có bị các nhân viên bán hàng đối xử lạnh lùng khinh khỉnh thiếu nụ cười niềm nở, họ cũng chấp nhận. Họ không khúc mắc về điều gọi là tại sao mình là kẻ bỏ tiền ra mà lại không được hưởng một thái độ tiếp đón phục vụ xứng đáng.

Văn hóa thủ trong xã hội cổ truyền Việt Nam được biểu lộ ở cái ngáng cửa.

Trong những dịp đi quan sát và nghiên cứu các chùa chiền và đình cổ ở Việt Nam, tôi đã mấy lần bị vấp suýt té vì mấy cái "ngáng cửa" ở các lối vào công cộng này. Cái ngáng cửa thường là một miếng gỗ chắn ngay phía dưới những cửa chính và cửa hông của mọi nơi ra vào. Miếng gỗ xà ngang này cao khoảng một hay hai tấc. Sự chắn lối của ngáng cửa này là làm cho ai đi ra đi vào phải cất chân cao lên mới bước vào bên trong được. Các ngáng cửa này tạo khó khăn khi người ta bước ra và bước vào các đình chùa. Chúng làm chậm bước chân của người đi. Khi phải di chuyển đồ vật thì thật là tốn nhiều công sức hơn. Và rõ ràng cái ngáng cửa này là một đồ vật kỳ thị những người tàn tật. Kẻ tàn tật kiểu xe lăn như ở Mỹ thì làm sao mà đẩy qua những cái ngáng cửa này. Nếu vậy thì những người tàn tật không được một cơ hội để đến các nơi này chiêm bái thần linh rồi!

Rõ ràng cái ngáng cửa này là một sự làm khó của chủ nhân đối với người ngoài. Sự làm khó của những chủ nhân muốn bảo vệ cái chỗ ở của mình với khách đến thăm. Cách hành sử của một người thủ thế hơn chủ thế.

Văn hóa thủ thế này tạo ra một mặc cảm tự ti. Tôi chú ý trong khi phỏng vấn người ngoại quốc liên quan đến hai chữ Việt Nam, các phóng viên Việt Nam gần như luôn luôn hỏi người ngoại quốc một câu: Ông/bà nghĩ gì về Việt Nam, nghĩ sao về món ăn Việt Nam, nghĩ sao về đàn bà Việt Nam, nghĩ sao về du lịch Việt Nam..... Tôi không hiểu tại sao lại luôn luôn phải đặt hỏi câu này. Cứ luôn luôn là hỏi người ngoại quốc ý kiến nghĩ sao về mình. Khi hỏi người khác nghĩ sao về mình là tự động tăng cường cho người đối diện một thứ uy quyền lên trên mình. Vai thế chủ động không còn mà tự tạo ra một khung cảnh thụ động. Mặc cảm tự ti đã phản ảnh trong việc muốn biết người khác nghĩ hoặc chấp thuận mình như thế nào. Thay vì mình hay dở thế nào thì có thể tự mình tìm hiểu và khắc phục lấy. Nếu mình không có một sự tự tin đủ để định lượng về mình mà trao niềm tin ấy vào cho tha nhân, thì rồi số phận của mình sẽ bị tha nhân điều động dễ dàng hơn.

Một gia sản chiến tranh mấy nghìn năm cũng đã để lại trên người Việt một nét văn hóa sắc bén tàn nhẫn. Người Việt khi cần phải phá cái gì, họ phá rất giỏi.

Chiến tranh Quốc Cộng Nam Bắc 1954-1975, Cộng Sản Miền Bắc với sự hỗ trợ quân sự của Nga và Tàu đã dùng thế thủ với lối chiến tranh du kích và họ đã thắng trận. Họ đã thắng phe Quốc Gia với sự trợ giúp ào ạt quân sự và nhân lực của Mỹ. Người Mỹ khi nhúng tay vào chiến tranh Việt Nam, họ biểu lộ cái bản sắc văn hóa tấn công của họ. Chính quyền Mỹ bày binh bố trận quy mô theo chiến lược tấn công, oanh tạc Miền Bắc, lập những khu quân sự lộ liễu, đánh thẳng vào những mật khu hay những làng có nhiều Việt Cộng. Trong khi đó Miền Bắc dùng chiến thuật du kích. Họ ẩn trốn ban ngày và ban đêm pháo kích vào những cơ sở quân sự lộ liễu của Mỹ. Họ chờ khi phe Quốc Gia và Mỹ nghỉ ăn tết, họ lén tấn công Tết Mậu Thân... Và cuối cùng Miền Bắc Việt Nam với bàn trận thủ đã thắng cuộc chiến kể trên.

Văn hóa phá sập, phá binh, phá đường, phá nhà, phá địch, của thời chiến đã để lại nét văn hóa phá này trên người Việt Nam trong thời bình. Nó tiềm tàng trong những sinh hoạt đời thường của người Việt Nam.

Một trong những điển hình của văn hóa phá, là người Việt đã không biết quý trọng gìn giữ những di tích lịch sử. Chế độ sau lên là phá nát những di tích kiến trúc của chế độ trước.

Tại Miền Bắc, khi vua Lê lên thì ra lệnh đốt phá hết các phủ của chúa Trịnh chung quanh Hồ Gươm Hà Nội.

"Khu cung điện rộng lớn nguy nga đó đã bị đốt phá năm Bính Ngọ 1786, khi Lê Chiêu Thống .. sai quân sĩ thiêu hủy Phủ Chúa, có ý muốn xóa bỏ cái nơi tượng trưng cho uy quyền họ Trịnh đã bao đi áp bức họ Lê. Một khu vực có trên năm mươi nóc lâu đài đình tạ vườn hoa hồ dạo mát ấy đã biến thành đống tro tàn, gạch vụn, lửa cháy ngùn ngụt hàng mấy ngày và còn âm ỉ mãi đến một tháng chưa tắt hẳn, ai thấy cũng phải ngậm ngùi. Những biệt điện ly cung của họ Trịnh ở Hồ Tây, Trúc Bạch, Hồ Gươm, Khâm Thiên, Hoàng Mai, cũng cùng chung số phận như thế. Đến nay chưa đầy hai trăm năm mà đã mảy may không còn dấu vết gì sót lại, đến ngay cả nền cũ những công trình xây dựng đánh dấu vị trí cũng không còn..." (101)

Kế tiếp vua Nguyễn lên thì lại ra lệnh diệt Tây Sơn và cho gỡ bỏ thành quách cung điện của nhà Lê ở Hà Thành. Cứ mỗi lần đổi triều vua là một lần ra lệnh đập phá hết di sản lịch sử của triều trước để lại. Thành ra ngày nay đền đài cung điện các vua chúa Trịnh, Lê, Nguyễn, Lý, Trần gì cũng đều biến mất ráo tại Hà Nội. Trong khi ví dụ như tại thủ đô Hàn Quốc, du khách ngày nay vẫn còn nhìn thấy các cung điện của các vua chúa thời xa xưa. Tất cả những công trình lịch sử của họ hầu như vẫn còn được duy trì nguyên vẹn.

Vua phá thì dân cũng phá theo.

Tại Miền Nam, thời Ngô Đình Diệm có người tạc tượng Hai Bà Trường tại công trường Mê Linh, Sài Gòn. Khi tổng thống Ngô Đình Diệm vừa bị truất phế, dân chúng nhảy ra đập phá bức tượng này tức khắc. Đến thời Cộng Sản khi các anh bộ đội về chiếm thủ đô Miền Nam năm 1975, họ đập phá ngay tượng Thương Tiếc ở Nghĩa Trang Quân Đội và tượng người lính Thủy Quân Lục Chiến ở trung tâm Sài Gòn. Cứ mà liên tay đập phá như vậy thảo nào nền điêu khắc kiến trúc Việt Nam chả có cơ hội để trưng bày và phát triển nét văn hóa tạo hình này. Dù người Việt luôn luôn tự hào là họ có đã có hơn bốn nghìn năm văn hiến nhưng gia tài kiến trúc tạo hình của họ thì thiệt là nghèo nàn hạn chế.

Tinh thần phá phách này tỏ lộ trong sinh hoạt đời thường của người Việt. Ví dụ những người Việt Nam được gửi sang tu nghiệp tại Nam Hàn vào năm 1999 có thói quen phá hợp đồng khiến cho một người Hàn Quốc đã phải nhận xét như sau:

"Tu Nghiệp Sinh Việt Nam ở Hàn Quốc có cái đầu tuyệt vời hơn cả. Nhiều công việc chỉ có chuyên gia hoặc giám đốc kỹ thuật mới làm được, nhưng chỉ hướng dẫn một vài lần Tu Nghiệp Sinh Việt Nam đã làm được ngay. Đáng tiếc là họ lại rất hay phá vỡ hợp đồng...." Ông Bong Kil Choi-Tổng Giám Đốc Công ty ủy thác quản lý Tu Nghiệp Sinh xót xa nói." (102)

Văn hóa phá cộng với văn hóa thiếu niềm tin dẫn đưa đến một tình trạng tệ hại là chấp nhận văn hóa giả. Vì đời sống của họ bị phá vỡ bởi chiến tranh nhiều rồi, nên người Việt phát triển tâm lý chấp nhận cái dễ vỡ, cái tức thời, cái không bền lâu. Phẩm chất tốt, bền, chắc, chỉ có thể phát triển và nuôi dưỡng trong những môi trường và điều kiện cố định lâu dài. Lịch sử của người Việt không có được một thời gian hòa bình vững chắc trường thiên, nên họ không cần đầu tư niềm tin vào những sản phẩm văn hóa chắc chắn. Họ phát triển thứ tâm lý sống với cái tạm bợ để có thể thích ứng với đời sống dễ bị phá nhanh bởi chiến tranh thưng trực xảy ra trong lịch sử đất nước họ.

Lấy ví dụ, người Việt xài hàng giả và bằng giả.

"Năm 1997-1998 nổi lên vụ việc hơn 100 sinh viên cao đẳng của Học Viện Ngân Hàng khi kiểm tra hồ sơ đã không đủ thủ tục nhập học, nhiều người chưa tốt nghiệp phổ thông... Tại Nam Định đã kiểm tra 364 văn bằng phát hiện thấy 26 trường hợp không có tên trong danh sách tốt nghiệp... Tại Thái Nguyên đã kiểm tra và thấy ... lớp Quản Trị Kinh Doanh của Đại Học Mở Hà Nội tổ chức đã có tới 35,5% số bằng được kiểm tra không hợp pháp..... Tại Hải Phòng đã kiểm tra 14 lớp Đại Học Tại Chức thì có đến 13 lớp sai phạm.... Tại Thanh Hóa chỉ riêng lớp Đại Học Tại Chức Luật có 194 bằng thì có 20 bằng không hợp pháp.... Điều đáng buồn là các cơ quan chịu trách nhiệm về số bằng không hợp pháp này lại là Đại Học Luật Hà Nội và Trường Chính Trị của (các) Tỉnh, là những cơ quan hiểu LUẬT, thông suốt đường lối ghi trong nghị quyết Trung Ương." (103).

Người Việt Nam chấp nhận hàng giả dễ dãi quá. Nên hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bị chê là giả dối, kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn quốc tế. Vào năm 2000 mà "Cả Nước Mới Có 200 Doanh Nghiệp Đạt Tiêu Chuẩn ISO 9000. Theo Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đến nay, toàn thế giới đã có hơn 200.000 công ty được chứng nhận đạt tiêu chuẩn (quốc tế) ISO 9000, trong đó có 200 công ty của Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng vì nhận thức của các nhà quản lý doanh nghiệp chưa đúng, hoặc chưa muốn làm, hoặc chưa biết cách triển khai, trong khi trình độ công nghệ quản lý, mặt bằng nhà xưởng, kho hàng... còn hạn chế nhiều so với các doanh nghiệp trong khu vực." (104)

Với triết lý sống sẵn sàng chấp nhận sự giả dối, sự không thật, của cuộc đời; nên người Việt đã sản sinh ra "Chủ Nghĩa Đại Khái". "Đại Khái Chủ Nghĩa" là vừa lòng với thành quả hoàn tất dưới mức tuyệt đối. Ví dụ khi may một cái áo, người thợ may chỉ cần đạt chỉ tiêu chừng 70% "là được rồi". Người Việt không cảm thấy bị thúc hối phải đạt cho được mức tuyệt hảo 100%. Ca dao Việt Nam có câu: "Ai nhất thì tôi thứ nhì. Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba."

Văn hóa phá có thể giải thích hiện tượng tại sao hiện nay Việt Nam lại có tỷ lệ phá thai hạng nhất thế giới chăng? Phá thai chính thức được nhà nước Việt Nam ủng hộ. Nhưng có một hiện tượng đáng chú ý, là con đường phá thai chính thức này chỉ mới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian khoảng gần 20 năm trở lại đây thôi. So với các nước Âu Mỹ họ là những quốc gia tiền phong đi vào con đường này hơn nửa thế kỷ rồi. Nhưng vào năm 2000, các quốc gia tiền phong này không chiếm địa vị phá thai hạng nhất thế giới, mà Việt Nam, một trong những quốc gia kém mở mang nhất thế giới lại đạt được thành tích này. (105)

Việt Nam còn có một thứ văn hóa phá bằng miệng. Đó là văn hóa chửi.

Không biết văn hóa chửi này từ ở đâu ra. Nhưng trong các ngành nghề cổ truyền ở Miền Bắc, ngoài nghề khóc thuê đám ma còn có nghề chửi mướn đòi nợ.

Mở những tờ báo Việt Nam, tờ nào cũng phải có những bài phiếm chửi đời với những cái tên cũng phải giật gân: Lý Sinh Sự, Lão Móc, Tú Gàn, Tú Lắc ...

Văn chương chửi thì lại càng được độc giả Việt Nam thích thú hơn. Có những sáng tác văn học "chửi" được độc giả Việt Nam say sưa đọc và hết lời ngợi khen. Trong nền văn chương cận và hiện đại, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài là những nhà văn đặc sản Bắc Kỳ chửi có hạng. Nguyễn Huy Thiệp với sáng tác Tướng Về Hưu chửi thâm sâu những tay lãnh tụ ác độc. Phạm Thị Hoài với tác phẩm Mary Sến chửi có bài có bản mấy tay cán bộ ngu dốt, Dương Thu Hương trong Những Thiên Đàng Mù chửi dẻo quẹo cả đám dân quân Miền Bắc đã chui vào cái thiên đường Cộng Sản. Xưa chút xíu, Vũ Trọng Phụng cũng là một nhà văn đặc sản Bắc Kỳ chửi tuyệt vời cái giai cấp theo Tây trong tác phẩm Số Đỏ. Tại Miền Nam, nhà văn Võ Phiến trong một tùy bút "Chửi" đã kết luận về cái truyền thống này bằng một mệnh đề rất chắc nịch: "Dân tộc ta chửi hay." (106)

Lạm dụng ngôn ngữ trở thành một nề nếp mà người Việt Nam sống với và chấp nhận chúng. Nếu trong ngôn ngữ viết, chửi bằng văn, chửi bằng thơ, tạo thành truyền thống khoái trá ở người thưởng ngoạn Việt Nam, thì trong ngôn ngữ nói, khoác lác, ba xạo, hay nói phét, là một sinh hoạt ăn dầm ở dề trong tâm khảm người Việt đã lâu. Ngoài Miền Bắc có những làng giật giải là cả làng nổi tiếng nói phét. "Trúc tổ nói phét." "Văn Lang cả làng nói phét." "Làng Đông An trước là ấp Đông Khang) thuộc Từ Sơn (Hà Bắc) nổi tiếng về tài nói phét. Đã có câu thành ngữ "Về Đông Khang chỉ tài nói phét". Sách Kinh Bắc Phong Thổ Kí có câu: "Đông An chi lập đại ngôn trường" là làng Đông An có tục mở hội thời nói khoác. Kết thúc hội, người giật giải được gọi là ông phó phét." (107).

Trong sinh hoạt buôn bán tại chợ búa Việt Nam, nói thách lên gấp ba gấp năm là nghệ thuật kinh doanh của người kẻ chợ. Nền kinh doanh khoác lác này sẽ không giúp người Việt gia nhập nền kinh tế tín dụng của khuynh hướng kinh tế toàn cầu hiện nay. Vì bản chất của nền kinh tế tín dụng là dựa vào những lời khai thật của khách hàng, và sản phẩm thì được bảo đảm chất lượng tốt trên giấy tờ của những công ty có danh tiếng. Láo phét hay khoác lác trao đổi giữa người bán và người mua không có chỗ đứng trong thị trường này.

Sự tiếp nhận trạng thái lạm dụng ngôn ngữ nói, khoác lác, ba xạo, nói phét, lại thêm một lần nữa, là yếu tố cộng đẩy tâm tư người Việt đến trạng thái chấp nhận cái không thật cái giả dối và sống với chúng lâu ngày thành quen. Và rồi họ không còn nhu cầu phải tìm kiếm cái thật, cái chân lý, của đời sống nữa.

Nét văn hóa sống quen với sự không thật, sự giả dối của người Việt Nam được bồi thêm bởi cái triết lý xem cuộc đời là phù vân của đạo Phật, xem trần thế là quê nhà tạm của đạo Thiên Chúa.

Xã hội Việt Nam được nuôi dưỡng bởi quá nhiều nguồn sữa tinh thần rằng sự lờ mờ, sự không thật, sự không chính xác, là một thực tế mà ta cứ chấp nhận và sống với nó đi. Sự ám ngự này đã là lý do giải thích tại sao những sinh hoạt trí thức sáng tác của người Việt không khởi đi từ nỗ lực tìm cái thật và cái chân lý của đời sống.

Điều này cũng đã giải thích tại sao ngôn ngữ Việt Nam xuất hiện lâu lắm rồi nhưng mãi đến năm 1893 quyển tự điển Việt Nam đầu tiên Đại Nam Quốc Âm Tự Vị do Paulus Huỳnh Tịnh Của mới xuất hiện. Lịch sử thì dày đặc những biến cố nhưng mãi cho đến đời nhà Lê thế kỷ 15 mới có quyển sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên. Sự lờ mờ của lịch sử không rõ đến độ nhà Viết sử Ngô Thời Sĩ phải viết quyển Việt Sử Tiêu Án để bàn đến các vần đề không minh bạch của lịch sử Việt Nam.

Trong quá khứ trí thức Việt Nam đổ xô đầu tư vào việc giành giật cho được mảnh bằng và đua sức sáng tác thơ văn. Rất ít người đi vào con đường tìm tòi sáng chế khoa học. Vì thơ văn chuyên trị những vấn đề lờ mờ của tâm hồn con người, còn khoa học thì ứng xử với thực tế của vũ trụ.

Thế giới hiện đang được dẫn đường bằng những nguồn sáng tạo của khoa học. Sự thật và chân lý của khoa học đang chế ngự mọi sinh hoạt toàn cầu. Sự thành công của khoa học đang là nguồn sáng rọi soi mọi ngả đường mặt đất. Đến độ giới trí thức Âu Mỹ còn muốn dùng luôn những nguyên lý khoa học để khoa học hóa cả những ngành nghiên cứu tâm hồn con người như ngành tâm lý chẳng hạn.

Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với nền văn hóa phục vụ hàng thật, sản phẩm chắc, tín dụng tốt, của khuynh hướng kinh tế toàn cầu hiện nay? Đây là một thách thức mà người Việt sẽ phải đối diện khi muốn làm khách chơi của ngôi làng toàn cầu hóa thế giới hiện nay.

===========

Chú Thích:

101. Nguyễn Văn Uẩn. Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ 20. Tập II. Nhà xuất bản Hà Nội. 1995. Trang 531-532.

102. "Tu Nghiệp Sinh Việt Nam Tại Hàn Quốc - Đèn Đỏ Treo Trước Cửa", phóng sự của Hoàng Anh Minh, Lao Động, 20.4.2000

103. "Tác Hại Của Những Tấm Bằng Giả", Vũ Mai Hoa Sơn, báo Văn Nghệ, số 17, năm 2000

104. Báo Thanh Niên .22/11/2000./infostore/ thanh-nien/2000/11/3A1A0AAD.html25/11/2000.

105. "Indeed, Vietnam has the highest abortion rate in the world, according to findings published last year by the Alan Guttmacher Institute, a respected, non-profit New York-based research centre. Its report was based on data from governments, the World Health Organization and local experts." Trauma Ward Although Vietnam’s birth-control campaign is a big success, limited access to contraceptives has resulted in one of the world’s highest abortion rates". Margot Cohen, Far Eastern Economic Review, June 29, 2000.

106.   Võ Phiến. Tùy Bút 1. Văn Nghệ, California. 1986. Trang 99.

107. Vũ Ngọc Khánh. Hành Trình Vào Xứ Sở Cười. Nhà xuất bản Giáo Dục. Hải Hưng. 1996. Trang 163-164. 

.

Lê Thị Huệ

© 2006 Lê Thị Huệ 

đọc thêm về VHTT tại đây