Lê Thị Huệ

VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 21 
 

10-  Niềm Tin Là Những Đống Rác

Tôi vẫn nghĩ trong số các nền văn hóa trở thành lãnh đạo thế giới, nhất định những nền văn hóa này phải mang theo được hai tính: tính sạch sẽ vật chất và tính tổ chức quy mô về tinh thần.

Sạch sẽ vật chất và tổ chức quy mô về tinh thần là những tính có sức lôi cuốn, dễ thuyết phục, và dễ gây cho người khác ý muốn bắt chước theo.

Bất cứ một hệ thống tinh thần nào có tổ chức quy củ mạch lạc cũng đều dễ truyền bá. Ở đây tôi chỉ nói đến tính chất dễ bắt chước. Không nói về giá trị tốt đẹp đúng sai hay dở của những hệ thống ấy.

Sạch sẽ vật chất luôn luôn là một yếu tố lôi cuốn mà con người ít đặt để cho nó một giá trị xứng đáng.

Muốn biết mối quan hệ giữa một chính quyền với dân chúng của họ tốt đẹp hay xấu dở như thế nào, hãy quan sát những nơi chứa rác công cộng.

Một mối quan hệ vừa lòng giữa người dân với chính quyền địa phương, những thùng rác công cộng thường sạch sẽ gọn gàng.

Một mối quan hệ thù nghịch giữa chính quyền và người dân địa phương, những con đường sẽ biến thành những thùng rác thô bỉ.

Trường hợp thứ hai trên đây chính là trường hợp đang xảy ra tại Việt Nam thời Cộng Sản.

Người Việt Nam có thể rất sạch sẽ trong nhà. Phần lớn người Việt Nam đều để guốc dép ngoài cửa trước khi họ bước vào nhà. Sàn nhà của họ thường được lau chùi hằng ngày để bụi bẩn không đọng lại. Nhiều sàn nhà lát gạch men hay lát xi măng còn được dùng làm giường ngủ ban đêm vào mùa nóng, vì khí hậu Việt Nam rất oi bức vào mùa này. Nói chung, người Việt Nam dù nghèo khổ hay giàu sang, họ cũng đều giữ gìn ngôi nhà của họ rất sạch sẽ. Thành ngữ Việt Nam còn có câu "Đói cho sạch. Rách cho thơm."

Trong khi đó đường sá và các nơi công cộng tại Việt Nam hiện nay đúng là những đống rác khổng lồ.

Người dân Việt Nam có khuynh hướng quét rác, hất rác, đổ rác ra ngoài đường.

Các chỗ công cộng này ít khi được người dân Việt Nam tự ý gìn giữ sạch sẽ.

Mặc cho bao nhiêu chiến dịch. Mặc cho bao nhiêu bảng hiệu "Cấm đổ rác" được treo lên ở những nơi công cộng này. Mặc cho bao nhiêu thùng rác đặt sẵn. Những ngả đường Việt Nam đúng là một trong những ngả đường dơ bẩn nhất thế giới.

Tại sao người Việt giữ nhà sạch mà lại không giữ đường sạch.

Là vì nhà nước không làm tròn trách nhiệm. Không đủ nhân lực, không đủ ngân sách để giữ gìn đường sá sạch sẽ cho người dân.

Cũng có thể là một sự "trả thùh của dân chúng. Vì không được chăm lo đầy đủ nên người dân trút hờn oán bực tức bằng cách đổ rác ra đường. Là vì sự không yêu trọng gì ông nhà nước cho lắm nên người dân mới đổ tống đổ tháo rác ra đường như để trả thù.

Nhà nước Việt Nam đã có bao nhiêu chiến dịch kêu gọi dạy dỗ người dân Việt Nam hãy làm đẹp làm sạch thành phố. Nhưng có vẻ như nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thành công.

Sự sạch sẽ công cộng tuy là điều tầm thường nhưng nó tùy thuộc rất cao vào sự hợp tác của người dân.

Các chính phủ dù chi ra bao nhiêu tiền để nhặt rác, hay phạt bao nhiêu tiền khi thấy dân xả rác; vẫn không thể giữ nơi công cộng sạch sẽ được nếu không có sự tình nguyện giữ gìn công cộng sạch sẽ từ phía người dân.

Thành phố San Jose, Cali, Hoa Kỳ vào năm 1993 bắt đầu thi hành chính sách yêu cầu người dân tự động phân rác rồi mang ra để trước nhà vào những ngày thành phố đi thu gom rác. Mỗi gia đình có bốn thùng rác. Một thùng cho giấy báo. Một thùng cho đủ loại giấy. Một thùng cho đồ thủy tinh hoặc đồ nhựa. Và một thùng lớn nhất cho tất cả mọi loại phế thải khác.

Kế hoạch này của thành phố nhằm mục tiêu tái chế đồ phế dụng.

Lúc mới bắt đầu thi hành, đã có nhiều người nghi ngờ là kế hoạch này rất khó thi hành vì người dân phải tham dự nhiều quá. Có người cho rằng dân chúng vốn không đủ tinh thần công cộng đến độ khi cầm một mảnh rác thì phải phân chúng ra đến từng thùng rác khác nhau. Tâm lý người dân thường lười biếng. Rác thì vất vào một chỗ được rồi. Việc gì mà phải phân chia đến chỗ này chỗ nọ về một bao rác.

Thế nhưng thành phố San Jose đã thành công. Cư dân San Jose hoan hỉ cộng tác. Những ngày giao rác ra trước nhà cho sở rác đi thu gom, người ta thấy người dân San Jose khiêng hai ba thùng rác khác nhau để ra trước nhà. Rác giấy báo nằm riêng một thùng. Rác bao bì nhựa nằm riêng một thùng. Và mọi thứ rác còn lại đi vào một thùng khác.

Sự thành công của chính quyền thành phố San Jose đối với vấn đề rác ở đây đáng là một bài học cho nhiều chính quyền học hỏi. Nhưng căn bản là có một mối tin tưởng tốt giữa chính quyền thành phố San Jose và những cư dân của thành phố này.

Khi thiết lập sự thu hồi rác này, ắt hẳn chính quyền thành phố phải tin rằng dân chúng sẽ thi hành chính sách này. Lúc khởi đầu, thành phố San Jose biếu miễn phí cho mỗi nhà ba thùng rác vừa đẹp vừa mới. Nếu dân chúng không chịu phân chia rác vào các thùng có dán nhãn hiệu này thì cũng đủ là một sự nhức nhối cho chính quyền vào những ngày đi thu rác.

Về phía người dân, nếu họ không muốn phân rác đến từng thùng khác nhau thì cũng chả sao. Người dân San Jose chắc chắn phải tin tưởng rằng đây là một chính sách tốt đẹp do nhà nước đề xướng ra vì lợi ích của nhân dân thật, nên họ mới chịu khó thay đổi cái thói quen vất tất cả mọi thứ rác vào một thùng. Mà mỗi khi cầm một tờ báo hoặc một bao nhựa, họ phải đi đến các thùng rác khác nhau để bỏ chúng vào.

Sự tin tưởng lẫn nhau giữa chính quyền và dân cư phải cao lắm, thành phố San Jose mới thành công được việc áp dụng chế độ tái biến rác cho hơn một triệu dân tạp chủng đa văn hóa đa nguồn gốc này.

Trong khi ở Việt Nam có mỗi chuyện rác mà nhà nước cũng không giải quyết nổi. Đi trên những ngả đường thủ đô Hà Nội, và những đại lộ Sài Gòn, rác rến dơ bẩn đầy đường phố.

Nước Việt Nam hiện nay là một đống rác khổng lồ. Nếu chỉ nhìn vào bản mặt những nơi công cộng ở Việt Nam, người ta có cảm tưởng người dân Việt Nam là một trong những giống dân ở dơ nhất thế giới. Đi đâu cũng thấy rác:

 "Đường phố của ta vốn không đảm bảo vệ sinh. Nào phân bò, chuột chết, trẻ em đi "cầu" và nghìn thứ rác, cứ đổ xuống đường. Mưa thì nhão nhoét. Nắng, mọi thứ ấy khô đi, bốc thành bụi. Bụi theo những bước chân quét dép ấy mà tung lên. Ấy vậy mà lắm hàng quà, miếng chín, vẫn cứ chềnh ềnh ngay trong thứ bụi kinh người ấy, lại được hỗ trợ của bàn chân đi bộ, vào hùa...làm gì mà chẳng lắm người sưng phổi." (90)

Ở Hà Nội có hai tiệm ăn khá nổi tiếng của thủ đô Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, đó là tiệm Phở trên đường Lý Quốc Sư và tiệm bún mọc ở ngõ Bảo Khánh. Cả hai tiệm bàn ghế dơ bẩn, rác ngập bàn chân. Thiên hạ vắt chanh vào bát phở của mình xong vứt xoẹt vỏ chanh xuống đất. Cô cậu tình nhân mặc áo quần mô đen nhất lấy giấy lau đũa cho nhau xong, vứt tất cả giấy ăn xuống sàn nhà. Quán bún mọc ở ngõ Bảo khánh khách đông có hôm phải tất tả chờ mới kiếm được bàn. Khách đông nên sàn tiệm là một đống giấy rác trắng bẩn không thể tưởng tượng nổi.

Vấn đề vứt rác nơi công cộng không những chỉ là một biểu lộ sự bất tín nhiệm giữa người dân và chính quyền. Mà nó còn phản ảnh một thái độ của cá nhân với tha nhân ở cộng đồng mà cá nhân đó sinh sống.

Người dân Việt Nam không kính trọng nhau hoặc oán hận lẫn nhau nên không giữ những nơi công cộng sạch sẽ. Nếu họ yêu thương hoặc tôn trọng lẫn nhau, chắc hẳn họ cũng muốn giữ những nơi công cộng sạch sẽ như họ vẫn giữ gìn trong mái ấm gia đình mình.

Một trong những gia sản tồi tệ của những nền chính trị yếu kém là sự thiếu tin tưởng, thiếu hợp tác giữa chính quyền và dân chúng.

Tiền Phong, một tờ báo xuất bản từ Hà Nội của Cơ Quan Trung Ương của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản đã phải nói huỵch toẹc ra là Đảng Cộng Sản đang cần sự hợp tác của dân.

Trên trang nhất của một bài xã luận nhân Kỳ Họp Thứ Sáu Quốc Hội Khóa 10 của tác giả Quốc Dũng phân tích hiện tượng nghiện hút của thành phần "con ông cháu cha " khu dân cư có 50% là đại biểu quốc hội, có một ông phó thủ tướng cư ngụ. Theo lời tác giả Quốc Dũng thì ở khu "đại biểu " này chỉ còn vài gia đình là không có người nghiện hút. Rồi ông ta kêu lên:

 "Lực lượng công an ở địa phương, công an khu vực, có lẽ chưa bao giờ hùng hậu như bây giờ. Nhưng dù tăng đi nữa cũng khó mà xử lý được tệ nạn này nếu dân không tham gia. Tôi xin nói thật như vậy. Có cách gì đấy để phát động toàn dân ngăn chặn chứ còn để các cháu hư hỏng rồi mới sửa thì gần như chẳng làm gì được.... Chưa biết là cách sao nhưng dứt khoát phải mời dân tham dự". (91)

Mối quan hệ giữa chính quyền và người dân Việt Nam rất thấp.

Vào cuối năm 1999, để chữa bệnh hàng lậu đầy chợ đầy phố, nhà nước ra chính sách dán tem lên các mặt hàng. Được ít lâu sau, nhà nước than: Các mặt hàng vẫn bị "xoay tem", bày hàng tem nhưng bán hàng không dán tem:

 "Hàng nghìn tiệm băng, đĩa tại TP Hồ Chí Minh đều thực hiện hình thức: trên giá tủ bày băng đĩa gốc, góc nhà trong các thùng các-tông chất đầy đĩa sao chép. Tình hình này không có gì mới hơn so với trước kia, chỉ có điều kỹ thuật và quy mô sao chép đã được nâng lên một mức. Thay vì chép nguyên đĩa gốc, hình thức chọn bài tuyển trở nên cực kỳ phổ biến. Hiện đã có nhiều chương trình tự biên tập theo kết quả công bố Làn sóng xanh hằng tháng, thậm chí hằng tuần để phục vụ người nghe với giá trên 20.000 đồng. Huỳnh Tiết (hãng Bến Thành) vừa trở về sau chuyến khảo sát thị trường phía bắc, phải kêu lên: Chợ Tri phố Yên Bái (Hà Nội) không có lấy một cái đĩa thật nào. Hiện nay bìa đĩa lậu không còn in kéo lụa như trước mà đã được in offset với số lượng lớn. Chúng tôi không tài nào cạnh tranh nổi với đĩa lậu!

 "Con tem đã không có tác dụng kiểm soát, nhiều nhà sản xuất thất vọng cho rằng các cơ quan quản lý văn hóa đã bất lực và đành buông xuôi trước tình trạng này. Thực ra, đợt tổng thanh tra truy quét của Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh cuối năm 1999 đã bắt giữ hàng trăm nghìn tang vật, đợt thanh tra đang tiến hành tuy mục tiêu chính nhằm lập lại trật tự trên lĩnh vực dịch vụ văn hóa song cũng bắt giữ không ít băng, đĩa lậu. Tuy nhiên, hình thức thanh tra và xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" vẫn duy trì lâu nay, không tỏ ra có hiệu quả so với tốc độ và trình độ phát triển của hàng lậu. Tiện nay, trong thành phố xuất hiện khá nhiều máy gia công đĩa CD tại gia (tốc độ khoảng 20 đĩa/giờ), thậm chí một vài đơn vị sản xuất băng, đĩa cũng nhập loại máy gia công này, càng làm tăng thêm sự phức tạp nguồn hàng lậu. Nếu không có sự thay đổi trong hình thức kim soát thị trường (ví như phạt thật nặng người bán hàng lậu và nguồn cung cấp, hiện nay chúng ta mới nghiêng về bắt giữ tang vật), nạn băng, đĩa lậu chắc chắn sẽ còn là câu chuyện dài lâu của các nhà sản xuất và các nhà quản lý." (92)

Ông nhà nước Cộng Sản này thật ngớ ngẩn. Làm sao mà mà đặt niềm tin vào vào con buôn. Con buôn nào mà chẳng tìm cách kiếm lời. Chỉ có người tiêu dùng mới giúp ông được. Chỉ có người dân họ đi mua và tìm những hàng có dán tem mới mua thì may ra giải pháp dán tem mới đạt được hiệu quả.

Rất tiếc là người tiêu dùng Việt Nam chả bao giờ được bảo vệ. Tiếng nói của họ không có nơi để phô diễn. Họ cũng chả bao giờ tin nổi những thông tin trên các báo nhà nước chính xác phải quấy ra sao. Cái lỗ hổng niềm tin giữa dân và nhà nước Việt Nam to quá.

Sự thiết lập một niềm tôn kính lẫn nhau mới thực sự là nền móng để cho xã hội có thể theo đuổi những chính sách cộng đồng. Một chính sách do chính quyền đề xướng hoặc do dân chúng khởi động, nếu muốn thành công, phải được chính dân chúng bảo với nhau và cùng thực hành với nhau một cách tương kính và khích lệ lẫn nhau. Sự hòa hợp và tương kính lẫn nhau trong một cộng đồng là dưỡng chất cần thiết để xã hội đó tạo lập được trật tự.

Thiết lập được niềm tin giữa nhân dân và những đơn vị công quyền là điều tối ư quan trọng để vận chuyển nền kinh tế vĩ mô.

Khủng hoảng niềm tin đối với chính quyền và đối với tha nhân, là một gia sản tinh thần mà người Việt Nam chuốc lấy do kết quả của một xứ sở trầm mình trong chiến tranh quá lâu. Một điều thể hiện sự khủng hoảng này là những con dấu của các cơ quan công cộng ở Việt Nam thường thiếu mức độ khả tín.

Một mặt người dân Việt Nam làm gì cũng cần một sự chứng nhận của một con dấu từ một cơ quan công cộng. Mặt khác, những con dấu hay những giấy chứng nhận ấy không phản ánh đúng giá trị của nó. Khi phải xin giấy tờ hoặc khi phải sử dụng con dấu vừa mới được xin xong, người ta phải hối lộ thêm hay phải quen biết để đạt được mục tiêu của mình chứ không thể dùng giấy chứng nhận có con dấu như là một bảo đảm. Những người ngoại quốc đến Việt Nam nhận xét rằng không có xứ sở nào mà lại "đóng dấu cho có lệ" như ở Việt Nam.

Tác giả Howard Fineman trong một bài viết trên tạp chí Newsweek vào tháng 4 năm 2000 đưa ra nhận xét cái di sản văn hóa đóng dấu cho có lệ này là vì "Họ (người Việt) có ít nhất là ba di sản: Khổng Tử bên Tàu, Người Pháp thời thực dân, và người Nga trong thời kỳ "Chiến Tranh Chống Mỹh. Tôi đã từng ở nhiều nơi trên thế giới qua nhiều nước có chế độ đảng trị, từ nước Nga Sô cũ và các nước Đông Âu cho đến Trung Quốc, và tôi có thể nói rằng người Việt dẫn đầu thế giới về việc đóng dấu cao su cho đúng hình thức." (93)

Niềm tin của người dân Việt Nam bị khủng hoảng trầm trọng đến độ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà các nhà kinh doanh cứ phải dán cái nhãn hiệu Made in China, Made in USA để bán cho dân Việt Nam.    

Hiện nay trên báo chí và các nhà kinh doanh tại Việt Nam nhắc đến nền kinh tế toàn cầu hóa và nhìn vào các doanh vụ trên in tơ net như là một cái đích để mơ rằng Việt Nam có thể bắt kịp với đà tiến hóa của nhân loại. Sau 25 năm hòa bình trì trệ đã bỏ lỡ nhiều thời cơ.

Thế nhưng người Việt Nam hình như không biết hay không để ý đến một đơn vị căn bản nhất của nền kinh tế in tơ net hay toàn cầu hóa mà cả thế giới đang nói đến: đó là thẻ tín dụng.

Tôi thấy hiện nay người Việt Nam trong nước không ai có quyển sổ chi phiếu cá nhân. Và thẻ tín dụng để mua bán lại càng là một thứ hoang đồ không tưởng.

Như vậy thì làm sao mà bàn đến kinh doanh qua net.

Hoa kỳ là quốc gia phát triển kinh tế dựa vào niềm tin. Nền kinh tế Hoa Kỳ dựa chính yếu vào niềm tin giữa người và người, giữa các văn phòng với các văn phòng, giữa các văn bản với các văn bản. Thẻ tín dụng, chi phiếu là đơn vị chính của nền kinh tế Hoa Kỳ chứ không phải là những đồng đô la tiền mặt. Sống ở Mỹ tôi thường chỉ cần giữ trong nhà ít đô la lẻ để cần chi lặt vặt. Còn thì tất cả mọi sinh hoạt từ đổ xăng, đến đi chợ, đi ăn, đi chơi, tôi đều dùng thẻ tín dụng hoặc chi phiếu. Tôi không cần biết người tôi đang mua bán có tin được hay không mà chỉ cần biết họ có dùng cùng loại thẻ tín dụng như tôi hay không. Tôi không có tiền nhiều trong nhà băng, nhưng vì lâu nay tôi thanh toán nợ tốt. Thế là tôi có thể mượn được nhiều thẻ tín dụng để xài trước rồi trả tiền sau. Uy tín của tôi gia tăng vì người ta tin tôi là người trả nợ tốt.

Sự thành công của nền kinh tế Hoa Kỳ đang lan rộng khắp nơi trên thế giới qua hệ thống bán hàng bằng thẻ tín dụng trên net.

Thẻ tín dụng là một miếng nhựa có những con số mà người ta có thể dùng nó để đi mua hàng khắp nơi trên thế giới. Thẻ được một cơ quan tài chánh bảo đảm. Người sở hữu thẻ tín dụng chỉ việc cầm thẻ đi mua và sau đó về trả tiền cho nơi cấp phát thẻ cho mình.

Giống như cái tên "tín dụng" của nó, thẻ dựa hoàn toàn vào sự tin tưởng giữa người sử dụng, cơ quan cấp phát, và cơ sở thương mại chấp nhận thẻ.

Sở dĩ tại Việt Nam dân chúng không ai biết thẻ tín dụng và check book là gì vì giữa dân và các cơ quan không có một sự tin tưởng lẫn nhau.

Tại Việt Nam người ta đã không tin vào các cơ quan công cộng nên người dân đã phải tổ chức ra những nhóm chơi hụi để giúp nhau mượn tiền, thay vì mượn tiền của nhà nước. Nhưng hụi hè không được bảo đảm bởi những văn bản pháp luật, cho nên các màn giật hụi rất phổ thông. Niềm tin vào những món hụi là niềm tin mơ hồ, phó thác vào một sự không tiên liệu được của lòng người.

Một gia sản chiến tranh lâu đời đã khiến cho người Việt Nam mất tất cả mọi niềm tin. Con người không thể tin nhau, vì ngày nay sống ngày mai chết, thế hệ này giàu thế hệ kế tiếp nghèo, ban ngày là bạn Quốc Gia ban đêm có thể là thù Cộng Sản...

Niềm tin là phó sản của một sự vững chắc. Xã hội Việt Nam với nét văn hóa phá hoại của chiến tranh nên niềm tin trong tâm hồn và trong xã hội Việt Nam nó ở cuối đáy của cái bồ giá trị.

Cho nên để bắt kịp với đà tiến hóa kinh tế của nhân loại, người Việt trước hết có lẽ cần phải bắt kịp một hệ thống niềm tin trong xã hội của mình. Cần thiết lập được một niềm tin trong xã hội của chính họ. Cần lập lại một sự tin cậy lẫn nhau trước. Sau đó mới đi rao bán món hàng niềm tin này được với người ngoài. Niềm tin có vững thì hương hoa kinh tế của nó mới đơm bông kết trái.

Làm sao để xóa bỏ thành kiến "Người Việt ít xem trọng chữ tín" (94) là một thách thức của người Việt trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu hóa, nơi mà chữ tín được xem như là một nền móng vững chắc cần thiết để phát triển lâu đài kinh tế của mọi đơn vị xã hội.

=========

Chú Thích:

90. Băng Sơn. Những Nẻo Đường Hà Nội. Xuân Thu. California, Hoa Kỳ. 1999. Trang 23.

91. Quốc Dũng, Thấy Gì Trong Các Báo Cáo Về Công Tác Xét Xử, Tiền Phong Chủ Nhật, số 23 (49) 1999, ra ngày 5, 12, 1999

92. "Mưa lũ" trên thị trường băng, đĩa nhạc. Nỗi lo có thật.. Phương Nam, Báo Lao Động. http://www.hcm.fpt.vn/infostore/Am-nhac/2000/10/39F6364A.htm

93. "They have a triple inheritance: Confucian, from China; French, during the colonial period: Russian from the days of what the locals call "The American War". I've been in my share of state-run countries, from the old Soviet Union and the old Eastern bloc to China, and I can tell you: Vietnamese lead the world in rubber stamping. Vietnam's Economy Is Misleading. Howard Fineman. Newsweek . http://www.msnbc.com/news/401564.asp 30.4.2000

94. Nhược Điểm Của Dân Ta Là Gì.

"Trung tâm Nghiên cứu tâm lý dân tộc tại TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm về "Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ". Tại buổi tọa đàm này, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định những ưu điểm, bản sắc tốt đẹp của dân tộc như dũng cảm, bất khuất, thông minh, cần cù, hiếu học, hiếu khách, trọng "nhân - nghĩa - lễ- trí - tín"..., những người tham dự cũng đã chỉ ra những cái dở của người Việt chúng ta như "tâm địa nông nổi, hay liều", "tâm lý tiểu nông"; (thể hiện ở sự tính toán chật hẹp, thói ganh ghét, đố ky....); tính ưa nói khoác, ít xem trọng chữ tín, thích khoe khoang, hay "sĩ diện", coi "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp"; ý thức trách nhiệm không cao, nhất là tư tưởng cục bộ, địa phương chủ nghĩa v.v... Tất cả những nhược điểm nói trên là "rào cản" đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang tiến hành.

Dân tộc ta vốn có nhiều ưu điểm; nhờ những ưu điểm ấy, chúng ta mới tồn tại được đến nay. Nhưng những nhược điểm của dân ta cũng là điều có thật, mà nếu không thẳng thắn chỉ ra và tìm cách khắc phục, chúng ta khó lòng tiến nhanh, tiến mạnh, rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước tiên tiến trên thế giới.

Về ý thức cộng đồng, tôi nghĩ chúng ta còn kém người Hoa. Những cộng đồng người Hoa ở nước ngoài thường có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn sinh sống, không tranh mua, tranh bán, giành giật, chèn áp nhau như một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Về tính tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành luật pháp và những quy ước của xã hội, chúng ta còn kém người Nhật, người Hàn Quốc, người Singapore.

Nhưng điều kìm hãm sự phát triển của đất nước chính là thói ganh ghét, đố kỵ, chỉ sợ người khác hơn mình. Tôi từng nghe có người phát biểu, đại ý: nếu đem so một người Việt với một người Nhật thì người Việt thường giỏi hơn, thông minh hơn. Hai người Việt so với hai người Nhật thì được việc ngang nhau. Nhưng ba người Việt thì không bằng ba người Nhật, lý do: người Nhật hợp tác với nhau tốt hơn chúng ta. Lịch sử dân tộc ta cũng nhiều lần thể hiện điều này: Khi đất nước gặp hiểm họa ngoại xâm thì mọi người chung lưng đấu cật để chống kẻ thù chung; nhưng khi giặc bị đánh đuổi rồi thì nội bộ lại tranh nhau quyền lợi, địa vị, dẫn đến bè phái, mất đoàn kết, khiến thế nước bị suy yếu, không th vươn lên thành "rồng".

Có thể thấy bài học này trong lịch sử về khởi nghĩa Tây Sơn: năm 1786, Nguyễn Huệ tán thành kế hoạch của Nguyễn Hữu Chỉnh, tự ý đem quân ra Bắc Hà "phù Lê diệt Trịnh" khi chưa được lệnh của ông anh Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc bèn tức tốc dẫn một toán quân ra Thăng Long triệu hồi Nguyễn Huệ về, vì sợ người em anh hùng của mình có ý đồ gì không tốt chăng? Năm sau (1787), Nguyễn Huệ. lại đem quân từ Phú Xuân (Huế) vào Quy Nhơn vây đánh Nguyễn Nhạc, đến nỗi Nguyễn Nhạc phải lên thành kêu khóc, Nguyễn Huệ mới rút quân về. Đến năm 1793 (sau khi Quang Trung mất), quân Nguyễn Ánh tấn công Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc phải cầu cứu con Quang Trung là Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Lợi dụng thời cơ, sau khi giúp đánh đuổi quân Nguyễn ánh, các tướng lĩnh Phú Xuân (Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung...) đã hiếp chế Nguyễn Nhạc, vét sạch của cải, kho tàng ở thành Quy Nhơn, khiến Nguyễn Nhạc uất lên mà chết. Vua Cảnh Thịnh bèn phong cho con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo tước Hiếu Công, cho ăn lộc một huyện gọi là "Tiểu triều", rồi cử Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành Quy Nhơn. Nguyễn Bảo ngầm bất mãn, sau đó (năm 1798) định theo hàng Nguyễn Ánh, nhưng bị Cảnh Thịnh cho người bắt giết đi. Các tướng lĩnh Tây Sơn cũng kết thành phe đảng, giết hại lẫn nhau, khiến thế lực Tây Sơn từ đó ngày càng suy yếu, cuối cùng mất vào tay Nguyễn Ánh.

Nhưng đó là chuyện xưa. Còn hiện nay có tình trạng - cũng khá phổ biến - là kèn cựa, tranh giành địa vi. ở không ít cơ quan, ban ngành. Cứ nhìn vào một số đơn vị có đông "thủ phóh, rất dễ nhận thấy: nếu thủ trưởng còn yên ổn tại vị, tình hình chưa đến nỗi phức tạp lắm. Nhưng khi thủ trưởng chuẩn bị nghỉ hưu chẳng hạn, sẽ diễn ra một "chiến dịch" cạnh tranh ráo riết giữa mấy ông phó, không loại trừ các thủ đoạn tung tin nói xấu, loại nhau để ngoi lên. Thà rằng cấp trên cử người khác đến làm trưởng, chứ các ông phó tại chỗ ít ông nào chịu ông nào... Cách đây không lâu, tôi nghe râm ran truyền miệng câu: "Thấy giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh thì không sử dụng", phải chăng cũng là một nhận xét thâm thúy và chua chát về tính cách của người Việt mình?

Tôi hoàn toàn không có ý phóng đại những nhược điểm của người Việt Nam - vì tôi cũng là một thành viên trong cộng đồng, mà qua bài viết này, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Muốn làm nên sự nghiệp lớn, trước hết chúng ta phải tự hiểu mình, hiểu những ưu điểm và cả những nhược điểm của dân tộc mình để phát huy hoặc khắc phục. Không có một đất nước, một dân tộc nào chỉ có toàn ưu điểm và thuận lợi, do đó, nếu chỉ đề cao một chiều dân tộc mình là tự ru ngủ, tự lừa dối, từ đó khó có thể tránh khỏi sai lầm, vấp váp, cản trở bước đường đi lên. Từ ngàn xưa, Tôn Vũ - một nhà quân sự đại tài - đã nói: "Biết người, biết ta: trăm trận trăm thắng!" Câu nói ấy, theo tôi, là chân lý muôn thuở". Phan Trọng Hiền, Saì Gòn Giải Phóng Thứ Bảy. Số 502, 30.9.2000.

Lê Thị Huệ

© Lê Thị Huệ

đọc thêm về VHTT tại đây